Tin tức

HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT TRONG PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN NAM VIỆT NAM NĂM 1963

HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT

TRONG PHONG TRÀO PHẬT GIÁO

MIỀN NAM VIỆT NAM NĂM 1963

 

LÊ CUNG

PGS. TS. Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

LÊ THÀNH NAM

PGS. TS. Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

 

Tiếp nối phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, ngày 19-9-1950, tại Sài Gòn, Hội Phật học Nam Việt được thành lập. Nhân vật giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thành lập Hội Phật học Nam Việt là Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền1. Trong suốt thời gian tồn tại, Hội Phật học Nam Việt đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ thống tổ chức, đào tạo tăng tài, ấn hành báo chí và biên dịch kinh sách, chấn chỉnh phương pháp tu tập và sinh hoạt của tăng già cùng các lễ hội Phật giáo,... Tham luận này tập trung đề cập đến Hội Phật học Nam Việt trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963.

Trước hết, cần phải điểm qua một số nét “chấm phá” về cuộc đấu tranh của Hội Phật học Nam Việt đòi chính quyền “Đệ nhất Cộng hoà” (1955 - 1963) thực thi chính sách tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo trước lúc Hội cùng với các tổ chức Phật giáo miền Nam tiến đến phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1963.

Trước hết là việc đấu tranh “đòi ngày Phật đản”. Dưới thời Pháp thuộc, số ngày nghỉ lễ của Phật giáo hằng năm bằng một nửa so với Thiên Chúa giáo. Năm 1955, Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần đã gởi văn bản “thỉnh cầu” chính quyền Ngô Đình Diệm hủy bỏ quy định bất công về số lễ và ngày nghỉ lễ tôn giáo. Sự “thỉnh cầu” không được đáp ứng mà còn dẫn đến hậu quả ngược lại. Ngày 9-1-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Dụ số 4 hủy bỏ ngày lễ Phật đản trong danh sách những ngày nghỉ lễ tôn giáo dành cho công chức và binh sĩ.

Hành động trên đây chứng tỏ chính quyền Ngô Đình Diệm đã vượt xa hơn cả thực dân Pháp trong chính sách kỳ thị Phật giáo và lập tức gây nên sự công phẫn trong dư luận  xã hội nói chung, Tăng Ni và Phật tử nói riêng. Ngày 13-1-1956, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, gởi kháng thư đến Ngô Đình Diệm: “Chúng tôi rất xúc động thấy báo Tin Điển số 380 ra ngày 12-1-1956, nơi trang nhất, dưới đầu đề ‘Những ngày nghỉ lễ được nghỉ và ăn lương’có đăng Dụ số 4 ngày 9-1-1956 ấn định ngày khánh tiết hàng năm, nội dung có 13 ngày nghỉ mà Phật giáo chỉ có 01 ngày,... Sự công bằng đúng bản tâm và chính sách mà Ngài Tổng thống, chúng tôi không được thấy mà các ngày nghỉ đã có lại bị giảm đi, nhất là ngày lễ Đản sanh của Đức Giáo chủ chúng tôi, một ngày lễ quốc tế. Điều đó gây cho chúng tôi một sự xúc động và kinh ngạc cực độ. Chúng tôi nghĩ báo Tin Điển đã lầm, chúng tôi không thế tin sự thật có như thế2.

Sau kháng thư của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, nhiều đại hội Phật giáo các cấp gởi kháng thư đến Ngô Đình Diệm đòi công nhận ngày Phật đản là ngày lễ của quốc gia. Đại hội Hội Phật học Nam Việt họp tại chùa Phước Hòa3 (Sài Gòn) từ ngày 15 đến ngày 17-1-1956 gởi thỉnh nguyện thư yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm:

1. Tái lập ngày lễ Khánh đản (Phật giáng sinh) ngày 8-4 âm lịch, được nghỉ trọn ngày.

2. Cho phép nghỉ sớm mai ngày Trung nguyên (Rằm tháng 7 âm lịch) thay buổi chiều4.

Trước sự phản kháng mạnh mẽ của các tổ chức Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm các cấp cho đây là mối nguy hại đe dọa đến sự sống còn của chế độ nên đã có kiến nghị gởi Ngô Đình Diệm yêu cầu thỏa mãn những đòi hỏi của Phật giáo, như ngày 3-2-1956, Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt gởi công điện đến Ngô Đình Diệm, đề nghị: “Trước ngày bầu cử Quốc hội, chúng tôi kính xin Tổng thống cho sửa sắc lệnh gấp để gây ảnh hưởng tốt trong giới Phật giáo”; hoặc ngày 13-4-1956, Đại biểu Chính phủ tại Nam Việt gởi công văn đến Ngô Đình Diệm viết: “Nhận thấy vấn đề này liên quan đến mối tín ngưỡng của đa số đồng bào, chúng tôi kính xin Tổng thống chấp nhận điều thỉnh cầu Hội Phật giáo Việt Nam”. Vấp phải sự chống đối từ nhiều phía, kể cả nội bộ chính quyền Sài Gòn, trong cái thế “chẳng đặng đừng”, Ngô Đình Diệm phải chấp nhận những đòi hỏi của Phật giáo, song không ban hành dụ mới thay cho Dụ số 4 mà chỉ thị cho Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống ra Thông báo số 5-TTP/TTK “quyết định cho các công sở nghỉ việc trọn ngày Phật đản5.

Trước áp lực ngày càng gia tăng, ngày 19-3-1957, Chủ tịch Quốc hội Sài Gòn đã có Công văn số 959/VPCP gởi Ngô Đình Diệm, nêu rõ: “Vì lý do chánh trị có ảnh hưởng sâu xa đến tín ngưỡng của một số đồng bào, tôi hân hạnh kính xin Tổng thống chấp nhận điều thỉnh cầu của Hội Phật giáo Việt Nam và ra thông cáo cho phép các công sở và trường học nghỉ vào dịp lễ ấy như mọi năm6. Và khi thấy tình hình không thể không ghi ngày Phật đản vào danh sách ngày nghĩ lễ, Ngô Đình Diệm đành buộc phải chấp nhận. Ngày 5-4-1957, Văn phòng Phủ Tổng thống ra Thông cáo số 9-TTP/TTK với nội dung: “Thể theo thỉnh cầu của các cơ quan Phật giáo, Tổng thống cho các công sở nghỉ việc trọn ngày lễ Phật đản năm nay, nhằm ngày thứ 3 mùng 7 tháng 5 năm 19577.

Phong trào đấu tranh “đòi ngày Phật đản” Phật giáo miền Nam bước đầu giành thắng lợi, trong đó Hội Phật học Nam Việt giữ vai trò tiên phong trong việc hưởng ứng kháng thư của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, gởi Ngô Đình Diệm. Điều cần lưu ý là dù cho ngày Phật đản được công nhận trở lại, song dưới chế độ Ngô Đình Diệm số lễ và ngày nghỉ lễ của Phật giáo luôn luôn ít hơn số lễ và ngày nghỉ lễ của Thiên Chúa giáo. Theo bản kê các ngày nghỉ lễ (Bản tin số 4287 ngày 1-12-1962) cho năm 1963: “Thiên Chúa giáo có 4 ngày lễ, ngày nghỉ: 2 ngày rưởi; Phật giáo có 2 ngày lễ, ngày nghỉ: 1 ngày rưỡi8.

Tiếp theo là cuộc rước Phật tại Sài Gòn vào dịp Lễ Phật đản 1960 (3-5-1960). Từ 4 giờ 30 ngày 3-5-1960, xe hoa và các Tăng Ni và Phật tử từ các chùa lần lượt kéo đến lễ đài tại Công trường Mê Linh. “Có tất cả 14 xe hoa và lối 12.000 thiện nam tín nữ tham dự thuộc các đoàn thể Phật giáo, như Giáo hội Tăng già Nam Việt, Giáo hội Tăng già Bắc Việt, Giáo hội Lục Hòa, Giáo hội Nguyên Thủy, Ni bộ Nam Việt, Hội Tịnh độ cư sĩ, Hội Phụ nữ Phật tử, Hội Việt Nam Phật giáo, Hội Phật học Nam Việt, Quan Âm Phổ tế, Hội Lục hòa Théravada, Chùa Phật Bửu, Chùa Quan Âm, Chùa Linh Quang, chùa Khánh Vân, chùa Phước Hòa, chùa Giác Minh, chùa Xá Lợi9. Đúng 7 giờ, cuộc lễ bắt đầu một cách trọng thể. Theo Phúc trình của Giám đốc Cảnh sát Đô thành gởi Đô trưởng Sài Gòn ngày 4-5-1960, “để khai mạc, Ô. Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt đọc diễn từ, nhắc lại lai lịch Đức Phật. Kế đó ba hồi chuông trống ‘Bát Nhã’ nổi lên thì toàn thể thiện nam tín nữ quỳ xuống cầu nguyện10. Điều này nói lên vai trò của Hội Phật học Nam Việt, trong đó Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, với tư cách là Hội trưởng, nổi lên như là một điểm sáng.

Sau đó, cuộc rước Phật bắt đầu và đi qua công trường, đại lộ chính trong thành phố, như Công trường Mê Linh, Bến Bạch Đằng, Đại lộ Nguyễn Huệ, Đại lộ Lê Lợi, Công trường Diên Hồng, đường Lê Lai, Phạm Hồng Thái. Điều đặc biệt là trong suốt lộ trình diễn hành, ngoài khẩu hiệu truyền thống hằng năm như “Mừng ngày Phật đản”, Đoàn rước Phật trương lên nhiều khẩu hiệu với nội dung ca ngợi tinh thần từ bi, nguồn sáng, khai phóng và khoa học của Phật giáo, với khát vọng đẩy lùi tà giáo, đẩy lùi chính sách bất công mà chế độ Ngô Đình Diệm đã và đang thi hành, như: “Mồng 8 tháng 4 bất diệt; Phật giáo đến đâu, từ bi đến đấy; Phật lâm phàm, ma vương thối bước; Đạo Phật, nguồn sáng vô tận; Khoa học chỉ xác nhận lời Phật dạy;Không từ bi, không hạnh phúc;Không trí giác, mãi khổ đau;Tin ma quỷ, thêm mê mờ; Đức Phật là hiện thân của chân lý; Vua của các vị vua: Đức Phật; Thánh của các bậc Thánh: Đức Phật;Không ngai vàng mà ngự trị: Đức Phật; Nghèo tiền của, giàu tình thương: Đức Phật;Ưu đàm nở, ánh giác ngời;Phật ra đời, người vơi khổ; Phật đản một đại sự trong lịch sử nhân loại;Trước khoa học, tà thuyết lùi, Phật giáo tiến;Thanh khiết như hương sen là hương từ bi;Sáng ngời hơn nhật nguyệt là tuệ giác11.

Tuy chỉ dưới hình thức rước Phật, nhưng bước đầu Phật giáo Sài Gòn đã tập hợp được lực lượng; mặt khác, những khẩu hiệu của đoàn rước Phật lần này cho thấy Phật giáo Sài Gòn, trước hết là Hội Phật học Nam Việt, đã nói lên tiếng nói của Tăng Ni, Phật tử miền Nam trước âm mưu thực hiện chính sách “Thiên Chúa giáo hóa” miền Nam của chính quyền Ngô Đình Diệm. Cùng với những cuộc rước Phật diễn ra trên khắp nông thôn, thành thị miền Nam vào dịp lễ Phật đản hàng năm, cuộc rước Phật lần này ở Sài Gòn có ý nghĩa nuôi dưỡng và phát huy ý chí bảo vệ Đạo pháp của Tăng Ni và Phật tử miền Nam, được xem như là “một cuộc tập dượt” cho cuộc đấu tranh một mất, một còn sắp diễn ra: Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963.

Ngày 6-5-1963, bằng Công điện số 9159, chính quyền Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật giáo thế giới trong dịp Đại lễ Phật đản 1963. Tiếp theo, chính quyền Ngô Đình Diệm gây ra vụ thảm sát tại Đài Phát thanh Huế đêm 8-5-1963 làm 8 Phật tử thiệt mạng12 và nhiều người khác bị thương. Ngày 10-5-1963, Tăng Ni và Phật tử tổ chức metting tại chùa Từ Đàm, Huế. Tại cuộc meeting này, giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam đã công bố Tuyên ngôn gồm 5 nguyện vọng tối thiểu13, khẳng định mục tiêu và quyết tâm tranh đấu của mình: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho đến lúc nào những nguyện vọng hợp lý trên đây được thực hiện14.

Phong trào Phật giáo từ Huế lan nhanh ra khắp miền Nam, đặc biệt Phật giáo Sài Gòn lập tức hưởng ứng. Điều đáng chú ý là ngay từ đầu phong trào Phật giáo năm 1963, với đồng ý của Hội Phật học Nam Việt, chùa Xá Lợi được chọn đặt Trụ sở trung ương của phong trào. Điều này tỏ rõ qua các sự kiện sau:

- Ngày 15-5-1963, phái đoàn Phật giáo Sài Gòn tiếp kiến Ngô Đình Diệm, nhưng không một nguyện vọng nào của Phật giáo được giải quyết, ngược lại Ngô Đình Diệm cho rằng thủ phạm của vụ tàn sát tại Đài phát thanh Huế là do những người cộng sản gây ra. Khi phái đoàn Phật giáo trở về chùa Xá Lợi, họ đã bị Tăng Ni và Phật tử phản ứng dữ dội: “Chúng tôi trở về chùa Xá Lợi được một số tăng ni chừng vài trăm vị đã túc trực tại đó để chào đón phái đoàn và yêu cầu chúng tôi cho biết ngay kết quả cuộc tiếp kiến Tổng thống,... Thuyết trình xong thì tăng chúng nhao nhao phát biểu ý kiến, cho rằng phái đoàn đã không đem lại kết quả nào cụ thể cả, chỉ có vấn đề cờ được thỏa mãn một phần nào mà thôi. Rồi phái đoàn chúng tôi bị chỉ trích kịch liệt15;

- Ngày 21-5-1963, chấp hành lệnh ngày 14-5-1963 của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam16, tại Sài Gòn, sau lễ cầu siêu tại chùa Ấn Quang, dưới hình thức “rước linh”, gần 1.000 Tăng Ni đã tổ chức một cuộc biểu tình hòa bình từ chùa Ấn Quang về chùa Xá Lợi. Họ chỉ mang theo một biểu ngữ viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh: “Truy niệm các Phật tử đã chết vì Đạo tại Huế17. Đoàn biểu tình không hô khẩu hiệu, nhưng một hệ thống loa phóng thanh gắn dọc đường đã phát đi những yêu sách đòi thực hiện bình đẳng tôn giáo của Phật giáo. Lần đầu tiên, tại Sài Gòn, Phật giáo đã chính thức đưa cuộc đấu tranh từ trong nhà chùa ra ngoài đường phố, tới công trường. Trong cuộc biểu tình này, Tổng hội Phật giáo Việt Nam qua Hội Phật học Nam Việt, cụ thể là Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức.

- Ngày 25-5-1963, tại chùa Xá Lợi, Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, triệu tập hội nghị đại biểu của 11 tông phái và các đoàn thể Phật giáo18. Hội nghị thống nhất thành lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền giữ chức vụ Tổng Thư ký. Hội nghị ra Tuyên ngôn với nội dung: “Sau khi thông cảm những khó khăn, chướng ngại mà Phật giáo Việt Nam gặp phải, nhất là ở miền Trung, trong mấy năm sau này.

Sau khi nhận chân tinh thần và ý chí bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo đã đọc trong cuộc mít-tinh tại chùa Từ Đàm, Huế, ngày 10-5-1963, đồng lòng:

* Ủng hộ toàn diện năm nguyện vọng tối thiểu và thiêng liêng nhất của Phật giáo Việt Nam, đã ghi trong bản tuyên ngôn nói trên.

* Thệ nguyện đoàn kết đến cùng trong công cuộc tranh thủ bất bạo động và hợp pháp để thực hiện những nguyện vọng ấy19.

Rõ ràng, chùa Xá Lợi - Trụ sở của Hội Phật học Nam Việt, là nơi thể hiện sự thống nhất ý chí và lực lượng của Phật giáo trong cuộc đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo.

Tiếp theo, trong suốt diễn trình phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Hội Phật học Nam Việt, chùa Xá Lợi - Trụ sở của Hội Phật học Nam Việt, hiện là trụ sở trung ương của phong trào, tiếp tục giữ vai trò chủ yếu và đã trở thành một ngôi chùa lịch sử. Có thể thấy qua những sự kiện sau:

- Chùa Xá Lợi, nơi diễn ra cuộc tuyệt thực 48 giờ đồng hồ của giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam từ 14 giờ ngày 30-5-1963,... Sau những lần điều đình giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm không đem lại kết quả, ngày 24-5-1963, Hoà thượng Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm một văn thư thông báo rằng: “Tôi đã chỉ thị các vị lãnh đạo thuộc 6 tập đoàn Phật giáo Việt Nam sẽ tuyệt thực 48 giờ đồng hồ, có bác sĩ giám hộ kể từ 14 giờ ngày 30-5-196320. Tại Sài Gòn, ngày 27-5-1963, trong một thông bạch gởi Tăng Ni và Phật tử, Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam Thượng toạ Thích Tâm Châu, Chủ tịch Uỷ ban liên phái bảo vệ Phật giáo thông báo: “Văn phòng Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn vừa nhận được một số thư văn của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Huế gởi vào ... Hoà thượng yêu cầu đúng 14 giờ ngày 30-5-1963 ... các vị lãnh đạo của các cấp bộ Phật giáo hãy tuyệt thực 48 tiếng đồng hồ để cho nguyện vọng của Phật giáo chóng đạt thành, ... Theo hiệp ý cùng Thượng toạ Thích Thiện Hòa, Trị Sự trưởng Giáo hội Tăng già toàn quốc, Thượng toạ Thích Thiện Hoa, Trị Sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt, Quý Thượng toạ trong Ban Trị sự Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam,... tại Sài Gòn,...  chư Tăng ... sẽ tề tựu về chùa Xá Lợi21, 89 Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn;...22.

Ngày 30-5-1963, chấp hành chỉ thị của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cuộc tuyệt thực của các cấp lãnh đạo Phật giáo được tiến hành trên toàn miền Nam. Tại Sài Gòn, trước giờ tuyệt thực, gần 400 Tăng Ni từ chùa Xá Lợi và chùa Ấn Quang, đổ về Công trường Lam Sơn, trước trụ sở Quốc hội Sài Gòn, biểu tình với các khẩu hiệu:

Quốc hội, Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa hãy thực thi bình đẳng tôn giáo.

Chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho Phật giáo.

Yêu cầu Tổng thống giải quyết ngay 5 nguyện vọng của Phật giáo

 Nhịn đói vì lá cờ Phật giáo và tự do tín ngưỡng23.

Chính quyền Ngô Đình Diệm đã huy động cảnh sát, công an mật vụ, lực lượng đặc biệt nhằm trấn áp cuộc biểu tình và chỉ cần Tăng Ni có một bạo động nhỏ nhoi để “bạo động” gấp ngàn lần. Nhưng đoàn biểu tình chỉ có những đầu trọc và những bàn tay chắp, khiến bạo lực phải khoanh tay và thất bại trước sức mạnh tinh thần24.

- Hội Phật học Nam Việt với cuộc tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức25 (11-6-1963). Cuộc tuyệt thực 48 giờ đồng hồ của giới lãnh đạo Phật giáo từ 14 giờ ngày 30-5-1963 ... nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn “án binh bất động”, đồng thời gia tăng đán áp khốc liệt hơn. Trước tình thế đó, giới lãnh đạo Phật giáo bắt buộc phải chấp thuận ý nguyện tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức.

Ngày 11-6-1963, tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng26, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã anh dũng tự thiêu trước sự chứng kiến của hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử cùng những quan sát viên quốc tế. Nhục thân Hoà thượng Thích Quảng Đức được Tăng Ni, Phật tử rước về chùa Xá Lợi.

Hành động cao cả của Thích Quảng Đức được xem như một lời kêu gọi khẩn thiết đối với những ai có lương tri hãy đứng lên chống lại chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. Ngày 12-6-1963, tại chiến khu, Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ truy điệu Thích Quảng Đức. Xã luận báo Nhân dân, số ra ngày 13-6 viết: “Gương hy sinh anh dũng của Hòa thượng Thích Quảng Đức là một sự tố cáo, lên án trước dư luận toàn thế giới chế độ độc tài cực kỳ tàn bạo của bọn Mỹ - Diệm. Chế độ ấy phải bị đánh đổ. Mười bốn triệu đồng bào miền Nam quyết đánh đổ chế độ ấy27. Đối với thế giới, sự hy sinh của Thích Quảng Đức là “một hành động tiêu biểu vĩ đại. Nó không chỉ chống lại chế độ Diệm,... mà nó còn có ý nghĩa chống lại sự bất công, bất chính của toàn thế giới,...”28. Ở Mỹ, cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã gây nên một chấn động mạnh. Tại Washington, D.C. qua truyền hình, nhân dân Mỹ đã đón xem cuộc tự thiêu Thích Quảng Đức với sự xúc động mạnh, dư luận Mỹ quay sang chống Ngô Đình Diệm và gia đình y.

Ngày 12-6-1963, giới lãnh đạo cao cấp của Phật giáo từ Huế vào Sài Gòn trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh ở đây. Đám tang của Thích Quảng Đức được ấn định là ngày 16-6-1963 và giới lãnh đạo Phật giáo dự định sẽ tổ chức vào ngày này một cuộc biểu tình lớn để phản kháng chính quyền Ngô Đình Diệm không chịu giải quyết các nguyện vọng đã đề ra. Lo sợ một sự bùng nổ lớn, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cấp tốc mở cuộc điều đình với giới lãnh đạo Phật giáo. Phiên họp đầu tiên diễn ra ngày 14-6. Sau 4 buổi họp, một bản Thông Cáo chung được ký kết vào lúc 1 giờ 30 ngày 16-6-1963.

Nội dung Thông Cáo chung về cơ bản thỏa mãn được 5 nguyện vọng mà giới lãnh đạo Phật giáo đã đề ra trong Tuyên ngôn ngày 10-5-1963. Đứng về phương diện thương thuyết, việc ký kết Thông Cáo chung là một thắng lợi lớn của phía Phật giáo. Để tỏ thiện chí, giới lãnh đạo Phật giáo còn ra lệnh hoãn đám tang Thích Quảng Đức và kêu gọi quần chúng ở nhà. Mặc dầu vậy, sáng ngày 16-6-1963, 700.000 người đã đổ ra đường kéo về chùa Xá Lợi, nơi đặt thi hài của Thích Quảng Đức: “Quần chúng hòa vào nhau như những giọt nước trong đại dương và trong tình yêu, người ta tự thấy mình lớn lên và không còn sợ hãi nữa29. “Đây là cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt nhất ở Sài Gòn trong mấy năm nay. Nó đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chế độ độc tài phát-xít Mỹ - Diệm, đẩy chúng vào tình trạng bị cô lập hơn bao giờ hết30.

- Chùa Xá Lợi với Kế hoạch nước lũcủa chính quyền Ngô Đình Diệm đêm 20 rạng ngày 21-8-1963. Đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, việc ký kết Thông Cáo chung chỉ là một kế hoãn binh, một sự nhượng bộ tạm thời để chuẩn bị cho một cuộc đàn áp đại quy mô nhằm đè bẹp phong trào. Âm mưu này được tiết lộ trong một bức mật điện mang số 13242/VP/TT ngày 19-6-1963 của Văn phòng Phủ Tổng thống đánh đi cho các Đại biểu Chính phủ các miền, Tư lệnh các vùng, nguyên văn như sau: “Để tạm thời làm dịu tình hình và khí thế đấu tranh quá quyết liệt của bọn Tăng Ni Phật giáo phản động, Tổng thống và ông Cố vấn ra lệnh tạm thời nhún nhường họ. Các nơi hãy theo đúng chủ trương trên và đợi lệnh. Một kế hoạch đối phó thích nghi sẽ gởi đến sau. Ngay từ bây giờ, hãy chuẩn bị dư luận cho giai đoạn tấn công mới, hãy theo dõi, điều tra, thanh trừng những phần tử Phật giáo bất mãn và trình thượng cấp, kể cả sĩ quan và công chức cao cấp31.

Đúng vậy, ngay sau khi Thông Cáo chung được ký kết, bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, chính quyền Ngô Đình Diệm liên tiếp gây ra những vụ vi phạm Thông Cáo chung32. “Chiến tranh một phía” từ phía chính quyền Ngô Đình Diệm, buộc Phật giáo phải phát động trở lại cuộc đấu tranh. Ngày 17-7-1963, bằng cách “đánh lừa” sự cản đường của lực lượng cảnh sát Sài Gòn, Tăng Ni từ chùa Xá Lợi, từ nhiều ngả đường khác nhau, đến tập họp trước chợ Bến Thành. Họ đã căng lên nhiều biểu ngữ đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải thi hành đầy đủ và nghiêm chỉnh các thỏa thuận ghi trong Thông Cáo chung,...

Trong lúc cuộc đấu tranh của Phật giáo đang được phục hồi và phát triển mạnh mẽ trên khắp các đô thị miền Nam, thì đại sứ Mỹ Frederick E. Nolting đã bào chữa cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Nolting nói: “Hơn hai năm tôi sống ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ nhận thấy dấu hiệu nào chứng tỏ có sự kỳ thị tôn giáo33. Tiếp theo, ngày 3-8-1963, Trần Lệ Xuân đã lên tiếng công kích và nhục mạ Phật giáo. Trả lời phỏng vấn của ký giả báo New York Times, Trần Lệ Xuân nói: “Tôi còn đánh sư gấp 10 lần như thế nữa à. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt tỉnh, không cần biết tới34.

Thái độ ngang ngược của Đại sứ Nolting cùng với lời lẽ hỗn xược của Trần Lệ Xuân như “lửa đổ thêm dầu”, phong trào đột ngột phát triển mạnh mẽ35. Riêng Sài Gòn, ngày 11-8-1963, tại chùa Xá Lợi, lễ cầu siêu sơ thất cố Đại đức Thích Nguyên Hương36, có tới  29 biểu ngữ được treo đầy sân chùa, nội dung lên án chế độ bạo trị Ngô Đình Diệm; ca ngợi tinh thần vô uý của Tăng Ni, Phật tử trong cuộc đấu tranh đòi thực thi chính sách tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo. Ngày 12-8-1963, nữ sinh Mai Thị Tuyết An tự chặt tay trái của mình để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Theo điều tra của Cảnh sát Sài Gòn thì “Mai Tuyết An, 18 tuổi, học sinh trường tư thục Nguyễn Văn Khuê, Sài Gòn, ngụ tại Thị Nghè (Gia Định), nhưng không cho biết số nhà và khai tại chùa Xá Lợi37. Ngày 18-8-1963, lễ cầu siêu cho tất cả các vị tử đạo được tổ chức tại chùa Xá Lợi. Sau lễ cầu siêu, Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn kêu gọi quần chúng tham gia tuyệt thực tại chỗ, có tới 10.000 người tham gia. Suốt ngày hôm đó, đông đảo đồng bào Sài Gòn kéo đến chùa Xá Lợi để ủng hộ cuộc tuyệt thực, khí thế đấu tranh của quần chúng hết sức sôi nổi. Đặc biệt, trong ngày này “Thượng toạ Thích Trí Quang dầm mưa ra thăm các Phật tử, và được Đại đức Thích Giác Đức giới thiệu là người khỏi xướng vụ đấu tranh của Phật giáo từ Huế, gây nên sự cổ võ nồng nhiệt lúc ông nầy đến thăm viếng38.

Để cứu nguy cho chế độ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện “Kế hoạch nước lũ”: “Cương quyết thanh trừng các phần tử phản bội và quá khích trong giới tăng ni, công chức, giáo sư, sinh viên, cũng như trong các đoàn thể nhân dân” nhằm giải quyết dứt điểm “vụ Phật giáo”. “Thời gian ấn định cho việc thực hiện xong kế hoạch là từ 21-8 đến 30-8-196339. Đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm cho quân tấn công đồng loạt hầu hết các ngôi chùa được dùng làm cơ sở đấu tranh trên toàn miền Nam.

Thực ra, trước đó trong Văn thư đề ngày 7-8-1963 gởi Ngô Đình Diệm, Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Lãnh đạo Tối cao Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, đã báo tin rằng: “Sẽ có một sự đột nhập chùa Xá Lợi để bắt tất cả các các cấp lãnh đạo Phật giáo trong Uỷ ban Liên phái ...”, nhưng với tinh thần vô uý, Hoà thượng Thích Tịnh Khiết khẳng định: “Chúng tôi, dù có chết, vẫn không nghiêng mình trước những hành động mạnh ngược với Hiến pháp và Luật pháp40.

Tại chùa Xá Lợi, trụ sở của Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, cuộc tấn công của lực lượng Diệm diễn ra rất ác liệt. Tăng Ni và Phật tử đã chống trả mãnh liệt, cho đến lúc kiệt sức thì bị bắt tống lên xe chở vào trại giam. Hầu hết các nhà sư và cư sĩ trong giới lãnh đạo Phật giáo đã bị bắt trong cuộc tấn công này, như Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Thượng toạ Thích Trí Quang41, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền42 cùng chư vị Thượng toạ, Đại đức, các Tăng Ni và Phật tử,... “Chùa Xá Lợi, trụ sở Hội Phật học Nam Việt - trở nên hoang tàn, lạnh lẽo tối tăm43.

Cùng lúc với “Kế hoạch nước lũ”, Ngô Đình Diệm đọc tuyên cáo và ban hành Sắc lệnh giới nghiêm cho phép quân đội có quyền “xét các tư gia bất cứ giờ nào, bắt giữ những người xét có hại cho an ninh công cộng” (Điều 3), “Tất cả mọi sự vi phạm đến trật tự công cộng đều thuộc thẩm quyền của Tòa án Quân sự” (Điều 4)44.

Bằng việc đánh phá chùa, bắt giữ Tăng Ni và Phật tử cùng giáo sư, sinh viên, học sinh,... và ban hành lệnh giới nghiêm, chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm đã “thực sự giẫm trúng vỏ chuối do Phật giáo quăng ra45. Mâu thuẫn giữa chế độ Ngô Đình Diệm và các tầng lớp nhân dân miền Nam, giữa Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, phát triển đến đỉnh cao không thể khắc phục được. Tháng 10-1963, Mỹ gia tăng áp lực kinh tế bằng cách cắt bỏ viện trợ cho lực lượng đặc biệt của Nhu và một phần “viện trợ thương mãi hóa”. Lodge báo tin cho Ngô Đình Diệm hay sẽ về Mỹ để thảo luận lại chính sách đối với Việt Nam Cộng hoà; Đô đốc Felt, Tư lệnh Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, dự Hội nghị Đông Nam Á, đến Sài Gòn. Cả Felt và Lodge giả vờ ghé thăm Diệm vào sáng ngày 1-11-1963 với ý đồ cầm Diệm ở Dinh Gia Long để phe đảo chính dễ dàng hành động.

Miếng đất tốt cho một cuộc đảo chính quân sự đã được Mỹ chuẩn bị ráo riết và bằng mọi cách. Ngày 1-11-1963, cuộc đảo chánh diễn ra. Anh em Diệm - Nhu bị giết chết. Chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm sau 9 năm thống trị miền Nam bị sụp đổ. Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam kết thúc.

Nghiên cứu và tìm hiểu Hội Phật học Nam Việt trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, chúng ta có thể rút ra một số nhận định sau:

Một là, trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Hội Phật học Nam Việt giữ một vai trò hết sức quan trọng. Chùa Xá lợi - Trụ sở Hội Phật học Nam Việt, được chọn làm bản doanh trung ương của phong trào với sự đồng ý của Hội; hầu như tất cả chủ trương, phương pháp đấu tranh của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, sau đó là Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, Hội Phật học Nam Việt đều hưởng ứng từ đầu cho đến cuối, có những đối sách thích hợp để giữ vững và đưa phong trào từng bước tiến lên phía trước, như ngày 15-5-1963, khi cuộc tiếp kiến Ngô Đình Diệm không đem lại kết quả, phái đoàn Phật giáo trở về chùa Xá Lợi, họ đã bị Tăng Ni và Phật tử phản ứng dữ dội; hoặc ngày 21-5-1963, Hội Phật học Nam Việt dưới hình thức “rước linh”, gần 1.000 Tăng Ni đã tổ chức một cuộc biểu tình hòa bình từ chùa Ấn Quang về chùa Xá Lợi. Lần đầu tiên, tại Sài Gòn, Phật giáo đã chính thức đưa cuộc đấu tranh từ trong nhà chùa ra ngoài đường phố, tới công trường; ngày 25-5-1963, chùa Xá Lợi - Trụ sở của Hội Phật học Nam Việt, là nơi thể hiện sự thống nhất ý chí và lực lượng của Phật giáo trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài, gia trị, giáo trị Ngô Đình Diệm;... Cuối cùng, Hội Phật học Nam Việt đã chống trả mãnh liệt “Kế hoạch nước lũ” của chính quyền Ngô Đình Diệm đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, góp phần đưa chế độ này “thực sự giẫm trúng vỏ chuối do Phật giáo quăng ra”, đã tự chọn cho mình một tuyệt lộ.

Hai là, Hội Phật học Nam Việt qua chùa Xá Lợi, đã tạo được sức mạnh to lớn cho phong trào Phật giáo miền Nam Việt nam năm 1963. “Các giới đồng bào kéo đến rất đông,... chư Tăng ở khắp nơi trong nước đều kéo về tụ tập ở chùa Xá Lợi để tuân theo chỉ thị của Ủy ban Liên phái. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có cuộc liên kết Phật giáo đồ không phân biệt Bắc tông hay Nam tông, không phân biệt Tăng già hay cư sĩ, không phân biệt Việt Nam, Trung Hoa hay Khờ me, không phân biệt nam nữ già trẻ, tất cả đều đồng lòng đoàn kết ủng hộ Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo. Hàng ngày chùa Xá Lợi đều tấp nập, đông đảo, tiếng chuông mõ xen lẫn tiếng góp ý góp sức vì chính đạo và chính nghĩa, tạo ra khung cảnh ôn ào náo nhiệt, y vàng, y nâu, y lam của Tăng Ni sát cánh bên những phục sức quần áo đủ màu của nam nữ Phật tử46.

Ba là, điều cần nhấn mạnh thêm là Sài Gòn - thủ đô của “Việt Nam Cộng hòa”, cứ điểm vững mạnh nhất cả về mặt chính trị và quân sự của chính quyền Ngô Đình Diệm, nơi mà anh em Diệm - Nhu dốc hết sức lực để đàn áp, khủng bố, nhưng qua thực tế đấu tranh cho thấy Hội Phật học Nam Việt đã đóng trọn ý nghĩa vị trí tiền tiêu trong phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, góp phần rất xứng đáng trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

 


1. Ngoài Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là người có công lớn trong việc thành lập Hội Phật học Nam Việt, còn có Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, với sự cộng tác đắc lực của các danh tăng Quảng Minh, Quảng Liên, Thiện Hòa, Huyền Dung,...

2. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.11-HS.22462.

3. Hội Phật học Nam Việt lúc mới thành lập đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, sau dời về chùa Phước Hoà. Năm 1958, chùa Xá Lợi khánh thành, trụ sở Hội Phật học Nam Việt mới dời về đây.

4. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.11-HS.22462.

5. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.11-HS.22462.

6. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.11-HS.22462.

7. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu BT.542.

8. Thích Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải Triều Âm, số 15, ngày 30-7-1964, tr. 2.

9. Công văn số 3909 TK/M/B của Giám đốc Đô thành gởi Đô trưởng Sài Gòn ngày 4-5-1960, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh, Ký hiệu tài liệu: ĐICH/22430.

10. Công văn số 3909 TK/M/B của Giám đốc Đô thành gởi Đô trưởng Sài Gòn ngày 4-5-1960, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh, Ký hiệu tài liệu: ĐICH/22430.

11. Công văn số 3909 TK/M/B của Giám đốc Đô thành gởi Đô trưởng Sài Gòn ngày 4-5-1960. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu: ĐICH/22430.

12. 8 Phật tử gồm: Đặng Văn Công, Trần Thị Phước Trị, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Yến (20 tuổi), Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa, Lê Thị Kim Anh và Dương Văn Đạt.

13. Nội dung 5 nguyện vọng: 1- Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo; 2- Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một quy chế đặc biệt như các Hội Truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Dụ số 10; 3- Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo; 4- Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo; 5- Yêu cầu Chính phủ phải đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức.

14. Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam đọc trong cuộc metting tại chùa Từ Đàm - Huế, ngày 10-5-1963, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC. 04-HS. 8352.

15. Thư của phái đoàn Phật giáo Việt Nam gởi ông Bộ trưởng Công dân vụ ngày 15-5-1963, Tài liệu lưu tại chùa Từ Đàm (Huế).

16. Ngày 14-5-1963, lễ cầu siêu sơ tuần các Phật tử bị thảm sát tại Đài Phát thanh Huế tổ chức tại chùa Từ Đàm. Sau buổi lễ, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, đã gởi điện tín cho các Hội Phật giáo ở Đà Lạt, Sài Gòn, Chợ Lớn, các tỉnh Trung Nguyên và Cao nguyên Trung Phần, nguyên văn như sau: “Nhân danh Hội chủ Phật giáo toàn quốc, tôi chỉ thị cho 6 Tập đoàn Tăng già và Cư sĩ toàn quốc cùng tất cả gia đình Phật tử và tất cả giới Phật tử khác như anh em quân nhân, vân, vân ... hãy nhất tề thọ tâm tang cho các Phật tử đã bỏ mình vì Đạo pháp trong Đại lễ Phật đản vừa qua tại Đài phát thanh Huế” (Mật điện đến - Nguyên văn không nên phổ biến - của Tỉnh trưởng Thừa Thiên gởi Bộ Nội vụ Sài Gòn ngày 14-5-1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh, Ký hiệu ĐICH-8529).

17. Công văn số 1888-TCS/Q5/M ngày 22-5-1963 của Trưởng ty Cảnh sát Quốc gia Quận 5 gởi Giám đốc Nha Cảnh sát Quốc gia Đô thành Sài Gòn, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu ĐICH-8534.

18. 11 tông phái và đoàn thể Phật giáo gồm Giáo hội Thiền Tịnh Đạo Tràng, Giáo hội Tăng già Việt Nam, Giáo hội Tăng già Nam Việt, Tổng hội Phật giáo Nguyên thuỷ Việt Nam, Giáo hội Tăng già Bắc Việt (tại miền Nam),  Giáo hội Nguyên thuỷ Việt Nam, Giáo hội Theravada (người Việt gốc Miên), Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Hội Việt Nam Phật giáo (Bắc Việt), Phật tử Theravada (người Việt gốc Miên) và Hội Phật học Nam Việt.

19. Tài liệu lưu tại chùa Từ Đàm, Huế.

20. Quốc Tuệ, Công cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr. 78.

21. Cũng theo thông báo này, chư Ni sẽ tuyệt thực tại chùa Ấn Quang, 243 sư Vạn Hạnh, Chợ Lớn.

22. Thích Hải Ấn & Lê Cung, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 qua tài liệu của các cấp Phật giáo, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2013, tr. 119, 117-118.

23. Công văn sô 5273-CSĐT/P2/L2/M ngày 31-5-1963 của Giám đốc Nha Cảnh sát Quốc gia Đô thành Sài Gòn gởi Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia và Đô trưởng Sài Gòn. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu ĐICH-8534.

24. Tâm Phong, Nhớ lại cuộc vận động của Phật giáo, Tuần báo Hải Triều Âm, số 20, ngày 24-8-1963, tr 10-11.

25. Hoà thượng Quảng Đức đã có lúc trụ trì chùa Phước Hoà, trụ sở trước đây của Hội Phật học Nam Việt. Hiện nay, Hoà thượng là 1 trong 4 Tổ sư của chùa Xá Lợi.

26. Nay là đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu, Tp. Hồ Chí Minh.

27. Lửa căm hơn rực cháy, Xã luận báo Nhân Dân, ngày 13-6-1963, tr. 1.

28. Thích Mãn Giác, Ông René De Berval, Nguyệt san Liên Hoa, Huế, ngày 27-2-1964, tr. 37-38.

29. Tâm Phong, Sđd., tr. 10.

30. Những sự kiện lịch sử Đảng, tập III, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tr. 268.

31. Nam Thanh, Cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam, Viện Hoá Đạo xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr. 421.

32. Xem Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (bản in lần thứ tư), Nxb. Thuận Hoá, Huế 2008.

33. Quốc Tuệ, Sđd., tr. 298.

34. Quốc Tuệ, Sđd., tr. 307.

35. Trong vòng chưa đầy nữa tháng (4 đến 16-8-1963) đã có tới 4 cuộc tự thiêu. Riêng Huế, có 2 cuộc tự thiêu. Ngày 17-6-1963, linh mục Cao Văn Luận bị cách chức Viện trưởng Viện Đại học Huế, các khoa trưởng, giáo chức từ chức tập thể, sinh viên đồng loạt bãi khóa.

36. Ngày 4-8-1963, Đại đức Thích Nguyên Hương tự thiêu trước Tỉnh đường Bình Thuận.

37. Công văn số 9395/CSĐT/P2/2/I.2 của Giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành Sài Gòn gởi Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hoà, Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ,... ngày 13-8-1963, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II; Ký hiệu tài liệu: ĐICH-8534.

38. Công văn số 9627-CSĐT/P3/M của Giám đốc Nha Cảnh sát Quốc gia Đô thành Sài Gòn gởi ông Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia (Khối Cảnh sát Đặc biệt) Sài Gòn ngày 18-8-1963, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II; Ký hiệu tài liệu: ĐICH-8534

39. Kế hoạch thanh toán vụ tranh chấp bạo động của Tổng hội Phật giáo tại Thừa Thiên, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II; Ký hiệu tài liệu SC.04-HS. 8466.

40. Văn thư của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Lãnh đạo Tối cao Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, gởi Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ngày 7-8-1963, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II; Ký hiệu tài liệu: SC04-8356.

41. Thượng toạ Thích Trí Quang bị bắt đưa về Rạch Cát, sau đó cải trang vào Toà Đại sứ Mỹ tỵ nạn.

42. Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời 4-1-1964, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hoá Đạo, rồi đắc cử chức Chủ tịch Uỷ ban soạn thảo Hiến chương Giáo hội.

43. Minh Chiếu, Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh, Ký hiệu tài liệu: PTTg-3468.

44. Sắc lệnh ngày 20-8-1963 tuyên bố tình trạng giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC. 04 KS. 8468.

45. Tâm Phong, Nhớ lại cuộc vận động của Phật giáo, Tuần báo Thiện Mỹ, số 1, ngày 27-11-1964, tr. 12.

46. Tống Hồ Cầm, Lịch sử Hội Phật học Nam Việt và chùa Xá Lợi (không ghi nơi và năm xuất bản), tr. 33-34.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Hải Ấn & Lê Cung, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 qua tài liệu của các cấp Phật giáo, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2013.

2. Tống Hồ Cầm, Lịch sử Hội Phật học Nam Việt và chùa Xá Lợi (không ghi nơi và năm xuất bản).

3. Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (bản in lần thứ tư), Nxb. Thuận Hoá, Huế 2008.

4. Nguyệt san Liên Hoa, Huế, ngày 27-2-1964.

5. Tâm Phong, Nhớ lại cuộc vận động của Phật giáo, Tuần báo Hải Triều Âm, số 20, ngày 24-8-1963.

6. Thích Trí Quang, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, Tuần báo Hải Triều Âm, số 15, ngày 30-7-1964.

7. Nam Thanh, Cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam, Viện Hoá Đạo xuất bản, Sài Gòn, 1964.

8. Quốc Tuệ, Công cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964.

Và rất nhiều tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 44
    • Số lượt truy cập : 6950038