Thông tin

Ý NGHĨA TỔNG QUÁT VỀ GIỚI TRONG THANH TỊNH ĐẠO

  

THÍCH MINH HẢI

 

Giới là một trong ba môn học vô lậu của giới, định và tuệ chỉ có trong giáo pháp của đức Phật thường được hiểu là giới hạnh và vị trí của nó đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ thống giáo lý Phật giáo. Sự học tu tập về giới là một việc rất đương nhiên đối với những ai khát khao sự thanh tịnh. Ở đây, thanh tịnh nên hiểu là Niết bàn1. Vì đức Phật dạy: “Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh; người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh2. Trong trường hợp khác, thanh tịnh được giảng do thiền định và trí tuệ, như khi nói: “Người có thiền có tuệ, Nhất định gần Niết bàn3.

Mỗi khi đề cập đến giới là nói đến con đường giải thoát giới, định và tuệ hay con đường thanh tịnh. Bởi lẽ giới được đề cập đầu tiên và đặc biệt nhấn mạnh là vì giới là khởi điểm của tất cả các thiện pháp. Chính là giới hoàn toàn thanh tịnh. Vì: “Khởi đầu an trú giới, giới là mẹ thiện pháp, giới đứng đầu mọi pháp,vậy hãy trong sạch giới4.

Giới là căn bản của tất cả thiện pháp, nơi dẫn đầu mọi thiện pháp, làm nền tảng để mọi thiện pháp được phát sanh, phát triển. Vì vậy, mọi hành giả nên giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn.

Một hành vi đem đến thiện pháp cho mình, cho người, cho xã hội là chuẩn tắc để đánh giá. Đối với Phật giáo, chuẩn tắc hành vi đó phải dựa vào Giới. Điều này cho thấy rằng giới là nền tảng để áp dụng cho đời sống tu tập của con người nhằm ngăn chặn các hành vi bất thiện do con người tạo ra: “Ở đây, giới tối cao, nhưng trí tuệ tối thượng, giữa loài Người, loài Trời, bậc giới tuệ thắng lợi5.

Cũng thế: “điều kiện cần thiết để chứng ba minh được nêu bằng giới. Vì nhờ sự hỗ trợ của giới viên mãn mà người ta đắc ba minh. Sự tránh xa cực đoan mê đắm dục lạc được nêu bằng giới. Giới được nêu làm phương tiện để vượt khỏi các đạo xứ. Ðề phòng vi phạm những điều ô nhiễm là nhờ giới. Sự thanh lọc những ô nhiễm do tà hạnh là nhờ giới. Lý do đắc quả Dự lưu và Nhất lai là giới. Vì bậc Dự lưu được gọi là người “thành tựu viên mãn các phẩm loại của giới6. Theo ý nghĩa này có thể nói rằng giới là điều kiện cần và đủ để chứng ba minh, sự tránh hai cực đoan, cách vượt  khỏi đọa xứ, sự đề phòng vi phạm, sự thanh lọc ba thứ nhiễm ô và theo tuần tự cho đến chứng đắc các quả cao thượng.

Ý nghĩa về giới

Về giới trong Thanh tịnh đạo luận, ngài Phật Âm (Buddhaghosa) định nghĩa:

Giới là gì? Ðó là các pháp khởi từ tử tâm sở (cetanà) hiện hữu nơi một người từ bỏ sát sinh, v.v... Hay nơi một người thực hành viên mãn các học giới (vatta). Patisambhidà nói: “Giới là gì? có giới là tư tâm sở (cetanà), có giới là các tâm sở, thọ, tưởng, và hành (gọi chung là cetasika), có giới là sự chế ngự, có giới là không vi phạm7.

Luận giải thích: Giới theo nghĩa tư tâm sở, là ý chí có mặt nơi người từ bỏ sát sinh, v.v... Hay nơi người thực hành viên mãn các giới. Giới theo nghĩa thọ, tưởng, hành là sự kiêng giữ nơi người từ bỏ sát sinh, v.v... Lại nữa, giới tư tâm sở là bảy tác ý đi kèm bảy trong mười nghiệp nơi một người từ bỏ sát sinh, v.v.. Giới thọ, tưởng, hành tâm sở là ba pháp còn lại gồm vô tham, vô sân và chánh kiến. Giới theo nghĩa chế ngự là sự chế ngự theo năm cách: Chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, chế ngự bằng tỉnh giác, chế ngự bằng tri kiến, chế ngự bằng kham nhẫn và chế ngự bằng tinh tiến. Chế ngự bằng giới bổn là vị ấy được trang bị đầy đủ với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha. Chế ngự bằng tỉnh giác là vị ấy hộ trì nhãn căn, sống với sự chế ngự nhãn căn. Chế ngự bằng tri kiến là nhờ chánh niệm và tuệ tri8. Nhưng chế ngự bằng kham nhẫn thì như kinh dạy: “Này các Tỷ- kheo, ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát, kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; kham nhẫn những cách nói mạ lị phỉ báng9. Cách sử dụng bốn vật dụng cũng được bao gồm trong sự chế ngự này. Và chế ngự bằng tinh tấn10 thì như kinh dạy: “Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát không có chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại11. Và ở đây được bao gồm thanh tịnh sinh mạng, tức sự từ bỏ những tà mạng. Vậy sự chế ngự gồm năm phần ấy và sự kiêng giữ nơi những con người biết sợ điều ác mỗi khi gặp cơ hội vi phạm, đều gọi là sự chế ngự theo năm cách. Như nói: “Giới là để chế ngự, chế ngự là để khỏi hối, bất hối là để được khinh an, khinh an để dược lạc, lạc để được định, định để được chánh tri kiến, chánh tri kiến là để được vô dục, vô dục để được ly tham, ly tham để được giải thoát, giải thoát là để có giải thoát tri kiến, giải thoát tri kiến là để đi đến vô thủ trước Niết bàn12.

Giới theo nghĩa chế ngự được gọi như thế là vì nói có nghĩa kết hợp (Sìlana). Kết hợp có hai nghĩa: Một là phối hợp (samàdhàna), chỉ sự không bất nhất trong ba nghiệp thân, lời và ý nhờ đức hạnh; hai là nâng lên (upadhàrana), nghĩa là nền tảng (àdhàra) vì giới là nền tảng cho những thiện pháp13.

Mặc dù, giới chia nhiều loại như tư tâm sở… những loại như vậy, nhưng giới cũng không ra ngoài hai đặc tính là phối hợp và nền tảng (những thiện pháp). Như vậy, theo nghĩa này phối hợp và nền tảng là đặc tính của giới. Nhiệm vụ của nó gồm có hai nghĩa:1) Hành động để ngăn chặn và chấm dứt các tà hạnh; và 2) Sự thành tựu các chánh hạnh. Vì ở đây chính hành động hoặc sự thành tựu chánh hạnh được gọi là nhiệm vụ.

Giới thể hiện ở sự thanh tịnh bằng các thứ “thanh tịnh của thân, ngữ và ý”, có nghĩa là thanh lương, vì làm cho người giữ giới cảm thấy thân tâm mát mẻ. Biểu hiện của nó là sự kết hợp bởi hai đức tính là tàm và quý. Nhưng tàm và quý là cái nhân gần của giới, vì khi tàm quý có mặt, thì giới phát sinh và tồn tại; ngược lại nếu tàm quý vắng mặt, thì giới không phát sinh, cũng không tồn tại. Nhờ tàm và quý nên hành giả có thể vượt thoát, làm chủ được bản thân trước những thôi thúc của tham lam, sân hận và si mê.

Giáo lý trong Phật giáo, giới có nhiều loại khác nhau tùy theo cấp độ tu hành giữa hàng Phật tử tại gia và xuất gia nên giới được phân thành nhiều loại, như trong Thanh tịnh đạo có nêu ra năm loại:

1. Trước hết, tất cả giới thuộc một loại do đặc tính “kết hợp” của nó.

2. Giới thuộc hai loại là hành và tránh (tác, chỉ)

3. Hai loại là giới thuộc chánh hạnh, và giới khởi đầu đời sống phạm hạnh.

4. Hai loại, là kiêng và không.

5. Hai loại, là lệ thuộc và không.

6. Hai loại, tạm thời và trọn đời.

7. Hai loại, hữu hạn và vô hạn.

8. Hai loại, thế gian và xuất thế.

9. Ba loại, là hạ, trung, thượng.

10. Ba loại, là giới vị kỷ, vị tha và vị pháp.

11. Có dính mắc (chấp thủ), không dính mắc, và an tịnh.

12. Thanh tịnh, bất tịnh, khả nghi.

13. Giới hữu học, vô học và giới của người không phải hữu học hay vô học.

14. Giới bốn loại, là giới thối giảm, giới tù đọng, giới tăng tiến và giới thâm nhập.

15. Bốn loại, là giới tỷ kheo, Tỷ kheo ni, giới của người chưa thọ cụ và giới tại gia.

16. Bốn loại, là giới tự nhiên, giới theo cổ tục, giới tất yếu, và giới do nhân về trước.

17. Bốn loại, là giới thuộc giới bổn Pàtimokkha, giới phòng hộ các căn, giới thanh tịnh sinh mạng và giới liên hệ bốn vật dụng.

18. Giới năm loại, là thanh tịnh hữu hạn, thanh tịnh vô hạn, thanh tịnh đã viên mãn, thanh tịnh không dính mắc, thanh tịnh đã tịnh chỉ.

19. Năm loại, là từ bỏ kiêng tác ý (tư tâm sở), chế ngự, và không phạm.

Tuy nhiên, tất cả năm loại giới ấy đều bao gồm trong giới thuộc hai loại là chỉ trì và tác trì (hành và tránh). Làm những gì do Phật chế định là “tác trì”. Không làm những gì do Phật cấm là “chỉ trì” Như nói: “hành và tránh: sự thành tựu viên mãn một học giới14.

Có thể nói các định nghĩa về giới trong Thanh tịnh đạo giúp mọi hành giả thấy được và hiểu rõ ý nghĩa của nó, và đó cũng là mục tiêu tối thượng của bất kỳ những ai thực hành vì mục đích tuệ giải thoát. Thực hành giới là pháp tu truyền thống, thiết lập một đời sống nguyên tắc đạo đức căn bản, thành tựu thiền định và trí tuệ vì có thiền định mới có tuệ giải thoát. Đồng thời cũng là phương châm, trách nhiệm không thể thiếu của mỗi người con Phật, nhất là những người con Phật xuất gia cần phải tu học. Cho nên, có thể xem giới là nền tảng để bước vào đạo là pháp tu căn bản của Phật giáo để giải thoát khổ và giới còn được xem là mạng mạch của Phật pháp. Vì: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật diệt thì Phật pháp diệt”.

Như vậy, giới học là nội dung tu tập vô cùng quan trọng hàng đầu của Phật giáo, giới là nền tảng vững chắc là bước đi đầu tiên trên lộ trình hướng đến thành tựu giác ngộ, giải thoát. Một hành giả tu học mà không thực hành và thành tựu giới thì các bước tiếp theo sẽ khó để thành tựu. Vì giới là nền tảng của định, có định mới thành tựu tuệ giải thoát. Đây cũng chính là ý nghĩa tích cực của giới trong Thanh tịnh đạo. 

 


1. Thích Nữ Trí Hải (dịch) (2001), Thanh Tịnh Đạo,tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 5.

2. Thích Minh Châu (dịch) (2015), Kinh Pháp cú 372 (Dhammapada), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 101.

3. Thích Minh Châu (dịch) (2015), Kinh Tiểu bộ, tập II, Chương XII, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 400.

4. Thích Minh Châu (dịch) (2015), Kinh Tiểu bộ, tập II, Chương XII, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 400.

5. Thích Nữ Trí Hải (dịch) (2001), Thanh Tịnh Đạo, tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.11-12.

6. Sđd, tr.13.

7. Sđd, tr.14.

8. Sđd, tr.15.

9. Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung bộ, tập I, Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 29.

10. Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh, 2. Tinh tấn dứt trừ những điều ác phát sinh, 3. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh, 4. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh.

11. Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung bộ, tập I, Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 29.

12. Thích Nữ Trí Hải (dịch) (2001), Thanh Tịnh Đạo, tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 23.

13. Sđd, tr.15.

14. Sđd, tr. 5.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6796216