Tin tức

KHÁNH THÀNH HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI TP HỒ CHÍ MINH

KHÁNH THÀNH HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM

TẠI TP HỒ CHÍ MINH

Tin: TTXVN

Ảnh: GIÁC NGỘ ONLINE


Ngày 8/5 (mùng 2/4 năm Bính Thân), Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khánh thành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) tại số A13/14 Mai Bá Hương, ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Theo Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc hoàn thành giai đoạn 1 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở Lê Minh Xuân đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển cơ sở vật chất, mở ra hướng đi khả thi, phát triển tương lai trong việc đào tạo tăng ni trên toàn quốc, có đủ khả năng kế thừa và xiển dương Phật pháp.


Chư tôn đức cắt băng khánh thành Học viện giai đoạn I

Đông đảo Tăng Ni và Phật tử đến tham dự lễ khánh thành Học viện

Hòa thượng Viện trưởng trồng cây lưu niệm

Ông Lê Thanh Hải , nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM trồng cây lưu niệm trước tòa nhà hành chánh của Học viện

Sau hơn 3 năm nỗ lực và quyết tâm xây dựng, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam đã xây dựng hoàn tất tòa Hành chánh, dãy Học đường, dãy Tăng viện, dãy Ni viện, Chánh điện tạm và khu nhà bếp; mỗi tòa chính gồm năm tầng, mỗi tầng gồm 500m2, đáp ứng nhu cầu tu học ngày càng gia tăng của tăng ni sinh với tổng kinh phí đầu tư gần 180 tỷ đồng.

Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng rằng, với cơ sở mới này, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh sớm trở thành trường Đại học Phật giáo đào tạo các ngành thuộc Khoa học Xã hội - Nhân văn và Khoa học Tự nhiên, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của nền giáo dục Phật học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trong thời gian tới, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tiếp tục triển khai xây dựng các hạng mục khác của Học viện gồm hội trường 2.000m2 với sức chứa 3.000 người, với các tiện ích cho hội thảo quốc gia và quốc tế; chánh điện 1.800m2 với sức chứa 2.500 người làm lễ cùng một lúc; Tòa Thư viện lớn với sức chứa 1 triệu đầu sách; khu nhà khách quốc tế gồm 150 phòng, tiêu chuẩn 3 sao; các tòa nhà dành cho các khoa thuộc Khoa học Xã hội - Nhân văn, Khoa học Tự nhiên, Khoa quản trị và giáo dục…Chi phí xây dựng các hạng mục cho giai đoạn 2 khoảng 1.000 tỷ đồng.

Hòa thượng Thích Giác Toàn cho biết khi toàn bộ công trình xây dựng cơ sở Lê Minh Xuân được hoàn tất, đây là nơi tu học Phật học nội trú lớn nhất nước, đồng thời là môi trường ứng dụng, hành trì các pháp môn trong đạo Phật, nhằm giúp hàng ngàn Tăng Ni sinh viên có thể sống đời đạo đức và trải nghiệm tâm linh hài hòa giữa các truyền thống Nguyên thủy và Đại thừa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 132
    • Số lượt truy cập : 6949748