Tin tức

TÁM GIAI ĐOẠN HỌC PHẬT CỦA CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN

TÁM GIAI ĐOẠN HỌC PHẬT

CỦA CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN

 

THÍCH THIỆN HƯNG

Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam

 

Phật giáo du nhập vào Việt Nam hơn 20 thế kỷ, tùy thuận vào từng triều đại và thời cuộc mà lúc thịnh lúc suy. Theo dòng chảy đó, vào thế kỷ XX trong bối cảnh Phật giáo đang trên đà suy vi đã có nhiều danh Tăng, thiện hữu trí thức cư sĩ khởi xướng và tham gia vào phong trào chấn hưng Phật giáo. Trong phong trào đó có cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền. “Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền sinh ngày 01/4/1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình trung lưu”1 là một trong những vị có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở thế kỷ XX.

Trước khi trở thành cư sĩ Phật tử, cụ Chánh Trí để tâm nghiên cứu Phật giáo, Nho giáo và các tư tưởng triết học khác. Ông luôn tham vấn học hỏi ở các vị cao Tăng, sau ông thọ Tam quy Ngũ giới với Hòa thượng Thích Hành Trụ. Hòa thượng đã đặt pháp danh cho ông là Chánh Trí. Sau khi Quy y Tam bảo, trở thành cư sĩ Phật tử, Chánh Trí - Mai Thọ Truyền phát tâm ăn chay trường. Với sự thông tuệ và nghiên cứu sâu về Phật giáo, cư sĩ Chánh Trí đã dốc lòng phụng sự Phật pháp không biết mệt mỏi. Cuộc đời hoằng pháp của cư sĩ Chánh Trí phải kể đến việc thành lập Hội Phật học Nam Việt năm 1950, vận động xây dựng ngôi chùa Xá Lợi, mở các lớp Phật học, tham gia biên soạn giáo lý, tổ chức các buổi thuyết giảng giáo lý, mời chư vị cao Tăng thạc đức trong nước và nước ngoài về giảng dạy, xuất bản tạp chí Từ Quang và tạp chí này tồn tại gần 24 năm từ (1951-1975). Tạp chí Từ Quang đã được công chúng đón nhận, nhất là những bài viết của cư sĩ Chánh Trí đã phổ biến rộng rãi đến đại chúng. Nhiều thành phần trí thức và đồng bào Phật tử nhờ đọc tạp chí mà biết đến đạo. Vì vậy, những đóng góp của cư sĩ Chánh Trí cho nền Phật học ở giai đoạn này thật vô cùng to lớn.

Tám giai đoạn học Phật

Chánh Trí - Mai Thọ Truyền là người cư sĩ mong truyền bá Phật pháp đến các tầng lớp trong xã hội mà đặt biệt là tầng lớp Phật tử các giới. Trong cuộc đời và sự nghiệp cư sĩ Chánh Trí đã để lại nhiều tác phẩm và những dịch thuật có giá trị. Trong đó có tác phẩm “Trình tự của cư sĩ học Phật”, được cư sĩ Chánh Trí giới thiệu khái quát lộ trình tu học của người sơ cơ học đạo”2. Là một trong 15 cuốn sách của bộ Chánh Trí toàn tập, được Thượng tọa Thích Đồng Bổn và nhóm cư sĩ tham gia biên soạn vào mùa An cư năm Tân Mão (2011), nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tạp chí Từ Quang xuất bản số đầu tiên (1951). Tạp chí do Cư sĩ Chánh Trí làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tác phẩm “Trình tự của cư sĩ học Phật” mang “một văn phong giản dị, đậm nét Nam bộ, cư sĩ Chánh Trí đã đưa ra nhiều ý tưởng sâu sắc giúp ích cho đời. Tác phẩm của cụ đã vượt qua thời gian 50 năm trở thành tài sản quý báu của người Phật tử chúng ta…”3.

Là người Phật tử được trải nghiệm sâu sắc giáo lý của đạo Phật, cư sĩ Chánh Trí đã soạn ra tập sách có nhiều luận giải cơ bản đầy tâm huyết của người thực sự trải nghiệm đạo Pháp từ học tới hành. “Chánh Trí - Mai Thọ Truyền là một điển hình cho sự tích cực của hàng cư sĩ lợi đạo ích đời theo tinh thần đạo Phật và là điểm sáng chói ở miền Nam trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo, góp phần lớn lao trong sự nghiệp truyền bá tri thức Phật học, nhất là phát triển hệ thống Phật học cư sĩ do Chánh Trí - Mai Thọ Truyền sáng lập ra vẫn còn duy trì hoạt động cho đến ngày nay”4.

Trong tác phẩm “Trình tự của cư sĩ học Phật”, Chánh Trí - Mai Thọ Truyền định nghĩa: “Trình” là lịch trình, con đường trải qua, “Tự” là tuần tự, trước sau thứ lớp. Vậy Trình tự của cư sĩ học Phật là con đường mà người tại gia tu Phật phải theo thứ lớp trải qua các giai đoạn. Tại thời điểm đó, khi Phật giáo trong thời kỳ chấn hưng còn nhiều tư tưởng đan xen, cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền chú trọng vào phương pháp học Phật có hệ thống và trình tự là điểm bứt phá mới.

Chánh Trí - Mai Thọ Truyền cho rằng tám giai đoạn được ngài Thái Hư vạch ra là những phương pháp cơ bản nhất của cư sĩ Phật tử khi bước vào đạo. Vận dụng tám bước này, Chánh Trí - Mai Thọ Truyền đã đưa ra những quan điểm của mình và lý giải rõ ràng thông qua việc học và hành của chính ông.

Tám giai đoạn đó bao gồm:

- Thứ nhất, tìm sách vỡ lòng về Phật pháp học đọc để khai tâm mở trí và kiến lập lòng tin.

Đầu tiên cư sĩ Chánh Trí nhấn mạnh hai chữ “vỡ lòng”. Chúng tôi rất đồng thuận điều này, ở môi trường nào cũng vậy, khi tìm hiểu và học bất cứ ngành nghề nào cần phải nắm vững cơ bản trước. “Bước đầu tuy tầm thường song không kém phần quan trọng, nếu bước đầu đi sai, những bước sau khó mà đúng được. Người học Phật khi mới vào đạo không hiểu đúng tinh thần Phật giáo, về sau sẽ hỏng cả một đời tu”5. Là người sơ cơ học đạo cần tìm kinh sách sơ đẳng để đọc và học mới có cơ duyên thâm hiểu đúng Phật pháp. Nếu đọc những kinh sách quá tầm sẽ không nắm được những pháp căn bản để hành trì. Đây cũng là căn bệnh chung của người học Phật. Có lẽ cư sĩ Chánh Trí đã từng trải qua nên người chú trọng đến việc này: “… phải cố học những sách dạy ta những giáo lý căn bản, để hoán cải những tri kiến phàm phu của chúng ta và làm phương khai tâm mở trí hướng về ánh sáng giác ngộ của Phật”6. Một khi hiểu biết cơ bản về Phật pháp và thực hành thì mới phát khởi niềm tin vào giáo pháp. Muốn có niềm tin chân chánh cần phải thông qua tuệ giác, nhờ đó mà thành tựu lòng tin, vững bước trên đường tu học.“Càng học đọc, càng thâm hiểu; càng thâm hiểu, lòng tin nơi phương pháp giải thoát của Phật càng dày, nhờ đó mà phát tâm tu hành”7. Ở mỗi người, niềm tin tiềm ẩn bên trong và mức độ thể hiện khác nhau. Trong quá trình thực hành hằng ngày, chúng ta có thể cảm nhận được lòng tin của mình hoặc có thể đánh giá niềm tin của người khác qua cách hành xử và thâm hiểu giáo pháp của họ. Đức Phật dạy có 3 yếu tố để thể hiện niềm tin: “Ưa thấy người có giới hạnh; ưa nghe diệu pháp; với tâm ly cấu uế xan tham, sống trong nhà, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, thích thú sự từ bỏ, sẵn sàng khi được yêu cầu, thích phân phát vật bố thí. Do ba sự kiện này, này các tỳ kheo, một người được biết là có niềm tin”8.

- Thứ hai, Quy y và thực hành thiện nghiệp

Đây là yếu tố căn bản để giúp hành giả có đời sống an lạc. Quy y tức là Quy y Tam bảo gồm: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, là ba ngôi báu thường hằng ở thế gian. Theo cư sĩ Chánh Trí quy y cần phải “kiến lập lòng tin trên sự hiểu biết giáo pháp căn bản của Phật”9. Quy y, trước cần am hiểu rõ ràng mục đích và bổn phận của mình trên nền tảng giáo lý, thông qua sự học hỏi, dùng lòng tin chân chánh và tuệ giác để thấu hiểu. Có như thế “mới thật là Quy y chân chánh”10. Quy y là bước rất quan trọng trong đời người. Vì sau khi quy y ba ngôi Tam bảo, người cư sĩ trở thành Phật tử là một trong bảy chúng của đức Phật.

Ngoài việc quy y ra, Phật tử cần làm những việc thiện. Theo cư sĩ Chánh Trí, “tập hành thiện, dù là những việc lành nhỏ nhặt cũng chớ từ”11. Làm lành lánh dữ là câu cửa miệng xưa nay nhưng để làm được điều lành và lánh được điều dữ là cả một quá trình. Cư sĩ Chánh Trí cho rằng: “Thấy đến nơi đến chốn cái chân tướng của vũ trụ, xuôi theo đó mà hành động là thiện. Trái lại là ác. Nói một cách khác, xuôi theo chân lý là thiện, trái với chân lý là ác”12.

- Thứ ba, thọ Ngũ giới13

Thông thường khi Quy y xong liền thọ Ngũ giới, nhưng ở đây, theo cư sĩ Chánh Trí, “Quy y hành thiện, một ít lâu sau thấy tự mình có phần thay đổi tốt hơn trước, trong tư tưởng, lời nói, việc làm, thì xin thọ năm giới”14. Có thể đây là giải pháp tốt để cho người thọ giới suy nghiệm tu tập khi nương tựa Tam bảo, sau thời gian thuần thục phát tâm thọ ngũ giới. Theo Giới đàn tăng, hiện nay tại các chùa sử dụng trong nghi thức truyền giới cho Phật tử, khi thọ Tam quy (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng) xong liền truyền năm giới (trừ các cháu dưới 11 tuổi chưa đủ tuổi đón nhận năm giới, còn lại từ 11 tuổi trở lên đều được thọ năm giới). Năm quy tắc đạo đức (năm giới) là thềm thang quan trọng của người cư sĩ Phật tử, là nền tảng cơ bản để kiện toàn nhân cách của một người. Nếu giữ trọn vẹn sẽ mang nhiều lợi lạc trong hiện tại và mai sau. Trong một bản kinh, Đức Phật tán thán công đức của người giữ giới trọn vẹn sẽ được năm điều lợi ích: “1. Tiền của dồi dào vì sống không phóng dật; 2. Tiếng tốt đồn xa; 3. Khi đi vào hội chúng nào, hoặc Sát đế lợi, hoặc Bà la môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi, không bối rối; 4. Khi chết tâm thần không rối loạn; 5. Sau khi mạng chung sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới”15.

- Thứ tư, hành Bát quan trai

Thọ Bát quan trai là cách thực tập tu học của người Phật tử trong một ngày một đêm xin thọ trì, được Đức Phật chế định cho người Phật tử tại gia không có cơ duyên xuất gia tu học như chư Tăng. Nội dung gồm có 8 giới, người thọ phát nguyện tập sống như một vị tu sĩ trong một ngày một đêm. Theo cư sĩ Chánh Trí, “Quan có nghĩa là phân ra từng kỳ là mấy ngày, lại có nghĩa là đóng cửa không cho tất cả các việc làm ác còn có ngõ ra”16. Cư sĩ Chánh Trí khẳng định, sau khi “thọ (giới) xong rồi, suốt thời kỳ đã lập nguyện, phải ở tại chùa hoặc trong tịnh thất và giữ mình như một người xuất gia, bao nhiêu tập nhiễm, thị hiếu của thế gian phải dẹp bỏ hết. Ngày đêm tinh tấn không gián đoạn, cung kính trước Tam bảo, giữ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cho trong sạch như Phật, không ẩm tửu, không trang sức các thứ phấn sáp nước hoa, không mặc quần áo lụa hàng màu sắc, không nằm giường cao và rộng lớn, không giữ tiền của bạc vàng và xem hát nghe ca buổi tối, hễ quá ngọ là không ăn”17. Khi hành giả phát tâm thọ Bát quan trai nhờ giữ thân tâm thanh tịnh qua đó “sẽ có hai kết quả: gần là một người có nhân cách mới, cao thượng, nghiêm khiết, dung mạo đoan trang, mặt mày sáng rỡ, xa sẽ thông cảm với pháp giới thanh tịnh của Như Lai”18.

Hiện nay, tại các đạo tràng tu tập Bát quan trai chỉ diễn ra trong 12 giờ đồng hồ sau đó xả giới, đây là việc làm không đúng với tinh thần mà Đức Phật đã dạy.

- Thứ năm, trì tâm giới

Cư sĩ Chánh Trí cho rằng, tâm giới tức là thực hành mười điều thiện19. Trì tâm giới là cách tu tập đưa đến con đường Thánh đạo. Khi hành giả đã thọ tam quy, thực hành năm giới rồi tiến lên bước nữa là thọ mười điều thiện. Để hành trì viên mãn 10 giới đòi hỏi người thực hành có sự định tỉnh và luôn sống với thân, miệng, ý, thanh tịnh, kiểm thúc được thân tâm, nhờ đó phát huy năng lực chính mình. Trong tạp chí Từ Quang20 cư sĩ Chánh Trí cho rằng: “trong Thân có ba: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, đều là những việc làm ác. Răn dè không cho sát sanh là lấy lòng từ bi thương xót các sanh vật, răn dè không cho trộm cắp là không đoạt lấy cái có của người đem về cứu trợ cho cái không của mình, răn dè không cho tà dâm là làm ngay thẳng cái đạo gái trai. Đó là xuôi theo chân lý của vũ trụ mà hành động vậy”.

Miệng có 4 giới: Vọng ngữ, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt. Cư sĩ Chánh Trí giải thích: “vọng ngữ là bụng không nghĩ mà miệng lại bày ra mà nói… Ỷ ngữ là nói xáo trộn thiện ác… rối loạn chánh tà, nói diễu nói cợt, nói nhảm nhí, cho đến nỗi không thể giữ chữ tín với người… trái ngược với cái đạo của trời đất. Ác khẩu là chửi mắng, làm xấu hổ người, khiến người sanh lòng chẳng lành, thật là điều đáng ghét. Lưỡng thiệt là lời nói có hai mặt, đủ quá tình thân hảo của người, lời nói từ bi, quyết không phải vậy”21.

Ý có ba: Kiên tham, Sân khuể, Tà kiến, do ba thứ độc, Tham, Sân, Si tạo thành.

Cư sĩ Chánh Trí giải thích:“Kiên tham là không biết an phận giữ mình, ham muốn không chán, trộm cắp của người… Sân khuể là nóng giận, do chỗ mê mờ chân lý và pháp tánh của vũ trụ mà phát hiện vậy. Tà kiến là tư tưởng sai lầm, không xét sâu được chân lý của vũ trụ, do ngu si mà nói không có nhân quả, báo ứng… từ đó sanh ra kiêu ngạo, tà kiến”22.

Ba nghiệp thân, miệng, ý, là nơi xuất phát ra mọi tội lỗi, tốt xấu. Nếu người khéo vận dụng tu tập chuyển hóa chính mình, sống đời tỉnh thức thì ba nghiệp là nơi tạo ra nhiều công đức. Ngược lại, nếu không hành thiện thì thân khẩu ý tạo lỗi lầm vô cùng. Điều này được cư sĩ Chánh Trí khẳng định: “có nắm giữ vẹn toàn giới luật mới có thể làm việc lành và giúp ích mọi loài hữu tình”23.

- Thứ sáu, tu định tuệ

Từ bước thứ nhất đến thứ năm như đã liệt kê cho thấy người tu Phật phải trải qua các giai đoạn học hỏi giáo lý, quy y hành thiện nghiệp, thọ lãnh năm giới, thực hành Bát quan trai, trì tâm giới, là cách để xây dựng nền tảng căn bản cho người học. Khi đã nắm được những giáo lý cơ bản và thực tập có lợi ích, hành giả đã tạo cho mình miền tin chân chánh. Niềm tin là cửa ngõ quan trọng để chúng ta bước vào đạo giải thoát. Khi có niềm tin thì mới có thể tu tập định và tuệ.

Cư sĩ Chánh Trí phân tích rất rõ về định và tuệ:“định tuệ mà không rèn luyện trong lòng tin chân chánh, trong việc giữ giới thanh tịnh, thì định ấy sẽ là tà định của tạp ma, còn tuệ kia cũng sẽ là cuồng tuệ của phược nhiễm”24. Việc tu tập định tuệ là cách thực hành chỉ và quán, để loại trừ các tạp nhiễm tham, sân, si.

Theo ông, tu thiền định tức tu theo chỉ quán gồm có năm phép quán: Quán bất tịnh, quán từ bi, quán Duyên khởi, quán sổ tức, quán niệm Phật. Ba phép quán đầu là những phương pháp để trị ba chứng Tham, Sân, Si; phép quán thứ tư sổ tức để trừ chứng tán loạn và phép niệm Phật nhằm xa lìa các chướng ngại trong tâm thức.

- Thứ bảy, cầu vãng sanh

Chánh Trí - Mai Thọ Truyền chú trọng về tín, hạnh nguyện là 3 yếu tố quan trọng của hành giả khi thực hành. Tín là niềm tin nơi chư Phật, tin vào chính mình; hạnh là thực hành lời Phật dạy hoặc hành trì danh hiệu Đức Phật chư vị Bồ tát; nguyện là lời phát nguyện của hành giả là sự mong muốn mang kết quả thực hành (tu học) hướng về nơi tốt đẹp đó là cảnh giới Phật hay cảnh giới của những vị Thánh tăng. Nói khác, khi có niềm tin chân chánh vào chính mình thực hành điều đã tin và nguyện cho thành tựu việc đã thực hiện thành công, đây là phương pháp hữu hiệu.

Trong thực tế, bất cứ việc gì khi muốn thực hiện cần có ba yếu tố trên, thiếu một trong ba yếu tố thì việc làm khó hoàn tất. Theo cư sĩ Chánh Trí:“cầu tha lực tức là nguyện vãng sanh… hết lòng tin tưởng rằng khi lâm chung sẽ được Phật Thánh chúng rước về cõi ấy. Như thế là đủ Tín, Nguyện, Hạnh”25.

Trong tông chỉ của pháp môn Tịnh độ thì tín, hạnh, nguyện là ba yếu tố quan trọng để hành giả tu tập và cầu nguyện vãng sanh về thế giới của Đức Phật A Di Đà. Nếu người tu học chỉ có tín, hạnh, nhưng thiếu nguyện hoặc có hạnh, nguyện, không có tín thì chưa đúng với tông chỉ của Đức Phật A Di Đà và không thể cầu nguyện vãng sanh. Theo cư sĩ Chánh Trí “tín, hạnh, nguyện cho thân không hề lơ lảng thì kết quả ắt mong chờ được”26.

- Thứ tám, phát Bồ đề tâm

Bồ đề tâm là tâm rộng lớn, có ba đặc tính:

Trực tâm: tâm chánh niệm chân như, tâm hướng thẳng về Phật tánh sáng suốt của chính mình.

Thâm tâm: Tâm thường thích làm các việc lành để gieo trồng các công đức, phát huy bồ đề, tâm không để tạp niệm xấu tham, sân, si chen vào.

Đi bi tâm: lòng từ bi vô hạn, “từ nhãn thị chúng sanh”, thương và làm tất cả để giúp tất cả chúng sanh mà không có sự phân biệt đây là những người thân của mình, những người theo đạo giống mình, còn kia là những người mình không ưa”27.

Thực hành chí nguyện xuất trần thượng sĩ là điều rất khó. Hành giả khi tu tập cần phát Bồ đề tâm. Bồ đề tâm rộng mở bao nhiêu thì sự tu tập càng thăng tiến bấy nhiêu. Chư Phật xưa kia cũng từ chúng sanh mà phát nguyện tu học, nhiều công hạnh cao cả của chư vị Bồ tát trong kinh điển đề cập đến như: Bồ tát Địa Tạng thệ nguyện nếu như còn một chúng sanh chưa thoát khỏi cảnh Địa ngục thì Ngài không thành Phật hay Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thề nguyện làm đệ tử của ba đời Chư Phật để trùng tuyên giáo pháp lợi lạc quần sanh... cư sĩ Chánh Trí cho rằng việc phát Bồ đề tâm còn là “thương xót các loại hữu tình trong năm cõi, thệ nguyện cứu vớt làm các hạnh Bồ tát, y như Phật đã làm khi còn tu tập…”28.

Là cư sĩ trí thức, Chánh Trí - Mai Thọ Truyền đã sớm nhìn nhận và đưa ra những bước học Phật có trình tự logic hướng đến các tầng lớp trong xã hội. Trong trình tự tu tập của cư sĩ tại gia, cư sĩ Chánh Trí đã trình bày tám giai đoạn mà hành giả cần nắm chắc và tu học. Tám bước này được chia chẻ ra từ dễ đến khó và theo một trình tự nhất định. Nhờ thấu hiểu và thực hành theo các bước trên hành giả sẽ có kiến thức nền căn bản khi bước vào đạo.

Tám bước mà Chánh Trí - Mai Thọ Truyền đề ra có thể xem là dấu mốc quan trọng trên lộ trình học Phật. Người cư sĩ cần có chí hướng, một khi chí hướng đã lập, quyết tâm thực hành mới mong thành tựu kết quả. Ngoài ra cư sĩ Chánh Trí còn trước tác và dịch thuật nhiều tác phẩm và để lại cho nền Phật học Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị.

Ngày nay, việc tu học của Phật tử dường như thuận lợi hơn, có nhiều phương tiện tiếp cận Phật pháp hơn thông qua những hình thức như: nghe giảng trực tiếp, Ti vi, Internet… Thế nhưng, việc học đó lại không theo trình tự, lớp lang. Một mặt, dù tiện lợi trong việc tiếp cận giáo pháp nhưng người học Phật lại không có người hướng dẫn cụ thể, cho nên hiệu quả thâu nhận không cao; thậm chí có nhiều Phật tử bị rơi vào bế tắc khi tìm hiểu Phật pháp với nội dung kiến thức quá tầm. Mặt khác, cũng do cách hiểu sai hoặc thiếu căn bản đó mà ngày càng xuất hiện những nan đề khiến ảnh hưởng đến đạo Phật như: “đốt vàng mã, đồng bóng, cúng sao cúng hạn, dời mả, giết hại sinh vật để tế Thần tế Thánh, cúng kiến ông bà”29. Hoặc cũng có trường hợp giả tu vài tháng đã cho mình chứng ngộ, báng bổ thánh thần, bài xích Phật, Tổ, hoặc chấp không, chấp có… tạo nên nhận thức và phản ứng tiêu cực tới Phật giáo.

Như thế cho thấy, sự hiểu biết không căn bản về Đạo Pháp gây ra những hậu quả vô cùng to lớn đến cá nhân, cộng đồng cũng như với đạo Phật. Nếu được định hướng cụ thể, đúng đắn từ đầu, người học Phật sẽ vững bước trên đường đạo và làm thềm thang trên lộ trình tu học.

Cho đến nay, tại hầu hết các chùa vẫn chưa thống nhất chương trình cụ thể nào để đưa vào giảng dạy cho các tầng lớp cư sĩ Phật tử trên con đường học Phật. Vì vậy, từ quan điểm của Chánh Trí Mai Thọ Truyền đặt ra yêu cầu cần thống nhất những lộ trình tu học rõ ràng, thiết thực, phù hợp để đáp ứng với những trình độ khác nhau của hàng cư sĩ tu học Phật.

 


1. Thích Đồng Bổn (2007), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Nxb, Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 917.

2. Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Sđd, tr. 8.

3. Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Sđd, tr. 8.

4. Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Sđd, tr. 20.

5. https://thuvienhoasen.org/images/file/iJmtoZ1G0QgQAOBB/buocdauhocphat.pdf, ngày 6/03/2019

6. Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (2011), “Trình tự của cư sĩ học Phật”, Trong: Chánh Trí Toàn tập, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 21-22.

7. Chánh Trí Toàn tập, Sđd, tr. 22.

8. ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, (1996), chương 3, phẩm Nhỏ, phần Sự Kiện, VNCPGVN ấn hành, tr.268.

9. Chánh Trí Toàn tập,Sđd, tr.22.

10. Chánh Trí Toàn tập, Sđd, tr. 22.

11. Chánh Trí Toàn tập, Sđd, tr. 22.

12. Chánh Trí Toàn tập, Sđd, tr. 56.

13. 1. Không được sát sanh, 2. Không được trộm cướp, 3. Không được tà dâm, 4. Không được

nói dối, 5. Không được uống rượu.

14. Chánh Trí Toàn tập, Sđd, tr. 22.

15. ĐTKVN, (1991), Trường Bộ I, Kinh Đại bát Niết bàn, VNCPHVN ấn hành, tr. 562

16. Chánh Trí Toàn tập, Sđd, tr. 23.

17. Chánh Trí Toàn tập, Sđd tr. 23-24.

18. Chánh Trí Toàn tập, Sđd, tr. 24.

19. Thân: không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục; Miệng: không vọng ngữ, ác khẩu,

lưỡng thiệt, ỷ ngữ; Ý: không tham, không sân, không si.

20. Hội Phật học Nam Việt ấn hành, Tạp chí Từ Quang, số 32, (8/1954), Sài Gòn, tr. 38 - 39.

21. Hội Phật học Nam Việt ấn hành, Tạp chí Từ Quang, số 33, (8/1954), Sài Gòn, tr. 43 – 45.

22. Sđd, tr. 43 – 45.

23. Chánh Trí Toàn tập, Sđd, tr. 12.

24. Chánh Trí Toàn tập, Sđd, tr 26.

25. Chánh Trí Toàn tập, Sđd, tr 30.

26. Chánh Trí Toàn tập, Sđd, tr 29-30.

27. http://truclamchanhthien.net/thu-vien-sach/han-trinh-ve-neo-giac/lam-nao-phat-khoi-bo-de-

tam/, ngày 7/03/2019.

28. Chánh Trí Toàn tập, Sđd, tr 30.

29. Thích Thiện Hoa (2012), Pht học phổ thông 1, Khóa IV Bài Thứ Mười: Ngũ Minh, Nxb. Tôn

Giáo, Hà Nội, tr. 645.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Đồng Bổn (2007) Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Nxb, Tôn Giáo, Hà Nội.

2. ĐTKVN, (1996) Tăng Chi Bộ I, chương 3, phm Nhỏ, phần Sự Kiện, VNCPGVN ấn hành.

3. ĐTKVN, (1991) Trường Bộ I, Kinh Đại bát Niết bàn, VNCPHVN ấn hành.

4. Thích Thiện Hoa (2012), Pht học phổ thông 1, Khóa IV Bài Thứ Mười: Ngũ Minh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.

5. Chánh Trí – Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Pht học dị giải, Nxb, Tôn giáo Hà Nội.

6. Chánh Trí – Mai Thọ Truyền (2011), Chánh Trí Toàn tập, Trình tự của Cư sĩ học Phật, Nxb, Tôn giáo Hà Nội.

7. Trích tạp chí Từ Quang số 32, (8/1954), Hội Phật học Nam Việt ấn hành, Sài Gòn.

8. Trích tạp chí Từ Quang số 33 (9/1954), Hội Phật học Nam Việt ấn hành, Sài Gòn.

9. https://thuvienhoasen.org/images/file/iJmtoZ1G0QgQAOBB/buocdauhocphat.pdf, ngày 6/03/2019.

10. http://truclamchanhthien.net/thu-vien-sach/han-trinh-ve-neo-giac/lam-nao-phat- khoi-bo-de-tam/, ngày 7/03/2019.

 

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 70
    • Số lượt truy cập : 6950143