Tin tức

QUAN NIỆM CỦA CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN VỀ TỊNH ĐỘ TÔNG

QUAN NIỆM CỦA CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

VỀ TỊNH ĐỘ TÔNG

 

NCS. NGUYỄN VĂN QUÝ

Khoa Tôn giáo học, Học viện Khoa học Xã Hội

 

1. Đặt vấn đề

Năm 2012, Ban Phật học Xá Lợi1 tổ chức biên soạn công trình “Khảo cứu về Tịnh Độ tông” của Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Công trình này là tập hợp các bài nghiên cứu của Chánh Trí Mai Thọ Truyền về Tịnh Độ tông đã được công bố trên tạp chí Từ Quang trong khoảng 4 năm, từ năm 1969 đến năm 19732. Có thể nói, cho đến nay, công trình Khảo cứu về Tịnh Độ tông của Chánh Trí Mai Thọ Truyền vẫn là công trình đầy đủ nhất trên nhiều phương diện. Công trình này không chỉ hoàn thiện nhất về giáo lý Tịnh Độ tông mà còn phân tích làm rõ nguồn gốc lịch sử của “tông” này. Nhưng quan trọng hơn, qua sự khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã có những luận giải, mà như tác giả đã viết ngay ở lời nói đầu như sau: “Trong thiên khảo cứu này sẽ có nhiều giải thích mà người đọc có thể cảm thấy quá mới, quá bạo, trái ngược với đường lối chung từ trước tới nay của đa số hoặc của những “uy quyền” được nhiều giới tin tưởng. Gặp những trường hợp này, xin bình tâm và vô tư suy xét tận tường, đừng vội lên án và đả kích”3.

Nhưng vì sao Chánh Trí Mai Thọ Truyền lại thấy cần phải “khảo cứu” và cần phải “giải thích”. Như tác giả cho biết, Tịnh Độ tông thành hình và đã trải qua một thời kỳ phát triển lâu dài. Trên phương diện nghi lễ thì không quá phức tạp như Mật tông, lại không quá đơn giản như Thiền tông. Trên phương diện thực hành, Tịnh Độ tông được xem là pháp tu “dễ tu dễ chứng”. Vì thế, trong lịch sử, Tịnh Độ tông cũng có những thời kỳ thăng trầm khác nhau. Nhiều cuộc tranh luận kéo dài giữa Thiền và Tịnh, để cuối cùng chấp thuận một xu thế phát triển của Phật giáo nói chung là Thiền – Tịnh song tu, đồng thời bản thân Tịnh Độ tông cũng phát triển thành một tông riêng trong lịch sử.

Song, điều quan trọng hơn, trong quá trình khảo cứu Tịnh Độ tông, Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã có những luận giải, quan niệm mới nhằm làm sáng tỏ câu hỏi: Tịnh Độ tông là gì? Ở bài viết này, chúng tôi chủ yếu căn cứ vào công trình Khảo cứu Tịnh Độ tông để làm sáng tỏ hơn một số quan niệm mới của ông về Tịnh Độ tông.

2. Một số quan niệm của Chánh Trí Mai Thọ Truyền về Tịnh Độ tông

Theo trình tự, công trình Khảo cứu về Tịnh Độ tông của Chánh Trí đang trên tạp chí Từ Quang từ số 201 năm 1969 đến số 239 năm 1973 liên tiếp trong 35 số (trừ các số 234, 236 và 238) đã cho thấy tính liên tục nghiên cứu của tác giả về Tịnh Độ tông; đồng thời cũng cho thấy tính logic xuyên suốt trong các bài viết mà bản thân tác giả nghiên cứu được thể hiện nội dung trong 7 chương4 mà Ban Phật học Xá Lợi đã biên soạn ấn hành.

Tuy nhiên, một công trình gồm 7 chương bao quát nhiều vấn đề của Tịnh Độ tông, nên chúng tôi, trong một bài viết này chủ yếu căn cứ vào những “giải thích” của tác giả sau mỗi “khảo cứu” để nhằm làm rõ hơn những quan niệm của ông về Tịnh Độ tông. Qua đó thấy được giá trị và ý nghĩa của công trình này trong bối cảnh xã hội đương đại.

Về nguồn gốc tư tưởng, giáo lý Tịnh Độ

Theo sự khảo cứu của Chánh Trí Mai Thọ Truyền thì tài liệu cổ nhất nói về “hiệu lực” niệm Phật là Đại thừa trang nghiêm kinh luận (Sutralamkara) của Mã Minh (Asvaghosa). Ở đây, Chánh Trí Mai Thọ Truyền khi nghiên cứu bộ Lịch sử Viễn Đông (Historie de l’Extrême Orient) của René Groussel đã phát hiện ra tác giả phương Tây này đánh giá về Đại thừa trang nghiêm kinh luận như sau: “chớm nở một tôn giáo chủ trương việc tôn thờ một nhân vật mà trong tương lai sẽ là tông Tịnh Độ”5. Song Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã có sự phản biện đúng mực đối với học giả René Groussel là: “Mã Minh là khuyên người niệm Phật, tưởng nhớ đến Phật, nhưng từ đó mà suy diễn rằng Bồ tát cổ động cho việc tôn thờ Phật – hay nói rõ hơn, tôn thờ cá nhân Phật – thì thật là chưa hiểu ý của Mã Minh nói riêng và tư tưởng của toàn hệ thống Phật giáo nói chung”6. Sự phê phán này là có cơ sở khi ông nghiên cứu bộ Na Tiên tỳ kheo kinh (Nagasena)7. Nội dung kinh Na tiên tỳ kheo ghi lại những lời vấn đáp giữa Tỳ kheo Na Tiên, người Trung Ấn, sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ II trước Công nguyên và vua Di Lan Đà (Milinda) tại kinh thành Sa Yết La (Sàkalà) thuộc thượng lưu Ngũ Hà. Trong cuộc đối thoại này, nổi bật quan điểm nếu ai đó từng làm việc bất thiện, nhưng khi lâm chung biết tưởng nhớ đến Phật sẽ được Phật lực nâng đỡ mà sinh lên các cõi trời. Hễ ai tin Phật và tưởng nhớ đến Phật thì khi lâm chung đều được Phật tiếp độ8. Junjiro Takakusu cũng nhắc đến tư tưởng “được cứu độ” là mới mẻ trong Phật giáo khi ông đọc Na Tiên tỳ kheo kinh và cho rằng “nếu chúng ta mô tả một vị Phật dựa trên căn bản giác ngộ viên mãn, chúng ta sẽ đi đến một lý tưởng về Phật, nghĩa là đức Phật của ánh sáng vô tận (Vô lượng quang) và của tuổi thọ vô tận (Vô lượng thọ). Khi lý tưởng về Niết bàn, vốn là phi không gian, phi thời gian, bất sinh, bất diệt, bất động được thể hiện, thì đất chính là Vô tận hay Vô lượng (Adiđà, Amita hay Amitabha). Sự mô tả về cõi Cực lạc, ý nghĩa Vô lượng quang và Vô lượng thọ và nhân cách giác ngộ của trí tuệ và từ bi vô cùng tận, tất cả giản dị là những giải thích về “Vô lượng”9. Như thế, vấn đề “tha lực” được xem là tư tưởng độc đáo của sự chuyển tiếp từ thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy (từ thời đức Phật còn tại thế đến sau khi đức Phật nhập Niết bàn 100 năm) và Phật giáo Đại thừa (từ thế kỷ 3 trước Công nguyên đến nay). Chính tư tưởng Phật lực là khởi nguyên của tư tưởng “tha lực” trong giáo nghĩa các bộ kinh thuộc Phật giáo Đại thừa sau này. Từ đây, Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã khảo sát nhiều bộ kinh thuộc Phật giáo Nguyên thủy, đặc biệt là kinh điển thuộc Phật giáo Đại thừa đã cho thấy tư tưởng Tịnh Độ đã xuất hiện rất sớm ở Ấn Độ cổ đại. Cụ thể, đó là bộ Đại Thừa khởi tín luận của Mã Minh. Bộ này, theo khảo cứu của Chánh Trí Mai Thọ Truyền do Chân Đế và Học Hỷ dịch vào triều nhà Lương và nhà Đường. Ông đã cho rằng bản dịch của Học Hỷ cho thấy nhiều yếu tố sơ khởi về pháp tu Tịnh Độ trên 4 phương diện: 1. Sợ mình không đủ niềm tin (tín tâm); 2. Nhất tâm chuyên niệm Phật, Bồ tát (chưa nói rõ là vị Phật, Bồ tát nào); 3. Nếu ai chuyên niệm Phật A Di Đà, làm việc lành, nguyện sinh về Tây phương Cực lạc thì chắc chắn được như vậy; 4. Những người sinh về Cực lạc không chỉ được thấy Phật mà còn được nghe pháp và quán Pháp thân Phật. Theo ông quan niệm, đây chính là những nguyên lý, nguyên tắc căn bản của pháp tu Tịnh Độ dù rằng “về được Tây phương chưa phải là đích. Về đây, nhờ thấy Phật mà vững lòng tin, thêm cương quyết để tiến tới trong việc tu hành là “văn pháp, quán Phật pháp thân”. Nắm chặt đường lối này mà dần dần tiến bước thì chung cuộc được đưa vào chánh định hay chính vị tức thành Phật”10.

Trong việc xác lập “tông”, theo quan niệm của Chánh Trí Mai Thọ Truyền, bộ Phật thuyết vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh11  có tầm quan trọng đặc biệt. Bộ kinh này được Chi Lâu Ca Sấm người xứ Nguyệt Chi dịch vào năm 147 đời Hậu Hán. Ở đây, ông chủ yếu căn cứ vào 24 hạnh nguyện của Bồ tát Pháp Bảo Tạng để phân tích về Thế giới Tây phương Cực lạc và những đặc điểm của thế giới đấy. Song, điều đặc biệt ở đây, Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã chỉ ra thế giới Tây phương Cực lạc được miêu tả bằng “lối văn tượng trưng áp dụng ở đây khi kinh nói về ánh sáng của Phật, những đặc điểm của nước Phật v.v...”12. Vì sao ông lại có nhận định này? Ông quan niệm, ánh sáng của Phật Vô Lượng Thọ (Phật A Di Đà) chính là “ánh sáng của tâm vô lượng thanh tịnh”, là ánh sáng của Huệ, hễ tâm định là sáng suốt, là hết vô minh. Chánh Trí cho rằng: “Vậy rõ ràng ánh sáng của Phật hay của tâm vô lượng thanh tịnh là một thứ ánh sáng siêu thế gian, là “vua của các thứ ánh sáng”, là ánh sáng “đáng tôn trọng nhứt”13  dù kinh văn đã miêu tả thế giới Tây phương Cực lạc rất cụ thể, nhưng “điều đáng ghi nhớ ở đây là Phật mượn cảnh vật và ngôn ngữ thế gian để diễn tả những cảnh vậy hoàn toàn không có ở thế gian”14.

Sau bộ kinh Vô lượng thọ được dịch ra Hán văn thì các bộ tiếp theo được dịch là Thập trụ tỳ bà sa luận của Bồ tát Long Thọ do Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch năm 405. Khi nghiên cứu bộ luận này, Chánh Trí Mai Thọ Truyền quan niệm: “Nguyên tắc “xưng danh” (đọc ra tiếng danh hiệu Phật) là miệng đọc còn tâm thì một mực nhớ tưởng (xưng danh nhứt tâm niệm)”15 đã được đề cập trong quyển 5 phẩm thứ 9 của bộ luận là nguyên tắc cơ bản nhất trong thực hành Tịnh Độ. Ngoài ra, ông còn chỉ ra công dụng của phép xưng danh niệm Phật là “đắc bất thoái chuyển”. Nhưng để đạt được như thế, người niệm Phật cần phải có sự tin tưởng ở hạnh nguyện cứu độ của Phật A Di Đà.

Các bộ kinh thuộc Tịnh Độ tông được ông tiếp tục khảo cứu là bộ Phật thuyết A Di Đà kinh do Chí Khiêm, người Nguyệt Thị dịch khoảng năm 230-240. Bộ kinh này có nội dung giống với bộ Vô Lượng Thọ thanh thịnh bình đẳng giác kinh do Chi Lâu Ca Sấm dịch trước đó. Bộ Vô Lượng Thọ kinh do Khương Tăng Khải dịch năm 252, thường được gọi là Đại bản; bộ Phật thuyết A Di Đà kinh do Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch năm 40, gọi là Tiểu bản. Một cách rất tinh tế, ông quan niệm về bộ Tiểu bản như sau: “để qua một bên những chi tiết, tuy có giá trị với những nhà khảo cứu, vẫn làm cho đa số người thường đọc tụng chán nản; lại nữa nhờ tóm tắt, người đọc dễ nhận nét chính của pháp môn niệm Phật, những điều kiện mà người tu Tịnh độ cần thực hiện để thành tựu. Chót hết là sự lặp đi lặp lại bốn lượt câu: “bỉ Phật quốc độ thành tựu như thị công đức trang nghiêm”, là một việc làm cố ý, người đọc nhận ra ắt phải để tâm tìm hiểu ý nghĩa, nhò đó mà thâm nhập lý kinh”16. Bên cạnh đó,  ông còn khảo cứu bộ Xưng tán Tịnh độ nhiếp thọ kinh do Pháp sư Huyền Trang dịch năm 650. Đặc biệt là bộ Phật thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật do Pháp sư Thời Xưng dịch năm 424. Khi nghiên cứu, ông thấy rằng bộ kinh này đã chỉ ra một phương pháp thực hành khác. Nếu như kinh A Di Đà chỉ ra phương pháp Niệm Phật thì ở bộ kinh Quán Vô Lượng Thọ lại nêu ra phương pháp “quán tưởng”. Ông quan niệm, “kinh Quán Vô Lượng Thọ chú trọng về hành hơn lý. Tuy nhiên, nhờ kinh này mà chúng ta có một nhận xét chơn xác về “Cửu phẩm liên hoa”, 9 cấp hoa sen hay 9 bậc cao thấp giữa “người” được vãng sanh về Cực Lạc”17.

Về thực hành trong Tịnh Độ tông

Những quan niệm và kiến giải này, chủ yếu được Chánh Trí Mai Thọ Truyền dựa trên các bộ Luận, bao gồm các bộ nghĩa ký, sớ sao… giải thích, biện luận các bộ kinh thuộc Tịnh Độ tông. Bản thân ông rất coi trọng khảo cứu các trước tác của Đại sư Trí Khải. Nhất là bộ A Di Đà kinh nghĩa ký (chú thích kinh A Di Đà), Tịnh Độ thập nghi luận (giải thích 10 mối nghi vấn đối với người tu Tịnh Độ) để từ đó, ông có những kiến giải rõ ràng về Tịnh Độ tông theo tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của tông này. Trước hết là những vị Đại sư không theo pháp tu Tịnh Độ nhưng lại đặt trọn niềm tin đối với Phật A Di Đà như Bồ tát Thế Thân, Đại sư Trí Khải... Trên phương diện thực hành, ông nhấn mạnh Thập niệm trong Vãng sinh luận chú của Đàm Loan và An lạc tập của Đạo Xước. Tuy nhiên, qua sự phân tích, luận giải của Chánh Trí Mai Thọ Truyền, chúng ta còn thấy bộ Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh sớ của Đại sư Thiện Đạo còn có sự phân biệt giữa Niệm và Xưng. Ông cho rằng: “Niệm là chánh niệm, không tưởng xằng nghĩ quấy mà phải chỉ tưởng nhớ Phật mà thôi và cảnh giới thanh tịnh an lạc của Ngài. Còn xưng danh hiệu, đọc lên bằng miệng nói lên bằng lời tên của Phật A Di Đà. Muốn xưng danh đúng phép, phải chánh niệm, rồi do chỗ đặt nặng tâm vào chánh niệm mà trừ được các tội”18. Song, trên phương diện thực hành, ông đã khảo cứu rất kỹ kinh điển và ông đặc biệt quan tâm đến nguyện thứ 1719 và then chốt ở “mười niệm”.

Trong lịch sử giáo lý Tịnh Độ tông, “Thập niệm” đã được nêu ra và cũng gây ra nhiều sự tranh luận. Nguyên nhân của sự tranh luận này như ông đã chỉ ra: 10 lần niệm câu Di Đà lục tự hay 10 niệm là khoảng thời gian của 10 niệm Di Đà lục tự. Ông không đi vào sự tranh luận mà quan niệm “Niệm Phật mà không hoan hỷ tin tưởng ở hiệu lực của sự niệm Phật, hoặc có niệm, có tin, mà không hết lòng muốn về Cực Lạc, nghĩa là trong tâm chưa chịu dứt bỏ cảnh này, còn mê còn luyến việc trần thế, thì đừng nói mười niệm mà chí đến trăm niệm cũng không về được Tây phương”; “Niệm ra tiếng không bằng nhớ nghĩ trong lòng, bởi vì miệng niệm mà tâm có khi không biết mình đọc cái gì, và như vậy chỉ là việc làm bề ngoài, không phải sự nghĩ nhớ chơn chánh. Lại nữa, niệm thầm bên trong có thành công hay không là tùy người niệm có để hết tâm chí mình vào việc tưởng nhớ Phật không. Gọi để hết tâm chí khi nào, tuy niệm thầm không ra tiếng, mà tai vẫn nghi lồng lộng sáu chữ Di Đà và lòng không còn nhớ nghĩ gì khác, tức không một tư tưởng nào xen vào làm đứt đoạn chuỗi niệm lục tự”20.

Như thế, trên phương diện thực hành, Chánh Trí Mai Thọ Truyền chủ yếu căn cứ trên các hạnh nguyện của Tỳ kheo Pháp Tạng, nhất là nguyện thứ 17 để khảo cứu. Ông quan niệm có ba điều kiện tiên quyết để có được sự thanh tịnh và vãng sinh Tây phương Cực lạc là: “1. Phải vui lòng tin tưởng ở hiệu lực của pháp môn niệm Phật. 2. Phải quyết muốn sanh về Cực lạc, tức là phải chán bỏ cảnh thế gian và quyết đổi chỗ ở. 3. Phải niệm Phật cho đến mười lần”21.

Nhìn chung, qua khảo sát của ông, giáo lý căn bản của Tịnh Độ tông đã hoàn chỉnh từ lâu, các bộ luận về Tịnh Độ đã lý giải rõ điều này. Cho nên, từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 11, mặc dù có nhiều bộ sớ, sớ sao, diễn nghĩa về Tịnh Độ tông nhưng không mang tính đột phá về mặt tư tưởng hoặc thực hành. Đúng như ông đánh giá, “về mặt giáo pháp căn bản, Tịnh độ tông đã được an bài kể từ năm 1000, về mặt văn chương, sách vở của tông này, kể từ đây, ngày càng trở lên xuất sắc hơn”22.

Tịnh Độ là một phương tiện

Theo Chánh Trí Mai Thọ Truyền, tất cả những lời Phật dạy dù dưới hình thức nào cũng đều là phương tiện. Ông cho rằng, “cái sự thật Phật muốn chỉ cho thế gian thất, mắt phàm lại không nhận ra được, Phật phải tạm thời dùng lời nói thí dụ, để người đời nương vào đó mà hướng về sự thật mà tự mình phải chứng nghiệm. Đạo lý hay sự thật không nằm trên mặt chữ mà trong lòng chữ”23. Vì thế, trong muôn vàn phương tiện, thí dụ là phương tiện thuận lợi nhất để nêu ra một sự thật nào đó. Ở đây, Chánh Trí Mai Thọ Truyền cho rằng giá trị của Thí dụ (Parabole) là rất lớn. Đối với ông, “trong Phật giáo, theo sự nhận xét của chúng tôi, có những kinh toàn là một thí dụ trường thiên, lại có những kinh trong đó thí dụ pha trộn với “ngôn từ” tức là phần thuyết lý (exposé). Kinh Diệu pháp liên hoa; chẳng hạn, thuộc loại thứ nhì, còn kinh Địa Tạng, Vô Lượng Thọ, A Di Đà,v.v... thuộc loại thứ nhứt”24. Sau khi phân tích thấu đáo, ông cho rằng các bộ kinh Tịnh Độ tông là những thí dụ và giáo pháp của tông này là giáo quyền, lấy quyền hiển thực, dùng những cái tạm bợ để chỉ sự thật. Ông quan niệm: ý nghĩa thật của tên kinh Phật thuyết Vô Lượng Thọ là nền tảng đầy đủ nhất cho “tông”. Trên phương diện ngôn ngữ, tên kinh là: Kinh Phật nói về Vô lượng thọ, nghĩa là “vấn đề được thuyết là vấn đề Vĩnh cửu”, tức là Tính hay Phật tính. Vậy Tính ấy là gì, ông  đã trưng dẫn bộ Di Đà Sớ Sao của Đại sư Vân Thê nói về Tính là “linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng, phi trược, phi thanh, vô bối, vô hướng” (Tính ấy linh thiêng, sáng suốt, rỗng rang, thông suốt, trong trẻo, vắng lặng, còn hoài mãi mãi, chẳng phải dơ, chẳng phải sạch, không trái, không mặt). Ông quan quan niệm: “Đã linh thiêng, sáng suốt, rỗng rang và thông suốt thì Tánh ấy là một nguồn sáng khôn lường (vô lượng quang). Đã là trong trẻo vắng lặng, còn hoài mãi mãi thì Tánh ấy là một nguồn sanh lực vĩnh cửu và khôn lường (vô lượng thọ). Ánh sáng ở đây không phải là ánh sáng vật chất của trời trăng, đèn sao, mà là Ánh sáng thiêng liêng, huyền diệu, - (Lumière spririuelle Lum ère divine) hay nói như nhà Phật, là Ánh sáng Giác, là Huệ, là Bồ đề”25; Trên phương diện nội dung kinh, Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã chia kinh Vô Lượng Thọ làm 6 phần chính: 1. Sự tích Tỳ kheo Pháp Tạng; 2. Nước An Lạc; 3. Nhân vật, phong cảnh và đời sống ở nước An Lạc; 4. Điều kiện vãng sinh về nước An Lạc; 5. Tại sao phải nguyện sinh về đó; 6. Kết luận. Như thế, có thể thấy, theo sự phân chia này, ông đã có những phân tích đặc biệt sâu sắc về kinh Vô Lượng Thọ. Chẳng hạn, về Tỳ kheo Pháp Tạng được đề cập trong kinh là một nhân vật đặc biệt, trí tuệ, chí nguyện sâu sắc,... Ông đặt câu hỏi và tìm lời giải đáp như sau: Tỳ kheo Pháp Tạng có phải là một nhân vật lịch sử không hay hàm ý chỉ Phật Pháp Tạng, Như Lai Tạng như trong Từ điển Phật học định nghĩa? Ông khảo cứu trong Đại thừa chỉ quán còn thấy Tỳ kheo Pháp Tạng còn nhiều tên như Tự Tánh Thanh Tịnh Tâm, Phật tánh, Pháp thân. Và từ đây, ông cho rằng: “trên mặt chữ, kinh đề cập đến một nhân vật gọi là Pháp Tạng, nhưng kỳ thật kinh muốn nói về cái Tâm thanh tịnh của tự tánh, về Phật tánh “chẳng đổi dời” ở trong mỗi chúng sanh?”26. Cho nên, đúng như ông quan niệm, Tỳ kheo Pháp Tạng là nhân vật đại diện cho Vô lượng quang, Vô lượng thọ, là Thanh tịnh tâm, là Phật tính. Sâu sa hơn, ông còn cho rằng: “cũng không có việc Pháp Tạng tu thành Phật A Di Đà thật sự, mà chỉ có việc, nếu hiểu Kinh theo nghĩa tỉ dụ (sens parabolique), chứng ngộ Tự tánh, nghĩa là tự mình thể nhận Phật tánh vô lượng quang và vô lượng thọ ở nơi mình. Mục đích của Kinh, thật vậy, là giúp cho con người tu theo phương pháp “niệm Phật” thất được Tự tánh Di Đà hay ông Phật ở trong mỗi con người, thấy cảnh giới thanh tịnh (tịnh thổ hay tịnh độ đọc trại) của ông Phật ấy, tức là Tâm”27; Trên phương diện 48 hạnh nguyện của Tỳ kheo Pháp Tạng, ông đặt câu hỏi vì sao Tỳ kheo Pháp Tạng phát nguyện, phát nguyện để làm gì. Ông đã cho người đọc thấy được thực chất rằng Tỳ kheo Pháp Tạng phát nguyện trong “một tâm trạng hoàn toàn thanh tịnh”, nghĩa là Vị tỳ kheo này đã hoàn toàn giác ngộ rồi.

Về nước An Lạc hay Cực Lạc thế giới

Theo sự khảo cứu của Chánh Trí Mai Thọ Truyền, quan niệm của phương Tây cho rằng thế giới Tây phương Cực lạc là một thiên đường (paradis). Thiên đường là nơi người dân được hưởng mọi thú vui sướng, là phần thường cho người sống “ngoan đạo” và Thế giới Tây phương Cực lạc cũng vậy. Ông nhận định về quan niệm của phương Tây như thế hoàn toàn sai biệt: “thiên đường của họ không gì khác hơn cảnh thế gian với điểm siêu việt là ở đấy tất những ham muốn thèm khát của con người được thỏa mãn trọn vẹn: rượu thịt hảo hạng, đờn ngọt hát hay, sữa chảy như suối, gái đẹp như tiên”28. Theo quan điểm của ông, thiên đường như thế là thế giới của ham muốn, là thỏa mãn sự thèm khát của con người, nó ngược với nước An Lạc hoàn toàn thanh tịnh. Bởi “sự vui sướng tột bực chỉ có được trong những tâm hồn đã gạn lọc tất cả tham, sân, si. Vì vậy, nước của Phật A Di Đà không có gì hấp dẫn đối với những ai còn nặng những ước mơ hưởng thụ dục lạc của cõi trần. Ở đấy không có một nữ nhơn thì làm gì có gái đẹp? Ở đấy không có súc sanh thì làm gì có thịt béo?”29. Chánh Trí Mai Thọ Truyền phản biện thiên đường theo quan niệm của phương Tây một cách sâu sắc hơn khi ông y cứ vào kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà để cho mọi người thấy rõ hơn nước An Lạc vô cùng tốt đẹp, được xây dựng bằng 7 báu (đất, cây, nhà cửa… đều bằng vàng, bạc, lưu li…). Với kiến văn quảng bác, bằng sự trải nghiệm Phật giáo, Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã có nhận xét vô cùng sâu sắc về thế giới Tây phương Cực lạc như sau: “Phải chăng ý Kinh muốn ám chỉ bảy cái gọi là “thất thánh tài”: 7 thứ của cải của bậc Thánh là: 1). Tín (lòng tin), 2) Giới (giới hạnh), 3) Văn (nghe với nghĩa là học hỏi, thông hiểu), 4) Tam (biết thẹn), 5) Quý (biết xấu hổ), 6) Xả (biết bỏ, không tham luyến), 7) Huệ (sáng suốt)”30. Do đó, Cực lạc chính là “thí dụ” đồng thời cũng là cảnh của Phật A Di Đà. Nghĩa là cảnh ấy được trang nghiêm bằng “thất thánh tài”.

Về cây báu đạo tràng

Chánh Trí Mai Thọ Truyền phân tích cây báu ở đạo tràng của Phật A Di Đà theo kinh và qua đó, ông đã phân tích sâu sắc “cây báu Đạo tràng của Phật Thích Ca, mà kinh điển thường gọi là Bồ đề Đạo tràng”. Ông quan niệm, không phải cây Bồ đề nào cũng linh thiêng, và “Chỉ có cội cây nơi đó đức Cồ Đàm đã thành Chánh giác. Vậy cây báu Bồ đề nói trong trường hợp này được đồng hóa với sự Giác ngộ và nói đến Bồ đề Đạo tràng tức là nói đến sự thành tựu viên mãn Phật đạo”31. Ông cho rằng, nêu chấp thuận như vậy thì sẽ hiểu được được “mật ngữ” trong kinh Vô Lượng Thọ. Mắt thấy được hình sắc, tai nghe được tiếng, mũi biết được mùi, lưỡi nếm được vị, thân đụng được… của ánh sáng cây Đạo tràng. Do đó, người nào thoát ly được với sáu trần (mắt, tai, mũi, lười, thân và ý) và “tiếp xúc được với Giác ngộ cho đến mức thấy được, nghe được, ngửi được, niếm được, đụng chạm được, liên lạc mật thiết được, thì người ấy nhất định đi đến đích và thu hoạch được ba cái năng lực gọi là “tam pháp nhẫn”32. Nhưng quan trọng hơn, phải làm thế nào có được năng lực “Tam pháp nhẫn”, nghĩa là được giác ngộ, giải thoát. Kinh điển Tịnh Độ tông đã chỉ rõ, phải có Tam tư lương (Tín – Nguyện – Hạnh) đầy đủ, rõ ràng, kiên cố mới có thành tựu.

3. Đôi lời tạm kết

Các bài viết về Tịnh Độ tông của Chánh Trí Mai Thọ Truyền từ những năm 1969 đến năm 1973 in trên tạp chí Từ Quang được tập hợp thành công trình Khảo cứu về Tịnh Độ tông. Nội dung của công trình này như chúng tôi đã đề cập và phân tích những quan niệm của Chánh Trí Mai Thọ Truyền, mà theo chúng tôi rất có giá trị trên hai phương diện lý luận và thực tiễn.

Trên phương diện lý luận, những luận giải của Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã cho người đọc, nhất là những tín đồ Phật tử ưu chuộng pháp tu Tịnh Độ thấy rõ được nguồn gốc tư tưởng, giáo lý Tịnh Độ; vấn đề thực hành trong Tịnh Độ tông. Những luận giải này được ông đúc kết từ một khối từ liệu đồ sộ của các Luận sư Tịnh Độ trong lịch sử. Trong đó, không ít các tài liệu đi sâu vào mặt “lý – sự”, sự phân chia các tầng/cõi Tịnh Độ… khiến cho tín đồ Phật tử Việt Nam đương thời không khỏi “lo lắng”.

Trên phương diện thực tiễn, những quan niệm mới của Chánh Trí Mai Thọ Truyền về nước An Lạc, về cây báu đạo tràng, nhất là quan niệm Tịnh Độ là một phương tiện đã hướng tín đồ Phật tử tránh sa vào “mê tín”, “chấp trước” để có được thành tựu cụ thể trên bước đường tu tập.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, sự giao lưu văn hóa, tôn giáo đang diễn ra với tốc độ nhanh, mạnh trên nhiều phương diện. Đối với Phật giáo Việt Nam, giao lưu giữa Phật giáo trong nước và quốc tế ngày càng sâu rộng và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nhận thức cũng như tu tập của tín đồ Phật giáo Việt Nam. Đối với tín đồ Phật tử theo pháp tu Tịnh Độ nói riêng, đặc biệt ở Hà Nội hiện nay, nhiều đạo tràng Niệm Phật đã được mở trong các ngôi chùa, nhiều đạo tràng tự phát không có sự hướng dẫn cụ thể của các nhà sư nên không tránh khỏi tu hành lệch với tôn chỉ pháp tu Tịnh Độ. Do đó, có thể thấy, sự khảo cứu, luận giải công phu, quan niệm mới của Chánh Trí Mai Thọ Truyền vẫn còn nguyên giá trị.

 


1. Bao gồm: TK. Thích Đồng Bổn; Cư sĩ Tống Hồ Cầm, Lâm Hoàng Lộc, Tô Văn Thiện, Trần Phi Hùng và Chính Trung.

2. Tạp chí Từ Quang các số 201, 202, 203, 204, 205, 206, 207, 208 tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11,12 năm 1969; 209, 210, 211, 212, 213, 214, 215, 216, 217, 218, 219, 220, tháng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 năm 1970; 221, 222, 223, 224, 225, 226, 227, 228, 229, 230 tháng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 năm 1971; 233, 235, 237 tháng 7, 9, 11 năm 1972; 239 tháng 1 năm 1973.

3. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr9.

4. Kết cấu công trình: Khảo cứu về Tịnh Độ tông như sau: Chương I: Nguồn gốc; chương II: Các luận giải; chương II: Tịnh Độ tông Nhựt Bổn; chương IV: Nghĩa sâu kín của tông; chương V: Nghĩa sâu kín của kinh văn; chương VI: Điều kiện vãng sanh; chương VII: Tại sao phải nguyện sanh về tịnh độ. Ngoài ra còn: Lời nói đầu, Lịch sử Tịnh Độ tông.

6. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr25

7. Bộ kinh này xuất hiện vào khoảng thế kỷ I Công nguyên. Ban đầu, bản kinh này truyền sang Tích Lan và các nước theo Phật giáo Nguyên Thủy với tên gọi mà Milindapanhà hay Di lan dà vấn kinh thuộc văn hệ Pàli. Sau đó, bản kinh này được truyền sang Trung Quốc và dịch sang văn hệ Hán với tên gọi là Na tiên tỳ kheo kinh.

8. Xin xem phần nói về “Nhân ít, quả nhiều” trong: Cao Hữu Đính (soạn thuật), Na Tiên tỳ kheo kinh, Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế (ấn hành), 1996.

9. Junjiro Takakusu (Tuệ Sỹ dịch, 1973), Các tông phái của đạo Phật, Ban tu thư Viện đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, tr 318

10. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr32

11. Bộ này gọi tắt là Vô Lượng Thọ.

12. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr44

13. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr44

14. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr52

15. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr65

16. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr69

17. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr71

18. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr85

19. Nguyện 17: Nếu lúc tôi được làm Phật mà mười phương chúng sinh hết lòng vui tin, muốn sinh về nước tôi, nhưng đến mười niệm mà không sinh về nước ấy – trừ những người phạm năm tội lớn dèm pha chính pháp – thì tôi chẳng giữ ngôi chính giác.

20. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr156-157

21. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr157

22. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr87

23. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr107

24. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr109

25. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr131,132

26. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr141

27. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr144

28. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr162

29. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr163

30. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr167

31. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr172

32. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr173

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2012), Khảo cứu về Tịnh Độ tông, Chánh Trí toàn tập, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội

2. Chân Nguyên Tuệ Đăng (soạn), Lê Mạnh Thát (dịch chú, 2018), Tịnh Độ yếu nghĩa, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội

3. Cao Hữu Đính (soạn thuật, 1996), Na Tiên tỳ kheo kinh, Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế (ấn hành)

4. Junjiro Takakusu (Tuệ Sỹ dịch, 1973), Các tông phái của đạo Phật, Ban tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn

5. Pháp sư Thánh Nghiêm (Thích Tâm Trí dịch, 2010), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Phương Đông, Hà Nội

6. TS. Vọng Nguyệt Tín Hanh (Thích Nữ Giới Niệm dịch, 2014), Lịch sử giáo lý Tịnh độ Trung Quốc, Nxb. Phương Đông, Hà Nội.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 54
    • Số lượt truy cập : 6950121