Tin tức

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ:

“TÌM HIỂU ĐỨC TIN TRONG PHẬT GIÁO”

 

Tin ảnh: TRÍ BÁ - TRÍ TÂM

 

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

 

Sáng 13/3/2021 (nhằm ngày 1/2 Tân Sửu), tại Chùa Phật học Xá Lợi, Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Trưởng Ban Phật học Chùa PH Xá Lợi, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Tìm hiểu đức tin trong Phật giáo”.

Ông Trần Đình Sơn  giới thiệu sơ nét đức tin của các tôn giáo như Ấn giáo, Công giáo, Islam. Ông cho rằng đức tin là cơ sở của mọi tôn giáo, nhưng trong đạo Phật, đức tin phải đi đôi với nhận thức đúng đắn.

Đức tin trong đạo Phật là đức tin trên cơ sở hiểu biết, trí tuệ. Ông Sơn đã đọc môt một đoạn kinh Kalama: “Đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy từng được nghe nói đến, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy được quảng bá rộng rãi, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do truyền thống để lại, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy được kinh điển truyền tụng, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do một vị giáo chủ nói ra, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ do suy đoán, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ do suy luận, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì mình thấy điều đó có lý, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với thành kiến, quan điểm nhận thức của mình, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do thầy mình nói ra. Nhưng chỉ khi nào tự mình biết rằng những điều đó là không đúng, những điều đó không chính đáng, những điều đó bị người hiền trí phê phán, và khi chấp nhận, khi thực hành sẽ đưa đến tai hại và khổ đau thì các ngươi hãy từ bỏ những điều đó. Khi nào chính các người biết rằng những điều đó là chân chính, những điều đó không bị chê trách, những điều đó được người hiền trí khen ngợi, những điều đó khi được chấp nhận và thực hành sẽ dẫn đến an lạc hạnh phúc, thì các người phải nỗ lực mà thực hành” (Kinh Kalama, Tăng Chi Bộ kinh I).

Theo ông Sơn, qua đoạn kinh Kalama vừa đọc, nhận thấy được hai điều: một là đạo Phật không bao giờ bắt buộc người ta tin theo một cách mù quáng; hai là đức Phật không phải là một vị chúa tể có quyền phép lạ, có thể đem tín đồ mình đặt ở thiên đường hay ở địa ngục tùy theo ý thích của mình.

Đức tin là điều kiện cần và đủ không thể thiếu của người Phật tử để tu tập đạo giải thoát. Trước tiên là chúng ta phát khởi lòng tin tuyệt đối với đức Phật, Ngài được xem là bậc đạo sư cao cả, là bậc giác ngộ hoàn toàn đầy đủ về ba phương diện: tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Với trí tuệ và phương tiện thiện xảo, Ngài có thể dìu dắt chúng sinh ra khỏi dòng vô minh, đạt đến an lạc, cứu cánh Niết-bàn.

Thứ hai là tin Pháp. Đó là chân lý tối thượng mà đức Phật đã thân chứng, những lời dạy cao cả, bao gồm những phương pháp diệt khổ và con đường đưa đến an lạc giải thoát. Sau này được các hàng đệ tử đúc kết lại thành tam tạng kinh điển, tu tập theo những lời dạy này cũng sẽ đạt được sự giác ngộ viên mãn.

Thứ ba là tin tăng. Đó là một đoàn thể hòa hợp, thanh tịnh sống trên tinh thần lục hòa, cùng nhau tu tập đạo giải thoát. Tăng là những người có thể thay thế Phật tuyên dương giáo pháp và dẫn dắt chúng sanh trên con đường giác ngộ.

Nhưng đến với đạo Phật bằng đức tin không thì chưa đủ, mà phải có sự nỗ lực tu tập của bản thân thực tu thực chứng mới có được. Đức Phật không ban cho ta sự giác ngộ giải thoát và cũng không ai có thể ban cho như vậy được.

Đức tin của người Phật tử, tức người đã quy y Tam bảo - quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng - thọ trì năm giới, thực hành bát chánh đạo, là niềm tin tuyệt đối vào Đức Phật, Phật pháp và Tăng già.

Đức tin là một trong bảy tài sản của bậc Thánh. Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Niềm tin là mẹ sinh ra các công đức”. Bởi vì có niềm tin nơi Đức Phật, có niềm tin nơi Chánh pháp, nơi Tăng già, các bậc đạo sư thì mới quy ngưỡng và tín thọ, phụng hành giáo pháp đưa đến thành tựu phạm hạnh, an lạc giải thoát.

Ngoài ra còn một điều hết sức quan trọng là lòng tự tín của người Phật tử. Đây là niềm tin căn bản nhất không thể thiếu. Lòng tự tín là lòng tin vào khả năng giác ngộ của chính mình, tin rằng mình sẽ thành Phật nếu nỗ lực tu hành. Bởi sự giác ngộ là tự mình giác ngộ chứ không ai có thể giác ngộ thay cho, vì thế nếu không có lòng tự tin thì chúng ta không nỗ lực.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 50
    • Số lượt truy cập : 6791371