Thông tin

Ý NGHĨA SỰ LẮNG NGHE VÀ THẤU HIỂU

TRONG PHÁP HÀNH CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

 

NGUYỄN BÁ HOÀN

 


 

Đối với tất cả người con Phật chúng ta thì Bồ tát Quán Thế Âm là đấng đại từ đại bi, là biểu tượng của tình thương bao la vô bờ bến và là hiện thân của hạnh nguyện cứu khổ ban vui. Ngài rất thiêng liêng và linh hiển mỗi khi chúng sanh gặp nạn mà chân thành thiết tha cầu xin ngài cứu khổ. Ngài cũng rất thân quen, gần gũi trong đời sống nhân gian, nhất là mỗi khi chiêm bái kính lễ tôn tượng ngài, thì tâm hồn chúng ta sẽ có được cảm giác nhẹ nhàng bình an thanh thoát.

Và cứ theo nếp nghĩ như vậy, đối với đại đa số quần chúng Phật tử, thường thì chúng ta chỉ nghĩ tưởng đến ngài, hay gấp gáp niệm danh hiệu ngài những lúc chúng ta khổ nạn, hoặc là chúng ta thành tâm lễ bái tôn tượng ngài cũng chỉ vì mong cầu ngài che chở phù hộ, nhưng ít có ai hiểu rõ công hạnh huân tu của ngài và sự thù thắng trong pháp hành của Bồ tát Quán Thế Âm để nương đó làm hành trang trên bước đường tu học.

Bên cạnh những hiểu biết và tôn kính đức Bồ tát Quán Thế Âm như truyền thống tín ngưỡng lâu nay, nhân đây chúng tôi xin chia sẻ thêm vài ý tưởng về phương pháp tu tập cũng như hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm trên tiến trình “giác hạnh viên mãn” của ngài, để qua đó chúng ta có thể tập sự thực hành theo phương cách mà Bồ tát Quán Thế Âm đã tu hành và thành tựu đạo quả.

I. Sự tu chứng “Nhĩ Căn Viên Thông” của Bồ tát Quán Thế Âm

Căn cứ kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển sáu, theo lời thuật lại của Bồ tát Quán Thế Âm với đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì trong một kiếp lâu xa, sau khi phát tâm bồ đề, ngài được đức Phật Quán Thế Âm dạy ngài Văn, Tư, Tu nhập Tam ma địa (Văn, Tư, Tu nhập Tam ma địa tức là lắng nghe, suy nghĩ và quán chiếu thể nhập chánh định1, ở đây chúng ta nên lưu ý là đức Phật Quán Thế Âm dạy ngài lắng nghe là lắng nghe vào cái tánh nghe thường hằng của chơn tâm thường trụ, chứ không phải là lắng nghe những âm thanh sắc pháp vô thường nơi trần cảnh bằng vọng tâm sanh diệt.

Khi thực hành theo lời đức Phật Quán Thế Âm dạy, bước đầu ngài nhờ lắng nghe cái tánh nghe thường hằng mà dần dần được an trú trọn vẹn trong tánh nghe. Nhờ ở trong tánh nghe, ngài tiếp tục hành thâm mà vào được dòng viên thông (viên thông tức là thông suốt trọn vẹn). Khi đó, ngài không còn trạng thái sở nghe, và tướng sở nhập cũng vắng lặng, tức cái tướng nhập vào tánh nghe vắng lặng. Lúc ấy, hai trạng thái động tịnh chẳng còn sanh, trạng thái như vậy cứ tăng dần, đến một lúc thì các tướng năng nghe, sở nghe đều dứt sạch.

Tuy nhiên, ngài vẫn hành sâu, chứ không dừng trụ trong chỗ vắng lặng đó (tức là chỗ bặt hết năng nghe và sở nghe), cho đến khi đạt đến năng giác, sở giác đều vắng lặng hoàn toàn, khi đó trạng thái không giác viên mãn tột bậc. Theo đó, các tướng năng không và sở không cũng đều tịch diệt, và lúc sinh diệt tận diệt, thì bản tánh tịch diệt hiện tiền. Đạt đến công phu này, ngài bỗng nhiên vượt ra ngoài thế gian và xuất thế gian, khắp mười phương pháp giới đều sáng tỏ, được hai thứ thù thắng tròn đầy: Một là, trên khế hợp với giác tâm vốn huyền diệu của mười phương chư Phật, với Như Lai đồng một Từ Lực (tức Phật độ chúng sanh, nhưng không có năng độ, tức không có người độ, nên gọi là Vô duyên từ); Hai là, dưới khế hợp với tất cả mười phương chúng sanh lục đạo, với tất cả chúng sanh đồng một Bi ngưỡng (chúng sanh cầu Phật độ lìa khổ, nhưng không có sở độ, tức Phật không có đối tượng để độ, nên gọi là đồng thể bi).

Bồ tát Quán Thế Âm lại bạch với đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng, khi ngài cúng dường Quán Âm Như Lai, đức Phật dạy ngài y tánh nghe như huyễn mà huân tu “Kim Cang Tam muội” cùng với “Vô tác Diệu lực”, vì đồng “Từ lực” với chư Phật nên khiến ngài được thành tựu 32 ứng thân vào các quốc độ, phương tiện diệu dụng đến đi khắp cõi nước mười phương hóa độ chúng sanh không ngăn ngại.

Bồ tát Quán Thế Âm nhiệm mầu hiển linh 32 hóa thân vào các quốc độ. Tùy nơi chúng sanh khẩn cầu, thì ngài ứng hiện, từ hàng Bồ tát nhập chánh định (Tam ma địa) mà muốn tiến tu pháp vô lậu, ngài hiện ra thân Phật mà thuyết pháp, khiến các vị Bồ tát được hoàn toàn giải thoát…, cho đến các chúng sinh mong cầu được thân người, ngài cũng sẽ hiện thân hình gống như họ, đối trước họ mà thuyết pháp giúp họ thành tựu được thân người như sở nguyện... Trên đây là điển hình một vài thân trong 32 ứng thân nhiệm mầu của Bồ tát Quán Thế Âm2vào các quốc độ, những thân này đều do “Vô tác diệu lực” từ sự huân tu “Tam muội tự tại” (tức Kim Cang Tam muội) mà thành tựu.

Bồ tát Quán Thế Âm lại bạch với đức Phật Thích Ca Mâu Ni về việc ngài dùng “Vô tác Diệu lực” của sự huân tu “Kim Cang Tam muội”, cùng với tất cả chúng sanh lục đạo trong mười phương tam thế đồng một Bi ngưỡng, nên khiến các chúng sanh nơi thân tâm ngài được 14 thứ công đức vô úy. Đặc biệt là 14 thứ công đức vô úy này đều phát sinh từ việc “Xoay cái nghe bình thường hằng ngày của mình vào cái tánh nghe thâm sâu tịch lặng của bản thể chơn như”, mà chúng ta thường hay biết đến với cụm từ mang tính học thuật là “Phản văn văn tự tánh”. Trong 14 thứ công đức vô úy này đều tập trung xoay cái nghe thường tình vào “cái tánh nghe” (tức là “phản văn văn bản văn” hay “phản văn văn tự tánh”). Chẳng hạn như công đức vô úy thứ 11 là “Xoay minh tiêu trần, trở về bản tánh, cả pháp giới, thân tâm đều như lưu ly, thấu triệt vô ngại…”; công đức vô úy thứ 12 là “Tiêu dung hình thể, trở về bản Văn, ngồi bất động đạo tràng, vào thế gian mà chẳng hoại pháp thế gian…”; công đức vô úy thứ 13 là “Lục căn viên thông, sáng soi lý bất nhị khắp mười phương thế giới, lập Đại viên cảnh, Không Như Lai tạng…”; cuối cùng công đức vô úy thứ 14 là “Trăm ức nhựt nguyệt chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới… Mỗi mỗi dùng phương tiện và trí huệ chẳng đồng, tùy thuận căn tánh mọi người để giáo hóa chúng sanh”. Bồ tát Quán Thế Âm nhờ tu tập “Phản văn văn tự tánh”, chứng Nhĩ căn viên thông, phát ra diệu dụng, thân tâm vi diệu, cùng khắp pháp giới, khiến chúng sanh trì danh hiệu ngài được vô lượng vô biên công đức không thể nghĩ bàn.

Đồng thời, nhờ chứng được pháp nhĩ căn viên thông mà ngài đã thành tựu bốn “Diệu Đức Vô Tác” chẳng thể nghĩ bàn. Thứ nhất là chứng đắc tánh nghe huyền diệu, diệu tâm lìa kiến văn giác tri, thành một thể giác viên dung trong sạch chẳng thể chia cách, nên hay hiện nhiều dung mạo vi diệu, thuyết vô biên bí mật thần chú, trong đó từ một đến tám vạn bốn ngàn con mắt và cánh tay, tùy nghi thị hiện, cứu giúp chúng sanh được tự tại. Thứ hai là do sự “văn – tư” mà thoát khỏi lục trần, chẳng bị ngăn ngại, nên khéo hiện mỗi mỗi hình, mỗi mỗi chú, những hình những chú, đều hay thí cho chúng sanh được sức vô úy, vì thế, mười phương vô số quốc độ đều gọi ngài là bậc “Vô úy thí”. Thứ ba là do tu tập nhĩ căn trong sạch nên được diệu tâm viên thông… Thứ tư là liễu ngộ tâm Phật, chứng nơi cứu cánh, hay dùng các thứ châu báu cúng dường mười phương Như Lai, cho đến chúng sanh lục đạo trong pháp giới, cầu gì được nấy, cho đến cầu Đại Niết Bàn được Đại Niết Bàn.

Điều mà chúng ta cần lưu ý là khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni hỏi Bồ tát Quán Thế Âm về trình tự tu pháp Nhĩ căn viên thông. Ngài bạch với đức Phật rằng, trước thì từ Nhĩ căn mà vào viên chiếu tam muội, tùy tâm tự tại, từ sự nghe nhập lưu, sau thì đắc chánh định Tam ma địa, thành tựu đạo quả Bồ đề… Khi đó, đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngài khéo được pháp môn Viên thông, ở trong hội thọ ký ngài hiệu là Quán Thế Âm. Đó là do ngài quán sát âm thanh thấu tỏ khắp mười phương nên ngài mới được danh hiệu Quán Thế Âm, cũng gọi là Quán Tự Tại. Và do ngài tùy duyên ứng hiện 32 hóa thân thuyết pháp hóa độ chúng sanh một cách tự tại vô ngại nên cũng gọi ngài là bậc Vô úy thí.

Trên đây là khái quát về đường hướng, phương pháp tu tập và sự chứng đắc, cũng như hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm. Bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau nói đến ý nghĩa của sự lắng nghe và thấu hiểu trong pháp hành của Bồ tát Quan Thế Âm trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, đồng thời ở đây chúng tôi cũng xin trình bày vắn tắc thêm về pháp tu “Phản văn văn tự tánh” một cách dễ hiểu và dễ tiếp cận, hầu trợ duyên giúp quý Phật tử dễ ứng dụng trong tu tập nhằm hướng đến mục tiêu “Nhĩ căn viên thông” tự tại giữa đời thường.

II. Ứng dụng pháp hành “Phản văn văn tự tánh” của Bồ tát Quan Thế Âm trong đời sống sinh hoạt hằng ngày

Nói đến pháp hành “Phản văn văn tự tánh”, trước hết đó là nói đến sự nghe, một cách nghe, hay là một nghệ thuật sử dụng nhĩ căn một cách thông minh đầy trí tuệ, và đây là một hoạt động thường xuyên của nhĩ căn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày nơi mỗi con người, nhưng con người chúng ta thì lại vô tình không chú ý.

Đầu tiên, ngoài việc được nghe những âm thanh xung quanh cuộc sống, thì trong khi giao tiếp hằng ngày nó sẽ phản ánh một cách rõ nét nhất về sự nghe, về cách nghe của mỗi người trong số chúng ta. Chẳng hạn, khi chúng ta đang trao đổi một nội dung gì đó trực tiếp với một đối tác bằng sự tôn trọng tuyệt đối, thể hiện qua thái độ chăm chú lắng nghe, và khi chúng ta tập trung chăm chú lắng nghe người đối diện phát biểu, thì chúng ta sẽ ở trong trạng thái định tâm, nhờ đó chúng ta sẽ tiếp thu trọn vẹn nội dung trao đổi.

Thái độ chúng ta tập trung lắng nghe, dù là nghe điện thoại hay nghe người đối diện nói chuyện, dù là đối với sự đời hay lý đạo, thì điều đầu tiên nó cũng phản ánh chúng ta là người có sự định tâm nhất định, là mẫu người nghiêm túc, biết tôn trọng người khác, qua đó nó thể hiện nhân cách văn hóa của con người chúng ta, đồng thời sẽ làm cho người đối diện tin tưởng và chắc chắn sẽ thể hiện sự tôn trọng lại chúng ta.

Đặc biệt, trong những trường hợp chúng ta đang cùng đối tác giải quyết những bất đồng tranh chấp, hay trong một cuộc tranh luận về một đề tài nào đó, có những lúc đối phương có những phát ngôn lệch lạc, hoặc vu khống, hoặc ngụy biện, khi đối diện với những trường hợp này, thường thì chúng ta sẽ không kiềm chế nổi và rất dễ xảy ra tình trạng chúng ta sẽ cắt ngang câu chuyện, hoặc sẽ phừng phừng nổi giận. Thế nhưng, đối với những người biết lắng nghe, có nghệ thuật và nội lực quân bình trạng thái tâm lý khi đang lắng nghe, hay nói khác hơn là có sự định tâm khi lắng nghe, thì họ sẽ không bao giờ cắt ngang câu chuyện, hoặc nổi nóng xua tay thể hiện sự bức xúc bất đồng, nhờ đó mà mọi việc có thể giải quyết một cách êm xuôi và không sanh thêm mâu thuẩn.

Chúng tôi cho rằng, những người biết lắng nghe, điềm tĩnh và tập trung khi lắng nghe, cho dù họ chưa biết gì về pháp hành “Phản văn văn tự tánh” của Bồ tát Quan Thế Âm, thì họ là người đã ứng dụng rất thành công pháp hành “Phản văn văn tự tánh” trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Ở đây, chúng ta cũng nên lưu ý, Bồ tát Quan Thế Âm đã huân tu pháp “Phản văn văn tự tánh” trong nhiều đời nhiều kiếp rất lâu xa, do vậy, ngay buổi đầu từ khi phát Bồ đề tâm và khởi tu pháp “Phản văn văn tự tánh” từ Quán Thế Âm Như Lai, thì ngài cũng giống như chúng ta vậy, tức là ngài cũng phải bắt đầu từ sự lắng nghe trong sinh hoạt và giao tiếp hằng ngày. Hơn nữa, ngài là một bậc Bồ tát, còn chúng ta là phàm nhân, thì việc chúng ta biết lắng nghe, có thái độ tập trung thu nhiếp nhĩ căn khi lắng nghe, chúng tôi cho rằng, đây là tín hiệu rất đáng vui mừng, vì chúng ta rất có duyên với pháp hành “Phản văn văn tự tánh” của Bồ tát Quan Thế Âm.

Như chúng ta đã biết, sở trường của con người nói chung là hướng ngoại, nhất là trong sinh hoạt hằng ngày ít khi nào chúng ta hướng nội, theo đó sự nghe của chúng ta cũng luôn luôn hướng ngoại, tức là luôn hướng vào mọi âm thanh trần cảnh bên ngoài, chính vì vậy mà chúng ta thường bị chi phối nơi trần cảnh, bị đắm nhiễm và trôi lăn theo dòng chảy vô thường.

Dù là như vậy, nhưng bước đầu trong sinh hoạt đời sống hằng ngày mà chúng ta đã có nền tảng biết lắng nghe, thì ít nhất, chúng ta sẽ có nhiều điều kiện để huân tu “một cách nghe” có trí tuệ, tức sự lắng nghe của một con người có đầy đủ “Định căn” và “Định lực”. Từ cơ sở của nền tảng biết lắng nghe này, khi chúng ta xoay vào hướng nội, thì chúng ta sẽ dễ dàng tiếp cận pháp hành “Phản văn văn tự tánh” của Bồ tát Quan Thế Âm một cách rất là thuận lợi.

III. Ý nghĩa sự lắng nghe và thấu hiểu trong pháp hành của Bồ tát Quan Thế Âm

Các bậc cổ đức cho rằng: “Y kinh giảng nghĩa, tam thế Phật oan/ Ly kinh nhất tự, đồng như ma thuyết”, tức là nếu cứ dựa vào văn ngôn trong kinh mà diễn giải, thì sẽ oan cho ba đời chư Phật, nhưng nếu lìa kinh một chữ mà tuyên thuyết, thì không khác gì ma nói”. Chính vì vậy mà trong phần đầu bài này, chúng tôi đã trích dẫn từ kinh Lăng Nghiêm để thuật lại lời của Bồ tát Quan Thế Âm bạch với đức Phật Thích Ca Mâu Ni về pháp hành “Phản văn văn tự tánh” và sự tu chứng “Nhĩ căn viên thông” của Bồ tát Quan Thế Âm.

Như cổ đức đã nói, nếu cứ dựa vào văn ngôn trong kinh mà diễn giải, thì sẽ oan cho chư Phật ba đời, bởi chư Phật tuy thuyết như vậy nhưng sự thật thì không phải vậy. Điều này, ý kinh Kim Cang đã chỉ rất rõ “Thuyết pháp, phi thuyết pháp, thị danh thuyết pháp”. Đồng thời, nếu y kinh mà diễn giải, thì người học Phật cũng sẽ khó lãnh hội vì nghĩa lý tôn kinh thậm thâm cao diệu, trong khi khả năng nhận thức của mọi người thì có giới hạn. Do vậy, chúng tôi sẽ trình bày khái quát nội dung “Phản văn văn tự tánh” theo nhãn quan riêng một cách dễ tiếp thu nhất, nhưng không rời ý kinh từ những trải nghiệm của chúng tôi.

Trong đời sống xã hội, người ta thường hay dùng cụm từ “lắng nghe để thấu hiểu”. Sự thể này, chúng tôi cũng không rõ là người ta đã khai thác từ bộ môn Tâm lý học hay là từ Phật giáo, nhưng tôi vẫn cho rằng cụm từ “lắng nghe để thấu hiểu” là một nội dung tích cực cho cả đời lẫn đạo, nhất là nó rất sát với ý nghĩa “lắng nghe để thấu hiểu” trong pháp hành “Phản văn văn tự tánh” của Bồ tát Quan Thế Âm.

Trước hết, chúng ta cần khái niệm “Phản văn” tức là xoay cái nghe lại, và “Văn tự tánh” là tập trung tâm ý lại để nghe cái chỗ phát sinh ra cái nghe đó. Như vậy, “Phản văn văn tự tánh” chính là trạng thái tập trung hướng vào bên trong, tức hướng vào nội tâm để định ý và bặt duyên. Thật ra, một khi chúng ta thật sự tập trung hướng vào bên trong để lắng nghe chính mình, thì tự nhiên trong khoảnh khắc đó, chúng ta sẽ đạt được sự bặt duyên và một trạng thái định ý nhất định nào đó rồi.

Với xu hướng hướng nội này, dù lâu hay mau, dù mờ nhạt hay rõ nét, thì điều đầu tiên là chúng ta sẽ gặp ngay tình trạng tâm ý thức chúng ta nhanh chóng phan duyên vọng động cho dù là thô hay tế. Nhưng chúng ta nên nhớ một điều là khi chúng ta tập trung tâm ý để lắng nghe cái chỗ phát sinh ra cái nghe, chúng ta không cần phải vận tâm khống chế vọng tưởng, hay tác ý đè nén trừ khử phan duyên. Chúng ta hãy cứ tiếp tục yên tĩnh nhẹ nhàng lắng nghe cái tánh nghe, tức là lắng nghe chính mình, rồi thì tình trạng vọng tưởng phan duyên đó sẽ dần dần lắng dịu và tan biến một cách thú vị. Điều này, cũng giống như trường hợp trước đây chúng ta hướng ngoại lắng nghe trong giao tiếp. Khi đó, nếu thái độ chúng ta tập trung trong lúc trao đổi công việc một cách định tâm, thì chúng ta sẽ tiếp thu trọn vẹn các nội dung trao đổi. Lúc đó sẽ không xuất hiện bất kỳ phản ứng nào cho dù lúc đó chúng ta không thuận tai đi nữa, bởi vì trong lúc đó chúng ta không lo toan hay nghĩ tưởng đến những công việc khác, cũng như chúng ta không để cho nội dung lời nói chi phối xoay chuyển. Nguyên lý pháp hành “Phản văn văn tự tánh” rất thù thắng, không thể nghĩ bàn. Và nguyên lý “Phản văn văn tự tánh” trong giai đoạn khởi đầu cũng chỉ là như vậy.

Trong nội dung này, chúng tôi xin phân tích thêm về sự chánh niệm và chánh định trong pháp hành “Phản văn văn tự tánh”. Khi chúng ta xoay cái nghe vào để lắng nghe cái tánh nghe, tức là chúng ta đang từ từ tiếp cận với chân tâm của mình một cách trực tiếp mà không qua bất cứ công cụ pháp môn hay phương tiện hành thiền gián tiếp nào cả.

Trong khi đó, đối với Duy thức Pháp Tướng tông, thì bắt buộc hành giả phải lìa “tánh biến kế sở chấp” (tức là lìa vọng tưởng chấp trước) và phải nương vào “tánh y tha khởi” (tức là tánh vốn hay duyên lự) để duyên vào “tánh viên thành thật” (tức là tâm ý trong sạch), thì mới có cơ hội thể nhập “chơn tâm” và liễu ngộ bản chất vô ngã của các pháp.

Hoặc như Tịnh độ tông, hành giả phải nương vào danh hiệu Phật (tức một vọng tưởng) để tập trung chuyên chú chánh niệm cho đến nhất tâm bất loạn (tức đối trị với muôn ngàn vọng tưởng), thì mới có thể an lạc và giải thoát (tức vãng sanh Tịnh độ, hay nói cách khác là thể nhập tự tánh Di Đà của tự tâm)…

Hoặc như đối với Phật giáo Nguyên thủy, thì bắt buộc mọi hành giả đều phải thực hành một trong hai phương pháp là Samatha (Thiền chánh định) hay Vipsasana (Thiền chánh niệm). Theo đó, bước đầu mọi hành giả đều phải tập trung tinh thần tư tưởng nương vào hơi thở ra, nương vào hơi thở vào, một cách chuyên nhất bền bĩ, thì mới có thể đạt được sự chánh niệm nhất định, hoặc phải ứng dụng các pháp quán trong Tứ Niệm Xứ (như quán thân trong thân, quán thọ trong thọ, quán tâm trong tâm, quán pháp trong pháp) một cách đúng pháp và kiên trì, thì mới có thể đạt được sự chánh niệm và đi vào chánh định.

Ở đây, chúng tôi xin không đề cập đến sự cao hay thấp, gián tiếp hay trực tiếp, mà chỉ nêu lên quan điểm của chúng tôi là tất cả pháp hành trong hệ thống giáo pháp của đức Phật, dù là của Phật giáo phát triển (Đại thừa) hay của Phật giáo Nguyên thủy (Terevada), mục đích duy nhất là giúp con người thực hành các pháp tu phù hợp với căn cơ cũng như trình độ nhận thức để đạt được sự an lạc và giải thoát. Ở đây, chúng ta nên lưu ý một điều rất căn bản, đó là khởi đầu của sự tu tập tất cả các pháp môn trong hệ thống giáo pháp của đức Phật đều bắt đầu từ việc tĩnh giác chánh niệm, rồi tiến đến sự định tâm, và dần dần đi vào chánh định. Đó là nguyên lý vận hành của tâm và pháp, để tiến đến tâm pháp nhất như, thể nhập chân tâm thường hằng sáng soi khắp mười phương pháp giới. Và như trình bày ở trên, thì trong nguyên lý vận hành này, tất cả các pháp môn, dù là của Phật giáo phát triển (Đại thừa) hay của Phật giáo Nguyên thủy (Terevada), thì cũng đều gặp nhau ở điểm hành giả phải khởi tu tỉnh giác chánh niệm và đi vào chánh định. Như vậy, thì tất cả pháp tu của các hệ phái Phật giáo đều rất tương đồng và hỗ trợ lẫn nhau chứ không hề có sự mâu thuẫn hay khác biệt.

 


[1] Phật giáo có ba loại thiền: Thứ nhất là Samatha, tức thiền định cực tịnh, đồng với “không quán”, thứ hai là Tam Ma Đề hay Tam Ma Địa, tức thiền định phát dụng biến hóa, đồng với “giả quán”, thứ ba là thiền định tịch diệt, lìa năng sở đối đãi, đồng với “trung quán”.

[2] Muốn tìm hiểu đầy đủ về 32 ứng thân nhiệm mầu của Bồ tát Quán Thế Âm, thì tham khảo Phẩm Phổ Môn thứ 28 trong trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, hay Quyển thứ 6 trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6949602