Tin tức

CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN, MỘT BIỂU TƯỢNG RẠNG NGỜI VỀ NGƯỜI CƯ SĨ

CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN,

MỘT BIỂU TƯỢNG RẠNG NGỜI VỀ NGƯỜI CƯ SĨ

 

NGUYỄN THIỆN ĐỨC

 

Cư sĩ Phật tử hay cận sự là một thành phần của đại chúng từ khi Đức Phật chưa nhập diệt. Họ là những người quy y Tam bảo, giữ gìn ngũ giới và hộ trì Chánh pháp tuy vẫn sống đời sống thế gian như: Trưởng giả Cấp-Cô-Độc, Vua A-Dục, Trưởng giả Duy-Ma-Cật, vua Lương Võ Đế, Thái tử Thánh Đức… Ở nước ta, từ buổi bình minh của lịch sử Phật giáo, bên cạnh những danh tăng luôn có những cư sĩ thuần thành phụng sự Tam bảo như: Chử Đồng Tử (huyền sử), Lý Nam Đế, Lý Thánh Tông, Trần Thánh Tông, Trạng lường Lương Thế Vinh, Quốc chúa – Nguyễn Phúc Chu, Tịnh Tín – Trần Đình Ân… Trong thời cận hiện đại có cư sĩ Nguyễn Năng Quốc, cư sĩ Tâm Minh (Lê Đình Thám),... Miền Nam Việt Nam có cư sĩ Chánh Trí (Mai Thọ Truyền).

Tư tưởng “cư Nho – mộ Thích” của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu cũng là tư tưởng chủ đạo, tiêu biểu và phổ biến trong đời sống văn hóa và tâm linh của người miền Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung qua nhiều thế kỷ. Sinh ra và trưởng thành trong không gian truyền thống đó, người thanh niên trí thức Mai Thọ Truyền đã sớm trở thành cư sĩ Chánh Trí khi vừa 26 tuổi. Cư sĩ đã phụng sự Phật giáo và dân tộc không mệt mỏi suốt 42 năm, từ năm 1931 quy y với Hòa Thượng Hành Trụ đến khi tạ thế năm 1973. Di sản hiện hữu mà Cư sĩ để lại vô cùng to lớn: Hội Phật học Nam Việt, Chùa Phật học Xá Lợi, 7 quyển sách về Phật học đã xuất bản, Tạp chí Từ Quang, Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh), Ủy ban điển chế văn tự (trước 30/4/1975), Chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế (trước 30/4/1975) và rất nhiều tác phẩm được sưu tầm, phiên dịch tiếng Việt và xuất bản trong thời gian làm Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa… Bên cạnh đó, còn một di sản đặc biệt mà Cư sĩ Chánh Trí để lại cho chúng ta đó chính là hình ảnh chân thật và sống động về vai trò và hoạt động của người cư sĩ trong sự nghiệp phát triển Phật giáo.

Trong cuộc sống thế tục, cụ Mai Thọ Truyền là một người con hiếu, trò ngoan, quan thanh liêm, học giả uyên bác… luôn đặt lợi ích dân tộc làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình, tiến thoái không vướng bận, luôn cống hiến ở bất kỳ vai trò hay vị trí xã hội giữa thời loạn thế. Đời sống cá nhân mô phạm tạo cho Cụ một uy tín lớn trong hoạt động cộng đồng. Trong hoạt động Phật sự, cư sĩ Chánh Trí là một Phật tử giữ gìn giới luật tinh nghiêm, có kiến thức Phật học sâu rộng… luôn lấy lợi lạc quần sinh làm tôn chỉ hành động, vận dụng tinh tế Chánh pháp của Đức Phật trong đời sống cư sĩ để phụng sự cộng đồng. Cư sĩ đã cùng chư tôn đức vượt qua những gian truân, thống khổ thời Pháp nạn; đã không câu nệ khi mở ra một xu hướng mới cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong môi trường đô thị hiện đại qua công trình chùa Phật học Xá Lợi; giải quyết mọi bất đồng về quan điểm bằng một tinh thần cầu thị và hòa nhã nhưng kiên định và quyết đoán. Điều quan trọng nhất, Cư sĩ Chánh Trí đã thấy rõ việc bổ sung hữu cơ cho nhau về vai trò và nhiệm vụ giữa người tu sĩ và cư sĩ trong hoạt động Phật sự. Người tu sĩ có lợi thế trong hoạt động tuyên dương Chánh pháp bằng phương thức kinh viện nhưng có những hạn chế trong việc thâm nhập vào cuộc sống thế tục. Ngược lại, người cư sĩ đang sống trong môi trường thế tục nên dễ dàng chia sẻ chánh pháp thông qua các phương thức tiếp cận xã hội. Người cư sĩ sẽ tạo một vùng đệm an toàn và một hậu phương vững chắc cho người tu sĩ để người tu sĩ có đủ thời gian và nguồn lực tu học cao sâu làm chỗ tựa vững chắc về giáo lý tu tập cho người cư sĩ. Đời sống xã hội ngày càng phát triển, những cám dỗ thế tục ngày càng vi tế, người cư sĩ cần hỗ trợ người tu sĩ thực hiện những nhiệm vụ cộng đồng cũng như những hoạt động xã hội để góp phần giữ hình ảnh phạm hạnh của Tăng già với giới luật tinh nghiêm không vướng bụi trần, làm thân giáo cho quần sinh gửi gắm niềm tin giữa cuộc sống tràn đầy ngũ dục.

Cư sĩ Chánh Trí đã kế thừa và phát huy xuất sắc tinh thần và văn hóa Phật giáo đã cùng với chư tôn đức và bằng hữu vượt qua pháp nạn và góp phần to lớn vào sự nghiệp chấn hưng Phật giáo cũng như văn hóa nước nhà. Cư sĩ là biểu tượng rạng ngời về người cư sĩ với đời sống mẫu mực, tinh thần cống hiến và hoạt động nhiệt thành vừa kế thừa truyền thống dân tộc mà cũng phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Tìm hiểu về hành trạng của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền sẽ giúp cho chúng ta thấy rõ được tâm thế, vai trò và hành động của người cư sĩ trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Qua đó, giúp cho những người cư sĩ đi sau có một hình ảnh mô phạm để tiếp bước trên con đường tu học đồng thời giúp công tác tổ chức của Phật giáo có những cơ chế phù hợp cho người cư sĩ tham gia một cách chủ động và tích cực hoạt động Phật sự trong xã hội hiện đại nhiều màu sắc…

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 43
    • Số lượt truy cập : 6950105