Tin tức

ĐẠO HỮU CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN VỚI HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT

ĐẠO HỮU CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

VỚI HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT

VÀ QUẢNG BÁ PHẬT HỌC VIỆT NAM

 

Cư sĩ TUỆ THÔNG

 

Sau ngày quy y Tam bảo, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền tích cực xiển dương Phật pháp. Tiếp nối phong trào Chấn hưng  Phật giáo và tranh đấu đòi quyền tự do-bình đẳng tôn giáo của Phật giáo đồ vào tiền bán thế kỷ XX, ông là một kiên tướng trong hàng cư sĩ, tân dụng mọi cơ hội làm Phật sự không biết mệt mỏi cho đến phút chót của cuộc đời. Danh tiếng cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền luôn gắn liền với Hội Phật Học Nam Việt.

Theo Thiền Sư Thích Nhất Hạnh: “Hội Phật Học Nam Việt được thành lập vào năm 1950 tại Sài Gòn do sự vận động của cư sĩ Mai Thọ Truyền. Ban đầu Hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, và sau đó ít lâu, tại chùa Phước Hòa. Bác sĩ Nguyễn Hữu Khỏe, một cây cột trụ của hội Lưỡng Xuyên Phật Học cũ đảm nhận trách vụ Hội trưởng, ông Mai Thọ Truyền giữ trách vụ Tổng thư ký. Các thiền sư Quảng Minh và Nhật Liên đã triệt để ủng hộ cho việc tổ chức Hội Phật học Nam Việt. Thiền sư Quảng Minh được bầu làm Hội trưởng của Hội bắt đầu từ năm 1952. Năm 1955, sau khi Thiền sư Quảng Minh đi Nhật du học, ông Mai Thọ Truyền giữ chức vụ Hội trưởng. Chức vụ này ông giữ cho đến năm 1973, khi ông mất…Bản tuyên cáo của Hội có nói đến nguyện vọng thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong nước. Bản tuyên cáo viết: Đề xướng việc lập Hội Phật học này, chúng tôi còn có cái thâm ý đến chỗ Bắc Trung Nam sẽ bắt tay nhau thành một khối Phật tử quảng đại và thống nhất trên nguyên tắc cũng như hành động. Sự thống nhất này đã trở nên cần thiết kể từ ngày mồng 8 tháng sáu dương kịch năm nay, là ngày Việt Nam được chính thức công nhận làm hội viên Hội Phật giáo quốc tế…”

Theo cư sĩ lão thành Tống Hồ Cầm, Hội Phật học Nam Việt từ thuở ban đầu là đoàn thể của nam nữ đạo hữu Phật học ở miền Nam Việt Nam, có hệ thống tổ chức rõ ràng, có điều lệ nội quy được chính quyền lúc bấy giờ công nhận về mặt pháp lý để hoạt động và kết hợp một số Phật tử cả xuất gia lẫn tại gia. Sau Đại hội Phật giáo toàn quốc họp tại Huế, ngày 6/5/1951 để thống nhất Phật giáo, thành lập một Hội lớn liên hiệp gọi là Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, gồm 6 tập đoàn là: Giáo hội Tăng già Bắc Việt, Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt (cư sĩ); Giáo hội Tăng già Trung Việt, Hội Việt Nam Phật học Trung Việt (cư sĩ); Giáo hội Tăng già Nam Việt, và Hội Phật học Nam Việt (cư sĩ) – Trên thực tế ở Nam Việt lúc đó chỉ có một tổ chức Phật giáo chung cho cả Tăng và Cư sĩ là Hội Phật học Nam Việt, nên các vị Tăng sĩ ở Nam Việt phải tách ra thành Giáo hội Tăng già Nam Việt riêng, để cân bằng với hai miền Bắc - Trung Việt, cho có đủ 6 đoàn của 3 miền cùng tham gia Đại hội Phật giáo toàn quốc. Kể từ đó Hội Phật học Nam Việt chỉ gồm các Phật tử đạo hữu tại gia mà thôi. Hội vẫn tiếp tục phát triển rộng rãi ra các tỉnh. Đến trước ngày đất nước được giải phóng đã có hơn 40 tỉnh Hội, Chi hội. Riêng Hội sở Trung ương ở Sài Gòn có trên 6000 hội viên có ghi danh gia nhập, sinh hoạt đều đặn, ngoài ra còn có các thí chủ, công đức hội viên lên tới trên 10.000 người.

Để có nơi xứng đáng phụng thờ Xá Lợi Đức Thế Tôn và đủ chỗ cho thiện tín đến chiêm bái, tu tập ngày một đông, năm 1956, Cư sĩ Chánh Trí cùng các Đạo hữu  Hội Phật học Nam Việt quyết định tìm đất xây cất chùa mới. Nhờ danh tiếng về đạo tâm và cả vị trí của đạo hữu Chánh Trí trong Chính phủ Bửu Lộc, Câu Lạc bộ Đông Dương lúc đó sẵn sàng hiến nhượng khu đất trống rộng tới 2.500 m2 (tại góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Lê Văn Thạnh – nay là đường Sư Thiện Chiếu) với giá tượng trưng là Một đồng bạc Việt Nam. Tiếp theo đó, đạo hữu Chánh Trí đã thuyết phục, vận động được chính quyền cấp giấy phép lạc quyên, cùng với sự đóng góp của đông đảo hội viên, các nhà hảo tâm và khách thập phương nên hội đã nhanh chóng có đủ tiền bạc theo dự toán thiết kế, và đã tổ chức Khởi công xây dựng chùa vào ngày 5/8/1956, dưới sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ của hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hà Tố Thuận. Chỉ hơn 20 tháng sau, công trình đã hoàn thành và Lễ Khánh thành  chùa được cử hành trọng thể vào 3 ngày 2-3-4/5/1958 nhằm ngày 14-15-16/3 năm Mậu Tuất, trong niềm hoan hỷ của mọi người. Việc đặt tên chùa cũng tự nhiên nhi nhiên như có sự sắp đặt của Phật Tổ và lòng dân. Khi Hội kính trình Hòa thượng Khánh Anh, là Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, đồng thời là Chứng minh Đại đạo sư Hội Phật học Nam Việt, xin Ngài đặt tên cho chùa. Hòa thượng dạy: “Còn đặt tên gì nũa, Công chúng đã gọi là Chùa Xá Lợi thì lấy tên ấy cho hợp lòng người”, và cũng đúng với chủ đích ban đầu của Hội là xây chùa “Thờ Xá Lợi Phật” và để Phật tử, bá tánh thập phương có nơi rộng rãi khang trang, đến chiêm bái Xá Lợi Phật. Chùa Xá Lợi là trụ sở vĩnh viễn của Hội Phật học Nam Việt từ thuở đó! Ngôi chùa được thiết kế kiến trúc khá mới mẻ, không chỉ ở thời điểm đó mà cho đến nay,s au 60 năm vẫn huy hoàng tráng lệ, tiêu biểu cho sự hòa quyện văn hóa kiến trúc Đông – Tây, vừa dân tộc vừa hiện đại, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền - Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt và quý vị hữu công cùng thời. Sau khi có chùa mới, với giảng đường khang trang rộng rãi, mỗi sáng chủ nhật, sau khóa lễ đều có buổi thuyết pháp do đạo  hữu Chánh Trí phụ trách. Giảng đường từng được hân hạnh đón tiếp, nghe thuyết giảng của nhiều Danh tăng quốc tế như: Quốc sư Diễn Bồi, Đại đức Narada, Giáo sư Khantipalo… cùng chư vị giảng sư có danh tiếng của Phật giáo Việt Nam. Mục đích của Hội là Tu và Học, Từ bi và Trí tuệ, Phước huệ song nghiêm, nên giảng đường được đặt ở vị trí quan trọng trang nghiêm, ngay từ cổng chính đi vào. Sau khi đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền quy tịch, Ban Quản trị Trung ương Hội Phật học Việt Nam đã quyết định đặt tên Giảng đường chùa Xá Lợi là “Giảng đường Chánh Trí”. Ngày 1/7/1973, Lễ Khai môn được cử hành rất trang nghiêm với sự hiện diện của Đại đức Narada, quý vị trong Ban Trụ trì chùa Xá Lợi cùng đông đảo Tăng chúng gần xa. Và sinh hoạt của Giảng Đường Chánh Trí trở thành nền nếp từ đó đến nay.

Để truyền bá Phật pháp và Thông tin, chỉ đạo hoạt động của Hội Phật hoc Nam Việt, đạo hữu Chánh Trí chủ trương xuất bản Tạp chí TỪ QUANG, do  Hội trưởng đích thân làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút và là cây bút chủ lực, cùng với sự đóng góp nhiệt thành của nhiều thiện hữu trí thức. Số đầu tiên phát hành vào năm 1951, đến ngày đạo hữu mất đã ra được 242 số, đến cuối năm 1974 thì đình bản. Là tiếng nói chính thức của Hội, Từ Quang là tờ báo từng tồn tại 23 năm, là tờ báo Phật giáo có nhiều độc giả và có tuổi thọ lâu nhất thời điểm đó.

Ngoài trách vụ Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt, đạo hữu Chánh Trí đã từng đảm nhiệm các trách vụ: Tổng Thư ký Tổng hội Phật giáo Việt Nam từ 1955-1958; Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam từ 1959-1962. Năm 1963, trong giai đoạn đấu tranh của Phật giáo đồ, được coi là Pháp nạn của Phật giáo miền Nam, ông giữ trách nhiệm Tổng Thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bình đẳng tôn giáo. Ông và Hội Phật học Nam Việt đồng ý để Ủy ban đặt trụ sở tại chùa Xá Lợi. Khi chính quyền cho quân đội, cảnh sát đánh phá phong tỏa chùa, bắt bớ cầm thù Tăng Ni Phật tử, ông cùng chịu chung số phận. Chùa Xá Lợi trở thành địa điểm Lịch sử trong cuộc đấu tranh đó của Phật giáo trong Pháp nạn 1963.

Cuốn Những kỷ niệm không quên về Bồ Tát Thích Quảng Đức (Nxb Phương Đông) đã ghi nhiều sự kiện có liên quan đến Chùa Xá Lợi và Đạo hữu Chánh Trí. Năm 1964, ông tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, nhưng vì bất đồng ý kiến về mặt tổ chức, chỉ một tháng sau ông từ nhiệm, trở về tập trung chuyên lo cho Hội Phật học Nam Việt. Lúc Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập, trong khi còn chờ xây dựng, tạm đặt trường sở tại Chùa Xá Lợi, ông nhận làm giảng viên cho Viện trước tiên, sau đó ông còn đảm nhận trách vụ Phụ tá Viện trưởng, đặc trách Hành chánh và Tài chánh, kiêm Tổng Thư ký niên khóa 1967-1968.

Trong quá trình hoạt động theo tôn chỉ mục đích của mình, Hội Phật học Nam Việt luôn giữ mối giao hảo với các hệ phái, tôn giáo khác ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Đạo hữu Chánh Trí – Hội trưởng đã tham dự Hội nghị Văn hóa Phật giáo Thế giới tại New Delhi (Ấn Độ)-tháng 11/1956; Dự Hội nghị Văn hóa ToKyo (Nhật Bản)-năm 1958; Dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 6 tại Phnom Penh năm 1962 và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới; Dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 7 tại Be’nares (Ấn Độ)-năm 1964; đi Hoa Kỳ với tư cách là Khách danh dự vào năm 1962. Qua các cuộc hội nghị kể trên, đã được ông viết trong cuốn “Hải Ngoại Ký Sự”, và có thời gian đọc kỹ trọn bộ Chánh Trí Toàn Tập, chúng ta càng thấy rõ hơn trình độ học thuật – dịch thuật về Phật giáo và các tôn giáo tín ngưỡng khác, cùng với khả năng thông thạo nhiều ngoại ngữ như Hán, Anh, Pháp, phong cách ứng xử lịch lãm, nên các cuộc giao tiếp đàm đạo của đạo hữu Chánh Trí -  Hội trưởng đã đạt kết quả ngoài dự kiến ban đầu. Đã góp phần quảng bá, đề cao uy tín của Phật giáo Việt Nam nói chung,  Hội Phật học Nam Việt và Chùa Xá Lợi nói riêng, với đông đảo bạn bè thế giới là vô cùng quý hóa ở thời điểm đó, và là những bài học còn nguyên giá trị với Tăng ni Phật tử ngày nay trong các chuyến du lịch hành hương về đất Phật hoặc đi du học nước ngoài. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí trong nước tại Sài Gòn ngày 14/11/1962, sau chuyến du hành nghiên cứu Phật giáo thế giới (trang 222- Hải Ngoại ký sự). Khi trả lời câu hỏi: Đại diện Phật giáo thế giới đã nghĩ như thế nào về Phật giáo Việt Nam? Ông đã đáp: “Tôi nhận thấy họ biết rất ít hay có thể nói là không biết gì về Phật giáo Việt Nam. Đây là lỗi của mình vì không có tài liệu phổ biến về Phật giáo Việt Nam ra thế giới. Sự có mặt của các phái đoàn đại biểu phật giáo tại các hội nghị Phật giáo Quốc tế là chưa đủ, vì tất cả chương trình đã dành cho những lời chúc tụng,và những bản phúc trình mà không bao giờ được phổ biến rộng rãi cho nhân dân các nước. Trong các thư viện lớn của chánh phủ Hoa Kỳ hay của các Đại học đường… tôi đã thấy có rất nhiều sách Phật của nhiều nước trên thế giới, hoặc chính các nước gởi tặng, hoặc thư viện đó đã mua… Nhưng không có một cuốn sách nào bằng tiếng Việt ngữ. Những thư viện khác dù lớn như thư viện Quốc hội (Libar? of Congressi) ở Hoa Thịnh Đốn cũng không có cuốn sách Việt ngữ nào. Cho nên khi tôi tặng họ cuốn “Phật giáo ở Việt Nam”bằng 3 thứ tiếng (Việt, Pháp, Anh) họ rất thích, vì lần đầu tiên họ có được một tài liệu, dù tóm tắt sơ lược, nhưng cũng đủ giúp họ có một quan điểm rõ ràng về Phật giáo Việt Nam. Trong lúc tặng sách… họ nhìn qua các hình ảnh in màu trong tập sách, cùng những lúc đàm thoại họ rất lấy làm ngạc nhiên về lịch sử Phật giáo VN, đã có từ hai ngàn năm nay, mà họ chưa từng biết gì hết. Tôi cũng trình bày qua tình hình hiện nay của Phật giáo, và nhấn mạnh đến phong trào chấn hưng, hướng Phật giáo đến những công tác xây dựng xã hội. Họ rất chú ý đến chủ trương này, vì theo như ông biết, người Hoa Kỳ thường rất chuộng công tác từ thiện, xã hội”.

Đó là câu phỏng vấn và trả lời của cụ Chánh Trí từ trên 50 năm trước đây, xin đơn cử một trích đoạn để quý vị cùng tham khảo trong việc quảng bá Phật giáo Việt Nam ra nước ngoài từ trên nửa thế kỷ trước, trong hoàn cảnh có rất nhiều khó khăn hạn chế.

Với độ lùi về thời gian trên dưới nửa thế kỷ, qua nhiều nguồn tư liệu phong phú trong và ngoài nước và với quan điểm nhìn nhận đánh giá về các nhân vật, sự kiện lịch sử khách quan rộng mở thông thoáng hơn, chúng ta có thể khẳng định rằng cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là người suốt đời tận tụy phụng sự Đạo pháp – Dân tộc và cuộc sống hạnh phúc An lành của Phật tử và người dân. Ông làm Phật sự không biết mệt mỏi cho đến ngày giờ cuối cùng của cuộc đời. Ngày 15/4/1973, ông còn chủ trì Đại hội các Tỉnh hội thuộc Hội Phật học Nam Việt. Lúc 8 giờ 15 phút ngảy 17/4/1973, tức là vào khoảng giữa giờ Thìn ngày Rằm tháng ba năm Quý Sửu, ông an nhiên, thanh thản ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của hết thảy Tăng ni, đạo hữu Phật tử gân xa. Cư sĩ Tống Hồ Cầm viết: “Ngày tiễn đưa đạo hữu Chánh Trí về cõi Phật, tôi đã khóc như mất một người amh, một người đạo hữu có đạo tâm luôn nghĩ và làm theo Chánh pháp. Đạo hữu Chánh Trí đã về cõi Phật, nhưng cuộc đời tận tụy phụng sự Chánh pháp và những cống hiến của đạo hữu thật đáng trân trọng và tồn tại mãi trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, (Trong VNPGSL - Nguyễn Lang) “Cư sĩ Chánh Trí khi mất đi đã để lại thương tiếc cho rất nhiều Phật tử, tăng sĩ cũng như cư sĩ. Nữ sĩ Mộng Tuyết, ngày xưa từng là học trò của ông, đã đi câu đối:

Đêm đẹp, trăng cười viên mãn;

Đất lành, hoa nở từ bi

Và ghi ở dưới: “Sương phụ Đông Hồ, Mộng Tuyết, học trò cũ của Thầy nơi Hà Tiên, luôn luôn ghi nhớ ơn Thầy”.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết những dòng cảm niệm như sau (bài thơ dài 5 khổ 4 dòng, khá sâu sắc, chúng tôi xin phép trích đoạn khổ thơ cuối cùng duới đây)

Người ấy, hỡi ơi, vừa khuất

Đã hay tuổi thọ danh truyền

Dễ mấy kiếp tu mà được

Sao lòng ai vẫn sầu lên.

Nghe về mấy ngả sơn xuyên

Rồi đây Xuân quạnh tiếng quyên não nùng.

Trong các câu đối điếu, có đôi câu đối sau đây của Cư sĩ Lý Học:

Cụ trượng phu tướng, Cụ phúc đức tướng, Cụ từ bi tướng,

Tướng tướng viên mãn;

Hiện cư sĩ thân, Hiện tể quan thân, hiện trưởng giả thân,

Thân thân trang nghiêm

Dịch:

Đủ tướng trượng phu, đủ tướng phúc đức, đủ tướng từ bi,

Tướng nào cũng viên mãn;

Hiện thân cư sĩ, hiện thân tể quan, hiện thân trướng giả,

Thân nào cũng trang nghiêm

Xin phép được dùng những vần thơ, câu đối, trích dẫn trên như một vòng nhang thay cho lời kết bài viết này, kính dâng lên hương linh Cố Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

Thành phố Vũng Tàu, ngày 10 tháng 10 năm Mậu Tuất

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 43
    • Số lượt truy cập : 6950037