Tin tức

Lễ húy kỵ lần thứ 42 Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền

LỄ HÚY KỴ LẦN THỨ 42 CỤ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

Tin ảnh: TRÍ VỊNH

Ngày 3-5-2015 (15-3 Ất Mùi), Chùa Phật học Xá Lợi tổ chức lễ giỗ lần thứ 42 Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền,thành viên sáng lập Hội Phật học Nam Việt,và là Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt. Đông đảochư Tăng, Ni, Ban Quản trị Chùa Phật học Xá Lợi, các thành viên Ban Phật học Chùa Xá Lợi, gia đình cố Hội trưởng và Phật tử đã về dự lễ húy kỵ. Dưới đây là vài hình ảnh:

Gio cu Chanh Tri 8

Gio cu Chanh Tri 7

Gio cu Chanh Tri 2

Gio cu Chanh Tri 4

Gio cu Chanh Tri 6

Gio cu Chanh Tri 1

Gio cu Chanh Tri 9

Ông Mai Văn Hoàng, cháu đích tôn của cố Hội trưởng (người đứng) đang trao đổi với thành viên Ban Phật học Chùa PH Xá Lợi.

Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh ngày 1-4-1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Sự nghiệp lịch sử của ông đối với Phật Giáo từ khi ông bắt đầu trở thành cư sĩ Phật Tử. Trong những năm làm việc đó đây khắp lục tỉnh miền Tây, ông để tâm nghiên cứu tìm hiểu về Phật Giáo, Nho Giáo và các tư tưởng tôn giáo triết lý khác. Đến đâu ông cũng tham vấn các vị danh nho nổi tiếng để thử tài học vấn và biện bác, nhưng chưa vị nào giúp ông thỏa nguyện. Đến khi làm việc ở Sa Đéc, ông đến tham vấn Hòa Thượng Thích Hành Trụ, thế danh Lê Phước Bình, là giảng sư tại chùa Long An, chính nơi đây ông thực sự quy ngưỡng, cảm phục trước đức độ và trí tuệ của vị danh Tăng nên cầu làm đệ tử của ngài. Hòa Thượng Thích Hành Trụ đặt pháp danh cho ông là Chánh Trí. Từ đây, ông bắt đầu dốc lòng đem khả năng và trình độ học thức của mình ra hộ trì chánh pháp.

Đối với Phong trào Chấn hưng Phật giáo, ông là một kiện tướng trong hàng cư sĩ đã đóng góp công sức rất lớn. Là một Phật Tử thuần thành, ông ăn chay trường từ ngày thọ tam quy – ngũ giới, làm Phật sự không biết mệt mỏi. Năm 1950, tại Saigon, ông vận động thành lập Hội Phật Học Nam Việt. Ban đầu Hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, sau dời qua chùa Phước Hòa. Ông vận động và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, một ngôi phạm vũ huy hoàng tráng lệ nhất, tiêu biểu cho nét văn hóa mới của Đông-Tây hòa quyện, làm trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt. Năm 1958, Hội chuyển về chùa Xá Lợi. Ông làm Tổng Thư Ký của Hội khi mới thành lập và Hội Trưởng từ 1955 cho đến ngày ông mất. Hội đã mở các lớp Phật học phổ thông lúc bấy giờ do chư Thượng tọa Thiện Hòa, Trí Hữu, Thiện Hoa, Quảng Minh diễn giảng. Ông cũng tham gia soạn và giảng một số tiết mục cho học viên. Hàng tuần, tại chùa Xá Lợi, ông còn tổ chức các thời thuyết pháp cho đại chúng do ông mời các vị cao tăng đại đức trong nước hay nước ngoài đăng đàn. Có khi chính ông là giảng sư.

Bên cạnh đó, Hội Phật Học Nam Việt còn xuất bản tạp chí Từ Quang do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tạp chí này suốt gần 24 năm liên tục (1951-1975) đã đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Tạp chí đã được chư Tăng bên Giáo Hội Tăng Già Nam Việt sốt sắng góp phần về phương diện biên tập. Chính ông là người viết thường xuyên trên Từ Quang. Với lối hành văn nhẹ nhàng, bóng bẩy và sâu sắc, với trình độ thâm hiểu nghĩa lý sâu xa của kinh điển, những bài ông viết đã được độc giả hoan nghênh, đã tạo cơ duyên cho nhiều người đến với đạo Phật. Ông cùng Hội Phật học Nam Việt đã thành lập trên 40 Tỉnh hội và Chi hội Phật học khắp miền Nam.

Khi Viện Đại Học Vạn Hạnh được thành lập, tạm đặt tại chùa Xá Lợi trong khi chờ xây xong cơ sở, ông nhận làm giáo viên cho Viện trước tiên, và sau đó ông còn giữ chức Phụ Tá Viện Trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh, kiêm Tổng Thư Ký niên khóa 1967-1968.

Ngoài những Phật sự nói trên, ông còn để tâm nghiên cứu kinh điển Phật Đà. Với học lực uyên thâm và sự thông hiểu sâu sắc giáo lý, ông đã dành nhiều thời gian dịch và trước tác các tác phẩm có giá trị về Phật học.

Ngày 15-4-1973, ông còn cùng các đại biểu các tỉnh của Hội Phật Học Nam Việt họp đại hội tại chùa Xá Lợi, chia tay vào lúc 23 giờ khuya. Sáng 17-4-1973 tức rằm tháng ba năm Quý Sửu, vào lúc 8 giờ 15, ông nằm ngay thẳng, từ giã cõi trần rất nhẹ nhàng, thanh thản, hưởng thọ 69 tuổi.

Ông đã cống hiến trọn đời cho việc phụng sự Phật pháp. Ông là một người cư sĩ mẫu mực uyên thâm giáo lý, tận tụy với đạo, dù đang ở những địa vị cao của quan trường. Ông là một điển hình cho sự tích cực của hàng cư sĩ lợi đạo ích đời theo tinh thần đạo Phật, và là điểm sáng chói ở miền Nam trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật Giáo, góp phần lớn lao trong sự nghiệp truyền bá tri thức Phật học, nhất là phát triển hệ thống Phật học cư sĩ do ông sáng lập ra vẫn còn duy trì hoạt động cho đến ngày nay.Hoa sen ket bai new

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 81
    • Số lượt truy cập : 6951946