Thông tin

Ý NGHĨA CỦA TRÍ TUỆ TRONG PHẬT GIÁO

Ý NGHĨA CỦA TRÍ TUỆ TRONG PHẬT GIÁO 

HOANG PHONG

 

"Trí tuệ" là một thuật ngữ Phật giáo thường bị lạm dụng và hiểu sai. Trí tuệ giữ một vai trò như thế nào trong giáo lý nhà Phật? Vị trí của nó ở đâu và tầm quan trọng của nó như thế nào đối với các tông phái và học phái Phật giáo? Sự tương quan giữa Tu tập và Trí tuệ như thế nào? Thiết nghĩ chúng ta cũng nên dành chút thì giờ tìm hiểu ý nghĩa của Trí tuệ trong Đạo Pháp. Bài viết này sẽ cố gắng mang lại một phần nào những lời giải đáp cho các câu hỏi trên đây.

Trí tuệ trên phương diện thuật ngữ

Chữ "Trí tuệ" hay "Tuệ giác" thì tiếng Phạn gọi là Jnana (Xá-na), tiếng Pali là Nana, tiếng Tây tạng là Yé shes, tiếng Nhật là Shi (Trí), tiếng Hán là Xingshi hay là Shi (dịch sang Hán Việt là Trí tuệ hay Trí). Mạn phép được dài dòng như trên đây vì tính cách quan trọng của từ này trong giáo lý nhà Phật. Chữ Jnana trong tiếng Phạn có nghĩa là "sự hiểu biết", chữ Yé shes trong tiếng Tây tạng có nghĩa là "sự hiểu biết chủ yếu" (shes là hiểu biết, yé là chủ yếu). Các ngôn ngữ Tây phương dịch chữ Jnana là Sagesse (tiếng Pháp) hoặc Wisdom (tiếng Anh), hai từ này hoàn toàn không diễn tả được ý nghĩa của chữ Trí tuệ. Đối với các hiện tượng vật chất và tinh thần nói chung thì các ngôn ngữ Tây phương rất phong phú và chính xác, nhưng trong các trường hợp phải đối đầu với các vấn đề siêu hình hay tâm linh, tức là thuộc vào lãnh vực phi-vật-chất, thì người Tây phương thường hay bị lúng túng vì thiếu chữ. Trong phân đoạn dưới đây chúng ta sẽ giải thích tại sao các chữ Sagesse và Wisdom không phản ảnh được ý nghĩa của chữ Trí tuệ.

Cụ Đoàn Trung Còn trong quyển Phật Học Từ điển có đề nghị dịch chữ Trí tuệ là "Science". Dịch như thế có vẻ sát nghĩa hơn vì chữ science có gốc tiếng La tinh là scientia, chữ scientia do chữ scire mà ra, và chữ scire có nghĩa là "hiểu biết". Nói chung thì chữ science (mà người ta thường dịch là khoa học) có nghĩa là một "hệ thống hiểu biết mạch lạc liên quan đến các sự kiện, các vật thể hay biến cố chịu chung một số quy luật nào đó mà người ta có thể kiểm chứng được bằng các phương pháp thực nghiệm". Theo cách định nghĩa ấy thì nếu dùng chữ Science để dịch chữ Trí tuệ thì có vẻ đúng hơn là các chữ Sagesse hay Wisdom. Tuy nhiên người Tây phương đã quen dùng các chữ Sagesse và Wisdom để dịch chữ Jnana.

Trí tuệ còn gọi là Tuệ hay Trí huệ. Trí là quán thấy, huệ là hiểu rõ. Trên phương diện tổng quát Trí tuệ có nghĩa là sự hiểu biết minh bạch và tường tận, và nếu dựa theo cách định nghĩa đó thì Trí tuệ cũng không khác với trí thông minh bao nhiêu. Tuy nhiên theo quan điểm Phật giáo thì Trí tuệ hoàn toàn khác với trí thông minh thông thường, sự khác biệt đó sẽ được trình bày chi tiết trong các phân đoạn dưới đây. Theo quan điểm của Phật giáo thì Trí tuệ có nhiều cầp bậc từ thấp đến cao, và trong một cấp bậc nào đó hoặc trong một số trường hợp nào đó Trí tuệ còn được gọi là Bát-nhã (tiếng phạn là Prajna, tiếng Pali là Panna, tiếng Tây tạng là Shes rab, tiếng Hán là Ban rao, tiếng Nhật là Hannya). Đối với chữ Bát-nhã thì người Tây phương không dịch nữa mà giữ nguyên gốc tiếng Phạn là Prajna.

Một vài đặc tính của trí thông minh

Như chúng ta đã thấy thì ngôn từ hay thuật ngữ chỉ là những quy ước giúp vào việc trao đổi sự hiểu biết với nhau. Sự hiểu biết hay khả năng cảm nhận và diễn đạt của mỗi cá thể con người trước những hiện tượng thuộc môi trường chung quanh được gọi là "trí thông minh", và tất cả mọi người đều có cái trí thông minh như thế. Tuy nhiên vì trí thông minh phát sinh từ kinh nghiệm cảm nhận của ngũ giác đối với ngoại cảnh và lệ thuộc vào các điều kiện giáo dục cho nên trí thông minh rất khác biệt nhau giữa các cá thể con người. Đối với Phật giáo thì sự khác biệt ấy còn bắt nguồn sâu xa hơn nữa vì Phật giáo xem tri thức cũng là một giác quan cảm nhận, do đó trí thông minh không những chỉ phát sinh từ kinh nghiệm cảm nhận của ngũ giác như người ta thường hiểu mà còn có sự tham gia của tri thức. Tri thức lại thừa hưởng những gì thật sâu xa trong quá khứ và ảnh hưởng trực tiếp đến sự cảm nhận cũng như sự diễn đạt của một cá thể trước các hiện tượng. Theo Phật giáo thì tri thức, ngoài những kinh nghiệm cảm nhận thu góp được trong hiện tại còn thừa hưởng thêm kết quả của nghiệp trong quá khứ, và những thừa hưởng ấy giữ một vai trò chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận hành của tri thức nơi mỗi cá thể. Đó là cách mà Phật giáo giải thích sự khác biệt và đa dạng của trí thông minh giữa những cá thể với nhau.

Đến đây cũng xin phép được trở lại vấn đề thuật ngữ. Trí tuệ trong tiếng Phạn gọi là Jnana, tiếng Hy lạp cổ mượn vần jna của tiếng Phạn jnanađể tạo ra chữ gno, chữ gno lại biến thành "gnose" trong tiếng Pháp và "gnosis" trong tiếng Anh. Các chữ gno, gnose hay gnosis đều có nghĩa là "sự hiểu biết". Tóm lại sự hiểu biết hay trí thông minh nói chung là sự cảm nhận và cách diễn đạt đặc thù của con người trước những hiện tượng xảy ra chung quanh. Sở dĩ gọi là đặc thù vì trí thông minh đó không giống với trí "thông minh" của súc vật. Hãy lấy một thí dụ, trong mùa thu vừa qua khi tôi đang cuốc đất trong vườn thì có một người Pháp lớn tuổi đi ngang và bảo rằng khi nào tôi thấy những con trùn (giun đất) chui xuống những lớp đất thật sâu thì mùa đông sắp tới sẽ rất lạnh. Khoa học không hoặc chưa chứng minh được những sự kiện như thế (?), tuy nhiên nếu đấy là một sự thực thì ngay cả loài côn trùng cũng có một thứ thông minh nào đó.

Trí thông minh của con người có phần khác hơn. Thay vì sử dụng trí thông minh của mình để hội nhập với thiên nhiên thì con người lại dùng nó để để tác tạo ra một "cái tôi" cho mỗi cá thể và để tự tách rời mình ra khỏi môi sinh. Kết quả là mỗi cá thể tự tạo ra một thế giới riêng cho mình và đặt cái tôi của mình vào vị trí trung tâm. Đấng sáng tạo cũng chỉ xoay quanh cái tôi ấy, dù cho vị trí của Vị ấy được đưa lên mây xanh cũng thế thôi. Ngoài sự sáng tạo ra một thế giới riêng trong tâm thức, con người còn sử dụng trí thông minh của mình để hủy hoại thiên nhiên và chế tạo khí giới có sức tàn phá lớn lao. Sức sáng tạo của trí thông minh là nguồn gốc trực tiếp hay gián tiếp của mọi khổ đau, con người chẳng những không ý thức được điều này mà còn xem đấy là một niềm hãnh diện nữa. Trí thông minh theo ý nghĩa vừa được mô tả không phải là Trí tuệ theo quan điểm Phật giáo.

Trí tuệ Phật giáo có phải là một cách xử thế hay không?

Trong các thời kỳ cổ đại, những hiện tượng và biến cố thiên nhiên, chẳng hạn như sự xoay vần của mặt trời, đêm tối, sấm chớp, chết chóc, thiên tai... làm phát sinh và nhen nhúm trong đầu người tiền sử một chút ý niệm nào đó về tôn giáo. Khi xã hội được hình thành thì trước những cảnh khó khăn của sự sống, con người dần dần ý thức được sự cần thiết của một hệ thống đạo đức nào đó hầu giúp tránh bớt những phiền toái trong nếp sống tập thể. Nếu tôn giáo tượng trưng cho một thứ xúc cảm hướng vào một sức mạnh cứu rỗi từ bên ngoài thì các nền đạo đức lại dựa vào một số nguyên tắc thuộc lãnh vực lý trí cũng như những kinh nghiệm thực tiễn. Phật giáo không phải là một tôn giáo theo ý nghĩa trên đây và cũng không phải là một hệ thống đạo đức nhắm vào việc kiến tạo một trật tự xã hội. Trí tuệ theo ý nghĩa Phật giáo không giữ một vai trò nào trong cả hai trường hợp vừa kể.

Vì Trí tuệ là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với các quan niệm về tôn giáo và đạo đức trên đây nên chữ Trí tuệ trong giáo lý nhà Phật thuờng được dịch một cách sai lầm sang các ngôn ngữ Tây phương là Sagesse hay Wisdom. Trí tuệ Phật giáo là một khả năng, một phẩm tính của tâm thức, trong khi đó các chữ Sagesse hay Wisdom chỉ có nghĩa là cách xử thế đúng mực, sự khôn ngoan và thận trọng, tóm lại là một hình thức khéo léo hay đạo đức nào đó giúp cho con người thích nghi với xã hội và thiên nhiên. Nếu kê khai ra hết các hệ thống đạo đức của các triết gia cổ đại Hy lạp, Ấn độ, Trung quốc...cho đến các nền "tư tưởng đạo đức" và các "chủ thuyết xã hội" của các triết gia cận đại thì sẽ bất tận, không biết bao nhiêu giấy mực cho đủ. Tất cả những thứ ấy không phải và cũng không tương đương với Trí tuệ Phật giáo.

Thật ra thì Trí tuệ cũng chỉ là một hình thức hay thành phần của trí thông minh, nói một cách khác thì đấy cũng là một sự hiểu biết, nhưng là một sự hiểu biết chuyên biệt, được định hướng rõ rệt, nhờ vào sự rèn luyện và tu tập mà có. Trí thông minh nói chung hàm chứa một sức mạnh và một tiềm năng bộc phát, tỏa rộng ra khắp hướng và thích ứng với mọi môi trường giống như cây rừng và cỏ dại, trong khi đó Trí tuệ là hoa thơm và quả ngọt.

Định nghĩa của Trí tuệ theo giáo lý nhà Phật

Chúng ta đã thấy sự khác biệt giữa trí thông minh và Trí tuệ trên phương diện tổng quát và giờ đây hãy thử phân tích chi tiết hơn về ý nghĩa của Trí tuệ trong Phật giáo. Trí tuệ Phật giáo được định nghĩa là một khả năng nhận thức căn bản, gắn liền với dòng tiếp nối liên tục của tâm thức, bản chất của nó là trống không, trong sáng và rạng ngời. Trí tuệ còn được định nghĩa như là một khả năng nhận thức giúp "nhìn thấy"hay quán nhận được bản thể đích thực và tối hậu của mọi hiện tượng. Trí tuệ theo các định nghĩa trên đây còn được gọi là Trí tuệ thực hiện được tất cả (tout-accomplissant) hay Trí tuệ toàn năng (omniscience) hoặc Trí tuệ của Phật (tiếng Phạn: Buddhajnana).

Đối với Nam tông, Trí tuệ được định nghĩa như là một sự hiểu biết căn bản và chủ yếu mang tính cách minh bạch và đúng đắn gọi là "Chính kiến" (tiếng Pali: Samma-ditthi), tức là "con đường" thứ nhất trong Bát chính đạo. Đối với Đại thừa Phật giáo thì khái niệm "Trí tuệ" được khai triển phức tạp hơn. Riêng với Phật giáo Tây tạng thì chữ Jnana (Trí tuệ) được dịch là Yé shes có nghĩa là "Sự hiểu biết chủ yếu".

Trí tuệ (Jnana) hoàn toàn khác biệt với trí thông minh thông thường (vijnana) trên phương diện bản chất cũng như đối tượng. Trí tuệ mang bản chất trong sáng và trống không, trong khi đó trí thông minh là thành phần của tri thức tức là một thứ cấu hợp thuộc vào một trong năm thứ cấu hợp gọi là ngũ uẩn tạo ra cá thể con người. Ta thử chọn một vài hình ảnh đơn giản để so sánh giữa trí thông minh và trí tuệ. Thí dụ ta lạc vào một khu rừng hoang không lối đi, trong rừng có chim muông hót vang nhưng cũng có hùm beo, rắn rết. Ta vạch cành lá để tìm đường, và một lúc nào đó ta bỗng trông thấy một con đường mòn. Ta lần theo con đường mòn đó mà đi tiếp, một chập sau thì ra khỏi khu rừng, trước mặt hiện ra các thửa ruộng vuông vắn, những khu vườn cây trái, những con đê thẳng tắp, cảnh vật chan hòa ánh nắng, những áng mây trắng nhẹ trôi dưới bầu trời trong vắt. Khu rừng hoang không lối thoát nhưng căng tràn sức sống tượng trưng cho trí thông minh, con đường mòn là sự tu tập, quang cảnh những thửa ruộng, những khu vườn ngập nắng và bầu trời trong trẻo tượng trưng cho Trí tuệ.


Các khái niệm về Trí tuệ trong Đại thừa

Như đã được trình bày trên đây, kinh sách Nam tông gọi Trí tuệ là Chính kiến, tức là con đường tu tập thứ nhất trong Bát chính đạo, có lẽ như thế cũng khá rõ ràng không cần phải giải thích dông dài thêm. Đối với Bắc tông, nhất là học phái Duy thức tông (Vijnanavadin) và theo như các tập luận Đại thừa trang nghiêm kinh luận (Mahayanasutralankara), Phật địa kinh luận (Buddhabhumisastra)..., thì Trí tuệ gồm có bốn sắc thái khác nhau.

1- Đại viên kính trí (adarsa-jnana, kinh sách Tây phương dịch là Trí tuệ giống như một tấm gương): chỉ định thể dạng hiểu biết phi lý luận của Trí tuệ, không còn phân biệt chủ thể và đối tượng nữa, có nghĩa là không còn một ý nghĩ nào liên quan đến chủ thể nhận biết cũng không có một ý nghĩ nào liên quan đến đối tượng được nhận biết. Trí tuệ ấy cảm nhận trực tiếp được cả hai bản chất tương đối và tuyệt đối của mọi hiện tượng một cách chính xác, đúng như thế, không kèm thêm bất cứ một sự diễn đạt nào của tâm thức. Cũng nên giải thích thêm là bản chất tương đối của một hiện tượng là tính cách lệ thuộc, biến động và vô thường, bản chất tuyệt đối của nó là Tánh không. Trí tuệ là một căn bản hay cơ sở hiểu biết tuyệt đối, trong sáng, tinh khiết và hoàn hảo, không bị hoen ố hay ô nhiễm bởi bất cứ một bóng dáng nào của dục vọng hay si mê. Vì thế mà loại Trí tuệ như vừa mô tả trên đây được tượng trưng bằng một tấm gương lớn phản ảnh một cách trung thực và trong sáng tất cả mọi hiện tượng đúng với bản chất của chúng.

Kinh sách còn cho biết là thể dạng này của Trí tuệ chỉ có thể đạt được bằng thiền định, khi hành giả đạt được thức thứ tám là A-lại-da thức, tức là một thể dạng tương đương đạt được sau khi đã hoàn toàn thể hiện được thể dạng Định (samadhi) tức là cấp bậc thiền quán thứ tư.

2- Bình đẳng tính trí (samata-jnana, kinh sách Tây phương dịch là Trí tuệ bình đẳng): đó là khả năng cảm nhận và quán thấy tính chất bình đẳng của tất cả mọi chúng sinh trong tinh thần Đại từ bi (Mahakaruna). Trí tuệ bình đẳng có nghĩa là không còn phân biệt người thân kẻ lạ, một chúng sinh hiền lành với một chúng sinh hung dữ, tất cả đều khơi động trong ta một lòng từ bi ngang nhau, sự khác biệt chỉ tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng và hoàn cảnh của từng chúng sinh mà thôi. Trí tuệ bình đẳng hiển lộ khi đạt được cấp bậc thiền quán thứ bảy, tức một thể dạng xóa bỏ được sự phân biệt giữa "cái tôi" và "người khác". Tóm lại sự bình đẳng sẽ thể hiện giữa ta và chúng sinh cũng như giữa các chúng sinh với nhau.

Khái niệm về Trí tuệ bình đẳng còn liên quan đến một khái niệm khác nữa là Thập địa (Dasabhumi), tượng trưng cho mười giai đoạn hay mười "mảnh đất" tu tập của người Bồ tát. Sở dĩ gọi là "mảnh đất" vì mỗi giai đoạn tu tập là một cơ sở tích lũy tất cả những phẩm tính của người Bồ tát liên quan đến giai đoạn đó. Mỗi mảnh đất tiêu biểu cho một cấp bậc Trí tuệ và một số phẩm tính liên hệ. Sự kết hợp giữa Trí tuệ và các phầm tính trong từng giai đoạn sẽ giúp người Bồ tát thăng tiến tuần tự từ mảnh đất thứ nhất đến mảnh đất thứ mười. Trong mảnh đất thứ nhất, người Bồ tát không còn chấp ngã tức là không còn bám vào cái tôi nữa, đồng thời quán thấy được thực chất của mọi hiện tượng, không còn câu nệ vào nghi thức lễ lạc, phát lộ được lòng từ bi không phân biệt. Tất cả những phẩm tính đó mang lại sự hân hoan vô biên trong lòng người Bồ tát và cũng tượng trưng cho Trí tuệ bình đẳng và không kỳ thị. Trí tuệ bình đẳng phát triển bắt đầu từ mảnh đất thứ nhất liên tục cho đến mảnh đất thứ mười. Cũng xin được ghi chú thêm là khái niệm Thập địa được rất nhiều kinh sách nói đến, nếu trình bày chi tiết thì sẽ rất dài dòng, có lẽ chỉ cần tóm lược một cách khái quát là người Bồ tát sẽ  đạt được Trí tuệ hoàn hảo và siêu nhiên khi bước vào mảnh đất thứ mười. Nếu vượt qua hết mảnh đất thứ mười thì Trí tuệ của người Bồ tát sẽ giống như một tấm gương lớn.

3- Diệu quan sát trí (pratyaveksana-jnana, kinh sách Tây phương dịch là Trí tuệ phán đoán hay suy xét): là Trí tuệ giúp phân định rành mạch các đặc tính nào cá biệt cho mỗi hiện tượng và các đặc tính nào đồng nhất cho tất cả mọi hiện tượng, chẳng hạn như hình tướng là đặc tính dị biệt hay cá biệt của một hiện tượng và vô thường là đặc tính chung của tất cả mọi hiện tượng. Trí tuệ phán đoán có hai sắc thái khác nhau: sắc thái thứ nhất là quán nhận được vô ngã của cái tôi, sắc thái thứ hai là quán nhận được vô ngã của mọi hiện tượng. Cũng xin được nhắc thêm là sự quán thấy vô ngã của cái tôi là quan điểm chung cho cả Nam Tông và Bắc tông, trong khi đó bản tính vô ngã của tất cả mọi hiện tượng tức là của tất cả mọi sự vật và mọi biến cố là chủ trương riêng của Đại thừa. 

Trí tuệ phán đoán thường được so sánh như một kho báu thu góp những gì đạo hạnh còn gọi là đà-la-ni (dharani), có nghĩa là "thâu nhiếp tất cả", giống như một đám mây tưới xuống những cơn mưa Phật pháp. Trí tuệ phán đoán hiển hiện trong cấp bậc thiền quán hay tri thức thứ bảy. Đối với khái niệm về Thập địa thì Trí tuệ phán đoán phát hiện một cách ngắt quãng tức không liên tục bắt đầu từ mảnh đất thứ nhất đến thứ bảy, có thể hiểu đấy là những những hiểu biết trong sáng bộc phát và đột khởi "bất thần" suốt trên đường tu tập. 

4- Thành sở tác trí (krtyanusthana-jnana - kinh sách Tây phương dịch là Trí tuệ thực hiện được tất cả): là Trí tuệ thường xuyên hướng vào ước vọng mang lại sự an vui cho chúng sinh. Trí tuệ thực hiện được tất cả phát hiện và chuyển thành hành động để thực hiện được tất cả mọi sự mong muốn và thấu hiểu được tất cả những gì nên làm và cần phải làm. Trí tuệ thực hiện được tất cả biểu hiện cho Ứng thân (Nirmanakaya) của một vị Phật. Đấy là một loại Trí tuệ sẽ biến thành hành động vì thế nên có tính cách ngắt quãng. Trí tuệ thực hiện được tất cả sẽ đạt được khi cấu hợp tri thức liên quan đến năm giác cảm đã hoàn toàn được tinh khiết hóa, giúp cho người Bồ tát trở thành một vị Phật.

Trí tuệ trong cấp bậc Ứng thân Phật như vừa trình bày còn gọi là Trí tuệ toàn năng hay siêu nhiên, Trí tuệ này có hai thể dạng: thể dạng thứ nhất là quán nhận được hiện thực đúng như thế (suvisuddhadharmadhatu-jnana), tức là quán nhận được Tánh không của tất cả mọi hiện tượng, thể dạng thứ hai là thể dạng nắm bắt được hiện thực dù cho nó biểu hiện dưới bất cứ thể dạng nào cũng thế (yathavad vyavasthanapari-jnana).

Riêng trong tập luận Pháp số danh tập kinh dị bản (Dharmasamgraha) của Đại thừa thì ngoài bốn cấp bậc Trí tuệ trên đây còn mô tả thêm một sắc thái Trí tuệ nữa gọi là "Trí tuệ thuộc không gian của tất cả các hiện tượng (dharma) mang tích cách tích cực và đã được tinh khiết hóa" (suvisuddhadharmadhatu-jnana). Thể dạng quán nhận này được xếp vào cấp bậc thứ năm tức là cấp bậc cao hơn hết của Trí tuệ và gọi là Pháp giới trí (Dharmadhatu-jnana), tức là một cấp bậc Trí tuệ siêu việt và tối thượng, tương ứng với Pháp thân (Dharmakaya) của một vị Phật. Đối với Đại thừa nói chung thì muốn đạt được Trí tuệ tột cùng (cấp bậc bốn hay năm) để thành Phật thì phải mất "ba thời gian vô tận", có nghĩa là 3x10*59 mahakalpa (mỗi mahakalpa là một đại kiếp, kalpa là một kiếp, mỗi kiếp tượng trưng cho một thời gian thật dài bao gồm cả bốn giai đoạn sinh, thành, hoại, diệt của một thế giới). Cách trình bày hay cách "phóng đại" trên đây của kinh sách ngụ ý cho biết là việc tu tập sẽ kéo dài bất tận không biết bao giờ mới thành Phật, mục đích là tập cho người tu hành khi bước vào con đường Đại thừa phải thật kiên nhẫn, không bao giờ nên trông chờ hay nghĩ đến việc sẽ "thành Phật". Tuy nhiên việc "phóng đại" này trên một khía cạnh nào đó cũng có thể làm cho một người tu tập bình thường mất hết tự tin nơi khả năng Trí tuệ của mình. Dầu sao đi nữa thì cũng phải hiểu rằng tu tập bất tận là lý tưởng của người Bồ tát và bên trong cái lý tưởng đó đã hiển hiện sẵn một cách kín đáo Trí tuệ của một vị Phật. Trong khi đó đối với Kim cương thừa thì một hành giả có thể thành Phật sau vài kiếp tu, hoặc cũng có thể thành Phật ngay trong kiếp sống này.

(Còn tiếp)

Bures-Sur-Yvette, 30.01.10

HOANG PHONG

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6573521