NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ:“QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO
VỀ XÃ HỘI VÀ NHÂN SINH”
Tin ảnh: TRÍ BÁ
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn
Sáng 19/12/2020 (nhằm ngày 6/11 Canh Tý), tại Chùa Phật học Xá Lợi, Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Trưởng Ban Phật học Chùa PH Xá Lợi, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Quan điểm của Phật giáo về xã hội và nhân sinh”.
Quan điểm của Phật giáo về xã hội
Không có giai cấp
Theo ông Trần Đình Sơn, trong xã hội Ấn Độ thời Đức Phật, sự phân chia giai cấp được mô tả là vô cùng khắc nghiệt, giai cấp hạ lưu chỉ đụng tay vào giai cấp thượng lưu cũng đủ để bị tội chặt tay, thì một quan điểm bình đẳng rốt ráo, bình đẳng không chỉ giữa người với người, mà trên bình diện chúng sinh như thế của nhà Phật, phải nói là Đức Phật đã làm một cuộc đại cách mạng.
Đức Phật luôn kiên trì lập trường của mình khi xem tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Ngài thu nạp những người có tâm nguyện tu tập giải thoát từ tất cả các tầng lớp xã hội, mà không từ chối bất cứ đẳng cấp nào, dù là thương nhân, ngoại đạo, nô lệ hay quý tộc, Bà-la-môn, quốc vương. Trong Tăng đoàn do Đức Phật thiết lập, Ngài hoàn toàn không dựa theo chức nghiệp, thành phần xuất thân hoặc địa vị xã hội của họ để đặt ra bất kỳ đặc quyền hay sự hạn chế nào. Ngài xóa bỏ tất cả những gì có liên quan đến lễ nghi hoặc pháp lệnh chuyên chế phân biệt đẳng cấp xã hội. Chính nhờ tinh thần bình đẳng không phân biệt này mà Đức Phật được đa số quần chúng cung kính, đặc biệt là giai cấp hạ đẳng, như phụ nữ, người nghèo khổ, người nô lệ bị áp bức, chà đạp.
Chẳng hạn, Ni-đề vốn là một người nghèo khổ, thuộc giai cấp không thể tiếp xúc, hàng ngày sinh sống bằng nghề gánh phân thuê, nhưng Đức Phật vẫn tiếp nhận và cho gia nhập giáo đoàn. Ban đầu, do tâm lý tự ti mặc cảm nên Ni-đề không dám gặp mặt Đức Phật, vì nghĩ rằng Đức Phật là dòng dõi hoàng tộc, các đệ tử Ngài là quý nhân, còn ông là kẻ hạ tiện, hèn hạ. Nhưng bằng tấm lòng từ bi, Đức Phật thu nhận ông vào giáo đoàn xuất gia tu học. Sau một thời gian ngắn tinh tấn tu tập, Ni-đề đã chứng đắc thần thông. Bấy giờ, rất nhiều người thuộc chủng tính Bà-la-môn hoặc vua chúa phản đối những người hạ tiện được xuất gia làm Sa-môn, nhưng Đức Phật vẫn kiên định lập trường bình đẳng của mình.
Bình đẳng nam nữ
Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala (Kiều-tát-la) kính phục trí tuệ, đức hạnh của Đức Phật và đã quy y Tam bảo. Từ khi trở thành Phật tử, vua thường đến tinh xá Jetavana (Kỳ Viên) thính pháp, hỏi đức Phật về các vấn đề đối nhân xử thế, quốc gia xã hội. Có thể nói trong các vị vua thời đức Phật, vua Pasenadi thân cận đức Phật nhiều nhất.
Kinh Tương ưng chép rằng, một hôm trong lúc hầu chuyện Đức Thế Tôn thì có người hầu đến báo hoàng hậu sinh con gái, Đức Thế Tôn thấy vua Pasenadi không được hoan hỷ. Ngay lúc ấy Đức Phật nói lên bài kệ giảng giải về vấn đề nam nữ bình đẳng: “Này Nhân chủ, ở đời/ Có một số thiếu nữ/ Có thể tốt đẹp hơn/ So sánh với con trai…”.
Vì sao Đức Phật cho nữ giới xuất gia? Bởi Ngài thấy rõ, tất cả chúng sinh đều có Phật tính và có khả tính giác ngộ. Đây chính là nền tảng vững chắc nhất về thực tính bình đẳng và tinh thần bình đẳng của Phật giáo, và là kim chỉ nam để Đức Phật cư xử với tất cả chúng sinh nói chung và nữ giới nói riêng.
Nhưng mỗi loại chúng sinh có căn cơ, tư chất, nghiệp chướng khác nhau, Đức Phật tùy theo những đối tượng khác nhau ấy mà có phương pháp giáo hóa thích hợp, cốt sao lợi ích và hiệu quả nhất trên tiến trình hướng đến giác ngộ, giải thoát. Bát kỉnh pháp và những giới luật dành cho Ni giới vẫn không ngoài mục đích này.
Tinh thần cốt yếu của Bát kỉnh pháp chính là giúp nữ giới tiêu trừ ngã chấp, đạt đến vô ngã. Trong ý nghĩa này, tâm đã vô ngã thì không có tướng hữu ngã nào có thể chướng ngại. Nếu các vị Tỳ-kheo-ni đều suy nghĩ như thật rằng, tất cả mọi khổ đau đều do tâm chấp ngã mà ra, Bát kỉnh pháp giúp ta dẹp bỏ cái ngã không thật ấy. Nếu ta chân thật tu hành, hướng tới vô ngã giác ngộ giải thoát thì Bát kỉnh pháp đâu có trở ngại gì!
Tinh thần dân chủ
Trong kinh Ðại bát Niết bàn (kinh Trường bộ), nhân chuyện vua nước Magadha (Ma Kiệt Đà) là Ajatasattu (A Xà Thế) muốn xâm lược nước Vajjì (Bạt Kỳ), nên cho đại thần Vassakara đến hỏi Phật.
Phật đưa ra 7 điều và hỏi Ananda trước mặt Vassakara, nội dung như sau:
1. Ngày nào mà dân chúng thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.
2. Ngày nào mà dân chúng thường hay tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết.
3. Ngày nào mà không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống đã được ban hành thuở xưa.
4. Ngày nào mà dân chúng tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão.
5. Ngày nào mà dân chúng không cướp bóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ.
6. Ngày nào mà dân chúng còn tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các miếu tự ở trong và ngoài tỉnh thành, không bỏ lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.
7. Ngày nào mà dân chúng bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp với các vị A-la-hán ở tại nơi mình, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến sẽ sống an lạc.
Cuối cùng Phật kết luận:
“Này Vassakara, khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajjì, khi nào dân chúng Vajjì được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời dân Vajjì sẽ cường thịnh, không bị suy giảm”.
Nghe xong, Vassakara chắp tay bạch Phật rằng: Chỉ cần dân chúng Vajjì giữ trọn một điều thôi thì nước Magadha cũng không dễ gì xâm lược được!
Về Tăng đoàn, tất cả mọi sinh hoạt lớn trong đại chúng thuộc về sinh hoạt của tăng đoàn mà thành tựu được, là nhờ phương pháp gọi là Tăng pháp Yết-ma. Nếu một cộng đồng xã hội thịnh vượng được bắt đầu bằng yếu tố cơ bản của sự thống nhất ý chí và hành động, thì thanh tịnh và hòa hợp là yếu tố tiên quyết cho mạng mạch của Tăng-già. Tăng-già có thanh tịnh và hòa hợp thì Phật pháp mới trường tồn và hưng thịnh. Trong đó, ý chí hoà hợp để đưa đến hành động thanh tịnh của Tăng-già chính là “tác pháp yết-ma”, một nguyên tắc nghị sự trong tổ chức Tăng đoàn Phật giáo có bề dày truyền thống hơn hai ngàn năm trăm năm qua.
Dựa vào giới luật để kiến lập sự thanh tịnh thuần khiết trong Tăng đoàn, y cứ vào hạ lạp của giới mà phân định lớn nhỏ, khiến cho Tăng đoàn có quy củ và trật tự. Yết-ma chế độ Tăng sự, Tăng đoàn, không lấy ý kiến riêng của một người nào đó để quyết định mà thể hiện Tăng đoàn là đoàn thể có tinh thần dân chủ cao độ. Trong lúc tác pháp Yết-ma, đại chúng đề cử người đầy đủ đức tài chủ trì Hội đồng Yết-ma, điều này đã phản ảnh được tinh thần trọng đức trọng tài của Tăng đoàn.
Quan điểm của Phật giáo về nhân sinh
Quan hệ gia đình
Kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều: 1. Cung phụng không để thiếu thốn; 2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết; 3. Không trái điều cha mẹ làm; 4. Không trái điều cha mẹ dạy; 5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.
Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái: 1. Ngăn con đừng để làm ác; 2. Chỉ bày những điều ngay lành; 3. Thương yêu đến tận xương tủy; 4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp; 5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng..
Quan hệ vợ chồng
Chồng phải có năm điều đối với vợ: 1. Lấy lễ đối đãi nhau; 2. Oai nghiêm không nghiệt; 3. Tùy thời cung cấp y, thực; 4. Tùy thời cho trang sức; 5. Phó thác việc nhà.
Vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng: 1. Dậy trước; 2. Ngồi sau; 3. Nói lời hòa nhã; 4. Kính nhường tùy thuận; 5. Đón trước ý chồng.
Quan hệ bằng hữu
+ Bốn loại bạn tốt:
Trong cuộc sống, gặp được bạn hiền, bạn tốt là một điều thật hiếm quý, giống như được ăn đào tiên trên trời, ngàn năm mới ra quả một lần. Bởi gặp được bạn hiền là ta được thân cận bậc thiện tri thức, được mở tung cánh cửa tâm hồn đón nhận làn gió trong lành, mát dịu của chân trời tri thức mới.
Đức Phật nói với một thanh niên tên là Sīgalaka ( Thi-ca-la-việt): “ Này thanh niên, có bốn loại bạn tốt như thế này: Người bạn thường giúp đỡ mình; Người bạn biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với mình; Người bạn chỉ cho mình biết những điều thiện lành; Người bạn biết đồng cảm với mình.
“ Có bốn trường hợp có thể biết một người bạn tốt thường giúp đỡ mình. Người ấy bảo vệ bạn khi bạn vô ý bất cẩn; Người ấy bảo vệ tài sản bạn khi bạn vô ý bất cẩn; Người ấy là nơi nương tựa của bạn khi bạn sợ hãi; và khi bạn có nhu cầu cần thiết, Người ấy giúp bạn gấp hai lần những gì bạn yêu cầu.
“Có bốn trường hợp có thể biết một người bạn tốt thường chia sẻ niềm vui nỗi buồn với bạn. Người ấy tiết lộ bí mật của mình cho bạn biết; Người ấy giữ kín bí mật của bạn; Người ấy không bỏ rơi bạn khi bạn gặp khó khăn; Thậm chí người ấy có thể hy sinh mạng sống vì bạn.
“Có bốn trường hợp có thể biết một người bạn chỉ cho mình biết những điều thiện lành. Người ấy ngăn cản bạn làm điều ác; Thúc đẩy bạn làm điều thiện; Cho bạn biết những điều bạn chưa nghe; Chỉ cho bạn con đường tái sanh lên cõi Thiên.
“Có bốn trường hợp có thể biết một người bạn đồng cảm với mình. Người ấy không vui trước nỗi bất hạnh của bạn; Người ấy hoan hỷ khi bạn được may mắn; Người ấy ngăn chận những ai nói xấu bạn; Khuyến khích những ai ca ngợi bạn.”
+ Bốn loại bạn xấu:
Loại bạn đến với ta tay không và khi đi thì trong tay phải có. Đó là những kẻ: Thăm ta với ý định lấy đi cái gì đó; Tặng ta ít thôi và mong muốn nhận lại nhiều; Chỉ giúp ta khi bản thân họ đang bị nguy hiểm; Liên hệ với ta chỉ vì những động cơ vị kỷ.
Loại bạn đầu môi chót lưỡi và loại tình bạn mỏng như cánh chuồn. Đó là những kẻ: Niềm nở rồi hoang phí thời gian của ta bằng những câu chuyện về quá khứ; Niềm nở rồi hoang phí thời gian của ta bằng những câu chuyện về tương lai; Tìm cách đạt được những lợi ích từ ta bằng cách xung phong giúp đỡ những lúc ta không cần sự giúp đỡ; Những khi ta cần giúp đỡ thì họ nêu lên nhiều lý do để thoái thác và không chịu ra tay.
Loại bạn nịnh hót và giả vờ quan tâm, săn sóc ta. Đó là những kẻ: Khích lệ ta khi ta làm những điều không tốt; Ngăn cản ta khi ta làm những điều tốt; Ở trước mặt thì khen ngợi ta; Ở sau lưng thì chỉ trích ta.
Loại bạn đưa ta đến chỗ sa đọa. Đó là những kẻ: Làm người đồng hành với ta trong các buổi ăn chơi, hút sách; Lang thang ngoài phố với ta trong đêm hôm tăm tối; Cùng đi xem với ta những buổi biểu diễn không lành mạnh; Đi chơi cờ bạc với ta.
Dưới đây là vài hình ảnh về buổi nói chuyện.
Bình luận bài viết