Học

Trúc Lâm - Trần Nhân Tông vị vua của thuyết Tam hợp

TRÚC LÂM-TRẦN NHÂN TÔNG 

VỊ VUA CỦA THUYẾT TAM HỢP

(Tham luận hội thảo kỷ niệm 700 năm ngày mất của Vua Phật Trần Nhân Tông)

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Đây là một câu ca dao nói lên tinh thần đoàn kết là sức mạnh làm nên tất cả. Lịch sử dân tộc ta đã có vị vua anh hùng, biết dựa trên sức mạnh toàn dân mà làm nên chiến thắng hiển hách đánh đuổi ngoại xâm phương bắc, và cũng chính vị vua này thành công trong cả ba lĩnh vực Quân sự – Chính trị – Đạo học, tạo nên Phật giáo Trúc Lâm dựa trên nền tảng thuyết Tam hợp để thống nhất về một mối. Nghiên cứu về lý thuyết này, chúng ta thấy rằng vua Phật Trần Nhân Tông đã vận dụng thuyết Tam hợp qua các lĩnh vực sau:

Tuong vua Tran Nhan Tong

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc bích

1. Thuyết Tam hợp qua các thiền phái.

 Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci), ông vốn là người Nam Thiên Trúc (Ấn Độ) nhưng lại đắc pháp thiền với tổ Tăng Xán, là tổ thứ ba từ khi Đạt Mạ tổ sư truyền thiền phái này sang Trung Quốc. Sau đó, ông sang Việt Nam truyền đạo lập phái thiền đầu tiên ở nước ta tại chùa Pháp Vân. Dòng thiền này tồn tại và phát triển từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XI với sự truyền thừa qua 19 đời. Đây là một thiền phái mang tính cách dân tộc, tích cực giúp đời nhưng đơn giản và phù hợp với các tầng lớp nhân dân, dầu vẫn có triết lý siêu việt của đời sống tâm linh. Điển hình qua các thiền sư Pháp Thuận, Từ Đạo Hạnh,Vạn Hạnh, Minh Không v.v… Thiền phái này mang ý thức tự chủ dân tộc và màu sắc Thiền-Mật do hai luồng tư tưởng Ấn-Hoa giao thoa với bối cảnh người Việt thời bấy giờ.

Thế kỷ thứ IX thì Việt Nam lại xuất hiện dòng thiền Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc truyền sang. Vô Ngôn Thông đắc pháp với tổ Bách Trượng Hoài Hải, ngài sang Việt Nam ở tại chùa Kiến Sơ, truyền pháp cho người Việt Nam đầu tiên là thiền sư Cảm Thành. Dòng thiền này truyền thừa qua 15 đời với tổ Cảm Thành là sơ tổ, mang sắc thái nhập thế hành đạo. Những thiền sư tiêu biểu như Khuông Việt, Viên Chiếu, Thông Biện, Mãn Giác, Không Lộ, Thường Chiếu v.v….

Thế kỷ thứ XI khi Lý Thánh Tông thu phục ba châu mới về cho Đại Việt, thì xuất hiện thiền phái Thảo Đường từ một người tù binh vốn là thiền sư từ Trung Quốc bị bắt sau chiến thắng quân Chiêm Thành. Thiền của Thảo Đường với quan điểm “quan gia, vua chúa đều giác ngộ” chứ thiền không còn là riêng của các nhà Sư. Thiền phái này đã đem đến một luồng gió mới là thiền sư không nhất thiết phải mặc áo thiền, minh chứng qua đa số người giác ngộ ở dòng thiền này là Cư sĩ chiếm hơn phân nửa.

Cả ba thiền phái trên đây đã được Trúc Lâm Đầu Đà tiếp thu tư tưởng, vận dụng dung thông để hợp nhất thành thiền phái Trúc Lâm. Qua Tuệ Trung Thượng Sĩ hay Cư Trần Lạc Đạo Phú, ta thấy dáng dấp của tư tưởng Thảo Đường. Qua thiên tài trị nước an dân đánh đuổi ngoại xâm, ta thấy sự hiện diện của đặc điểm nhập thế Vô Ngôn Thông. Qua ý thức tự chủ dân tộc, ta thấy sự tiếp thu tinh thần Việt hóa của Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tất cả cùng bổ sung cho nhau làm nên sức mạnh của Phật giáo Trúc Lâm.

2. Thuyết Tam hợp qua các pháp môn.

a/ Thiền học.

Thiền là yếu tố căn bản của đạo Phật để thấy được chân tâm và làm chủ bản thân trước mọi sự vật hiện tượng, hay trước mọi hoàn cảnh mà tâm mình luôn tự tại. Thiền học là phương pháp giác ngộ bằng tự lực của chính bản thân mình soi ngược vào nội tâm. Cho nên các pháp môn tu của Phật giáo, kết quả của sự công phu là làm cho định lực phát sinh nơi chính tự thân, có như thế mới mong thoát khỏi sự chìm đắm trước mọi giòng chảy của cuộc đời. Hầu hết những hành giả đều có nội lực thông qua thiền định mới có thể dẫn dắt mọi người.

b/ Mật giáo.

Mật giáo du nhập vào Việt Nam theo chân các nhà truyền giáo Ấn Độ, phù hợp với Phật giáo quyền năng và tín ngưỡng Thần linh bản địa.Với thuật Sấm vĩ, trì chú, chiết phục trấn áp cái ác, khuyến tu điều thiện, Mật pháp được các thiền sư sử dụng làm phương tiện thu phục quần chúng, mục đích nhờ tha lực hỗ trợ truyền bá chánh pháp và do công năng luyện tập của mình để giúp đời. Có thể thấy như các ngài Định Không, Vạn Hạnh đã vận dụng mật pháp hòa quyện vào tín ngưỡng dân gian hình thành chủ nghĩa Địa Linh….

c/ Tịnh độ.

Tịnh độ là pháp tu tha lực, nương nhờ Phật lực tiếp dẫn vãng sinh sang cõi nước Tịnh độ để tiếp tục thuận duyên tu hành. Đây là pháp môn dễ tu, dễ phổ cập mọi tầng lớp quần chúng. Còn với các thiền sư lúc bấy giờ, niệm Phật tức là niệm tâm, Phật tức tâm, tâm tức Phật. Ở pháp tu này, chỉ rõ cứu cánh là cõi tịnh độ hay là niết bàn là mục tiêu để hành giả đạt tới nếu như không thể bằng sức mình đi đến giác ngộ.

Ở Phật giáo Trúc Lâm, trước đó vua Trần Thái Tông cũng nói về niệm Phật qua tác phẩm Niệm Phật Luận và coi trong cả ba hình thức đọc kinh, tọa thiền, niệm Phật (243:LSPGVN:Viện Triết học). Khuynh hướng dung hòa Thiền và Tịnh ở Trần Thái Tông còn có cơ sở trong quan điểm kết hợp tự lực với tha lực của ông. Trong bài tựa Lục thời sám hối khoa nghi, ông đã viết rằng: “Năng sở lưỡng y, Phật ngã song kế”: có nghĩa là phải dựa vào cả hai, cả Phật và cả ta (244:sđd).

Ở Trần Nhân Tông, khi ông du hành Đầu Đà trong dân gian, khuyến hóa mọi người phá bỏ các miếu thờ dâm thần, dạy người tu thập thiện. Ta biết rằng Thập thiện là giới tu căn bản thứ hai sau Ngũ giới của nhà Phật, Thập thiện là ý đồ của Nhân Tông làm nền tảng đạo đức xã hội, nhưng cũng chỉ là làm lành lánh dữ, chưa phải là pháp tu công phu rốt ráo của Phật giáo. Thử nghĩ lúc ấy nếu không khuyên họ niệm Phật ăn chay làm lành thì ngài khuyên họ tu theo pháp gì? Không lẽ với những người mới bước chân theo đạo Phật còn nặng nề tín ngưỡng dân gian như thế, Trúc Lâm Đầu Đà đã truyền trao ngay cho họ pháp tu tự lực về thiền quán?

Một luận cứ nữa để chứng minh vua Phật Trần Nhân Tông có sử dụng pháp môn tịnh độ: đó là di vật gọi là xá lợi của ngài hiện còn lưu giữ tại chùa Hương, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ngôi chùa này là nơi ngài lui binh về thế thủ trước sự tấn công ồ ạt của giặc Nguyên Mông, để rồi củng cố tướng sĩ, lập nên lời nguyện bằng hai chữ “Sát Thát” mà nay tấm bia đá vẫn còn ở trước chùa này. Không biết khi nào ngài để lại di vật này, mà được bao đời nhân dân địa phương lưu giữ cho đến ngày nay. Tôi có duyên may được Sư thày trụ trì mở khám cho chiêm bái xá lợi, thì ra đó là một xâu chuỗi tay gồm 18 hạt, vật này được mọi người cung kính tương truyền rằng đó là xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông lưu lại. Với di vật xá lợi này, có thể khẳng định ngài đã có sử dụng pháp môn tịnh độ trong việc hoằng bá Phật giáo Trúc Lâm thời bấy giờ.

Bởi vì Tịnh độ tha lực phù hợp các hạng người bình dân mới bước vào đạo, nên pháp môn này rất phổ biến do lối tu tắt dễ hành trì. Chỉ cần Tín, Hạnh, Nguyện tam hợp đầy đủ, người niệm Phật sẽ chắc chắn được tiếp dẫn vãng sinh, còn nếu tiến sâu hơn về quán chiếu nội tâm, thì niệm Phật đó chính là niệm tâm như Trần Thái Tông đã khai thị vậy.

d/ Kết hợp.

Về phương pháp luận, ba pháp môn này khó có thể cùng sử dụng thực hành đồng thời, bởi mục tiêu và cách hành trì khác nhau. Trần Nhân Tông là một thiền sư và là một vị vua, nên việc củng cố giáo hội thống nhất về một mối nghĩa là biết vận dụng khả năng Thể – Tướng – Dụng để dung thông, thì ba pháp môn trên cùng hòa quyện trong Phật giáo Trúc Lâm, trở thành một thiền phái mang đủ ba yếu tố Thiền-Mật-Tịnh.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt của thiền phái Trúc Lâm khác hẳn các thiền phái khác. Ở Trung Hoa, đã là thiền thì chỉ chuyên nhất về thiền mà không có sự pha trộn các pháp môn khác. Chính vì thế, thiền của Vua Phật Trần Nhân Tông là một thiền phái đặc thù của dân tộc Việt Nam. Bất cứ ai là người Việt cũng đều có quyền tự hào về vị Vua Phật này, dù họ thuộc lĩnh vực nào trong đời sống xã hội, thì tố chất đoàn kết và dung thông của Trần Nhân Tông vốn là nền tảng dân tộc ở mỗi con người chúng ta.

3. Tam hợp các hệ tư tưởng Nho, Phật, Lão.

 a/ Phật kết hợp Nho-Lão.

Ý tưởng tam hợp Nho, Phật, Lão của Trần Nhân Tông là sự kế thừa tư tưởng của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ. Khuynh hướng dung hòa Phật giáo với Nho, Lão giáo đã thể hiện rõ nét nhất từ thời Trần Thái Tông. Ông ý thức rõ ràng trong việc sử dụng các chức năng khác nhau của Phật giáo và Nho giáo trong đời sống xã hội. Trong Tọa thiền luận, ông đã đi đến kết luận: “Ấy là thánh hiền của tam giáo đời xưa cũng đã từng ngồi định mà được thành tựu” (246:sđd)

Với Tuệ Trung Thượng Sĩ, vốn là thầy của Trần Nhân Tông, ông chủ trương là sống hòa vào đời, không làm trái quy luật tự nhiên là nguyên tắc sống của ông. Trần Nhân Tông đã từng viết về ông: “Hỗn tục hòa quang, dữ vật vị thường xúc ngỗ” (Sống chung với đời tục, hòa ánh sáng trong cõi trần, đối với mọi vật chưa từng xúc phạm hay trái ngược” (256:sđd). Rõ ràng hành trạng ngao du không màng thế sự của Tuệ Trung đã mang yếu tố Lão Trang trong đời sống thiền.

Nhân Tông tiếp thu và trân trọng nguyên tắc sống của thầy mình, nhưng ngài tiến sâu hơn bước nữa là dung hợp cả hai xu hướng nhập thế của Nho gia và xuất thế của Đạo gia, để đưa ra một hình ảnh Phật giáo Trúc Lâm có đủ hai yếu tố trên hợp với triết lý Phật gia làm chủ đạo, thành một nền tảng quốc giáo hùng mạnh nhất lịch sử của nhà Trần và của Phật giáo Việt Nam.

b/ Nho-Lão kết hợp Phật.

Phát triển quan điểm này, chúng ta có thể tìm thấy ở Ngô Thì Nhậm với khuynh hướng kết hợp Nho và Phật trong tác phẩm Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh ở nửa bán thế kỷ XVIII. Đây là kết quả mà các nhà Nho học sau này khi nghiên cứu tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm.Tầng lớp Sĩ phu thời đại này có tâm trạng băn khoăn, khi những thực tế xảy ra đều trái với điều dự đoán và mong muốn của họ. Họ phải tìm lối thoát ra khỏi bế tắc từ những di sản cha ông đã có và cách nhìn nhận thực tế quan điểm lịch sử đã qua. Họ thấy Nho, Phật, Lão cùng tồn tại bên nhau là hiện tượng thường xuyên của lịch sử dân tộc, nhất là thời đại Lý Trần, rồi nêu lên thành một học thuyết là “Tam giáo đồng nguyên”.

Ngô Thì Nhậm và các bạn bè đồng chí mở thiền viện ở nhà riêng của mình tại phường Bích Câu thành phố Thăng Long (Hà Nội ngày nay), cùng nhau bàn luận những điều của Phật giáo thiền tông và đặc biệt là của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam(358:sđd). Đó là nguyên nhân ra đời của tác phẩm Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh. Mục đích sách này là kết hợp Nho, Lão và Thiền làm một khối, tùy trường hợp mà vận dụng, nhập thì dùng Nho, xuất thì dùng Thiền, sống tự nhiên như Lão….. Cũng từ chủ trương này, Phật giáo Trúc Lâm giai đoạn phục hưng cũng đã mang màu sắc Tam giáo đồng nguyên. Ta còn có thể thấy rõ hơn qua hành trạng của các nhà sư có công phục hồi Phật giáo Trúc Lâm giai đoạn này như Hương Hải, Chân Nguyên….

Những dữ kiện trên đây thực ra đã nằm trong ý tưởng của Trần Nhân Tông khi ông dùng thuyết Tam hợp để thống nhất thiên hạ về một mối. Trí tuệ và tài ba của người anh hùng dân tộc, của vị thiền sư giác ngộ này để lại cho đời sau một tâm nguyện lớn lao như thế.

4. Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm, vấn đề của ngày nay.

Xác định những tiền đề trên đây, mục đích bài viết này là để thế hệ hậu học ngày nay muốn trở về nguồn cội, cần nhận thức giá trị đích thực của Trúc Lâm Đầu Đà mà không đi chệch hướng. Vấn nạn phổ biến hiện nay trong Phật giáo, là mạo dùng hào quang của vua Phật làm chủ thể, để rồi tự nhận mình là tu hành theo đúng tôn chỉ của Trúc Lâm. Chúng ta thầy gần đây xuất hiện khá phổ biến các xu hướng ấy như sau :

a/ Xu hướng bên trong Phật giáo.

Xưng danh là thiền Việt Nam, tôn chỉ là Trúc Lâm, nhưng hành trạng và truyền thừa đều rập khuôn như các thiền phái ở Trung Hoa.

Triều Hậu Lê thế kỷ 16, các nhà Sư như Viên Văn-Chuyết Chuyết, Minh Hành-Tại Tại, Minh Châu-Hương Hải, Chính Giác-Chân Nguyên… Dầu là người Hoa hay người Việt, Lâm Tế hay Tào Động, họ đều qui ngưỡng về Phật giáo Trúc Lâm như cội nguồn và phát triển trên tinh thần lấy Trúc Lâm làm nền tảng Phật giáo dân tộc.

Ngày nay nước ta xuất hiện các thiền phái đi ngược chủ trương trên của Trúc Lâm. Họ truyền bá cho người tu hành trì theo nghi thức, công án của các dòng thiền du nhập từ nơi khác, còn Trúc Lâm chỉ là tinh thần dân tộc, là sự tập hợp các tinh hoa các dòng thiền trước đó chứ chưa phải là thiền rốt ráo của Phật, của Tổ! Các thiền phái mới này cho rằng chỉ có sự truyền thừa từ những dòng thiền chính tông du nhập ấy, mới chính thức đưa hành giả giác ngộ chân tâm thôi! Có phái thì chủ trương, đã chính thống thiền thì đâu có nhập thế xuất thế gì, mà phải tự tại vô ngại không màng thế sự, hoặc lánh đời vui thú yên hà, đấy mới là hành trạng của thiền! Sự quảng bá đường lối này thu hút khá nhiều người tu không còn nhận ra đâu là thiền Việt đâu là thiền Hoa, đâu là vua Nam, đâu là tổ Bắc, đâu là ta, đâu là người. Phương pháp của họ vô hình chung đưa hành giả tu tập đi đến trạng thái vô phân biệt.

Điều này đã khiến thiền Việt Nam nhuốm màu Lão Trang, hay nói cách khác là Lão Trang hóa Phật giáo, khác với ý đồ của Trúc Lâm Đầu Đà là Phật giáo hóa Lão Trang. Xu hướng của những thiền phái này khiến người tu đi dần đến chỗ tiêu cực với xã hội, khiến các bậc thức giả ngộ nhận xem đạo Phật là một tôn giáo yếm thế. Thử hỏi, đây có còn là màu sắc gì của thiền Việt Nam hay tôn chỉ Trúc Lâm chăng?

b. Xu hướng bên ngoài Phật giáo.

Nạn thần thánh hóa mượn Trần Nhân Tông làm biểu tượng để phát sinh những tín ngưỡng mê tín trong dân gian.

Thiền sinh định, định sinh trí tuệ, thế thì thiền của Trúc Lâm thượng sĩ là trí tuệ của Việt Nam. Trần Nhân Tông là một bậc anh hùng đầy trí tuệ, cộng với sự giác ngộ từ thiền định. Cả đời ngài chưa bao giờ sử dụng quyền năng trong đánh thắng giặc Nguyên Mông, mà chỉ bằng trí tuệ và sử dụng sức mạnh tập thể của dân tộc để bảo vệ tổ quốc và cho sự nghiệp ích nước lợi nhà. Ngay cả đến khi thị tịch, ngài cũng chưa từng hiển thánh hay ở lại cõi giới này làm thần, sử sách đều không thấy ghi chép lại những biểu hiện ấy.

Thế mà ngày nay, nhiều nhóm tín ngưỡng đa thần giáo lại lấy ngài làm biểu tượng, đã khiến ngài trở thành một vị thần trấn quốc, vị thánh chữa bệnh cứu đời, một vị chính thần có nhiệm vụ đi phá trừ các tà thần khác. Ta có thể gặp hiện tượng này rất nhiều, có vua Trần hiển thánh xuất phát từ những ngọn núi linh ứng trong dân gian, có sự ứng thần ở các chùa miếu đền phủ. Rồi có những tà phái lập ra đạo tràng lấy hiệu là Trần Nhân Tông, chỉ thờ vua Trần là Phật tổ của họ mà chê bai đạo Phật ngày nay là tà đạo, Tăng sĩ là tà giáo, chỉ có họ mới tu hành đúng pháp của Trần Nhân Tông, họ tạc tượng ngài để thờ phụng như vị thần trấn sơn mà chẳng biết chân dung đích thực của ngài thế nào. Những tà phái này đại diện cho một thế lực thần thánh bản địa trú ngụ dọc các ngọn núi thiêng từ Nam chí Bắc như : Ba Vì (Hà Tây), Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), Châu Thới (Đồng Nai), Núi Cấm (Châu Đốc), Bà Đen (Tây Ninh)…. Nếu chúng ta không gạn đục khơi trong, nêu cao tư tưởng chính thống Trúc Lâm, thì sẽ còn biết bao người sẽ đi vào con đường mê tín sai lạc chính pháp.

5. Kết luận.

Cuối cùng, tôi nghĩ một viễn cảnh rằng : Bất cứ Giáo hội nào, Thiền phái nào, sở hữu được mục đích và tôn chỉ Trúc Lâm đúng nghĩa, ứng dụng phù hợp thực tế hiện tại; đối tượng ấy sẽ có được quần chúng và họ có quyền mang danh Phật giáo Trúc Lâm. Thế thì tại sao Giáo hội chúng ta lại chẳng nương đó mà phục sinh một Giáo hội Trúc Lâm Việt Nam thế hệ mới, kế tục đầy đủ phẩm chất tư tưởng của Vua Phật Trần Nhân Tông, được Giáo hội ta chuẩn y một Hội đồng Trúc Lâm chuẩn mực, những vị này có đầy đủ phẩm chất cao cả của tư tưởng Trúc Lâm, có chức năng tuyển trạch, sát hạch những người muốn gia nhập thành viên tông phái mới này, với những tiêu chí chính thống và sự phát nguyện như :

- Phụng sự lợi ích dân tộc, trung thành Tổ quốc Việt Nam.

- Khẳng định tôn chỉ thiền Trúc Lâm là tích cực nhập thế.

- Có phong thái hòa hợp giữa các pháp môn Thiền Tịnh Mật.

- Nối pháp hậu học bằng dòng kệ chính thức của Trúc Lâm.

Và để kết thúc bài tham luận này, tôi xín có vài câu văn vần gửi đến hội thảo khoa học nhân lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của Vua Phật Trần Nhân Tông :

Đôi dòng ôn cố tri tân

Những mong gạn đục khơi trong pháp thiền

Nghe xong chớ lấy làm phiền

Làm sao tỏ rạng tiên hiền Nhân Tông

Noi gương Thượng sĩ Trúc lâm

Gồm thâu muôn pháp vào trong một nhà

Tiếp thu ý chỉ người ta

Chứ đừng vay mượn phương xa hơn mình !

Bạch cùng thức giả chân tình…

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23. 10. 2008

THÍCH ĐỒNG BỔN (Nguyễn Thành Nam) Tiến sĩ sử học,

Đại học Chattanooga-Tennesse, USA

- Trưởng bộ môn PGVN-Học viện PGVN tại Tp Hồ Chí Minh.

- Trưởng ban PGVN-Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.


Tài liệu tham khảo :

Phật giáo Việt Nam Sử Luận-tập II, Nguyễn Lang, NXB Văn Học, Hà Nội 1994

Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, Viện Triết Học, NHB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991

Lược Khảo Phật Giáo Sử Việt Nam, Vân Thanh, tác giả XB, Sài Gòn 1974

Tuần báo Đuốc Tuệ trọn năm 1941, Bắc kỳ Phật Giáo Hội, Quán Sứ XB, Hà Nội 1941

Tài liệu hội thảo Trúc Lâm Yên Tử, Tỉnh Quảng Ninh 2006

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6702405