Tin tức

TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ CỦA CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ CỦA CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

 

THÍCH THIỆN HUY

 

1. Một số nhận định về Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905 - 1973)1 là một cư sĩ lỗi lạc có nhiều cống hiến giá trị cho Phật giáo về trước tác lẫn dịch thuật, cũng như cống hiến nhiều công sức trong việc chấn hưng và xây dựng Phật giáo miền Nam , đặc biệt là Ông đã kết hợp với một số đạo hữu trí thức có đạo tâm thành lập Hội Phật học Nam Việt để thiết thực góp phần xây dựng, cũng cố Phật giáo vững mạnh … cùng thời với ông còn có các cư sĩ tri thức như: Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897 - 1969), cụ Đoàn Trung Còn (1908-1988)...

HT Thích Nhất Phương2: “Cụ Mai Thọ Truyền hội trưởng hội Phật Học Nam Việt – phong cách trọng đại, bình tĩnh mà có uy, mặt hồng mắt sáng, một học giả Phật giáo tri thức, sự thông thái ngang tầm với Bác Sĩ Lê Đình Thám,…Đức độ, phẩm chất và giới phần trong Cụ đã hoàn thành, nguyện lực làm lợi ích cho chúng sanh cùng tâm từ khiến cho tất cả người hữu duyên đều kính trọng”. Qua đó, chúng ta thấy Cụ là người say mê trong nghiên cứu, luôn động viên mọi người cố gắng học tập, trao dồi Pháp ngữ, Anh ngữ để phát huy năng lực của chính mình. Những cống hiến thiết thực đương thời của Ngài được mọi người ủng hộ, phát triển. Nhân sĩ đương thời kính trọng cách đối đãi niềm nở, hiếu khách, cung cách trọng người tài của Cụ từng bước làm cho hội Phật học Nam Việt ngày càng phát triển và có tầm ảnh hưởng nhất định trong xã hội, giới tri thức đương thời. Ông cũng nhận định về chùa Xá Lợi: “Là một ngôi chùa có đủ tiện nghi, văn minh, tiến bộ, có một thư viện khá đầy đủ (vào thời đó), người thủ thư (anh Buông) rất cẩn thận trong công việc nên việc tra cứu sách rất thuận lợi và dễ dàng…cuộc sống và Phật sự đều rất thoải mái. Là nơi có nhiều đoàn khách Phật giáo quốc tế ghé thăm như Đại Đức Narada, Tiến Sĩ Ven Khema, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết và nhiều danh nhân thạc đức trên thế giới khi đến Việt Nam đều có viếng thăm chùa Xá Lợi, và các tu sĩ tại Xá Lợi sử dụng thông thạo tiếng anh và tiếng Pháp như: TT Đạt Pháp, TT Minh Trí, Thầy Tắc Nhật, Thiện Phúc, Cụ Như, Cụ Minh Ấn…

Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Thích Nhất Hạnh nhận định về Cụ Chánh Trí “Cư sĩ Chánh Trí có một cái nhìn trung dung về hai khuynh hướng tự lực và tha lực trong Phật giáo, Ông cho rằng sự nhiếp thọ và cứu độ của chư Phật và chư Bồ Tát là có thực, nhưng con người phải có nỗ lực thì sự nhiếp thọ và cứu độ mới trở thành hiện thực, như tuyết có sạch, trăng có in”. Cụ Chánh Trí viết: “Chư Phật và Bồ Tát vì lòng đại từ đại bi luôn luôn sẵn sàng hộ trì cứu độ, nhưng các ngài chỉ cứu độ, hộ trì những ai thật sự muốn được nâng đỡ để giải thoát mà thôi. Biển khổ chơi vơi, người đang chìm nổi ít ra cũng phải cố với nắm lấy bàn tay tế độ thì họa may vấn đề cứu vớt mới thành. Ngục tù khốn khổ, các cửa dù có mở tung mà phạm nhân không chịu đi ra thì cũng không biết làm thế nào! Nói một cách khác, có sự mong muốn và cố gắng của người tự biết lâm nguy, người muốn cứu mới làm nên việc. Huống chi sự cứu độ hộ trì ở đây thuộc về tâm linh, thì sự cảm thông trên phương diện tâm linh là điều cần yếu. Tuyết có sạch, trăng mới in; tâm ta có trong, tâm Phật mới rọi vào được. Nêu tâm ta như đống tuyết bị bụi đất phủ dày thì đừng mong mặt trăng Phật in lên và làm cho khối tuyết ánh sáng. Thế thì tự lực vốn tối khẩn yếu, tối cần thiết3.

Trong các tác phẩm do Hội Phật Học Nam Việt ấn hành: Tâm và Tánh (do Nhà Xuất bản Đuốc Tuệ Hà Nội ấn hành năm 1950); Ý nghĩa Niết Bàn (1962); Một đời sống vị tha (1962); Tâm kinh Việt giải (1962); Le Bouddhisme au Viet Nam (1962); Pháp Hoa huyền nghĩa (1964); Địa Tạng mật nghĩa (1965); Ngoài ra, ông còn một số tác phẩm chưa xuất bản như: Truyền tâm pháp yếu, Tây Du Ký, Hư Vân Lão Hòa Thượng, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Mười lăm ngày ở Nhật, Vòng quanh thế giới Phật giáo, Đạo đời, Khảo cứu về Tịnh Độ Tông, Mật Tông4. Trong bài nghiên cứu, tác giả mạn phép nghiên cứu về tác phẩm “Khảo cứu về Tịnh Độ Tông” của Ông, đây là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu học giả quan tâm, mỗi lần nghiên cứu góp thêm cho người đọc một phần nhận định.

2. Một vài Quan điểm về Tịnh Độ của Cụ Mai Thọ Truyền

Chánh Trí viết: “Tuy pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh được trình bày như con đường “dễ đi” nhờ có sức cứu độ của Phật, thật ra không phải dễ hoàn toàn đâu và muốn đi đến đích cũng chẳng phải hoàn toàn ỷ lại vào tha lực mà được đâu. Dễ là đối với con đường của Thiền Tông là con đường mà hành giả phải tự cường tự lực,nhưng niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn, cho đến được “tam muội” hay chánh định, hành giả cũng phải nỗ lực rất nhiều, phải phấn đấu với chướng ngại ráo riết. Cái tha lực nhiếp thọ của Phật hình như chỉ được đưa ra với dụng tâm khuyến khích hành giả, để hành giả vững tâm mà trỗi bước5, có thể nói đây là quan điểm nghiên cứu của riêng ông, nhưng  cũng phù hợp với lợi Phật dạy trong kinh tạng Pali, kinh Tăng nhất A-hàm (phẩm Thập niệm) cũng ghi lại lời Đức Phật dạy về pháp môn Niệm Phật: “Hãy tu hành một pháp, truyền bá rộng rãi một pháp, sẽ thành tựu được thần thông, bỏ các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Phật. Hãy khéo tu hành, hãy truyền bá rộng rãi, sẽ thành tựu thần thông, bỏ các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, truyền bá rộng rãi một pháp. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này”…Đó là tu hành niệm Phật, sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Phật thì sẽ được các công đức lành này. Như vậy, các Tỳ- kheo hãy học điều này” (phẩm Quảng diễn).

Phật giáo Đại Thừa không xây dựng hệ tư tưởng Tịnh độ bằng tư duy siêu hình mà cũng theo các trình tự lập luận logic, cụ thể như một số người nói là Đức Phật A Di Đà cùng với cảnh giới Cực lạc không có thật, chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng để làm chỗ nương tựa, vỗ về niềm tin. Kinh tạng Pàli của Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật Thích Ca đã từng cho biết có các vị Phật quá khứ (cụ thể là Đức Phật Tỳ-bà-thi đến Phật Ca-diếp, theo kinh Đại bổn - Trường bộ kinh), điều đó có nghĩa là ngoài Đức Phật Thích Ca ra còn nhiều vị Phật khác. Nên việc có Đức Phật A Di Đà đang giáo hóa chúng sinh ở cõi Cực lạc là điều dễ hiểu. Mà công đức, phước báu, trí tuệ của các vị Phật là như nhau, cho nên niệm công hạnh một vị Phật cũng chính là niệm các vị Phật khác.

Nếu ta thừa nhận rằng các cõi được hình thành là do nghiệp lực của chúng sanh và nguyện lực của chư Phật như kinh nói thì chúng ta phải thừa nhận rằng không có chúng sanh thì cũng không có các cõi, các hành tinh. Nguyện lực và nghiệp lực ấy, có lẽ tương đương với khái niệm luật hấp dẫn vũ trụ của khoa học ngày nay. Không có luật hấp dẫn này thì các hành tinh sẽ không thể di chuyển theo đúng quỹ đạo và vũ trụ sẽ tan rã6.

Cụ Chánh Trí cho rằng sự vãng sinh về Cực Lạc của Phật giáo hoàn toàn không giống với sự sanh lên Thiên Đường của Cơ Đốc giáo. Mục đích về Cực Lạc là để gần Phật mà tiếp tục tu hành cho tới bậc “bất thối chuyển” chứ không phải để hưởng những sự sung sướng của một cõi Thiên Đường. Việc miêu tả về sự sung sướng và an lạc của cảnh giới cũng chỉ là phương tiện để dẫn dụ chúng sanh, phương tiện đưa người từ hóa thành về bảo sở7 mà thôi. Bản chất và mục đích của niệm Phật là sự tịnh tâm, và một khi tâm đã định và tịnh thì trí tuệ (Vô Lượng Thọ), hào quang (Vô Lượng Quang) phát sinh.

Ông nhận định: “Trong kinh Tịnh Độ có nói: Lúc lâm chung mà ai chuyên tâm niệm Phật nhất tâm bất loạn thì Phật A Di Đà và Quan Âm Thế Chí đến rước về Cực lạc. Có người nghĩ rằng đây là một lối nói tượng trưng. Lúc lâm chung mà giữ tâm định được vào niệm Phật thì tâm người ấy đã “tịnh hóa” hoàn toàn rồi, bức màn vô minh đã bị xé tan, do đó nguồn ánh sáng bên trong tự tánh Di Đà phát huy hực hỡ. Nguồn ánh sáng ấy là nguồn ánh sáng vô biên của vũ trụ tiêu biểu bởi Phật A Di Đà đồng một thể tánh, cho nên khi người mạng chung thấy ánh sáng ngập trời trước mắt mình, ngỡ là của Phật A Di Đà từ phương Tây đến tiếp độ, không dè đó là Phật A Di Đà của tự tánh mình hiển hiện ra”8. Chúng ta thấy Ông nhận định rất sâu sắc về việc hành trì pháp môn tịnh độ để đạt được trạng thái thanh tịnh, khi tâm chúng ta thanh tịnh thì cảnh giới xung quanh sẽ thanh tịnh, ví như khi Đức Phật Thích Ca mặc dù đã chứng đạt giác ngộ nhưng Ngài vẫn ở tại cõi ta bà này để hóa độ chúng sanh - nơi được các hành giả tu tịnh độ xem là uế độ, không phải tịnh độ và xem đây là quốc độ của Ngài.

Do đó, muốn sanh về cảnh giới Tịnh Độ trước phải tu tập chuyển hóa tâm mình thanh tịnh trước, tất nhiên khi tâm mình thanh tịnh thì ánh sáng Phật Di Đà hiển hiện trong Tâm không cần tìm cầu nơi một thế giới nào khác9.

Hay việc Tôn Giả Mục Kiền Liên là một đệ tử giác ngộ của nhân vật lịch sử Đức Phật Thích Ca, du hành đến một thái dương hệ xa xôi và đến một hành tinh gồm những cư dân khổng lồ, tại đó cũng có một vị Phật cùng những đệ tử đang tụ tập theo sự hướng dẫn của vị Phật này. Đức Phật và Đại Muc kiền Liên cả hai đều sống vào khoảng thế kỷ thứ năm hay thứ sáu trước Tây Lịch. Tai Âu Châu ở phía Tây, cho đến thời Galileo (1564-1642), hầu hết những người có học đều nghĩ là toàn thể vũ trụ đều quay chung quanh trái đất và bao gồm một mặt trời cùng bảy hành tinh. Họ không nhận thức được rằng các ngôi sao cũng là những mặt trời khác. Câu truyện ở đây cho thấy rằng cách nay 2500 năm, các Phật tử đều biết về vũ trụ rộng lớn đầy những mặt trời, những hành tinh và đời sống loài hữu tình. Chỉ có chúng ta vẫn đang hoài nghi về những cõi Phật và những cảnh sống bên ngoài trái đất. Dĩ nhiên những xác quyết về năng lực tâm linh của Đức Phật và Tôn Giả Mục Kiền Liên cùng kích thước của loài người ở tại hành tinh xa xôi đó không dễ dàng dung hợp được với đầu óc vật chất khoa học hiện nay10.

Ở miền Nam Việt Nam, vào năm 1959 cũng đã xuất hiện một môn phái Phật giáo với tên gọi là: “Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng” đã hành trì Pháp Môn niệm Phật theo phương pháp trên chứ không thuần là một niềm tin về tín ngưỡng hay đặt nặng vấn đề tha lực. Môn phong đã tổ chức thành công khóa lễ “Bá Nhựt Trì Danh” niệm Phật xuyên suốt trong vòng 100 ngày, theo ý tưởng của Hòa Thượng Pháp Chủ Khánh Anh, Hòa Thượng Thích Hành Trụ. Theo truyền thống, khóa lễ sẽ được khai khóa đúng vào lúc 21 giờ ngày mùng 08 tháng 08 âm lịch hằng năm. Mọi người tu trên khắp cả nước tề tựu về đây tham dự niệm Phật tinh chuyên trú dạ lục thời cho đến 21 giờ ngày 17 tháng 11 âm lịch thì mãn khóa11.

Năm 1963 an trú tại điện Lôi Âm (cách Tổ đình Linh Sơn 500 mét), đêm đến Hòa Thượng Thích Thiện Phước niệm “Nam mô A Di Đà Phật” thật to tiếng, vang cả núi rừng, chấn động đến đại chúng ở Tổ đình Linh Sơn thức giấc niệm Phật. Năm 1973 khi về Tổ đình Thành An, núi Sập, thăm bệnh Đức Sư ông và an trú nơi đây suốt một năm, đêm đến Tôn sư dạy: “Môn đệ của Non Bồng thì phải thức khuya dậy sớm gióng chung, lần chuỗi niệm Phật, phải niệm niệm như thế mới hết não phiền, hiện tại cũng như tương lai được thấy Phật và thành Phật...”.

Các ông không nên ngủ nhiều, Đức Thế Tôn không bao giờ ngủ quên, không ngủ nhiều chứ không phải không ngủ, lúc nào cũng sẽ thức, hai tiếng nằm ngủ, hai tiếng thức giấc ngồi niệm Phật, hoặc đi kinh hành niệm Phật, hoặc dâng hương, niệm Phật. Có tinh tấn như thế thì tâm tham ái, tâm sân nhuế, tâm si mê sẽ không lớn mạnh, không còn vây quanh làm cho thân tâm liên hữu nặng nề, nặng nề càng nặng nề…12.

3. Nhận xét thay lời kết

Qua đó, chúng ta nhận thấy quan điểm của Cụ Mai Thọ Truyền và Môn phái Liên Tông tịnh Độ Non Bồng về sự tu tập Tịnh Độ, pháp môn Niệm Phật là cả một quá trình tinh chuyên trong sự miên mật hành trì thì hành giả mới đạt được những thành tựu tu chứng trong pháp môn này chứ không phải đơn thuần theo những phương pháp chỉ nương vào tha lực, hay hành trì một cách dễ dàng như một số nơi hiện nay mà thành tựu.

Vậy từ tư tưởng nương vào tha lực và nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, Phật giáo Đại thừa đã triển khai để xây dựng nhân gian Tịnh độ, “Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh ”tức trở lại cốt lõi rằng nơi nào có người thanh tịnh sẽ tập hợp được người thanh tịnh, thì ngay cảnh giới đó trở thành Tịnh độ13. Việc kiến tạo Tịnh độ bắt nguồn từ tâm thanh tịnh, nếu tâm bình thì thế giới bình, tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Dùng phương tiện giáo hóa chúng sinh, nhờ vào sức tinh tấn giáo hóa chúng sinh mà thành tựu được tất cả công đức, thiết lập được cõi Tịnh độ giữa xã hội con người, các nhân duyên tự lợi, lợi tha đều được viên mãn thì công đức cũng thành tựu viên mãn. Đó chính là cõi Tịnh độ hiện tiền. Nói cách khác, với tâm thanh tịnh thì Tịnh Độ của hành giả đã hiện hữu ngay tại cõi Ta-bà này, tiêu dao tự tại, không còn đặt nặng các vấn đề liên qua đến các cảnh giới bên ngoài nữa.

HT Thích Trí Quảng nên quan niệm về Tịnh Độ như sau: “Trên bước đường phát huy tuệ giác, chúng ta nhận thấy rõ tư tưởng Tịnh độ hoàn toàn trùng hợp với ý nghĩa Niết-bàn theo Phật giáo Nguyên thủy. Tên gọi tuy có khác, nhưng yếu nghĩa của Niết-bàn và Tịnh độ là một. Như trên đã lý giải, Đức Phật A Di Đà hoàn toàn thanh tịnh, nên Ngài an trụ ở phương Tây là nơi đó liền trở thành Cực lạc, Cực lạc là tên khác của Niết-bàn, hay vô trụ xứ Niết-bàn, hoặc tự tánh Niết-bàn, nói lên yếu lý rằng người có tâm thanh tịnh ở đâu thì ở đó là Niết-bàn, là Tịnh độ vậy.

Có thể khẳng định rằng Niết-bàn được phát triển và kiến giải dưới tên Tịnh độ. Niết-bàn và Tịnh độ là sợi chỉ đỏ nối kết một cách sâu sắc Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa, tạo thành cảnh giới an lạc, giải thoát miên viễn cho hàng đệ tử Phật trên dòng sinh mạng tương tục Bồ-tát đạo cho đến cứu cánh Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác14”.

 


1. Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh ngày 01/04/1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ theo học trường Sơ học Bến Tre, rồi theo học tại trường Trung học Mỹ Tho, sau đó lên Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat. Vào khoảng thời gian năm 1931, lúc làm việc tại Sa Đéc, Cư sĩ thường hay đến tham vấn cầu học với Hòa Thượng Hành Trụ rồi nảy sinh lòng kính mộ và cảm phục đức độ và trí tuệ của vị danh Tăng. Vì vậy, bác Mai Thọ Truyền xin thọ Tam quy, Ngũ giới, được Hòa Thượng đặt cho Pháp danh là Chánh Trí.

2. HT Thích Nhất Phương là đệ tử của Đức Pháp chủ Khánh Anh.

3. Từ Quang, số 239 (tháng Giêng 1973), bài Khảo cứu về Tịnh Độ Tông.

4. Một tác phẩm đang viết dở là Kinh Lăng Nghiêm.

5. Sđd

6. https://giacngo.vn/phathoc/luockhao/2018/12/23/726483/?fbclid=IwAR0iVuGtpUWHjcL12_ UbAOJgxEjk8XqcrRrRV3uoTzyQO_AFySKxKWamzMc

7. Sdd, trang 107.

8. Từ Quang, số 237 (tháng Mười một 1972), bài Khảo Cứu Về Tịnh Độ Tông.

9. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của các nhà khoa học hiện nay, chúng ta vẫn có thể thấy được cảnh giới Tịnh Độ của Phật Di Đà như sau: Thành ao làm bằng thất bảo. Ðáy ao trải cát Kim Cương nhiều màu. Ao rộng trăm nghìn do tuần (100.000 do tuần = 1.950.000 km, trong đó diện tích nước Việt Nam ta là 331.212 km)nhìn như biển cả. Mỗi ao có sáu mươi ức hoa sen thất bảo. Mỗi bông tròn lớn 12 do tuần có đủ màu đẹp.

“Mỗi cây báu ở cõi Tịnh Độ cao 8.000 do tuần”(1 do tuần = 19.5 km, 8.000 do tuần = 156.000 km khoảng cách trung bình từ Mặt Trăng đến Trái Đất là 384.403 km, vậy chồng 2.5 cây lên với nhau bằng khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trăng) . Do đó sự chịu lực của Cây báu lên mặt đất rất lớn, nên đòi hỏi mặt đất cũng phải cấu tạo bằng các vật liệu siêu bền như kim cương, pha lê…“Thân, lá, bông, trái đều là chất thất bảo” là điều tất nhiên do cây to lớn và tuổi thọ cao đòi hỏi cành, nhánh lá phải cấu tạo cũng bằng vật chất khác, khác với chất diệp lục ở qủa địa cầu này. Ao sen báu với diện tích khoảng 1.950.000 km2 thì mặt đất đòi hỏi phải cấu tạo bằng kim cương hay một loại vật chất, vật liệu siêu bền, mới đủ sức chịu lực cho ao sen hay cây báu nơi Tây Phương Cực lạc. Ví dụ như Đập Tam Hiệp ở Trung Quốc có chiều dài 2.355m, được làm hoàn toàn từ bê tông và thép. Cụ thể, người ta đã phải đào, di chuyển đến 102,6 triệu m3 đất để mở đường cho khoảng 27,2 triệu m3 bê tông và 463.000 tấn thép (chủ yếu cho thành đập), số lượng thép này ước tính đủ để xây dựng 63 tòa tháp Eiffel.

Với thể tích 39,3 km³, lượng nước trong hồ chứa sẽ có khối lượng lên tới 42 tỉ tấn.  Với quy mô quá lớn còn gây nhiều ảnh hưởng tới địa chất của khu vực, gia tăng nguy cơ động đất, sạt lở đất... Các nhà khoa học đã từng cảnh báo về việc trọng lượng “quá tải” của khu vực trữ nước có thể gây biến đổi địa chất ở vùng trung tâm Trung Quốc với nhiều ảnh hưởng khó lường. Theo cách nhìn và so sánh bình thường chúng ta thấy rằng việc cấu tạo mặt đất ở cõi Tây Phương bằng chất liệu kim cương, pha lê để đủ sức chịu lực và không bị những tác động tiêu cực thì những mô tả trên về cảnh giới của Phật Di Đà rất phù hợp logic.

Chúng ta nghi ngờ rằng làm gì có cõi nước cấu tạo toàn vàng bạc đá quý, nhưng thực tế hiện nay, các nhà thiên văn học xác nhận có những hành tinh như vậy, như hành tinh 55 Cancri e, hành tinh 2011 UW-158… Hành tinh 55 Cancri e, được phát hiện bởi các nhà thiên văn học thuộc Trường Đại học Yale (Mỹ), có bán kính lớn gấp 2 lần và có trọng lượng gấp 8 lần Trái đất của chúng ta. Các nhà khoa học nghĩ rằng bề mặt của hành tinh 55 Cancri e được bao phủ bởi kim cương và than chì.

Nghiên cứu mới ước tính rằng 1/3 khối lượng của hành tinh 55 Cancri e - gấp 3 lần khối lượng của Trái đất - có thể là kim cương. Hành tinh này có quỹ đạo quay quanh ngôi sao mẹ rất ngắn chỉ 18 giờ/ vòng, trong khi quỹ đạo của Trái đất quay quanh Mặt trời là 365 ngày. Hành tinh này cách Trái đất khoảng 40 năm ánh sáng nên nó có thể được quan sát bằng mắt thường từ hành tinh của chúng ta. Rồi hành tinh 2011 UW-158 chứa rất nhiều khoáng sản bạch kim, một loại khoáng sản hiếm trên Trái đất. Theo ước tính của Công ty khai thác tiểu hành tinh Planetary Resources có trụ sở tại bang Washington (Mỹ), lõi tiểu hành tinh chứa 100 triệu tấn bạch kim. Giá trị tiềm năng của nó lên tới 5,4 nghìn tỉ USD.

10. Ngài Đại Mục Kiền Liên Viếng Thăm Một Hành Tinh Khác, Trích từ Kinh Đại Bảo Tích Dr. Ron Epstein dịch sang Anh Ngữ đăng trên tập san Religion East and West, Issue 5, October, 2005 http://online.sfsu.edu/%7Erone/Buddhism/maudgalyayana.htm

Lúc đó đức Phật tự nghĩ rằng: “Ông Đại Mục Kiền Liên muốn thử phạm vi Tịnh Âm của ta. Ta phải dùng thần túc thông để giúp ông ấy”. Ngài bèn vận thần túc thông và lúc đó ngài Đại Mục Kiền Liên nương vào trợ lực của Phật, dù thế giới Phương Tây rất xa, nhưng ngài Đại Mục Kiền Liên vẫn có thể vượt qua chín mươi chín lần Hằng hà sa số nước Phật. Đến nơi ấy có thế giới Phật tên là Cờ Quang Minh và có đức Phật tên là Quang Minh Vương Như Lai, đã đặng chánh đẳng chánh giác và hiện đang thuyết pháp nơi ấy. Ngài Đại Mục Kiền Liên đến nơi đó mà vẫn nghe âm thanh của đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni như tiếng nói trước mặt.

Trong nước Phật tên Cờ Quang Minh này đầy ánh sáng rực rỡ. Thân Phật ở đó cao bốn mươi dặm. Thân hình các vị bồ tát cũng cao hai mươi dặm. Còn bình bát các Bồ tát cao một dặm. Lúc ấy ngài Đại Mục Kiền Liên đang đi trên vành bát. Các Bồ Tát thấy và bạch Thế Tôn Quang Minh Vương rằng: “Bạch Đại Thánh! Có con sâu mặc y phục sa môn đang đi trên vành bát. Con sâu ấy từ đâu mà đến?”

Đức Phật ấy bảo rằng. “Các con hãy coi chừng, chớ sanh lòng khinh khi hiền giả này. Tại vì sao? Vì người này là đại đệ tử trong hàng Thanh Văn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở thế giới Ta Bà hiện giờ, tên là Đại Mục Kiền Liên, giỏi nhất về thần thông.

11. Khóa đầu tiên được tổ chức từ năm 1966 đến nay được 53 khóa không gián đoạn, mặc dù sau 1975 kinh tế, an ninh, xã hội có khó khăn, nhưng khóa niệm Phật vẫn tiếp tục bình thường. Mỗi ngày có 12 thời niệm Phật, mỗi thời niệm Phật là 2 giờ, có Tăng hay Ni đảm trách, hướng dẫn Phật tử tham dự . Chư Tôn Đức cùng quý Phật tử luân phiên nhau trong suốt khoá lễ miên mật hành trì, nhiếp tâm nhiếp niệm, để tâm tư luôn lắng đọng hướng tâm về Phật, niệm niệm nối luôn không ngừng nghỉ, nếu hành giả nào giữ tâm chánh niệm thuần tịnh chuyên nhất

12. Thích Giác Quang (2019), Pháp Giáo Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, trang 123, NXB Hồng Đức.

13. Cõi tịnh được kinh Duy Ma giới thiêu khác hẳn với những cõi Tịnh độ khác, bởi nền tảng căn bản để xây dựng cõi tịnh của kinh Duy Ma là ở con người. Tư tưởng này được thiết lập giữa cõi được mệnh danh là “ngũ trược ác thế”, nơi mà có sự hiện diện con người đang sinh sống, đang lặn ngụp trong biển khổ, đang sống trong dục lạc và đang bị ngũ dục lôi kéo v.v… thì nơi ấy là Tịnh độ của Bồ tát hay Bồ tát xây dựng cõi tịnh trên đó. Điều này đã làm sáng tỏ về tính nhân bản của đao Phật, nhấn mạnh việc lấy con người làm trung tâm điểm để giáo hóa. Theo tư tưởng của kinh, việc thiết lập Tịnh độ giữa nhân gian, Bồ tát lấy chúng sinh làm nền tảng căn bản, nói cách khác là lấy con người, lấy mọi tầng lớp xã hội làm nơi y cứ để thiết lập Tịnh độ. Sở dĩ như vậy bởi chúng sinh là đối tượng chủ yếu của Bồ tát, nếu lìa chúng sinh thì Bồ tát không thể thực hành hạnh nguyện. Thế nên kinh dạy: “Bồ tát kiến lập Tịnh độ dựa trên công hạnh làm lợi lạc chúng sinh, vì như người muốn xây cất lâu đài phải xây nền móng trên đất. Nếu không có đất thì không thể xây cất lâu dài được” (Thích Từ Thông dịch).

14. Thích Trí Quảng (2017), Quan Niệm về Tịnh Độ, Nguyệt san Giác Ngộ, (https://thuvienhoasen. org/a27964/quan-niem-ve-tinh-do).

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 47
    • Số lượt truy cập : 6950043