BUỔI TRAO ĐỔI PHẬT PHÁP THÚ VỊ
Tin ảnh: TRÍ BÁ - TRÍ TÂM
Sáng 6/6/2020 (nhằm ngày Rằm tháng 4 nhuận năm Canh Tý), tại Chùa Phật học Xá Lợi, Ban Phật học đã tổ chức buổi trao đổi Phật pháp thay vì có một buổi nói chuyện chuyên đề như thường lệ. Mỗi thành viên đặt một vấn đề để cùng nhau trao đổi, cuối cùng cư sĩ Trần Đình Sơn, Trưởng Ban Phật học Chùa PH Xá Lợi tổng kết và trao đổi lại.
Các thành viên đã nêu những vấn đề như mê tín và chánh tín trong Phật giáo; học Phật pháp để đạt được điều gì trong cuộc sống; làm sao để học Phật tốt hơn; sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân; Phật giáo có Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm không;…
BS Đỗ Hồng Ngọc, Cố vấn Ban Phật học, tâm đắc về cách học này, BS Ngọc cho rằng không nên học hết bộ kinh này đến bộ kinh khác mà thiếu ứng dụng Phật pháp vào đời sống. BS Ngọc cho rằng những ý kiến, thậm chí những bức xúc của các thành viên nêu lên rất sâu sắc và cần thiết để cùng nhau trao đổi.
Đối với vấn đề mê tín, không nên chê bai mà nên nương theo để hướng dẫn người mê tín hướng dần đến chánh tín. Tu theo Pháp nào cũng được mà hướng cho những người mê tín đi dần đến Bát chánh đạo là tốt nhất.
Cư sĩ Trần Đình Sơn tổng kết buổi trao đổi:
- Trong Phật giáo có những cái siêu việt, chúng ta khó cắt nghĩa, chúng ta học Phật để biết những điều Phật dạy và ứng dụng vào đời sống. Chứ đợi chờ xem như thế nào thì chúng ta sẽ không có dịp để thực hành. Là người Phật tử nhất thiết phải quy y và giữ được ít nhất 1 trong 5 giới.
Còn thờ cúng qua các biểu tượng bồ tát, chư Phật là hạnh nguyện của người học Phật, nhìn tượng phát thiện tâm không có gì mê tín. Trong cuộc sống hoặc quẫn bách thì cầu nguyện, đó là phản ứng tự nhiên của con người. Đừng thấy người lạy Phật rồi cho là mê tín. Rồi lại cho rằng mình không lạy Phật mới đúng, vì tâm là Phật. Điều đó quý nhưng trước hết tâm mình phải là Phật. Khi tâm mình chưa là tâm Phật dễ phát sinh những suy nghĩ không đúng thì có một tượng Phật để mình chiêm bái và sửa đổi mình theo hạnh của các chư Phật là điều rất tốt.
- Còn về sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, chúng ta phải biết kính ngưỡng hạnh Bồ tát của Ngài. Luật tỳ kheo cấm tự tử, vì đó là trốn nghiệp. Khi Đại thừa có giới Bồ tát, khi thọ giới Tỳ kheo phải thọ Bồ tát giới. Nếu vì chúng sanh, đạo pháp mà chết thì đó là hạnh Bồ tát. Cái chết của Hòa thượng Thích Quảng Đức làm rúng động thế giới. Không có biến cố đó thì khó có thể giữ vững đạo pháp trong mùa Pháp nạn.
- Trong kinh điển Kinh điển Nam truyền không có nói về Phật A Di Đà, Phật Quan Âm Bồ tát. 500 năm sau đức Phật nhập Niết bàn, Bắc truyền có những phái đưa ra các hình tượng các vị Bồ tát như Phật A Di Đà, Phật Quan Âm Bồ tát và các vị Bồ tát khác. Đúng là trong Phật giáo Nguyên thủy không có các vị Bồ-tát. Tuy nhiên, khái niệm Bồ-tát thì có, được xuất hiện trong các kinh điển Nguyên thủy, nhiều nhất là ở Tiểu bộ và Tạp A-hàm, để chỉ những tiền thân của Đức Phật, những kiếp tái sinh trên con đường tu hành trước khi đạt đến quả vị Phật. Phật giáo Đại thừa sau này đã kế thừa và phát triển khái niệm này, làm cho Bồ-tát trở thành một hình tượng hoành tráng vừa gần gũi, vừa phi thường trên hành trình cứu độ chúng sinh và hy cầu Phật quả. Kinh điển Đại thừa, trên phương diện lịch sử dù không phải Phật nói, nhưng không vì thế mà không có giá trị siêu việt, không chứa đựng tuệ giác và chất liệu giải thoát. Biết bao nhiêu người đã chứng ngộ khi đọc kinh điển Đại thừa.
Buổi trao đổi Phật pháp kết thúc trong sự hoan hỉ của các thành viên. Dưới đây là vài hình ảnh về buổi trao đổi.
Buổi trao đổi Phật pháp
Các thành viên trao đổi
BS Đỗ Hồng Ngọc phát biểu
Cư sĩ Trần Đình Sơn tổng kết
Bình luận bài viết