Tin tức

NHỚ MÃI MÙA XUÂN NĂM ẤY

NHỚ MÃI MÙA XUÂN NĂM ẤY

THANH TIỂN

Đó là Xuân Mậu Tý (năm 2008), ngày đầu tiên chúng con đến chùa Vạn Đức, gặp bậc chân nhân dẫn chúng con vào cõi Tịnh.

Ngày mồng 1 Tết năm ấy, chúng con theo chân cô Phật tử Thanh Lương đến chùa Vạn Đức, thọ Bát đầu năm. Chúng con vô cùng vui sướng vì được đích thân Sư ông truyền giới Bát quan trai, mặc dù lúc đó Sư ông đã ngoài 90 tuổi và biết bao bận rộn với công việc của Giáo hội. Chúng con vẫn nhớ như in và không thể quên hình ảnh Sư ông lên truyền giới. Chậm rãi bước từng bậc thang từ nhà Tổ lên chánh điện, Sư ông dừng lại thở một chút khi lên hết cầu thang trước khi vào chánh điện, rồi tiếp tục men theo bức tường bên trong đến trước bàn thờ Phật mà không cho dìu đỡ, mặc dù Thầy thị giả luôn theo sát phía sau. Sang ngày mồng 3 Tết, chúng con lại về chùa từ sáng sớm, đọc trọn bộ kinh Pháp Hoa. Khi vừa hết giờ nghỉ trưa, chúng con vội lên “vô y viện” xin Sư ông ký tên vào quyển kinh Pháp Hoa vừa mới được quý thầy cho. Lúc đó, cửa còn đóng, cô Thanh Lương đi cùng với chúng con, đánh bạo gõ cửa xin vào. Sư ông đang nằm trên võng, thầy thị giả đưa viết cho Sư ông ký, rồi chúng con lạy tạ lui ra. Cầm quyển Kinh trên tay, chúng con mỉm cười sung sướng với dự định sẽ đọc mỗi ngày, lúc đó ở nhà chúng con chỉ mới có quyển kinh Phổ Môn và Dược Sư.

Ngày đầu năm cũng là ngày đầu tiên đến chùa Vạn Đức với biết bao ấn tượng đẹp. Niềm vui của chúng con lúc đó là được viếng chùa có phù điêu đắp nổi cây bồ đề lớn nhất Việt Nam, được Sư ông trực tiếp truyền giới Bát quan trai, và được tặng quyển kinh – được mệnh danh là vua trong các kinh, có bút ký của dịch giả.


Trước đó, chúng con lang thang khắp các chùa cao Phật lớn, tìm hiểu các pháp môn như Thiền, Tịnh, Mật, Pháp Hoa… nhưng vẫn chưa định được hướng đi trong biển Phật pháp mênh mông. Sau một năm tham gia các khóa tu và sinh hoạt do chùa tổ chức, chúng con nhận ra mình có duyên với Vạn Đức và pháp môn Niệm Phật nên gắn bó mãi đến ngày nay.

Các khóa tu ở chùa Vạn Đức đi theo lộ trình từ Sự đến Lý, hành giả “càng hành trì thì trí huệ càng khai thông để rồi đến chốn tỏ ngộ”1“thực chứng nhiều kinh nghiệm tâm linh”2. Cho nên trong các khóa tu không có hoặc chỉ có thời thuyết pháp ngắn và hành giả phải đọc trực tiếp lời Phật dạy. Cũng có lớp dạy giáo lý vào chiều Thứ bảy hằng tuần, nhưng chùa chuyên tổ chức khóa tu một ngày hằng tháng như khóa tu Bát quan trai, khóa tụng kinh Pháp Hoa, khóa niệm Phật và đặc biệt là khóa niệm Phật bảy ngày đêm vào ngày kỷ niệm khánh thành chùa (mồng 4 tháng 4) và lễ vía Phật A Mi Đà. Vào ngày tu Bát quan trai, buổi sáng thuyết pháp tụng kinh, buổi chiều bố tát tụng giới. Vào ngày tụng kinh Pháp Hoa, không có thuyết giảng mà đọc trọn bộ Kinh gồm 7 quyển 28 phẩm trong một ngày. Vào ngày niệm Phật, ngày vía Phật A Mi Đà, không tụng kinh, không thuyết pháp, không rước lễ hoa đăng mà niệm Phật liên tục. Điều đó gợi cho chúng con nhớ một đoạn Kinh A Mi Đà: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Mi Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A Mi Đà cùng hàng Thánh Chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Mi Đà”3. Chú tâm vào từng câu kinh, từng câu niệm Phật, từng bước chân kinh hành, chúng con mới thật sự nhận được niềm an lạc, sự định tĩnh và dần hiểu lời Phật dạy. Đó cũng là kết quả từ niềm vui của ngày đầu đến chùa giúp chúng con hăng hái tham gia các khóa tu.

Cứ mỗi độ xuân về, chúng con lại về chùa từ sáng sớm ngày mồng 1 Tết để nghe lời khai thị đầu năm của Sư ông. Sư ông thường nhắc nhở “Ăn chay, Thương người, Thương vật, Niệm Phật, Tụng kinh”. Lời dạy thật bình dị nhưng vô cùng sâu sắc, có giá trị xuyên suốt mọi không gian và thời gian mà bản thân chúng con làm mãi vẫn chưa xong. Mỗi khi nghe lại lời dạy đó, chúng con tự hỏi mình cũng ăn chay nhưng tình thương nơi mình tăng trưởng được bao nhiêu, mình cũng niệm Phật nhưng niệm lực tương tục được bao lâu, mình cũng tụng kinh nhưng thuộc lòng được bao nhiêu bổn và áp dụng lời Phật dạy trong các bài kinh đọc tụng hằng ngày đó vào cuộc sống như thế nào. Đọc lại những lời khai thị đã qua trong quyển “Hương Sen Vạn Đức” và những quyển kinh sách do Sư ông soạn dịch, chúng con xác định hướng đi cho mình là Tịnh độ, lấy việc niệm Phật tụng kinh là chánh trên cơ sở từ bi là nền tảng và luôn tự nhắc nhở “… phần phụ thì có thể bớt. Phần chánh, ngày đêm một thời cũng không thể thiếu được”4.

Xuân trước, chúng con sụt sùi khi đọc bài thơ “Xuân vắng Ông” của thầy Thích Hoằng Luân. Nhưng khi đọc kinh đến đoạn “Nếu dùng sắc thấy Ta, Dùng tiếng tăm cầu Ta, Người ấy tu đạo tà, Chẳng thấy được Như lai”5 hay “Nếu dùng tướng thấy Phật. Sẽ thấy tướng đổi khác. Người này tất lo buồn. Được người trí xót thương.”6, chúng con kịp nhận ra thầy vẫn luôn hiện hữu. Thầy - đại dịch giả kinh điển Đại thừa, vẫn luôn bên cạnh chúng con trong mỗi thời kinh sớm tối. Thầy vẫn luôn nhắc nhở chúng con trong mỗi thời công phu niệm Phật “Nam mô A Mi Đà. Không gấp cũng không hưỡn. Tâm tiếng hiệp khắn nhau. Thường niệm cho rành rõ”.7

Xuân lại về nơi Vạn Đức, chúng con lại háo hức về chùa, nghe lại lời thầy dạy, cùng tứ chúng đọc tụng Kinh Phổ Hiền nơi tháp Phù Thi, tưởng nhớ đến bậc thầy khả kính, người dẫn đường chúng con đến bờ giác. Và chúng con vẫn nhớ ngày đầu xuân năm ấy, được gặp thầy với biết bao ấn tượng đẹp và những hình ảnh đẹp đó đã tạo niềm tin để chúng con mãi vững tiến trên con đường đạo. 


1. HT. Thích Thiền Tâm, Niệm Phật Sám Pháp, Nxb. Tôn Giáo, 2012, tr. 124.

2. Sđd., tr. 122.

3. HT. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Nhật Tụng – Kinh A Mi Đà, Nxb. Tôn giáo, 2007, tr. 20.

4. Tưởng niệm Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Nxb. Hồng Đức, 2014, tr. 52.

5. HT.Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Tam Bảo thông dụng - Kinh Kim Cang, Nxb. Tôn Giáo, 2005, tr. 319.

6. HT.Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Bửu Tích, Nxb. Hồng Đức, 2014, tr. 588.

7. HT.Thích Trí Tịnh, Hương Sen Vạn Đức, Nxb. Hồng Đức, 2014, tr. 201.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6561451