Tin tức

Những mầm bất thiện

NHỮNG MẦM BẤT THIỆN

TRẦN QUỐC TRIỆU

Bất thiện có nghĩa là hành động, lời nói hay ý nghĩ xấu, thường gây tai họa, đau khổ cho chính mình, cho người khác, hoặc cho cả hai, khiến người lánh xa, không ưa thích, có tác dụng xấu, bất lợi, đem đến hậu quả khó lường. Thiện có nghĩa là hành động, lời nói hay ý nghĩ tốt, đem lại an vui, hạnh phúc cho chính mình, cho người khác, hoặc cho cả hai, khiến người thương mến, thích thân cận, có tác dụng tốt, đem đến kết quả mong đợi.

Tuy nhiên, ranh giới giữa thiện và bất thiện nhiều khi không rõ rệt, có thể dễ bị hiểu lầm. Chẳng hạn như cha mẹ hay quở trách, la mắng con cái hay một vị thầy luôn nghiêm khắc với học trò xem qua có vẻ ác nhưng thực chất là việc thiện lành vì đem lại tương lai cho con cái cho học trò của mình. Trái lại, có người luôn cưng chiều con cái, trông qua có vẻ thiện, nhưng thực chất là bên trong chứa đựng những mầm bất thiện vì có thể làm hư con mình, thậm chí con mình vào chỗ sa đọa, mất hết tương lai.

Như vậy, muốn xét thiện hay ác, còn phải xét xem tâm ta người muốn gì, khi hành động, nói năng hay suy nghĩ với mục đích gì. Người ngoài cuộc phê bình, phán xét đôi khi không chính xác. Làm sao biết rõ việc nào thiện, việc nào ác. Có những điều mà ở thời buổi này, địa phương này, tôn giáo này, xã hội này cho là điều thiện; ở thời buổi khác, địa phương khác, tôn giáo khác và xã hội khác cho là điều ác.

Nói về thiện ác trong đời sống thì rất rộng, ở đây chỉ xin chia sẻ đôi điều mà tự thân mỗi người đều có thể bắt gặp đâu đó trong những khoảnh khắc của cuộc đời. Đúng sai hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, căn cơ trình độ và thái độ của mỗi người, không có một công thức cứng nhắc nào để áp dụng trong mọi lúc mọi nơi. Đây chỉ có thể là sự gợi ý cho ta biết quay trở về nhìn lại mình trong mỗi giây phút của đời sống, để thấy biết một cách rõ ràng những suy nghĩ, nói năng và hành động của mình khi xúc chạm việc đời.

Vì sao có nhiều người lương thiện lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người ác lại vẫn sống tốt?

Thực ra, nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm người này vẫn có những mầm bất thiện tương ứng. Nếu một người trong nội tâm không có điều ác nào thì người này sẽ không có cảm giác thống khổ. Khi ta thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội tâm của ta có tồn tại điều gì đó vướng mắc, chấp trước, ta không phải là một người lương thiện thật sự. Những người ta cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác. Một người luôn vui vẻ trong mọi hoàn cảnh sống, ít nhất cũng có thể nói người này không phải là người ác thật sự.

Nhiều người trong chúng ta làm được các việc thiện, giúp đỡ được nhiều người thì sao mình là người ác được?

Nếu sự giúp đỡ đó được thực hiện với sự thấu hiểu đời sống, hoàn cảnh, được sự dẫn dắt bởi trí tuệ vượt khỏi mong cầu của bản ngã với một cái tâm không dính mắc thì mới thực sự là thiện. Ta thực hành bố thí về vật chất nhưng không thực sự xả ly trong tinh thần, thái độ... Đời sống nội tâm vẫn còn nhiều nỗi khổ nghĩa là trong tâm ta đang tồn tại những mầm bất thiện.

Chúng ta cảm thấy xã hội nhiều khi bất công, thấy nơi mình có nhiều nỗi khổ như: Cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên thua thiệt bởi vậy trong lòng thường cảm thấy không thoải mái.

Nếu thu nhập hiện tại của ta đã đủ nuôi sống chính mình và gia đình, còn có cả phòng ốc để ở không phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ thì căn bản cũng đã là hạnh phúc. Nhưng nếu ta luôn cảm thấy không đủ, không thỏa mãn đó là vì ta có lòng tham đối với tiền tài và của cải. Loại lòng tham này chính là những mầm bất thiện. Nếu ta đã xoay xở hết cách mà chẳng thể đủ sống, phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ thì cũng cần phải xem lại chính mình, vì lý do gì mà mình lại vào hoàn cảnh như vậy? Người vào hoàn cảnh này chính đã gieo nhân bủn xỉn, keo kiệt trong đời sống quá khứ và bây giờ gặt quả trong đời hiện tại. Pháp đã vận hành rất chính xác để dạy cho chúng ta những bài học để giúp ta thay đổi nhận thức. Thay đổi nhận thức sẽ giúp ta thay đổi lời nói, hành vi và đời sống của mình.

Trong xã hội có nhiều người không có học hành gì lại có thể là triệu phú, ta không phục; ta là một người có học hành đàng hoàng mà mỗi tháng lại chỉ có chút ít thu nhập, thật sự là không công bằng.

Ta thấy trong xã hội có nhiều người không có học hành gì nhưng lại giàu có và ta cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố kị, một loại mầm bất thiện. Ta thường không đủ trí tuệ để hiểu rằng người ta trở nên giàu có chẳng phải tự nhiên. Họ đã phải cho đi rất nhiều, phải trả giá để có thể có được kết quả đó. Sự bố thí và trả giá không chỉ ở trong đời sống của kiếp này mà họ đã gieo nhân thiện lành, phước đức về tài sản từ nhiều đời nhiều nhiều kiếp để đến lúc này hội đủ nhân duyên họ gặt hái được thành quả đó, ta nên cầu chúc cho họ càng giàu có hơn, càng có nhiều niềm vui hơn. Ta tự cho mình là có học hành nên cần phải có thu nhập cao, đây chính là tâm si. Tâm si mê cũng là những mầm bất thiện. Nếu ta cho rằng có học thì phải có thu nhập cao thì chưa học ra chút ít nào về bài học nhân duyên nghiệp quả. Chỉ có học hành tốt cũng chưa phải là lý do để có thể trở nên giàu có vì có rất nhiều người học tốt nhưng vẫn rất chật vật về đời sống vật chất. Ta có thể nhìn hiện tại để biết quá khứ, nhìn hiện tại để biết tương lai. Trong cõi nhân gian, ta trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Người thường không hiểu được điều này, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn được dưa, quả là khó hơn lên trời. Ta mong muốn giàu có mà không hiểu lý nhân - duyên - quả vì vẫn còn trong màn đêm của vô minh. Vô minh chính là mầm mống, là gốc gác của tham lam, bất thiện, chấp thủ và tạo tác...

Nếu ta nhận ra được ta luôn đủ thì chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng và chân lý của cuộc sống luôn luôn không nằm trong sự thoả mãn về vật chất. Nếu ta thấy được rằng mình may mắn khi có được cái ăn, cái mặc và những người giàu có về cơ bản cũng nhu cầu ăn mặc mà thôi thì tâm ta sẽ bớt đi những phiền não, khổ đau. Dù ta chẳng có nhiều tiền của nhưng ta lại an nhiên, tự tại thì chắc gì những người 
giàu có đã vui vẻ, an lạc và hạnh phúc hơn ta. Cũng thực sự cần có trí tuệ ta mới nhận ra sự giàu có chẳng phải là sở hữu những thứ bên ngoài mà chính là thái độ của ta. Những thứ bên ngoài chỉ là ta “mượn” để dùng tạm trong một khoảng thời gian nào đó. 

Ta luôn thấy mình giỏi hơn nhiều người khác mà cái mình nhận được lại không như mong muốn.

Ta cho rằng, ta có chỗ hơn người, tự cho là giỏi. Đây chính là tâm ngạo mạn. Có câu nói rằng: “Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy” (nghĩa là: ngọn núi cao mà ngạo mạn, sẽ không tạo nên loại nước tốt) người khi đã sinh lòng ngạo mạn, thì chẳng bao giờ thấy ra sự thiếu sót của bản thân và không thể nhìn thấy bản thân có những mầm bất thiện nơi mình thì sao có thể thay đổi để tốt hơn. Cho nên, người ngạo mạn sẽ tự mình đóng cửa chặn đứng sự tiến bộ của mình. Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người luôn biết nuôi dưỡng lòng 
khiêm hạ, luôn chăm sóc đời sống tinh thần với tâm hỷ xả thì mới thực sự có được sự an vui trong đời sống.

Người thân thường không nghe lời khuyên của mình và nhiều lúc ta không thấy mình được tôn trọng v.v...

Ta cảm thấy không thoải mái khi người thân không nghe lời khuyên chính là ta đã không rộng lượng. Dẫu là người thân của ta, nhưng họ vẫn là những thực thể độc lập có căn cơ trình độ, có nghiệp báo riêng, họ có tư tưởng và quan điểm của riêng mình, tại sao ta lại bắt họ cũng phải giống như ta? Không rộng lượng cũng là những mầm bất thiện.Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi! Nếu tâm ta có thể rộng mở như bầu trời, có thể bao dung vạn vật, người đó sao có thể khổ đây?

Chúng ta luôn có thiện và bất thiện cùng tồn tại nơi tâm thức với ranh giới thật mong manh. Nếu ta tự cho mình là người lương thiện, không có ác tâm thì hãy quán xét mình trong mỗi giây phút của đời sống, nếu thực sự chẳng có phiền não, khổ đau và dính mắc nào khởi lên nơi ta trong mọi hoàn cảnh sống thì ta đã là thực sự giác ngộ, đã viên thành cả lý và sự. Thực sự chẳng còn gì là trở ngại, ta đến an nhiên, đi tự tại trong trời đất đâu có gì để phải hoang mang. Nếu ta còn thấy tham, sân, si xuất hiện nơi tâm mình mỗi khi đối diện một hoàn cảnh thì ta biết rằng nơi mình vẫn còn những mầm bất thiện.

Tuy nhiên, ta cũng đừng vội sợ hãi và tìm cách để tiêu trừ nó vì tìm cách trừ khử nó cũng là mong cầu của bản ngã. Ban đầu có thể tất cả những hạt mầm bất thiện nảy nở một cách tự do và nó làm ta chạy theo sự sai xử của bản ngã. Nếu ta tìm cách dẹp nó đi, có thể nó sẽ chui sâu vào đâu đó trong vô thức và lại biểu hiện dưới những dạng thức tinh vi hơn mà ta khó thấy. Thực hành từng bước là trở lại quay trở lại quan sát tâm mình để thấy sự đến đi của mỗi trạng thái tâm. Và dần dần ta sẽ có đủ chánh niệm tỉnh giác để có thể thấy ngay khi chúng ló đầu ra, lúc đó đơn giản ta hãy “nhìn ngắm” tất cả và “thấy” rõ nhưng chúng đang là. Ví dụ: Ta đang tham thì biết là tâm mình tham, đang không vừa lòng thì biết là đang có tâm đố kị... Nếu coi đó như một trò chơi trốn tìm thì ta sẽ thấy nơi ta cũng có rất nhiều điều lý thú và luôn mới mẻ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 40
    • Số lượt truy cập : 7054389