TÔI HỌC VÀ LÀM
TS. LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC
LTS: TS. Lê Sơn Phương Ngọc là một cộng tác viên thân thiết của Tủ sách Phật học Từ Quang. Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả tự sự của TS Lê Sơn Phương Ngọc về những thành quả của ông gặt hái được nhờ tinh thần của hai người thầy ảnh hưởng rất mạnh đến ông, biến ông trở thành một người cầu tiền và nhẫn nại làm việc.
Bút ký Đường Tăng, một tác phẩm “để đời” của TS. Lê Sơn Phương Ngọc
Trong bài viết “Bàn Về Tự Do” (On Liberty, 1859), John Stuart Mill có viết: “Giáo dục phổ quát phải đi trước quyền công dân, đặc biệt là quyền bỏ phiếu phổ thộng” [Universal teaching must precede universal enfranchisement], và “Tự do chỉ có thể trở thành hiện thực trong một cộng đồng văn minh”
(TS Trần Chung Ngọc-Mỹ)
Thời học trung học ở quê nhà, tôi có năng khiếu môn toán, làm toán như chơi. Không bận rộn với việc làm toán mà không bí bài toán nào thì mới gọi là giỏi toán. Thời đệ lục, đệ ngũ. tôi thường được thầy gọi lên giảng các bài toán khó cho cả lớp, cuối năm thầy xin vở giải bài tập của tôi để đỡ soạn bài, vì tôi chép tỉ mỉ theo thứ tự các bài giải của tôi trong sách của thầy Đinh Quy (sách giáo khoa thời đó). Ít ai thấy tôi mất thời giờ với môn toán, mà chỉ thấy tôi cặm cụi chép tay đến thuộc làu từng bài thơ, từng bài văn hay, tôi chép tay cả cuốn sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân, chép tay cuốn sách Nhà văn hiện đại của nhà văn Vũ Ngọc Phan, là hai cuốn sách thơ văn Việt Nam kinh điển, tập hợp những tác giả cùng những bài thơ bài văn tiêu biểu hay nhất Việt Nam chữ Quốc ngữ thời cận hiện đại. Tôi phải chép vì quá thích mà tôi không đủ tiền mua, phải nằn nì mượn của các anh chị cùng nhà trọ. Cũng như sau này lên đại học, tôi cặm cụi chép từng bài thơ chữ Hán “Thơ văn Lý Trần” mà thầy Trần Trọng San đưa ra giảng dạy.
Học chữ Hán, ngoài năng khiếu hiểu nhanh viết nhanh, hồi đó tôi là sinh viên viết chữ Hán nhanh chỉ sau thầy dạy, thầy viết lên bảng xong là tôi cũng chép lại xong, thầy giảng xong là tôi thuộc làu. Hiểu nhanh viết nhanh lại còn phải chịu cần cù trầm tư chiêm nghiệm vì thơ văn chữ Hán thường “Ý tại ngôn ngoại”, lời nói ra không bao giờ diễn tả đủ ý nghĩa của bài thơ, bài văn chữ Hán cổ. Người ta cần phải suy nghĩ, trải nghiệm thì mới thấm được ý nghĩa sâu kín củabài thơ, bài văn chữ Hán cổ.
Sau này thấy nhiều sách chữ Hán in theo chữ giản thể, tôi tìm cách đọc thứ chữ này cho thông, tôi tra bộ Đại từ điển Từ Hải (từ điển Hán – Hán, chữ giản thể có chua chữ phồn thể). Tra chữ nào, tôi chép ra chữ nấy, mỗi ngày trên 20 từ thì khoảng 3 tháng sau, tôi dịch sách chữ giản thể, ban đầu còn lúng túng, về sau thì dịch thông như chữ phồn thể. Tôi cho rằng, người có vốn phồn thể học chữ giản thể dễ học hơn người muốn học ngược lại, thông thạo chữ giản thể muốn học chữ phồn thể thì khó hơn gấp trăm lần, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể.
Trong khi chờ anh Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam Dương Trung Quốc và anh Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trịnh Dương cùng vài người bạn Hà Nội, Viện trưởng viện Hán Nôm TS Nguyễn Ngọc Nhuận, chủ trì bữa tiệc hỏi tôi:
- Ông đang dịch gì đấy?
- Trung Hoa Phật giáo sử.
- Chữ Hán cổ hay chữ giản thể hiện đại?
- Cả chữ Hán cổ lẫn chữ giản thể.
- Đáng nể thật ! Ông cổ kim gồm đủ.
- Tôi từ Hán cổ, học từ điển Từ Hải trong ba tháng là dịch được chữ giản thể hiện đại.
Vào năm 2006, TS Nguyễn Ngọc Nhuận đang là Phó Viện trưởng Viện Hán Nôm Việt Nam, viết Lời Bạt cho tập thơ dịch của tôi, tập thơ Trương Quảng Khê tiên sinh tập, ngài phó Viện trưởng đã buột miệng khen tập thơ dịch của tôi:
“Đọc xong 244 bài thơ của Trương Đăng Quế như được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lấp lánh của một chuỗi ngọc liên châu toàn bích. Cùng bạn đọc, tôi xin cảm ơn dịch giả Tiến sĩ Lê Sơn (Lê Sơn Phương Ngọc) đã dẫn chúng ta đến một miền thơ ca đầy cảm xúc, qua lối dịch thơ đầy chất thơ, chuyển tải ý tưởng của tác giả khá tài tình”.
Dịch thơ đầy chất thơ vì tôi đã được chuẩn bị thơ văn Việt Nam từ những năm trung học.
Tôi còn viết sách dạy chữ Nho theo phương pháp mới của một người chuyên toán như tôi, để sinh viên có thể học chữ phồn thể nhanh, nhưng rồi tôi nghĩ rằng thơ văn ngày xưa hàm súc lắm, người thưởng thức phải trải nghiệm nhiều. Văn thơ Hán cổ mà học nhanh thì không nắm được bao nhiêu, nên tôi đã bỏ dở, không viết tiếp nữa. Người xưa thường ví von người giỏi văn học chữ Hán “bụng chứa 5 xe Kinh Sử” đấy thôi!
o0o
Khi tôi bắt đầu học năm cuối đại học, vừa 22 tuổi, thầy khoa trưởng Nguyễn Đăng Thục, chú ý, gọi tôi lên nhà riêng của thầy tại đường Tự Đức, Phú Nhuận, cho ăn cam uống trà. Thầy hỏi:
- Anh Lê Sơn, anh học triết năm thứ mấy?
- Dạ, thưa thầy, em học toán lý (MGP) ở Khoa học, học thêm văn học Việt Nam, em không học triết.
- Anh nói lạ, cách lập luận của anh “triết” lắm!
- Thưa thầy, có thể nhờ em đọc nhiều sách triết của thầy Lê Thành Trị, Nguyễn Văn Trung, Phạm Công Thiện và các thầy dạy triết khác chăng? Theo em, tư tưởng Việt Nam nằm cả trong văn học Hán Nôm của ta. Em muốn nắm tư tưởng ông cha ta trước khi sờ đến triết Tàu triết Tây cho khỏi bị mất gốc, nên quyết theo văn học Việt Nam, thưa thầy.
- Anh này lạ! anh còn trẻ mà có ý riêng như vậy là tốt lắm. Anh cứ theo con đường của anh, nhất định sẽ thành công. Tôi ủng hộ anh!
Rồi thầy nói tiếp:
“Hôm nay, tôi mời anh đến đây là có một việc. Tôi dự định viết một cuốn sách về triết gia Vương Dương Minh, thời nhà Minh, người đề xuất chủ trương “Tri hành hợp nhất” rất có ảnh hưởng đến thời hiện đại. Đây là cuốn sách chữ Hán cổ “Ẩm băng thất toàn tập” của Vương Dương Minh, anh cầm về dịch hộ tôi sách này. Theo tôi, anh nên bắt đầu dịch thiên “Đại học vấn”, vì tôi cần gấp thiên này. Tôi biết vừa rồi anh đỗ Hán Nôm hạng Bình thứ là giỏi. Anh nên cố gắng phát huy vốn Hán Nôm mà anh rất có triển vọng. Tôi sẽ đích thân sửa cho anh và sử dụng bài dịch vào cuốn sách sắp viết của tôi”.
Thầy Nguyễn Đăng Thục dự định trực tiếp rèn tôi thành đệ tử ruột, thật là vinh dự cho tôi quá! nhưng tiếc là tôi ở gần thầy quá ngắn, chưa đầy một năm sau đó, chính quyền hạ tuổi hoãn dịch, tôi bị động viên đi học sĩ quan. Tôi chống động viên, về Quảng Ngãi ở ẩn dịch sách và dạy học chui, nên không được làm học trò lâu dài của giáo sư Nguyễn Đăng Thục đáng kính. Nhưng tinh thần quyết liệt và tự tin vươn lên từ bệ phóng Trần Quốc Tuấn do thầy Hà Như Hy truyền cảm hứng, thêm lời khen, sự tín nhiệm của thầy Nguyễn Đăng Thục và được thầy Nguyễn Đăng Thục đích thân kèm cặp mấy tháng, trình độ chữ Hán Nôm của tôi tăng tiến thấy rõ, đặc biệt là tiếp thu các nhận thức quý giá về văn triết sử thế giới của một giáo sư bậc thầy mà chỉ đệ tử ruột mới được nghe vào những khi thầy tâm sự bên tách trà. Những cơ may ấy đã tạo dấu ấn cực mạnh lên tâm hồn tôi, thúc đẩy tôi theo đuổi sự nghiệp dịch văn học Hán cổ, rồi làm thầy dạy chữ Hán cổ đến tận ngày nay, cho dù tôi vẫn biết ngày nay theo chữ Hán cổ chỉ đem lại cho mình niềm vui tinh thần, không thể đem lại hiệu quả kinh tế.
Thời trốn lính, tôi dịch xong Nho lâm ngoại sử, dịch một số chương sách Liêu trai chí dị, Hồng lâu mộng. Sau này tôi tìm dịch tư liệu Hán Nôm của các danh nhân quê nhà Quảng Ngãi: Trương Quảng Khê tiên sinh tập (hay còn gọi là Học văn dư tập – tức Thơ Trương Đăng Quế), Phủ man tạp lục (của Cử nhân Nguyễn Công Tấn), Phủ tập Quảng Nam ký sự của Lê Đình Hiển sao lục)…rồi cùng các bạn thân, chúng tôi viết các sách Trương Đăng Quế, Võ Duy Ninh, Bùi Tá Hán, Trường lũy Quảng Ngãi. Ngoài các tác phẩm của giới nhà nho đồng hương, cơ duyên đưa đẩy, sau khi người đồng môn đáng kính, thầy trụ trì chùa Xá Lợi gợi ý tôi dịch sách Đại Đường Tây Vực ký (Bút ký Đường tăng) của nhà du hành vĩ đại Tam tạng Trần Huyền Trang. Sách vừa xuất bàn thì tôi được lọt mắt xanh của vị Giáo sư Tiến sĩ tài danh, GS Lê Mạnh Thát, mời tôi làm Giáo sư thỉnh giảng, dạy môn Phiên dịch kinh điển Đại Thừa (chữ Nho) cho Học viện Phật giáo Việt Nam. Tôi vừa dạy, vừa dịch sách Phật học như: Đại bát niết bàn kinh, Thiền tông, Mật tông, Thiên Thai tông, Tịnh Độ tông, Hoa Nghiêm tông, Duy thức tông, Luật tông…
Hồi đầu thập kỷ 1990, nghiên cứu sinh còn hiếm lắm, tôi nhớ có ba ông thầy đứng ra đỡ đầu cho tôi, trong đó có ông Giáo sư Hiệu trưởng ĐH Khoa hoc xã hội và Nhân văn, ông PGS làmTrưởng ban Tuyên giáo Thành ủy. Luận án cùa tôi phải có ý kiến của Viện Tôn giáo. GS Đặng Nghiêm Vạn, viện trưởng Viện Tôn giáo Việt Nam trực tiếp thẩm định. Sau khi thẩm định, thầy Vạn bảo tôi:
- Anh Hán cổ khá, rành tiếng Pháp là vốn quý lắm. Anh đang làm gì?
- Thưa thầy, em là Phó giám đốc một cty kinh doanh cấp quận.
- Tôi nói thật nhé ! làm Phó GĐ, thậm chí GĐ công ty kinh doanh cấp quận, kể cả cấp thành phố thì khối người làm được. Còn rành hai thứ tiếng Hán cổ và Pháp như anh thì hiếm lắm. Hai thứ chữ này quá cần trong nghiên cứu khoa học xã hội nước ta. Ba mươi năm kháng chiến, nhân tài rơi rụng nhiều. Tôi khuyên anh bỏ công ty kinh doanh mà chuyển hẳn qua nghiên cứu thì có lợi cho đất nước hơn.
Trong luận án PTS của tôi, tôi đính kèm hai bài dịch hai tư liệu chữ Hán cổ và chữ Pháp, kèm theo nguyên tác.
Thầy Vạn bồi thêm:
- Tôi đã đọc hết hai bài dịch của anh, anh dịch có nét lắm, dịch ra tiếng Việt mà không còn dấu tích văn Hán, văn Tây là giỏi lắm, rất triển vọng. Nếu anh nghe lời tôi, thì chỉ sau mười năm chắc chắn anh sẽ vượt tôi.
Lời thầy là lời động viên thật ấn tượng!
Đó là thầy Vạn chưa biết tôi còn có tiếng Anh nữa. Rồi chính thầy Vạn viết Lời Giới thiệu cuốn sách dịch tiềng Anh của tôi và các cộng sự, cuốn Lý thuyết Nhân Loại học đồ sộ, thầy phán một câu:
- Ai chưa đọc cuốn Lý thuyết này thì chưa phải trí thức. Các anh dịch cuốn này thật hữu ích cho thanh niên nước ta.
GS Đặng Nghiêm Vạn, viện trưởng Viện Tôn giáo Việt Nam, cũng chọn tôi làm đệ tử ruột, sau khi làm Giáo sư phản biện I, luận án Tiến sĩ của tôi. Sau khi lấy học vị Phó Tiến sĩ, tôi được chuyển lên thành phố làm Giám đốc Ban Quản lý dự án sở Văn hóa Thông tin. GS khuyên tôi bỏ làm giám đốc mà chuyển hẳn qua nghiên cứu thì có lợi cho xã hội hơn. GS mách tôi nên tiếp cận nghiên cứu Tô Đông Pha, một nhân vật lỗi lạc đa tài bậc nhất Trung Hoa, 21 tuổi đỗ tiến sĩ đầu bảng, nhưng vì trẻ quá, nên quan chủ khảo Âu Dương Tu chỉ cho đỗ hạng nhì bảng (á nguyên), để kiềm hãm tính kiêu ngạo của một nhân tài. Tôi đã sưu tầm đủ cả nguyên tác chữ Hán cổ Văn, Thơ, Từ khúc của Tô Đông Pha, đã dịch và xuất bàn “Tô Đông Pha – Văn”, đang dịch Từ khúc và Thơ Tô Đông Pha, dự tính làm bộ sách Tô Đông Pha toàn tập, 5.000 trang. Tôi nhận ra một điều, những bài viết về Tô Đông Pha lâu nay đều hỏng hết.
Viện Khoa học Xã hội phía Nam mời tôi ngồi hội đồng làm giáo sư phản biện công trình nghiên cứu Di tích Hán Nôm tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia mời tôi hiệu đính công trình nghiên cứu Di tích Hán Nôm tỉnh Bình Dương, Thầy trụ trì chùa Xá Lợi còn giao bộ sách cả ngàn trang “Thánh học căn chi căn” của giới học giả Đài Loan, viết về tài liệu sách giáo khoa cho từng độ tuổi học trò từ vỡ lòng đến đại học trải qua nhiều triều đại lịch sử, sách sử dụng nguyên tác toàn kinh điển học thuật Nho Phật như Bách hiếu kinh, Bách hiếu thi, Tam tự kinh, Luận ngữ, Vô lượng thọ kinh…
Cho đến nay tôi đã dịch trên 15.000 trang sách chữ Hán cổ và vẫn còn say mê tiếp tục thám hiểm vào kho tàng văn triết sử đồ sộ này.
Tôi mê học thuật chữ Nho, nhưng tôi sợ lần quần với tư liệu đạo Nho, đạo Phật dễ bị tụt hậu.
GS Đặng Nghiêm Vạn bảo tôi phải dịch sách Anh, sách Pháp để luyện cho lời văn của mình trong sáng. Tôi nghe lời thầy Vạn, đã dịch trên 3.000 trang tiếng Anh, sách Lý thuyết Nhân loại học mà Gs Vạn viết Lời giới thiệu. Sau đó tôi dịch sách Lịch sử nước Mỹ, và gần đây qua nhà văn Mỹ July July, tôi được tiếp cận đại văn hào Will Durant, một cây đại thụ văn-triết-sử người Mỹ, người viết Lịch sử văn minh thế giới và nhiều tác phẩm trứ danh khác. Tác giả Will Durant được tôn vinh là nhà văn-triết-sử vĩ đại nhất thế giới trong thế kỷ XX. Tôi cũng đã dịch trên 2.000 trang sách tiếng Pháp, trong đó có văn hào André Maurois, sử gia George Taboulet, sử gia Bernard Bourotte…
o0o
Làm kinh tế thì khó nhưng khi chưa tập trung vào học thuật, tôi cũng đã thu được một sồ thành công. Tôi làm kinh tế cũng như đi học, làm như chơi, không cố làm giàu vì biết mình không có tài làm giàu lớn, làm cho khá là tốt rồi, làm theo sở trường của mình, khai thác lợi thế riêng, không phải cạnh tranh với ai.
Một người ”văn học” như tôi, trong giao dịch có nhiều lợi thế.
Năm 1990, tôi làm ra được 6.500 USD. Tôi không nhớ cụ thể nhưng 6.500 USD là quá lớn thời đó khi lương tôi 50đồng/tháng. Tôi bật lên từ đó. Tôi theo nhà nước cho đến khi về hưu, nhưng tôi biết khai thác lợi thế ở vai trò của tôi để làm kinh tế bằng tay trái trong khi tôi làm việc bằng tay phải là làm các công trình nhà nước nghiêm túc, được việc.
Năm 1989, đám đệ tử của ông cựu Thủ tướng TS Nguyễn Xuân Oánh soạn Dự án liên doanh Lắp ráp xe Honda với nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh. Dự án viết bằng tiếng Việt rồi dịch ra tiếng Anh. Họ trình lên, bị bác. Thế là người ta nghĩ đến Lê Sơn - tay viết Dự án nào được duyệt Dự án nấy. Tôi ký HĐ 5.000 USD và quả thật Dự án tôi viết được duyệt. Kế đó tôi được mời ký HĐ viết Dự án liên doanh xe taxi 1.500 USD nữa, cũng được duyệt. Thời mà chưa có khái niệm về sản xuất xe Honda tại Việt Nam và chưa có khái niệm xe taxi. Tôi nhờ các bạn thân dân kỹ thuật Phú Thọ hướng dẫn cầm tay chỉ việc nên tôi viết chỉ trong một vài tháng vì phải tìm tài liệu và tham khảo nhiều do lãnh vực còn mới quá, nhưng trình rồi chờ lịch bảo vệ Dự án phải đến 6 tháng. Trong khi lương 50 đồng/tháng, tôi được 6.500 USD là quá lớn Tôi qua Hốc Môn, Thủ Đức… mua đất vào thời kỳ đất còn rẻ mạt. Từ đó, như mát tay, nhiều doanh nghiệp, quốc doanh có, tư nhân có nhờ tôi viết Dự án kinh tế cho họ, giá trị tiền công từ 50 triệu đến trăm triệu mỗi Dự án. Có tiền khá khá là tôi mua đất, nhưng tuyệt đối không bao giờ mua đất nơi mình đang có quyền. Sau 1975, tôi làm bên thanh niên, rồi khi lập bộ phận quy hoạch kế hoạch thì quận giao tôi làm quy hoạch, và chuyên lập kế hoạch, phụ trách mảng quy hoạch kinh tế và quy hoạch xây dựng. Ông cha mình bảo làm quan ở nơi nào thì không nên làm kinh tế tại nơi đó. Đó là luật “Hồi tỵ” từ thời nhà vua sáng suốt Lê Thánh Tông, nhằm hạn chế nạn tham nhũng, bè phái của giới quan lại.
Khi tôi bảo vệ xong Luận án Phó Tiến sĩ năm 1995, thì Thành phố rút tôi lên làm Giám đốc Ban Quản lý dự án sở Văn hóa Thông tin, vì ngoài PTS Dân tộc học, tôi còn được quận cử đi học lấy cử nhân kinh tế để làm kế hoạch. Ở sở Văn hóa Thông tin, tôi tiền hành sửa chữa tôn tạo Nhà hát Thành phố và toàn bộ các Nhà Bảo tàng, các rạp hát… tôi triển khai rầm rộ đến nỗi ngươì ta kháo nhau:
- Tay này về sở Văn hóa vài năm nay mà đã làm được quá nhiều công trình cho sở Văn hóa, không sở nào theo kịp.
Thời kỳ này, mối giao thiệp của tôi khá rộng, cái học vị Phó Tiến sĩ hồi đó còn hiếm lắm, nên được trọng thị, ưu ái. Các vị quan chức có quyền duyệt Dự án ở thành phố, người lớn tuổi hơn tôi thì coi tôi như em, các vị cùng độ tuổi tôi trở xuống thì coi tôi như bạn, vui vẻ đón tiếp chuyện trò, không hề có tình trạng cách biệt cấp trên – cấp dưới vào cái thời xin – cho. Các công trình nhà nước của sở được duyệt nhiều hơn bao giờ hết thì các đơn vị tư nhân xáp tôi càng mạnh. Đối vói các công trình nhà nước, sau khi đã được duyệt, chỉ tiêu ghi vào kế hoạch của Ủy ban Thành phố là tôi bàn giao cho kiến trúc sư cầp Phó của tôi tiếp tục triển khai, tức là bắt đầu công việc cụ thể: tiền bạc, vật tư, chia chác… Tôi không dự đến nữa nên tôi được các cấp dưới rất vui lòng, tôi không bị điều tiếng gì trong suốt thời gian làm việc nhà nước. Các công trỉnh tôi làm riêng cho tư nhân gọi là làm bằng tay trái thì đem lại cho tôi lợi ích lớn hơn nhiều, nhưng ít ai biết. Thật ra, chức Giám đốc do nhà nước phong là cái vị thế, tôi làm được việc nên các đơn vị tư nhân chú ý đến tôi. Tôi làm thuê cho họ không tốn bao nhiêu công sức và thời gian của tôi vì tôi làm các công trình nhà nước, dùng tiền ngân sách mới khó được duyệt, còn tư nhân đầu tư bằng tiền ngoài ngân sách thì dễ được duyệt hơn nhiều. Đến năm 2000, sếp sắp lên chức, tôi nói:
-“Anh tin tôi thì tôi làm với anh, cái nghề này, ăn dữ lắm, tôi không thể làm việc với sếp khác. Anh cho tôi chuyển qua viện KHXH cho đúng sở trường”.
Thế là tôi rời sở Văn hoá trước sếp ba tháng, sau đó anh TS Nguyễn Hữu Nguyên giới thiệu tôi với GS Nguyễn Văn Lịch, tổng thư ký Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu, tôi về làm thư ký Giải thưởng Trần Văn Giàu do cụ Trần Bạch Đằng làm chủ tịch Giải thưởng cho đến nay. Làm nghiên cứu, ngồi trực VP, được phụ cấp 500 ngàn/ tháng. Chấp nhận không còn làm GĐ Dự án cũng là chấm dứt chuyện làm kinh tế riêng, nhưng tôi đã huy động xây dựng 3 căn nhà thờ họ tộc ở quê nhà, làm xong nhà riêng 4 tầng và cho hai gia đình em tôi hai nền nhà để chúng tự cất nhà 2 tấm làm nhà riêng trong nội thành Saigon. Anh em tôi đều ổn định nơi ăn chốn ở, nên tôi chú tâm theo lời chỉ dạy của hai ông thầy, thầy Vạn và thầy Giàu, tập trung vào nghiên cứu. Vài người bạn thân như Tạ Vĩnh Ảnh, Đặng Thề Thiêng, Dương Minh Chính, Nguyễn Văn Chừng, Lê Quốc Ân, Nguyễn Quốc Chiến đều khuyến khích tôi tâp trung vào sở trường. Họ động viên tôi, hỗ trợ kinh phí in sách. Đặc biệt có vài bạn làm kinh tế giỏi còn tạo điều kiện để tôi có kinh phí hàng tháng ổn định yên tâm dốc sức vào học thuật, nối tiếp sự nghiệp nghiên cứu của các bậc thầy đã tin tưởng và hoài vọng nơi tôi
Tôi đã công bố các sách viêt và dịch của các tên tuổi nổi tiếng thế giới như Tam Tạng Trần Huyền Trang, Tô Đông Pha, Charles Darwin, Kark Mark. Herbert Spencer, Edward Tylor, Henry Morgan, André Maurois… Tôi nhởn nhơ trong vườn hoa tư tưởng thế giới muôn hương ngàn sắc, thích bông nào thì ngắt bông nấy cắm lên bàn làm việc của minh. Tôi nắm chắc 3 ngôn ngữ chính thì có thể đọc các sách nổi tiếng nhất thế giới và dịch ra tiếng Việt nhẹ nhàng thoải mái không mấy khó khăn. Tôi cũng đang dịch Trung Hoa Phật giáo sử làm bạn với bao danh tăng, thi sĩ trứ danh Trung Hoa, Nhật Bản. Tôi cũng đang nhắm tới Will Durant, sử gia Mỹ vĩ đại, Toynbee sử gia người Anh, hai sử gia hàng đầu thế giới, tôi cũng nhắm Phùng Hữu Lan viết sách Trung Quốc Triết học sử và dạy triết Trung Hoa tại các đại học Mỹ. Tôi cũng nhắm tác phẩm triết học lừng lẩy của Việt Nam Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thời Nhậm… Tôi đang hướng tới làm được 150 công trình văn - triết - sử giá trị cao mà có lẽ xưa nay chưa ai dám đụng tới một qui mô toàn bộ như thế. Có lẽ nhờ các bậc thầy giỏi đỡ đầu nên tôi mới tự tin và mạnh dạn đảm đương các việc lâu nay chưa ai dám làm.
o0o
Truyện Kiều, thơ Tản Đà, thơ Hàn Mặc Tử, thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ… truyện Hồn bướm mơ tiên, truyện Chí Phèo… ai đọc cũng cảm được, nhưng nhạc Beethoven, Mozart… họa của Renoit, Levitan, Picasso… thì chọn lọc người thưởng thức.
Nhưng thơ văn cũng có loại đặc biệt, thấp thì thật thấp mà cao thì thật cao, người bình dân ai đọc Tam Quốc, Thủy Hử cũng khoái, nhưng hiểu hết cái thâm thúy của Tam Quốc, Thủy Hử thì bậc thâm nho mới hiểu được. Các nhân vật Khổng Minh, Quan Công, Triệu Tử Long, Hứa Chữ, Châu Du, Võ Tòng, Lý Quỳ… ai cũng cho là giỏi, nhưng chỉ là cái giỏi của anh chuyên môn dễ nhận thấy trong con mắt của người bình thường. Còn cái giỏi của Tào Tháo, Lưu Bị là cái giỏi của nhà lãnh tụ chính trị, người chỉ huy của các anh chuyên môn thì khó thấy lắm, Đó gọi là ẩn bút của các tác giả La Quán Trung, Thi Nại Am. Hai vị Tào Tháo, Lưu Bị mới thật là giỏi, mới là trùm, mới là người giỏi nhất.
Chính khi Lưu Bị thất thế phải nương nhờ Tào Tháo, hai người ngồi nhậu với nhau, Tào Tháo ngà ngà say, cao hứng phán một câu: “Anh hùng trong thiên hạ ngày nay chỉ có tau và mi mà thôi”.
Tào Tháo vốn là một nhà thơ - chính khách, mà nhà thơ thì trực giác nhạy, còn khả năng kiềm chế kém nên để lộ tung tích khi đã quá chén, còn Lưu Bị thì không bao giờ để lộ, lúc nào cũng tỏ ra là người thường tài, nếu không nói là văn dốt (dốt hơn Khổng Minh, Từ Thứ), võ dở (dở hơn Quan Công, Triệu Tử Long), nhưng luôn được các tay tài giỏi ấy kính trọng, theo phò tá. Người tài chuyên môn như Khổng Minh chỉ chọn Lưu Bị tôn làm chúa của mình, đơn giản là vì Khổng Minh coi Lưu Bị hơn mình một cái đầu. Chứng tỏ Lưu Bị cao tay hơn Khổng Minh, Tào Tháo. Cũng như Tống Giang xứng đáng là lãnh tụ của 108 anh hùng Lương Sơn bạc dù mưu kế không bằng quân sư Ngô Dụng, võ thì kém xa nhiều người. Ngày nay, nước ta có anh lãnh đạo thường bị gọi là “Trọng lú”, đến khi cờ vào tay thì anh làm được nhiều chuyện to lớn khiến mọi người giật mình sung sướng. Làm lãnh đạo là làm chuyện đại sự, nhà lãnh đạo tài năng phải biết dấu mình, chờ thời cơ và âm thầm tạo thời cơ rồi chớp thời cơ làm nên đại nghiệp ích nước lợi nhà.
Nhà thơ Tào Tháo lập ra trường phái Kiến An văn học, trường phái văn học đầu tiên của Trung Hoa, mà chính Tào Thực, con trai út Tào Tháo, được các nhà thơ thời nhà Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ… tôn làm tổ sư. Tào Tháo đã để lại bài thơ nổi tiếng trong văn học sử Trung Hoa, là bài:
ĐOẢN CA HÀNH
Đối tửu đương ca,
Nhân sinh kỷ hà?
Thí như triêu lộ,
Khứ nhật khổ đa.
Khái đương dĩ kháng,
U tư duy vương.
Hà dĩ giải ưu?
Duy hữu Đỗ Khang.
Thanh thanh tử câm,
Du du ngã tâm.
Đản vị quân cố,
Trầm ngâm chí câm (kim).
U u lộc minh,
Thực dã chi bình.
Ngã hữu gia tân,
Cổ sắt xuy sinh (sanh).
Minh minh như nguyệt,
Hà thời khả chuyết.
Ưu tùng trung lai,
Bất khả đoạn tuyệt.
Việt mạch độ thiên,
Uổng dụng tương tồn.
Khế khoát đàm yến,
Duy niệm cựu yên.
Nguyệt minh tinh hy,
Ô thước nam phi,
Nhiễu thụ tam táp,
Hà chi khả y?
Sơn bất yếm cao,
Thủy bất yếm thâm.
Chu công thổ bộ,
Thiên hạ quy tâm.
(Tào Tháo)
Bản dịch:
Trước cuộc nhậu ta nên ca hát,
Một đời người thấm thoát là bao?
Khác chi mấy hạt sương mai,
Ngày qua sầu tủi hỏi ai không buồn?
Vụt đứng dậy, lòng thêm khảng khái,
Nhưng cái buồn đeo mãi không tha.
Giải sầu chỉ một chăng là,
Mượn đôi ba chén của nhà Đỗ Khang.
Tuổi đi học, áo xanh cổ cứng ,
Mà lòng ta bịn rịn hôm mai.
Nhưng thôi nhắc mãi làm chi,
Tuổi xanh quá vãng vì mi ta buồn.
Con hươu lạc kêu trên đồng vắng,
Chân ngẩn ngơ mồm gặm cỏ non.
Nhà ta khách quí rộn ràng,
Đàn ca sáo phách bập bùng thâu đêm.
Mảnh trăng nọ treo trên trời rộng,
Biết bao giờ hết sáng ngàn cây?
Nỗi buồn ập đến ai hay,
Lòng ta vương vấn khi đầy khi vơi.
Xông pha mãi một đời gió bụi,
Uổng công ta lui tới đeo đai.
Bi hoan ly hợp một đời,
Mong người tri kỷ đứng ngồi chẳng an.
Trăng vằng vặc sao ngàn thưa thớt,
Quạ về nam thảng thốt kêu thương,
Liệng quanh cây, những mấy vòng,
Mà không tìm được một cành nương thân.
Chẳng quản ngại ta tìm tri kỷ,
Dù núi cao, biển cả sâu nông.
Một đời nghiền ngẫm Chu công,
Làm sao thiên hạ dốc lòng về ta.
(vô danh)
Tào Tháo xua quân phá Kinh Châu, chiếm Giang Lăng, rồi thừa thắng xuôi dòng đại giang Dương Tử, tiến về đông, đuổi Lưu Bị, đánh Tôn Quyền. Đoàn chiến thuyền trải dài cả ngàn dặm, cờ xí bay rợp cả một vùng trời. Tào Tháo đã say ngà ngà, cao hứng, một tay quay ngang ngọn giáo, một tay bê bình rượu rót xuống dòng nước chảy cuồn cuộn, ứng khẩu bài thơ này, hào khí ngất trời!
o0o
Nhạc và hoạ là hai thể loại nghệ thuật đặc biệt. Một bài thơ, một bài văn hay ai cũng thưởng thức được, tính phổ quát rộng khắp, người đọc dễ tiếp cận, còn nhạc và hoạ thì khác, khó tiếp cận hơn.
Nhạc và hoạ cũngtrực tiếp đi vào lòng người như thơ văn nhưng thưởng thức nhạc họa Tây phương đỉnh cao cũng như triết học Tây phương đòi hỏi phải thông hiểu lịch sử của từng bộ môn nghệ thuật. Muốn thưởng thức nhạc lãng mạn Bethoven thì phải rành nhạc cổ điển Tây phương.
Beethoven là người Đức, một nhà soạn nhạc bậc thầy, có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ nhạc cổ điển sang thời kỳ nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người mở đường cho dòng nhạc lãng mạn Tây phương. Thật kỳ lạ, cho đến ngày nay, chưa một nhạc sĩ nào có nhiều tác phẩm được mến mộ như Beethoven nên Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc về sau. Trong số những kiệt tác đồ sộ của ông phải kể đến các bản giao hưởng đã trở thành kinh điển, bản Lettre à Élise tuyệt vời và các bản sonata: Ánh trăng, Bình minh, Khúc đam mê...
Mozart là nhạc sĩ thiên tài người Áo, 12 tuổi đã làm nhạc trưởng, cũng là một trong hai nhà soạn nhạc nổi tiếng có nhiều ảnh hưởng, quan trọng nhất ở châu Âu. Các tác phẩm của ông được xem là đỉnh cao trong âm nhạc bác học Tây phương về mọi lĩnh vực. Các tác phẩm của ông đã trở thành một phần quan trọng trong nhiều cuộc hòa nhạc.
Hai người là tài năng lớn nhất trong lịch sử âm nhạc Tây phương cho đến tận ngày nay. Ở Tây phương, nửa đầu thế kỷ XIX là thời đại âm nhạc bác học đỉnh cao với Beethoven. Mozart… về sau không hề xuất hiện một thiên tài tầm cỡ ấy nữa, mà chỉ có những ngôi sao nhỏ sáng tác được vài bài hay mà thôi. Ở Đông phương, Thơ Đường thế kỷ thứ VII-VIII cũng là thơ đỉnh cao với Lý Bạch, Đỗ Phủ… về sau không hề xuất hiện một thiên tài tầm cỡ ấy nữa, mà chỉ có những ngôi sao nhỏ sáng tác được vài bài thơ hay mà thôi.
Những bản hòa tấu như Miss You in My Dream (Gặp Em trong giấc mơ của tôi) là một bản nhạc mới trong dòng nhạc lãng mạn, mà tôi thường mở nghe cùng với nhạc cổ điển Tây phương vì là một bản nhạc hay, nhờ giai điệu thiết tha như tiếng gì lãng đãng,tràn ngập tình thương yêu, mà không vươn chút sầu nhớ, bi lụy, không như tiếng đàn nhị hồ của danh tài Chu Xương Diệu với bài nhạc lừng danh thiên cổ, bài “Trường Tương tư” thì quá là bi lụy, sầu nhớ như tiếng khóc nỉ non… thật là hay, nhưng tôi ít khi mở nghe vì quá buồn.
Khi vào Saigon, tôi gặp nhạc sĩ Tôn Long Sất, người cùng làng với tôi. Anh Sất tốt nghiệp trường Nhạc Saigon, là tay violon chủ lực của bè violon I trong ban Đại hòa tấu Saigon với các nghệ sĩ tài danh nức tiếng thời đó như Phùng Phúc Trân, Phạm Nguyên Hùng… Anh Sất cũng là một tay tài hoa giao thiệp rộng, giới thiệu tôi học đàn Guitar cổ điền và Guitar Flamenco với hai nhạc sĩ Guitar danh tiếng nhất miền Nam thời đó là nhạc sĩ Vĩnh Căn và nhạc sĩ Đỗ Đình Phương. Anh Sất cũng thường dẫn tôi đến những nơi anh chơi hòa nhạc với vài ba người bạn thân của anh như nhạc sĩ violon thiên tài Phạm Nguyên Hùng, nhạc sĩ piano nho nhã Phan Thanh Thư, nhạc sĩ violoncelle tài danh Cao Thanh Tùng… Tôi nhớ mãi những buổi tôi ngồi nghe các nhạc sĩ tài năng ấy chơi tam tấu, tứ tấu với những bản nhạc cổ điển bất hù của Beethoven, Mozart, Chopin, Bach...
Tôi không bao giờ quên ơn các anh ấy, các anh đã khai mở khả năng cảm thụ âm nhạc cổ điển Tây phương chính phẩm cho tôi, đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi thấm đẫm phong vị nghệ thuật Tây phương đỉnh cao, rất hữu ích cho cuộc đời hoạt động văn học của tôi sau này.
Hơn 5 năm đắm mình trong âm nhạc, trình độ thẩm âm của tôi cũng đã cao, độc tấu Guitar classic, Flamenco những bản kinh điển, tiếng đàn tài hoa, điệu nghệ, ai cũng ngỡ tôi sẽ thành nhạc sĩ, cũng như bạn bè trung học cứ ngỡ tôi sẽ thành giáo sư toán. Nhưng không ai ngờ tôi lại chuyên sâu vào văn học chữ Nho, tiếng Anh, tiếng Pháp theo lời khuyên của thầy Đặng Nghiêm Vạn, Trần Văn Giàu. Thầy Giàu còn phong tôi là tài sản quốc gia vì người dịch được 3 ngôn ngữ chủ đạo, những cuốn sách tầm cỡ quốc tế, không còn mấy người.
Tôi mang ơn hai người thầy đã hướng tôi vào lãnh vực thật đúng sở trường của tôi. Thầy Giàu còn bảo tôi đừng dậy non, cứ cần cù làm việc, tất sẽ có ngày người ta biết đến.
Chính vì thế tôi say mê và âm thầm làm việc cần cù như cha tôi, một nông dân miền Trung, thức dậy từ 4 giờ sáng, đi ngủ lúc 22 giờ, ít khi đi ra ngoài. Sách tôi dịch là sách khó dịch, nhận thấy tác phẩm nào cần cho thanh niên ta thì dịch, theo ý của cụ Vạn và cụ Giàu, tức là làm công việc thuần văn hóa. Chưa đầy hai mươi năm mà tôi đã có trên 100 công trình nghiên cứu và dịch thuật nhờ tinh thần của hai người thầy ảnh hưởng rất mạnh đến tôi, biến tôi trở thành một người cầu tiền và nhẫn nại làm việc.
Tôi quyết chí tập trung cho văn học, đành phải bỏ hết các thứ khác. Thế nhưng, những gì học hỏi trải nghiệm được lại rất có ích cho sự nghiệp văn học của tôi vì như tôi biết, văn học là tổng hòa của tất cả các loại hình nghệ thuật.
Tôi thường nói chơi với các bạn Giáo sư, Tiến sĩ vảo những khi trà dư tửu hậu rằng: “Các vị nên biết rằng Nguyễn Du viết hàng chục tác phẩm nhưng chỉ được người đời nhớ đến mỗi Truyện Kiều. Các vị nên tập trung đầu tư cho một vài tác phẩm “để đời”, còn cứ rải tùm lum thì sẽ không còn lại gì hết. Tôi đã có trên 100 tác phẩm, trong đó có cái để đời là:
- Bút ký Đường Tăng, 1.000 trang (Hán cổ)
- Nhân chủng học, khoa học về con người, 900 trang (tiếng Anh – dịch chung)
- Lý thuyết Nhân loại học, 920 trang (tiếng Anh– dịch chung)
- Tổng hợp các Bút kỳ đi Tây Vực thỉnh kinh, 1.000 trang (Hán cổ)
- Trung Hoa Phật giáo sử, dự kiến 9.000 trang (Hán cổ): Thiền tông, Mật tông, Thiên Thai tông, Tịnh Độ tông, Hoa Nghiêm tông, Luật tông, Duy Thức tông, Tục Cao tăng truyện, Tống Cao tăng truyện
- Tô Đông Pha- văn, dự kiến toàn tập 5.000 trang (Hán cổ)
- Trường luỹ Quảng Ngãi (Hán cổ)
- Thơ Trương Đăng Quế (Hán cổ)
- Nước Nhật Ngày nay (tiếng Pháp)
- Chiến thắng Đà Nẵng (1858-1860), 400 trang, (dịch sử Pháp và viết)
- Văn hoá Sa Huỳnh, 350 trang, (dịch tài liệu khảo cổ tiếng Pháp và viết)
- Suối nguồn thánh học, 800 trang (Hán ngữ)
- Khởi nghĩa Lam Sơn, 600 trang (tiểu thuyết chữ Hán cổ)
- Toàn tập Trần Văn Giàu, 28 tập, 19.000 trang (sưu tầm)
- Lịch sử nước Mỹ (tiếng Anh, Douglas Brinkley)
- Người Mỹ (tiếng Pháp, André Maurois)
- Thánh học căn chi căn (sách giáo khoa các triều đại phong kiến)
- Quần thư trị yếu 360 (của Thừa tướng Ngụy Trưng thời nhà Đường)
- Hán thư của Ban Cố
o0o
Tôi bằng lòng với sự nghiệp mà hai người thầy đáng kính đã kỳ vọng nơi tôi. Tôi nối tiếp những gì mà hai cụ mong muốn cho văn-triết-sử Việt Nam, mà cuộc đời ngắn ngủi, họ chưa làm xong.
29 TẾT KỶ HỢI 2019
TS. LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC
Bình luận bài viết