NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ “PHÁP HÀNH CĂN BẢN: LỤC NIỆM”
NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ
“PHÁP HÀNH CĂN BẢN: LỤC NIỆM”
Tin ảnh: TRÍ BÁ
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn
Sáng 8/6/2019 (nhằm ngày mùng 6 tháng 5 năm Kỷ Hợi), tại Chùa Phật học Xá Lợi, Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Trưởng Ban Phật học Chùa PH Xá Lợi, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Pháp hành căn bản: Lục niệm”
Theo Cư sĩ Trần Đình Sơn, “Niệm” có nghĩa là nhớ. Theo Duy thức học, niệm là tác dụng của tâm nhằm ghi nhớ rõ ràng, không để quên mất một đối tượng nào đó. Trong pháp hành căn bản của người cư sĩ phải nên tu tập nghĩ niệm 6 điều, đó là Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí , niệm Thiên.
Thứ nhất, niệm Phật, tức là lấy Đức Phật làm cảnh giới, làm đối tượng để mà niệm, mà nhớ. Khi mình niệm Phật thì tâm của mình chuyên chú vào danh hiệu Đức Phật hoặc cảnh giới của Phật, niệm cho đến khi đắc định thì gọi là niệm Phật tam-muội. Nhưng mà phải niệm cho thật chuyên chú, chứ nếu niệm không chuyên chú thì cái tâm sở niệm không dễ gì hiện ra rõ ràng, định không dễ gì thành tựu. Nếu có thể làm cho tâm hết tán loạn, tâm không chạy theo những đối tượng khác, mà chuyên chú tập trung vào một cảnh thôi thì tu niệm mới có khả năng thành công.
Cho nên, nếu chỉ niệm Phật bằng cái miệng suông, tâm không nhớ Phật thì không thể gọi là niệm Phật được, mà chỉ có thể gọi là “kêu tên của Phật”. Niệm Phật chân chính là phải tâm buộc niệm vào cảnh giới Phật, cột tâm vào danh hiệu Phật, ghi nhớ rõ ràng, không để xao lãng, không để quên mất. Nói một cách đơn giản, niệm Phật là phải nhớ Phật. Phật là người như thế nào, có những công đức gì, tướng hảo trang nghiêm ra sao… mình phải ghi nhớ rõ ràng trong tâm khi đọc đến, nghe đến, niệm đến danh hiệu của Ngài.
Thứ hai, niệm Pháp: Pháp là những lời dạy của chư Phật, Pháp của Phật không nói bằng trí tưởng tượng mà nói theo sự thật chứng. Pháp thật chứng này không gì khác hơn chân lý vũ trụ nhân sanh, cũng là quy luật của đạo. Phải tuân theo quy luật của đạo, thể ngộ được chân lý của vũ trụ nhân sanh mới thành Phật được. Đức Phật muốn chúng ta thường tư niệm Pháp, để thân tâm thường hành theo chân lý của Pháp, ngõ hầu sớm được tự tại giải thoát.
Thứ ba, niệm Tăng: Tăng là một trong Tam Bảo, cũng là nhân vật chủ yếu của Trụ Trì Tam Bảo, có địa vị đặc thù trong Phật pháp. Trong Luật tuy nói nhiều thứ Tăng khác nhau, nhưng niệm Tăng ở đây có nghĩa niệm Chơn Thật Tăng, hay niệm Thanh Tịnh Tăng.
Thứ tư, niệm Giới: Giới là quy luật của đạo đức. Là đệ tử Phật, tất phải hành động, suy nghĩ đều trong khuôn khổ của đạo đức. Hễ thấy hợp với quy luật đạo đức thì mới làm. Có vậy thân tâm mới thanh tịnh. Đệ tử Phật do thân phận bất đồng nên giới thọ cũng khác. Tịnh hạnh liên quan đến sự tồn tại của Tam Bảo nên chớ coi thường Giới Luật. Như thường tư niệm công đức của Giới Hạnh, ắt không sao vi phạm tịnh giới.
Thứ năm, niệm Thí: Bố Thí là pháp thiện lợi tha, vì tại thế giới này, nhất là Ấn Độ từ xưa đến nay, người bần cùng luôn luôn đa số. Đức Phật xuất hiện tại Ấn, cũng có thể bảo là do vì muốn cứu tế kẻ bần cùng, cho nên trong kinh điển, đều luôn nhấn mạnh đến công đức bố thí. Mỗi người nên tùy khả năng mà bố thí, không những giúp người thiếu ăn thiếu mặc được no đủ, còn giúp cho mình vun trồng thêm công đức thù thắng. Đệ tử Phật, nhất là hàng tại gia, nên dùng tiền của có dư vào việc trợ giúp cho người nghèo khổ được cùng hưởng phúc lợi, như vậy tất được quả báo thù thắng. Người ta sở dĩ không chịu bố thí, vì không biết bố thí có công đức lớn, nếu thường niệm Thí ắt thích hành thí.
Thứ sáu, niệm Thiên: Đệ tử Phật tư duy công đức của Tam Bảo, đó là lẽ tự nhiên, nhưng vì sao lại phải niệm Thiên? Thông thường đối với Phật pháp, không nên cầu sanh Thiên. Sanh Thiên không phải là cứu cánh của Phật tử, vậy niệm Thiên còn có ý nghĩa nào khác? Quả thực, chư Thiên không phải là cứu cánh, đức Phật vẫn căn dặn: Sanh Thiên không phải mục đích của học Phật. Nhưng khi chưa giải thoát, hãy còn trôi lăn trong lục thú thì phúc lạc ở cõi trời vẫn hơn xa cõi người, nên vẫn là chỗ mong cầu của con người. Song không phải cứ muốn sanh Thiên là sanh, cũng phải có đủ nhân duyên sanhthiên, hoặc công đức sanh thiên. Nói đúng hơn, niệm Thiên không có nghĩa cầu phúc lạc ở cõi Thiên, mà chính là niệm công đức của chư Thiên, rồi so sánh tự thân xem mình có đủ các công đức này không? Trải qua sự tư niệm như vậy, mới thấy mình có công đức tin Tam Bảo, công đức trì tịnh giới, công đức nghe Phật pháp, công đức thí cho kẻ nghèo, công đức có trí huệ phân biệt, chính nhờ mình có đủ các món công đức như vậy, mà tin rằng không những mình có đủ công đức sanh Thiên hưởng phúc lạc, mà từ từ sẽ đến được thành Niết Bàn. Có được sức tự tin như vậy, càng dõng mãnh hành thiện pháp, không còn có thể đọa lạc được nữa. Đó là niệm Thiên của Phật pháp.
Dưới đây là vài hình ảnh về buổi nói chuyện.
Lắng nghe thuyết trình
Trao đổi về đề tài được thuyết trình
Bình luận bài viết