Tin tức

NGỌN ĐUỐC “CHÁNH TRÍ” SOI ĐƯỜNG CHO HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT

NGỌN ĐUỐC “CHÁNH TRÍ” SOI ĐƯỜNG

CHO HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT

 

THÍCH NỮ VIÊN GIÁC

 

Chánh Trí Mai Thọ Truyền – một nhân vật đặc biệt, một ngọn đuốc soi đường cho Hội Phật học Nam Việt trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình trung lưu trên mảnh đất Đồng Khởi Bến Tre, nơi được vinh danh bao thế hệ anh hùng yêu nước.

Ông là một nhân sĩ trí thức, học cao hiểu rộng, nhân hậu, trung trực, liêm khiết, tài đức đã kinh qua nhiều chức vụ trong chính quyền thời đó, từ chức Thư ký hành chánh, Tri huyện, Quận trưởng, Phó Tỉnh trưởng, cho đến Chánh Văn phòng phủ Thủ tướng, Chánh Văn phòng Bộ Kinh tế, Giám đốc hành chánh sự vụ Bộ Ngoại giao...

Khi có chức quyền trong tay, điều đầu tiên nghĩ đến là dốc lòng, hết sức phục vụ cho dân, lợi lạc cho đất nước. Có những năm, vì không thể can thiệp để ngăn chặn sự đàn áp của chính quyền Pháp lên người dân, ông đã xin từ chức, không được chấp thuận, ông đành “lực bất tòng tâm”, ngậm ngùi cáo bệnh ẩn mình nhìn thế sự trôi qua chờ đợi cơ hội để có thể giúp ích cho dân.

Đến “Năm 1968, khi giữ chức Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa ông đã cho xây dựng Thư viện Quốc gia ngay trên mảnh đất thực dân Pháp đã dùng xây khám lớn Sài Gòn gieo biết bao tội ác nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố, xúc tiến việc thành lập Văn khố quốc gia và Nhà văn hóa, thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Điển chế văn tự, lập Ủy ban dịch thuật và xuất bản các sách Hán Nôm quý hiếm, thành lập Chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế.” [6, 13-14].

Là một nhà Nho uyên thâm được bao bọc bởi thành trì tư tưởng “Tam cương, ngũ thường” vững chắc, ông nhìn Phật giáo như một đạo yếm thế, xa lánh cuộc đời, làm cho con người không màng thực tại, chỉ muốn an nhàn nơi những cõi tịch du. Thời điểm đó, “đặc biệt là mạch sống của Phật giáo, nhiều dấu hiệu suy vong đang lấn bước – một đạo Phật thực tiễn, linh động với mục đích giác ngộ và giải thoát con người, bỗng dưng trở thành thứ tôn giáo tiêu cực, thất học, chán đời, mê tín.” [3, 533]. Giai đoạn này, nhiều chùa chiền hoang sơ, sư sãi thất học, có chăng chỉ là những ông từ thắp hương, cúng bái theo truyền thống.

Vì thế, ông không có thiện cảm với Phật giáo trong giai đoạn này là điều hiển nhiên, thế nhưng duyên lành đã đến khi “tình cờ tôi mới được biết có một đạo Phật khác hơn cái đạo Phật tôi đã chán thấy ở gần khắp các chùa của thời ấy” [8, 102]. Ông đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi khám phá được quá nhiều điều tuyệt vời ẩn tàng trong các pho Kinh sách mà ông được tiếp cận: “Khai tâm cho tôi là tập Phật học dị giải, quyển sách con của Cổ Phong Trăn. Tôi đi từ kinh ngạc này sang kinh ngạc khác, để sau khi đọc đi đọc lại ba lần, chấm dứt với câu sám hối: “Phật giáo là thế này sao? Quả là mình đã đắc tội với Phật!” [8, 102], nhưng khi nhìn lại hiện thực, ông lại buồn cho Phật pháp, vì thấy Tăng đoàn lỏng lẻo, tín đồ lầm đường, tương lai Phật giáo đang đứng trước bờ vực diệt vong; tâm dõng mãnh khởi phát, ông quyết tâm tận hiến đời mình để hưng long Phật pháp.

Bước chân vào cửa Phật, ông tinh tấn học hỏi, chuyên tâm nghiên cứu về đạo, phát tâm thọ trì Tam quy Ngũ giới với Hòa thượng Hành Trụ, được Hòa thượng đặt pháp danh là Chánh Trí. Từ đây, Phật tử Chánh Trí ý thức được muốn khuyến hóa người khác thì tự mình phải thực hành nghiêm túc, nên điều đầu tiên, ông đã phát tâm ăn chay trường. Ba tháng khởi đầu đầy gian nan, cuối cùng, ông đã vượt qua và đã chia sẻ về hành trình này rất mộc mạc, chân tình, cảm động và thú vị: “Tôi đã chiến thắng nội chướng ngoại ma rồi! không, tôi đã tự thắng lấy tôi, tôi đã kềm hãm được tôi. Từ trước tôi đã từng đọc những danh từ Đại hùng, Đại lực, nay tôi mới thật biết thế nào là Đại lực, Đại hùng. Về sau, tôi nhận ra đó là cây tích trượng ‘chấn khai địa ngục chi môn’ của Bồ tát Địa Tạng, của Tâm tôi.”[8, 105].

Từ đó, ông nhận định, đạo pháp hưng thịnh cần phải chấn chỉnh từng cá nhân, muốn cá nhân được tác động không thể đi vận động từng người, mà phải có tổ chức đại diện làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động…tạo nòng cốt vững chắc để lan tỏa chánh pháp khắp nơi. Đây cũng là ước nguyện của các bậc cao Tăng cả ba miền, miền Nam: Hòa thượng Từ Phong, Hòa thượng Khánh Hòa, Chí Thành, Huệ Quang, Khánh Anh…; miền Trung có Hòa thượng Tuệ Pháp, Thanh Thái, Phước Huệ…; miền Bắc có Hòa thượng Thanh Hanh, Đỗ Văn Hỷ…

Với sự hỗ trợ của các bậc tôn túc danh Tăng: Hòa thượng Quảng Minh, Hòa thượng Quảng Liên, Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Huyền Dung và một số Phật tử có kiến thức Phật học, Hội Phật học Nam Việt được thành lập. Ông là người có công trong việc khởi xướng, nhiệm kỳ đầu do Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe làm Hội trưởng.

Hội thành lập ngày 25/02/1951 tại Chùa Khánh Hưng, Sài Gòn, sau dời về Chùa Phước Hòa, Bàn Cờ. Thấy được sự cần thiết cho Hội có một trụ sở cố định để hoạt động đúng mục đích “tu học và thực hành” theo lời đức Phật dạy, Hội quyết định phát khởi xây dựng Chùa Xá Lợi – nơi là nguồn mạch chính yếu của Hội Phật học Nam Việt và các sự kiện trọng đại của Phật giáo trong giai đoạn chấn hưng.

Thành lập Hội đã khó, vận động xây dựng trụ sở hoạt động càng khó hơn, không ngại gian nguy thời cuộc, bằng niềm tin vào chánh pháp, ông tiếp tục xin được giấy lạc quyên của chính quyền: “Theo Nghị định số 216-HCSV/P2 ngày 19-1-1956 của Chính phủ tại Nam Việt, Hội Phật học Nam Việt được phép lạc quyên khắp 21 tỉnh có Tỉnh hội và Chi hội thuộc hệ thống tổ chức của Hội Phật học Nam Việt, lấy tiền xây chùa” [4].

Đây không phải là việc đơn giản, phải là người có đủ tri thức, địa vị, uy tín và đặc biệt là tầm ảnh hưởng đến số đông quần chúng mới có thể tạo được nên điều kỳ tích này và ông đã làm được việc ấy.

Chùa khởi công xây dựng vào ngày 5 tháng 8 năm 1956, hoàn thành ngày 2 tháng 5 năm 1958. Ngôi chùa với phong cách kiến trúc cổ kính xen lẫn nét hiện đại, toát lên vẻ trầm hùng thiêng liêng được tiếp nối bao thế hệ danh Tăng nơi đây. “Là trụ sở Trung ương của Hội Phật học Nam Việt, một tổ chức Phật giáo có uy tín hoạt động từ năm 1951 cho đến năm 1981, có tất cả 74 chi hội với gần 25.000 hội viên khắp các địa phương ở miền Đông và Tây Nam bộ” [2].

Hội với phương châm hoạt động “đời đạo viên dung”, không màng việc đời hay đạo, gian nguy cực khổ mong sao dân an nước yên, đạo pháp hưng long là Hội thực hiện. Để thực hiện mục đích “tu học và thực hành” theo lời Phật dạy đạt hiệu quả, Hội thành lập các tiểu ban phụ trách về mảng an sinh xã hội như: tiểu ban từ thiện trợ giúp người người bệnh tật, thai phụ, cô nhi, nghèo khó, hỏa hoạn, lũ lụt…; Tiểu ban học bổng trợ giúp các học sinh con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn; Tiểu ban y tế có một phòng khám và phát thuốc miễn phí cho dân nghèo do bác sĩ hội viên đảm trách; Tiểu ban tương trợ giúp các hội viên khi hữu sự thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân. Các tiểu ban phụ trách về mảng an ninh tinh thần như: Tiểu ban hộ niệm trợ duyên cho gia đình các hội viên có người cần cầu an khi lâm bệnh, cầu siêu khi lâm chung; Tiểu ban Dược Sư mỗi tháng tụng kinh Dược Sư hai lần cầu nguyện âm siêu, dương thới. Tiểu ban hộ pháp, chuyên chăm lo đời sống vật chất cho chư Tăng, để chư Tăng thuận duyên hoằng pháp, lợi sanh.

Nhằm tăng trưởng tri thức đời cũng như đạo và đáp ứng nhu cầu học hỏi nghiên cứu cho mọi người, Hội thành lập Thư viện với hàng ngàn đầu sách gồm nhiều ngôn ngữ, hiện nay Thư viện vẫn hoạt động và đem lại hiệu quả rất lớn cho Tăng Ni và Phật tử về đây nghiên cứu.

Bên cạnh đó, Hội thành lập Gia đình Phật tử để xây dựng đội ngũ kế thừa nhằm giáo dục, truyền bá Phật pháp cho giới trẻ có nếp sống hướng thiện, các em được sinh hoạt thường xuyên định kỳ vào các ngày chủ nhật với chương trình sinh động: Học các lớp giáo lý thích hợp với độ tuổi, tu tập, lễ bái theo các nghi thức ngắn gọn bằng tiếng Việt, sinh hoạt vui chơi với nhiều nhóm trò chơi phong phú, đa dạng, phù hợp với giáo lý, mang ý nghĩa giáo dục cao. Thời điểm này, tại miền Nam đây là mô hình hoằng pháp mới, mặc dù miền Trung với sự ra đời của “Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục, Gia đình Phật Hóa Phổ” do Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập về sau là Gia đình Phật tử đã hoạt động trước đó vài năm. Với mô hình hoằng pháp năng động theo thời đại, không chỉ là sự hỗ trợ tích cực cho xã hội mà còn phát huy được lợi thế hoằng pháp quy nạp giới trẻ về với đạo đức Phật giáo.

Để phổ cập Phật pháp rộng khắp, Hội tổ chức nhiều buổi thuyết giảng giáo lý các ngày chủ nhật cho cộng đồng Phật tử, giới trí thức thì có những buổi “Luận đạo, học các bộ Kinh Đại thừa” để trau dồi nâng cao kiến thức Phật học và thực hành lý đạo vào đời sống thực tại.

Đặc biệt, “để truyền bá giáo lý Phật đà và chuyển tải thông tin hoạt động Phật sự của Hội Phật học Nam Việt, đạo hữu đã chủ trương thành lập tạp chí Từ Quang do đạo hữu làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Số báo đầu tiên phát hành vào năm 1951, đến ngày đạo hữu mất, đã ra được 242 số, đến cuối năm 1974 thì tạp chí Từ Quang đình bản. Tờ Từ Quang hoạt động 23 năm là một tờ báo Phật giáo có nhiều độc giả và có tuổi thọ lâu nhất. Tạp chí Từ Quang là một đóng góp không nhỏ của đạo hữu Chánh Trí trong việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Đích thân đạo hữu viết thường xuyên trên tạp chí này, phê bình thẳng thắn những tệ xấu trong Phật tử như tục đốt vàng mã, mê tín dị đoan”…[5].

Đến năm 2012, Thượng tọa Thích Đồng Bổn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Chùa Xá Lợi, đã xin giấy phép phục hoạt lại tên “Từ Quang” – Tạp chí Từ Quang năm xưa do cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Hiện nay, Thượng tọa là chủ biên quyển “Phật học Từ Quang”. Đây là quyển Phật học được chư Tôn đức, giới học giả đánh giá rất cao, hình thức thu hút, nội dung phong phú, sâu sắc, bài viết đa dạng, được đan xen một số bài cũ đã đăng trên “Tạp chí Từ Quang”, đến tháng 01 năm 2019, Phật học Từ Quang đã xuất bản được tập 27, trung bình mỗi tập gần 200 trang.

Bên cạnh đó, để duy trì các hoạt động Phật sự, Chùa Xá Lợi vẫn đang tồn tại một số ban như: Ban Phật học Xá Lợi gồm Tòa soạn Phật học Từ Quang, Thư viện Xá Lợi, Câu lạc bộ Võ thuật – khí công; Ban Đạo tràng gồm Đạo tràng Dược Sư, Đạo tràng Tịnh Độ, Đạo tràng Đại Bi; Ban Hộ Niệm; Ban Công Đức gồm Tổ tài chánh và quỹ Ấn tống Hoa sen (Quỹ này chuyên ấn tống Phật học Từ Quang, nhiều loại Kinh, Sách có giá trị tu học, nghiên cứu…); Ban Công quả; Ban Gia đình Phật Tử. Vào các ngày Rằm, Lễ lớn như: Rằm tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy, tháng Mười và các Lễ hội khác… chùa tổ chức “Triển lãm Di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam” để giới thiệu cho cộng đồng biết thêm những giá trị về Kinh, sách, tượng và các di vật đáng quý trong Phật giáo. Hiện nay, “Chùa Xá Lợi là một danh lam ở Thành phố Hồ Chí Minh, có kiến trúc hiện đại mà vẫn mang sắc thái văn hóa dân tộc, đây là một kiến trúc mang nét đặc thù của đất Sài Gòn, và là một điểm thắng tích mang dấu ấn của cuộc đấu tranh lịch sử của Phật giáo đồ chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp tôn giáo. Hơn thế nữa, nơi đây là địa điểm hình thành nên những cột mốc lịch sử của tiến trình thống nhất Phật giáo Việt Nam, từ khi ngôi chùa mới được thành lập cho đến sau ngày Phật giáo được thực sự thống nhất toàn diện” [2].

Để làm tỏa rạng ngọn đuốc “Chánh Trí” tại giảng đường mang tên ông, các lớp học giáo lý, học chuyên sâu về Phật học, Tịnh Độ, Thiền, Mật Tông,… luôn được thuyết giảng theo lịch ấn định của chùa. Bên cạnh đó, có các lớp học được liên kết giữa Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam với các Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh mở Lớp Ngữ Văn, đã tốt nghiệp khóa I, II và khóa thứ III đang học; Trường Đại học Đông Đô Hà Nội, với 2 lớp Ngôn ngữ Anh hệ văn bằng 2 và hệ chính quy 4 năm đang được học tại chùa. Đây là những lớp học đầu tiên đào tạo cho Tăng Ni trẻ về thế học cấp Đại học tại môi trường Tự viện. Mặc dù còn nhiều khó khan, nhưng đây cũng là một tín hiệu hoan hỷ cho Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại.

 Có thể nói, Chánh Trí Mai Thọ Truyền - ngọn đuốc soi đường cho giới Phật tử miền Nam nói chung, cho Hội Phật học Nam Việt nói riêng một lối đi chân chánh với bằng tất cả tấm lòng của một người huynh trưởng: “Ai đời người khôn lại đi bắt lỗi kẻ dại, người sáng đi trách người mù? Không la không trách mà còn thương, thương như những khách đã qua sông, nhìn lại mà chạnh lòng cho những ai đang run rẩy, chình chòng trên chiếc cầu lắc lư thế sự. Hình bóng của người ấy là hình bóng trước kia của mình chứ ai! Vì nghĩ thấy như thế cho nên phải Xả, phải bỏ, không bắt nhặt bắt khoan, không nói phải nói trái, mà còn thương xót cho ai chậm bước lần dò trên đường về nẻo Giác.” [7, 186-187]. Cả đời ông luôn tự nhủ “cần phải luôn luôn sống vì Đạo, trong Đạo, không lúc nào rời” [8, 108]. Sự tận tụy phụng sự đạo pháp và dân tộc của ông sẽ là ngọn đuốc sáng cho thế hệ hậu lai soi đường.

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tỳ kheo Thích Đồng Bổn (1999), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam Thế kỷ XX, Thành hội Phật giáo Việt Nam.

2. Thích Đồng Bổn (2001), Lịch sử Chùa Xá Lợi - Văn hóa và truyền thống, http://www.chuaxaloi.vn/thong-tin/chua-xa-loi-dia-chi-van-hoa-va-lich-su/300.html.

3. TS. Nguyễn Quốc Tuấn, TT.TS Thích Đồng Bổn (chủ biên, 2018), “Hòa Thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo”, Nxb. Hồng Đức.

4. Tống Hộ Cầm (2002), “Hội Phật học Nam Việt và Chùa Xá Lợi”, 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh, Kỷ yếu khoa học, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh. https:// quangduc.com/a11361/hoi-phat-hoc-nam-viet-va-chua-xa-loi

5. Tống Hồ Cầm, “Đạo hữu Chánh Trí và Hội Phật học Nam Việt”, kỷ niệm 112 năm ngày sinh (01/04/1905 – 01/04/2017), http://chuaxaloi.vn/thong-tin/dao-huu-chanh-tri-va- hoi-phat-hoc-nam-viet/1379.html

6. Chánh Trí Mai Thọ Truyền, TK. Thích Đồng Bổn (biên soạn, 2011), “Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905-1973), Trình tự của Cư sĩ học Phật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.

7. Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Ban Phật Học Xá Lợi (biên soạn, 2012), “Tấm gương dung hòa của Đức Phật”, Một đời sống vị tha, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.

8. Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Ban Phật Học Xá Lợi (biên soạn, 2012), “Đạo Phật như một kinh nghiệm sống”, Đời đời sống vị tha, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.

9. Dương Kinh Thành, Đạo Dụ số 10, http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/lich-su/13175-dao-du-so-10.html

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 45
    • Số lượt truy cập : 6950070