Thông tin

Ý NGHĨA TRÍ TUỆ TRONG PHẬT GIÁO (tiếp theo)

Ý NGHĨA TRÍ TUỆ TRONG PHẬT GIÁO (tiếp theo)

HOANG PHONG 

Năm thể dạng Trí tuệ theo Kim cương thừa           

Kim cương thừa chia Trí tuệ thành năm thể dạng khác nhau và năm thể dạng đó đều nhất thiết hiện hữu nơi mỗi chúng sinh có giác cảm vì đó là biểu hiện của Như lai tạng (Tathagatagarbha). Tuy nhiên năm thể dạng ấy không thể hiển hiện và vận hành một cách toàn vẹn đối với các chúng sinh thông thường, mà chúng chỉ có thể phát hiện một cách sai lầm và u mê qua năm thể dạng của dục vọng như sau: 1) Vô minh và đần độn (ngược với Trí tuệ của Như lai tạng), 2) Giận dữ (ngược với Trí tuệ như tấm gương lớn), 3) Tự kiêu (ngược với Trí tuệ bình đẳng), 4) Tham lam và bám víu (ngược với Trí tuệ phán đoán), 5) Ganh ghét (ngược với Trí tuệ thực hiện được tất cả).

Phương châm tu tập của Kim cương thừa là sử dụng mọi "phương tiện thiện xảo" để biến cải năm thứ dục vọng như vừa nêu lên trên đây để mang chúng ngược trở về với bản chất tự nhiên và đích thực của chúng, tức là năm loại Trí tuệ. Đây cũng chính là một trong những khía cạnh đặc thù của Kim cương thừa vì Kim cương thừa không chủ trương loại bỏ hay đè nén dục vọng mà chỉ tìm cách tinh lọc và chuyển hóa chúng mà thôi.


Năm thể dạng Trí tuệ còn gọi là Ngũ trí Như lai, tương ứng với hệ thống Ngũ Phật (Panca-kulabuddha). Ngũ Phật là một khái niệm được giải thích khá khác biệt nhau tùy theo kinh sách Tan-tra thuộc các học phái của Kim cương thừa. Tuy nhiên có thể dựa vào học phái Du-già tan-tra để tóm lược một cách đại cương như sau:

- Trí tuệ Như lai tạng hay Pháp giới trí (Dharmadhatu-jnana) là Trí tuệ của vị Phật Tì-lô-xá-na (Vairocana), tức là Trí tuệ viên mãn của Pháp giới. Vị Đại Phật Tì-lô-xá-na (Mahavairocana) ngụ ở vị trí trung tâm của Mạn-đà-la (Vajradhatumandala), bao quanh là bốn vị Phật còn lại.

- Trí tuệ như tấm gương lớn (Đại viên kính trí) là Trí tuệ của Phật A-súc Như lai (Aksobhya). Phật A-súc Như lai ngụ ở vị trí phía Đông.

- Trí tuệ bình đẳng (Bình đẳng tính trí) là Trí tuệ của Phật Bảo sinh Như lai (Ratnasambhava). Phật Bảo Sinh Như lai ngụ ở vị trí phía Nam.

- Trí tuệ phán đoán (Diệu quan sát trí) là Trí tuệ của Phật A-di-đà Như lai (Amithaba). Phật A-di-đà Như lai ngụ ở vị trí phía Tây.

- Trí tuệ thực hiện được tất cả (Thành sở tác trí) là Trí tuệ của Phật Bất Không Thành Tựu Như lai (Amoghasiddi). Phật Bất Không Thành Tựu Như lai ngụ ở vị trí phía Bắc.

Khi một vị Bồ tát đạt được giác ngộ và thực hiện được Pháp thân một cách viên mãn thì cũng đạt được Trí tuệ Như lai tạng (Dharmadhatu-jnana), đó là Trí tuệ nhận biết hiện thực đúng như thế. Bốn thể dạng Trí tuệ còn lại là những thể dạng Trí tuệ phụ trợ cho Trí tuệ Như lai tạng để nhận biết các cách thể hiện khác nhau của hiện thực. Trí tuệ Như lai tạng liên quan đến sự nhận biết hiện thực tối hậu và tuyệt đối, bốn Trí tuệ còn lại liên hệ đến sự nhận biết hiện thực qua các thể dạng tương đối.

Trên đây là tóm lược khái niệm về Trí tuệ theo quan điểm của Kim cương thừa. Tuy nhiên Trí tuệ còn được trình bày bằng một khái niệm khác nữa gọi là Bát-nhã (Prajna). Vậy Bát-nhã là gì?

Khái niệm về Bát-nhã

Bát-nhã (tiếng Phạn là Prajna, tiếng Pali là Panna) có nghĩa là sự hiểu biết tối thượng, một sự cảm nhận trực tiếp hiện thực mang lại sự giải thoát. Theo ý nghĩa đó thì Bát-nhã cũng không khác với cấp bậc tối thượng của Trí tuệ, sự khác biệt thuộc vào lãnh vực thuật ngữ và phương pháp mô tả nhiều hơn. Đối với học phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada) của Nam tông và hầu hết các học phái Đại thừa thì Bát-nhã thuộc vào loại Trí tuệ phán xét, một khả năng của tâm thức xác định phẩm tính của các đối tượng quan sát. Dầu sao tất cả các học phái đều thừa nhận là Bát-nhã dù cho có thể học hỏi được bằng cách suy luận, nhưng nhất thiết Bát-nhã là một khả năng chủ yếu đạt được bằng phép thiền định Tì-bà-xá-na (tiếng Pali: vipassana).

Đối với Nam tông nói chung thì Bát-nhã là một khả năng Trí tuệ giúp quán thấy trực tiếp toàn bộ Tứ diệu đế và bản chất vô ngã của "cái tôi" để mang lại thể dạng giải thoát cho một vị A-la-hán. Riêng đối với Phật giáo Nguyên thủy tức là Thượng tọa bộ (Theravada) thì Bát-nhã (Panna) được xem là phép tu cao nhất trong ba phép tu là Giới, Định, Tuệ (Sila, Samadhi và Panna). Tuệ là kết quả trực tiếp phát sinh từ Định, tức là khả năng chú tâm cực mạnh vào một đối tượng duy nhất, một thể dạng tâm thức thăng bằng và tinh khiết vượt lên trên chủ thể và đối tượng. Đạt được thể dạng đó Trí tuệ sẽ không còn là một phép tu nữa mà đã trở thành một phương tiện hay một khả năng trực tiếp mang lại sự giải thoát. 

Đối với Bắc tông, Bát-nhã có nghĩa là sự hiểu biết trực tiếp Tánh không của "cái tôi" cá thể và của tất cả mọi hiện tượng. Kinh sách thường tượng trưng sự hiểu biết ấy như một thanh kiếm cháy đỏ của ngài Văn-Thù Sư-Lợi (Manjusri) dùng để rọc rách màn đêm của vô minh và chém nát sự quán nhận đối nghịch nhị nguyên giữa chủ thể và đối tượng. Thể dạng đó của Bát-nhã còn được gọi là Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Prajnaparamita), tức là sự hiểu biết hoàn hảo hay siêu nhiên, thuộc vào cấp bậc Ba-la-mật-đa cao hơn hết trong số sáu cấp bậc Ba-la-mật-đa là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và Trí tuệ. Vì thế đối với Bắc tông và nhất là trong trường hợp như vừa kể thì Bát-nhã được hiểu như là một khả năng bình thường thuộc tâm thức của một vị Bồ tát, giúp cho vị ấy quán nhận được Tánh không.

Đối với Phật giáo Bắc tông nói chung, Bát-nhã (Prajna) luôn luôn phải đi đôi và kết chặt với lòng Từ bi (Karuna), tức là sự kết hợp giữa Bồ đề tâm tuyệt đối (Tánh không) và Bồ đề tâm tương đối (Từ bi). Điều đó có nghĩa là nếu không có Từ bi làm hậu thuẫn thì sẽ không bao giờ đạt được Bát-nhã. Phát lộ lòng Từ bi vô biên đối với tất cả chúng sinh vướng mắc trong vô minh và khổ ải là sự biểu hiện của Trí tuệ Bát nhã, nói một cách khác là không thể nào quán thấy Tánh không một cách đích thực nếu lòng Từ bi không phát lộ một cách mãnh liệt. Nếu thiếu lòng Từ bi thì sự hiểu biết Tánh không chỉ mang tính cách hời hợt và giới hạn  trong lãnh vực của một khái niệm mà thôi, sự hiểu biết đó không phải là Bát-nhã Ba-la-mật-mật-đa. Đối với Phật giáo Trung Hoa nói riêng thì Bát-nhã giữ một vị trí thật quan trọng, đó là thực tướng của Chân như, hay Như lại tạng (Tathagatagarbha) hay còn gọi là Phật tính, đó là Trí tuệ giúp quán thấy và phán xét một cách minh bạch tất cả mọi hiện tượng, thấu hiểu một cách tự nhiên và tường tận Tánh không. Đối với Thiền tông thì Bát-nhã Ba-la-mật-đa có thể định nghĩa như là sự kết hợp giữa Định hay Thiền na (Dhyana) và Bá- nhã (Prajna).

Bát nhã trong Kim cương thừa

Trong Kim cương thừa, Bát-nhã được tượng trưng bằng nhiều hình ảnh hay biểu tượng cụ thể kèm theo những nghi thức tu tập cầu kỳ và cá biệt. Kim cương thừa xem Bát-nhã là một thứ Trí tuệ mang tính cách nữ tính, là một khả năng quán nhận Tánh không và bản chất tinh khiết của tất cả mọi hiện tượng. Khi thực thi các nghi lễ hay nghi thức tu tập mà không thấy có Trí tuệ Bát-nhã hiển hiện theo thì sự tu tập ấy cũng sẽ trở thành vô ích mà thôi. Vậy các nghi thức hay nghi lễ của Kim cương thừa là gì? Thật ra đấy chỉ là những Phương tiện trợ lực hay phụ trợ cho việc tu tập. Tuy gọi là các phương tiện phụ trợ nhưng thật ra rất quan trọng vì Kim cương thừa chủ trương Phương tiện nắm giữ một vai trò ngang hàng với Mục đích, tức là Trí tuệ Bát nhã. Một cách tổng quát, Đạo Pháp gọi đó là các Phương tiện thiện xảo (Upaya). Trong một phân đoạn sau sẽ trình bày chi tiết hơn về các Phương tiện thiện xảo, vì đó là một khái niệm cần được nắm vững để có thể thấu hiểu tính cách đa dạng và phong phú trong sự tu tập Phật giáo.


Giờ đây chúng ta hãy trở lại với Bát-nhã trong Kim cương thừa. Kim cương thừa quan niệm rằng không thể nào tách rời Prajna (Bát nhã) và Upaya (Phương tiện thiện xảo). Sự kết hợp đó có ý nghĩa như thế nào? Các công thức sau đây của Kim cương thừa sẽ cho thấy ý nghĩa quan trọng của sự kết hợp đó: Tánh không (Sunyata) kết hợp với Từ Bi (Karuna), Bát-nhã (Prajna) kết hợpvới Phương tiện thiện xảo (Upaya), nếu trình bày một cách khác thì sẽ như sau: Tánh không + Từ bi, Bát nhã + Phương tiện thiện xảo, đó là hai cặp bài trùng hay hai công thức bất di dịch, không thể tách rời hay thay đổi được. Nếu nắm vững được sự liên kết đó thì người tu tập sẽ có thể nhìn thấy suốt con đường mà mình sẽ phải đi, và thật ra thì Đạo Pháp cũng chỉ có thế mà thôi, tức là  không thể đạt được Trí tuệ tối thượng quán nhận được Tánh không của mọi hiện tượng nếu không có Từ bi hỗ trợ, không thể nào đạt được Bát-nhã nếu không nhờ vào các Phương tiện thiện xảo. Nói một cách khác Tánh không tức là Bát-nhã, Từ bi tức là một trong những Phương tiện thiện xảo quan trọng hơn hết.


Một cách cụ thể hơn thì sự kết hợp giữa Tánh không và Bát-nhã được tượng trưng trong Kim cương thừa bằng hai "khí cụ" luôn luôn được xử dụng chung khi hành lễ, đó là Kim cương chử (Vajra) còn gọi là Kim cương chùy và một cái chuông nhỏ. Kim cương chử tượng trưng cho vajra tức là đá kim cương, một loại đá sáng ngời và rắn chắc, biểu tượng của nam tính; cái chuông nhỏ tượng trưng cho hoa sen, biểu tượng của nữ tính. Đối với phương pháp tu tập của Tối thượng Du già Tan-tra thì sự kết hợp giữa hai thể dạng đó cũng giống như sự kết hợp tình dục (tiếng Tây tạng: yab-yum) giữa một thần linh nam tính và thể tính nữ giới đối tác của chính vị thần linh ấy, đối tác nữ tính chính là Bát nhã (Prajna). Đây là một hình ảnh tượng trưng hay một biểu tượng rất mạnh, tuy nhiên cũng có nhiều người vì ảnh hưởng của những xung động sẵn có trong tâm thức mà hiểu lầm hình ảnh này trong Tối thượng Du-già Tan-tra như một sự kết hợp tình dục.           

Cũng xin kể thêm ra đây một Phương tiện thiện xảo khác của Kim cương thừa. Bảng chữ cái của tiếng Phạn gồm có các nguyên âm (tiếng Phạn: ali) và các phụ âm (tiếng Phạn: kali), nguyên âm tượng trưng cho Prajna (Bát nhã), phụ âm tượng trưng cho Upaya (Các phương tiện thiện xảo). Các nguyên âm và phụ âm là nguồn gốc làm phát sinh ra âm thanh và tạo ra âm hưởng trong các câu niệm chú man-tra. Chẳng hạn như trường hợp của chữ evam, nguyên âm e là Prajna, phụ âm va là Upaya, m tượng trương cho tính cách bất khả phân giữa Prajna và Upaya. Cũng xin giải thích thêm là chữ evam trong tiếng Phạn có nghĩa là như thế hay như vậy mà người ta thường thấy trong kinh sách qua các câu như Evam maya sutram...có nghĩa là Như thế tôi đã từng được nghe...

Bát nhã và sinh lý học Du-già

Chúng ta thử tìm hiểu chi tiết hơn về các phương pháp tu tập của Phật giáo Tây tạng qua các khái niêm về sinh lý học liên quan đến các kênh mạch và các luồng khí lực xem sao. Một cách tổng quát, sinh lý Du-già trong nội tạng một cá thể được tượng trưng bằng sự vận hành của các luồng khí lực luân chuyển trong một hệ thống kênh mạch. Prajna (Bát nhã) được tượng trưng hay đại diện bởi kênh mạch bên trái (lalana), Upaya (Các phương tiện thiện xảo) được tượng trưng bởi kênh mạch bên phải (rasana). Khi hai luồng khí lực nữ tính (kênh bên trái) và nam tính (kênh bên phải) thâm nhập vào kênh mạch trung tâm (avaduthi) sẽ hòa tan với nhau và tạo ra một thể dạng gọi là Đại phúc hạnh (Mahasukkha), thể dạng này kết hợp chặt chẽ với Trí tuệ phi nhị nguyên. Nói một cách khác thì đấy là sự kết hợp bất khả phân giữa Prajna (Bát nhã) và Upaya (Phương tiện thiện xảo) mang lại thể dạng Đại phúc hạnh của Tánh không đã hoàn toàn loại bỏ được sự đối nghịch giữa chủ thể và đối tượng.

Khái niệm về các giọt năng lượng

Các kinh sách tan-tra của Kim cương thừa còn mô tả Như lai tạng (Tathagatagarbha) hay Chân như, hay Phật tính như là một thành phần hiện hữu tự tại trong mỗi chúng sinh. Trong mỗi cá thể con người Phật tính là những tinh chất tượng trưng bởi các giọt năng lượng (bindu) thấm sâu trong toàn thể thân xác. Hai giọt năng lượng quan trọng hơn hết là một giọt màu đỏ tượng trưng cho nữ tính (tức Prajna - Bát nhã), một giọt màu trắng tượng trưng cho nam tính (tức Upaya - Các phương tiện thiện xảo). Vị trí của giọt đỏ nằm ở dưới rốn, vị trí của giọt trắng nằm ở đỉnh đầu. Hai giọt này còn có tên là giọt Bồ-đề-tâm-màu-đỏ và giọt Bồ-đề-tâm-màu-trắng. Vai trò của chúng là tạo ra một sự bùng cháy gọi là tumo (nội nhiệt).

Tu tập hay luyện tập là cách làm bùng lên ngọn lửa của Trí tuệ, ngọn lửa sẽ giúp cho giọt Bồ-đề-tâm-màu-đỏ di chuyển theo kênh trung tâm ngược lên phía trên, đồng thời ngọn lửa Trí tuệ cũng sẽ làm cho giọt Bồ-đề-tâm-màu-trắng hóa lỏng và di chuyển xuống phía  dưới cũng theo kênh trung tâm. Khi di chuyển xuống phía dưới giọt màu trắng xuyên ngang bốn bánh xe cakra còn gọi là kim luân, luân xa hay trung khu, có thể xem đấy là những "huyệt" hay những điểm chuyển đổi và phân bố khí lực trong cơ thể.  Khi giọt trắng di chuyển ngang bốn luân xa cakra sẽ tạo ra bốn thể dạng cảm nhận phúc hạnh từ thấp đến cao gọi là bốn niềm hân hoan. Niềm hân hoan sau cùng thuộc vào cấp bậc cao nhất là một thể dạng thật tuyệt vời, đó là một niềm hân hoan tự tại và hoàn hảo thuộc phúc hạnh của Tánh không phi nhị nguyên, sự hân hoan đó chính là Bồ đề tâm hiển hiện dưới thể dạng Quả hay là Ảo thân của một vị Phật. Sự thăng bằng và bền vững của Trí tuệ sẽ làm phát sinh đồng loạt sự cảm nhận phúc hạnh về Tánh không tạo ra Ảo thân và tiếp theo đó là sự hiển hiện của Tam thân Phật. Prajna (Bát nhã) sẽ trở thành Pháp thân (Dharmakaya), hai thân còn lại là hai sắc thân (rupakaya): sắc thân thứ nhất là Báo thân còn gọi là Thụ dụng thân (thân Phật trong cõi Tịnh độ) và sắc thân thứ hai là Ứng thân còn gọi là Ứng hóa thân hay Hóa thân (thân Phật ứng hiện trong cõi ta bà để cứu độ chúng sinh).

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6057740