Tin tức

NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CHO LÃNH VỰC GIẢNG LUẬN KINH

NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CHO LÃNH VỰC GIẢNG LUẬN KINH

TRONG VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM THẾ KỶ 20

 

ĐÀO NGUYÊN

 

Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905-1973) với hai tác phẩm luận biện về kinh Phật rất đáng chú ý đã được xuất bản là Pháp Hoa Huyền Nghĩa

(1964) và Địa Tạng Mật Nghĩa (1965) nên được các nhà nghiên cứu Phật học ở Việt Nam thuộc lớp sau xưng tặng là Người mở đường cho lãnh vực Giảng Luận Kinh trong Văn học Phật giáo Việt Nam thế kỷ 201.

I. Về tác phẩm Pháp Hoa Huyền Nghĩa: Nơi phần này, chúng tôi lần lượt bàn đến 4 chi tiết: * Kinh Pháp Hoa đã được Hán dịch và Sớ giải (ở Trung Quốc).

* Kinh Pháp Hoa đã được truyền sang Việt Nam, đã được khảo cứu, giảng luận, dịch ra thơ Nôm v.v… * Kinh Pháp Hoa đã được giới nghiên cứu Phật học ở Việt Nam nơi hậu bán thế kỷ 20 chú ý tìm hiểu, biện giảng, nhất là sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập (31-1-1964). * Và giới thiệu tóm lược về nội dung của sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa.

1. Kinh Pháp Hoa đã được Hán dịch và Sớ giải: Kinh Pháp Hoa nói đủ là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Phạn: Saddharma – Pundarika – Sùtra) là một bộ kinh của Phật giáo Bắc truyền, tuy xét về số lượng trang chỉ thuộc loại vừa (Bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập gồm hơn 60 trang Hán tạng), nhưng đấy là một bộ kinh rất nổi tiếng đã được truyền vào Trung Hoa khá sớm (thế kỷ 3). Theo Phật Quang Đại Từ Điển (trang 2848) thì Kinh Pháp Hoa trước sau có đến 6 bản Hán dịch, hiện chỉ còn 3 bản, đều được bảo lưu nơi Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu (ĐTK/ĐCTT). Đó là:

* Kinh Chánh Pháp Hoa: Do Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304) Hán dịch vào đời Tây Tấn (265-317). Thời điểm dịch xuất là năm 286 TL (ĐTK/ĐCTT. Tập 9. N0 263. 10 quyển).

* Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: Do Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) Hán dịch vào đời Diêu Tần (384-417). Thời điểm dịch xuất là năm 406 TL. (ĐTK/ĐCTT. Tập 9. N0 262. 7 quyển).

* Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa: Do hai Đại sư Xà Na Quật Đa (523- 600) và Đạt Ma Cấp Đa (?-619) Hán dịch vào đời Tùy (580-618). Thời điểm dịch xuất là năm 601 TL. (ĐTK/ĐCTT. Tập 9. N0 264. 7 quyển).

Tuy chỉ là một bộ kinh thuộc loại vừa, nhưng vì nội dung của kinh hàm chứa một số vấn đề rất lớn, rất quan trọng (ví như vấn đề Hợp Tam Quy Nhất), nên Kinh Pháp Hoa đã được nhiều nhà Phật học nổi tiếng của Phật giáo Trung Hoa ngày trước nghiên cứu luận giảng (Sớ giải). Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu (ĐTK/ĐCTT) đã dành gần 2 tập (tập 33 và tập 34) để giới thiệu hơn 10 bản Sớ giải về Kinh Pháp Hoa rất có giá trị của các nhà Phật học Trung Quốc thời trước như sau:

* Pháp Hoa Kinh Nghĩa Ký: 8 quyển, của Đại sư Pháp Vân (467-529): ĐTK/ ĐCTT. Tập 33. N0 1715.

* Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa: 20 quyển, của Đại sư Trí Khải (538- 597): ĐTK/ĐCTT. Tập 33. N0 1716.

* Pháp Hoa Huyền Nghĩa Thích Thiêm: 20 quyển, của Đại sư Trạm Nhiên (711-782): ĐTK/ĐCTT. Tập 33. N0 1717.

* Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú: 20 quyển, của Đại sư Trí Khải (538-597): ĐTK/ĐCTT. Tập 33. N0 1718.

* Pháp Hoa Văn Cú Ký: 30 quyển, của Đại sư Trạm Nhiên (711-782): ĐTK/ ĐCTT. Tập 34. N0 1719.

* Pháp Hoa Huyền Luận: 10 quyển, của Đại sư Cát Tạng (549-623): ĐTK/ ĐCTT. Tập 34. N0 1720.

* Pháp Hoa Nghĩa Sớ: 12 quyển, của Đại sư Cát Tạng (549-623): ĐTK/ĐCTT. Tập 34. N0 1721.

* Pháp Hoa Du Ý: 1 quyển, của Đại sư Cát Tạng (549-623): ĐTK/ĐCTT. Tập 34. N0 1722.

* Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Tán: 20 quyển, của Đại sư Khuy Cơ (632-682): ĐTK/ĐCTT. Tập 34. N0 1723.

* Pháp Hoa Huyền Tán Nghĩa Quyết: 1 quyển, của Đại sư Tuệ Chiểu (651-714): ĐTK/ĐCTT. Tập 34. N0 1724.

* Pháp Hoa Tông Yếu: 1 quyển, của Đại sư Nguyên Hiểu (Tân La. 617-?): ĐTK/ĐCTT. Tập 34. N0 17252.

Toàn bộ các Sớ giải nêu trên đều Sớ giải theo bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập (N0 262), trong ấy đáng chú ý nhất là 2 bộ Sớ giải của Đại sư Trí Khải (N0 1716, N0 1718). Hai tác phẩm Sớ giải ấy cùng với tác phẩm Ma Ha Chỉ Quán: 20 quyển, cũng của Đại sư Trí Khải: ĐTK/ĐCTT. Tập 46. N0 1911 được gọi chung là Pháp Hoa Tam Đại Bộ và là tác phẩm nền tảng của Tông Thiên Thai (Tông Pháp Hoa)3.

2. Kinh Pháp Hoa đã được truyền sang Việt Nam…: Kinh Pháp Hoa qua bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập chắc chắn là đã được truyền sang Việt Nam khá sớm, tuy không có tài liệu lịch sử nào nói rõ về sự việc này. Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Thượng tọa Mật Thể (1912-1961) nơi Chương ba: Phật giáo đời nhà Đinh (968-980) và đời Tiền Lê (980-1009) đã viết: “Niên hiệu Ứng Thiên thứ 14 (1008) sau khi nước ta đã hòa với nhà Tống rồi, vua Lê Đại Hành sắc ông Minh Xưởng và ông Hoàng Thành Nhã sang sứ nước Tàu cống hiến đồ thổ sản và xin vua Tống ban cho Bộ Cửu Kinh Đại Tạng Kinh… đó là lần đầu tiên nước ta cho người sang bên Tàu cầu kinh vậy” (Nxb Minh Đức, S, 1960, trang 109)4. Như thế thì Kinh Pháp Hoa chắc chắn là đã có mặt trong Đại Tạng Kinh đã được vua nhà Tống ban cho Đại Việt vào năm 1008.

Tất nhiên là Kinh Pháp Hoa cũng như một số bộ kinh khác của Phật giáo Bắc truyền như Kinh Kim Cương, Kinh Viên Giác, Tâm Kinh Bát Nhã, v.v… đều đã được giới nghiên cứu Phật học ở Việt Nam thời bấy giờ (thuộc Văn học chữ Hán, Văn học chữ Nôm) tìm hiểu, đọc tụng, khảo cứu, giảng luận, v.v…

Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2 của học giả Nguyễn Lang đã cho biết: “Kinh Pháp Hoa đã được Thiền sư Hương Hải (1628-1715) một gương mặt Phật học tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 17, 18, luận giải (tác phẩm Giải Pháp Hoa Kinh. Xem: VNPGSL 2. Bản in 1992, tr 158), và nhất là tác phẩm Pháp Hoa Đề Cương của Thiền sư Thanh Đàm (thế kỷ 19) cũng là một gương mặt thiền sư rất đáng chú ý của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 19. Và tác giả sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2 đã dành gần 8 trang sách để giới thiệu và trích dẫn một số đoạn nơi sách Pháp Hoa Đề Cương ấy (Xem: VNPGSL 2, Sđd. Tr 309-316). Ngoài ra cũng nên kể đến tác phẩm Pháp Hoa Quốc Ngữ Kinh của Thiền sư Pháp Liên (1800-1860), là bản dịch Kinh Pháp Hoa từ chữ Hán (Bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập) sang thơ Nôm gồm đến 3214 câu thơ Nôm Lục bát (có xen 350 câu thơ Song thất lục bát) đã được học giả Lê Mạnh Thát phiên âm, giới thiệu (Xem: Pháp Hoa Quốc Ngữ Kinh của Thiền sư Pháp Liên. Lê Mạnh Thát phiên âm giới thiệu. Bản in 1997). Chứng tỏ những nỗ lực rất đáng kể của một số Thiền sư Việt Nam trong mối tương quan gắn bó với sự phát triển của Văn học chữ Nôm.

3. Kinh Pháp Hoa ở Việt Nam vào thế kỷ 20…: Nối tiếp công việc dịch thuật Kinh Luật Luận từ chữ Hán sang chữ Việt (chữ Quốc ngữ) đã được phát khởi cùng với Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam (1929-1945), Kinh Pháp Hoa cũng đã được Việt dịch. Theo như Lời Nói Đầu của sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa thì 2 bản Việt dịch Kinh Pháp Hoa thuộc loại sớm nhất đã được xuất bản vào năm 1936 và năm 1948. Đó là bản Việt dịch Kinh Pháp Hoa của Cư sĩ Đoàn Trung Còn (1908-1988) xuất bản lần đầu năm 1936, dịch theo bản Pháp dịch của Eugène Burnouf cùng bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413), và bản Việt dịch Kinh Pháp Hoa của Hòa thượng Trí Tịnh (1917-2014) xuất bản lần đầu năm 1948, dịch theo bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập. (Xem: Lời Nói Đầu nơi sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa của Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Nhà xb Tôn Giáo. 2006. Trang 8).

Hai bản Việt dịch Kinh Pháp Hoa như đã nêu, nhất là bản Việt dịch của HT Trí Tịnh đã được tái bản nhiều lần. Tiếp theo, lại có thêm nhiều bản Việt dịch Kinh Pháp Hoa, hầu hết đều do chư vị Tôn Đức thực hiện, lần lượt được xuất bản. Sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập (30-1-1964), sinh hoạt nghiên cứu Phật học, Việt dịch kinh luận, giảng luận kinh điển v.v… của Phật giáo Việt Nam (ở miền Nam Việt Nam) có sự khởi sắc lớn, đáng chú ý hơn cả là sự góp mặt của 2 tác phẩm thuộc loại giảng luận về kinh, đều của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905-1973): Tác phẩm Pháp Hoa Huyền Nghĩa, xb năm 1964 và tác phẩm Địa Tạng Mật Nghĩa xb năm 19655.

4. Giới thiệu tóm lược về nội dung sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa: Nội dung của sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa, ngoại trừ phần Lời Nói Đầu ở đầu sách có tính dẫn nhập và phần tổng kết Kinh Pháp Hoa ở cuối sách mang tính tóm kết – nhấn mạnh về một số điểm, phần còn lại là Phần Chính có thể xem là gồm 28 chương, tức căn cứ nơi 28 phẩm của Kinh Pháp Hoa theo bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập, tác giả đã lần lượt lược dịch về kinh văn của mỗi phẩm cùng Ghi Nhận về huyền nghĩa. Chúng tôi xin nêu bày rõ hơn như sau:

a. Phần Lời Nói Đầu: Trong phần này, tác giả Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã lần lượt nêu dẫn:

* Một Bản Hán dịch Kinh Pháp Hoa do Pháp sư Cưu Ma La Thập thực hiện (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. 7 quyển. 28 phẩm). Một Bản Pháp dịch Kinh Pháp Hoa do Eugène Burnouf thực hiện (Le Lotus de La Bonne Loi, không phân quyển, 27 phẩm). Hai bản Việt dịch Kinh Pháp Hoa do Cư sĩ Đoàn Trung Còn và HT Trí Tịnh thực hiện, đều theo đúng cách phân quyển và thứ tự 28 phẩm nơi bản Hán dịch kia. Đó là về phần văn tự.

* Nêu một vài nhận xét về 2 bản Hán dịch và Pháp dịch Kinh Pháp Hoa như đã dẫn.

* Nêu dẫn bản đối chiếu về các quyển (Bản Hán dịch: 7 quyển), bản Pháp dịch (không phân quyển) và tên của 28 phẩm (Hán dịch) so với bản Pháp dịch (27 phẩm).

Xin nêu một số tên phẩm để thấy sự cố gắng của người Pháp dịch: Phẩm 1: Phẩm Tự (Hán dịch) -> Le sujet (Đề tài – Pháp dịch).

Phẩm 2: Phương Tiện (Hán dịch) -> Lhabileté des Moyens (Phương Tiện Thiện Xảo – Pháp dịch).

Phẩm 3: Thí Dụ (Hán dịch) -> La parabole (Thí Dụ, Ngụ Ngôn – Pháp dịch).

Phẩm 4: Tín Giải (Hán dịch) -> Les inclinations (Thú Hướng – Khuynh Hướng - Pháp dịch).

Phẩm 5: Dược Thảo Dụ (Hán dịch) -> Les plantes médicinales (Dược Thọ - Pháp dịch).

Phẩm 6: Thọ Ký Đại Đệ Tử (Hán dịch) -> Les prédictions (Những Dự Đoán, Tiên Đoán - Pháp dịch).

Phẩm 7: Hóa Thành Dụ (Hán dịch) -> Lancienne application (Sự Tu Học Theo Lối Trước - Pháp dịch).

Qua bảy tên phẩm như đã nêu trên, chúng ta nhận thấy nơi các phẩm 1, 3, 5, 6 thì tên phẩm theo Hán dịch và Pháp dịch hầu như là tương đương. Phẩm 2 bản Pháp dịch đã nhấn mạnh nên dịch là Phương Tiện Thiện Xảo (Lhabileté des Moyens). Riêng 2 phẩm 4 và 7 thì tên phẩm theo bản Pháp dịch là không khớp với bản Hán dịch:

+ Tên của phẩm 4: Tín Giải (Hán dịch) mà bản Pháp dịch dịch là Thú Hướng, Khuynh Hướng (Les inclinations) thì thật là khó hiểu. Về điểm này, tác giả sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa nơi Chương 4: Nói về phẩm thứ tư: Tín Giải (Les inclinations), phần lược dịch kinh văn có đoạn: “… Chấm dứt câu chuyện thí dụ, chư vị Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên… bạch Phật:… Ông Trưởng giả ví như Đức Như Lai, còn chúng con như gã thất lạc kia… Như Lai không bắt, không cưỡng bách chúng con theo con đường: “Tất cả đều có phần hưởng thọ kho tàng tri kiến của Như Lai” mà tha cho chúng con theo cái khuynh hướng (2) thấp hèn, rồi phương tiện thuận theo chúng con mà dạy bảo…”. (Xem: Pháp Hoa Huyền Nghĩa. Sđd. Tr 35). Rồi sang đến trang 39 ghi chú số (2) như vừa nêu đã được giải thích: “Thú hướng hay khuynh hướng: Inclinations, có lẽ vì điểm này mà ông E. Burnouf đã dịch tên của phẩm này là Les Inclinations”. Giải thích như thế thì cũng chưa rõ.

+ Tên của phẩm 7: Hóa Thành Dụ (Hán dịch) mà bản Pháp dịch dịch là Sự Tu Học Theo Lối Trước (Lancienne Application) thì cũng là khó hiểu. Về điểm này, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã giải thích: “Nhưng vì sao ông E. Burnouf lại dịch (tên phẩm Hóa Thành Dụ) là Lancienne application?”. Sự tu học theo lối trước, lối xưa, tức xưa hơn thời thuyết giảng Kinh Pháp Hoa, thì lấy quả Thanh văn, Duyên giác làm mãn nguyện. Với lối mới theo Kinh Pháp Hoa thì phải lấy việc Thành Phật làm cứu cánh. Tu theo lối trước là “Lancienne application” (Pháp Hoa Huyền Nghĩa. Sđd. Tr 55).

Phần Lời Nói Đầu còn lại, tác giả đã nêu tóm tắt về chủ nhãn (Nội dung) của kinh: Theo kiến giải của Đại sư Hải Ấn, theo quan điểm của Nội Tông Hoa Nghiêm (?) và theo thiển kiến của tác giả. (Xem: Lời Nói Đầu nơi sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa. Sđd. Tr 8-13).

b. Phần Chính của tác phẩm: Tức gồm 28 chương – căn cứ theo 28 phẩm của kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Bản Hán dịch), tác giả lần lượt dẫn biện từng phẩm, mỗi phẩm đều gồm 2 phần: Phần Lược Dịch kinh văn hiện có của phẩm ấy và Phần Ghi Nhận những huyền nghĩa. Chúng tôi xin trích dẫn – giới thiệu 2 phẩm: Phẩm 1: Phẩm Tự và Phẩm 3: Thí Dụ.

* Phẩm 1: Tự (Le sujet).

+ Phần Lược Dịch kinh văn hiện có: Phần này người đọc có thể tham khảo nơi bản Việt dịch Kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Hth Trí Tịnh (1917-2014): Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Phẩm Thứ Nhất: Tựa. Từ câu: Tôi nghe như thế này… cho đến bài kệ của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi với những câu cuối:

Nay Phật phóng ánh sáng

Giúp bày nghĩa thật tướng…

Các người cầu ba Thừa

Nếu có chỗ nghi hối Phật

sẽ dứt trừ cho Khiến hết

không còn dư.

(Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. HT Trí Tịnh Việt dịch.

Nxb Tp HCM. 1998. Tr 18-51).

+ Phần Ghi Nhận Huyền Nghĩa: Trước khi nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa tức là truyền trao giáo pháp tột cùng, cái Chân Lý tuyệt đối. Đức Phật Thích Ca nói kinh Vô Lượng Nghĩa, nhập chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ, rồi lại phóng quang hiện cảnh là ba điều mà xưa nay Phật chưa từng làm trước khi nói các kinh khác. Tuyệt đối là vô cùng, vô cực, vô lượng. Phải hiểu thế nào là vô lượng (Linco- mmensurable) mới hiểu được thâm lý của diệu pháp. Đó là Huyền nghĩa của sự việc Phật nói kinh Vô Lượng Nghĩa. Hiểu được thế nào là vô lượng, nhưng chỉ hiểu sơ qua mà không sống mãi trong cái nghĩa vô lượng, cũng không được. Vì vậy nói kinh rồi, Phật nhập vào “Vô Lượng Nghĩa Xứ” và Định ở đó. Hiểu nghĩa của cái vô lượng, Định được trong cái vô lượng, thì sẽ có một cái thấy lạ lùng thông suốt từ cõi trời Sắc Cứu Cánh cho đến Địa ngục A Tỳ, tức là thông suốt ba cõi: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới, hay nói một cách khác là thấy rõ tất cả vũ trụ luôn có hai mặt hữu hình và vô hình. Thấy được như thế là thấy được cái thực tướng của chân cảnh, là thấy toàn thể pháp giới (Vũ trụ hữu và vô hình) là một, một cái Một chân thật chớ không phải giả dối như cảnh thế gian. Vì là một cho nên cái Một ấy là bình đẳng, nghĩa là luôn luôn như vậy, không dời không đổi, không tăng không giảm (Nhất chân bình đẳng pháp giới: Luniversunréel et identique à soi – même).

Theo cái thấy của chúng sinh thì có hai cảnh giới: Cảnh giới của chúng sinh và cảnh giới của chư Phật và Bồ tát. Nói tóm lại là cảnh giới của thiện và cảnh giới của ác, cảnh giới của triền phược và cảnh giới của giải thoát… Sự thực không phải thế: Không có hai cảnh giới riêng biệt và chúng sinh tuy sống trong “Động loạn, căn trần, thức giới” vẫn cùng với chư Phật Bồ tát ở trong một cái duy nhất đó là “Phổ Quang Minh Trí”…

Thế giới chân thật là thế giới của Thể, căn bản, nguồn cội của vạn vật, là luồng điện duy nhất và vô hình, ứng hiện ra trong nhiều cái hữu hình khác nhau, như đèn sáng, quạt quay, tủ lạnh… Chúng sinh lại “mê lầm” thấy có sự sai khác giữa chúng sinh và Phật, thấy có hạng thấp hạng cao (Dualité) cho nên lúc đầu thuyết giáo, Đức Phật phải nương theo đó mà tạm nói có 3 đường giải thoát: Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Nay phần đông các đệ tử đã tiến được nhiều, sự thật có thể được làm sáng tỏ, Đức Phật mới đem ra nói. Nói mà vẫn còn ngại, cho nên phải trước nói kinh Vô Lượng Nghĩa, để chỉ ra rằng từ trước tới nay Phật mới đề cập đến cái Hữu lượng (Limité) mà chưa nói đến cái Vô lượng (Lillimité. Lincommensurable) tức là Chân Lý Tuyệt Đối. Biết được Chân Lý tuyệt đối rồi thì phải sống mãi (Định) trong đó. Ấy là nghĩa của việc nhập Chánh định “Vô Lượng Nghĩa Xứ” như đã nói. Vì Chân Lý tuyệt đối trước sau như một, cho nên 2 vạn Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đều nói Kinh Pháp Hoa và giáo pháp của các Ngài đều lành như nhau. Nhật Nguyệt Đăng Minh là thí dụ cho trí tuệ đầy đủ của các bậc đã giác ngộ, đã thành Phật, nghĩa là đã trở về với Nguồn Ánh Sáng như Đèn trời Đèn trăng sẵn có nơi mình. Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai chính là nguồn ánh sáng ấy.

Thêm vào việc nói kinh Vô Lượng Nghĩa và nhập định Vô Lượng Nghĩa Xứ, Đức Phật còn phóng quang để cho chúng sinh sáng mắt thấy 3 cõi tuy khác nhưng đều chung ở trong một Nguồn ánh sáng, tượng trưng ở đây bằng luồng hào quang từ giữa đôi mày phóng ra. Nguồn ánh sáng ấy là Thể là Tâm. Do đấy mà có câu: “Nhất thiết do tâm tạo”.

Cho chúng sinh thấy để dễ tin lời Phật sắp giảng nói. Đoạn chót bài trùng tuyên của Bồ tát Văn Thù có câu:

Kim Phật phóng quang minh

Trợ pháp thật nghĩa tướng.

(Nay Phật phóng ánh sáng

Giúp bày nghĩa Thật tướng)

là nghĩa đó. Thật tướng là chân cảnh mà chân cảnh là Chân Lý tuyệt đối… Vậy muốn học kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì phải “Triệt lục căn tứ đại chướng ngại” (Phải xô ngã những chướng ngại do sáu căn nơi thân tứ đại dựng lên). Còn 8 vị Vương tử phải theo cha xuất gia, nghĩa là kiến tánh chưa đủ, phải sửa 8 Thức theo Tánh mới được: Tánh quy, Thức quy”. (Dẫn theo Pháp Hoa Huyền Nghĩa. Sđd. Tr 16-20).

* Phẩm 3: Thí Dụ (La parabole).

- Phần Lược Dịch kinh văn hiện có: Tham khảo nơi bản Việt dịch kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Hth Trí Tịnh (1917-2014): Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Quyển thứ 2. Phẩm thứ 3: Thí Dụ. Từ câu: “Lúc bấy giờ ngài Xá Lợi Phất hớn hở vui mừng, liền đứng dậy chấp tay, chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Phật rồi bạch Phật… cho đến đoạn sau cùng của bài kệ rất dài: Đức Phật muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

Thí như ông Trưởng giả

Có một nhà rất lớn…

Những người như thế đó

Thời có thể tin hiểu

Ông nên vì họ nói

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

(Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. HT Trí Tịnh Việt dịch. Sđd. Tr 96-150).

- Phần Ghi Nhận Huyền Nghĩa: “Ở phẩm này, kinh dùng 1 thí dụ để giải thích tại sao chỉ có một con đường Phật Đạo, mà trước kia Đức Phật đã dạy tới ba. Hay để nói theo kinh là chỉ có một cỗ xe chứ không phải là 3.

+ Trong Thí dụ Nhà lửa (Nhà bị cháy): Ông Nhà giàu là chỉ cho Phật. Những đứa con là chỉ cho chúng sinh.

+ Lửa cháy, nhà bị mục nát, có rắn rít là chỉ cho cảnh khổ của chúng sinh là sinh già bệnh chết, sầu não, mê muội.

+ Ba xe là chỉ cho 3 Thừa hay ba bậc tu hành: Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Hai bậc trước tu vì mình, cho nên ví với xe dê xe hươu là những xe nhỏ, sức chở 1 người mà thôi (Tự độ). Bậc Bồ tát vì người quên mình, cho nên ví với xe bò, là thứ xe lớn, sức chở nhiều người (Độ tha). Trước kia, sở dĩ Đức Phật đã quyền chia giáo pháp của Ngài ra ba bậc ấy là vì chúng sinh mê sống trong cảnh của thể xác và tâm tình, tức của ba cõi (Dục, sắc và vô sắc giới). Phật không thể đem cái Chân Lý Tuyệt Đối là cái Thấy Biết (Tri Kiến) của Phật ra dạy ngay được. Dù có dạy đi nữa cũng không ai hiểu, vì cái Thấy – Biết của Phật là cái Thấy – Biết đã ra khỏi 3 cõi. Do đấy phải dạy tu tập lần hồi, tùy khả năng của từng hạng người để ai cũng được ổn định (Paix intérieure) và an lạc (Sérenité) là điều cốt yếu nhiên hậu mới đem sự thật cuối cùng ra dạy.

Những người con của ông Trưởng giả ra khỏi nhà lửa, là chỉ cho chúng sinh nhờ sự dụ dẫn của ba Thừa đã ra khỏi ba cõi, được ổn định an lạc, tạm gọi là Niết bàn.

+ Ông cha cho các con một thứ xe vừa to vừa tốt, đó là giáo pháp Đại thừa, là giáo pháp có thể sinh ra thứ an lạc tịnh diệu bậc nhất, là mức cuối cùng của con đường tiến hoa tâm linh, từ phàm đến Thánh, từ chúng sinh đến Phật, nghĩa là từ ô trược đến thanh tịnh hoàn toàn, từ đau khổ đến an lạc, từ sinh tử đến bất sinh bất diệt.

+ Nhà to lớn mà chỉ có một cửa ra, là chỉ cho ba cõi rộng lớn, mà muốn ra khỏi thì chỉ có một con đường, chỉ có một cửa. Cửa tuy mở nhưng khó ra, ám chỉ cho công phu tu học khắc khổ và kiên nhẫn.

Ở trên đã nói Ông Nhà giàu là chỉ cho Phật, mà Phật là Tâm, vậy câu: “Ông Trưởng giả giàu có, kho tàng đầy ngập” có nghĩa là tâm đầy đủ mọi công đức (Đức tạng) mọi pháp (Pháp tạng). Mà Tâm thì ai cũng có và không sai biệt. Vậy ai cũng có sẵn nơi mình mọi khả năng, mọi điều kiện để đạt đến cái kết quả cuối cùng là Phật Quả. Điều cần yếu là mỗi người phải tự biết mình có cái kho tàng quý báu vô song đó, và phải biết khai thác, tạo diệu dụng. Đó là mục đích của Đại Thừa giáo.

Tuy chia có 3 xe, nhưng tất cả đều là xe mà công dụng là đưa người từ một địa điểm này sang một địa điểm khác. Giáo pháp của Phật tuy chia có 3 bậc vẫn đồng một công dụng là đưa chúng sinh ra khỏi nhà lửa hướng về cái đích duy nhất là giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. Thế nên hứa cho ba thứ xe, rốt cuộc lại cho có một”.

(Dẫn theo: Pháp Hoa Huyền Nghĩa. Sđd. Tr 30-32)…

II. Về tác phẩm Địa Tạng Mật Nghĩa: Nơi phần II này chúng tôi xin lần lượt nói đến 2 chi tiết: Nêu Tóm Tắt về Kinh Địa Tạng và Giới Thiệu Tóm Lược về nội dung sách Địa Tạng Mật Nghĩa của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905-1973).

1. Nêu Tóm Tắt về Kinh Địa Tạng: Kinh Địa Tạng nói đủ là Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện (Phạn: Ksitigarbha – Prànidhàna – Sùtra) là một bộ kinh ngắn của Phật Giáo Bắc Truyền, nội dung có một số điểm tương đồng với kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập (ĐTK/ĐCTT. Tập 13. N0 397. 60 quyển) nên ĐTK/ĐCTT đã sắp vào Bộ Đại Tập, thuộc mảng kinh cùng hệ, đồng dạng với kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập (ĐTK/ĐCTT. Tập 13. N0 412. 2 quyển). Hán dịch Kinh Địa Tạng là Đại sư Thật Xoa Nan Đà (652-710), dịch vào đời Đường (618-906) gồm 2 quyển, 13 phẩm (Một số bản Biệt Hành ghi Hán dịch kinh này là Đại sư Pháp Đăng và phân làm 3 quyển). 13 phẩm của Kinh Địa Tạng gồm: Phẩm 1: Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông. Phẩm 2. Phân Thân Tập Hội. Phẩm 3. Quán Chúng Sinh Nghiệp Duyên. Phẩm 4: Diêm Phù Chúng Sinh Nghiệp Cảm. Phẩm 5: Địa Ngục Danh Xưng. Phẩm 6: Như Lai Tán Thán. Phẩm 7: Lợi Ích Tồn Vong. Phẩm 8: Diêm La Vương Chúng Tán Thán. Phẩm 9: Xưng Phật Danh Hiệu. Phẩm 10: Hiệu Lượng Bố Thí Công Đức Duyên. Phẩm 11: Địa Thần Hộ Pháp. Phẩm 12: Kiến Văn Lợi Ích. Phẩm 13: Chúc Lũy Nhân Thiên6.

2. Giới Thiệu Tóm Lược về nội dung sách Địa Tạng Mật Nghĩa: Cũng như nơi tác phẩm Pháp Hoa Huyền Nghĩa xb lần đầu năm 1964, chúng tôi đã dùng sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa do Nhà xb Tôn Giáo tb năm 2006. Ở  đây sách Địa Tạng Mật Nghĩa của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền xb lần đầu năm 1965, chúng tôi đã dùng bản Địa Tạng Mật Nghĩa do Thành Hội Phật Giáo Thành phố HCM tb năm 1993.

Nội dung của sách Địa Tạng Mật Nghĩa gồm 3 phần:

* Phần đầu: Là phần thay Lời Tựa: In lại bài viết của Cư sĩ Viên Pháp: Tôi Đi

Nghe Giảng Kinh Địa Tạng, vốn đã được đăng trên Tạp chí Từ Quang số 70. Tháng 11 – 1957.

* Phần hai: Là Phần Chính của sách. Gồm phần Lời Dẫn của tác giả (Xem Địa Tạng Mật Nghĩa. Sđd. Tr 17-33) coi như là những Dẫn nhập cần thiết để đi vào phần tiếp theo: Giới thiệu về 13 phẩm nơi Kinh Địa Tạng. Tức ở mỗi phẩm, tác giả đều nêu lên 2 phần: Phần Việt Dịch kinh văn hiện có của phẩm ấy và Phần Ghi Nhận Mật Nghĩa.

* Phần Sau cùng: Là phần kết luận, ghi nhận một số tóm kết của tác giả (Sđd. Tr 201-203).

Do giới hạn về số trang của bài viết nên chúng tôi chỉ xin trích dẫn 1 phẩm: Phẩm 1: Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông trong Phần Chính của sách: Giới thiệu về 13 phẩm nơi Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện.

a. Phần Việt Dịch kinh văn hiện có của phẩm: Phần này xin tham khảo bản

Việt dịch của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền trong sách Địa Tạng Mật Nghĩa.

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện: Quyển Thượng. Phẩm 1: Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông. Từ Đoạn mở đầu: “Tôi đã nghe như vầy: Một lúc nọ, Đức Phật nói pháp cho mẹ nghe trên cõi trời Đao Lợi… cho đến đoạn: Phật bảo Văn Thù: Quỷ vương Vô Độc lúc ấy là Bồ tát Tài Thủ bây giờ đây, còn cô gái Bà la môn là Bồ tát Địa Tạng vậy”. (Xem: Địa Tạng Mật Nghĩa. Sđd. Tr 34-45).

b. Phần Ghi Nhận Mật Nghĩa: “Điểm đặc biệt ở đây là Đức Phật không thuyết pháp ở thế gian cho người thế gian nghe, mà lên trên trời Đao Lợi nói pháp cho mẹ đã mất nghe và trước vô số chư Phật, Bồ tát, Thiên, Long, Quỷ thần. Vậy phải “không là phàm” thì mới nghe được lời Phật dạy trong kinh này.

Vào đoạn đầu đã thấy ý hướng của kinh, trong lời khen Đức Thế Tôn. Ở thế gian, những chúng sinh cường cường (cứng đầu) là rất nhiều, ngoài Phật là bậc đại trí tuệ, có nhiều phương tiện chế phục họ, thì không ai làm được. Đem đạo lý nhân quả ra nói họ không nghe thì nay Phật dùng phương “Bồ Tát Địa Tạng”. Mật Nghĩa “Địa Tạng là Tâm” được chứng minh trong đoạn kinh nói chư Phật, Bồ tát, Thiên, Long, Quỷ thần đông vô số kể, đều hoặc đã, hoặc đang hoặc sẽ chịu ân hóa độ của Địa Tạng. Chư Phật đã, chư Bồ tát đang, còn Thiên Long v.v… thì sẽ chịu ân ấy. Và nhất định Địa Tạng thành công, vì tất cả là Phật sẽ thành thì tự nhiên tất cả phải quay về với tâm và nghe tâm dạy dỗ. Nói oai thần nơi Thệ Nguyện của Địa Tạng là nói oai thần nơi Thệ Nguyện của tâm. Tâm mà cương quyết thì có đủ quyền năng, thần thông (Pourvoirs surnaturels). Ai biết quay về với tâm, chiêm ngưỡng tâm, kính trọng tâm, hy sinh (cúng dường) cho tâm thì người ấy sống trong đường thiện (sinh thiên).

Đến đây, Đức Thế Tôn đưa ra 2 sự tích:

* Địa Tạng là con một nhà giàu, như câu chuyện anh Cùng tử trong Kinh Pháp Hoa. Tâm Phật và Tâm chúng sinh không khác. Mà Tâm Phật đầy đủ muôn đức giàu có như thế, thì Tâm chúng sinh cũng giàu có như thế. Nhưng cái giàu của chúng sinh là cái giàu chưa khai thác, cho nên phải khai thác bằng sự phát tâm từ bi, và nếu “Tinh tấn để có đầy đủ muôn hạnh lành thì sẽ được như Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh”. Ý Phật dạy: Muốn thành Phật phải phát tâm Từ Bi và mạnh dạn (Sư tử) ra sức (Phấn tấn) trên đường lập đầy (Cụ túc) muôn hạnh lành (Vạn hạnh).

* Địa Tạng là một cô gái Bà la môn đạo đức. Trong câu chuyện này Phật dạy:

+ Muốn biết hướng dẫn dắt của tội nghiệp thì nên nhập định tư duy. Cô gái hỏi Phật Giác Hoa. Phật không chỉ mà bảo về nhập định tư duy, là nghĩa này. + Tin rằng, không chánh kiến chánh tín, không biết quy y Tam bảo, nghĩa là không biết kính quý Ánh sáng nơi Tâm (Phật), Luật pháp trong trời đất (Pháp) và niềm hòa lạc của muôn loài (Tăng), lại không tin nhân quả thì phải vào Ngục vô gián nghĩa là sống mãi trong vô minh triền miên. + Ba biển là thí dụ những nghiệp của thân khẩu ý. Chúng sinh nổi chìm lặn hụp trong ba biển ấy, nóng bức như bị nước sôi nung nấu, đau khổ như bị thú dữ cắn xé. + Thiết Vi là Rào Sắt. Con người bị giam trong ba nghiệp chồng chất như núi khó thoát, nên ví như núi có rào sắt bao quanh. + Ai vào địa ngục? Hạng oai thần và hạng bị nghiệp ác dẫn dắt. Hạng oai thần là những bậc đã giải thoát nhưng vì lòng Từ Bi muốn cứu độ nên vào địa ngục để hóa độ. + Địa ngục ở đâu? Ở ngay trong những biển nghiệp ấy, nghĩa là ai còn tạo nghiệp ác là ở trong địa ngục. Ý của đoạn này là: muốn đầy đủ muôn hạnh, phải biết hễ còn nghiệp là còn ở trong địa ngục đau khổ. Vậy phải Tự giác (Giác Hoa) bằng cách thiền định (Định tự tại).

(Dẫn theo: Địa Tạng Mật Nghĩa. Sđd. Tr 45-49).

Kết luận:

Học giả Nguyễn Lang trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 3, phần bàn về Tư tưởng Phật học của Chánh Trí – Mai Thọ Truyền (Thuộc Mục: Cư sĩ Chánh Trí và Hội Phật Học Nam Việt) đã viết: “Cư sĩ Chánh Trí là một người thông minh và có tài suy luận, diễn dịch. Các tác phẩm Pháp Hoa Huyền Nghĩa Địa Tạng Mật Nghĩa của ông, nhờ tài suy luận, diễn dịch này nên đã chứa được nhiều nhận xét khá đặc thù có thể gây nhiều hứng thú cho người đọc” (Dẫn theo VNPGSL 3. Nhà xb Lá Bối. Paris. 1985. Tr 240). Nhận định như thế là đã đến rất gần với sự chính xác. Nói cách khác, hầu hết những Ghi Nhận về Huyền Nghĩa và Mật Nghĩa nơi Kinh Pháp Hoa Kinh Địa Tạng trong 2 tác phẩm như đã nêu của Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền (1905-1973) rõ ràng là mang đậm tính chủ quan của người viết, thiếu hẳn những sự nối kết, đối chiếu với những kiến giải của chư vị đi trước, ví như chư vị Đại sư, Học giả ở Trung Hoa hoặc ở Nhật Bản v.v… đã Sớ giải Kinh Pháp Hoa, Kinh Địa Tạng7.

Như thế, nên người đọc, đúng như sách VNPGSL 3 đã nêu: “Có thể gây nhiều hứng thú”, tức là người đọc có thể hoàn toàn chấp nhận, tán thán đối với kiến giải của tác giả, hoặc có thể chỉ chấp nhận một phần, hoặc có thể không chấp nhận mà đưa ra những biện biệt phản bác để mở rộng hơn nữa tầm bao quát của vấn đề. Tuy nhiên, cũng chính từ những điểm ấy mà giá trị của hai tác phẩm kể trên đã được xác nhận.

 


1. Chúng tôi căn cứ nơi câu viết có tính khẳng định của HT Thích Nhất Hạnh trong sách “Những Con Đường Đưa Về Núi Thứu” (Nxb Phương Đông, 2015, tr 6-7): “Trong kho tàng Văn học Phật giáo có 3 thể tài (ba thể loại): Kinh là thể tài thứ 1 của Văn học Phật giáo, Luật là thể tài thứ 2 và phần thứ 3 là Luận (Abhidharma)” để nói đến các tác phẩm Giảng Luận về Kinh (Kinh Sớ) cũng là một bộ môn của Văn học Phật giáo.

2. Về các bộ Sớ giải Kinh Pháp Hoa như đã nêu trên, cũng như các bộ Sớ giải Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Kim Cương, Kinh Lăng Già v.v… hiện có nơi ĐTK/ĐCTT theo chúng tôi cũng nên được Việt dịch (chọn dịch chứ không dịch hết) để góp phần làm phong phú cho kho tàng Phật học của Phật Giáo Việt Nam. Đây là điều mà ĐTK Tuệ Quang (Tuệ Quang Foudation do Cư sĩ Nguyên Hiển: Bác sĩ Trần Tiễn Huyến sáng lập và bảo trợ) đã thực hiện và có được một ít thành tựu như: Việt dịch xong các Bộ Sớ Giải: Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký của Đại sư Pháp Tạng. Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Sớ của Đại sư Trừng Quán. Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Văn Cú. Pháp Hoa Huyền Luận của Đại sư Cát Tạng… Do điều kiện tài chính nên mới in được bộ Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký.

3. Về Tông Thiên Thai hay Tông Pháp Hoa, có thể tham khảo sách: Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo của J. Takakusu (Cao Nam Thuận Thứ Lang: 1866-1945). Hth Tuệ Sĩ Việt dịch. Nhà xb Phương Đông. 2008. Tr 191-211).

  4. Sự kiện năm 1008 vua nhà Tống đã ban cho Đại Việt Đại Tạng Kinh có thể là đúng. Nhưng sách VNPG Sử Lược cho đấy là do vua Lê Đại Hành sai sứ thần đi v.v… là không đúng. Vì vua Lê Đại Hành (941-1005) đã mất từ năm 1005. Vậy sự kiện xin ĐTK năm 1008 là thuộc về triều vua Lê Long Đỉnh (986-1009). Theo sách Tóm Tắt Niên Biểu Lịch Sử Việt Nam của Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, thì vua Lê Đại Hành có 3 niên hiệu: Thiên Phúc (980-988), Hưng Thống (989-993) và Ứng Thiên (994-1005). Còn vua Lê Long Đỉnh có 2 niên hiệu là Ứng Thiên (1006-1007) và Cảnh Thụy (1008-1009). Xem: Tóm Tắt Niên Biểu Việt Nam. Sđd. Nhà xb VHTT. 2001. Tr 46, 48.

5. Sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta đã có thêm: Lược Giảng Kinh Pháp Hoa của HT Thanh Kiểm (1921-2000). Lược Giải Kinh Pháp Hoa. Lược Giải Kinh Duy Ma. Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm… của HT Trí Quảng.

6. Tác giả ghi là: Chúc Lũy Nhân Thiên (Địa Tạng Mật Nghĩa. Sđd. Tr 190) và nơi sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa (Sđd. Tr 152) tác giả Chánh Trí Mai Thọ Truyền viết: “Chúc là gởi, phó thác. Lụy (lẽ ra phải đọc là Lũy) có nghĩa là chồng chất”. Đó là cách giải thích của tác giả sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa. Nhưng theo Đại sư Trí Khải (538-597) trong sách Diệu Pháp Liên Hoa Văn Cú (ĐTK/ĐCTT. T34. N0 1718. 20 quyển. Tr 1-149A), nơi quyển 20, Phần giải thích phẩm Chúc Lụy (Phẩm 22) đã giải thích rất rõ: “Chúc thị Phật sở phó chúc. Lụy thị phiền nhĩ tuyên truyền. Thử tùng Thánh chỉ đắc danh cố ngôn Chúc Lụy. Chúc thị đảnh thọ sở chúc. Lụy thị cam nhi phất lao. Thử tùng Bồ tát kính thuận đắc danh, cố ngôn Chúc Lụy. Chúc thị Như Lai kim khẩu sở chúc. Lụy thì Bồ tát đan tâm đảnh hà. Thử tùng thọ thọ hợp luận cố ngôn Chúc Lụy phẩm dã”. (ĐTK/ĐCTT. Tập 34. N0 1718. Tr 142 B). Dịch: Chúc là Đức Phật phó chúc. Lụy là xin phiền chư vị tuyên thuyết truyền rộng. Đây là theo Thánh chỉ được mang tên nên nói là Chúc Lụy. Chúc là cúi đội nhận lấy điều phó chúc. Lụy là cam nhận mà trừ bỏ mọi khó nhọc. Đây là theo Bồ tát kính thuận, được mang tên nên nói là Chúc Lụy. Chúc là Đức Như Lai từ kim khẩu đã phó chúc. Lụy là Bồ tát với lòng thành xin đội vác. Đây là theo trao – nhận hợp luận nên nói là phẩm Chúc Lụy”. Tất nhiên là chúng tôi tin theo cách giải thích của Đại sư Trí Khải.

7. Chẳng hạn nên đối chiếu với kiến giải của các Đại sư Trí Khải, Cát Tạng, Khuy Cơ, Nguyên Hiểu v.v… trong các bộ Sớ giải Kinh Pháp Hoa như đã dẫn. Mặc dù nơi Phần ghi Sách Tham Khảo (Tr 7), Cư sĩ Chánh Trí đều có ghi đủ cả. Hoặc như bàn về Kinh Địa Tạng (ĐTK/ĐCTT. Tập 13. N0 412) mà không nói đến các kinh: Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân: ĐTK/ ĐCTT. Tập 13. N0 411. 10 quyển. Kinh Đại Phương Quảng Thập Luân: ĐTK/ĐCTT. Tập 13. N0 410. 8 quyển… là một thiếu sót lớn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Pháp Hoa Huyền Nghĩa của Chánh Trí – Mai Thọ Truyền. Nhà xb Tôn Giáo tb. 2006.

2. Địa Tạng Mật Nghĩa của Chánh Trí – Mai Thọ Truyền. Thành Hội Phật Giáo Tp HCM tb. 1993.

3. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Hth Trí Tịnh Việt dịch. Nhà xb Tp HCM. 1998.

4. Kinh Địa Tạng. Hth Trí Quang Việt dịch. Nhà xb Tp HCM. 2000.

5. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2 của Nguyễn Lang. Bản in 1992.

6. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 3 của Nguyễn Lang. Nhà xb Lá Bối. Paris. 1985.

7. Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Mật Thể. Bản in 1960.

8. Những Con Đường Đưa Về Núi Thứu của Thích Nhất Hạnh. Nhà xb Phương Đông. 2015.

9. Pháp Hoa Quốc Ngữ Kinh của Thiền sư Pháp Liên. Lê Mạnh Thát phiên âm – giới thiệu. Bản in 1997.

10. Phật Quang Đại Từ Điển Tập 3, 4.

11. Mục lục của ĐTK/ĐCTT.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 45
    • Số lượt truy cập : 6950040