Tin tức

Tản mạn về ngày Phật đản và An cư kiết hạ

TẢN MẠN VỀ NGÀY PHẬT ĐẢN VÀ AN CƯ KIẾT HẠ

VU GIA

 

Ở Việt Nam vừa có Phật giáo Nam tông, vừa có Phật giáo Bắc tông, lại có một vài nơi còn có thêm “kiết đông” thay vì “kiết hạ”, bắt đầu từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 12 là dựa theo tinh thần của Luật Bồ tát. Trong lúc chuẩn bị mùa An cư, Phật tử cúng dường các phẩm vật cần thiết giúp chư Tăng ni tu tập suốt 3 tháng. Trong quá trình an cư của chư Tăng ni, Phật tử thường xuyên lui tới tham học, giúp đỡ việc tổ chức sinh hoạt của chư Tăng ni,... sẽ tạo không ít công đức thiết thực trong hành trình tu học.

Ngày Phật đản được chọn ngày rằm tháng 4 âm lịch, nhưng ngày trước ở miền Nam, các chùa thường tổ chức từ ngày mồng 8 tháng 4 đến ngày rằm tháng 4 âm lịch. Mấy năm gần đây, tôi thấy nhiều chùa cũng tổ chức như thế. Vậy ngày Phật đản là ngày nào đúng nhất? Mới rồi cũng có người hỏi tôi như thế. Tôi nói, hồi đọc tư liệu để viết cuốn sách về Nho tướng Nguyễn Công Trứ, có một giai thoại là lúc trẻ Nguyễn Công Trứ có đến thăm một ngôi chùa làng. Tại ngôi chùa này, vị sư trụ trì có viết câu liễn: Cứu nhân độ thế/ Khuyến thiện trừng dâm. Nguyễn Công Trứ không thích ý “trừng dâm”, bởi theo ông: Ai dám bảo chữ dâm là bậy/ Nếu không dâm sao lại nảy ra hiền? Do đó, tranh thủ lúc vị sư trụ trì không có mặt, ông viết thêm mấy chữ vào 2 vế trở thành một câu đối khá thú vị:

Khuyến thiện trừng dâm, con ai sinh tháng Tư mồng tám;

Cứu nhân độ thế, của nào vay mất một đền mười?

Đã “trừng dâm” thì làm gì có con sinh ngày mồng 8 tháng 4? Và đã là “cứu nhân độ thế” thì làm chi có chuyện mất một đền mười? Nhưng qua câu đối này, ta có thể khẳng định từ xa xưa, ngày Phật đản được xác định là ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Vế sau xuất phát từ câu phương ngôn: Của Phật mất một đền mười.

Chọn ngày rằm tháng 4 làm ngày Phật đản từ lúc nào?

Trên tinh thần “học Phật”, tôi xin tóm lược chuyện này từ những tư liệu mà tôi đọc được nhằm góp phần cùng với bạn đọc Tạp chí Từ Quang hiểu thêm về ngày Phật đản. Qua trang mạng Wikipedia, thì theo truyền thống Phật giáo Đông Á, ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch hằng năm là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca; tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn).

Trước năm 1959 các nước Đông Á, thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Nhưng Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Sri Lanka), từ 25-5 đến 8-6-1960, các phái đoàn đến từ 26 nước là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch. Nhưng cũng có tư liệu cho rằng “Tháng tư ngày tám” từ xưa vẫn được coi là ngày đức Phật hiển thế. Từ năm 1959 trở về trước, các nước có truyền thống Phật giáo vẫn tổ chức lễ Phật đản vào ngày 8-4 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, Đại hội Phật giáo Thế giới năm 1960 (họp ở Phnôm Pênh, Campuchia) đã thống nhất lấy ngày 15-4 theo lịch mặt trăng làm ngày kỷ niệm đức Phật đản sinh cho Phật tử toàn thế giới.

Chuyện này, kinh sách Phật giáo không ghi (nếu rải rác ở các công trình nghiên cứu thì không thống nhất), nên với tôi, quan trọng ở tấm lòng hướng Phật, khuyến thiện trừng ác, thương yêu chúng sinh như chính bản thân mình... để cho đời thêm vui chứ không luận ngày mồng 8 hay ngày rằm. Theo thời gian, đạo Phật được nhiều dân tộc trên thế giới tìm hiểu và “học Phật”. Năm 1999, trong phiên họp thứ 54, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã ra quyết nghị công nhận ngày Tam hiệp vào rằm tháng 4 lịch mặt trăng (tháng Vèsaka theo lịch Ấn) là ngày tổ chức lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới, tên đầy đủ là Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2008 với chủ đề: Tình thương, Hòa bình và Hòa giải; Đại lễ Vesak 2014 cũng do Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công với chủ đề: Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.

An cư kiết hạ là gì?

Theo truyền thống, vào ngày Phật đản, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm, thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người nghèo khó, đau yếu... trong cộng đồng, chia sẻ niềm vui với mọi người. Đối với người xuất gia thì tiếp sau ngày Phật đản là bước vào mùa An cư kiết hạ (3 tháng).

Vậy An cư kiết hạ là gì? Bộ Luật Tư Trì Ký, định nghĩa: Lập tâm một chỗ gọi là Kiết; bộ Nghiệp Sớ, định nghĩa: Thu thúc thân vào chỗ tịch tĩnh gọi là An. Như vậy, mục đích chính của An cư kiết hạ là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức.

An cư kiết hạ là một thông lệ từ lâu của các đạo sĩ Ấn Độ khi Tăng đoàn Phật giáo còn chưa xuất hiện. Thời tiết Ấn Độ, từ tháng 1 đến tháng 4 là mùa xuân, từ tháng 9 đến tháng 12 là mùa đông. Ấn Độ không có mùa thu. Một năm chia làm ba mùa rõ rệt như thế, nên các đạo sĩ quy định vào những tháng mưa gió cần phải an trú một nơi nhất định để bảo tồn sức khỏe và tăng cường đạo lực. Do đó, mùa An cư kiết hạ không phải do đức Phật chế định nên, mà Ngài thuận theo truyền thống của xã hội Ấn Độ đương thời áp dụng cho hàng đệ tử xuất gia của mình.

Thuở đức Phật còn tại thế, Ngài có đặt ra một giới luật cho hàng Tăng ni là mỗi năm phải An cư kiết hạ vào mùa mưa. Ở Ấn Độ, vào mùa mưa, cây cối đâm chồi, các loại côn trùng sinh sôi nảy nở rất nhiều. Theo quan điểm của nhà Phật, khi các loại côn trùng sinh sôi nảy nở, cây cối đâm chồi nảy lộc mà chúng Tăng đi khất thực sẽ dẫm đạp, giết hại nhiều chúng sanh nhỏ nhoi, làm tổn thương đến lòng từ bi tế vật của hàng Phật tử, nên chư Tăng ni không được phép du hành ra ngoài, mà phải ở yên một chỗ trong thời gian 3 tháng để nỗ lực tu tập thiền định, trau dồi Giới, Định, Tuệ, cùng nhau sống trong hòa hợp thanh tịnh. Tuy nhiên, nếu có chuyện khẩn cấp và cần thiết, chỉ được phép rời trú xứ trong thời hạn không quá 7 ngày, rồi phải trở lại tiếp tục an cư, nếu đi qua ngày thứ 8, mặt trời mọc lên thì phạm tội ác. Đó là nguồn gốc của việc An cư kiết hạ.

Nhiều tư liệu cho biết khi đối chiếu giữa lịch Ấn Độ và lịch Trung Hoa thì có sự khác biệt về thời gian bởi thời tiết khí hậu từng nơi không giống nhau, chứ việc tu học không có gì khác biệt. Thời gian An cư kiết hạ theo lịch Ấn Độ được bắt đầu từ ngày trăng tròn tức ngày 16-6 âm lịch đến ngày 15-9 âm lịch. Ngày hoàn mãn An cư kiết hạ được gọi là ngày Tự Tứ, áp dụng chung cho cả hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông. Thời gian An cư theo lịch Ấn Độ vẫn được chư Tăng tại các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam tông, như Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào... tôn trọng cho đến ngày nay. Khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, mùa An cư kiết hạ lại được ấn định theo lịch Trung Hoa từ ngày trăng tròn 16-4 âm lịch cho đến ngày 15-7 âm lịch, nhằm ngày lễ Vu Lan. Đó là truyền thống của Phật giáo Bắc tông ở các quốc gia như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên. Đến ngày kết thúc mùa An cư, chư Tăng họp lại kiểm điểm thành quả, làm lễ sám hối, bố tát và tuyên bố hoàn mãn.

Ở Việt Nam vừa có Phật giáo Nam tông, vừa có Phật giáo Bắc tông, lại có một vài nơi còn có thêm “kiết đông” thay vì “kiết hạ”, bắt đầu từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 12 là dựa theo tinh thần của Luật Bồ tát.

Đức Phật dạy rằng: Bổn phận người xuất gia là phải An cư kiết hạ mỗi năm một lần. Dù đến 60 tuổi cũng vẫn phải An cư kiết hạ. Lời dạy này đã nêu rõ đức Phật rất chú trọng đến sự thanh tịnh tu hành, sự hành trì giới luật một cách triệt để. Trong đạo thì lấy ngày mãn hạ tháng 7 làm ngày khánh tuế, chúc mừng tuổi đạo cho nhau. Tuổi thọ thế gian là tuổi thọ của thân tứ đại, tuổi thọ của đạo là tuổi thọ của giới thân huệ mạng. Tuổi thọ của thân tứ đại càng tăng thì càng gần cái chết, còn tuổi thọ của giới thân huệ mạng càng tăng thì càng gần với quả vị Bồ đề. Do vậy, mùa An cư kiết hạ rất quan trọng đối với người xuất gia.

Qua đây, chúng ta thấy rằng qua 3 tháng An cư kiết hạ (kiết đông), chư Tăng ni tu học quan trọng hơn là việc sợ dẫm đạp làm chết côn trùng, cây cối.

Thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức...

Thông bạch Tổ chức An cư kiết hạ PL 2559 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 26-3-2015, trong phần Nội dung sinh hoạt trong 3 tháng An cư Kiết hạ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhắc nhở Ban Tổ chức các điểm an cư tập trung cần chú trọng một số nội dung cơ bản, như:

1- Thực hiện đầy đủ các thời khóa tụng niệm, tọa Thiền, niệm Phật, kinh hành... giữ gìn oai nghi tế hạnh trong tu tập, sinh hoạt hằng ngày;

2- Tùy theo trình độ của Tăng Ni An cư từng địa phương, Ban Giảng huấn có thể trích giảng một số vấn đề trong Kinh, Luật hoặc giảng chuyên đề;

3- Đối với những Trường hạ có nhiều vị Trụ trì và Tăng Ni lớn tuổi an cư, có thể kết hợp chương trình bồi dưỡng Trụ trì và công tác hành chánh Giáo hội theo một số tài liệu như: Luật học đại cương, Yết ma Chỉ Nam, tài liệu liên quan đến quan điểm Trụ trì, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh lần thứ V, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, chương trình hoạt động Phật sự của Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh...;

4- Đối với những Trường hạ có nhiều Tăng Ni trẻ an cư, nên chú trọng đến việc phát hiện những nhân tố mới trong Phật giáo, thông qua phần thực tập diễn giảng và làm báo tường. Trung ương Giáo hội ủy nhiệm cho Ban Trị sự, Ban Giảng huấn các Trường hạ tổ chức và hướng dẫn. Nếu có yêu cầu Trung ương Giáo hội hỗ trợ thì đề nghị Quý Ban Trị sự có công văn gửi về Văn phòng Trung ương Giáo hội trước ngày khai Hạ một tháng để tiện việc sắp xếp...

Qua đây, ta thấy bao mùa An cư kiết hạ đi qua cho đến bây giờ, chẳng những Tăng ni luôn được tạo điều kiện thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, tăng trưởng Giới, Định Tuệ, xứng đáng làm ruộng phước cho hàng Phật tử tại gia. Và cũng theo truyền thống An cư kiết hạ hàng nghìn năm qua, từ đây, người Phật tử tại gia cũng có điều kiện thực hiện vai trò “cận sự”. Trong lúc chuẩn bị mùa An cư, Phật tử cúng dường các phẩm vật cần thiết giúp chư Tăng ni tu tập suốt 3 tháng. Trong quá trình an cư của chư Tăng ni, Phật tử thường xuyên lui tới tham học, giúp đỡ việc tổ chức sinh hoạt của chư Tăng ni,... sẽ tạo không ít công đức thiết thực trong hành trình tu học.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 41
    • Số lượt truy cập : 7054439