Tin tức

Vài ý về việc xác định ngày Phật đản

VÀI Ý VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH NGÀY PHẬT ĐẢN

VÀ NIÊN ĐẠI ĐẢN SANH CỦA ĐỨC PHẬT

 

MINH QUANG

Từ trước đến nay, việc xác định ngày tháng năm sinh của đức Phật luôn là đề tài được các nhà Phật học cũng như giới nghiên cứu khoa học đưa ra tranh luận, họ đã tốn khá nhiều thời gian và công sức, nhưng vấn đề này, mãi đến nay vẫn chưa được thống nhất. Trong khi đó, hằng năm, tại Việt Nam cũng như toàn thế giới, các giáo hội Phật giáo đều lấy ngày rằm tháng Tư âm lịch, làm ngày truyền thống tổ chức đại lễ Phật đản. Và nhất là niên đại đản sanh của Đức Phật vẫn còn gây nhiều tranh cãi…


Trên thực tế đức Phật chỉ sinh ra vào đúng một giờ khắc nào đó, một ngày, một tháng, một năm nào đó; chứ ngài không thể xuất hiện trên thế gian này với quá nhiều cột mốc thời gian và những con số ngày tháng năm sinh mỗi ngày một dài ngoằn ra như vậy.

Trên một trăm năm qua, đã có quá nhiều học giả phương Đông lẫn phương Tây, Phật học lẫn thế học tham gia tìm tòi nghiên cứu nhằm xác định Phật lịch một cách thống nhất, nhưng khốn nỗi, càng bàn cãi, thì càng làm phong phú thêm nguồn tư liệu và càng làm cho ngày tháng năm sinh của Thái tử Tất Đạt Đa trở thành một ẩn số khó có cơ may giải mã… Chính vì xác định trước điều này, nên trong chương này, chúng tôi chỉ làm một công việc nên làm, là chọn ra một giải pháp tương đối hợp lý trong hoàn cảnh nan giải như trên…

Trước đây, nói về ngày Phật đản sanh, hệ phái Phật giáo Nam tông thì lấy ngày 15/4 (Âl) làm ngày Phật đản sanh, còn hệ phái Phật giáo Bắc tông thì lấy ngày 08/4 (Âl) làm ngày Phật đản sanh.Vì sao có sự khác biệt này? Nguyên nhân do đâu? Vậy ngày nào mới đích thực là ngày đức Phật ra đời? Có lẽ chúng ta cũng nên nhín chút ít thì giờ để cùng nhau cởi mở vấn đề này.

Nếu dựa theo Phật học khái luận của Hòa thượng Thích Chơn Thiện thì dẫn đến sự sai khác đó là do sáu nguyên nhân: 1. Lịch ghi của các nước thời xa xưa khác nhau và các lịch ghi ấy lại khác hẳn với Tây lịch mà thế giới hôm nay đang dùng, nó càng khác hẳn với âm lịch của Trung Hoa. 2. Thời đức Phật tại thế gồm cả kỳ kiết tập đầu tiên, các vị tu sĩ thiếu điều kiện ghi chép mà chỉ trùng tuyên. Khi trùng tuyên các vị đệ tử thường chỉ nhớ kỹ nội dung giáo lý giải thoát mà khó có thể nhớ đúng ngày tháng của các sự kiện lịch sử, hoặc không chủ ý ghi lại các ngày tháng ấy, cũng có thể các sử liệu ghi lại đúng các ngày tháng lịch sử, nhưng trải qua bao cuộc đổi dời, các thế kỷ truyền thừa, các sử liệu ấy bị thất lạc hoặc bị ghi chép sai lầm. 3. Do sự tranh chấp ảnh hưởng giữa các học phái mà ngày tháng năm ra đời của đấng giáo chủ hay của hệ tư tưởng bị sửa lại khác đi như trường hợp cạnh tranh ảnh hưởng Phật, Lão, Khổng ở Trung Hoa. 4. Cũng có thể do các tài liệu giả đánh tráo vào tài liệu lịch sử của Phật giáo của ngoại đạo để phúc vụ ý đồ của ngoại đạo. 5. Cũng có thể do các lý do xã hội, chính trị của các thời đại, tài liệu bị ghi sai lệch đi, hoặc do sự ghi chép chủ quan và giới hạn của người biên khảo. 6. Cũng có thể sử liệu được ghi lại và được điều chỉnh theo quan điểm của bộ phái.

Một lý do dẫn đến sự sai biệt giữa các ngày tháng của các sự kiện lịch sử trong Phật giáo nữa, đó là do ảnh hưởng văn hóa giữa các vùng miền dân tộc. Về điều này chúng ta sẽ thấy: Về mặt lịch sử Phật giáo thì có lẽ chúng ta đều phải công nhận rằng, trong 20 bộ phái thì Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ là phát triển mạnh nhất. Nếu nhìn nhận một cách khách quan, thì Đại Chúng bộ đã đóng góp rất lớn trong sự truyền bá Phật pháp về hướng Bắc mà chúng ta thường gọi là Phật giáo Bắc tông. Phật giáo Bắc tông phát triển mạnh nhất ở Trung Hoa, sau đó lan rộng sang các nước, do vậy Phật giáo luôn bị ảnh hưởng bản sắc văn hóa nơi mỗi dân tộc và chính kiến của các triều đại là điều đương nhiên. Khi kinh tạng truyền sang Trung Hoa, trong quá trình dịch thuật, đối với những con số tính theo thời lịch trong các bộ kinh, sẽ dễ khiến các dịch giả khó tìm ra cái mốc thời gian để căn cứ, điều này sẽ làm cho họ trở nên mơ hồ và sẽ dịch theo cảm tính, nhất là đối với niên đại đức Phật đản sanh là dễ bị ảnh hưởng bởi các mốc thời gian và cách tính theo lịch của Trung Hoa. Điều này đã dẫn đến sự sai khác như đã nêu. Theo sách Châu Thơ Di Ký ghi rằng: “Chiêu Vương trị vì nhà Châu đã được hai mươi bốn năm, đến ngày mồng Tám tháng Tư năm Giáp Dần, bỗng thấy sông suối ao hồ nước đều dâng lên, hào quang năm sắc chiếu khắp bốn phương, cùng các hiện tượng thiên nhiên khác lạ. Vua hỏi Thái sư Tô Do: “Đó là điềm gì?”. Tô Do thưa: “Có vị Thánh nhân sanh ở phương Tây nên hiện điềm này”. Vua hỏi: “Về thiên hạ của nhà Châu có quan hệ gì không?”. Tô Do thưa: “Khoảng ngoài ngàn năm nữa, tôn giáo ấy sẽ truyền qua xứ này”. Nghe thế, Chiêu Vương bèn cho truyền sai khắc đá làm bia ghi lại câu chuyện đã xảy ra này và chôn nó trước đền Nam Giao. Sang đời Hán Minh Đế, có vị pháp sư viện theo câu chuyện ấy mà cho rằng: “Phật giáng sinh vào ngày mồng Tám tháng Tư năm Giáp Dần vào đời Châu Chiêu Vương”. Đến đời Đường, năm thứ ba niên hiệu Trinh Quán, vua Đường vì thấy nhiều người căn cứ các giáo pháp linh điển mới truyền vào đất nước mà chủ trương nhiều thuyết khác nhau, trong đó có sự khác nhau về ngày Phật giáng sinh, nên đã hạ chiếu cho các ông Lưu Đức Oai và Pháp Lâm cùng nhiều người nữa lập ra một ban để xác định lại thời kỳ giáng sinh của Đức Phật. Trải qua một thời gian dài, ban này mới đưa ra nhận định: “Phật giáng sinh vào đời vua Chiêu Vương nhà Châu và Phật nhập diệt vào đời vua Mục Vương nhà Châu”. Sau đó, vua Đường ban chiếu thông báo khắp nước, quyết định lấy ngày Phật giáng sinh y theo sự nhận định của ban này. Chính do ảnh hưởng văn hóa và chính kiến của triều đại mà trong nhiều bộ kinh có mặt tại Trung Hoa như kinh Phương Đẳng Nê Hoàn, kinh Phật Bát Nê Hoàn ở phần chương sau đều có ghi: “Phật giáng sinh ngày mồng Tám tháng Tư…”. Lại như trong kinh như kinh Bồ Tát Xử Thai, thì ghi ngày Phật đản sanh là ngày mồng Tám tháng Hai, mồng Tám là y theo chiếu chỉ của vua Đường, còn tháng Hai là dịch theo tiếng Ấn Độ, hoặc nghĩ rằng: “Đời nhà Châu lấy tháng Tý làm tháng Giêng, thì tháng Tư của nhà Châu tức là tháng Mão, nghĩa là tháng Hai của nhà Đường”. Từ sai lệch này, nhiều người xem các kinh này lại cho rằng, trong kinh nói Đức Phật giáng sinh vào ngày mồng Tám tháng Hai thì tưởng là tháng Hai của nhà Châu, nên đem lùi ngày Phật đản sinh về mồng Tám tháng Chạp… Cứ theo các cách tính để xác định ngày Phật đản sanh như đã nêu trên thì quả là có quá nhiều bất cập.

Giới nghiên cứu khi bắt tay vào công việc xác định ngày Phật đản sanh thường đụng phải những thuyết khác nhau về ngày Phật đản trong kinh tạng Phật giáo Nam tông (mồng 8/2, mồng 8/3, 15/3, mồng 8/4) và ba mốc thời gian (ngày, tháng, năm) cũng đều sai khác. Ngày sai khác: ngày 8 và ngày 15 (Âl). Tháng sai khác: tháng hai, tháng ba, tháng tư. Năm thì có đến 32 thuyết nói về năm sinh của Đức Phật. Tuy nhiên chỉ có 16 thuyết là được nhiều người để tâm đến, trong đó có một thuyết được giới nghiên cứu đưa ra vào năm 1956 được nhiều người đồng tình chấp nhận. Trong các thuyết trên, cách đây trên một thế kỷ, ở Trung Hoa có ba thuyết được đem ra bàn cãi nhiều nhất.Một là thuyết Giáp Dần, đây là thuyết cổ sử rất thịnh hành và được lưu truyền rộng rãi thời bấy giờ. Trong bộ Phật Tổ Thống Kỷ đã tập hợp sáu bộ kinh sử như Chu Thu Dị Ký, Pháp Bản Nội Truyện, Ngụy Thư, Nam Nhạc, Phụ Hành, Pháp Lâm đều nói Phật giáng sinh vào năm Giáp Dần. Thuyết này cho rằng, Đức Phật Thích Ca giáng sinh nhằm đời nhà Chu Cơ, vua Chiêu Văn Vương năm thứ 26 là năm Giáp Dần (theo lối tính 60 năm hoa giáp của Trung Hoa). Cuối cùng theo thuyết này thì năm đức Phật đản sanh, nếu tính đến năm 2010 này là 3057 năm (?). Hai là thuyết của ngài Pháp Châu: Thuyết này cho rằng, đức Phật giáng sinh trước Chúa Giêsu 563 năm. Như vậy lại là năm Mậu Tuất.Tính đến năm 2010 này là 2573 năm.Ba là thuyết của cụ Phí Trường Phòng đời nhà Tùy. Thuyết này đã đem các kinh Thụy Ứng, Phả Diệu, Phật Bản Hạnh v.v… so sánh với sử ký của nước Lỗ thời Xuân Thu liền khẳng định, Đức Phật giáng sinh vào thời Trang Vương thứ 16, nhà Chu năm thứ 10, đương thời Trang Công nước Lỗ năm thứ 7. Thuyết này còn gọi là thuyết lưỡng Trang, thuyết này cho rằng Đức Phật giáng sinh vào năm Bính Thân, cách năm Bính Thân của thuyết Điểm Ký là 120 năm.

Về niên đại giáng sinh của Đức Phật, nếu chắt lọc thêm một lần nữa, thật ra chỉ có một vài cách tính được xem là có cơ sở đáng tin cậy và được sự đồng thuận nhiều hơn cả.

1. Đối với vấn đề xác định niên đại Đức Phật đản sanh, đa số sử gia châu Âu đều cho rằng Đức Phật giáng sinh vào năm 563 trước công nguyên, đây là niên đại được xác lập sớm nhất. Cách tính này căn cứ vào các niên đại ra đời của các vị vua Ấn Độ bởi các sử gia Hy Lạp. Nguyên vào năm 327 trước công nguyên, Alexandre Đại Đế đem quân xâm lược Ấn Độ , từ đó tạo ra mối quan hệ Hy Lạp – Ấn Độ. Đến năm 303 trước công nguyên, Hoàng đế Ấn Độ lúc đó là Candragupta thuộc vương triều Khổng Tước (Moriya) đã đạt được một thỏa hiệp về biên giới lãnh thổ với vị cựu đại tướng Seleukos Nikator lúc đó đang cai trị thành Babylonia. Qua các bản báo cáo của sứ thần Hy Lạp là Megasthenes (khi vị này được bổ nhiệm đến thủ đô Pàtaliputta) thì chúng ta mới biết được vua Candragupta lên ngôi vào năm 321 trước công nguyên, qua đó đồng thời cũng theo sách sử ký của Tích Lan như Đảo Sử (Dìpavamsa) và Đại Sử (Mahavamsa) thì vua Candragupta trị vì đất nước Ấn Độ được 24 năm (297 trước CN). Vua Candragupta ngày càng được các sử gia Hy Lạp biết đến nhiều hơn qua cái tên Hy Lạp là Sandrokottos. Sau khi vua Candragupta qua đời, hoàng nam kế vị là Tần Đầu Sa La (Bindusàra) tiếp tục trị vì Ấn Độ 28 năm rồi qua đời (269 trước CN). Trong thời gian Tần Bà Sa La qua đời, trong thời gian này, triều đình diễn ra cảnh tương tàn tương sát để tranh dành ngôi vị rất khốc liệt, cuối cùng A Dục (Asoka) đã tiêu diệt tất cả hoàng gia huynh đệ, trở thành người chiến thắng, nhưng mãi đến bốn năm sau A Dục mới lên ngôi. Lúc đó là vào năm 265 trước công nguyên. Kể từ đây việc xác định niên đại đản sanh của đức Phật sáng tỏ hơn, nhưng vẫn còn gặp trở ngại bởi hai cách nghĩ, do đó cho ra đời hai kết quả sai khác nhau.

Một là theo sử sách của Tích Lan đều xác định vua A Dục lên ngôi sau khi Đức Phật nhập niết bàn là 283 năm. Như vậy cộng thêm với 80 năm tuổi đức Phật trụ thế, thì năm đản sanh của Đức Phật sẽ được tính như sau: 265 + 283 + 80 = 628 năm trước CN.

Trong khi đó, trong hai cuốn sử ký Đảo Sử (Dìpavamsa) và Đại Sử (Mahavamsa) cũng của Tích Lan thì lại cho rằng, vua A Dục lên ngôi sau khi Phật nhập niết bàn là 218 năm. Như vậy cộng thêm với 80 năm tuổi trụ thế của Đức Phật nữa, thì năm đản sanh của Đức Phật sẽ được tính như sau: 265 + 218 + 80 = 563 năm trước CN.

2. Cách tính thứ hai căn cứ vào sinh hoạt mang tính truyền thống của chư Tăng. Theo lịch sử Phật giáo Trung Hoa ghi chép thì vào đời Lương, có nhà nghiên cứu Phật học tên là Triệu Bá Hưu ở núi Lô, gặp vị sa môn pháp danh Hoành Độ trao cho tập tài liệu có tên Chúng Thánh Điểm Ký, trong đó có ghi chép như sau: “Sau khi Phật diệt độ, ngài Ưu Ba Li đã kết tập luật tạng (trong một khóa hạ) đến ngày tự tứ rằm tháng bảy thì giải hạ. Khi kết thúc mùa hạ thì đánh dấu một điểm vào đó.Qua năm sau cũng vậy, mỗi năm đều đánh dấu vào đó một điểm truyền nhau qua các đời không gián đoạn. Đến đời ngài luật sư Tăng Già Bạt Đà La, ngài đã đem bộ luật Thiện Kiến sang Trung Hoa phiên dịch ở Quảng Châu nhằm đời nhà Tề niên hiệu Vĩnh Ninh thứ 7 năm Canh Ngọ và ngày tự tứ rằm tháng bảy. Năm đó ngài Tăng Già Bạt Đà La cũng tiếp tục chấm một điểm vào đó”. Theo đó cứ sau mỗi mùa an cư thì chư Tăng chấm một điểm vào trong luật tạng. Đây là truyền thống lâu đời trong sinh hoạt của Tăng đoàn, có từ thời Đức Phật bắt đầu cho chư Tăng an cư kiết giới vào mùa hạ hằng năm. Vào năm 1956, Đại hội Phật giáo Thế giới được tổ chức tại Tích Lan, đã được các vị trưởng lão đại diện Phật giáo các nước công bố là đã đếm được 2500 chấm trong luật tạng. Như vậy vào thời điểm năm 1956, chúng ta lấy con số 2500 trừ cho 1956 ta sẽ được con số 544. Từ sự công bố của Đại hội Phật giáo Thế giới, thì năm 544 trước công nguyên được Phật giáo Tích Lan và các nước lân cận xác nhận là năm Đức Phật nhập niết bàn. Nếu muốn xác định năm Đức Phật đản sanh thì lấy năm Đức Phật nhập niết bàn cộng thêm với 80 năm Đức Phật trụ thế.Năm Đức Phật đản sinh sẽ là 544 + 80 = 624.Như vậy đức Phật đản sinh vào năm 624 trước CN. Trên thực tế thì cách tính này được Phật giáo thế giới thống nhất áp dụng vì cho rằng an cư kiết hạ là truyền thống tu học của Phật giáo và truyền thống này chưa từng bị gián đoạn. Phật giáo Việt Nam chúng ta cũng thực hiện theo cách tính này. Vì Phật lịch được tính theo cách lấy ngày Phật nhập Niết bàn (544 trước CN) cộng với Tây lịch hiện hành, cho nên muốn ngày đản sanh của đức Phật thì chúng ta bắt buộc phải cộng thêm 80 năm trụ thế của Đức Phật. Chẳng hạn vào năm 2010 Tây lịch này, thì Phật lịch sẽ là 2554. Theo cách nghĩ truyền thống lâu nay thì lấy Phật lịch 2554 trừ cho Tây lịch 2010, chúng ta sẽ thấy xuất hiện con số mặc định là 544. Năm 544 trước CN là năm Đức Phật nhập Niết bàn. Tuy nhiên nếu muốn biết thật chính xác, đến nay Đức Phật đã bao nhiêu tuổi, hay nói khác hơn Ngài đã cách xa chúng ta bao nhiêu năm, thì chúng ta cần phải làm thêm phép tính: 2554 + 80 = 2634, tức đến năm 2010 này, Đức Phật đã xa cách chúng ta đúng 2634 năm rồi.

3. Ba là cách tính căn cứ theo kinh điển Phật giáo Nam tông, căn cứ vào sử Dipavamsa của Phật giáo Nam tông thì Đức Phật giáng sinh vào năm 563-483 trước Tây lịch. Tuy nhiên Phật giáo Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện (Myanmar), Thái Lan thì lại lấy năm Đức Phật nhập Niết bàn làm ngày kỷ niệm Đức Phật đản sanh, tức là năm 544 trước Tây lịch. Về sau này, năm 1952, Đại hội Phật giáo Thế giới đã quyết định lấy năm Phật nhập Niết bàn làm năm kỷ niệm Phật lịch thống nhất của Phật giáo. Vào năm này, Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức đại lễ Phật đản lần thứ 2500 năm, tức là Đức Phật ra đời vào năm 624 trước công nguyên (544 + 80 = 624).  

Trong thư tịch Phật giáo về niên đại Phật đản sanh có rất nhiều giả thuyết như: Thánh chúng điển ký ghi Phật đản sinh 565 trước CN; Bia ký Phật ở Myanmar ghi 561 trước CN; Luật Thiện Kiến ghi 559 trước CN; Bia ký Bồ Đề Đạo Tràng ghi 623 trước CN; Phật sử Tích Lan ghi 624 trước CN; Phật sử Tây Tạng ghi 626 trước CN; khảo cổ phương Tây ghi 563 trước CN… Ngoài các học thuyết và các tính niên đại đản sanh của Đức Phật như đã nêu, chúng tôi còn tìm thấy một số tác phẩm của các học giả có uy tín, như cuốn “2500 years of Buddhism” (2500 năm Phật giáo) của C.V Joshi khẳng định Đức Phật đản sanh vào năm 623 trước CN. Hay trong tác phẩm “The discovery of India” (Phát hiện Ấn Độ) của Pandit Nehru, đưa ra nhận định Đức Phật đản sanh vào năm 624 trước CN… Dù có rất nhiều kết quả khác nhau về niên đại đản sanh của Đức Phật, nhưng hiện nay Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo các nước, đều đồng thuận với quyết định của tổ chức Phật giáo thế giới, thống nhất niên đại của Đức Phật theo cách tính của người Tích Lan. Niên đại của Đức Phật là từ 624 – 544 trước công nguyên.

Nói về việc xác định ngày Phật đản, thì đây là một điều vừa khó khăn nhưng cũng vừa thú vị. Trong một tài liệu chuyên môn về việc này cho rằng, muốn xác định được ngày đại lễ này, trước hết phải tìm những điều ghi trong kinh sách của Nam tông và Bắc tông nói về lịch sử Đức Phật. Sau đó đem đọ với hai thứ lịch Ấn Độ và Trung Hoa, tra cứu tận cùng mới có thể đạt được yêu cầu như mong muốn. Lịch Ấn Độ ngày xưa thì có 4 thứ: lịch Sóc Vọng, lịch Mặt Trời, lịch Địa Cầu, lịch Ngôi Sao. Trung Hoa cũng có 4 thứ lịch: lịch nhà Hạ (chính kiến Dần), lịch nhà Thương hay nhà Ân (chính kiến Sửu), lịch nhà Chu (chính kiến Tý) lịch nhà Tần (chính kiến Hợi). Bốn thứ lịch này đều là Âm lịch. Lịch nhà Hạ vẫn hiện hành từ xưa đến nay, có thể gọi là Âm + Dương lịch, vì nội dung đối chiếu được cả các ngày tháng về Dương lịch. Nay chúng ta chỉ cần dùng hai thứ lịch Sóc Vọng của Ấn Độ và Hạ lịch (hay còn gọi là nông lịch) của Trung Hoa mà xác định ngày Phật đản, vì hai thứ lịch này đều tính theo độ số chu toàn của sao Thái Âm xoay quanh trái đất mà làm lịch. Mỗi Nguyệt chu là 19 năm, cũng mỗi năm 12 tháng, có tháng đủ, tháng thiếu, và tháng nhuận bù trừ cho nhau, mặt dù ngày tháng sắp đặt có chênh lệch mỗi năm đều khác nhau.

Mỗi tháng của lịch Ấn Độ đều muộn hơn lịch Trung Hoa một tháng rưỡi.Và ngày trăng tròn của lịch Ấn Độ thì đặt vào ngày cuối cùng của mỗi tháng chứ không phải giữa tháng như lịch Trung Hoa.Như thế Ngày Trăng Tròn của lịch Ấn Độ tức là Ngày Rằm của lịch Trung Hoa vậy.Chỉ có một điều khác nhau giữa hai lịch nhưng không ảnh hưởng sai trái các ngày trăng tròn. Điều này còn có nghĩa là lịch Trung Hoa một năm chia thành 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; lấy 12 địa chi Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi đặt tên cho 12 tháng. Còn lịch Ấn Độ một năm chi làm 3 mùa: Xuân, Hạ, Đông (mỗi mùa 4 tháng) ở Ấn không có mùa Thu; lấy 12 ngôi sao đặt tên cho 12 tháng. Xin xem biểu đồ so sánh giữa 2 thứ lịch nêu trên với Dương lịch Gơ Rê Goa.

Ngày 30 mỗi tháng của lịch Ấn Độ gọi là ngày Bạch nguyệt tận nhật hay Nguyệt mãn tân nhật, nghĩa là ngày cuối cùng đầy tháng hay cuối cùng trăng tròn. Nghiên cứu kỹ thì thấy Phật giáng sanh vào ngày 30 tháng Hai – Vaisakha, tháng Sao Cơ lịch Ấn Độ, nhằm đúng ngày rằm tháng Tư lịch nhà Hạ Trung Hoa. Theo lịch quốc tế hiện nay đương sử dụng, thì Âm lịch là Đinh Tỵ, Dương lịch là năm 544 trước CN.

Nguyên nhân sai lệch ngày Phật đản chính là do ba điểm như sau: 1/ Vì sự phức tạp về những tháng của lịch Ấn Độ. 2/ Vì ảnh hưởng văn hóa (chấp trước) của dân tộc Hán. 3/ Vì tình trạng bị động của những vị dịch kinh.

Về điểm thứ nhất: Lịch Ấn Độ chia mỗi tháng làm hai phần là Hắc nguyệt và Bạch nguyệt (lịch Ấn Độ thì Hắc nguyệt trước mà Bạch nguyệt sau, thế mới ăn khớp với lịch Trung Hoa và đúng với hiện tượng thiên nhiên). Hắc nguyệt: từ mồng 1 đến 15, những ngày trong nửa tháng đầu này, về các ban đêm mặt trăng tròn sáng dần dần đến càng bị khuyết, đêm cuối cùng của Hắc nguyệt không còn thấy trăng. Ghép vào lịch Trung Hoa thì là từ ngày 16 đến ngày nguyệt tận (ngày hối). Bạch nguyệt: từ ngày 16 đến ngày hết tháng, những ngày trong nửa cuối tháng này, trái lại từ đêm không có trăng đến bắt đầu trăng lưỡi liềm kế đến bán nguyệt (trăng huyền) đêm cuối cùng của bạch nguyệt thì trăng tròn sáng (ngàyvọng), ghép vào lịch Trung Hoa thì từ mồng một đến ngày rằm của nửa tháng sau.

Lịch Ấn Độ lại chia Hắc nguyệt và Bạch nguyệt làm hai đoạn ngắn nữa, gọi là Hắc bán và Bạch bán; Hắc bán từ ngày 1 đến ngày 8; Bạch bán từ ngày 16 đến ngày 23 (mồng 8 và ngày 23 hai ngày huyền). Ngày 8 gọi là ngày Hắc bán tận nhật, ngày 15 gọi là Hắc nguyệt tận nhật, ngày 23 gọi là Bạch bán tận nhật, ngày hết tháng gọi là Bạch nguyệt tận nhật hay Nguyệt mãn tận nhật, như vậy 4 ngày cuối cùng của mỗi phần trong mỗi tháng đều gọi là tận nhật. Có khi gọi gồm 2 ngày của Hắc nguyệt là Hắc tận nhật, 2 ngày của Bạch nguyệt là Bạch tận nhật. Vì thế mà điều này một phần dễ làm xáo trộn ngày đản sanh của đức Phật.

 Về điểm thứ nhì: Quan điểm của Hán tộc rất coi trọng ngày mồng 8 của mỗi tháng, đã xưng hô, ca tụng và suy tôn ngày 8 bằng những lời nhất định tốt đẹp, như cát nhật, lương nhật, thượng nhật, phúc sinh nhật, cốc nhật… phàm làm việc gì thì phải chọn ngày mồng 8 là quý báu hơn hết.

Về điểm thứ ba: Đạo Phật truyền đến Trung Hoa, buổi ban sơ gặp ngay triều đại nhà Hán. Dân tộc Đại Hán chiếm ưu thế lớn, vua Hán tiếp đón các vị sứ giả cao Tăng tiêu biểu của đạo Phật từ Ấn Độ sang chủ ý là lo việc dịch kinh. Vị dịch kinh lúc đầu này chỉ cốt truyền bá giáo lý Phật pháp buổi sơ khai, nên phải lựa cơ duyên để cho việc dịch kinh được trôi chảy, liền lấy ngày tận nhật bạch nguyệt nhập vào với ngày tận nhật bạch bán, tức là đưa ngày tận nhật sau hợp với ngày tận nhật trước, theo ngày mồng 8 là chính, ghi vào kinh văn: “Đức Phật Thích Ca giáng sinh vào ngày mồng 8 âm lịch Trung Hoa”. Bộ kinh đầu đã lưu hành rộng khắp, tất nhiên trong đó đã xác nhận “Đức Phật Thích Ca giáng sinh vào ngày mồng 8 âm lịch Trung Hoa”, các bộ kinh phiên dịch sau cứ y theo bộ kinh đầu mà lưu hành. Về lịch sử đức Phật, đầu tiên là nói trong kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi, thời Hán – Ngô Chi Khiêm dịch, kinh Tu Hành Bản Khởi. Trúc Đại Lực và Khang Mạnh Tường cùng dịch…

Tóm lại, để xác định ngày Phật đản sanh, chúng ta có thể nương theo bốn cơ sở dẫn chứng sau đây: 1/ Bộ Tây Vực ký (Bắc tông) nói là Phật đản sanh vào ngày 15 âm lịch. Đến thuyết Đâu suất giáng thần cũng nói nhằm vào ngày 15 (trăng tròn). 2/ Tạp chí Hiện Đại Phật Học của Hội Phật Học Trung Hoa khẳng định: Nói Đức Phật đản sanh vào ngày mồng 8 tháng 4 là bị ảnh hưởng tư tưởng của Hán tộc. 3/ Bộ sách nhan đề Đạo Phật của Phật giáo Liên Xô cũ (Mật tông) nói rõ: “Phật đản Pu-rơ-ni-ma ngày trăng tròn của tháng Vaisakha”. 4/ Trong kinh tạng Nam tông chỉ nói duy nhất một điều là: “Đức Phật đản sanh vào ngày trăng tròn”. Qua bốn luận chứng này, chúng ta có thể kết luận là Đức Phật chỉ có thể đản sanh vào ngày rằm tháng Tư âm lịch nhà Hạ. Lịch này vẫn đang lưu hành ở nước ta cũng như một số nước trong vùng Đông Nam Á. Một điều làm tăng thêm tính khẳng định khi chúng ta xác nhận ngày Phật đản sanh là ngày Rằm tháng Tư âm lịch nữa, đó là tất cả những ngày mồng 8 âm lịch không bao giờ rơi vào ngày trăng tròn cả…

Hiện nay các nước Tích Lan, Ấn Độ, Miến Điện, Lào, Campuchia đều chọn ngày Rằm trăng tròn tháng Vésakha, tức là ngày Rằm tháng Tư làm ngày kỷ niệm đức Phật đản sanh. Điều đáng ghi nhận ở đây là hầu hết các sử liệu gồm kinh điển Bắc tông, Nam tông, kể cả bia ký của vua A Dục cũng đều xác nhận đức Phật là một nhân vật lịch sử chứ không phải là một nhân vật thuyết thần thoại. Ở Việt Nam, lễ Phật đản được áp dụng thống nhất theo Phật lịch thế giới vào năm Mậu Tuất 2501, nhằm ngày thứ Bảy 26/5/1958 theo quyết định của Tổng hội Phật giáo Việt Nam họp vào tháng 9 năm 1957.

Dù sao thì chúng ta cũng không nên quá đặt nặng đến sự chính xác của các sự kiện lịch sử, bởi chúng ta đã tốn nhiều thời gian cho công việc này mà vẫn không mang lại một kết quả như ý. Chúng tôi cho rằng, chúng ta nên tôn trọng sự thống nhất các ngày đại lễ của Phật giáo từ phía Hội Phật giáo Thế giới hay Ủy Ban đặc trách về Phật giáo của Liên Hiệp Quốc. Điều mà chúng tôi cho là cần thiết là nên làm cho tư tưởng giác ngộ giải thoát và tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật đi sâu vào đời sống nhân loại trong những ngày đại lễ của Phật giáo diễn ra, hơn là cứ bàn cãi về ngày tháng năm sinh của đức Phật, bởi đến lúc này, nó không cần thiết bằng những điều đạo đức hay phương pháp tu hành mang lại kết quả thiết thực trong cuộc sống. 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 41
    • Số lượt truy cập : 7054434