Tin tức

HỘI THẢO KHOA HỌC THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH

 

Tin: Theo giacngo.vn
Ảnh: TRÍ BÁ

 

 

 Rước di ảnh của Sơ tổ Minh Hải Pháp Bảo

Ban chứng minh Hội thảo

Chư Tăng niệm Phật cầu gia bị

Chư Ni tham dự Hội thảo

 

Sáng 3-3, tại tổ đình Chúc Thánh (P. Tân An, TP. Hội An) đã trang trọng diễn ra lễ khai mạc Hội thảo khoa học với chủ đề “Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh - Lịch sử hình thành và phát triển”.

Quang lâm chứng minh và tham dự có chư tôn Trưởng lão Hòa thượng Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN: Hòa thượng Thích Thiện Thành, Hòa thượng Thích Huệ Minh, Hòa thượng Thích Như Tín; chư tôn đức Thành viên Hội đồng Chứng minh; Chứng minh Ban Trị sự các tỉnh thành; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, đồng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II T.Ư GHPGVN; Hòa thượng Thích Phước Minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam; Giáo sư Lê Mạnh Thát, Cố vấn Viện Nghiên cứu Phật học VN; Thượng tọa Thích Giác Hoàng, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học VN; PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN; cùng chư tôn đức Tăng, Ni môn hạ thiền phái Chúc Thánh tại các tỉnh thành và hải ngoại,...

Về phía lãnh đạo chính quyền có ông Nguyễn Mính, Phó Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Quảng Nam; ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An; bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hội An; ông Lê Hồng Lợi, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP.Hội An; ông Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Hội An; cùng đại diện lãnh đạo các cấp chính quyền TP.Hội An và P.Tân An sở tại; các học giả, nhà nghiên cứu và Phật tử đồng tham dự.

Phát biểu khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Tín, Trưởng ban Điều hành Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã gởi lời chào mừng sự hiện diện của chư tôn đức và các nhà nghiên cứu, các học giả và Phật tử về tham dự hội thảo lần này.

Trưởng lão Hòa thượng cho biết mục đích của việc tổ chức hội thảo lần này nhằm làm sáng tỏ công hạnh của chư vị Tổ sư để các thế hệ con cháu trong tông môn noi gương tinh thần tu học, phụng sự nhân sinh. Đồng thời, cũng làm tỏ rạng những đóng góp của dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh đối với Đạo pháp và Dân tộc.

Thượng tọa Thích Giác Hoàng cho biết Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trải qua hơn 300 năm, đã và đang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng đến Tăng, Ni và Phật tử và các tầng lớp xã hội trong và ngoài nước.

Thượng tọa cũng đã lược khảo 9 phương diện nổi bật về những đóng góp của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh như: Nhiều bậc Bồ-tát danh Tăng xuất chúng; Hy sinh để bảo vệ Phật pháp; Kiến lập hệ thống học đường đào tạo Tăng tài; Nghiên cứu, dịch thuật trước tác; Khắc kinh mộc bản di sản văn hóa Phật giáo VN; Giới đức nghiêm tịnh; Kiến lập danh lam thắng tích; Xây dựng tự viện phát triển Phật giáo hải ngoại; Góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững GHPGVN.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Lanh chia sẻ, chúng ta cần nghiên cứu nhận diện đầy đủ, sâu sắc hơn về văn hóa Phật giáo Hội An. Đặc biệt là những giá trị nhân văn, lịch sử, cảnh quan, kiến trúc và điêu khắc Phật giáo, để quảng bá đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp trẻ. Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An đề nghị cần có trung tâm bảo tồn, trưng bày, giới thiệu các cổ vật Phật giáo để tạo sự hài hòa và xứng tầm là Phật giáo Hội An.

Ban đạo từ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu mong muốn hội thảo cần làm sáng tỏ tư tưởng truyền thừa và những đóng góp của tổ Minh Hải - Pháp Bảo và Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Qua đó, cần nêu bật phương châm, tôn chỉ hành đạo, tích cực nhập thế phụng sự nhân sinh. “Ban Điều hành Thiền phái, Tăng Ni, tín đồ Phật tử cần tiếp tục lan tỏa, phát huy tinh thần phụng sự của các bậc Tổ sư; tiếp tục đóng góp tâm lực, trí lực trong sự nghiệp phát triển ngôi nhà chung của Giáo hội”, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh.

Phát biểu đề dẫn của hội thảo, PGS.TS Chu Văn Tuấn cho biết cần tập trung vào 4 vấn đề để làm rõ những vấn đề then chốt, có giá trị về lịch sử cũng như sự phát triển và định hướng cho hoạt động của Thiền phái Chúc Thánh tương lai: Làm rõ những đóng góp của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cho Đạo pháp; Làm rõ những đóng góp của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cho dân tộc trên các phương diện; Làm rõ hành trạng và những đóng góp của chư vị Tổ sư, các vị danh Tăng, danh Ni tiêu biểu của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trên các lĩnh vực như biên soạn kinh sách Phật giáo, văn học Phật giáo, các Di sản Mộc bản Hán Nôm; Nhìn nhận hiện trạng của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh hiện nay, những khó khăn, tồn tại của hệ phái, những đề xuất kiến nghị để thiền phái có những bước phát triển trong thời gian tới.

Hội thảo được diễn ra trong hai ngày 3, 4/3-2023 (nhằm ngày 12,13/2 năm Quý Mão).

Hội thảo đã nhận 83 bài nghiên cứu chia làm 3 chủ đề gồm: Danh thắng – Kiến trúc với 20 bài; Nhân vật – Lịch sử có 30 bài; và nhóm Văn chương – Tư tưởng có 33 bài.

Sau phiên khai mạc, đại biểu đã tham dự phiên hội thảo chuyên đề đầu tiên với chủ đề “Danh thắng và kiến trúc”; buổi chiều sẽ diễn ra chuyên đề thứ hai “Nhân vật lịch sử”. Sáng 4/3 diễn ra phiên thảo luận chuyên đề thứ ba “Văn chương và tư tưởng”.

Phát biểu đúc kết hội thảo, PGS.TS Chu Văn Tuấn, đồng Trưởng ban Tổ chức nhận định: “Hội thảo là dịp Tăng Ni trong hệ phái sưu tầm tư liệu, hệ thống hoá những di sản vật thể, phi vật thể nhằm giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tới. Đồng thời, đây là dịp nhìn lại những vấn đề khó khăn để có phương hướng, giải pháp khắc phục nhằm giúp Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh tiếp tục ổn định, phát triển”.

Qua hội thảo, các tác giả trình bày tham luận và trao đổi ý kiến đã tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

Làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh qua các giai đoạn lịch sử cũng như các vùng miền trong nước và hải ngoại.

Làm sáng tỏ về cuộc đời, đạo nghiệp, tư tưởng của Tổ sư Minh Hải-Pháp Bảo và các danh Tăng trong Thiền phái.

Những đóng góp về tư tưởng, di sản qua các tác phẩm, các tư liệu, hiện vật đang bảo tồn tại các tự viện… cũng như các phong trào chấn hưng Phật giáo.

Ban Tổ chức đã có những đề xuất và kiến nghị: Tiếp tục sưu tầm, giữ gìn, bảo tồn hiện vật; nghiên cứu thêm những giá trị vật thể và phi vật thể; đề nghị các cấp lãnh đạo tạo điều kiện để phát huy các giá trị của Thiền phái Chúc Thánh, và cần có trung tâm bảo tồn các hiện vật.

Kết thúc lễ bế mạc, Hoà thượng Thích Hạnh Niệm, Phó ban Tổ chức đã đọc diễn văn bế mạc và lời cảm tạ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 273
    • Số lượt truy cập : 6948592