Thư viện kinh sách

KINH VÔ LƯỢNG THỌ

 

 

VÀI LỜI THƯA CÙNG CHƯ VỊ ĐỒNG TU TÔN KÍNH

 

Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của bản hội tập Kinh này nên mong muốn dịch ra tiếng Việt để chư vị đồng tu Việt Nam được thọ trì, đọc tụng. Bộ Kinh này có rất nhiều chỗ dùng Văn Ngôn, tức là dùng cổ văn Trung Hoa, Văn Ngôn thường chỉ có ý mà không có lời, không giống như văn nói Bạch Thoại. Theo tiên sinh Trần Văn Chánh, có thể phân biệt Bạch Thoại và Văn Ngôn một cách đơn giản như sau: “Hễ dùng tai nghe và hiểu được thì là Bạch Thoại. Hễ không dùng mắt để xem sẽ không hiểu được thì đó là Văn Ngôn”.

Đại lão Hòa thượng Tịnh Không khi giảng Kinh đã nói rằng Kinh Vô Lượng Thọ có vô lượng nghĩa, dù chư Phật mười phương có diễn nói đến vô lượng kiếp cũng không thể hết được. Phàm phu như chúng ta chỉ có cách dựa vào quá trình nỗ lực tu học hàng ngày mà dần dần cảm ngộ được. Đại lão Hòa thượng Tịnh Không và cư sĩ Lưu Tố Vân trong khi giảng Kinh Vô Lượng Thọ thường xuyên dạy rằng: “Kinh Phật, quý vị không nên đi nghiên cứu ý nghĩa của Kinh, trong Kinh Phật không có ý nghĩa! Khi quý vị giảng Kinh sẽ giảng ra vô lượng nghĩa. Nếu quý vị nói trong Kinh Phật có ý nghĩa do quý vị nghiên cứu ra thì đó là tri kiến phàm phu của quý vị, đây không phải là ‘giải Như Lai chân thật nghĩa’ mà chính là ‘bất giải Như Lai chân thật nghĩa’!”.

Vì những lý do như vậy, nên chúng tôi chủ ý dịch bản hội tập Kinh này thành âm Hán Việt có kèm theo chữ Hán phồn thể, đánh số và giải thích nghĩa chữ Hán, nhất là những chữ có nghĩa khác nhau nhưng bị lặp âm, lặp chữ; cùng các danh từ thuật ngữ Phật Pháp trong bộ Kinh theo Từ Điển ở phần cuối với mong muốn giữ nguyên văn bản gốc để chư vị đồng tu có thể xem được mặt chữ. Chư vị đồng tu khi đọc Kinh sẽ có thể hiểu được ý nghĩa cơ bản của Kinh văn.

Đọc Kinh hay nghe giảng Kinh phải tuân thủ theo 3 nguyên tắc mà Mã Minh Bồ Tát dạy trong Đại Thừa Khởi Tín Luận:

- Thứ nhất là đừng chấp trước tướng ngôn thuyết, nghĩa là chúng ta xem Kinh Phật thì đừng chấp trước tướng văn tự vì văn tự chỉ là phù hiệu của ngôn ngữ. Văn tự sâu cạn hay nhiều ít không quan trọng, chỉ cần nói lên được ý nghĩa là đủ, hiểu được ý là được.

- Thứ hai là đừng chấp trước tướng danh từ thuật ngữ vì tất cả danh từ thuật ngữ đều là giả thiết, đều giúp chúng ta ngộ nhập nghĩa chân thật. Nếu chúng ta chấp tướng danh từ thuật ngữ là sai, vĩnh viễn sẽ không hiểu được nghĩa chân thật, hiểu được nghĩa chân thật là ngộ nhập Tự Tánh.

- Thứ ba là đừng chấp trước tướng tâm duyên, tâm duyên là vọng văn sinh nghĩa (Tôi thấy điều này. Tôi nghe điều này. Tôi nghĩ phải giải thích như thế này. v.v...); đây là đã rơi vào ý thức thứ 6; khi đó, những gì học được chỉ là một chút tri thức nhỏ nhoi chứ không phải là trí huệ. Phật dạy chúng ta tu hành để khai mở trí huệ chứ không dạy chúng ta học tri thức.

Chúng ta huân tập bộ Kinh Vô Lượng Thọ trong thời gian dài, tuy chưa chứng ngộ nhưng chắc chắn có được giải ngộ. Giải ngộ là đã rõ ràng phương hướng và mục tiêu tu hành, không còn tu hành một cách mù quáng, không còn tình trạng tu mù luyện đui nữa. Nếu chư vị đồng tu nào đã có quyết tâm trì niệm danh hiệu A Mi Đà Phật cầu sanh về thế giới Cực Lạc một đời này đi làm Phật thì phải nghe giảng Kinh Vô Lượng Thọ lặp lại nhiều lần và xem Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ lặp lại nhiều lần; tự nhiên chư vị sẽ giải ngộ được bộ Kinh, khi chư vị đọc tụng Kinh văn sẽ rất dễ khế nhập.

Sau phần Kinh văn, chúng tôi có trích dẫn một số đoạn khai thị của Đại lão Hòa thượng Tịnh Không. Chúng tôi nhận thấy những đoạn khai thị này có tính chất vô cùng trọng yếu đối với sự tu học thành tựu hay thất bại của hành giả tu Pháp môn Tịnh Độ. Bài giảng “Pháp Thập Niệm Kí Số của Đại sư Ấn Quang” do cư sĩ Hồ Tiểu Lâm chủ giảng được chúng tôi đặt ở phần cuối cùng.

Chúng tôi xin lễ kính cúng dường đến chư vị đồng tu tôn kính!

Sài Gòn, tháng Giêng năm Tân Sửu 2021 
Chúng cư sĩ Diệu Âm kính bút

 

 

KINH VÔ LƯỢNG THỌ - File PDF  6,67 MB

Tin sinh hoạt phật sự

Video bài giảng

Pháp âm

  • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
  • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
  • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
Pháp âm khác >>

Thống kê truy cập

  • Online: 75
  • Số lượt truy cập : 6946377