Tin tức

KHÁI NIỆM VỀ THIỀN TÔNG

KHÁI NIỆM VỀ THIỀN TÔNG

LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC dịch

Thiền, tiếng Phạn là dhyàna, tiếng Ba Lợi là jhàna, người Hoa phiên âm đọc theo âm Hán-Việt là Thiền Na, Đà diễn na, Trì a na, có nghĩa là tĩnh lự (chỉ tình trạng người ta đang suy tư chuyên chú xem xét một vấn đề), rèn luyện tư duy loại bỏ cái xấu (xả bỏ các thứ dục giới che đậy mọi cái xấu), công đức tòng lâm (lấy thiền làm cái gốc nảy sinh trí tuệ, thần thông, vô lượng công đức). Thiền tức yên lặng trầm tư, chuyên tâm suy xét về một đối tượng nào đó, thần thái cực kỳ tịch tĩnh để tư duy của mình được lắng thật sâu cho tâm hồn trí óc đều trong sạch sáng suốt. Người nào cũng tu thiền cả, tăng sĩ theo Phật giáo Đại thừa, phái Tiểu thừa, người tu theo ngoại đạo, kể cả người không đi tu. Thiền đến độ bất động, phiếm xưng là thiền định, hoặc thiền là một loại “định”. Người tu thiền có tư thái trầm tư nên còn gọi tu thiền là thiền tư.

Trước thời Đức Thích Ca mâu ni, tu thiền là phép tu trì trọng yếu của phái Yoga (Du Già) cổ Ấn Độ... lưu hành rất rộng phép tu thiền thời đại Upanisad1 (Áo nghĩa thư), có đặc điểm là lấy thanh văn để nhập đạo, xả niệm mà đạt tới Phạm thiên. Tập trung vạn niệm vạn thanh vào trong một niệm một thanh, “tập luyện tiếng Phạn Aum quan trọng này, phải yểm tiếng thường”, Niệm thông một tiếng Aum, kiềm chế hơi cho thật dứt, theo khả năng, duy trì như thế không thay đổi, “chánh định niệm thanh thệ”. Như thể quên hết ngoại vật mà nghe được vô thanh. Ba thứ: Ý, khí và thanh hợp lại làm một “cuối cùng tĩnh lặng vô thanh”, “thanh trở thành tâm thanh, vượt cao hơn thanh, được trở thành bậc siêu thượng, cắt hết mọi thắc mắc, ràng buộc”. Đó là cách tu thiền xưa nhất ở Ấn Độ cổ đại. Cổ Ấn Độ truyền lại cách tu thiền Phi Không định. Định này là soi trở vào bên trong người mình, tâm minh mở ta tám hiệp, mặt trời đọng nơi nhụy hoa sen, mặt trăng nằm trong mặt trời, mặt trăng phát hỏa, lửa phát sáng, hoa sen nảy nụ tròn, mặt trời mặt trăng phát hỏa phát sáng, rọi khắp mọi nơi mọi chỗ, trên thì tới trung mạch, cao tới giữa hai tầng trời, ngày tháng tích lũy có khả năng đạt thành chánh quả, thành tựu đại đạo.

“A Hàm kinh” viết rằng:

“Trước khi Đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, Ngài đã từng tu thiền. Trên cơ sở tu thiền, Phật Đà đã phát triển dần thành pháp môn tu thiền cho Phật giáo”.

Phật giáo truyền đến Trung Hoa từng giai đoạn, trong các bản dịch ra chữ Hán sau này, có sách cho rằng tiếng Phạn dhyàna dịch là “thiền na” thì không thể biểu đạt đầy đủ ý nghĩa nội hàm của dhyàna. Vì thế, nên họ dịch ra tiếng Hán mà âm Hán-Việt đọc là “tư duy tu”. Rồi về sau, người ta không hiểu rõ từ này, giải thích lầm lẫn là “tư tưởng tâm lý”. Đại sư Huyền Trang thì dịch là “tĩnh tư lự”. Thật ra, tĩnh tư lự cũng không biểu đạt đầy đủ ý nghĩa nội hàm của từ dhyàna trong tiếng Phạn. Phái Bồ tát Di Lặc ở Ấn Độ gọi thẳng là “Yoga” (Du Già). Từ đó, từ Yoga trở thành một loại công phu tu thiền, thay cho tất cả những từ khác.

Tại Trung Hoa thời cổ không có tu thiền, mà có việc tĩnh tọa, được gọi là “định”. Nhà Nho đề xướng và rất khuyến khích việc tĩnh tọa. Sách “Đại học” có câu nổi tiếng: “Tri chỉ nhi hậu hữu định”. “Định” thực tế là cảnh giới của một loại công phu “tĩnh” thăng hoa, thường thường đi đôi với “thiền” gọi là “thiền định”. Thiền kết hợp với định thì trước là biết dừng mà sau thì tư lự, thường bảo đó là “quán”, “thiền định” cũng là “chỉ quán”. Bồ tát Di Lặc gọi thẳng dhyàna là yoga là bao hàm cả ý nghĩa “chỉ quán” vậy. Từ Yoga trong tiếng Phạn cũng có ý tứ tương đương là nghĩa kết hợp ngựa với ách xe. Trong Thánh thư tối cổ Ấn Độ “Lê Câu Phệ Đà”, rồi tiếp theo là đến thời đại “Áo Nghĩa thư”, Dhyàna hàm nghĩa quán hành pháp các cách điều hòa hơi thở. “Quán” trong tiếng Phạn, tiếng Hoa cùng một lý như nhau. Phái Yoga của Phật giáo, đặc biệt là Yoga thời đại Thuần mật của phái Mật giáo, đến khi chịu ảnh hưởng sách “Du Già kinh” của học giả ngoại đạo là Ba Đàm Lê viết thì Phật giáo đều dùng đến phép này, theo quán hành Tam Ma Địa (chỉ) đến Tỳ Bát Xá Na (quán), trạng thái chính lý hợp nhất thành Yoga. Vì thế cho nên, Yoga chính là chỉ quán, cũng là thiền định.

Tu thiền không chỉ là một loại tư thái rèn luyện cơ thể, mà thông qua phương thức này để đạt tới khả năng điều chế tâm ý của con người. Tâm ý có thể phân thành khả năng cảm giác và ý thức cảm giác: mắt – thấy, tai – nghe, mũi – ngửi, lưỡi – vị, thân – giác là khả năng cảm giác, cũng là cái mà Phật giáo gọi là ngũ thức trong bát thức. Ý thức cảm giác cũng là ý thức thứ sáu, bao quát rất rộng, theo cảm giác thông thường (ví như nóng giận và dục vọng), đến cảm giác cực kỳ tế vi (ví như điềm tĩnh bình hòa đều thuộc ý thức cảm giác), tư tưởng, cảm thụ, tình tự, ký ức và mộng cảnh… đều là ý thức cảm giác. Tu thiền là một loại hoạt động trên ý thức cảm giác, thông qua tĩnh tư lự có thể dùng một bộ phận tâm ý của con người để quan sát, phân tích và đối trị các bộ phận tâm ý còn lại, khai phát một số năng lượng vi lượng trong con người, giúp cho người đó có năng lực  dùng trực giác tìm ra chân lý của sư vật. Từ đó, có thể khiến tâm thần được nhẹ nhàng, vui vẻ, dễ dàng làm phát lộ trí tuệ.

Kinh Phật giải thích tu thiền là “tập quen”, là cho rằng trong thực tế xã hội có nhiều kỹ xảo và có nhiều nghiên cứu tâm ý của tu thiền. Người tu thiền phải nhận rõ thực tiễn thì mới hiểu rõ được cách gọi của Phật giáo Đại thừa.

Tóm lại, có thể nói rằng thiền là một loại phương thức tu hành phổ biến của các tông giáo tại Ấn Độ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chủ yếu cũng dùng phương pháp thiền định trong tu luyện, mà thành đạo rồi được nhập niết bàn. Về mặt này, trong quá trình phát triển, Phật giáo Đại thừa không giống với Phật giáo Tiểu thừa.

Thiền định nơi Phật giáo Tiểu thừa phân ra thứ tự từ sơ thiền, nhị thiền, tam thiền đến tứ thiền được gọi chung là “tứ thiền” (còn được gọi là “tứ tĩnh lự”) cùng với hai loại “tứ vô sắc định”. Bản thể của Tứ thiền làm “Tam nhất cảnh tính”, dùng nó làm “năng thẩm lự”, có đặc điểm là cách ly với sự cảm thụ dục giới, cũng như sự cảm thụ như thế về quan niệm sắc giới. Từ sơ thiền đến đệ tứ thiền, tâm lý hoạt động triển khai loại bỏ dần dần, hình thành tinh thần thế giới bất đồng. Có người cho rằng, đứng trên quá trình tự tu chứng mà nói, tam thiền  trước là phương tiện làm bậc thang, chỉ đệ tứ thiền mới là thiền thật sự, gọi là chân thiền.

(Còn tiếp)

Trích sách Thiền tông của ANH VŨ – CHÁNH TÍN
do Tứ Xuyên xuất bản
Tập đoàn Ba Thục thư xã xuất bản, tháng 12-2009


1. Upaniad (Áo nghĩa thư): "kinh điển với ý nghĩa uyên áo", là một loại văn bản được xem là thuộc hệ thiên khải, nghĩa là được "bề trên khai mở cho thấy" trong Bà la môn giáo. Chúng hoàn tất các loại thánh kinh được xếp vào hệ thống kinh Phệ-đà của Bà la môn giáo, là loại thánh điển rất quan trọng của Bà la môn giáo với nội dung giải thích, diễn giảng tính chất bí ẩn của các bộ Phệ-đà. Upaniad (Áo nghĩa thư) có vẻ giữ vai trò trung tâm trong các chủ đề về vũ trụ quan và siêu hình và về mặt thời gian, chúng xuất hiện sau các Sâm Lâm thư. Thời đại Upaniad tiếp theo thời kỳ Phệ-đà tối cổ.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6561469