Tin tức

"TẠI SAO PHẢI THIỀN?"

 

Tin: TRÍ DƯƠNG
Ảnh: TRÍ TÂM - THIỆN ĐỨC

 

Giáo sư Nguyễn Điều

 Đông đảo Phật tử tham dự buổi thuyết giảng của giáo sư Tuệ Lạc

 

Chiều 18/3/2023 tại Chùa Phật học Xá Lợi, GS Nguyễn Điều (Cư sĩ Tuệ Lạc) có buổi nói chuyện về đề tài "Tại sao phải Thiền?". Với kinh nghiệm thực hành thiền, Giáo sư chia sẻ giúp chúng ta hiểu thêm phương pháp quán nhận biết thân và hơi thở, nhất là biết được tại sao chúng ta phải hành thiền.

Đông đảo Phật tử đã đến tham dự buổi thuyết giảng của giáo sư Tuệ Lạc.

Lời nhắn nhủ đầu tiên của thầy, nếu thấy thiền hữu ích thì hãy dùng mọi phương tiện sẳn có hỗ trợ cho việc tu thiền, nhằm đem lại cuộc sống an lạc ngay trong hiện tại.

Mục đích của thiền, giúp cho tâm đạt được trạng thái an tịnh. An tức là tâm được an trú trong hiện tại, tâm không còn lăng xăng, suy nghĩ lung tung, lang thang đây đó (phóng tâm). Tịnh tức là tâm được trong sạch, lành mạnh không còn bị ô nhiễm với bất kỳ hoàn cảnh bên ngoài nào.

Năng lượng, sự phóng tâm làm cho năng lượng con người bị phân tán mọi nơi, tiêu hao một cách vô ích. Kết quả là thân tâm mệt mỏi, thần lực suy hao. Thầy có đưa ra một ví dụ về năng lượng điện cung cấp cho bóng đèn: Cùng một điện năng, nếu cung cấp cho ít hoặc một bóng đèn thì bóng sẽ sáng hơn so với cung cấp cho nhiều bóng cùng một lúc. Hãy liên hệ ví dụ này với sự phóng tâm, chúng có nét tương tự.

Thêm một ví dụ về xe và bình sạc: Khi khởi động xe, xe cần bình sạc cung cấp năng lượng, nhưng khi xe đang chạy thì chính xe lại cung cấp năng lượng ngược lại cho bình, giúp bình vẫn tiếp tục hoạt động. Hãy liên hệ viêc tu thiền với ví dụ trên, chúng có nét tương đồng.

Một thiền sư có thể ngồi thiền trong 7 ngày mà không cần bổ sung năng lượng tự bên ngoài. Con số 7 này đã được nói đến trong kinh và nó cũng phù hợp với khoa học ngày nay. Thật là vi diệu.

Thiền là sự vệ sinh tinh thần (tâm). Khổ đau thường vốn là kết quả của dục vọng phát khởi trong tâm. Dục vọng này làm tâm ô nhiễm. Thiền có công năng làm tâm trong sạch tức tẩy rữa những ô nhiểm này.

Thiền hướng việc tu tập theo đúng con đường Trung Đạo. Mục đích của tu Thiền là để tâm được an tịnh, tức là có định. Khi có định thì tuệ phát sinh, "định năng sinh tuệ". Người có tuệ sẽ thấy được bản chất vận hành đích thực của các pháp: Duyên sinh, vô thường, vô ngã,... Từ đó sẽ biết được việc gì đúng việc gì sai, việc gì thiện việc gì bất thiện, việc gì không nên làm việc gì nên làm. Kết quả người ấy biết tránh xa hai cưc đoan: say đắm dục lạc và ép xác khổ hạnh. Đây chính là con đường Trung Đạo. 

Thiền định và thiền tuệ: Thiền định còn gọi là thiền chỉ, thiền tuệ còn gọi là thiền quán hay thiền Minh Sát. 

- Thiền định có mục tiêu là đạt đến những trạng thái tĩnh lặng (các tầng định) thâm sâu của tâm. Kỹ thuật được dùng là hướng tâm vào một đối tượng lành mạnh nào đó, nhằm ngăn chăn sự phóng túng của tâm. 

- Thiền quán có mục tiêu là quán sát mọi đối tượng để thấy rỏ bản chất sinh diệt của mọi đối tượng đúng như chúng là. Công cụ được dùng là chánh niệm. 

 - Khác nhau: Thiền định chỉ tập trung vào một đối tượng duy nhất (như là hơi thở vào ra), còn thiền tuệ quán sát mọi đối tượng đến đi trong giây phút hiện tại. 

- Quan hệ: Thường phải có định trước khi đi vào tuệ, hay nói cách khác không thể có tuệ nếu không có định. Ví dụ, khi soi gương nếu cầm gương không vững (không có định) thì hình ảnh phản chiếu trong gương không rỏ ràng (không có tuệ); ngược lại nếu cầm gương vững chắc (có định) thì hình ảnh phản chiếu sẽ rỏ ràng (có tuệ). 

- Lưu ý về định: Những người đắc định dễ dàng hướng đến thần thông. Tuy nhiên nếu sa đà vào thần thông, phép lạ rồi trở thành nô lệ cho tham vọng thì lại rơi vào bản ngã, tham dục, sở đắc. Có một ý đặc biệt này mà thầy có gợi lên trong lớp: Xưa kia Đức Phật hành thiền chắc cũng phải qua định trước khi đi vào tuệ, tức là Ngài cũng có sở đắc thần thông. Thế thì sao lại nói Ngài không phải là một vị thần không? Chắc ai cũng có thể trả lời. 

Một trường hợp khác, khi đắc định thì có hỷ lạc, rồi quen dần với an lạc, hạnh phúc đó. Thế là bị dính mắc không bước ra được, cũng tức là không thể qua tuệ được. 

Tứ niệm xứ: Bốn phép quán niêm: THÂN quán niệm xứ, THỌ quán niệm xứ, TÂM quán niệm xứ và PHÁP quán niệm xứ, tức là niệm trên bốn xứ: thân, thọ tâm và pháp. 

Trong bài giảng thầy gom (thân và thọ) thành THÂN, gom (tâm và pháp) thành TÂM. Như vậy bốn niệm xứ trở thành niệm thân và tâm, niệm thân và để tâm an trú trong thân. 

Ba thiền ngữ 

Sử dụng 3 thiền ngữ NGHĨ TỚI, CẢM GIÁC VÀ BIẾT trong quá trình tu thiền. Ba thiền ngữ này dựa trên 5 chi thiền phát sinh khi tu thiền: tầm, tứ, hỷ, lạc và định. 

Tầm và tứ = Nghĩ tới 

Hỷ và lạc = Cảm giác 

Định = Biết 

Cuối giờ, Thầy chỉ dạy các Phật tử cách thực hành thiền.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6920730