Phật pháp giữa đời thường
PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG
CAO THANH BÌNH
Đức Phật luôn hiện hữu quanh ta, theo từng bước ta đi, từ hòn sỏi ven đường đến cành cây, chiếc lá, đâu đâu ta cũng có thể thấy Phật.
Phật giáo giữa đời thường ghi lại trải nghiệm mỗi ngày. Tôi viết ra đây trước hết là cho chính mình, sau đó là cho con cháu sau này có được chút hiểu biết cơ bản về đạo Phật, chứ thật sự không có ý định trình bày kiến thức vì kinh điển Phật có đến muôn nghìn quyển và ai cũng có thể tìm đọc chúng trong các kho tàng kinh điển Phật giáo hoặc tìm đến các bậc chân sư đức cao vọng trọng để học hỏi.
Triết lý Phật giáo thật cao thâm, không thể diễn đạt bằng lời. Ý dù chưa viết ra đã thấy không còn đúng nữa. Dù vậy những câu chuyện ngắn về trải nghiệm này có thể giúp ta ít nhiều để có thể tiệm cận và gần hơn với chân lý.
PHÀM SỞ HỮU TƯỚNG GIAI THỊ HƯ VỌNG
NHƯỢC KIẾN CHƯ TƯỚNG PHI TƯỚNG
TỨC KIẾN NHƯ LAI (Kinh Kim Cang)
Vòng tròn bất tận
"Vạn vật cứ thế tiếp nối nhau trong vòng bất tận của trời đất. Nhưng rồi một hôm ta như người quét lá bên đường dừng tay lắng nghe tiếng gió chuyển mùa...”
Nếu như vòng quay của tự nhiên là xuân, ha, thu, đông thì vòng quay của đời người lại là sanh, lão, bệnh, tử. Vạn vật cứ thế tiếp nối nhau trong vòng bất tận của trời đất. Nhưng rồi một hôm ta như người quét lá bên đường dừng tay, lắng nghe tiếng gió chuyển mùa. Từng chiếc lá vàng khô đang rụng xuống để lại cho nhiều lá xanh hơn trong năm sau. Vui hay buồn đây? Chắc sẽ có người buồn vì hoài niệm một cái gì vừa mất, nhưng cũng có nhiều người vui vì xuân đến sẽ mang thêm nhiều điều mới.
Sự vật thay đổi là qui luật vô thường, tự nó không vui, không khổ. Già cả, bệnh tật là chỉ dấu của vô thường, nó nhắc ta thời gian hữu hạn, mình nên sẵn sàng đi những bước tiếp theo.
Thuận theo vòng quay thì vui (lạc) còn tiếc nuối thì khổ.
Ông lão và hạt sương
“Không có gì mong manh dễ vỡ hơn hạt sương, chúng giống như những buồn vui ngắn ngủi của kiếp người...”
Sáng nào cũng vậy, ông lão ngồi trước nhà đắm nhìn những hạt sương đọng trên chiếc lá. Chúng long lanh như những hạt ngọc. Ông thấy vui sướng. Nhưng chẳng bao lâu sau niềm vui đó tan theo những giọt sương trong ánh nắng mặt trời.
Không có gì mong manh dễ vỡ hơn hạt sương, chúng giống như những buồn vui ngắn ngủi của kiếp người. Ai chắc cũng có lần chạy theo những hạt sương trong cuộc đời mình.
Chúng có đó nhưng hiện hữu ngắn ngủi. Vậy mà mình nhiều lúc như ông già kia đắm đuối với những hạt sương.
Chiếc chìa khóa an lạc
"Tâm an lạc sống ở đâu, làm việc gì cũng vui. Trồng cây, rửa bát, quét nhà đều ẩn chứa hạnh phúc an lạc....”
Ai cũng có một chìa khóa an lạc, vậy mà người ta lại đưa cho người khác nắm giữ. Ta lên chùa cầu mong sự an lạc nhưng không biết chính mình đang nắm giữ nó. Khi người đời khen mình một tiếng, ta thấy vui; khi họ chê một tiếng, ta thấy buồn! Họ vặn theo chiều nào, ta xoay theo chiều đó.
Tu tâm để bớt phụ thuộc vào người khác cũng như các niềm vui mang đến từ bên ngoài. Hãy quay vào bên trong để tìm thấy sự an lạc trong chính tâm mình. Một vật là vàng thì dù ai nói là đất nó vẫn là vàng; nếu đó là đất thì dù ai nói là vàng nó cũng chỉ là đất.
Tâm an lạc sống ở đâu, làm việc gì cũng vui. Trồng cây, rửa bát, quét nhà đều ẩn chứa hạnh phúc an lạc. Tu tâm là một cuộc hành trình chứ không phải chỉ có điểm đến. Từng bước đi trên cuộc đời này ta cần cảm thấy được hạnh phúc của an lạc. Hãy học theo Bồ tát mà dạo chơi trong tam giới như đang bước đi ở cõi Cực Lạc.
TP.Hồ Chí Minh tháng 8, 2014
Bình luận bài viết