Tin tức

CON ĐƯỜNG MAI THỌ TRUYỀN ĐẾN VỚI PHẬT GIÁO

CON ĐƯỜNG MAI THỌ TRUYỀN ĐẾN VỚI PHẬT GIÁO

 

TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG(*)

 

1. Gia đình

Mai Thọ Truyền (1905 – 1973) người làng Phú Long (sau đổi Long Mỹ), tổng Bảo Thành, quận Châu Thành, tỉnh Bến Tre, thuộc gia đình trung lưu trí thức. Ông nội là cai tổng Mai Thành Công, một nhà Nho, có hai người con trai được dạy dỗ theo truyền thống Nho giáo. Nhưng sau người con lớn là Mai Thành Cần (thân phụ Mai Thọ Truyền) phải học thêm Quốc ngữ và Pháp ngữ để làm hương chức hội tề, rồi do tài năng được phong Phó tổng. Người con út tên Mai Văn Cung, tự Mai Văn, giỏi chữ Hán nhưng cũng giỏi Pháp ngữ nên được học bổng du học, đậu kỹ sư, về làm Kinh lý ở Sở Đạc điền1.

Mai Văn Cung là chồng bà Lê Thị Ngỡi (bà Ba Ngỡi; 1855 – 1933), có con là Mai Thành Giao (1890 – 1916). Gia đình này quốc tịch Pháp, theo Thiên Chúa giáo. Nhưng khoảng trung niên thì bà Lê Thị Ngỡi bị bệnh mờ mắt, gia đình nhờ nhiều lương y chữa nhưng không thuyên giảm. Cuối cùng phải nhờ sư Khánh Thông (tức hòa thượng Khánh Thông sau này) giúp đỡ. Sư vừa phục dược vừa khuyên bà niệm danh hiệu Bồ tát để trợ duyên.

Một đêm nọ, bà nằm mơ thấy Bồ tát ngự trên tòa sen đến gần giường bà đàm đạo. Bà mừng quýnh, nắm tay Bồ tát thì thấy vàng rơi lả tả. Từ đó, đôi mắt bà hồi phục và bà rất muốn theo đạo Phật mặc dù chồng con phản đối. Chính quyền thực dân cũng không bằng lòng, vì nếu bà trở lại đạo Phật thì kể như họ thất bại.

Bà Ba muốn quy y với sư Khánh Thông, nhưng sư thấy căn cơ của bà lớn nên tiến dẫn bà đến tổ Minh Lương – Chánh Tâm (1835 – 1904) ở Tân An và được ban pháp danh là Như Nghĩa.

Bà Lê Thị Ngỡi vâng lời bổn sư dạy, làm nhiều việc có ích cho đời như: bắc cầu, làm đường, xây hồ chứa nước ngọt; góp nhiều tiền xây trường học, bệnh viện, chùa chiền; ấn tống kinh sách, mở trường dạy giáo lý, an cư kiết hạ, cúng nhiều ruộng đất cho các chùa nghèo để tăng chúng có cơm ăn áo mặc, yên tâm tu học. Bà thường nhờ các chùa mở hội tụng kinh nhưng không phải cầu phước báU cho mình.

Bà đã “đặt hậu” chùa nào nhận cúng dường thì phải thờ tổ tiên hai họ Mai (họ chồng bà) và họ Lê (họ của bà). Khi bà mở hội tụng kinh thì con cháu hai họ đến dâng hương lễ Phật (cũng là dịp dâng hương tổ tiên) để dần dần tiếp cận với Tam bảo2.

2. Con đường Mai Thọ Truyền đến với Phật giáo

Mai Thọ Truyền từ thuở nhỏ được gia đình cho ăn học với hy vọng trở thành một công chức như chú ông là Mai Văn Cung. Nhưng đặc biệt, Mai Thọ Truyền thường đến chùa nghe thuyết pháp, đọc sách báo Phật giáo viết bằng nhiều thứ tiếng. Nhờ đó, ông biết rằng ở các nước Tây Âu rất chú trọng Phật giáo, nhưng họ chỉ hiểu Đức Phật là một triết gia siêu việt, khác với quan niệm của chúng ta. Còn trước mắt, giới trí thức đương thời cũng có người nghiên cứu Thông thiên học, người nghiên cứu Phật giáo theo các sách báo phương Tây. Do đó, Mai Thọ Truyền bối rối như đứng trước ngã ba đường.

Khoảng năm 1931, sau thời gian làm Thư ký, thi đậu vào ngạch Tri huyện, biết sắp sửa bước vào con đường danh lợi phiền phức, ông trở về Bến Tre vấn kế thầy Nguyễn Văn Vinh (1885 – 1935). Thầy Vinh là một giáo viên gương mẫu được các thế hệ học trò ở Bến Tre kính phục như cha mẹ. Hai thầy trò đàm đạo chuyện tương lai suốt mấy tiếng đồng hồ. Cuối cùng thầy Vinh tiễn học trò về bằng câu nói:

- Thì em cứ thử làm một quan Tân thời xem3.

Trong giai đoạn bị ngoại thuộc, làm một “ông quan Tân thời” là phải có lòng chính trực, nhân ái, liêm khiết, không xu nịnh cấp trên, không hà hiếp dân chúng. Thế nên, suốt hơn 10 năm ông vẫn làm Thư ký (ngạch Tri huyện) rồi Quận trưởng quận Cầu Ngang (một quận nhỏ), cũng ngạch Tri huyện để cố làm một “ông quan Tân thời” như thầy dặn.

Khoảng những năm 1936 – 1939, tình hình chính trị Nam Kỳ có được nới lỏng nên phong trào chấn hưng Phật giáo có điều kiện phát triển. Tại Trà Vinh có Lưỡng Xuyên Phật học, có trường Phật học, có tạp chí Duy tâm Phật học. Mai Thọ Truyền lúc bấy giờ chưa phải là Phật tử nhưng có duyên với Phật giáo, nên hết lòng ủng hộ hội này hoạt động4.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông là một công chức tốt với nhân dân nên được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quận bộ Việt Minh (quận Châu Thành, Long Xuyên) rồi Chánh Văn phòng kiêm Ủy viên Tài chánh tỉnh Long Xuyên. Quân Pháp trở lại tái chiếm, Ủy ban Nhân dân dời về núi Sập, nhường quyền chỉ huy cho Ủy ban Kháng chiến Hành chánh.

Khi đánh nhau với lực lượng Việt Minh, quân Pháp dùng giải pháp độc lập giả hiệu, lập những chính phủ bù nhìn để hy vọng tiếp tục đô hộ Việt Nam lần thứ hai. Đầu năm 1947, Pháp cử bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng, mời các trí thức, trong đó có nhiều trí thức yêu nước, thành lập chính phủ Nam Kỳ tự trị, mời Mai Thọ Truyền làm Quận trưởng rồi Tỉnh trưởng tỉnh Sa Đéc.

Lúc làm việc ở đây, Mai Thọ Truyền thường đến chùa Long An tham vấn hòa thượng Thích Hành Trụ. Thực sự cảm phục đức độ và trí tuệ của ngài nên ông quy y làm đệ tử hòa thượng. Từ đó, Mai Thọ Truyền với pháp danh Chánh Trí đã hết lòng đem tài năng và trí tuệ ra hộ trì chánh pháp.

Nhưng mấy tháng sau, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh biết mình lầm đường, tự tử, chính phủ tan rã. Còn Mai Thọ Truyền ở Sa Đéc thấy cảnh quân đội Pháp hành quân tàn sát dân chúng, ông dùng quyền lực của mình can thiệp nhưng không cứu nổi, bèn từ chức. Từ chức không được, ông giả bệnh, xin đi điều dưỡng.

Khoảng giữa năm 1947, Mai Thọ Truyền xin đổi về Sài Gòn, tham gia các chức vụ lớn trong chính phủ Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Bửu Lộc với mục đích thành lập Hội Phật học Nam Việt (1950).

Hội có các vị cao tăng làm cố vấn, trực thuộc Tổng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mục đích là phổ biến chánh pháp (cả hai quan niệm Đông Tây) đến tầng lớp cư sĩ trong buổi giao thời.

Hội Phật học Nam Việt có các tiểu ban: Hoằng pháp, Hộ niệm, Học tập, Gia đình Phật tử Chánh đạo, Từ thiện xã hội, Thư viện và tạp chí Từ Quang. Đây là một hội Phật học đầu tiên ở miền Nam có tổ chức quy mô với khoảng 40 Tỉnh hội và Chi hội với 6.000 hội viên và có nhiều hoạt động thiết thực cho đạo pháp.

3. Thay lời kết

Mai Thọ Truyền là một cư sĩ mẫu mực, uyên thâm giáo lý và tận tụy với đạo pháp. Ước vọng lớn nhất của ông là phổ biến giáo lý nhà Phật theo quan niệm vừa là tôn giáo vừa là triết học, trong hàng cư sĩ. Mặc dù ông là người trong quan trường, nhưng là “ông quan Tân thời” chánh trực, liêm khiết và nhân ái, không xu nịnh cấp trên, không hà hiếp kẻ dưới. Ông thích ngành văn hóa, làm được nhiều việc có ích cho đời và phụng sự đạo pháp dân tộc. Ông là một cư sĩ tích cực điển hình trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo ở miền Nam.

 


(*) TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. ĐT: 0396.783964.

1. Hạ Mai Văn Cung trong Điếu cổ hạ kim thi tập, Nguyễn Liên Phong, 1919, Nxb Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM, tái bản 2013.

2. “Bà Lê Thị Ngỡi, một Phật tử hết lòng phụng sự đạo pháp”, Ánh sáng Lục hòa tăng Việt Nam, Tập Văn sao kỉ niệm ngày Phật đản 2533, 1970, Khánh Hòa Phật học tùng thư, Văn phòng Tổng vụ Hoằng pháp Trung ương, chùa Phật Ấn, Sài Gòn.

3. Tiểu sử, chân dung và bài tường thuật lễ tang bà Lê Thị Ngỡi trong Từ Bi âm, số 38, 41, 42 (tháng 7 và 8 năm 1933).

4. Mai Thọ Truyền đi chùa, quen biết rất nhiều vị cao tăng, cư sĩ, đặc biệt là bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, người quản lý tờ Duy Tâm Phật học, sau này là Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt đầu tiên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Khánh Hòa Phật học tùng thư (1970), Ánh sáng Lục hòa tăng Việt Nam, Tập Văn sao kỉ niệm ngày Phật đản 2533, 1970, Văn phòng Tổng vụ Hoằng pháp Trung ương, chùa Phật Ấn, Sài Gòn.

2. Nguyễn Duy Oanh (1970, tái bản 2017), Tnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM. Dẫn bài “Giờ sử Việt” của Mai Thọ Truyền, Đồng Nai văn tập, số 6, tháng 5 và 6, Sài Gòn, 1966.

3. Nguyễn Liên Phong (1919, tái bản 2013), Điếu cổ hạ kim thi tập, Nxb Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM.

4. Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập 1, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 47
    • Số lượt truy cập : 6950074