Tin tức

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA CHÙA LONG QUANG

TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ PHẬT GIÁO CẦN THƠ

 

 

DƯƠNG KIM PHƯỢNG
(THÍCH NỮ PHƯỚC ĐĂNG)[1]

 

Chùa Long Quang hiện tọa lạc tại khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Ngôi chùa nằm cặp tuyến Quốc lộ 91B - Nguyễn Văn Linh, đoạn gần cầu Bình Thủy 3. Từ vị trí chân cầu Bình Thủy 3 đi vào đường Đinh Công Chánh khoảng 1km; phía trước chùa là con sông Bình Thủy khá lớn nên rất thuận lợi về đường thủy. Là Di tích nghệ thuật cấp Quốc gia, từ khi thành lập và trải qua từng thời kỳ kháng chiến cho đến nay, chùa Long Quang đã có những đóng góp thiết thực trên bước đường phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.

1. KHÁI QUÁT SỰ HÌNH THÀNH CHÙA LONG QUANG

Chùa Long Quang xưa kia thuộc tổng Định Thái, huyện Vĩnh Định, sau đổi lại tổng Định Thới, huyện Ô Môn. Năm 1945 đổi lại xã Long Tuyền, tỉnh Phong Dinh. Từ năm 1975 đến 1992 cho đến khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc trung ương, vị trí chùa thuộc xã Long Hòa, nay là phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Chùa Long Quang do Thiền sư Thiện Quyền (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn dưới triều Minh Mạng. Năm Giáp Thân (1824), thời bấy giờ xã Bình Thuỷ, xã Long Hoà, thị trấn Long Tuyền chỉ là một thôn mang tên Bình Thuỷ. Hồ sơ về lịch sử chùa có ghi: Thiền sư Thiện Quyền “Ngài họ võ, huý văn Quyền. Ngài quy y với hoà thượng Thiên Ấn ở chùa Linh Quang (Gia Định). Ban đầu chùa là ngôi thảo am tranh, do số tín đồ quy theo Phật ngày thêm đông, thảo am trở nên chật chội. Năm 1835, hoà thượng cho xây chùa và đặt tên là Long Trường Tự, với ý nghĩa nguyện cầu chùa bền như trời đất như núi sông theo ý muốn của câu Hán tự “Dữ thiên địa long hưng - Hoà sơn hà trùng cửu”. Cũng vào năm Minh Mạng 16 (1835) chùa được liệt kê vào danh sách các tự viện và được miễn sưu thuế. Thiền sư Liễu Huệ đã sống hết lòng với sự tu hành tại chùa cho đến khi mãn phần”[2].

Lúc bấy giờ ngôi chùa chỉ được xây bằng gỗ, mái ngói đơn sơ, Tổ Thiện Quyền đặt tên chùa là Long Trường Tự. Đến năm 1860 chùa được đổi lại Long Quang Tự. Năm 1945 thực dân Pháp trở lại xâm lược đất nước, Hòa thượng Trí Thới cùng với nhân dân đã tháo dỡ ngôi chùa nhằm “tiêu thổ kháng chiến”. Đến năm 1965 chùa được xây dựng lại trên nền cũ, và vào năm 1966 chính điện mới được hoàn thành. Từ đó cổng chùa mới ghi tên gọi Long Quang Cổ Tự. Trải qua bao thăng trầm biến cố lịch sử chùa được trùng tu nhiều lần. Cho đến năm 1992, Đại đức Thích Bình Tâm về trông coi và quản lý chùa. Năm 1994, thầy Bình Tâm cho trùng tu lại ngôi chính điện, các hạng mục công trình khác cũng lần lượt được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, trùng tu.

Chùa Long Quang có tổng diện tích 11.700m², gồm: cổng tam quan, chính điện, thiền đường, Địa Tạng đường, nhà khách, phòng trưng bày sách, văn phòng trường Trung cấp Phật học, khu mộ tháp, khu nhà ni, phòng trụ trì, hội trường, tăng xá, khu nhà ăn, khu thiền thất, lò xử lý rác, khu nhà xe. Cảnh quang xung quanh chùa có nhiều cây xanh, ao sen, không gian rộng rãi, thoáng mát, yên tĩnh.

Từ khi thành lập chùa cho đến nay, qua bao thăng trầm lịch sử, chùa đã trải qua 7 đời trụ trì. Lịch sử về quá trình hoạt động, đóng góp của các vị hầu như ít được đề cập đến, dấu ấn đậm nét nhất là giai đoạn Thượng tọa Thích Bình Tâm về trụ trì (từ năm 1992). Ngôi chùa góp phần không nhỏ để Phật giáo khẳng định vai trò, ảnh hưởng đối với đời sống văn hóa - xã hội của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tâm linh, chùa Long Quang còn góp phần thu hút, phát triển du lịch; chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích nghệ thuật cấp Quốc gia; đồng thời là nơi được Thường trực Ban Trị sự lựa chọn để tổ chức các sự kiện, các lễ trọng của Phật giáo Cần Thơ; là nơi đào tạo, giáo dục bao thế hệ Tăng, Ni của Phật giáo thành phố Cần Thơ và một số tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ.

2. ĐÓNG GÓP CỦA CHÙA LONG QUANG ĐỐI VỚI ĐẠO PHÁP

Lịch sử phát triển của đạo Phật luôn gắn liền với vai trò của người trụ trì. Cơ sở tự viện có phát triển, có quy mô khang trang, điều kiện về cơ sở vật chất có đầy đủ, tín đồ Phật tử đông hay ít cũng nhờ tài đức và sự đóng góp của các vị thầy tổ. Nhìn chung, với vai trò chính là xiển dương chánh pháp, truyền bá đạo Phật, các vị trụ trì chùa Long Quang trước đây và hiện nay đều chú trọng công việc trùng tu, xây dựng thêm cơ sở tự viện. Đến ngày nay, chùa Long Quang đã xây dựng mới hai lần vào năm 1824 và 1835, trùng tu sáu lần vào các năm 1860, 1875, 1893, 1930, 1965 và 1994. Ngoài ra, nhiều hạng mục công trình cũng được xây dựng và hoàn thiện với nhiều công năng khác nhau như thiền đường, hội trường, tăng xá, vườn thiền... đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của tín đồ, Tăng Ni, cơ sở tự viện và Giáo hội.

Nếu trong quá khứ, các bậc thiền sư, thầy tổ dày công khai hoang mở đất tạo nên ngôi Già-lam Long Quang cổ tự từ mái lá, thân cây đơn sơ, để rồi sau đó trở thành trường học, nơi giáo dục về tinh thần yêu nước, nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng... thì ngày nay chùa Long Quang đã trở thành cơ sở tự viện tiêu biểu của Phật giáo Cần Thơ và có nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc trên nhiều phương diện khác nhau.

Ngày nay, chùa Long Quang là nơi đặt trụ sở của Ban Trị sự quận, Bình Thủy, từ năm 2004 đến 2016, Hòa thượng Thích Thiện Tài được suy cử làm Trưởng Ban Đại diện (Ban Trị sự). Từ năm 2016 đến nay (nhiệm kỳ 2016-2021), Thượng tọa Thích Bình Tâm làm Trưởng Ban Trị sự. Công tác Phật sự trên các lĩnh vực: tăng sự, nghi lễ, giáo dục, thông tin truyền thông, hướng dẫn Phật tử, từ thiện- xã hội ngày càng được quan tâm, kiện toàn và củng cố. Ngoài ra, Ban Trị sự cũng phối hợp tốt với chính quyền, ban ngành các cấp trong các hoạt động liên quan Phật giáo. Bên cạnh đó, Ban Trị sự còn thúc đẩy mối quan hệ, đoàn kết với các tôn giáo khác tại địa phương như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ...

Năm 2011, chùa Long Quang là văn phòng của Trường Trung cấp Phật học. Tiền thân của Trường Trung cấp Phật học Cần Thơ là Trường Cơ bản Phật học Cần Thơ. Năm 1989, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hậu Giang đã xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh mở Trường Cơ bản Phật học tại chùa Bửu Liên (địa chỉ hiện nay: số 22/71/4 Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều), do Hòa thượng Thích Bửu Lai làm Hiệu trưởng. Khóa I (1989-1993) có 42 Tăng, Ni sinh. Năm 1991, trường dời về chùa Bửu Ân (số 58 Nguyễn Thái Học, phường Tân An, quận Ninh Kiều). Khóa II (1993-1997) có 36 Tăng, Ni sinh. Hòa thượng Thích Huệ Giác làm Hiệu trưởng.

Trường đào tạo được 02 khóa, sau đó xin mở Lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học, giai đoạn này do Hòa thượng Thích Trí Quảng làm Hiệu trưởng. Khóa I (1998-2001) có 112 Tăng, Ni sinh; khóa II (2002-2004) có 46 Tăng, Ni sinh.

Trong khoảng thời gian từ năm 2004-2009, Phật giáo Cần Thơ vắng bóng Tăng, Ni sinh theo học tại Trường Cơ bản Phật học và Lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học. Năm 2009, mở Lớp Sơ cấp Phật học dành cho Chư Ni tại chùa Phước Long, quận Cái Răng Niên khóa 2009-2011 có 50 Ni sinh. Do Thượng tọa Thích Giác Điệp làm chủ nhiệm.

Năm 2011, Phật giáo Cần Thơ xin tái lập Trường Trung cấp Phật học tại 02 điểm: chùa Phước Long (Cái Răng) và chùa Long Quang (Bình Thủy). Do Hòa thượng Thích Huệ Trường làm Hiệu trưởng. Khóa I (2011-2015) có 85 Tăng Ni sinh; khóa II (2015-2018) có 138 Tăng Ni sinh, do Đại đức Thích Thiện Nghiêm làm Hiệu trưởng và xin tiếp tục mở lại Lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học, khóa I (2015-2017) có 87 Tăng, Ni sinh[3]. Năm 2018, Thượng tọa Thích Bình Tâm được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.

Về cơ sở vật chất, chùa đã đáp ứng mọi điều kiện nơi ăn nghỉ của Giảng sư, Giảng viên, Tăng Ni sinh, đầu tư trang thiết bị, phương tiện đi lại, xây dựng thêm các hạng mục công trình để phục vụ nhu cầu học tập và giảng dạy. Vào năm 2018, Thượng tọa Thích Bình Tâm đã xin phép xây dựng mới Hội trường và Tăng xá với quy mô 2 tầng, chiều cao 10,8m, diện tích sàn là 971,2m2, công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng cho hoạt động Phật sự chung của quận Bình Thủy và thành phố Cần Thơ.

Hàng năm, chùa còn tổ chức lễ húy kỵ Hòa thượng Từ Quang ngày 11 tháng 5, lễ cúng dường trai tăng, các ngày lễ trọng như lễ Phật đản, lễ Dâng y, lễ Vu Lan... Năm 2013 chùa tổ chức các khóa tu Giao lưu trại hè; từ năm 2014 đến nay chùa tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên, với chủ đề Hạt giống tâm hồn, số lượng tham dự của hơn 300 - 500 thanh thiếu niên Phật tử, với nhiều nội dung, chương trình: thức chúng, vệ sinh cá nhân, học nội quy, học Phật pháp, chơi trò chơi dân gian, thiền hành quanh chính điện, tọa thiền, chỉ tịnh, thiền hành khất thực, nghe thuyết giảng giáo lý, gameshow, tổ chức khóa lễ, học kỹ năng sơ cấp cứu, cắm hoa, thi vẽ tranh, văn nghệ, đốt lửa trại, hoa đăng...

Ngoài khóa tu mùa hè, chùa còn tổ chức khóa tu pháp hội, khóa tu niệm Phật, khóa tu một ngày an lạc, như:

+ Khóa tu pháp hội: dành cho Phật tử lớn tuổi (từ 30 - 70 tuổi) vào năm 2015, từ ngày 26-28/6/2015, với các nội dung như tụng kinh, cúng ngọ, niệm Phật, phóng sanh, cầu siêu, pháp hội (nhất, nhị, tam).

+ Khóa tu niệm Phật từ ngày 02-04/6/2017, niệm Phật, kinh hành, chỉ tịnh, cúng thí thực, sám hối, thuyết pháp...

+ Khóa tu một ngày hằng năm thời gian thường diễn ra vào các ngày thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần.

Các hoạt động khóa tu, trại hè, pháp hội... chính là lớp học về đạo, là cơ hội, là dịp để Phật tử và giới trẻ có thêm kỹ năng sống, hoàn thiện nhân cách, phát huy các giá trị tinh thần, đưa Phật pháp được ứng dụng một cách triệt để; là môi trường để mọi tầng lớp tín đồ đạo Phật sống biết yêu thương, chia sẻ, đồng cảm, sống có hoài bão, hiểu được giá trị tốt đẹp của cuộc đời, ý nghĩa của nhân sinh. Các hoạt động ấy đã kết nối giữa đạo với đời, giữa Tăng sĩ và Phật tử, tạo mối quan hệ gắn bó và giúp cho Phật giáo ngày thêm trường tồn.

Chùa Long Quang còn tổ chức các khóa An cư kiết hạ vào các năm 2013 và 2019. Năm 2019 khóa An cư Kiết hạ PL.2563, với số lượng tập trung là 268 vị (Tăng 148, Ni 120). Đặt biệt nhất, năm 2012, chùa Long Quang vinh dự được Ban Trị sự chọn làm điểm tổ chức Đại Giới đàn Huệ Thành, có 1.400 Giới tử (điểm truyền giới cho Tăng). Thời gian từ ngày 10-12/12/2012. Điểm truyền giới cho Ni được tổ chức tại chùa Phước Long, quận Cái Răng. Tham dự giới đàn có Chư tôn giáo phẩm Hội đồng chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự thành hội và các tỉnh thành cùng lãnh đạo chính quyền thành phố Cần Thơ.

Phật giáo Cần Thơ đã tổ chức Đại giới đàn Huệ Thành vì lòng tri ân sâu sắc đến vị Giáo phẩm có đạo hạnh tốt. Ngài là một vị chân tu đã trọn đời cống hiến sức lực, trí tuệ cho đạo pháp, là tấm gương sáng cho hàng hậu học noi theo. Giới luật là mạng mạch của Phật giáo: giới luật còn Phật pháp còn, giới luật mất Phật pháp hoại diệt. Việc tổ thành công Đại giới đàn Huệ Thành tại chùa Long Quang vào năm 2012 một lần nữa đã khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của Phật giáo Cần Thơ, trong đó có những đóng góp và cống hiến của toàn thể chư Tăng Ni chùa Long Quang.

3. ĐÓNG GÓP CỦA CHÙA LONG QUANG ĐỐI VỚI NHÂN SINH

Chùa Long Quang, từ một am cốc đơn sơ để thờ Phật nay là Di tích cấp Quốc gia vào năm 1993, chùa đã được nhiều người tìm đến để chiêm ngưỡng, tham quan, lễ bái. Chùa Long Quang là ngôi chùa cổ có lịch sử hình thành gần 200 năm, nhưng nhìn một cách tổng thể, lối kiến trúc của chùa khá đơn giản, không có nhiều hoa văn, phù điêu chạm trổ cầu kỳ; các công trình của chùa có sự pha trộn giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, kết hợp gỗ và các vật liệu (xi măng, sắt, đá, tol, gạch…). Với không gian yên tĩnh, nhiều cây xanh, bóng mát, rộng rãi, đã thu hút biết bao người tìm đến để chiêm ngưỡng, tham quan; đồng thời đây cũng là nơi để cho những ai còn phiền não nơi cõi lòng thì có thể tìm thấy sự an lạc, thanh thản, xua tan những mệt nhọc của cuộc sống với nhiều thị phi của đời thường.

Với tinh thần “Hộ quốc an dân” trên bước đường phụng sự đạo pháp và dân tộc, các hoạt động của chùa Long Quang đã góp phần thiết thực cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, các bậc Thầy tổ đã tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ quê hương đất nước “Sư Từ Thới huý Chơn Khương là một nhà sư yêu nước. Lúc bấy giờ có ông Tòng Hiên là một chiến sĩ Văn Thân ở Quảng Ngãi chạy vào Nam lánh nạn. Sư Từ Thới liền mời ông Tòng Hiên vừa dạy chữ, dạy thuốc, vừa truyền bá tư tưởng yêu nước”[4]. Các Ngài với tinh thần vì đất nước nên chùa lúc bấy giờ bị rơi vào trong sự kiểm soát “Chánh quyền đô hộ lúc bấy giờ phát hiện những hoạt động không bình thường trong chùa Long Quang. Họ cho mật thám theo dõi nên ông Tòng Hiên và một số đồng chí phải qua chùa Long Phước ở Nha Mân (Sa Đéc). Ở đây ông cũng mượng cớ dạy học để hoạt động yêu nước. Chẳng may đại sự bất thành, có người bị địch bắn chết, có người bị bắt, cầm tù. Ông Tòng Hiên phải trở về chùa Long Quang lần thứ hai. Mười năm sau ông trở về Quảng Ngãi”[5]. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các vị Thầy và những người dân đã làm bằng những việc làm cụ thể nhằm góp phần bảo vệ nước nhà. “Sau năm 1945, đề phòng thực dân Pháp trở lại đóng đồn bốt, sư Từ Thới và bổn đạo tình nguyện tiêu thổ kháng chiến. Năm 1947 lại hiến thêm quả Đại Hồng chung cổ để lấy đồng làm đạn bảo vệ Tổ quốc. Từ đó chùa Long Quang là cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động nội thành [6]. Chùa Long Quang tiêu biểu cho các tự viện Phật giáo tại Cần Thơ trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược, chính mốc son lịch sử này đã lưu truyền cho thế hệ mai sau về những đóng góp của Phật giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Như vậy, với những việc làm thiết thực, với tinh thần cống hiến, phụng sự, lúc công khai, khi thì bí mật, người góp sức, người tích cực vận động, tham gia, tuyên truyền, hưởng ứng và Tăng Ni chùa Long Quang đã góp phần thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình yên cho nhân dân.

Trong thời gian qua, nhận định về  hoạt động từ thiện - xã hội tại chùa Long Quang, Thượng Tọa Thích Bình Tâm cho biết: “Giúp cho bà con nghèo tại địa phương và một số tỉnh như cho gạo, mì, và nhu yếu phẩm... làm rất nhiều và thường xuyên (..). Chùa Long Quang có những đóng góp năm 2018 là 177 triệu đồng; năm 2019 là 217 triệu đồng”[7]. Việc giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, các mảnh đời bất hạnh vượt qua cơn nguy khó, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đạo Phật đã ảnh hưởng sâu đậm trong tư tưởng, nhận thức của đại bộ phận người Việt Nam; tinh thần từ bi, yêu thương chúng sanh đã được các chức sắc, chức việc, Tăng Ni, Phật tử chùa Long Quang, định hướng, cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực để đạo và đời gắn bó mật thiết với nhau, nương tựa vào nhau để cùng tồn tại và phát triển bền vững.

Trong khoảng thời gian chùa tồn tại gần 200 năm, với những đóng góp qua các hoạt động diễn ra thường nhật, thông qua việc tổ chức, sinh hoạt các khóa tu, các buổi thuyết giảng giáo lý; qua quá trình gặp gỡ, tiếp xúc giữa sư phụ và đệ tử, giữa thầy và trò,... chư Tăng Ni chùa Long Quang đã góp phần đưa tư tưởng, triết lý đạo Phật đến với cuộc sống, các ngài đã hướng dẫn, chỉ dạy, giáo dục, cảm hóa bao thế hệ con người.

Trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đến nay chùa Long Quang đã phát triển và mở rộng về phạm vi hoạt động, về cơ sở tự viện lẫn tín đồ, Phật tử. Theo Văn phòng Ban Trị sự, hiện đã có 07 cơ sở tự viện được xem là chi nhánh của chùa, cụ thể: Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (huyện Phong Điền), chùa Long Phú (quận Cái Răng, Đại đức Thích Quang Hiếu làm trụ trì), chùa Long Sơn (tỉnh Bến Tre, Đại đức Thích Quang Hân làm trụ trì), chùa Giác Nguyên (huyện Cờ Đỏ, Đại đức Thích Quang Phước làm trụ trì), chùa Mai Xuân (huyện Phong Điền, Đại đức Thích Quang Thạc làm trụ trì), chùa Phước Nguyên (huyện Phong Điền, Đại đức Thích Minh Trí làm trụ trì), tịnh thất Phước Quang (huyện Phong Điền, Đại đức Thích Quang Thật, phụ trách), chùa Hương Thiền (tỉnh Hậu Giang, Sư cô Thích nữ Hương Trinh làm trụ trì). Hầu hết các tự viện trên đều có cơ sở khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, lễ bái của Tăng Ni và Phật tử. Các vị Tăng Ni tại các tự viện trên đều là đệ tử của Thượng tọa Thích Bình Tâm và đều có nguồn gốc từ chùa Long Quang, đã được thầy Bình Tâm dạy dỗ nên người, các vị đều có kiến thức, hiểu biết và đủ khả năng nhiếp chúng, hướng dẫn tu tập, chăm lo đời sống sinh hoạt của chúng, có đạo hạnh tốt, có khả năng tập hợp, đoàn kết, có trình độ về Phật học và thế học, có tinh thần phụng sự...

Theo Thượng tọa Thích Bình Tâm: “tính sơ bộ có khoảng trên dưới 50 Tăng Ni là đệ tử, còn Phật tử thì không thống kê chi tiết; riêng Phật tử chùa Long Quang theo ước tính khoảng 500 người. Khi phân công và giao nhiệm vụ cho các đệ tử quản lý các tự viện, thầy đều hỗ trợ mọi mặt, trong đó có việc xây dựng, sửa chữa và hướng dẫn công tác tổ chức, sinh hoạt Phật sự...”[8].

Với những mạng lưới các chùa trực thuộc nêu trên, chùa Long Quang đã có đủ tiêu chí để trở thành chùa Tổ Đình Long Quang.

Nhìn chung, vai trò của các vị Tăng Ni là vô cùng quan trọng, chính các vị đã góp phần truyền bá giáo lý đạo Phật. Phật giáo được trường tồn và phát triển là nhờ công sức của các vị, trong đó việc giáo dục nhân cách, giúp cho con người sống có trách nhiệm, xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, biết đúng sai, kính trên nhường dưới, giúp cho con người xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau nhiều hơn... là một trong những nhiệm vụ cao cả của đạo Phật trong xã hội ngày nay.

Trải qua các đời trụ trì, với những cống hiến của mình, có thể thấy quý ngài đã phát huy tốt tinh thần của đạo Phật, đó là gắn bó đồng hành cùng dân tộc, luôn hướng dẫn tu tập, sinh hoạt đúng theo chánh pháp, đảm bảo sự hòa hợp tăng chúng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Phật tử; tập hợp, cố kết cộng đồng; sáng tạo các giá trị văn hóa, nghệ thuật Phật giáo; điều chỉnh hành vi, góp phần xây dựng, hoàn thiện nhân cách hướng đến chân, thiện, mỹ.

Chùa Long Quang là một trong những cơ sở tự viện tiêu biểu ở Cần Thơ xét về không gian, thời gian, về cách thức tổ chức, sinh hoạt, tu tập. Chư Tăng Ni trong chùa, dưới sự dạy bảo của Thượng tọa Thích Bình Tâm, các vị đều nghiêm trì giới luật, hằng ngày đều công phu, tinh tấn tu học, tự sách tấn bản thân. Đặc biệt vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch, được xem là ngày trưởng tịnh (làm phát triển sự thanh tịnh của Tăng Ni trong Tăng đoàn). Thượng tọa Bình Tâm cho biết: “ngày  này Tăng Ni ở chùa sẽ làm lễ Bố tát (kiểm điểm hành vi của mình và tụng giới luật)”.

Với người Phật tử thì vào những ngày sóc, vọng (mồng 1 và 15 âm lịch) hằng tháng họ đều đến chùa dâng hoa, trái cây cúng dường chư Phật, Bồ tát... Do điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nên chỉ có một số Phật tử đến chùa vào đêm 14 và 30 âm lịch để sám hối, cầu nguyện, khấn vái, quyết dứt bỏ điều dữ, làm điều lành.

Khuôn viên chùa Long Quang có  nhiều cây xanh, không khí trong lành, thoáng mát nên phần nào đó giúp cho những người đến chùa lễ Phật, tham quan có thể tìm thấy sự yên bình nơi cõi lòng. Ngồi trên ghế đá dưới gốc cây, trong không gian yên tĩnh cũng là dịp để con người suy ngẫm về cuộc sống, về những công việc đã làm, về các định hướng trong tương lai. Với khu vườn có nhiều cây xanh, hoa lá, cây cỏ kết hợp với sự khéo léo, tài tình trong cách bố trí các hạng mục công trình đã thể hiện tinh thần, cách ứng xử hài hòa với thiên nhiên, bên cạnh đó là vẻ đẹp thoát tục của các pho tượng Phật, Bồ tát, chư vị thánh thần, âm thanh ngân nga vang vọng tiếng chuông chùa phần nào giúp cho con người giảm bớt đi sự phiền muộn, nỗi lo về cuộc sống, về cơm áo gạo tiền mà hướng đến những điều tốt đẹp đang đợi ở phía trước.

Vào các dịp lễ trọng như lễ Phật đản, lễ Vu Lan...  hàng ngàn lượt người cùng nhau hội tụ về chùa, đó không chỉ là những ngày lễ hội tôn giáo, mà còn là lễ hội văn hóa của dân tộc. Khi đến tham dự, chứng kiến, cảm nhận trong không khí vui tươi, trang nghiêm, thanh tịnh, thì tự dưng trong bản thân mỗi con người sẽ cảm thấy gắn bó hơn với quê hương, gắn kết với cộng đồng nơi mình đang sinh sống. Mỗi lễ hội thuộc về Phật giáo đều có ý nghĩa và mục đích riêng, nhưng chung quy lại đều góp phần giáo dục người con Phật hoàn thiện hơn về nhân cách, biết nhớ ơn thầy tổ, kính ngưỡng Phật pháp và các bậc chân tu, củng cố hơn nữa lòng hiếu kính ông bà, cha mẹ, giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…      

LỜI KẾT

Chùa Long Quang đã có những đóng góp quan trọng đối với đời sống văn hóa - xã hội của các tầng lớp người dân tại địa phương.

Đối với đạo pháp, chùa là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa của Phật giáo, là trụ sở của Ban Trị sự quận, định hướng các mặt hoạt động Phật sự tại quận Bình Thủy, là văn phòng của Trường Trung cấp Phật học; đồng thời có thể xem là trung tâm Phật giáo của quận Bình Thủy và thành phố Cần Thơ. Đây là một trong những cơ sở tự viện có quy mô khang trang, sạch đẹp, thoáng mát, yên tĩnh để Tăng Ni, Phật tử yên tâm sinh hoạt và tu học. Dưới sự quản lý và điều hành của Thượng tọa Thích Bình Tâm, chùa Long Quang được xem là tự viện kiểu mẫu về cách thức tổ chức và hoạt động đạo sự. Chùa luôn được Ban Trị sự các cấp ưu tiên lựa chọn tổ chức các sự kiện lớn, các cuộc lễ trọng của Phật giáo như Đại giới đàn, An cư Kiết hạ, Phật đản...

Đối với nhân sinh, chùa Long Quang đã phát huy tốt tinh thần yêu nước, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Truyền thống quý báu đó đã được hun đúc từ trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Các vị thầy tổ đã tham gia, củng cố, xây dựng cơ sở, căn cứ hoạt động cách mạng ngay tại chùa, có vị hiến cả vật dụng, đồ thờ tự của chùa để làm vũ khí chống giặc. Chùa Long Quang, từ một mái am tranh đơn sơ để thờ Phật, nay đã trở thành Di tích cấp Quốc gia, điểm thu hút khách tham quan, du lịch từ nhiều nơi, đóng góp và sự phát triển kinh tế thành phố Cần Thơ. Với quy mô như hiện nay, với vai trò là Văn phòng của Trường Trung cấp Phật học, trụ sở Ban Trị sự quận, thì chùa Long Quang chính là cơ sở tự viện tiêu biểu, là niềm tự hào của Tăng Ni và Phật giáo Cần Thơ xét về không gian và thời gian.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ (2017), Khái lược tiểu sử hình thành và phát triển Phật giáo Hậu Giang - Cần Thơ từ năm 1983 đến nay, Kỷ yếu lưu hành nội bộ, Cần Thơ, tr. 7-11.

2. Báo cáo tổng kết của Văn phòng Ban Trị sự thành phố Cần Thơ năm 2018, 2019.

3. Chùa Cổ Việt Nam (2011), Vũ Ngọc Khánh (Biên soạn), Nxb. Thanh Niên, Hà Nội.

4. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hội Đồng Trị Sự, (2016), Hội Thảo Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN Thành Tựu - Ổn Định - Phát Triển (7/11/1981 - 7/11/2016), Việt Nam Quốc Tự, TP. HCM. Bài tham luận, Thích Minh Thiện, Xây dựng ngôi chùa Văn hoá, tr. 150-153.

5. Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam, từ TK XVII đến 1975, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

6. Trần Hồng Liên (2004), Góp Phần Tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Hội.

7. Trần Hồng Liên (2010), Tìm hiểu chức năng xã hội của Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội.

8. Thích Thanh Từ (2010), Đạo Phật trong mạch sống dân tộc, Nxb. Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

9. Võ Văn Tường (1992), Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

10. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam Bộ, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.

11. Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb. Thế Giới, Hà Nội.

12. Viện Trần Nhân Tông (2018), Phật giáo nhập thế và các Vấn đề Xã hội Đương đại, Nxb. ĐHQG, Hà Nội.

 


[1]. Dương Kim Phượng (Thích nữ Phước Đăng), Học viên Cao học khoá 2 (HVPGVN tại TP. HCM)

[2]. Bộ Văn hóa Thông Tin (nay là bộ Văn Hóa - Thể Thao - Du Lịch), năm 1993, tr. 1.

[3]. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ (2017), Khái lược tiểu sử hình thành và phát triển Phật giáo Hậu Giang - Cần Thơ từ năm 1983 đến nay, Kỷ yếu lưu hành nội bộ, Cần Thơ, tr. 7-11.

[4]. Chùa Cổ Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh (biên soạn), (2011), Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, tr. 133.

[5]. Chùa Cổ Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh (biên soạn), (2011), Nxb. Thanh Niên, Hà Nội tr. 133-134. 

[6]. Chùa Cổ Việt Nam (2011), Vũ Ngọc Khánh (Biên soạn), Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, tr. 134.

[7]. Báo cáo tổng kết của Văn phòng Ban Trị sự thành phố Cần Thơ năm 2018, 2019

[8]. Trích phỏng vấn Thượng tọa Thích Bình Tâm, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Phong Điền và quận Bình Thủy, 8h ngày 21/9/2020, người thực hiện: TN Phước Đăng.   

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6130396