Tin tức

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ “TÌM HIỂU VỀ CHỮ HÁN - NÔM - VIỆT”

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ

“TÌM HIỂU VỀ CHỮ HÁN - NÔM - VIỆT”

 

Tin ảnh: TRÍ BÁ

 

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

 

Sáng 12/10/2019 (nhằm ngày mùng 14 tháng 9 năm Kỷ Hợi), tại Chùa Phật học Xá Lợi, Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Trưởng Ban Phật học Chùa PH Xá Lợi, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Tìm hiểu về chữ Hán - Nôm - Việt”.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, trong lịch sử, ba loại chữ viết Hán - Nôm - Việt đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn hóa, văn minh và văn học của Việt Nam. Hán tự được biết đến như là, một trong những ký tự cổ xưa nhất trên thế giới đã gần 5000 năm. Hán tự đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển trong khu vực với ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trong đó có Việt Nam.

Xuất hiện từ thế kỷ thứ X hoặc trước đó từ thời Sĩ Nhiếp do nhu cầu thực tế là phải ghi lại tên riêng của người và địa danh cũng như các sản vật và cây cỏ phương Nam không có ở phương Bắc, chữ Nôm phát triển và hoàn thiện hơn trong văn học từ thế kỷ XIII được sử dụng cho tới đầu thế kỷ XX. Chữ Nôm là sự tổ hợp của Hán tự + những đặc điểm ngữ âm của tiếng Việt.

Ra đời từ thế kỷ XVI nhưng mãi đến thế kỷ XX, một hệ thống chữ viết do người Âu châu sáng tạo và được hoàn thiện bởi những người bản xứ đã thay thế hai hệ thống Hán tự và chữ Nôm trong đời sống văn hóa giáo dục của người Việt, chữ Quốc ngữ là tổng hòa của hệ thống alphabet Latinh + những đặc điểm ngữ âm của tiếng Việt.

Chữ Hán

Trong suốt thời gian Bắc thuộc, các triều đại Trung Quốc đều tiến hành các chính sách khác nhau nhằm đồng hóa người Việt, biến Việt Nam thành một quận của Trung Quốc vĩnh viễn. Cùng với các chính sách cai trị về mặt chính trị, việc biến tiếng Trung và Hán tự trở thành ngôn ngữ và chữ viết hành chính, khoảng thời gian Trung Quốc đô hộ kéo dài đã mang lại những ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa tới người Việt. Văn hóa Trung Hoa vào Việt Nam qua các giai đoạn đô hộ khác nhau với các cách tiếp cận khác nhau: Đạo Phật, Lão giáo và Khổng giáo,… Ngay từ những tiếp xúc ban đầu, Sĩ Nhiếp, thái thú Giao Chỉ, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Hán tự và Khổng giáo được coi là nền tảng của triều đình phong kiến Việt Nam. Văn hóa Trung Hoa đã gây ảnh hưởng đến tầng lớp tinh hoa quan lại phong kiến người Việt, cho mãi đến hơn 1000 năm sau khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp. Trong nhiều thế kỷ lịch sử, Hán tự từng được coi là hệ thống chữ viết chính thức ở Việt Nam.

Chữ Nôm

Dù chữ Hán có sức sống mạnh mẽ đến đâu chăng nữa, một văn tự ngoại lai không thể nào đáp ứng, thậm chí bất lực trước đòi hỏi, yêu cầu của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt. Chính vì vậy chữ Nôm đã ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Hán không đáp ứng nổi.

Chữ Nôm là một loại văn tự xây dựng trên cơ sở đường nét, thành tố và phương thức cấu tạo của chữ Hán để ghi chép từ Việt và tiếng Việt. Quá trình hình thành chữ Nôm có thể chia thành hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu, tạm gọi là giai đoạn “đồng hóa chữ Hán”, tức là dùng chữ Hán để phiên âm các từ Việt thường là tên người, tên vật, tên đất, cây cỏ chim muông, đồ vật... xuất hiện lẻ tẻ trong văn bản Hán. Những từ chữ Nôm này xuất hiện vào thế kỷ đầu sau Công nguyên (đặc biệt rõ nét nhất vào thế kỷ thứ VI).

Giai đoạn sau: Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục dùng chữ Hán để phiên âm từ tiếng Việt, đã xuất hiện những chữ Nôm tự tạo theo một số nguyên tắc nhất định. Loại chữ Nôm tự tạo này, sau phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một sát hơn, đúng hơn với tiếng Việt.

Từ thời Lý thế kỷ thứ XI đến đời Trần thế kỷ XIV thì hệ thống chữ Nôm mới thực sự hoàn chỉnh. Theo sử sách đến nay còn ghi lại được một số tác phẩm đã được viết bằng chữ Nôm như đời Trần có cuốn Thiền Tông Bản Hạnh.

Ðến thế kỷ XVIII - XIX chữ Nôm đã phát triển tới mức cao, át cả địa vị chữ Hán. Các tác phẩm như Hịch Tây Sơn, Khoa thi hương dưới thời Quang Trung (1789) đã có bài thi làm bằng chữ Nôm. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng được viết bằng chữ Nôm là những ví dụ.

Chữ Việt (chữ Quốc ngữ)

Việc chế tác chữ Quốc ngữ là một công việc tập thể của nhiều linh mục dòng tên người châu Âu, trong đó nổi bật lên vai trò của Francesco de Pina, Gaspar d'Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes. Việc chế tác chữ quốc ngữ nhằm mục đích truyền giáo.

Trong công việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục người Âu). Alexandre De Rhodes đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc ngữ. Ðặc biệt là ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn và tổ chức in ấn lần đầu tiên cuốn từ điển Việt Nam - Bồ Ðào Nha - La Tinh (trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và cuốn Phép giảng tám ngày.

Xét về góc độ ngôn ngữ thì cuốn diễn giảng vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng đàng ngoài (in chung trong từ điển) có thể được xem như công trình đầu tiên khảo cứu về ngữ pháp. Còn cuốn Phép giảng tám ngày có thể được coi như tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói bình dân hàng ngày của người Việt Nam thế kỷ XVII.

Tuy chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes năm 1651 trong cuốn từ điển Việt Nam - Bồ Ðào Nha - La Tinh đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải chờ đến từ điển Việt Nam - Bồ Ðào Nha - La Tinh (1772), tức là 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Pigneau de Behaine ( Bá Ða Lộc) thì chữ Quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống chữ Việt mà chúng ta đang dùng hiện nay.

Vì đây là một đề tài khá thú vị nên các thành viên Ban Phật học đã sôi nổi tranh luận để hiểu rõ hơn về lịch sử các loại chữ viết Việt Nam.

Dưới đây là vài hình ảnh về buổi nói chuyện.

 

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 65
    • Số lượt truy cập : 6129396