Tin tức

CỤ CHÁNH TRÍ VỚI SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

CỤ CHÁNH TRÍ VỚI SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

 

TK. THÍCH HẢI ẤN

Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN

Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

 

Nói đến đạo Phật là nói đến phương diện tâm linh Từ bi và Trí tuệ. Là con đường hướng con người đến Chân thiện mỹ. Mọi giá trị sống, chân lý cuộc đời đều được khai mở qua giáo lý Phật giáo để rồi giúp cho nhân loại thẩm thấu hết những giá trị và bước dần lên con đường giải thoát. Chính vì thế, đến với đạo Phật, không phải đến để nói suông, mà phải đến để thấy, để thực hành, và để đi qua sự an lạc ngay chính nội tâm thực tại. Phật giáo không dành riêng cho ai, mà bất cứ ai với niềm tin vững chắc, với sự cần mẫn hành trì đều có được sự lợi ích an lạc dù Tăng hay tục.

Trong Phật giáo, chúng ta kể không hết, đếm không xuể những tấm gương sáng ngời đạo hạnh của các bậc Cao Tăng thạc đức. Quý Ngài sống một đời đạo hạnh miên trường, lợi lạc quần sanh. Song song hàng cư sĩ tại gia cũng có rất và rất nhiều vị, họ là những vị hộ pháp cho đạo, những vị luôn cận kề chư Tăng và cũng mang tâm nguyện hành đạo bất thối chuyển.

Quý thay tâm đức ấy, ngưỡng vọng thay những vị tại gia đệ tử Phật đã sống trọn tinh thần, vẹn đạo ích đời. Dù quý vị Phật tử ấy sống đời sống tại gia, nhưng suốt cuộc đời luôn hy sinh cho đạo pháp, dù trên thân mình không khoác màu áo hoại sắc, nhưng luôn hướng về Chân thiện mỹ. Quý vị ấy đóng một vai trò không nhỏ đối với sự nghiệp giáo dục Phật giáo. Nhiều và nhiều Phật tử quý kính như thế lắm. Nhưng hôm nay, cho phép tôi được viết vài điều, nhắc vài điều về người Phật tử đã có ảnh hưởng sâu rộng với Phật giáo nhất là Phật giáo miền Nam chúng ta. Không ai khác hơn chính là Phật tử - Cụ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền.

1. Đôi nét về Cụ Chánh Trí

Cụ Chánh trí Mai Thọ Truyền là một trong những khuôn mặt Phật tử cư sĩ lớn của thời đại. Cụ sinh năm 1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre, và đã học tại các trường trung học Mỹ Tho và Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Cụ thi đậu tri huyện năm 1931 và đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Từ năm 1945 trở về sau, Cụ đã giữ rất nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống bộ máy nhà nước đương thời như Chánh Văn phòng Bộ Kinh tế, Giám đốc Hành chính sự vụ Bộ Ngoại giao, Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa, v.v…

Nếu như dừng ở đây thì có thể chúng ta không có gì để nói về Cụ, điểm đặc biệt, dù làm những công việc trọng trách đối với quốc gia như thế, song Cụ cũng lại là một Phật tử thuần thành cũng như Cụ Tâm Minh – Lê Đình Thám. Cụ ăn chay trường từ ngày biết đạo được thọ lãnh Tam quy Ngũ giới với Bổn sư truyền thọ là Hòa thượng Thích Hành Trụ, rồi từ đó cái duyên Phật sự được Cụ gánh vác không biết mệt mỏi. Năm 1950, tại Sài Gòn, Cụ vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt với 40 tỉnh Hội và chi Hội khắp miền Nam. Thời bấy giờ, phương tiện truyền thông hạn hẹp, để giáo lý Phật Đà được lưu truyền rộng rãi đến với quần chúng, Hội đã cho ra Tạp chí Từ Quang, và Cụ là người trực tiếp trông nom từ năm 1951 với 242 số đã ra đời cho đến ngày Cụ mất.

Ngoài ra, Cụ đã để tâm nghiên cứu rất sâu rộng về giáo lý và đã có rất nhiều tác phẩm ra đời như: Tâm và Tánh; Ý Nghĩa Niết Bàn, Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Địa Tạng Huyền Nghĩa, Khảo Cứu về Tịnh Độ Tông, Khảo Cứu về Mật Tông v.v…

Một đời người sống lợi ích cho Đạo, ý nghĩa cho đời. Vào ngày 17 tháng 4 năm Quý Sửu (1973), thọ 69 tuổi, Cụ đã nhẹ nhàng xả bỏ thân tứ đại tại Sài Gòn. Cụ đã mất, đã khép lại một nhân duyên trong cuộc hội ngộ của chốn phù hoa sanh tử. Nhưng vẫn còn đó mọi âm ba vẫn còn lan tỏa cho đến ngày hôm nay. Vẫn còn ở đây sự nghiệp giáo dục Phật giáo của Cụ đã đóng góp mãi còn lan truyền. Có thể không trực tiếp nhưng đâu đây âm vận về con đường giáo dục của Cụ chúng ta vẫn đang tiếp nối, đó là mạch nguồn tâm linh được truyền qua bao thế hệ trong mỗi chúng ta.

2. Cụ Chánh Trí với giáo dục Phật giáo

Giáo dục Phật giáo hướng đến con người, lấy con người làm trung tâm điểm để thuyết giảng giáo lý. Mục đích tối hậu của giáo dục Phật giáo như kinh Pháp Hoa đã từng dạy “Đức Phật xuất thế vì đại sự nhân duyên khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Cái đại sự nhân duyên ấy chính là giáo dục. Giáo dục cái gì? Dạy cách để chúng sanh được nhập vào thể tánh chân như như chư Phật. Không có một tôn giáo nào hay một trường lớp nào có thể dạy cho chúng sanh làm được điều này. Và không một ai ngoài tự thân mình có thể làm cho mình được điều này. Chính chúng ta, ngay nơi mạng sống này, ngay nơi hơi thở này, chúng ta làm cho chúng ta trở nên an lạc, trở nên thanh tịnh. Bất cứ người học Phật nào cũng đều thẩm thấu được điều này. Tự mỗi người phải đi không ai thế ai làm điều ấy cho ai được, có chăng chỉ là giúp đỡ nhau, truyền trao cho nhau những cái hay cái đẹp về lời Phật dạy mà mình đã kinh qua. Giáo dục Phật giáo phải luôn tồn tại hai hình thức tự lợi và lợi tha. Một hành giả tu đạo chơn chánh luôn sống trên tinh thần thượng cầu hạ hóa, ngoài sự tu tập của bản thân, còn khuyến hóa mọi người xung quanh tu tập để cùng nhau ra khỏi khổ đau. Trong Kinh có dạy: “Muốn báo ân Phật, thì ngay đời này, hãy cố nỗ lực, dõng mãnh tinh tấn, truyền bá Đại thừa, cảm hóa chúng sanh, đồng vào biển giác”. Tinh thần này đã được chư Phật, chư Tổ, chư tôn túc thế thế truyền thừa. Và Cụ Chánh Trí quý kính của chúng ta cũng đã sống theo tinh thần ấy như thế nào?

a. Cụ Chánh Trí với niềm tin Tam Bảo và giáo dục đối với tự thân

Như trước đã nói, ngay sau khi thọ Tam quy Ngũ giới trở thành đệ tử Phật, Cụ Chánh Trí đã ý thức trách nhiệm đối với tự thân đối với đạo một cách rõ rệt thông qua sự phát nguyện ăn trường trai của mình. Một con người đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, mọi thứ đều có trong tay, nếu với tâm của một người bình thường họ mặc sức hưởng thụ dục lạc. Nhưng Cụ lại khác, vượt lên thường tình, bỏ qua mọi sự cám dỗ, mọi sự khoái khẩu trở lại cuộc đời thanh đạm, là bước ngoặc lớn đầu tiên của cuộc đời Cụ. Vì sao một con người trí thức, uyên thâm thế học như Cụ lại có thể trở thành một Phật tử thuần thành như vậy? “Trong những năm làm việc đó đây khắp lục tỉnh miền Tây, ngoài sự nhận thức sâu rộng và am tường về thế học, Cụ còn để tâm nghiên cứu về Phật giáo, Nho giáo, và các tư tưởng Tôn giáo triết lý khác. Đến đâu Cụ cũng tham vấn các vị danh Nho nổi tiếng để thử tài học vấn và biện bác, nhưng chưa vị nào giúp Cụ thỏa nguyện. Cho đến khi làm việc ở Sa Đéc, Cụ đến tham vấn Hòa thượng Thích Hành Trụ là giảng sư tại chùa Long An, chính nơi đây Cụ thực sự quy ngưỡng và cảm phục trước đức độ và trí tuệ của Ngài nên cầu làm đệ tử và thọ Tam quy Ngũ giới với Pháp danh Chánh Trí”1. Cũng từ giờ phút ấy Phật giáo có thêm một vị hộ pháp đắc lực và cũng từ đó con đường Cụ đi không chỉ là công danh sự nghiệp, mà là con đường kết nối của sự trở về. Cụ ở trong buộc ràng mà không bị ràng buộc. Cụ ở trên đỉnh cao của danh lợi mà không bị trói buộc bởi chúng. Bởi trong cái màng danh lợi ấy, Cụ đã thấy rõ chúng. Trong Tạp chí Từ Quang tập số 42, Cụ đã từng viết: “Người đời mấy ai tránh khỏi tiếng là đua nhau trên đường danh lợi. Nhưng thử hỏi mấy ai suy tầm cho đến gốc rễ coi vì đâu phải chạy theo lợi với danh”. Cũng trong bài này, Cụ định nghĩa và mổ xẻ về hai từ danh lợi với nhiều thí dụ. Cụ còn phân tích danh lợi qua hai phạm trù thế và xuất thế nhằm xác quyết cho chính mình và mọi người cần phải chọn phương diện danh lợi nào. Cụ viết: “Còn sống trong vòng trói buộc của tham lam, giận hờn, ngu si mê muội, là còn sống trong cảnh khổ. Những ăn ngon mặc đẹp, cửa rộng nhà cao, tiền của đầy kho, không phải là những yếu tố của chơn hạnh phúc. Trái lại, đó là những xiềng xích làm cho chúng ta mất hết tự do”. Tiếp Cụ lại viết: “Tùy ở ta mà được thanh cao hay không thanh cao. Muốn được thanh cao thì chúng ta nên tìm cái danh giác ngộ và cái lợi giải thoát. Và nhớ phải tìm trong chỗ vô danh và vô lợi, nghĩa là âm thầm mà tu tiến, mặc cho thế dèm pha mà cũng mặc cho đời khen ngợi, cũng như đừng mong trồng cây là để hái trái. Luật nhân quả, nghiệp báo là một luật tự nhiên trong trời đất, không một ai sửa đổi được. Chúng ta cứ tin quả quyết như thế mà trổi bước trên đường chỉ ác tu thiện”. Thật là chí khí, thật là khẳng khái. Qua những gì Cụ viết chúng ta như được nhìn thấy bức chân dung của một con người đứng hiên ngang giữa trời đất. Đang đứng trên lợi danh mà không bị chúng nhấn chìm. Có câu ngạn ngữ nói rằng: “hiểu đúng mới làm đúng”. Và thật như Cụ đã làm được điều đó trong những tháng năm đến đi cùng tuế nguyệt. Và để vượt ra ngoài vòng danh lợi một vấn đề tu thân nữa đó là Diệt dục2, Cụ viết: “Chúng ta thấy rằng người đời ai cũng mong và có quyền mong được sống một đời sống hạnh phúc chân thật và hoàn toàn. Muốn đạt đến mục đích ấy, không nên theo con đường của thế tình là phải chạy theo dục vọng, mà phải theo con đường trái ngược là con đường diệt dục. Chỉ không còn khao khát một vật gì, lòng ta mới yên tịnh và cái yên tịnh ấy mới thật là hạnh phúc, một hạnh phúc không ai cướp được, không gì tiêu hủy được”. Nhận thức là chìa khóa mở ra những chân trời mới, Cụ đã thấy được, đã sống được, đã nếm được hương vị của đạo. Không phải một ngày hay năm ba tháng, mà tinh thần ấy đã được Cụ thực hành mấy mươi năm cho đến cuối đời. Một bài học tu thân rạng ngời của Cụ, dù thân là cư sĩ, không khoác áo hoại sắc, nhưng với tinh thần vô úy và niềm tin Tam Bảo bất thối chuyển, niềm tin Nhân Quả, tin về giáo lý không gì thay đổi được đã làm nên một con người, để rồi sau này cách mấy mươi năm, chúng ta ngồi đây và đang nhắc về Cụ, một hình ảnh sống đẹp đạo đẹp đời không bị thay đổi theo năm tháng.

b. Cụ Chánh Trí với sự nghiệp Giáo dục nhân quần xã hội

Từ khi nắm bắt được giáo lý Phật giáo, đã trải nghiệm qua sự tu tập của tự thân, thấy được sự lợi ích của Phật giáo đối với bản thân mình. Rồi như một nhân duyên lớn, Cụ đã kề một vai dùng sức của mình, cùng chư Tăng gánh vác Phật sự. “Đối với phong trào chấn hưng Phật giáo, Cụ là một kiện tướng trong hàng cư sĩ đóng góp công sức rất lớn”3. Bên cạnh đó, Cụ còn vận động thành lập Hội Phật Học Nam Việt. Hội đã trực tiếp mở các lớp Phật học phổ thông, lúc bấy giờ do chư tôn đức Thiện Hòa, Thiện Hoa… diễn giảng. Ngoài ra, hàng tuần, tại chùa Xá Lợi, Cụ còn tổ chức các thời thuyết pháp cho đại chúng do Cụ mời các vị Cao tăng Đại Đức trong nước hay nước ngoài thuyết giảng. Có khi chính Cụ là giảng sư; chưa dừng lại ở đó “Hội Phật Học Nam Việt có xuất bản Tạp chí Từ Quang do Cụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tạp chí này suốt gần 24 năm liên tục (1951-1975) đã đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh”4. Bất cứ nơi đâu Cụ đến, tinh thần của Hội, tinh thần học Phật đều được nêu cao, nhất là tinh thần kêu gọi sự trở về để thoát ly khổ đau ngay hiện tại, đúng với tinh thần đức Phật đã dạy. Con đường trở về thể nhập với đạo này đòi hỏi tất cả mỗi người ai ai cũng phải đi ngược lại thường tình bản năng của chúng sanh “Nhập mà không nghịch hành, hóa ra thuận rồi còn gì? Nói tu mà không sống ngược đời là không tu gì cả”5. Cụ còn thấy được nguyên do khổ đau mỗi mỗi chúng sanh đang thọ nhận từ chính lòng tham đắm dục lạc của mỗi người mà ra. Chỉ còn vượt qua nó, đi ngược với tâm tam độc của mình mới có thể thoát khổ. “Nước trên nguồn chảy xuống, gặp đá cản đường mà dòng nước không muốn dừng bước. Phải làm thế nào bây giờ? Nước xoay hướng, đi ngay không được thì nước đi quanh, rốt cuộc, nước chiến thắng trở ngại và nước rong ruổi dặm trường. Chúng ta nên làm như thế. Chúng ta đã đi tìm hạnh phúc và quyết tìm cho được hạnh phúc, chúng ta đã dẫm chân trên con đường thỏa dục, chúng ta bất thành công. Sao chúng ta không bắt chước nước nguồn kia mà đổi hướng? Biết như thế là con đường dẫn đến chân hạnh phúc miên viễn đã rộng mở trước mắt chúng ta rồi vậy… Con đường dẫn đến hạnh phúc đầy đủ là con đường diệt dục, và con người càng giải thoát sự tham muốn bao nhiêu thì càng bớt đau khổ bấy nhiêu và cũng gần nguồn hạnh phúc chân thật”6.

Tinh thần trách nhiệm của một người Hội trưởng chăm lo cho Hội, kêu gọi tinh thần học Phật đối với mỗi hội viên và tinh thần xả thân cho mạng mạch truyền thừa của Phật giáo của Cụ đã được đón nhận. Nơi nơi đều có tỉnh Hội, nơi nơi đều cùng nhau, nương nhau tu tập theo giáo lý Phật dạy. Hạt giống thiện được ươm mầm gieo rải khắp miền Nam. Không chỉ thế mà Tạp chí Từ Quang nổi tiếng một thời với những bài viết mang đậm tinh thần giải thoát cũng được đến tay quần chúng. Cái thời mà mọi cái đều khó khăn, kinh sách không nhiều, nhận thức con người về giáo lý chưa sâu sắc, những bài viết của tạp chí là nhịp cầu nối để hướng tâm thức con người về với đạo Phật. Tinh thần học Phật và phụng sự đạo pháp của Cụ chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Tinh thần ấy còn được thấy rõ khi Cụ đương nhiệm nhiều việc cùng lúc, vừa làm việc hành chánh quốc gia, vừa làm việc cùng với Tăng già, ấy thế mà Cụ còn nghiên cứu dịch thuật, trước tác rất nhiều tác phẩm Phật giáo

Tâm Và Tánh (1950)

Ý Nghĩa Niết Bàn (1962)

Mt Đời Sống Vị Tha (1962)

Tâm Kinh Việt Giải (1962)

Le Bouddhisme Au Viet Nam (1962)

Pháp Hoa Huyền Nghĩa (1964)

Đa Tạng Mật Nghĩa (1965) …

Đây là những tác phẩm điển hình của Cụ, còn nhiều và rất nhiều tác phẩm đã xuất bản hay chưa xuất bản.

Tất cả trên đây chỉ là một phần nhỏ để nói lên sự đóng góp của Cụ trong sự nghiệp giáo dục Phật giáo không chỉ thời bấy giờ mà cho đến hôm nay.

Kết luận

Cuộc sống nhân sinh có đó rồi mất đó, con đường từ sanh đến tử là bao xa, ngẫm nhìn lại có chăng đoạn đường ai cũng phải đi qua như nhau, “Đời người là khúc nhạc, nghĩa trang nốt cuối cùng”. Thế nhưng, đời mỗi người là mỗi khúc nhạc không ai giống ai. Có những bài nhạc hay người sau còn ca mãi, có những bài nhạc chẳng bao giờ ai nhớ nổi một câu.

Mấy mươi năm đã qua đi, tấm thân tứ đại đã trở về cho cát bụi từ lâu, nhưng hình ảnh một người Phật tử chơn chánh, vì đạo pháp có thể làm tất cả vẫn còn đó sống mãi theo dòng chảy thời gian.

Hương của các loài hoa không bay ngược chiều gió

Chỉ hương người đức hạnh, ngược gió tỏa muôn phươngˮ.

Cụ chính là Phật tử Chánh Trí – Mai Thọ Truyền”.

 


1. Thích Đồng Bổn (1996), Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam, tập 1, tr. 963.

2. Tạp chí Từ Quang, Chánh Trí, số 66, Diệt Dục, 1956.

3. Thích Đồng Bổn (1996), Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam, tập 1, tr. 964.

4. Thích Đồng Bổn (1996), Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam, tập 1, tr. 965.

5. Tạp chí Từ Quang, Chánh Trí, số 181, Nhập Lưu, Nghịch Lưu, 1967.

6. Tạp chí Từ Quang, Chánh Trí, số 66, Diệt Dục, 1956.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 38
    • Số lượt truy cập : 6950053