Ý KIẾN CỦA HÒA THƯỢNG LÊ KHÁNH HÒA
TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO
LÊ SƠN
sao lục của GS TRẦN VĂN GIÀU
Ngoài đời thì dân đòi cải cách này, tự do kia. Trong Phật giáo thì một số người càng ngày càng đông muốn sửa đổi những lề thói hủ lậu đã làm mất uy thế của đạo Phật, nhằm đưa đạo Phật vào hoạt động xã hội. Ấy cũng đều là sự đấu tranh giữa cũ và mới, bảo thủ với chấn hưng.
Hiện tượng chấn hưng Phật giáo
Vì sao phải “chấn hưng Phật giáo”?
Ý tưởng “chấn hưng Phật giáo” được trình bày rải rác trên báo chí quốc âm từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Những năm 1923 - 1924, trên tờ Đông Pháp thời báo (ở Sài Gòn) có đến mấy chục bài viết về “Phật giáo lược khảo”, trong đó người viết đặt ra cho các nhà trí thức nhiệm vụ góp phần “chỉnh đốn Phật giáo trong xứ”. Từ đó, Phật giáo được nói đến ngày càng nhiều, đặc biệt là từ năm 1926. Bắt đầu từ năm 1931 (ta hãy chú ý đến năm này vì ý nghĩa chính trị, xã hội của nó, những hội nghiên cứu Phật học, những tạp chí Phật học nối nhau ra đời ở Nam kỳ, ở Trung kỳ, tạo thành một phong trào tuy không sôi nổi rầm rộ như Cao Đài, nhưng không phải không có ý nghĩa chính trị, không phải không có một bề sâu tư tưởng, nó tạo ra một số tiền đề, điều kiện cho lực lượng Phật giáo sau chiến tranh thế giới thứ hai:
- Vào những năm 1925 - 1926, người ta chú ý tới trong số các thính giả đi hoan hô Nguyễn An Ninh, Phan Chu Trinh diễn thuyết ở đường Lăng-da-rốt-tơ hay ở trụ sở Bắc Kỳ ái hữu (Sài Gòn) có hàng chục cái đầu thanh niên cạo bóng. Hôm đi rước Bùi Quang Chiêu, có hơn 20 ông sư trẻ. Bị chất vấn “ai xui thầy chùa đi biểu tình”, giáo thọ Thiện Chiếu thuộc chùa Linh Sơn đã viết bài trả lời trên báo rằng: “Thuyết từ bi cứu khổ của Phật tử xui Phật tử tham gia những cuộc vận động yêu nước thương dân chớ không ai xui cả”. Đó là một hiện tượng xã hội góp phần nói lên rằng cao trào dân tộc dân chủ 1925 - 1926, có ảnh hưởng đáng kể đến Phật tử, nhà chùa, đến tầng lớp sư tăng trẻ tuổi. Người ta biết rằng lúc này ở Bắc Kỳ, Trung kỳ, một số nhà chùa đã ít nhiều tham gia vào cuộc vận động đòi ân xá Phan Sào Nam và khắp nước Việt Nam, nhiều sư sãi dự các cuộc đưa đám Phan Tây Hồ. Sóng gió chính trị đập vào tường chùa lâu nay êm đềm tịch mịch, chư Phật cũng khó bề mà nhắm mắt nhập định mãi được. Ngoài đời thì dân đòi cải cách này, tự do kia. Trong Phật giáo thì một số người càng ngày càng đông muốn sửa đổi những lề thói hủ lậu đã làm mất uy thế của đạo Phật, nhằm đưa đạo Phật vào hoạt động xã hội. Ấy cũng đều là sự đấu tranh giữa cũ và mới, bảo thủ với chấn hưng. Nhiều Phật tử, sư tăng muốn đạo Phật đóng vai trò gì đó trong sự tiến bộ của dân tộc Việt Nam; họ không ít lắm, nhưng chưa phải là đông đảo gì. Đường tiến tới đó của dân tộc, họ vẫn mờ mờ như buổi khuya sớm, gà cất tiếng nhưng ánh dương chưa chiếu góc trời Nam.
- Một tiền đề điều kiện khác của ý muốn chấn hưng Phật giáo là vào cuối 1925 đầu 1926, đạo Cao Đài ra đời, hoạt động rầm rộ, thu hút đông đảo nhân dân các tỉnh Nam kỳ. Nhiều địa phương, Phật giáo mất tín đồ, mất cả chùa nữa. Các nhà sư đều phản ứng, các nhà Phật học thì bất mãn. Huống chi đạo Cao Đài lớn tiếng khẳng định không phải hoàn toàn không có căn cứ - rằng các tôn giáo cổ truyền (gồm cả đạo Phật) đã hư hỏng nên “Đại đạo tam kỳ phổ độ” mới nảy sinh. Muốn đương đầu với phong trào Cao Đài, thì các Phật tử phải làm sao đây? Điều chắc chắn là có nhiều tệ nạn tồn tại nơi cửa Phật, không thể chối cãi được; cần phải chỉnh đốn Phật giáo; cần phải chấn hưng Phật giáo.
- Phần nữa, lúc này ngoài biên cương nước Việt Nam, ở Trung Quốc và Nhật Bản đang nảy sinh và phát triển một phong trào chấn hưng Phật giáo. Tại Nam Kinh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… thấy mọc lên nhiều viện nghiên cứu Phật học, nhiều trường đào tạo tăng đồ; nhiều sách báo được xuất bản, trong số đó tạp chí Hải Triều âm được nhiều người Phật tử Việt Nam ưa thích. Thái Hư Hòa thượng được một số nhà sư Việt Nam có học thức hâm mộ. Hoạt động chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc khuyến khích hoạt động chấn hưng Phật giáo Việt Nam.
- Ý kiến chấn hưng Phật giáo được trình bày đi trình bày lại trên các báo và các diễn đàn những năm từ 1926 - 1927 đến 1930 - 1931, mà chưa đem lại một thành tích cụ thể nào; thực dân Pháp và triều đình Huế đều không muốn cho người Việt Nam tự tổ chức, dù là tổ chức tôn giáo, nếu tổ chức ấy không do chúng nó kiểm tra một cách chặt chẽ. Nhưng vào những năm 1930 - 1931, nổi lên khắp Việt Nam một cao trào cách mạng quần chúng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, làm điên đảo thực dân Pháp và rung động triều đình Huế. Trong tình hình này, Pháp thấy có thể, đồng thời với sự đàn áp bằng vũ lực, sử dụng mọi vũ khí tinh thần để đấu tranh chống lại cách mạng trên mặt trận tư tưởng, ý thức. Vì vậy, thống đốc Nam kỳ cho commi Chấn đứng ra chủ trương thành lập Hội Nghiên cứu Phật học và tờ tạp chí Từ bi âm ra đời từ tháng giêng năm 1932. Rồi sau đó, tháng 6 năm 1933, tờ nguyệt san Viên âm ra đời ở Huế làm cơ quan nghiên cứu của Hội Phật học Trung kỳ. Tháng 11 năm 1934, tới phiên Hội Phật giáo Bắc Kỳ được phép thành lập, do tổng đốc Hoàng Trọng Phu và tổng đốc Nguyễn Năng Quốc đứng đầu; năm sau Đuốc tuệ ra đời, làm cơ quan tuyên truyền của hội ấy. Dù ở Nam, ở Trung hay ở Bắc, các hội Phật giáo vừa kể trên đều do thống đốc, khâm sứ, thống sứ và một số quan chức Tây, Nam tai to mặt lớn làm chủ tịch hay hội viên danh dự cả. Tất nhiên, các hội Phật giáo ra đời từ 1932 đến 1934 ở ba kỳ không phải chỉ do ý muốn của Pháp. Một số Phật tử Việt Nam cũng đã “tương kế tựu kế” mà làm cái việc chấn hưng Phật giáo, chấn hưng Phật học, tập hợp tín đồ, không nhất thiết ai ai cũng phải làm theo ý muốn của Tây, nhưng lúc ấy rõ ràng là ngay những người thật có tâm huyết với Phật giáo cũng không hề có ý nghĩa là dùng các hội Phật học để chống lại chế độ thực dân, họ chỉ có ý muốn truyền bá đạo đức, cải hóa phong tục. Nhiều lắm thì cảnh “khá” của phong trào chấn hưng Phật giáo trong những năm 1930 chỉ là một phong trào có tính chất dân tộc cải lương một cách hời hợt.
Những người chủ trương “chấn hưng Phật giáo” nói về lý do, ý nghĩa, mục đích của cuộc chấn hưng này:
Những tệ lậu phong Phật giáo Việt Nam trước khi có phong trào chấn hưng thì chính các Phật tử và những ai quan tâm đến vấn đề, đã nói rất nhiều; chỉ cần ghi lại một số ý kiến có tính chất tiêu biểu.
Bài “Phật giáo ở nước ta vì đâu chịu cái hiện trạng suy đồi?” của cư sĩ Khánh Vân viết trong số 18 tạp chí Duy tâm (Nam kỳ) cho rằng: Nhân hư, pháp bất hư, đạo Phật suy đồi vì thầy chùa không hiểu đạo Phật hoặc khinh thường giới luật:
“Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngải, luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, đồng nhi, khi ông lên lúc bà xuống, ngáp vắn ngáp dài như phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thực ra là lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, mở rộng túi tham vơ vét cho sạch sành sanh. Than ôi! Họ phải ma vương sao mà làm chuyện trò cười cho ngoại đạo? Vậy mà cũng lên mặt trụ trì! Hiện trạng như thế, bảo sao chẳng suy đồi, làm tấm bia cho các nhà duy vật mỉa mai?”.
Thanh Quang, trong báo Đuốc tuệ số 178 (Bắc Kỳ), kể ba khuyết điểm của tăng đồ về văn hóa, giáo dục và đoàn thể, đã viết:
“Đau đớn thay! Xứ ta, những hạng người xuất gia vào chùa phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lãnh đám này mai lãnh đám khác; cũng tràng hạt, cũng cà sa, thử lật mặt trái của họ mà xem thì có khác nào người trần tục?”.
Phật tử phê phán Phật giáo suy đồi ở trên hai điểm chính đó là: Dốt và Hư.
Duy có quan tổng đốc hồi hưu Nguyễn Năng Quốc thì để lộ khá rõ ý đồ của nhà cầm quyền. Trong buổi lễ suy tôn sư tổ Vĩnh Nghiêm (ngày 18 tháng chạp năm Ất Hợi, tức 12 tháng 1 năm 1936) làm “Thiền gia pháp phủ” Bắc Kỳ, có thống thứ Tô-lan-xơ dự, Nguyễn Năng Quốc đọc một bài diễn văn trong đó có đoạn nói:
“Đạo ấy (đạo Phật) vốn không bao giờ can thiệp đến việc chính trị trong nước, thế mà về đường tinh thần lại có ảnh hưởng rất lớn đối với tình hình và phong tục của người trong nước. Bởi vậy cho nên muốn tìm cách mà duy trì lấy đạo ấy, nhất là đang lúc giao thời, mới cũ xung đột, chưa biết lấy gì làm chuẩn đích cho sự sinh tồn, thì đạo ấy chính là môn thuốc cứu đời rất hay”.
Vậy tổng đốc Nguyễn Năng Quốc khẳng định không úp mở lắm rằng: Y và các quan Tây muốn xem Phật giáo là một yếu tố “bình trị” trong cái đời náo động ngày nay. Nghề của họ là cai trị là thâu tóm, thì họ nhảy vào cuộc “chấn hưng Phật giáo” này đâu phải chỉ vì triết lý thâm viễn của Thích Ca!
Khác với Duy tâm (Nam kỳ) và Đuốc tuệ (Bắc Kỳ), tờ Viên âm số 14 (Trung kỳ) trả lời cho bài Phong trào Phật giáo phục hưng của Hải Triều (đăng trên báo Tràng An), có nêu lên ba mục tiêu của sự chấn hưng Phật giáo; ba mục tiêu ấy là: “Vì sự tấn hóa của trí thức người xứ ta về mặt luận lý; vì khoa học tuy đánh đổ sự mê tín nhưng tự mình không có năng lực tạo thành hạnh phúc cho nhân loại; vì phải có một đạo lý vững vàng để làm cho khoa học phục tỉnh, để đào tạo đức tính của loài người”. Như thế là Viên âm cho rằng: Sự tiến bộ tri thức, đạo đức của người Việt Nam đòi hỏi phải chấn hưng Phật giáo. Viên âm có tham vọng dùng đạo lý Phật giáo bổ sung cho khoa học để mang lại hạnh phúc cho con người!
Nói chung thì từ những năm 30 cho tới những năm 40, các Phật tử, sư tăng vận động chấn hưng Phật giáo nhằm:
Thứ nhất là, truyền bá lại đạo Phật về căn bản đã thất truyền; họ dùng quốc ngữ để dịch kinh, viết sách, viết báo phổ biến tư tưởng Phật giáo, lịch sử Phật giáo; đây là lần đầu tiên mà Phật giáo được đi đến độc giả bằng chữ quốc ngữ. Kinh luận trước kia tuy nhiều nhưng toàn là bằng chữ Hán mà chỉ cao tăng mới hiểu nổi, song chưa chắc có đông thầy chùa đã hiểu đến nơi đến chốn.
Thứ hai là, lập một số trường đào tạo tăng ni ít nhiều có căn bản Phật học. Loại trường đó, lâu nay không thấy có, cho nên Phật học thất truyền mà tăng ni thì mờ mờ ảo ảo về học thuyết của Thích Ca, tất không thể tu hành đúng hướng, càng không thể truyền bá đạo Phật thực sự và không thể chống trả với khuynh hướng tôn giáo khác khi họ công kích Phật giáo.
Thứ ba là, đem lại cho đạo Phật cổ truyền một tinh thần mới “hợp với thời đại”, “bổ sung cho khoa học”.
Thứ tư là, tập hợp lực lượng Phật giáo từng địa phương từng kỳ, nhằm một mục đích tổ chức cao hơn, tức là thống nhất các sơn môn, thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Trước mắt, các nhà vận động chấn hưng Phật giáo muốn thức tỉnh Phật tử, khiến Phật tử thôi co mình vào kinh kệ mà dang tay ra làm việc xã hội cho hợp với tôn chỉ cứu khổ, cứu nạn của Phật. Tất nhiên là lúc bấy giờ xu hướng thống nhất lực lượng Phật giáo còn rất rụt rè; và Pháp, bao giờ, ở đâu, cũng “chia để trị”, nó cản trở, ngăn cấm sự thống nhất đó, nó còn xui phe này chống phái nọ, nói xấu nhau càng nhiều càng hay; nó không muốn các tổ chức Phật giáo tham gia trực tiếp vào hoạt động chính trị dân tộc, dân chủ; trái lại, nó cố làm sao cho sự hoạt động của các hội Phật giáo nhằm góp phần kéo nhân dân ra xa với chính trị, xa với cách mạng. Tuy vậy, thời thế xã hội không thể nào không ảnh hưởng đến phong trào Phật giáo. Ở Linh Sơn tự, lúc Thiện Chiếu còn là giáo thọ ở đó, khách xa gần thấy dán ở cửa chính một cặp câu đối lạ:
“Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế,
Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh”1.
Một lớp sư tăng trẻ xuất gia để “tìm đường” tiến bộ trong học thuyết Thích-ca. Trước khi “Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội” được phép lập và Từ bi âm ra đời, một nhóm Phật tử và nhà sư tiến bộ đầy nhiệt huyết, trong đó có Từ Nhẫn, Chơn Huệ, Thiện Viện… tổ chức ra Phật học viện, còn Thiện Chiếu thì tìm mua đủ kinh Đại tạng về chứa ở Linh Sơn tự và lập Phật học thư xã; họ ra tờ báo Phật hóa Tân thanh niên với sự giúp đỡ của cây bút yêu nước Trần Huy Liệu. Nhưng Pháp không để cho họ hoạt động; tòa báo vừa mở cửa thì liền bị đóng cửa; Hội bị giải tán, Pháp biết rằng khó ngăn mãi ngọn nước ứ, nó ra sức khai thông qua phía họ, cho nên thống đốc Nam kỳ đưa tay sai phòng nhì là com-mi Chấn đứng ra lập hội, xuất bản sách báo, gạt cánh sư trẻ tuổi đầy nhiệt huyết sang một bên.
Mấy “kết quả” của cuộc vận động “chấn hưng Phật giáo”:
Nói về mặt tuyên truyền cho Phật giáo, thời gian từ những năm 30 đến những năm 40, thấy có nhiều báo chí, sách Phật giáo ra đời, một hiện tượng trước kia chưa từng xảy ra. Tạp chí thì có: Từ bi âm, Duy tâm, Viên âm, Đuốc tuệ, Niết bàn, Tiến hóa… Báo thì có: Phật hóa tân thanh niên, Tiếng chuông sớm, Pháp âm…Sách vở khá nhiều, sách viết, sách dịch. Chủ yếu để phổ biến lịch sử Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng và thảo luận các vấn đề quan trọng của đạo Phật kể cả những vấn đề triết lý cao sâu. Đó là chưa kể rất nhiều cuộc diễn thuyết, thuyết pháp. Không phải không có mấy tờ báo tiến bộ và yêu nước của Phật giáo: Phật giáo Tân thanh niên (Sài Gòn), Tiến hóa (chùa Tam Bảo, Rạch Giá), Pháp âm (Hội Cư sĩ tịnh độ, Chợ Lớn).
Nói về mặt đào tạo tăng ni, Phật tử thì Hội Lưỡng Xuyên Phật học (Nam kỳ) có lập một trường Phật học. Trường Phật học Bắc Kỳ tập hợp đông học trò hơn. Quy mô nhất, chia làm ba cấp (sơ, trung, cao đẳng) là trường Phật học đầu tiên. Ở Huế bên cạnh tờ Viên âm của Hội Phật học Trung kỳ. Đó là những bước đầu chập chững, ít nhiều tạo điều kiện tiền đề cho sự xuất hiện Viện Đại học Phật giáo và các ông tiến sĩ Phật học sau này.
Nói về mặt tập hợp lực lượng thì đạo Phật lúc này cũng có những nỗ lực để tiến tới trước. Từ chỗ hầu như không có tổ chức gì cả, đạo Phật ở Việt Nam bắt đầu có những tổ chức tuy hãy còn rời rạc; ngay cả trong mỗi xứ (Bắc, Trung, Nam), tổ chức Phật giáo cũng còn rời rạc. Trên lý thuyết thì phần đông đều tán thành lập Tổng hội Phật giáo chung cho cả nước Việt Nam, nhưng Pháp chưa muốn. Pháp không muốn thì dù ai có thiện chí mấy cũng chẳng làm gì được một cách công khai, hợp pháp. Cho nên các hội Phật giáo ba kỳ đều đứng riêng, chỉ liên lạc với nhau thôi. Mối liên lạc giữa Phật học hội Huế và Hà Nội có phần mật thiết, đứng đầu hai hội đều là đại thần của triều đình. Trong Nam kỳ thì nảy sinh cuộc xung đột gay gắt giữa Lưỡng Xuyên Phật học hội, tức nhóm Duy tâm với Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học tức nhóm Từ bi âm; họ công kích nhau nảy lửa.
Dù sao ở từng kỳ, các lực lượng Phật giáo cũng bắt đầu tập hợp
Theo báo cáo của Nguyễn Năng Quốc thì một năm sau khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập, trong hội đã có hơn 2.000 tăng ni và hơn 10.000 hội viên Phật tử; bên tăng ni, ban trị sự đặt ra những quy tắc, rồi suy tôn sư Vĩnh Nghiêm làm Thiền gia giáo chủ; bên tín đồ thì phần nhiều các tỉnh đều lập tỉnh hội.
Trong cuộc đại hội Phật giáo ngày 14 tháng 8 năm 1938 tại chùa Từ Đàm (Huế), Hội Phật giáo Trung kỳ cho biết rằng vào cuối năm 1937, tổng số hội viên là 3.000, đến Chiến tranh thế giới thứ hai, tỉnh nào của Trung kỳ, kể cả các tỉnh Tây Nguyên, cũng đều có tỉnh hội Phật giáo.
Ở Nam kỳ, lực lượng Phật giáo phân hóa nhiều nhất, Hội Phật giáo Tương tế do chùa Tam Bảo chủ trương thì bị nhà cầm quyền thực dân giải tán (chùa Tam Bảo năm 1940 bị khủng bố nặng nề, Pháp xét bắt được ở đó một xưởng làm tạc đạn). Hội Lưỡng Xuyên Phật học thì tàn lụi dần đến chết. Duy có Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học của com-mi Chấn thì tồn tại và ít nhiều phát triển, nhưng nó lại bị nhiều sơn môn công kích là cậy thế người Pháp và cố ý tuyên truyền mê tín.
Lực lượng Phật giáo trong thời gian lịch sử giữa hai cuộc chiến tranh thế giới vẫn chưa đáng kể lắm, vẫn còn rời rạc; các hội Phật giáo lúc bấy giờ thực tế vẫn là lo học, lo nghiên cứu, truyền bá, chớ chưa tham gia vào những sự hoạt động xã hội mà bên Công giáo thường làm. Họ chưa thoát ra khỏi cái thái độ yếm thế, mặc dầu họ đã lên tiếng công kích những ai cho Phật giáo yếm thế.
Những vấn đề tư tưởng mà cuộc vận động “Chấn hưng Phật giáo” đã đề ra
Trong cuộc vận động “chấn hưng Phật giáo” này, các Phật tử, các nhà Phật học chẳng những lo chỉnh đốn hàng ngũ tăng đồ, cải cách việc thờ phụng; họ còn chú trọng đến việc xác định giáo lý, làm sáng tỏ tư tưởng Phật giáo; chính đó là một đặc điểm đáng kể của cuộc vận động tôn giáo này. Ở đây, chúng tôi xin ghi lại một số vấn đề tư tưởng được đương thời thảo luận sôi nổi nhất.
Vấn đề có hay không có Thượng đế sáng tạo muôn loài
Một trong những vấn đề tư tưởng được thảo luận nhiều nhất và sôi nổi nhất, được công chúng trong và ngoài đạo Phật chú ý đến nhất là vấn đề sau đây: Đạo Phật là hữu thần hay vô thần? Đạo Phật thừa nhận hay phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế sáng tạo vũ trụ, vạn vật và nhân loại? Chúng tôi xin lược thuật các cuộc tranh luận chớ không đi sâu vào sự phê phán vũ trụ quan của Phật tổ, của các trường phái Phật giáo, của các nhà Phật học Việt Nam; việc đó chúng tôi đã hoặc sẽ làm ở nơi khác, lúc khác.
Vấn đề đạo Phật vô thần hay hữu thần, đạo Phật thừa nhận hay phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế là một vấn đề rất cổ và xưa nay, Đông Tây, người ta đã bàn nát nước rồi. Có gì mới đâu. Nhưng ở Việt Nam, phải đợi đến thời kỳ lịch sử giữa hai cuộc chiến tranh thế giới thì mới trở nên sôi nổi, có tính chất thời sự, chính vì lúc này, đặc biệt là từ năm 1930, tư tưởng cách mạng Mác - Lênin ăn sâu và lan rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân ta, phong trào giải phóng dân tộc và xã hội rầm rộ phát triển trên cơ sở của tư tưởng ấy, khiến các hệ thống tư tưởng đạo đức cũ đều phải đem ra đánh giá lại; một mặt thì những người tiến bộ muốn soạn lại xem trong kho vũ khí còn cái gì dùng được hay không; mặt khác, phe phản động và thực dân ra sức lợi dụng các tư tưởng hủ bại quen thuộc làm vũ khí đắc lực để ngăn trở mọi sự tiến bộ của nhân dân Việt Nam ta. Phong trào quần chúng, cụ thể là phong trào dân chủ 1936 - 1939, như một chất kích thích tiêm vào cơ thể xã hội, như một chiếc roi quất vào bàn tọa của con ngựa ý thức, khiến nó lồng lên. Sự va chạm của các ngòi bút dù hay dù dở đã chứng minh rằng trí tuệ của người Việt Nam không phải chỉ sà sà ở ngọn cỏ. Các vấn đề tư tưởng được thảo luận đều có liên quan xa hay gần, gián tiếp hay trực tiếp đến quá trình cách mạng Việt Nam và ở đây chúng ta thuật lại các cuộc tranh luận là dưới góc độ ấy chớ không phải thuần trên sách vở.
Ý kiến của Nguyễn An Ninh về quan hệ giữa đạo cứu khổ với quan niệm trời
Gần giữa những năm 1930, một cuốn sách khá quan trọng ra đời, quyển Phê bình Phật giáo của Nguyễn An Ninh. Trong sách này có đoạn viết: “Sinh ra cách hai nghìn năm trăm năm nay, liền sau đạo Bà-la-môn là một tôn giáo lý luận một cách hết sức hoang đường về trời, về vũ trụ, mà đạo Phật lại có cái đặc biệt là không bao giờ nói đến trời. Một hôm, có người đến học đạo với Phật, mở đầu hạch vấn Phật về trời, về vũ trụ lớn hay nhỏ, có ranh giới hay không ranh giới, thì Phật trả lời:
“Ngươi như người bệnh, ta là người chữa bệnh. Trước hết ngươi phải để ý đến chỗ ta chữa bệnh đã. Hỏi mênh mông bậy bạ rồi mới chịu uống thuốc, hỏi mà làm chi? Ngươi mắc trong biển khổ, nhưng câu hỏi của ngươi không dắt ngươi ra khỏi được biển ấy. Hãy nghe ta dạy cứu khổ trước đã”. Với thuyết cứu khổ của Phật, quan niệm trời không có quan hệ. Cũng như La-pla-xơ khi lập thuyết của ông ta về vũ trụ, Na-pô-lê-ông hỏi sao không nói đến trời, thì ông trả lời: “Tâu hoàng thượng, tôi không cần giả thuyết ấy”.
Đó cũng là ý kiến của các nhà nghiên cứu Phật giáo nghiêm túc bậc nhất ở Ấn Độ, ở châu Âu, như Ôn-đen-be (người Đức), Ri-xơ Đa-vít (người Anh), Ra-đa-cri-xnan (người Ấn Độ). Trong sách Triết học Ấn Độ, chương VII nói về “Chủ nghĩa duy tâm đạo lý của Phật giáo nguyên thủy”, ông Ra-đa-cri-xnan có nói rằng: “Phật tổ không xây dựng đạo lý trên nền tảng đá núi của sự vật”. Ông viết rằng, Phật tổ “ra sức chuyển trung tâm từ chỗ thờ phụng Thượng đế sang chỗ phục vụ con người”; và ông cũng viết: “Trong Phật giáo nguyên thủy, chúng ta thấy ba đặc điểm nổi bật: Sự nhiệt tình về đạo lý, sự vắng mặt của bất kỳ một khuynh hướng nào về thần quyền và sự từ chối tư biện siêu hình”. Các nhà nghiên cứu Phật giáo có uy tín đều đồng ý với nhau rằng Phật tổ nhờ nắm chắc luật nhân quả nên không công nhận sự can thiệp thiêng liêng trong quá trình vũ trụ, ngài muốn “lập một tôn giáo trong giới hạn thuần lý”.
Ôn-đen-be, Ri-xơ Đa-vít, Nguyễn An Ninh đều cho rằng đạo Phật là vô thần, đạo Phật phủ nhận Thượng đế sáng tạo vũ trụ. Ra-đa-cri-xnan nói rằng: “Phật tổ là một giảng sư hơn là một vị cứu thế”.
Ý kiến của Hòa thượng Lê Khánh Hòa về việc phủ nhận thượng đế
Duy tâm số 5 (tháng 2 năm 1936) có bài Phật giáo với thuyết vũ trụ quan, của An Giang cư sĩ, nhắc lại ý kiến của Phật tổ rằng đạo Phật không đặt vấn đề ai sáng tạo vũ trụ. Vũ trụ là vô thủy, vô chung, biến chuyển theo luật nhân quả vô cùng tận. Tiếp theo đó những số 6, 7, 8 (tháng 3, 4, 5 năm 1936) đăng bài thuyết pháp của Hòa thượng Lê Khánh Hòa giảng tại Hội Lưỡng Xuyên Phật học nhân kỳ đại hội đầu năm bàn về "Quan niệm vũ trụ và nhân sinh của Phật giáo". Cái điều trước hết được Hòa thượng nhấn mạnh là mối quan hệ giữa khoa học hiện đại và Phật học cổ truyền; Hòa thượng cho rằng giữa hai cái học ấy có mối quan hệ độc đáo và mật thiết. Hẳn Hòa thượng muốn gỡ ngay cái nhãn mê tín dị đoạn khỏi đạo Phật:
“Tôi vốn là một nhà Phật học chớ không phải một nhà thực nghiệm khoa học, nên không dám phê bình khoa học; nhưng theo lý học thì Phật pháp tức khoa học, khoa học tức Phật pháp; khoa học là “tướng”, Phật pháp là “tính”; khoa học là “dụng”, Phật pháp là “thể”; khoa học là “sự”, Phật pháp là “lý”; khoa học là “hình thức”, Phật pháp là “tinh thần”. Chưa hề có tướng mà không tính, có thể mà không dụng, có sự mà không có lý, có hình thức mà không có tinh thần bao giờ. Bởi cái bệnh vĩ ngã đã thông thường, phái duy tâm thì bài xích phái duy vật, phái duy vật lại khích bác phái duy tâm, ai chấp sở kiến này, kẻ chấp lý bỏ sự, người chấp sự bỏ lý, mới sinh ra phân biệt bỉ thử. Thật ra, Phật pháp không ngoài khoa học, khoa học cũng không ngoài Phật pháp; Phật pháp khoa học viên dụng mới hoàn toàn sự lý”.
Không phải là ông Lê Khánh Hòa cố thỏa hiệp tôn giáo với khoa học; Hòa thượng chỉ muốn thỏa hiệp Phật giáo với khoa học mà thôi, vì cho rằng trong tất cả các tôn giáo lưu hành trên thế giới ngày nay; duy có Phật giáo là nhất trí với khoa học, hai bên bổ sung cho nhau. Lúc này, ở Bắc, Trung, Nam, đặc biệt là trong Đuốc tuệ (Hà Nội), chỗ nào cũng thấy có Phật tử ra sức chứng minh rằng Phật giáo là khoa học chớ không phải mê tín, là tiên tiến chớ không phải bảo thủ, là cứu đời chớ không phải yếm thế.
Rồi Hòa thượng Lê Khánh Hòa xông thẳng vào việc công kích quan niệm Thượng đế sáng tạo: “Nếu Thượng đế hay cái nhìn xanh xanh tròn tròn là đấng chúa tể đủ nhân đức, năng lực, hoàn toàn tự quyền tạo ra muôn vật, thì tức là một đại từ phụ của muôn vật, sao không dùng công đạo công lý, lại đành nhẫn tâm tạo ra có giống làm người khôn ngoan xảo trá, có giống làm vật ngu độn dại khờ. Lấy riêng về loài người, sao không lấy đức từ bi mà tạo ra một mực bình đẳng như nhau, đủ tài năng khôn khéo đặng hưởng những sự giàu sang hạnh phúc vui khoái của đời, lại khiến cho phần nhiều phải chịu dốt nát, bệnh hoạn mà nghèo hèn, đói rách, thống khổ đủ điều… Ôi! Thượng đế tạo thành cái thế giới vũ trụ nhân sinh này hình như chốn lao ngục, đầy dẫy gông cùm, tội ác, khổ sở, không tốt lành, không bình đẳng, không tự do, không an ổn, làm như thế là làm ơn hay làm hại? Là có công hay có tội? Ở thế gian này, những ai còn có một điểm lương tâm cũng không nỡ hại người, huống chi Thượng đế là một đấng chủ tể tạo vật ở vòi vọi trên cao, đã tạo ra người rồi lại nỡ hại sao?”.
Nói một cách khác: Đã là Thượng đế sáng tạo thì phải toàn lương; mà vô số bằng chứng chứng tỏ rằng nếu có ai tạo ra muôn vật thì kẻ ấy là bất lương, đã bất lương thì không phải là Thượng đế; vậy không có Thượng đế sáng tạo.
Sau khi đưa nhiều lý do khác để phủ nhận Thượng đế sáng tạo, Hòa thượng Lê Khánh Hòa khuyên đạo hữu nên biết hoài nghi theo gương Mông-te-nhơ và Bay-lơ. Nhưng rồi Hòa thượng đưa độc giả vào con đường nhận thức đáng nghi ngờ, dựa vào một câu kệ của Văn Thù Bồ tát, nói: “Vọng động sinh ra hư không, hư không sinh ra tứ đại, tứ đại là nền tảng của vạn vật”, mà người Phật học nghiêm túc không thể tìm thấy trong kinh điển nguyên thủy của Phật giáo.
Số 24 của Duy tâm (tháng 9 năm 1937) có bài Thuyết sinh tử của Trường Tố, trong đó tác giả cắt nghĩa nguồn gốc của vũ trụ không phải bằng Thượng đế, mà bằng “tứ đại” - cái thuyết phổ biến của triết học nguyên thủy Ấn Độ, tương đương với thuyết ngũ hành của triết học nguyên thủy Trung Quốc - nhưng ngoài gió, lửa, nước, đất, còn thêm cái biết và cái không (tức là thuyết “lục đại duyên khởi”). Biết của ai? Ai biết? Cũng như: Vọng động của ai? Ai vọng? Trường Tố và Lê Khánh Hòa cố đuổi mà không nổi ông Thượng đế; họ muốn đi xa hơn Viên âm một bước, kỳ thật là tụt lùi mấy bước.
(Trích Trần Văn Giàu toàn tập, Tập 4/28, bản thảo)
1. Đạo Phật là nhập thế chứ không phải yếm thế, Từ bi lắm lúc phải sát sinh để cứu độ chúng sinh.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết