Tin tức

CỤ MAI THỌ TRUYỀN NHƯ TÔI ĐÃ BIẾT

CỤ MAI THỌ TRUYỀN NHƯ TÔI ĐÃ BIẾT

 

Cư sĩ NGUYÊN QUÂN (NGUYỄN ĐÌNH TƯ)

 

Tôi chỉ biết cụ Mai Thọ Truyền, mà không quen. Năm 1962, tôi đang làm thư ký công nhật tại Tòa Hành chánh tỉnh Khánh Hòa, thi đậu chính ngạch vào ngành Thư ký Điền địa, được triệu tập vào Sài Gòn dự khóa tu nghiệp chuyên môn về ngành quản lý ruộng đất. Bấy giờ, tơi tạm trú ở đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) thuộc quận 3. Vào các buổi tối thứ 7 hàng tuần, tội theo cô em tới chùa Xá Lợi lễ Phật và nghe thuyết pháp.

Trong lúc chưa đến giờ hành lễ và thuyết pháp, tôi ngồi chung với một số đạo hữu trên dãy ghế ngoài sân cho mát. Tình cờ, tôi nghe qua những lời trao đổi của các đạo hữu địa phương, tôi được biết chùa Xá Lợi mới được xây dựng từ năm 1958, tức 4 năm trước, thuộc quyền sở hữu cũa Hội Phật học Nam Việt mà cụ Mai Thọ Truyền là Hội trưởng. Ngôi chùa này được hình thành cũng do công lớn của ông Hội trưởng vận động đạo hữu ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ đóng góp. Ngoài việc xây chùa lễ Phật, thuyết pháp, cụ Mai Thọ Truyền còn cho xuất bản tạp chí Từ Quang do cụ làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút. Cụ còn trực tiếp viết bài thường xuyên cho báo để hướng dẫn các đạo hữu đi theo con đường chánh pháp trong quá trình tu dưỡng theo đạo Phật.

Trong các thời pháp, tôi nhớ có lần tôi được vinh dự nghe một Đại đức người Tích Lan thuyết giảng, tôi không nhớ tên. Ngài thuyết giảng bằng tiếng Anh, mà người làm thông dịch viên là cụ Mai Thọ Truyền. Thú thật lúc đó, tôi mới quy y Tam bảo mà bổn sư là Thượng tọa Thích Thiện Minh, Hội trưởng Hội Phật học tỉnh Khánh Hòa, là kẻ sơ cơ mới bắt đầu làm quen với giáo lý nhà Phật, nên không nhớ đề tài thuyết pháp hôm đó là vấn đề gì.

Một lần khác, tôi hân hạnh được dự buổi thuyết pháp cũng tại chùa Xá Lọi, mà cụ Mai Thọ Truyền là giảng viên. Tôi còn nhớ rõ, nội dung đề tài thuyết pháp hôm đó là Tứ vô lượng tâm. Theo diễn gia, Tứ vô lượng tâm gồm có Từ vô lượng tâm là tâm có thể đem đến niềm vui sướng cho chúng sinh; Bi vô lượng tâm là tâm có thể trừ khổ cho chúng sinh; Hỉ vô lượng tâm là tâm vui mừng khi thấy người khác khỏi khổ, được sướng; Xả vô lượng tâm là xả bỏ các thù oán đối với chúng sinh, chẳng để bận tâm. Đó là bốn tâm căn bản mà người Phật tử nào cũng cố gắng thực hiện, để chẳng những mang lại lợi lạc cho chúng sinh, mà đối với bản tâm mình cũng được thanh thản. Không gây thù gây oán thì không còn tạo nghiệp, sẽ được giải thoát khổ đau.

Ba tháng trôi qua, tôi được điều ra Phú Yên làm việc, không còn cơ duyên tới chùa Xá Lợi lễ Phật và nghe pháp nữa. Tới nơi ở mới, với nhiệm vụ người Phật tử, tôi lại tới chùa Bửu Tịnh của Tỉnh hội Phú Yên lễ Phật hàng tuần và nghe pháp. Do làm việc trong ngành chuyên môn điền địa, tôi có cơ duyên giúp tỉnh hội tái lập được quyền sở hữu các ruộng đất của các chùa có từ trước mà vì chiến tranh đã thất lạc hết giấy từ pháp lý.

Cũng trong thời gian này, pháp nạn 1963 bùng nổ ở Huế rồi lan khắp miền Nam, khiến chư Tôn đức và Phật tử các tỉnh nổi lên tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo. Tôi theo dõi qua báo chí ngoài đời và báo chí của Giáo hội, biết được ngày 30-5-1963 trên khắp miền Nam, Tổng Giáo hội Phật giáo phát động cuộc tuyệt thực 48 tiếng đồng hồ tại các chùa và tự viện trong hàng ngũ tăng ni và Phật tử để tỏ thái độ cương quyết bảo vệ cờ Phật giáo và đòi hỏi một chế độ tôn giáo bình đẳng. Với cương vị Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt, cụ Mai Thọ Truyền đã gửi một bản thông bạch cho toàn thể giáo hữu. Sau khi nói về mục đích cuộc tuyệt thực, cụ viết:

“Tôi đã tuân theo lệnh của Hòa thượng Hội chủ mà cùng với các vị lãnh đạo Phật giáo khác tích cực tham gia cuộc tuyệt thực và nguyện hy sinh đến cùng cho cuộc tranh đấu.

“Tôi rất mong mỏi đạo hữu sẽ xứng đáng với tên Phật tử của mình, đừng vì danh lợi mà phản bội nền tín ngưỡng chung, đừng sợ sệt trước những lời hăm dọa, cũng đừng để cho mưu mô xảo quyệt đánh lừa.

“Cuộc tranh đấu của chúng ta có pháp lý và hợp lý, chúng ta chỉ đòi hỏi một chế độ Tôn giáo bình đẳng trong tinh thần công bằng xã hội. Chúng ta không đòi gì khác.

“Toàn dân đã hiểu chúng ta. Nhiều dân tộc, nhiều đoàn thể Phật tử trên thế giới cũng đã lên tiếng ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam.

“Vậy, bổn phận cư sĩ của chúng ta là phải bình tĩnh, dũng cảm, vô úy và sẵn sang đợi lệnh của Hòa thượng do tôi chuyển đạt mà nhất tề tuân hành.

“Lẽ phải nhất định sẽ về phía chúng ta.

“Chúng ta sẽ ăn năn rất muộn, những tâm thần cầu an không dám thi hành tinh thần xả kỷ, để đem sự tự do tín ngưỡng và hành giáo cho hàng mấy triệu đồng bào trong nước.

“Tôi thiết tha yêu cầu các cấp quản trị phổ biến sâu rộng trong giới đạo hữu những lời tâm huyết trên đây và xin cảm ơn trước những sự hưởng ứng trung thành”.

Do chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm không chịu đáp ứng các nguyện vọng chân chính của Phật giáo, buộc lòng các hệ phái Phât giáo trong toàn miền Nam, trong đó có Hội Phật học Nam Việt là một thành viên, mà cụ Mai Thọ Truyền là Hội trưởng thay mặt ký tên, đã họp hội nghị tại chùa Xá Lợi ra bản Tuyên ngôn kêu gọi Phật giáo đồ toàn miền đứng lên đấu tranh bất bạo động đòi bình đẳng tôn giáo, đồng thời bầu ra ban lãnh đạo chung để hướng dẫn cuộc đấu tranh dưới danh xưng Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, đặt trụ sở thường trực tại chùa Xá Lợi do Thượng tọa Thích Tâm Châu làm Chủ tịch, cụ Mai Thọ Truyền làm Tổng Thư ký.

Cuộc tranh đấu của Phật giáo đến hồi gay cấn. Đêm 20-8-1963, chính quyền dùng vũ lực tấn công và chiếm chùa Xá Lợi và các chùa trong thành phố Sài Gòn, bắt tăng ni, Phật tử đem đi giam ở một cái đồn bỏ hoang ở phường Rạch Cát thuộc quận 7. Cụ Mai Thọ Truyền cùng chung số phận. Lệnh thiết quân luật được ban bố khắp thành phố. Cuộc tranh đấu của Phật giáo vẫn không chấm dứt, mà bước sang giai đoạn hoạt động bí mật.

Do sự can thiệp của các giáo hội Phật giáo các nước và những nhà bảo vệ nhân quyền thế giới, Liên Hiệp Quốc chuẩn bị cử phái đoàn sang Việt Nam điều tra tình hình. Sợ rằng Phái đoàn sang không gặp được các Tôn đức và những người có trách nhiệm, một phái đoàn Phật giáo do ngài Pháp Trí lãnh đạo trốn qua Campuchia để tìm cách liên lạc trước phái đoàn… Thy Thích Thiện Bình gửi cho ông Trưởng phái đoàn Liên Hiệp Quốc, đề nghị khi tới Việt Nam, cần tiếp xúc với những chức sắc Phật giáo đều là các vị Tôn đức và cụ Mai Thọ Truyền là cư sĩ.

Điều đó, chứng tỏ cụ Mai Thọ Truyền là nhân vật quan trọng và có uy tín thuộc giới cư sĩ trong phong trào đấu tranh của Phật giáo.

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các hệ phái Phật giáo họp đại hội để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Cụ Mai Thọ Truyền được tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến chương của giáo hội và được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Nhưng vì bất đồng ý kiến về mặt tổ chức, Cụ xin từ chức, quay về hoạt động cho Hội Phật học Nam Việt đến ngày qua đời. Trên đây là những gì tôi được biết về cụ Mai Thọ Truyền đã đóng góp cho việc phục hưng và bảo vệ Phật giáo.

Cụ Mai Thọ Truyền không những có công lớn đối với Phật giáo, mà còn có công lớn đóng góp cho sự bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc. Chúng ta đều biết, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm đổ, quân đội ngoại quốc kéo vào miền Nam, mang theo nền văn hóa ngoại lai, gây ảnh hưởng lớn đến nếp sinh hoạt của lớp thanh niên lúc bấy giờ. Một số thanh niên sống theo nếp sống mới gọi là hippy, không có lý tưởng, quần loe ống túm, phì phèo thuốc lá Salem, khiến cho nhiều người có tâm huyết hết sức lo lắng cho tiền đồ văn hóa dân tộc. Trước thảm cảnh đó, cụ Mai Thọ Truyền với cương vị Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa đã tìm mọi cách vực dậy tinh hoa văn hóa dân tộc.

Việc làm đầu tiên của Cụ là tổ chức một cuộc Liên hoan văn hóa dân tộc tại Sài Gòn, mời các nhà văn hóa, các giáo sư thuyết trình về những đề tài liên quan đến nét đẹp của nền văn hóa dân tộc, về những thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc hầu thức tỉnh lớp thanh niên đang mất dần chí hướng. Hằng đêm, đều có những buổi biểu diễn các hình thức sinh hoạt nghệ thuật văn hóa của từng khối dân tộc, như của người Kinh, người Hoa, người Chăm Ninh Thuận, người Chăm An Giang, người Khmer, đồng bào thiểu số Tây Nguyên và người Thái miền Bắc di cư, cho người dân vào xem tự do, không cần mua vé, tạo nên một không khí sinh hoạt văn hóa đầy màu sắc dân tộc, mà tôi hân hạnh được dự xem đêm trình diễn của đồng bao Chăm Ninh Thuận và An Giang.

Trên mặt trận văn học và nghiên cứu bấy giờ rất nghèo nàn, không có tác phẩm nào đáng giá. Các nhà văn đổ xô viết tiểu thuyết tình cảm, ướt át in thành sách hay đăng theo kiểu feuilleton trên các báo hàng ngày. Còn loại sách nghiên cứu lại càng ảm đạm, hầu như vắng mặt trên kệ các hiệu sách. Có nhiều lý do. Các tác phẩm nghiên cứu thường khô khan, các nhà xuất bản không muốn in, vì số sách ấy rất hạn chế người mua, chậm thu hồi vốn. Điểm thứ hai là muốn nghiên cứu về một vấn đề gì về lịch sử nước nhà, cần phải có sách tham khảo. Sách tham khảo hầu hết thuộc loại Hán Nôm, chỉ những người có trình độ Hán học khá mới sử dụng được. Còn sách dịch ra chữ quốc ngữ thì rất hiếm, hầu như không có.

Hiểu rõ tình trạng đó, cụ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa Mai Thọ Truyền đã cho thực hiện hai việc quá ư ngoạn mục. Việc thứ nhất là Cụ cho thành lập một Ủy ban dịch thuật Hán Nôm gồm một số nhà khoa bảng hay thông thạo Hán Nôm như Tiến sĩ Phan Sĩ Giác, Cử nhân Tu Trai Nguyễn Tạo, các nhà Hán Nôm Nguyễn Đình Diệm, Bửu Cầm, Nguyễn Triệu, Lê Xuân Giáo v.v…để lần lượt dịch các tác phẩm Hán Nôm của tiền nhân. Sách dịch ra thì phải được xuất bản mới có ích. Vì vậy Cụ cho thành lập Tủ sách Cổ văn thuộc Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa để xuất bản các tác phẩm ấy. Nhờ đó mà một loạt các sách cổ Hán Nôm quý giá được dịch và xuất bản như bộ Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, bộ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, bộ Đại Nam nhất thống chí và bộ Bắc Thành dư địa chí của Quốc sử quán triều Nguyễn v.v… đến được tay bạn đọc.

Một công trình cũng khá quan trọng khác là Cụ Mai Thọ Truyền, với cương vị Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa đã xin chính quyền lúc bấy giờ xây dựng tòa Thư viện quốc gia, nay là Thư viện Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh ở đường Lý Tự Trọng, trên vị trí cũ của khám lớn Sài Gòn, lưu trữ một số lượng sách báo đồ sộ bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp, chữ Anh mà ngày nay, mỗi ngày có đến hàng trăm nhà nghiên cứu, sinh viên các trường đại học, khách nước ngoài lui tới nghiên cứu, tham khảo.

Đó là những gì tôi biết về sự đóng góp của cụ Mai Thọ Truyền đối với nền văn hóa nước nhà. Cụ thật xứng là một danh nhân làm vẻ vang cho vùng đất mới Nam Bộ.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 52
    • Số lượt truy cập : 6950085