Tin tức

VAI TRÒ LÃNH ĐẠO TINH THẦN VÀ HỢP TÁC CỦA TĂNG GIÀ ĐỐI VỚI HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT

VAI TRÒ LÃNH ĐẠO TINH THẦN VÀ HỢP TÁC

CỦA TĂNG GIÀ ĐỐI VỚI HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT

 

NCS. THÍCH THIỆN TÀI

 

Đầu những năm 1930, một số nhà sư trí thức đã có những ưu tư trước tiền đồ Phật pháp, muốn tìm ra hướng đi mới cho Phật giáo Việt Nam trước nguy cơ tồn vong mà những biến chuyển nhanh chóng của xã hội. Trong cảnh đó đã xuất hiện phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ vào cuối thập niên 20 đầu thập niên 30 của thế kỷ XX. Những nhân vật tiêu biểu cho khởi đầu phong trào là các danh tăng như Khánh Hòa, Thiện Chiếu, Khánh Anh, Huệ Quang,v.v… Phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX ở Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung không những tạo ra một luồng sinh khí mới, khơi dậy sức mạnh nội tại Phật giáo nước nhà, mà còn là tiền đề đi đến thành lập các tổ chức Phật giáo các giai đoạn sau này. Sự ra đời của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam bắt đầu ở khu vực Nam Kỳ là kết quả của nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, cả bên trong lẫn bên ngoài Phật giáo, nhưng trên hết đó là tấm lòng quả cảm, dám nghĩ dám làm của các bậc danh tăng, mà người đi đầu là HT. Khánh Hòa. Ngài luôn tiên phong trong việc thành lập các tổ chức Phật giáo ở Nam Kỳ nửa đầu thế kỷ XX như: Hội Lục hòa (1920), Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1931), Liên đoàn Học xã (1933), Hội Phật học Lưỡng Xuyên (1934). Trong đó, sự ra đời và hoạt động của Hội Phật học Lưỡng Xuyên tuy ngắn ngủi nhưng là một thành công lớn, một dấu ấn quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam. Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật và Hội Lưỡng Xuyên Phật học đều hô hào dịch kinh in sách, đào tạo tăng tài, thuyết pháp khuyên mọi người tu học, xuất bản chí Từ Bi Âm Duy Tâm để phổ biến một đạo Phật chân chính và thiết thực cho các tầng lớp dân chúng. Nhưng vì hoàn cảnh khách quan nên hai hội Phật học này chỉ hoạt động được vài năm rồi tan rã trong sự nuối tiếc của những người tâm huyết với đạo pháp. Dù chỉ hoạt động được một thời gian ngắn nhưng phong trào đã gặt hái được những thành công lớn, đó là đặt được nền móng đầu tiên định hình cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX và đào tạo được một số Tăng sĩ kế thừa về sau, tiếp tục tiếp nối sự nghiệp chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Kể từ khi Hội Phật học Lưỡng Xuyên giải thể năm 1947 vì lý do chính thiếu tài chính và tình hình chính trị xã hội rơi vào bất ổn do chiến tranh, ở Nam Bộ không còn một tổ chức Phật giáo nào hoạt động, dù trên danh nghĩa lúc đó đã xuất hiện một tổ chức thống nhất Phật giáo cả 3 miền mang tên Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (1951). Tổng Hội Phật giáo Việt Nam ra đời gặp phải vướng mắc về pháp lý, điều lệ của Hội này không được Chính phủ lúc bấy giờ chấp nhận, Ban Quản trị Trung ương lâm thời phải kéo dài nhiệm kỳ từ 1951 đến 1956 để giải quyết mọi trở ngại khó khăn và nắm giữ cái tinh thần thống nhất. Trên thực tế, sự ra đời của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam thể hiện ý chí quyết tâm thống nhất của tăng đồ và cư sĩ Phật giáo cả nước, chứ không thực sự là một tổ chức lãnh đạo toàn diện đúng nghĩa. Sự thống nhất Phật giáo chỉ mới có trên hình thức và giấy tờ, các tập đoàn Phật giáo vẫn hoạt động riêng rẽ tại ba miền. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho Phật giáo ở Nam Kỳ là cần có một tổ chức chính thống để quy tụ những người có tâm huyết với Phật học, đưa phong trào tu học và một quy cũ và có định hướng. Đó là nguyên nhân Hội Phật học Nam Việt ra đời.

Hội Phật học Nam Việt thành lập năm 1950, chính thức hoạt động từ đầu năm 1951, là một đoàn thể bao gồm cả xuất gia và tại gia, có hệ thống tổ chức rõ ràng, có điều lệ, nội quy được chính quyền lúc bấy giờ công nhận về mặt pháp lý. Mục đích thành lập của Hội là đoàn kết các Phật tử xuất gia và tại gia, dùng mọi phương tiện để truyền bá và thực hành Phật pháp về hai mặt giáo lý và từ thiện. Vị Hội trưởng đầu tiên là Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe (một trong những trụ cột đầu tiên của Hội Phật học Lưỡng Xuyên), có sự cộng tác đắc lực của các quý vị danh tăng như: Quảng Minh, Quảng Liên, Thiện Hòa, Huyền Dung, cùng cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền và một số cư sĩ có kiến thức Phật học, có đạo tâm. Hội viên xuất gia đa phần cũng là học tăng từ Phật học đường Lưỡng Xuyên.

Hội Phật học Nam Việt lúc mới thành lập với sự có mặt của hai giới xuất gia và tại gia. Đến ngày mùng 6 tháng 5 năm 1951, một Đại hội Phật giáo toàn quốc được triệu tập tại Huế để thống nhất Phật giáo, Hội Phật học Nam Việt là tổ chức đại diện duy nhất cho cả hai phái xuất gia và tại gia tại Nam Việt, nhưng vì Bắc Việt và Trung Việt đều có hai phái đoàn: một xuất gia và một tại gia, nên các vị tăng sĩ ở Nam Việt phải tách ra thành lập Giáo hội Tăng già Nam Việt để tham gia Đại hội Phật giáo toàn quốc lúc đó. Giáo hội Tăng già Nam Việt đặt trụ sở tại chùa Ấn Quang, thiền sư Đạt Từ ở chức vụ Trị sự trưởng, thiền sư Nhật Liên ở chức vụ Tổng thư ký, thiền sư Đạt Thanh chùa Giác Ngộ được cung thỉnh làm Pháp chủ. Năm 1955, khi Hội trưởng thứ hai Quảng Minh từ nhiệm để đi du học, cư sĩ Mai Thọ Truyền lên làm Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt. Mai Thọ Truyền là một người có tài năng, có tâm huyết và có công nhiều với công cuộc truyền bá Phật học. Hội Phật học Nam Việt mở chi nhánh ở hầu hết các tỉnh và quận ở Nam Bộ, hoạt động rất mạnh, các tỉnh hầu hết có tổ chức Gia đình Phật tử. Trong bản tuyên cáo thành lập Hội Phật học Nam Việt dự định sẽ thành lập một Phật học đường lớn để đào tạo tăng tài, nhưng việc này chưa thực hiện được.

Mục đích của Hội Phật học Nam Việt là tu và học, từ bi và trí tuệ đi đôi, phước huệ song nghiêm.Với chủ trương đạo và đời phải đi song song, phái xuất gia và tại gia đều là con Phật nên phải đoàn kết với nhau. Hội Phật học Nam Việt có cung thỉnh một Ban Chứng minh đạo sư là chư tôn đức Tăng già tiêu biểu cho tinh thần tu hành và uyên thâm giáo lý của đạo Phật. Trong Hội, thành viên của Ban này phải được suy tôn trong hàng Hòa thượng, Thượng tọa lão thành, đạo cao đức cả, giới luật nghiêm trì, tinh thông kinh điển. Nhiệm vụ của Ban Chứng minh Đạo sư là chỉ đạo về tinh thần cho Ban Quản trị và chủ trì các ngày đại lễ. Để làm tròn nhiệm vụ của phái tại gia cư sĩ đối với phái xuất gia, Hội đã lập một Tiểu ban Hộ pháp, cúng dường chư Tăng trong Ban Hoằng pháp, góp phần vật chất giúp chư Tăng chuyên tâm tu hành, đào tạo Tăng tài, dịch sách, in kinh. Các vị xuất gia chủ yếu chuyên trách về phần tinh thần, phát huy đạo pháp, đóng vai trò Như Lai sứ giả1.

Như vậy, có thể thấy rằng, dù là từ khi thành lập hay đến lúc Giáo hội Tăng già Nam Việt tách ra, khi Hội Phật học Nam Việt chỉ còn là một hội của giới cư sĩ Phật tử, thì hàng tăng sĩ vẫn giữ vai trò lãnh đạo tinh thần và hợp tác chặt chẽ với hội trong một giềng mối truyền thống hết sức tốt đẹp. Hội đã cung thỉnh một Ban Chứng minh đạo sư gồm 3 vị, trong đó có một vị cao nhất, tiêu biểu như Hòa thượng Khánh Anh được cung thỉnh làm Chứng minh đạo sư cao nhất của Hội từ năm 1955.

Lúc đầu, Hội Phật học Nam Việt đặt trụ sở tạm tại chùa Khánh Hưng ở khu Hòa Hưng, sau dời về chùa Phước Hòa, khu Bàn Cờ . Đến năm 1958, Hội xây cất xong được chùa Xá Lợi để làm trụ sở và nhượng chùa Phước Hòa lại cho Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt vừa mới di cư vào Nam. Nguyên do hình thành ngôi chùa Xá Lợi là do năm 1953, đại đức Narada từ Tích Lan sang Việt Nam, phụng thỉnh theo 3 viên Xá lợi và 3 cây Bồ đề con, để dâng cúng cho 3 nơi: Phật giáo Nguyên thủy (chùa Kỳ Viên), Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Cao Miên. Về phần viên xá lợi trao cho Phật giáo Bắc tông do có sự tranh chấp về tư cách đại điện cho Phật giáo Bắc tông Việt Nam nên cuối cùng được trao lại cho đức Từ Cung thái hậu (thân mẫu của Quốc trưởng Bảo Đại) để tùy ý giao lại cho đoàn thể Phật giáo nào mà đức ngài xét thấy xứng đáng phụng thờ bảo vật. Gần hai năm sau, đức Từ Cung quyết định giao cho Tổng Hội Phật giáo Việt Nam trách nhiệm phụng thờ ngọc xá lợi. Tổng hội xét công lao của Hội Phật học Nam Việt, đã ủy nhiệm cho hội nhiệm vụ thờ phụng, lúc ấy trụ sở của hội còn đặt tại chùa Phước Hòa cũ kỹ và chật hẹp. Đến năm 1955, Hội Phật học Nam Việt quyết định xây dựng chùa mới tại một vị trí mới, để có nơi xứng đáng phụng thờ và thuận tiện cho thiện tín đến lễ Phật, chiêm bái xá lợi. Giữa năm 1956, chùa bắt đầu được xây cất, đến năm 1958 thì hoàn thành. Hội Phật học Nam Việt có kính thỉnh Hòa thượng Khánh Anh, lúc ấy là Pháp chủ của Giáo hội Tăng già Nam Việt, đồng thời là Chứng minh Đại đạo sư của Hội Phật học Nam Việt, đặt tên cho chùa. Hòa thượng dạy: “Còn đặt tên gì nữa, công chúng đã gọi là chùa Xá Lợi thì lấy tên ấy cho hợp lòng người”. Nguyên do là trong lúc xây cất, Hội có cho đặt một tấm bảng cổ động tại công trường về việc xây cất chùa thờ xá lợi. Thiện tín đã gọi tắt ngôi chùa đang xây là chùa Xá Lợi, rồi thành danh từ đó.

Có thể thấy rằng, lịch sử hoạt động Hội Phật học Nam Việt gắn liền với ngôi chùa Xá Lợi này, dù hội chính thức hoạt động từ năm 1951, nhưng lúc đó trụ sở của hội chưa ổn định, ban đầu là chùa Khánh Hưng rồi sau đó dời về chùa Phước Hòa đều là những nơi có khuôn viên chật hẹp, vị trí không thuận lợi, khó hoạt động cho sự phát triển ngày một lớn mạnh của Hội. Việc tìm địa điểm và vận động xây dựng chùa Xá Lợi vào thời điểm như vậy thể hiện tầm nhìn của những vị lãnh đạo. Kể từ khi chùa Xá Lợi hoàn thành, trở thành trụ sở mới của Hội Phật học Nam Việt, hoạt động của Hội bước sang một trang mới và dần đi vào ổn định, ngày một huy hoàng hơn. Xá Lợi là một ngôi chùa Phật học, nên sự quản lý được thiết lập thành hai hệ thống, giới tu sĩ xuất gia giữ vai trò lãnh đạo tinh thần và giới cư sĩ tại gia giữ nhiệm vụ điều hành Phật sự. Giới xuất gia có hai cấp: cấp lãnh đạo là phẩm vị Chứng minh đạo sư, cấp điều hành là phẩm vị Trụ trì. Giới tại gia cũng có hai cấp: cấp lãnh đạo là chức vị Hội trưởng, cấp điều hành là chức vị Tổng thư ký2.

Các đời Chứng minh đạo sư:

1. Hòa thượng Thích Liễu Thiền (giai đoạn 1950 – 1956)

2. Hòa thượng Thích Như Ý (giai đoạn 1950 – 1954)

3. Hòa thượng Thích Đạt Thanh (giai đoạn 1950 – 1954)

4. Hòa thượng Thích Huệ Quang (giai đoạn 1955 – 1956)

5. Hòa thượng Thích Khánh Anh (giai đoạn 1957 – 1961)

6. Hòa thượng Thích Thiện Hòa (giai đoạn 1957 – 1963)

7. Hòa thượng Thích Hành Trụ (giai đoạn 1957 – 1984)

8. Hòa thượng Thích Thiện Hào (giai đoạn 1984 – 1997)

Các đời Trụ trì:

1. Hòa thượng Thích Trường Lạc (1957)

2. Hòa thượng Thích Huyền Quý (1958)

3. Hòa thượng Thích Vĩnh Chơn (1959)

4. Hòa thượng Thích Thiện Thắng (1962)

5. Hòa thượng Thích Thiện Phước (1973)

6. Thượng tọa Thích Minh Hạnh (1977)

7. Thượng tọa Thích Minh Trí (1978)

8. Hòa thượng Thích Hiển Tu (1979)

Các đời Hội trưởng:

1. Pháp sư Quảng Minh (giai đoạn 1950 – 1954)

2. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ (giai đoạn 1954 – 1955)

3. Cư sĩ Mai Thọ Truyền (giai đoạn 1955 – 1973)

4. Bác sĩ Cao Văn Trí (giai đoạn 1973 – 1979)

5. Cư sĩ Nguyễn Văn Hoanh (giai đoạn 1979 – 1996)

Các đời Tổng thư ký:

1. Cư sĩ Mai Thọ Truyền (1950)

2. Cư sĩ Võ Đình Dần (1953)

5. Cư sĩ Lưu Văn Trừ (1954)

4. Cư sĩ Tống Hồ Cầm (1955)

5. Cư sĩ Đỗ Văn Giu (1959)

6. Cư sĩ Lê Ngọc Diệp (1961)

7. Cư sĩ Tăng Quang (1979)

Như vậy, ngoài việc cung thỉnh các vị cao tăng vào Ban Chứng minh đạo sư cho Hội, các ngài chính là nơi nương tựa tinh thần vững chắc để đoàn kết tứ chúng, giữ vai trò cố vấn trong các hoạt động Phật sự của Hội. Với mục đích là tu học và thực hành đạo đức từ bi của đạo Phật, Hội đã tổ chức những buổi diễn giảng giáo lý với những đề tài Phật học phổ thông. Đối với hàng trí thức thì Hội có những buổi luận đạo về các đề tài và kinh điển đại thừa thâm sâu khiến thỏa mãn nhu cầu tu học của mọi tầng lớp, mọi căn cơ. Ban diễn giảng lúc đầu gồm có các thầy Quảng Minh, Quảng Liên, Thiện Hòa, Huyền Dung, Thiện Hoa; sau có thêm các cư sĩ có trình độ thâm sâu Phật học như Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Võ Đình Dần, Nhuận Chưởng, Tống Hồ Cầm... cũng thay nhau diễn giảng, trong đó cư sĩ Chánh Trí là người thường xuyên diễn giảng nhất. Tại Hội Phật học Nam Việt ngày 09-3-1958, Thượng tọa Thích Thiện Hoa bắt đầu giảng Bản đồ tu Phật (hay Chọn đường tu). Trụ sở của Hội - chùa Xá Lợi trở thành một trung tâm tu học, truyền bá Phật học cho mọi trình độ, mọi thành phần trong xã hội, đáp ứng được những nhu cầu thiết thực của quần chúng, bổ khuyết những mặt hoạt động mà giáo hội tăng già không làm được. Đó cũng chính là vai trò hộ trì Tam Bảo của hàng cư sĩ.

Trong các đời Chứng minh đạo sư của Hội, để lại dấu ấn sâu đậm nhất có lẽ chính là Hòa thượng Khánh Anh, một trong “ba cây trụ cột” của phong trào chấn hưng Phật giáo, Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, có công lớn trong việc đào tạo Tăng tài, in kinh dịch sách, để truyền bá đạo Phật tại miền Nam. Năm 1955, khi Hội trưởng thứ hai Quảng Minh từ nhiệm để đi du học, cư sĩ Mai Thọ Truyền lên làm Hội trưởng. Để tranh thủ sự ủng hộ tinh thần, Hội trưởng Mai Thọ Truyền đã mời Hòa thượng Khánh Anh làm vị cao nhất trong ba vị thuộc Ban Chứng minh Đạo sư cho Hội Phật học Nam Việt cùng với các vị cao tăng khác như Thiện Hòa, Hành Trụ3. Dấu ấn của Hòa thượng Khánh Anh đối với hội mà ngày nay vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy là giai thoại về nguồn gốc của câu châm ngôn được treo ở giảng đường chùa Xá Lợi. Trí Không cho cho rằng: năm 1955, Hội Phật học Nam Việt thỉnh Hòa thượng Khánh Anh làm Chứng minh đạo sư cho Hội. Ngài đồng ý, và dặn dò: “Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là đãy sách”4. Sau này khi chùa Xá Lợi xây xong, ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền cho viết hai câu đó treo lên giảng đường, nơi mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy và gây ấn tượng sâu sắc, trở thành câu châm ngôn rất nổi tiếng.

Sự đóng góp và hợp tác của hàng ngũ tăng già đối với Hội còn thể hiện qua tạp chí Từ Quang. Hội đã biên tập và phát hành tạp chí Từ Quang để làm diễn đàn trao đổi và nghiên cứu đạo Phật. Số báo đầu tiên phát hành vào năm 1951, đến cuối năm 1974 thì đình bản. Tờ Từ Quang hoạt động 23 năm là một tờ báo Phật giáo có nhiều độc giả và có tuổi thọ lâu nhất, đương thời Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, có sự cộng tác của Ban Biên tập gồm đủ cả Tăng, Ni và cư sĩ, đã đóng góp không nhỏ trong việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và cả miền Nam lúc bấy giờ.

Kết luận

Hội Phật học Nam Việt ban đầu thành lập đáp ứng nhiệm vụ là một tổ chức đại diện cho tăng già và cư sĩ, đoàn kết xuất gia và tại gia để cùng thực hiện sứ mệnh truyền bá Phật pháp bằng nhiều phương tiện khác nhau. Ban đầu không có sự phân chia vai trò của tăng già và cư sĩ, nhưng về sau, do yêu cầu phải có một tổ chức đại diện cho tăng già ở Nam Kỳ mà hội tách ra thêm một tổ chức có tên là Giáo hội Tăng Già Nam Việt. Tuy vậy, dù trên danh nghĩa Hội Phật học Nam Việt chỉ còn là một tổ chức của hàng cư sĩ, nhưng thực tế Hội vẫn dành cho hàng tăng sĩ một vai trò và vị trí quan trọng. Cụ thể, đó là các vị cao tăng được mời vào Ban Chứng minh đạo sư và trụ trì chùa Xá Lợi, truyền thống đó vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, các tăng ni có khả năng diễn giảng cũng được mời thuyết giảng thường xuyên tại trụ sở của Hội, được mời vào Ban Hoằng pháp của hội. Hội luôn luôn nhớ tới công ơn của quý vị Tăng già tôn túc trong Ban Chứng minh và Ban Hoằng pháp, nên mỗi năm vào các dịp Tết Nguyên đán, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan..., Hội đều cử phái đoàn đi dâng lễ cúng dường chư Tăng tại một số chùa trong thành phố, và mỗi khi quý thầy có Phật sự như cất chùa, đắp tượng, đúc chuông, in kinh sách, Hội đều quyên góp hộ trì. “Tăng già truyền bá, cư sĩ hộ trì”, đó là truyền thống tốt đẹp của Phật giáo từ xưa mà Hội Phật học Nam Việt đã kế thừa và vận dụng hài hòa tốt đẹp, khiến cho bốn chúng được hòa hợp cùng mang lại lợi ích cho nhân sinh. Đó chính là bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng cho Phật giáo Việt Nam ngày nay.

 


1. https://quangduc.com/a11361/hoi-phat-hoc-nam-viet-va-chua-xa-loi

2. Thích Đồng Bổn, “Lịch sử chùa Xá Lợi: Văn hóa và truyền thống” (http://www.duocsu. org/020pgvn/016.html)

3. Ban quản trị Chùa Xá Lợi (2001), Lịch sử hoạt động Hội Phật học Nam Việt (1951-1974), tr.72.

4. Trí Không (2012), Vĩnh Long Phật giáo sử lược, Nxb.TpHCM, tr.371.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Đồng Bổn (chủ biên) (1996), Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập 1, Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, Tp.HCM.

2. Minh Đức (2001), Lịch sử hoạt động Hội Phật học Nam Việt 1951-1974, Ban quản trị Chùa Xá Lợi, Tp.HCM.

3. Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc (1961), Lễ nhập tháp đức Thượng thủ Giáo hội Tăng già Toàn quốc (16-03-1961), Sài Gòn.

4. Thích Thiện Hoa (1968), Tháp Đa Bảo và tiểu sử năm vị tổ-Lễ nhập tháp, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ấn hành, Sài Gòn.

5. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo-Tập I, Viện Hóa Đạo, Sài Gòn.

6. Trí Không (2009), Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ 1950 trở đi, Tp.HCM.

7. Trí Không (2012), Vĩnh Long Phật giáo sử lược, Nxb.Thành Phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM.

8. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb.Văn Học, Hà Nội.

9. Vân Thanh (1975), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Sài Gòn.

10. Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh (2001), Biên niên sử Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-Tp.Hồ Chí Minh, Nxb.Thành Phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM.

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 55
    • Số lượt truy cập : 6950088