Tin tức

NHỮNG BUỔI THUYẾT PHÁP TRONG PHÁP HỘI VU LAN PL 2563

NHỮNG BUỔI THUYẾT PHÁP

TRONG PHÁP HỘI VU LAN PL 2563

 

Tin ảnh: NHUẬN KIÊN - TRÍ BÁ

 

Ngày 08/08/2019: Đại đức Thích Thiện Chơn

 

 

Đại đức Thích Thiện Chơn

 

Tối ngày 08/08/2019, ngày đầu tiên của chương trình Pháp hội Vu Lan, tại Giảng đường Chánh Trí Chùa Phật học Xá Lợi, Giảng sư Đại đức Thích Thiện Chơn đã có buổi pháp thoại với đề tài về “Ý nghĩa mùa Lễ hội Vu lan báo hiếu”.

Tuy bên ngoài có mưa khá lớn, nhưng đông đảo Phật tử đã đến nghe thuyết pháp.

Hằng năm, mùa Lễ hội kéo dài trong cả tháng 7 Âm lịch. Đối với đại gia đình Phật tử nước ta mùa Lễ hội Vu lan báo hiếu đã thành một lễ lớn. Đối với tăng, ni đã lìa bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia để “trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh”, cứu cánh đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất vì báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác.

Và cũng tại mùa Lễ hội, mọi người đều hân hoan khi được gài vào ngực áo một bông hồng. Xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong những năm 1960 khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông hồng cài áo” vào tháng 8 năm 1962.

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Người nào còn đủ cả cha mẹ thì cài bông hồng đỏ thắm, người nào chỉ còn cha hoặc mẹ thì cài bông hồng màu nhạt hơn chút, người nào đã mất cả cha mẹ thì cài bông hồng trắng.

Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ - Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm.

 

 

Ngày 09/08/2019: Thượng tọa Thích Hoằng Dự

 


 Thượng tọa Thích Hoằng Dự

 

Tối ngày 09/08/2019, ngày thứ hai của Pháp hội, Giảng sư Thượng tọa Thích Hoằng Dự đã có buổi pháp thoại với đề tài “Vu lan và ngũ thừa”. Ngũ thừa là năm cách báo hiếu cha mẹ.

Thư nhất, báo hiếu theo nhân thừa dưa vào bản kinh Ưu bà tắc ngũ giới tướng;

Thứ hau, báo ân theo thiên thừa dựa vào Kinh trì trai. Tu bát quan trai là cách tốt nhất để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ;

Thứ bà, báo ân theo thanh văn thừa, dựa vào bản kinh Vu lan báo hiếu nói về sự kiện ngài Đại hiếu Mục Kiền Liên;

Thứ tư, báo ân theo Bồ tát thừa dựa vào bản Kinh Địa tạng;

Thứ năm, báo ân theo Phật thừa, báo ân theo lời Đức Phật dạy và chính Đức Phật thể hiện tinh thần báo ân qua kinh Báo hiếu hay Phụ mẫu an kinh.

Phật dạy rất nhiều cách báo hiếu, nhưng tựu trung thì có hai cách chính, là hiếu thế gian và hiếu xuất thế gian.

Hiếu thế gian là cách thường tình ai cũng có thể làm được, đó là cung cấp cho cha mẹ cơm áo, thuốc thang, vật dụng, chăm sóc, thăm viếng, hầu cận… nhưng hơn hết là sự ân cần, thương yêu, kính trọng mẹ cha. Cho dù vậy, cách báo hiếu này cũng chỉ báo hiếu được phần nào công ơn của cha mẹ mà thôi, chưa thể gọi là tận hiếu.

Tận hiếu phải là hiếu xuất thế gian, tức là khuyên cha mẹ làm lành, giữ giới, ăn chay, niệm Phật.

Chỉ bằng cách dẫn dắt cha mẹ vào đạo, hướng dẫn cha mẹ quy y Tam bảo, giữ Ngũ giới, niệm Phật cầu vãng sanh, nghe Phật pháp… mới có thể báo hiếu đến chỗ rốt ráo, mới được gọi là tận hiếu. Đó là nói trường hợp cha mẹ chưa biết đạo. Trong trường hợp cha mẹ đã biết đạo, đã biết tu tập thì phận làm con chỉ cần noi gương cha mẹ mà tu tập cho tinh tấn thì đã là báo hiếu rồi.

 

 

Ngày 10/08/2019: Hòa thượng Thích Giác Pháp

 

Hòa thượng Thích Giác Pháp

 

Tối 10/08/2019, ngày tiếp theo của Chương trình Pháp hội Vu Lan, tại Giảng đường Chánh Trí Chùa Phật học Xá Lợi, Giảng sư Hòa thượng Thích Giác Pháp, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Phó trưởng ban Nghi lễ Trung ương, Phó trưởng ban đặc trách Hệ phái Khất sĩ đã có buổi pháp thoại với đề tài cũng về Ý nghĩa lễ Vu Lan.

Với giọng trầm ấm, Giảng sư đã sơ lược Ngày lễ Vu Lan xuất phát từ Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã tự thân cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Sau khi, dâng bát cơm lên đến miệng mẹ thì hóa thành lửa đỏ. Đức Phật dạy rằng: “Kiền Liên thần thông quảng đại nhưng một mình không thể cứu được mẹ do ác nghiệp của bà quá nặng, chỉ còn cách nhờ hợp lực của Chư Tăng khắp mười phương mới mong thành công”. 

Bồ tát Mục Kiền Liên thành tâm làm theo lời Phật dạy, vào ngày rằm tháng 7, đã nhờ hợp lực của Chư Tăng đang trong mùa An cư kiết hạ, Ngài đã không những cứu được mẹ mà còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung. 

Từ đó, ngoài ý nghĩa "mùa hiếu hạnh", Kinh Vu lan Bồn đã đề cao vai trò hiếu đạo, nêu gương Bồ tát Mục Kiền Liên, các Phật tử muốn báo hiếu cha mẹ cũng cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành. Mặt khác, người Phật tử còn cần phải hướng dẫn, khuyên nhủ cha mẹ làm thiện theo chánh pháp.

 

 

 

Ngày 11/08/2019: Thượng tọa Thích Thiện Thuận

 

 

Thượng tọa Thích Thiện Thuận

 

 

 

Tối 11/08/2019, ngày tiếp theo của Chương trình Pháp hội Vu Lan, tại Giảng đường Chánh Trí Chùa Phật học Xá Lợi, Giảng sư Thượng tọa Thích Thiện Thuận đã có buổi pháp thoại với đề tài “Chữ hiếu trong kinh Nikàya”.

 

Mở đầu, Thượng tọa giảng về lễ tự tứ, buổi lễ giúp cho cho chư Tăng được thanh tịnh. Kế đến Thượng tọa giảng về nguồn gốc lễ Vu lan với sự kiện Ngài đại hiếu Mục Kiền Liên. Sau khi đã chứng quả A La Hán, Mục Kiền Liên ngậm ngùi nhớ đến mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống các cõi khổ mà tìm thì thấy mẹ đã đọa vào kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nơi địa ngục A Tì. Thân hình tiều tụy, da bọc xương, bụng ỏng đầu to, cổ như cọng cỏ. Mẹ Mục Liên đói không được ăn, khát không được uống. Quá thương cảm xót xa, Mục Liên vận dụng phép thần thông, tức tốc đến chỗ mẹ. Tay bưng bát cơm dâng mẹ mà nước mắt lưng tròng. Mẹ Mục Liên vì đói khát lâu ngày nên giật vội bát cơm mà ăn. Tay trái bưng bát, tay phải bốc cơm nhưng chưa vào đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa. Mục Liên đau đớn vô cùng, khóc than thảm thiết rồi trở về bạch chuyện với Ðức Phật để xin được chỉ dạy cách cứu mẹ.

 

Phật cho Mục Liên biết vì nghiệp chướng của các kiếp trước mà mẹ ông mới phải sanh vào nơi ác đạo làm loài ngạ quỷ. Một mình Mục Liên thì vô phương cứu được mẹ dù ông có thần thông đến đâu và dù lòng hiếu thảo của ông có thấu đến đất trời, động đến thần thánh. Phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp các nẻo đồng tâm hiệp ý cầu xin mới có thể cứu được mẹ. Bởi vậy, Phật dạy Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đặc biệt là các vị Tăng thanh tịnh.

 

Thượng tọa cũng trích đọc và giảng giải các đoạn kinh Nikàya nói về chữ hiếu, về đạo làm con.

 

 

 

Ngày 12/08/2019: Thượng tọa Thích Chân Quang

 

 

Thượng tọa Thích Chân Quang

 

Tối 12/08/2019, trong Chương trình Pháp hội Vu Lan, tại Giảng đường Chánh Trí Chùa Phật học Xá Lợi, Giảng sư Thượng tọa Thích Chân Quang đã có buổi pháp thoại với đề tài “Lòng biết ơn cha mẹ và báo hiếu”

Mở đầu, Thượng tọa đã giảng vì sao phải biết ơn cha mẹ và cách báo hiếu cha mẹ như thế nào. Cha mẹ là người sinh thành dưỡng dục ta, công lao ấy to như trời biển, ta phải biết ơn đó.

Thượng tọa cũng giảng về cách báo hiếu cha mẹ. Khi cha mẹ còn tại thế, chúng ta săn sóc, cung phụng đầy đủ những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh việc chăm sóc về tiện nghi vật chất, tình thương yêu, lo lắng phát xuất tự đáy lòng của người con hiếu thảo mới thực sự là ngọn lửa sưởi ấm lòng cha mẹ, làm cho cha mẹ an vui trong những tháng ngày còn lại.

Báo hiếu theo Phật dạy, chúng ta tìm cách tác động cho cha mẹ kính tín Tam bảo và phát tâm sống theo Chánh pháp. Nhờ tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp, buồn phiền của họ tạm lắng yên, tâm hồn nhẹ nhàng an vui, vì chúng ta biết rõ pháp Phật có công năng rửa sạch phiền não trần lao. Khi đã hướng tâm về Tam bảo, vui được với pháp, với bạn đạo, với cảnh chùa, giúp họ nhận ra những việc làm cần thiết cho quãng đời còn lại, trước khi từ bỏ huyễn thân. Từ đó, ý thức cái vô thường sắp đến, phải lo chuẩn bị hành trang đi về thế giới khác, nên không còn đòi hỏi, ham muốn nhiều, không còn bực bội, khó khăn với con cái.

Nói cách khác, khi cha mẹ phát tâm tu, khắc phục được nghiệp, không buồn phiền, than vãn, thì phước lạc tăng trưởng, tâm hồn vui tươi, chẳng mong cầu mà cuộc sống vẫn dư dả. Sống cuộc đời đạo đức, tâm hồn thanh thản, thì khi nhắm mắt lìa đời, họ có thể sanh về thế giới an lành.

 

 

 

Ngày 13/08/2019: Thượng tọa Thích Trí Chơn

 

 

Thượng tọa Thích Trí Chơn

 

 

 

Tối 13/08/2019, trong tuần lễ Pháp Hội Vu Lan, tại Giảng đường Chánh Trí Chùa Phật học Xá Lợi, Giảng sư Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam- Quận 12- TP Hồ Chí Minh, đã đến thuyết giảng về Tôn giả Xá Lợi Phất, vị đại đệ tử của Phật, một tấm gương hiếu đạo, hiếu thảo vẹn toàn.

 

Tôn giả Xá Lợi Phất xuất thân từ giai cấp Bà la môn, nổi tiếng thông tuệ từ khi còn thơ ấu. Lớn lên, Tôn giả đã rũ bỏ sự kỳ vọng của gia đình, nhất là mẹ ngài, bà Xá Lợi, để đi theo Sa môn Cù Đàm. Và sau đó, trở thành trợ thủ đắc lực của Thế Tôn. Bà Xá Lợi mặc dù rất thương và tôn trọng quyết định của con nhưng sự kiện này đã khiến bà thất vọng, đau buồn và không hề có thiện cảm với Tăng đoàn.

 

Tôn giả Xá Lợi Phất biết rất rõ điều ấy, đến khi đạt chứng quả A la hán, Ngài muốn trở về để thức tỉnh và chuyển hóa mẹ, Tôn giả cùng tùy tùng hơn 500 vị Tỳ kheo trở về nhà, bà Xá Lợi tuy vẻ ngoài vẫn hờ hững, nhưng bà cũng là một người mẹ, cuối cùng bà cũng lò dò đến thăm con thì bỗng lóa mắt như lạc vào thế giới của thiên thần.

 

Trong căn phòng của Tôn giả ngập tràn ánh sáng với vô số chư thiên hào quang rực rỡ vây quanh. Không chỉ một mà nhiều phái đoàn chư thiên đến thăm Tôn giả làm cho bà Xá Lợi ngạc nhiên và mừng rỡ vô cùng. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời bà được chứng kiến cảnh huy hoàng, tráng lệ ấy.

 

Bà ngạc nhiên đến cùng cực khi biết các đoàn thiên thần đến thăm con bà lần lượt là Tứ Đại Thiên Vương, Đế Thích và cả Đại Phạm Thiên, đấng toàn năng mà bà hằng quy kính, tôn thờ. Bà nghĩ rằng nếu con của ta mà có oai lực lớn đến trời người đều cung kính như vậy thì Đấng Thế Tôn oai lực vĩ đại đến dường nào.

 

Nghĩ đến đây, bà Xá Lợi cảm nhận một niềm hỷ lạc tràn ngập châu thân, tinh thần thư thái vô cùng, niềm tịnh tín Đức Thế Tôn trong bà bừng phát. Nhân đó, Tôn giả Xá Lợi Phất tuần tự giải thích và xưng tán công đức siêu tuyệt của Thế Tôn qua các phương diện giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Thật diệu kỳ, khi pháp thoại vừa chấm dứt thì bà Xá Lợi thành tựu Pháp nhãn thanh tịnh, tin tưởng bất động vào Thế Tôn, chứng đắc sơ quả Tu đà hoàn.

 

Thế là Tôn giả Xá Lợi Phất đã làm tròn bổn phận hiếu đạo, hiếu thảo của người xuất gia.

 

 

 

Ngày 14/08/2019: Thượng tọa Chánh Định

 

 

Thượng tọa Chánh Định

 

Tối 14/08/2019, trong tuần lễ Pháp Hội Vu Lan, tại Giảng đường Chánh Trí Chùa Phật học Xá Lợi, Giảng sư Thượng tọa Chánh Định đã nói về ân đức của cha mẹ đối với người con và cách báo ân đúng Pháp. Thượng tọa giảng nếu không có hiếu với cha mẹ thì thờ cúng vô nghĩa. Trong Kinh Đức Phật ban cho cha mẹ đặc ân cao quý, đó là: Cha mẹ là vị trời Phạm Thiên, là vị tạo ra muôn loài theo niềm tin của đạo Bà La Môn. Người VN cũng tôn sùng cha mẹ nhưng người Việt không cảm nhận được vị trời Phạm Thiên nên ví cha mẹ như Phật Thích Ca và Phật bà Quan Âm:

Có hai Phật sống trong nhà

Sớm hôm lễ niệm đâu cần đi xa

Cha già như Phật Thích Ca

Mẹ già như thể Phật bà Quan Âm

Cha mẹ có công sinh thành dưỡng dục to lớn biết bao, do đó làm con là phải biết ân đức đó và báo ân đúng pháp. Ngoài việc chăm lo cho cha mẹ miếng ăn giấc ngủ, người Phật tử còn phải tìm cách tác động cho cha mẹ kính tín Tam bảo và phát tâm sống theo Chánh pháp.

 

 

 

Ngày 15/08/2019: Hòa thượng Thích Giác Hạnh

 


Hòa thượng Thích Giác Hạnh

 

Tối 15/08/2019, buổi cuối của tuần lễ Pháp Hội Vu Lan, tại Giảng đường Chánh Trí Chùa Phật học Xá Lợi, Giảng sư Hòa thượng Thích Giác Hạnh, UV Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN, Giảng viên Ban Hoằng Pháp Trung Ương, Phó Ban Trị sự tỉnh hội Phật Giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trưởng Ban Hoằng Pháp tỉnh hội Phật Giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; đã đến thuyết giảng, liên quan với ý nghĩa của chữ “Hiếu”trong đạo Phật.

Hòa thượng, cũng với chất giọng trầm ấm khỏe mạnh, đã mở đầu về ý nghĩa của chữ “Hiếu”. Lòng hiếu thảo không những mang đến hạnh phúc cho cha mẹ, mà điều đó còn khiến giá trị của bản thân được tôn vinh và được mọi người kính trọng. Trong đạo Phật chữ “Hiếu” được chia làm 3 cấp độ, là Tiểu hiếu, Trung hiếu và Đại hiếu.

- Tiểu hiếu tức là phải chu toàn việc đi lại thăm nom, chăm sóc ân cần cha mẹ, bên cạnh hầu hạ cha mẹ, làm cho cha mẹ vui.

- Trung hiếu là người con biết hướng dẫn dìu dắt cha mẹ quy y Tam bảo, tạo điều kiện để cha mẹ biết bố thí, cúng dường, tâm bồ đề tăng tiến. Chưa biết thọ trì giới pháp, chưa biết tu tập thì người con phải hướng dẫn cha mẹ và phải làm gương để cha mẹ thực hiện. 

- Còn Đại hiếu chính là người con nỗ lực tu hành đắc đạo, có đủ năng lực thần thông có thể nhìn thấy cha mẹ ở bất cứ cảnh giới sanh tử nào, đều có thể hóa thân tiếp độ cho cha mẹ thoát khỏi biển sanh tử và đi về nơi giác ngộ, đó mới chính là Đại hiếu - là chữ hiếu mà nhà Phật muốn hướng đến.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 33
    • Số lượt truy cập : 6794804