LỜI NGƯỜI XƯA: HOA CÚC
LỜI NGƯỜI XƯA:
HOA CÚC
Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được kể như một nhà thơ lớn trong nền thi ca Việt Nam và Phật giáo. Những bài thơ của ông phảng phất hương vị thanh thoát, chìm lặng trong vô cùng. Dưới đây bài thơ Hoa Cúc được ông sáng tác khi tuổi về chiều nhưng lời thơ hàm chứa sức sống linh hiện trào dâng.
Đường nhà Tưởng Hủ tre reo gió
Vườn cảnh Tây Hồ đẹp nét mai
Nghĩa khí chẳng đồng, tình chẳng hợp
Cúc hoa nở sáng khắp vườn ai
Ngàn sông không đủ thấm lòng già
Bách vịnh mai hoa vẫn kém xa
Đầu bạc ngâm hoài vần chưa ổn
Thấy hoa cúc nở rộn lòng ta
Quên thân quên thế thảy đều quên
Thiền tọa giờ lâu lạnh thấm giường
Trong núi năm tàn không có lịch
Thấy hoa cúc nở: tiết trùng dương
Năm năm nở đúng tiết thu qua
Gió dịu trăng thanh ý mặn mà
Cười kẻ không hay hoa huyền diệu
Khi về, mái tóc dắt đầy hoa.
Người ở trên lầu, hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đóa hoa vàng chợt nở tung.
Phương phi xuân sắc trắng hay vàng
Thời tiết tuỳ loài hợp sắc hương
Khi mọi loài hoa rơi chật đất
Giậu Đông hoa cúc vẫn chưa tàn.
Nguyễn Lang dịch
Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 1 (trang 371)
Ghi chú: Tưởng Hủ và Tây Hồ là hai vị xử sĩ, một người ưa chơi trúc, một người ưa chơi mai.
Bình luận bài viết