Tin tức

MAI THỌ TRUYỀN, VỊ CƯ SĨ LỚN CỦA THỜI ĐẠI

MAI THỌ TRUYỀN, VỊ CƯ SĨ LỚN CỦA THỜI ĐẠI

 

ThS TRẦN CAO LỘC

 

Là một Phật tử thuần thành, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã dày công đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo một cách tích cực. Đây là giai đoạn chuyển mình của Phật giáo nước ta, theo khuynh hướng lúc bấy giờ mọi người đều thấy rằng “... Đạo Phật cải cách để chấn hưng, để phù hợp với dân tộc và thời đại thì sự chấn hưng Phật giáo là một hiện tượng phù hợp với xu thế đất nước...”1. Do đó, tuy phong trào có nhiều khó khăn, trở ngại nhưng Cư sĩ Chánh Trí vẫn hết lòng dấn thân.

Sau khi Hội Phật học Nam Việt được thành lập (25-2-1951), ông đã vận động để xây dựng ngôi chùa để làm trụ sở với nét tiêu biểu cho sự hài hòa giữa văn hóa Đông-Tây. Sau khi xây dựng xong, Hội Phật học Nam Việt làm lễ Lạc Thành rất long trọng và được Hòa thượng Khánh Anh đặt tên chùa là Phật học Xá Lợi2. Nơi đây, Hội đã mở các lớp Phật học, các thời thuyết pháp do các giảng sư trong và ngoài nước thuyết giảng3. Bên cạnh đó, với nhiệm vụ là chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Từ Quang, ông đã phổ biến Phật học khắp nơi ở các tỉnh thành miền Nam. Tạp chí hoạt động suốt 24 năm được chư Tăng bên Giáo hội Tăng già Nam Việt góp phần về phương diện biên tập đã đem lại nhiều hiểu biết về Phật pháp tạo cơ duyên cho nhiều người đến với Đạo Phật.

Trong phong trào chấn hưng các hội Phật giáo được thành lập với những mục tiêu như: chỉnh đốn Thiền môn, vãn hồi qui giới, đào tạo một thế hệ thanh niên tu sĩ chân chính và hữu học. Sau đó là phổ thông giáo lý bằng Việt ngữ thay cho chữ Hán4.

Ngoài việc đóng góp cho phong trào, Cư sĩ không những giữ những chức vụ quan trọng trong nước và cả ở nước ngoài. Khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, cụ Chánh Trí làm Tổng thơ ký. Phật tử toàn quốc rất hoan hỷ đón chào Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhạc sĩ Lê Cao Phan đã sáng tác bài “Phật giáo Việt Nam” năm 1951 và vẫn nghe vang vọng đến ngày nay:

Pht giáo Việt Nam thống nhứt Bắc-Nam-Trung từ nay

Mt lòng chúng ta tiến lên vì Đạo Thiêng

Nào cùng vui trong Ánh Đạo Vàng rạng ngời bốn phương.

Vang ca đón chào Phật Giáo Việt Nam”5

Trong kỳ Đại hội Phật giáo Thế giới, Cư sĩ đã đảm trách Phó Chủ tịch Hội Liên hữu Phật giáo thế giới lần VI tổ chức tại Phnôm Pênh (Campuchia) và lần VII tại Bénarès (Ấn Độ). Ngoài ra, Cư sĩ còn tham dự các hội nghị văn hóa Phật giáo tại New Delhi (Ấn Độ) và tại Tokyo (Nhật Bản).

THỜI KỲ PHÁP NẠN 1963

Chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Sài Gòn là một trong những nguyên nhân gây ra sự bùng nổ của phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam6. Trong giai đoạn này, ông đã kêu gọi chính quyền thực thi bình đẳng tôn giáo. Trụ sở Ủy ban Liên phái Phật giáo đặt tại chùa Xá Lợi và nơi đây đã trở thành địa điểm lịch sử trong cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Thời kỳ đấu tranh của Phật giáo năm 1963 đã thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. P. Nietzch, người Đức đánh giá rằng: “Phật giáo không kích thích người ta làm chiến tranh chống các tôn giáo khác. Điều cảm động nhất là ở chỗ giáo lý nhà Phật chống lại tư tưởng phục thù hằn học oán ghét”7, cho nên Lê Khôi Việt trong Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo có nhận xét: “...Phật giáo không những đã ở trong dân tộc mà còn là nền tảng tâm linh và tinh thần của dân tộc”8. Đây là giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam trong việc chống kỳ thị tôn giáo và đòi quyền bình đẳng tôn giáo.

Vào giai đoạn đầu, với cương vị là Tổng thư ký Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, ông đòi chính quyền thực thi bình đẳng tôn giáo. Khi chính quyền phong tỏa chùa, ông cũng chịu chung số phận với Tăng, Ni, Phật tử bị bắt cầm tù. Chùa Xá Lợi trở thành địa điểm lịch sử trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo. Năm 1964, ông tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Bản Hiến hương có 11 chương, 32 điều đã được 11 vị Trưởng Phái đoàn các Giáo phái, Hội đoàn duyệt và ký tên. Trong số đó có Trưởng Phái đoàn Hội Phật học Nam Việt là Đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền ký tên. Sau đó, bầu hai viện Tăng thống và Hóa đạo và cư sĩ Mai Thọ Truyền được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo nhưng vì bất đồng ý kiến về mặt tổ chức nên ông đã từ nhiệm9.

Trong mùa Pháp nạn, chùa Xá Lợi là nơi ghi nhận nhiều chứng tích lịch sử quan trọng. Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo đặt tại đây và tổ chức các cuộc họp báo công bố 5 nguyện vọng của Phật giáo trước công luận quốc tế. Phong trào đã xuất hiện nhiều hình thức đấu tranh khác nhau như: tuyên ngôn, kiến nghị, cầu siêu, tuyệt thực, biểu tình, họp báo, hội kiến, thương lượng, ký kết và cao hơn hết là tự thiêu. Ngày 11- 6 -1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh  cảm động trước sự hy sinh cao cả nầy nên có câu đối kính viếng:

Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt,

Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”

Dịch:

Vị pháp thiêu thân, muôn thuở hùng huy nhật nguyệt,

Lưu danh bất tử, trăm năm chính khí sơn hà”10 

Khi Pháp thể của Bồ tát Thích Quảng Đức được quàn tại chùa Xá Lợi và theo lời kể của Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, cư sĩ Mai Thọ Truyền đã nằm lăn dưới Pháp thể của Bồ tát11. Điều nầy cho thấy cư sĩ Chánh Trí luôn hết lòng vì đạo pháp và dân tộc.

Sau thời Pháp nạn, quy mô rộng lớn của phong trào được thể hiện ở sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong nước và và nhân dân thế giới. Từ đó, Phật giáo Việt Nam đã được thế giới biết đến với nhiều thiện cảm không những trước đây, bây giờ và mãi về sau, như GS Trần Văn Giàu đã viết: “Phật giáo từ hàng nghìn năm nay đã chiếm được một chỗ đứng khá vững chắc trong lòng của hàng triệu con người”12.

TRỌN VẸN VAI TRÒ NGƯỜI CƯ SĨ

Ngày rằm tháng 3 năm Quý Sửu (17-4-1973), Cư sĩ ra đi và 15 năm trước cũng ngày này năm Mậu Tuất, Cư sĩ khánh thành chùa Xá Lợi. Cư sĩ mất đi để lại nhiều thương tiếc cho Phật tử cũng như tu sĩ. Mặc dầu Cư sĩ không còn tại thế, nhưng sự nghiệp của Người vẫn tồn tại mãi với Phật giáo Việt Nam.

Cư sĩ đã để lại những điểm son cho hàng hậu học và thể hiện trọn vẹn vai trò của người Cư sĩ trong đạo cũng như ngoài đời. Người đã tạo cơ duyên cho mọi người biết đến Phật pháp qua việc trước tác, lập hội, xây chùa, thuyết giảng... Để tưởng nhớ công ơn Cư sĩ, chùa Xá Lợi đã dựng tượng Cư sĩ Mai Thọ Truyền. Trong dịp nầy, cư sĩ Nhật Cao Trần Đình Sơn bày tỏ:

“Sau 45 năm cư sĩ vắng bóng, việc làm nầy rất có ý nghĩa nhân văn “uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ Phật tử cư sĩ hiện đại và mai sau, không chỉ ở chùa Xá Lợi nói riêng mà còn Phật tử khắp nơi trong nước và ngoài nước... Chúng con xin nguyện noi gương theo cư sĩ Chánh Trí, bài trừ mê tín dị đoan, cùng hỗ trợ đắc lực chư Tăng trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh”13. Việc làm của Cư sĩ đã được những thi nhân đương thời như Nữ sĩ Mộng Tuyết đã viết:

Đêm đẹp, trăng cười viên mãn

Đt lành, hoa nở từ bi

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương với những dòng cảm niệm sau:

Trong thập niên đầu thế kỷ

Hoa mai đã nở một lần

Để rụng màu thanh vẻ quý

Giờ đây giữa buổi phong trần

...

Chỉ xót cành Nam cành Bắc

Cùng chung một nỗi u hoài

Ai đó trước song mài mực

Gió lay còn tưởng bóng ai

Tuy mất đi nhưng những công lao của Cư sĩ trong việc hoằng dương chánh pháp đem niềm tin Đạo Phật đến với mọi người: “Phật giáo đã có bề dày lịch sử gần hai chục thế kỷ. Trong quá trình đó, Phật giáo Việt Nam đã xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó dân tộc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc, trong tư tưởng, đạo đức, tâm lý, lối sống của nhân dân”14 và “có thể nói hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam là hai ngàn năm Phật giáo nhập thân với dân tộc”15.

KẾT LUẬN

Nói chung, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là người thông hiểu Phật pháp nên với thời gian 69 năm ở cõi đời cư sĩ luôn phụng sự đạo pháp và dân tộc. Về tư tưởng Phật học, Cư sĩ nêu cao tinh thần tự lực “...chúng ta biết rằng để thực hiên hai chữ TỪ BI các hàng Phật tử luôn luôn trông cậy ở sức mình, không có một sựngoại hộ nào cả”16. Cư sĩ cho rằng con người phải có nổ lực thì sự cứu độ mới trở thành hiện thực “Tuyết có sạch, trăng mới in, tâm ta có trong, tâm Phật mới rọi vào được”17. Cư sĩ viết: “Tuy pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh được trình bày như con đường “dễ đi” nhờ có sức cứu độ của Phật, thật ra không phải dễ hoàn toàn đâu mà muốn đi đến đích cũng không phải hoàn toàn ỷ lại vào tha lực mà được đâu. Dễ là đối với con đường của Thiền tông là con đường hành giả phải tự cường  tự lực...”18. Cư sĩ là nhà trí thức thời bấy giờ và chính đạo tâm đã nuôi dưỡng người song hành cùng dân tộc: “Nếu Pht giáo là nguồn nước để giải khát cho hàng trí thức, Phật giáo cũng là giọt sữa để nuôi dưỡng những đạo tâm nồng nhiệt...”19.

Cả cuộc đời Cụ Chánh Trí là một sự cống hiến to lớn cho đạo pháp và dân tộc, nên Cư sĩ Lý Học có câu đối sau:

Đủ tướng trượng phu, đủ tướng phúc đức, đủ tướng từ bi, tướng nào cũng viên mãn;

Hiện thân cư sĩ, hiện thân tể quan, hiện thân trưởng giả,thân nào cũng trang nghiêm”20.

Qua câu đối đã nói lên toàn bộ cuộc đời của Chánh Trí Mai Thọ Truyền:  hiện thân cư sĩ, tể quan, trưởng giả... để hộ pháp, giúp đời luôn được lưu truyền mãi về sau. 

 


1. Nguyễn Tài Thư chủ biên và một số tác giả (1988), Lch sử Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam-Viện Triết học, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 467

2. Nguyên Hậu, Cư sĩ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền: Cuộc đời tận hiến, Gia đình Phật tử Việt Nam – https://gdptvietnam.org  - 18/04/2009, ngày truy cập: 24/12/2018

3. Mai Thọ Truyền – Wikipedia tiếng Việt –  https://vi:vikipedia.org/wiki/Mai_Th%E1%BB%BD_ Truy%1%BB%81n, ngày truy cập: 24/12/2018

4. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2011), Pht giáo Việt Nam (Buddhism in Vietnam – Le Bouddhisme au Vietnam), Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà nội, tr.21

5. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tài liệu chùa Ấn Quang, tr.84

6. Lê Cung (2008), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam 1963, Nxb. Thuận Hóa, Huế.

7. Lê Cung (2008), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam 1963, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2008, tr.10

8. Lê Khôi Việt (1988), Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo, Phật học viện Quốc tế, North Hillls, CA, USA, 1988, tr.76

9. Mai Thọ Truyền – Wikipedia tiếng Việt – https://vi:vikipedia.org/wiki/Mai_Th%E1%BB%BD_ Truy%1%BB%81n, ngày truy cập: 24/12/2018

10. Phạm Hoài Nam (2005), Bồ tát Thích Quảng Đức ngọn đuốc xả thân vì Đạo Pháp và Tổ quốc, Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 30-5-2005

11. Nguyên Hậu, Cư sĩ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền: Cuộc đời tận hiến, Gia đình Phật tử Việt Nam – https://gdptvietnam.org  - 18/04/2009, ngày truy cập: 24/12/2018

12. Trần Văn Giàu (1976), Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến trước Cách mạng tháng Tám, tập II, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.280

13. Nhã An, Sài Gòn: chùa Xá Lợi dựng tượng cư sĩ Mai Thọ Truyền, chùa A Di Đà//27/1/2018 –  chuaadida.com.>chi  tiết: sai-gon-chua-xa-loi-dung-tuong-cu-si-mai-tho-truyen.  –  Email: [email protected]. – ngày truy cập: 27/12/2018

14. Lê Cung (2008), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam 1963, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2008, tr. 10

15. Hà Văn Tấn (1991), “Phật giáo với cách mạng”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1, Phân viện Nghiên cứu Phật học, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 23

16. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2011), Pht giáo Việt Nam (Buddhism in Vietnam – Le Bouddhisme au Vietnam), Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 32

17. Nguyễn Lang (2000), Vit Nam Phật giáo sử luận I-II-III, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 962

18. Nguyễn Lang (2000), Vit Nam Phật giáo sử luận I-II-III, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 963

19. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2011), Pht giáo Việt Nam (Buddhism in Vietnam – Le Bouddhisme au Vietnam), Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.42

20. Nguyễn Lang (2000), Vit Nam Phật giáo sử luận I-II-III, Nxb. Văn học, Hà nội, 2000, tr. 956

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhã An, Sài Gòn: chùa Xá Lợi dựng tượng cư sĩ Mai Thọ Truyền, chùa A Di Đà//27/1/2018 – chuaadida.com.>chi tiết:sai-gon-chua-xa-loi-dung-tuong-cu-si-mai-tho-truyen  Email: [email protected]. – ngày truy cập: 27/12/2018

2. Lê Cung (2008), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam 1963, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2008

3. Tâm Diệu, Vn dụng bài học lịch sử cận đại về hoằng pháp của các cư sĩ tiền bối,tham luận tại cuộc hội thảo chủ đề “Sự đóng góp của người cư sĩ trong công cuộc hoằng pháp tại hải ngoại” do Hội Phật học Đuốc Tuệ tổ chức tại Trung tâm Sangha, Thành phố Huntington Beach, California, Hoa kỳ vào ngày 11/12/2012 – https://www. rongmotamhon.net – ngày truy cập: 27/1/2018

4. Trần Văn Giàu (1976), Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến trướcCách mạng tháng Tám, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.280

5. Nguyên Hậu, Cư sĩ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền: Cuộc đời tận hiến, Gia đình Phật tử Việt Nam – https://gdptvietnam.org  - 18/04/2009, ngày truy cập: 24/12/2018

6. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam hay là“Ghi ơn tiền bối”, tài liệu chùa Ấn Quang.

7. Nguyễn Lang (2000), Vit Nam Phật giáo sử luận I-II-III, Nxb. Văn học, Hà nội, 2008. Nguyễn Tài Thư chủ biên và một số tác giả (1988), Lch sử Phật giáo Việt Nam, Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam- Viện Triết học, Nxb. Khoa học xã hội – 1988.

8. MaiThọTruyền–WikipediatiếngViệt – https://vi:vikipedia.org/wiki/Mai_Th%E1%BB%BD_ Truy%1%BB%81n, ngày truy cập: 24/12/2018.

9. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2011), Pht giáo Việt Nam (Buddhism in Vietnam – LeBouddhisme au Vietnam), Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà nội.

10. Lê Khôi Việt (1988), Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo, Phật học viện Quốc tế, North Hillls, CA, USA, 1988

11. Hà Văn Tấn (1991), Phật giáo với cách mạng, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1, Phân viện Nghiên cứu Phật học, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 23

12. Phạm Hoài Nam (2005), Bồ tát Thích Quảng Đức ngọn đuốc xả thân vì Đạo Pháp và Tổ quốc, Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 30-5-2005

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 46
    • Số lượt truy cập : 6950042