LỄ TRUY NIỆM, CUNG TỐNG KIM QUAN HT.THÍCH GIÁC NHIÊN TRÀ-TỲ
LỄ TRUY NIỆM, CUNG TỐNG KIM QUAN
HT. THÍCH GIÁC NHIÊN TRÀ TỲ
H.DIỆU - Ảnh: VŨ GIANG
(Báo Giác Ngộ Online)
Quang lâm tham dự lễ truy niệm có sự hiện diện của chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN: HT.Thích Giác Nhường, Phó Pháp chủ HĐCM, giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ; HT.Thích Viên Giác, HT.Thích Giác Tường, UVTT HĐCM cùng chư tôn Hòa thượng HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM cùng chư tôn đức Văn phòng Ban Thường trực HĐTS GHPGVN phía Nam… cùng chư tôn đức BTS GHPGVN TP.HCM, BTS GHPGVN quận, huyện, các tự viện TP.HCM cùng đông đảo Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ.
Về phía quý khách có sự hiện diện của đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ.
Chư tôn đức HĐCM GHPGVN
Chư tôn đức HĐTS GHPGVN tham dự lễ truy niệm
Trong không khí trang nghiêm, thành kính của buổi lễ, HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ đã cung tuyên tiểu sử cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên. Theo đó, Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên, thế danh Nguyễn Văn Ất, tự Thành Được, sinh ngày 12-11-1923 tại huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ.
Năm 1953, Hòa thượng được Tổ sư Minh Đăng Quang truyền thọ y bát giới Sa-di. Ngày rằm tháng 7-Ất Mùi (1955), Hòa thượng được Nhị tổ - Trưởng lão Giác Chánh chứng truyền y bát cụ túc giới Tỳ-kheo trở thành bậc Sa-môn phạm hạnh.
Trong hai năm 1956 -1957, các giáo đoàn Hệ phái Khất sĩ lần lượt được thành lập, Hòa thượng Pháp sư đã thành lập Giáo đoàn IV. Các ngôi tịnh xá, dấu tích một thời hành đạo của Hòa thượng Pháp sư chủ yếu ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Ở miền Đông, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định, nay là TP.Hồ Chí Minh có tịnh xá Trung Tâm, Q.Bình Thạnh, nguyên là trụ sở Trung ương của Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, thành viên sáng lập GHPGVN; Pháp viện Minh Đăng Quang, Q.2 là trung tâm tu tập, văn hóa và hoằng pháp của Hệ phái.
Thành kính tưởng niệm Giác linh cố Đại lão HT.Thích Giác Nhiên
HT.Thích Giác Toàn cung tuyên tiểu sử
Năm 1966, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam được chính thức công nhận, Hòa thượng Pháp sư được suy cử Tổng Tri sự trưởng kiêm Tổng vụ trưởng các Tổng vụ: Tăng sự, Hoằng pháp và Từ thiện xã hội. Năm 1972, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam tổ chức Đại hội kỳ 3 tại tịnh xá Trung Tâm, Hòa thượng Pháp sư được đại chúng suy cử chức vụ Viện trưởng Viện Hành đạo.
Sau năm 1975, Đại lão Hòa thượng đã định cư, hoằng pháp tại Hoa Kỳ, thành lập Giáo hội Phật giáo Tăng già Khất sĩ Thế giới với cương vị Pháp chủ. Do tuổi cao sức yếu, Đại lão Hòa thượng đã viên tịch ngày 3-8-2015 tại Hoa Kỳ, trụ thế 93 năm, hạ lạp 60 năm.
Theo tâm nguyện cuối cùng của Đại lão Hòa thượng và Hệ phái, kim quan cố Đại lão Hòa thượng được cung rước từ Hoa Kỳ về Pháp viện Minh Đăng Quang vào ngày 16-8-2015, cử hành lễ tang theo nghi thức truyền thống của Hệ phái PG Khất sĩ.
Hòa thượng Pháp sư đã để lại nhiều công trình biên soạn, sáng tác và ấn tống pháp bảo như: “Nghi thức tụng niệm”, in lại “Bộ Chơn lý” với đầy đủ 69 tiểu luận; sáng tác, biên soạn các tập sách, thơ văn: Pháp môn tọa thiền, Ánh nhiên đăng, Thương nhớ mẹ hiền, Tiếng lòng người hiếu tử…
Tại buổi lễ truy niệm, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN thay mặt HĐCM, HĐTS đọc lời tưởng niệm Giác linh cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên, nhấn mạnh: “Sự ra đi vĩnh viễn của cố Đại lão Hòa thượng là một sự mất mát lớn lao đối với Đạo pháp nói chung và Tăng tín đồ Hệ phái Khất sĩ nói riêng. Sự mất mát này, chúng tôi cũng như Tăng Ni, Phật tử Việt Nam không sao tìm được trong một cuộc đời nhân thế của kiếp hiện tại…”.
Hòa thượng cũng cầu nguyện Giác linh Đại lão Hòa thượng chứng minh và hộ trì cho Tăng Ni và Phật tử Việt Nam, bồ-đề tâm kiên cố, ý chí kiên cường để hoàn thành Phật sự trên mọi chặng đường tu học, hành đạo trong thời hiện đại. Hòa thượng thay mặt HĐCM, HĐTS GHPGVN, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam chia sẻ sự mất mát lớn lao đối với Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Tăng già Khất sĩ Việt Nam, thành viên trong lòng Giáo hội và nguyện hòa hợp đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng GHPGVN, trong đó có Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ngày càng vững mạnh, trang nghiêm, ổn định trong lòng dân tộc Việt Nam.
Thay mặt Ban Thường trực giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ, HT.Thích Giác Giới đọc điếu văn tưởng niệm. Điếu văn xúc động bày tỏ niềm kính ngưỡng đối với vị giáo phẩm khiêm cung, từ ái. Đồng thời, ôn lại từng giai đoạn hành đạo, tri ân công đức to lớn của cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư đối với Tăng Ni, Phật tử trong việc phát triển sự vững mạnh của Hệ phái trong lòng Giáo hội, xây dựng nền móng Hệ phái Khất sĩ ở phương Tây.
Trước Giác linh đài cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên, TT.Thích Minh Thành, đại diện môn đồ đệ tử dâng lời tưởng niệm ân sư. Đối với Tăng Ni Hệ phái, đặc biệt là Giáo đoàn IV, hình ảnh người thầy khả kính, ngày đêm tận tụy, người thầy luôn chở che, dẫn dắt, “từng lời ân sư tuy đơn sơ nhưng chúng con vẫn khắc cốt ghi tâm” vẫn in đậm trong tâm khảm Tăng Ni của Hệ phái.
Sau lời cảm tạ, tri ân của Ban Tổ chức lễ tang đối với hơn 1.000 đoàn chư tôn đức giáo phẩm, Tăng Ni GHPGVN, đại diện các cơ quan Trung ương, TP.HCM, Phật tử từ khắp các tỉnh, thành cả nước đã đến viếng, đặt vòng hoa tưởng niệm từ ngày 16-8 đến 20-8.
Chư tôn giáo phẩm niệm hương tưởng niệm Giác linh cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư
Cung thỉnh bát hương rời Pháp viện Minh Đăng Quang
Trong giây phút tiễn biệt, chư tôn đức giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN, BTS GHPGVN TP.HCM, chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ đã thành kính niêm hương tưởng niệm Giác linh cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên và cử hành các nghi thức di quan.
8 giờ kém 10 phút, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử cung tống kim quan cố Đại lão HT.Thích Giác Nhiên từ từ rời Pháp viện Minh Đăng Quang, đến Đài Hỏa táng Phúc An Viên, quận 9 cử hành lễ trà-tỳ.
Cung thỉnh y, bát, di ảnh cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư
Cung tống kim quan cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư rời Pháp viện Minh Đăng Quang
Trang nghiêm lễ cung tiễn kim quan
Đoàn xe dần rời Pháp viện tiến đến Đài Hỏa táng Phúc An Viên thực hiện lễ trà tỳ
Xá-lợi của cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư sẽ nhập bảo tháp tôn thờ tại tịnh xá Trung Tâm, quận Bình Thạnh và Pháp viện Minh Đăng Quang, quận 2.
Bình luận bài viết