Tin tức

QUAN ĐIỂM CỦA CỤ CHÁNH TRÍ VỀ PHẬT HỌC HỘI VÀ GIÁO HỘI, KINH NGHIỆM CHO NGÀY NAY

QUAN ĐIỂM CỦA CỤ CHÁNH TRÍ VỀ PHẬT HỌC HỘI

VÀ GIÁO HỘI, KINH NGHIỆM CHO NGÀY NAY

 

Tỳ kheo THÍCH ĐỒNG BỔN

 


TT. TS. Thích Đồng Bổn, phát biểu trong Hội thảo khoa học
"Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền với Hội Phật học Nam Việt”  ngày 20-4-2019

 

Nhìn lại quá khứ từ đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951, hợp nhất 3 miền từ 6 tổ chức Phật giáo, gồm có 3 Giáo hội và 3 Phật học hội, chúng ta thấy thời ấy việc lập Tổng hội Phật giáo đã làm an lòng Phật giáo đồ tất cả 3 kỳ. Nhưng rủi thay, chiến tranh đã làm Bắc - Nam chia đôi, sự nghiệp thống nhất Phật giáo lần đầu tiên coi như dang dở từ đấy. Tuy nhiên, Phật học hội và Giáo hội vẫn tương sinh tương dưỡng ở nửa xứ Đàng Trong...

Mãi đến khi Thống nhất Phật giáo lần thứ hai năm 1964, thì các Phật học hội và Giáo hội mới hợp chung về một mối trong ngôi nhà của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nhưng thực tế không bao lâu sau, một thành viên Phật học hội nhận thấy rằng, việc thống nhất Phật giáo này cũng không giải quyết trọn vẹn những mâu thuẫn nội tại giữa các giáo phái, trong đó có Hội Phật học Nam Việt đã tự nguyện xin rút chân ra khỏi hệ thống của Giáo hội này...

Bài viết này chúng tôi muốn nói đến ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, đây là lần thống nhất Phật giáo thứ ba trong lịch sử. Sau khi đất nước thống nhất không còn chia cắt, thì nguyện vọng chung của Phật giáo đồ hai miền Nam - Bắc cũng muốn chung về một mối, nối lại truyền thống từ lần thống nhất đầu tiên năm 1951. Thế là Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, hợp nhất từ 9 giáo hội, Phật học hội, hệ phái cả nước trong xu hướng chung của bối cảnh thống nhất đất nước lúc bấy giờ.

Thế nhưng, hơn 40 năm trôi qua, hệ thống quản lý và vận hành của giáo hội cũng có những điều còn bất cập đang xảy ra, nguyên nhân phát sinh từ sự chủ định quản lý tổ chức một cách thống nhất của tăng đoàn, khiến các tổ chức hệ phái, Phật học hội trở thành tài sản chung của giáo hội. Điều này cũng là tất yếu thôi khi trở thành một giáo hội duy nhất, thế nhưng từ đây các danh từ "Phật học" và "Cư sĩ" hầu như vắng bóng trong sự điều hành của giáo hội, chỉ còn chăng là trên văn bản hoặc lịch sử để lại. Vậy thì, liệu những cụm từ ấy có đã lỗi thời rồi hay chăng? Cụm từ "Phật học" ngày nay chỉ còn tên chung là "Phật giáo"; cụm từ "Cư sĩ" thì được chuyển gọi là "Nam nữ Phật tử" một cách chung chung... Hình như giáo hội chúng ta đang đi trở lại theo bước chân cũ của một giai đoạn lịch sử, điển hình của một giáo hội trong 9 tổ chức tham gia giáo hội ngày nay.

Năm 1964, sau pháp nạn 1963, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời từ sự hợp nhất của 11 giáo phái, hệ phái, hội Phật học. Nhưng chỉ không đầy 3 tháng sau đó, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền vốn được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo đã xin từ chức và xin rút Hội Phật học Nam Việt ra khỏi tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Lý do vì sao như vậy?

Tư tưởng hợp nhất các tổ chức Phật giáo sau cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo của chế độ độc tài, để thành một giáo hội duy nhất để có đủ sức mạnh và tiếng nói chung như thời đấu tranh pháp nạn, đã giúp các tổ chức Phật giáo ngồi lại với nhau, đồng lòng vào ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nhưng sau khi Hiến chương giáo hội được ban hành, chính Cư sĩ Chánh Trí là người nhận ra, sự thống nhất Phật giáo này sẽ là sự đồng bộ hóa các tổ chức Phật giáo, sự thống nhất hóa các cơ sở tôn giáo của các tổ chức Phật giáo, để trở thành một tổ chức với đường lối hoạt động duy nhất, và sẽ không còn dấu ấn riêng lẻ của các tổ chức Phật giáo thành viên nữa.

Nhận thấy nguy cơ mất quyền hoạt động của Phật học hội khi gia nhập vào giáo hội, Cư sĩ Chánh Trí đã sớm nhận thức được mâu thuẫn phát sinh rõ ràng giữa hai cách thức hoạt động của Giáo hội và Phật học hội, nên ông đã tự nguyện xin rút chân ra khỏi Giáo hội để bảo toàn sự tồn tại và hoạt động của Phật học hội. Từ đấy, hình thức hoạt động của Phật học hội chỉ còn duy nhất ở Hội Phật học Nam Việt, tồn tại song song với giáo hội, cùng sinh hoạt tôn giáo với quan hệ tương hữu mà không còn mâu thuẫn nào xảy ra từ đó.

Quan điểm của ông cũng như của giới cư sĩ Phật học, là họ chọn cách đứng giữa giáo quyền của tăng đoàn và thế quyền của xã hội, như là một lực lượng trí thức Phật học để cân bằng các hình thái xã hội. Vốn là một trí thức được đào tạo bài bản từ nền văn hóa giáo dục tiến bộ phương Tây, ông có kiến thức uyên thâm trước khi nghiên cứu về Phật học, vẫn kính Phật trọng Tăng như cách ông đã đảnh lễ cầu quy y với Hòa thượng Thích Hành Trụ. Khi ấy ông đã đến hỏi ngài: "Thưa Hòa thượng, thế nào là đạo Phật? Câu hỏi của con chỉ thế thôi, nhưng đi hỏi khắp các bậc tôn đức mà chưa nhận được câu trả lời như mong muốn". Hòa thượng đã trả lời ông rằng: "Theo tôi được biết, đạo Phật rất đơn giản, đó là ăn chay, niệm Phật, làm lành, lánh dữ. Thế thôi, đó chính là đạo vậy". Ông nghe xong câu nói ấy của Hòa thượng Thích Hành Trụ thì ngộ ra, đã sụp xuống lạy ngài và cầu xin quy y làm đệ tử của ngài.

Sau khi quy y, ông dốc lòng cởi áo từ quan, chuyên tâm nghiên cứu Phật học, nhưng không như mọi tín đồ khác vâng theo sự lãnh đạo của giới Tăng lữ, mà ông lựa chọn con đường đi riêng cho mình để kêu gọi các thân hữu trí thức, quan chức, bác sĩ, doanh nhân khác, cùng chí hướng với ông chung tay thành lập Hội Phật học Nam Việt vào năm 1951. Mục đích của hội là để động viên giới trí thức Phật tử, giúp họ tu tập đạo dức, rèn luyện từ tâm trong các việc thiện nguyện của người Phật tử, ứng hợp cuộc sống xã hội bằng nền tảng giáo lý Phật đà.

Theo Cư sĩ Chánh Trí, quan điểm của Phật học hội không hề xa rời các giáo hội Tăng đoàn, vì thế họ thường xuyên cầu thỉnh chư Tăng về trụ trì các chùa Hội có thời hạn. Chư Tăng thực hiện công việc dẫn lễ tụng niệm cho hàng cư sĩ. Ông thường xuyên cung thỉnh chư Tăng giảng sư đoàn đến thuyết pháp tại chùa vào mỗi sáng chủ nhật, nhưng không lệ thuộc giáo quyền của Tăng đoàn. Hơn nữa, dưới sự lãnh đạo và giao tế xuất sắc của Cư sĩ Chánh Trí, ông thường mời được các bậc học giả nổi tiếng ở các hội nghiên cứu trên thế giới đến Việt Nam nói chuyện cho hàng Phật tử nghe để mở mang nhận thức về nhiều vấn đề trong và ngoài Phật giáo.

Việc thành tựu lớn nhất của ông, là nghiên cứu kinh điển học thuật của các trường phái Phật giáo, giáo phái khác mà không hề mang tư tưởng nghiêng về bên nào, vì ông chủ trương Phật học thì phải thông thoáng, chấp nhận tất cả các lí thuyết dị biệt để so sánh con đường học Phật của mình và đồng đạo. Thứ nữa, tư cách người cư sĩ là một hành giả tu tại gia, có khác với vai trò của một Phật tử thuần túy có do sự lãnh đạo của Tăng đoàn và chấp hành theo sự giáo huấn của Tăng đoàn.

Nói như vậy không có nghĩa là các tổ chức giáo hội trước đây không có điểm tích cực về hàng cư sĩ. Chúng ta có thể thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước đây vẫn có lập ra Tổng vụ Cư sĩ, đặt ngang hàng với các tổng vụ như: Tăng sự, Kiến thiết, Hoằng pháp, Thanh niên... Tức là vai trò người cư sĩ học Phật là những trí thức hộ trì Phật pháp vẫn luôn được tôn vinh. Việc này cho thấy rằng, giáo hội hiện nay của chúng ta vẫn chưa thật sự chú trọng đến vai trò của người cư sĩ trí thức học Phật, mà chỉ đặt họ ngang hàng những Phật tử, chịu dưới sự lãnh đạo của tăng đoàn một cấp mà thôi.

Trong điều kiện thể chế Phật giáo hiện nay, chúng ta chưa thể tách bạch ra được từ ngữ "Cư sĩ" là gì và "Phật tử" là gì. Chính điều đó chưa thể có chính sách đãi ngộ, thu hút những tầng lớp trí thức khoa học có tâm và có tầm đến với Phật giáo, bởi chỗ đứng của họ trong giáo hội chưa được phân định rõ ràng. Chúng ta cũng chưa thể một sớm một chiều thay đổi được suy nghĩ của chư tôn đức lãnh đạo giáo hội, có nên chăng là tự thân vận động, hình thành từ cơ sở những bộ phận tạm gọi là "Cư sĩ Phật học" ở các đạo tràng, các chùa, các đoàn thể Phật tử hoặc các giáo hội địa phương phường, xã, quận, huyện... để thí điểm cho có hiệu quả, thì có cơ sở để giáo hội cấp trên sẽ nhìn nhận lại vai trò của người cư sĩ Phật học vậy.

Điển hình này, chúng tôi đã và đang thực hiện tại chùa Xá Lợi, tiếp nối truyền thống của Hội Phật học Nam Việt xưa kia, nhưng nay thì không còn hội nữa, mà chùa thành lập Ban Phật học, quy tụ các cư sĩ trí thức, các nhà nghiên cứu lão thành, trở về chùa có chỗ sinh hoạt học tập Phật pháp giáo lý và trao đổi kiến thức Phật học, thế học lẫn nhau. Mô hình này hoạt động đến nay đã trên 6 năm, sinh hoạt hằng tuần vào ngày thứ bảy với các lớp trao đổi Phật học sáng chiều. Ban Phật học còn giúp thầy trụ trì biên tập, đóng góp bài vở, xuất bản tủ sách "Phật học Từ Quang", đến nay đã ấn hành được 28 số, giúp cho hàng Phật tử hiểu rõ giáo lý, tránh xa tà kiến, góp phần tri thức của người cư sĩ trong việc truyền bá chánh pháp Phật đà một cách minh triết đến với mọi tầng lớp.

Qua những sự việc xảy ra gần đây mà báo chí đã nêu về các trường hợp hủ tục mê tín làm xôn xao dư luận, đã chứng minh rằng việc làm trong sáng giáo lý từ người học Phật căn bản như ở tầng lớp cư sĩ trí thức, nếu được nhân rộng ra thì những tệ nạn nói trên sẽ không có chỗ đứng và không thể nào xảy ra. Bởi vì rằng, nhưng người cư sĩ học Phật chân chính, họ luôn lấy chánh kiến minh triết làm lẽ sống đạo, không nhận thức lẽ đạo bằng tín ngưỡng hủ tục. Đây là một kinh nghiệm thực tế và cũng là một bài học cho chư vị trong tăng đoàn nhìn lại cách giáo dục tín đồ Phật tử của mình, không khéo làm buồn lòng chư tôn đức lãnh đạo giáo hội và tạo nên những tác động xã hội không đáng có đối với người học Phật chân chính.

Nhân hội thảo về Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, chúng tôi mới có cơ hội nói lên những kinh nghiệm từ sự học hỏi theo bước đi của Cụ Chánh Trí, mục đích để thành người cư sĩ học Phật chân chính và đúng nghĩa. Bài học từ Cư sĩ Chánh Trí là bài học đem lại hiệu quả vô cùng và áp dụng thức thời cho hiện trạng tu học hiện nay của giáo hội và hàng Phật tử. Vậy thì cái gì tăng đoàn quản lý được, nhất là về mặt giáo dục đạo đức, thì quý vị hãy quản lý cho đúng chức năng. Cái gì tăng đoàn liệu không quản lý được về nhận thức, thì các vị cũng nên chuyển giao cho tầng lớp cư sĩ trí thức, để họ đóng góp theo chức năng tài trí của họ. Thực tế hiện nay, nhiều vị từ tăng đoàn hiện vẫn cho mình có học thức uyên thâm và tài trí hơn người, nhưng thật ra đối với tăng lữ, đức độ mới là điều làm cho hàng cư sĩ mến mộ noi theo, chứ còn tài trí học thức thì không phải là điều mà giới tăng lữ có thể cho mình giỏi hơn giới cư sĩ được, bởi các vị đâu thân cận gần gũi thế gian và ra sức tự học tự hành để vượt qua rào cản chính mình nhằm giúp bản thân, gia đình và cộng đồng như giới cư sĩ.

Tôi nhớ lại câu chuyện mà Cư sĩ Chánh Trí đã từng thể hiện khi còn sinh thời. Một hôm hàng cư sĩ trong hội Phật học có thỉnh một vị giảng sư từ tăng đoàn đến giảng dạy Phật học tại giảng đường chùa Xá Lợi. Sau khi giảng diễn xong trên pháp tòa, giảng sư được thỉnh vào giải lao và tiếp xúc với chư vị cư sĩ trong Ban Quản trị tại văn phòng chùa Phật học. Chào hỏi xong, vị giảng sư trước khi ra về có gửi đến mỗi vị cư sĩ có mặt hôm ấy mỗi người một danh thiếp của giảng sư. Hàng cư sĩ cung kính đón nhận và tiễn chân giảng sư ra về.

Sau đó họ ngồi lại với nhau và bình luận về tấm danh thiếp chi chít học vị, học hàm, chức vụ, kín cả hai mặt danh thiếp... Họ cười nói ra vẻ chế nhạo và bảo với Cư sĩ Chánh Trí rằng: "Ông thấy đó, Thầy giảng sư này ghi ra danh thiếp để lòe chúng tôi chắc, chứ những thứ này hàng cư sĩ có mặt ở đây còn có nhiều hơn nữa là...". Cư sĩ Chánh Trí cũng cười và trả lời với các cư sĩ trong Ban Quản trị như sau: "Thầy ấy vẫn có cái hơn bọn mình đó chứ! Đó là hình dáng đầu tròn áo vuông, tượng trưng cho đức độ của bậc Tăng già mà chúng ta không thể có được đó thôi...".

Khi tôi nghe các vị cư sĩ lão thành kể lại câu chuyện này, tôi đã xem đấy như một bài học đắt giá trong cuộc đời tu hành của mình. Cái mà mình có thể làm tốt hơn được để lãnh đạo hàng cư sĩ, đó không phải là tài năng, mà phải là đức độ từ việc tu hành mà ra...

Chúng ta cần phải học tập theo gương Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, đó là hãy chịu khó đọc lại tất cả những gì Cụ đã tâm huyết để trọn một đời từ khi giác ngộ đạo Phật viết ra. Chỉ có như thế chúng ta mới nắm bắt được cái tài và cái tâm trọn vẹn của một người cư sĩ kính Phật trọng Tăng mẫu mực.

Cũng qua việc học tập theo chí hướng của Cụ, chúng ta mới trân quý hàng cư sĩ Phật học trước đây và cố gắng xây dựng cho được hàng cư sĩ học Phật hiện nay và sẽ phát triển rộng khắp ở tương lai. Chỉ có như thế, đạo Phật của chúng ta mới phát triển dài lâu cùng xã hội, mà không bị coi như một tôn giáo yếm thế lạc hậu luôn trong màn sương mê tín hủ tục.

Đã tự nhận là người cư sĩ học Phật, thì họ ắt sẽ làm công việc động viên khuyến khích tín đồ hiểu giáo lý của Phật đà thật chắc, rồi sau đó hãy đến với sự tín ngưỡng tu tập, như lời đức Phật đã từng dạy:

"Những ai tin ta mà không hiểu ta, là kẻ phỉ báng ta.

Chỉ có những người hiểu ta rồi mới tin ta, đó mới đích thực là đệ tử của ta".

Kỷ niệm lần thứ 46 ngày Giỗ Cụ Chánh Trí 
Xá Lợi, ngày 12.4.2019

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6795484