Tin tức

MAI THỌ TRUYỀN, VỊ CƯ SĨ PHẬT HỌC GIÀU LÒNG YÊU NƯỚC

MAI THỌ TRUYỀN, VỊ CƯ SĨ PHẬT HỌC

GIÀU LÒNG YÊU NƯỚC

 

TS. HOÀNG VĂN LỄ

Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam

 

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ, từ những người khởi đầu như sư Lê Khánh Hòa những năm 1920-1930 đến ngày lập Hội Phật học Nam Việt do những nhà Phật học trong đó nòng cốt là cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền sáng lâp năm 1950; là cả quá trình chuyển biến của những người yêu nước thời bấy giờ.

Xả thân vì đạo pháp

Thiền sư Thích Nhất Hạnh biên soạn sách Việt Nam Phật giáo sử luận viết: “Hội Phật Học Nam Việt được thành lập vào năm 1950 tại Sài Gòn do sự vận động của cư sĩ Mai Thọ Truyền. Ban đầu, hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, và sau đó ít lâu, tại chùa Phước Hòa. Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, một cây cột trụ của hội Lưỡng Xuyên Phật Học cũ đảm nhận trách vụ hội trưởng. Ông Mai Thọ Truyền giữ trách vụ tổng thư ký. Các thiền sư Quảng Minh và Nhật Liên đã triệt để ủng hộ cho việc tổ chức hội Phật Học Nam Việt. Thiền sư Quảng Minh được bầu làm hội trưởng của hội bắt đầu từ năm 1952. Năm 1955, sau khi thiền sư Quảng Minh đi Nhật du học, ông Mai Thọ Truyền giữ chức vụ hội trưởng. Chức vụ này ông giữ cho đến năm 1973, khi ông mất. Hội Phật Học Nam Việt được thành lập do nghị định của Thủ Hiến Nam Việt ký ngày 19.9.1950. Bản tuyên cáo của hội có nói đến nguyện vọng thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong nước. Bản tuyên cáo viết: "Đề xướng việc lập hội Phật học này. Chúng tôi còn có cái thâm ý đi đến chỗ Bắc Trung Nam sẽ bắt tay trên nguyên tắc cũng như trong hành động. Sự thống nhất này đã trở nên cần thiết kể từ ngày mồng 8 tháng Sáu dương lịch năm nay, là ngày Việt Nam được chính thức làm hội viên hội Phật giáo quốc tế...".

Chùa Xá Lợi trụ sở thứ ba và vĩnh viễn của hội Phật Học Nam Việt được khởi công xây dựng năm 1956 tại số 89 đường Bà Huyện Thanh Quang, Sài Gòn, và được hoàn thành hai năm sau đó. Chùa được kiến trúc một cách mới mẻ, có tháp chuông, chính điện, giảng đường, thư viện và tăng xá. Năm 1963, chùa Xá Lợi biến thành căn cứ trung ương cho cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm, và trở thành một ngôi chùa lịch sử.

Chánh Trí Mai Thọ Truyền là một trong những khuôn mặt Phật tử cư sĩ lớn của thời đại. Ông sinh năm 1905 tại làng Long Mỹ tỉnh Bến Tre, và đã học tại các trường trung học Mỹ Tho và Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Ông thi đậu tri huyện năm 1931 và đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Năm 1945, sau Cách Mạng Tháng Tám, ông đã làm chủ tịch Ủy Ban Quận Bộ Châu Thành Long Xuyên rồi trưởng phòng hành chính Ủy Ban Hành Chính Tỉnh Bộ Long Xuyên.

Ông về Sài Gòn năm 1947 và lần lượt giữ những chức vụ tương đối quan trọng trong Chính quyền Sài Gòn. Chức vụ Quốc Vụ Khanh Đặc trách Văn hóa là chức vụ cuối cùng cho đến khi ông mất (1973).

Hội Phật Học Nam Việt đã thành lập được tới 40 tỉnh hội và chi hội khắp miền Nam. Tạp chí Từ Quang của hội mà ông trực tiếp trong nom từ 1951 đã ra được 242 số cho đến ngày ông mất. ...

Năm 1963 ông giữ trách vụ tổng thư ký của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm. Trách vụ này đã được ông thi hành một cách xuất sắc. Năm 1964 ông được bầu làm phó viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nhưng vì bất đồng ý kiến về hệ thống tổ chức của Giáo Hội, chỉ sau đó một tháng, ông rút lui về cương vị Hội trưởng hội Phật Học Nam Việt.

... tạp chí Từ Quang đã là một đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Tạp chí này đã được chư tăng ở Phật học đường Nam Việt nâng đỡ và đóng góp khá nhiều về phương diện biên tập, nhất là trong những năm đầu”.

Phần tóm lược sự nghiệp nghiên cứu Phật học và các hoạt động Phật sự, nhất là trong đấu tranh chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm với nhiệm vụ Tng Thư ký của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo biểu thị cái dũng khí của người cư sĩ xả thân vì đạo pháp và vì miền Nam bấy giờ.

Cu danh, cầu lợi gì trong chế độ kiêu binh?

Cụ Mai Thọ Truyền mất ngày 17 tháng 4 năm 1973, sau ngày ký Hiệp định Paris ngày 27 tháng 01 năm 1973, có lẽ là người cao tuổi trải qua nhiều ghềnh thác của cuộc đời như Cụ, chắc có nhiều nỗi suy tư đúng sai, phải trái, cũng có thể nhìn ra một hướng đi nào đó cho mọi người và nhất là cho chính mình.

Chúng tôi chưa thấy tài liệu công bố nào nói về chính kiến của Cụ, song những lần bày tỏ “lâp trường” của Cụ trước thực thể độc tài, bất bình đẳng tôn giáo của Chính quyền Diệm, Cụ đã dũng cảm đứng lên đấu tranh và biểu tỏ thái độ rất rõ ràng như lăn người trước lễ rước phần nhục thân của Hoà thượng Thích Quảng Đức sau tự thiêu được đưa về chùa Xá Lợi an táng. Nhưng sau đó nhục thân của ngài Quảng Đức được tiếp tục hoả táng, xá lợi ngài Quảng Đức là "trái tim bất diệt". Ngày 1-11-1963 sau đó, chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bị lật đổ.

Một người trí thức am tường Phật pháp, quyết giữ giới trong đó ăn chay trường cho đến lúc mất bất chấp các trở ngại trong sinh hoạt sôi nổi của mình. Ngài am tường và vận dụng, truyền đạt sự hiểu biết của mình qua thuyết giảng, qua hàng trăm bài viết trong tạp chí Từ Quang xuyên suốt 242 số tạp chí từ năm 1951 đến năm 1974, cho thấy tâm nguyện không chỉ với việc chấn hưng Phật giáo mà còn góp phần cải biến đời sông văn hóa của Phật tử nới riêng và dân tộc nói chung. Hành động vì dân tộc đó là biểu thị sinh động lòng yêu nước từ chiêm nghiệm văn hóa dân tộc. Trong chế độ quân sự hóa tuyệt đối và kiêu binh như Sài Gòn, những năm 1963-1975, đặt mình trong vị trí kẻ sĩ thời đại là chọn lựa đúng và hiệu quả. Vì vậy, tên tuổi Chánh Trí - Mai Thọ Truyền luôn sáng ngời trong lòng người dân và Phật tử, không chỉ ở Sài Gòn, mà mở rộng toàn miền Nam.

"Đến năm 1968 ông giữ chức Quốc vụ khanh kiêm Viện trưởng Giám sát viện, rồi Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa cho đến mất. Với trách vụ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, ông đã xây dựng Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố), xúc tiến việc thành lập Văn khố quốc gia và Nhà văn hóa, thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Điển chế văn tự, lập Ủy ban dịch thuật và xuất bản các sách Hán Nôm quý hiếm, thành lập Chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế"1

Với công trình văn hóa tầm cỡ cả nước là "Thư viện quốc gia"2, số 69 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận I, TPHCM, chúng ta biết, Cụ hết lòng từ chủ trương đến thiết kê và thi công, sau 3 năm lăng lộn với công trình, Thư viện được khánh thành, niềm tự hào của Sai Gòn nói riêng và miền Nam nói chung. Nay tên chính thức là "THƯ VIỆN KHOA HỌC TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH".

Các việc hành xử trong hoạt động văn hóa có ý nghĩa trọng đại về việc cải biến lối sống của dân thị thành đang bị Mỹ hóa từ những năm 1965 (Mỹ đổ quân vào Việt Nam), ý nghĩa chính trị và văn hóa hết sức to lớn, chúng tôi nghĩ rằng đó chính là sự chọn lựa bảo tồn các giá trị văn hóa Việt Nam, là lòng yêu nước chính đáng vậy.

Tóm lại, trước một vị am tường Phật học, luôn hết lòng vì công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Cụ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền rất xứng đáng được Giáo hội nói chung, Phật tử chùa Xá Lợi nói riêng tôn vinh. Đây không chỉ là nhà văn hóa Phật giáo mà là nhà văn hóa trong thời đại nhiễu nhương của Sài Gòn dưới thực thể chính quyền thân Mỹ, do Mỹ chi phối gần như toàn diện. Chọn chỗ đứng và cống hiến tài năng xứng đáng như Cụ là tấm gương của người trí thức thời đại.

 


1. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Mai_Th%E1%BB%8D_Truy%E1%BB%81n

2. Khám lớn Sài Gòn được khởi công xây dựng thành Thư viện Quốc Gia dựa vào đồ án thiết kế của hai kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện với sự cộng tác của cố vấn kỹ thuật

– Kiến trúc sư Lê Văn Lắm. Thủ tướng Trần Văn Hương đã đặt viên đá đầu tiên để khởi công và công trình hoàn thành vào cuối năm 1971. Ngày 23-12-1971, Thư viện Quốc Gia được khánh thành và đi vào hoạt động tháng 2-1972.

Kinh phí xây dựng lên đến 177 triệu đồng, nhà thầu xây cất phải dùng tới 100.000 công thợ, 500 tấn sắt và 27.000 bao xi măng ròng rã 3 năm công việc xây cất mới hoàn thành với diện tích 7070 m2 bao gồm hai khối:

- Khối thứ nhất là một dãy nhà dài 71 m, ngang 23 m gồm một tầng hầm, một tầng trệt và hai lầu, một sân thượng ở lầu hai.

- Khối thứ hai nằm ở trung tâm, hình vuông và vươn lên cao như một ngọn tháp với 14 tầng, cao 43m, chứa tài liệu.

Đây là thư viện lớn nhất Việt Nam vào thời bấy giờ, có kiến trúc hiện đại kết hợp với tính dân tộc. Lúc này thư viện có 53 nhân viên phục vụ với khoảng 100.000 bản tài liệu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Các bài viết trên ấn phẩm Từ Quang, từ số 1 đến số 24, do Thượng tọa Thích Đồng Bổn chủ biên, nhiều tác giả tham gia.

2- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Mai_Th%E1%BB%8D_ Truy%E1%BB%81n

3- Thích Nhất Hạnh, Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905 - 1973), https://thuvienhoasen. org/a13370/cu-si-chanh-tri-mai-tho-truyen-1905-1973-thich-nhat-hanh

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 47
    • Số lượt truy cập : 6950077