Tư liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam

PHẬT GIÁO VÀ NHỮNG DÒNG SUY TƯ

 

 

THAY LỜI GIỚI THIỆU

 

“Phật giáo và những dòng suy tư” của TT-TS Thích Đồng Bổn hay nói đúng hơn là những dòng suy tư của một tu sĩ Phật giáo. Và những dòng suy tư này được TT-TS Thích Đồng Bổn thể hiện qua các thể loại: điếu văn, chúc văn, tùy bút, thơ, nghiên cứu… Với tôi, không có đạo nào xấu, bởi nếu xấu thì không thể tồn tại với thời gian. Đạo pháp không phân biệt chính tà, chỉ cần giữ vững bản tâm, bảo vệ cho linh đài trong sáng, không phạm tới lương tâm, thì tà cũng là chính, ngược lại thì chính cũng thành tà. Người xưa từng nói: Đọc vạn quyển sách, đặt bút như thần. Tôi không tin những gì được TT-TS Thích Đồng Bổn viết trong “Phật giáo và những dòng suy tư” là “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”, dẫu tôi biết thầy thích đọc, thích viết và nhiều lần gặp thầy ở nhiều hội thảo. Nhưng nhân sinh thường không như ý, mười được tám chín, thậm chí năm sáu là tốt lắm rồi. Rất nhiều sự tình không thể làm được như ý muốn bản thân. Nếu tất cả đều như ý muốn của con người thì chưa chắc đã hay, bởi trăng có khi tròn khi khuyết, trời phải có lúc nắng lúc mưa, như vậy mới hợp đạo tự nhiên, còn ngược lại chưa hẳn có thế gian này.

Khi đọc bản thảo “Phật giáo và những dòng suy tư”, tôi thú vị với những suy nghĩ của giới trí thức theo đạo Phật thời hậu phong trào chấn hưng Phật giáo đã “chọn cách đứng giữa giáo quyền của tăng đoàn và thế quyền của xã hội”, và họ đã làm được thông qua các hội Phật học. TT-TS Thích Đồng Bổn ủng hộ cách nghĩ, cách làm này. Qua hội thảo “Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền với Hội Phật học Nam Việt”, TT-TS Thích Đồng Bổn đề xuất: “Bài học từ Cư sĩ Chánh Trí, là bài học đem lại hiệu quả vô cùng và áp dụng thức thời cho hiện trạng tu học hiện nay của giáo hội và hàng Phật tử. Vậy thì cái gì tăng đoàn quản lý được, nhất là về mặt giáo dục đạo đức, thì quý vị hãy quản lý cho đúng chức năng. Cái gì tăng đoàn liệu không quản lý được về nhận thức, thì các vị cũng nên chuyển giao cho tầng lớp cư sĩ trí thức, để họ đóng góp theo chức năng tài trí của họ. Thực tế hiện nay, nhiều vị từ tăng đoàn hiện vẫn cho mình có học thức uyên thâm và tài trí hơn người, nhưng thật ra đối với tăng lữ, đức độ mới là điều làm cho hàng cư sĩ mến mộ noi theo, chứ còn tài trí học thức thì không phải là điều mà giới tăng lữ có thể cho mình giỏi hơn giới cư sĩ được, bởi các vị đâu thân cận, gần gũi thế gian và học tập, nghiên cứu rộng như giới cư sĩ”.

Đề xuất này, theo tôi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên suy nghĩ để giới cư sĩ có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho đạo pháp. Đã nói tới hồng trần thì không thể không nói tới sắc (chỉ cái đẹp, có thể dao động nội tâm của con người), thực (thức ăn ngon, làm mọi tâm linh đều rung động), khí (loại tâm tư, ghen ghét, phẫn nộ, đắc thắng…), tài, tình (là tình thương làm cho con người cam tâm đứt ruột vẫn nguyện ý; là tình cảm làm cho người ta nóng ruột nóng gan), oán (là oán khi dẫu lấy hết nước bốn biển vẫn không tẩy rửa được)… Những chuyện “rất đời” ấy chỉ có giới cư sĩ mới đủ điều kiện cảm ngộ hơn giới tăng sĩ. Sống ở đời, dường như ai cũng biết, ai cũng nói được rằng thời gian như nước chảy không lưu lại dấu vết, không có gì có thể ngăn cản được uy lực của nó. Anh hùng rồi cũng phải bạc đầu, hồng nhan cũng đến lúc hóa thành xương trắng, không ai thoát khỏi, nhưng để hiểu sâu nó thông qua cuộc sống, chắc chắn giới tu sĩ không thấu hiểu mấy, dẫu đó là những tu sĩ thuộc hệ phái Cổ sơn môn.

Cao tăng thạc đức cũng chỉ như bài điếu văn viếng Hòa thượng Đồng Huệ do TT-TS Thích Đồng Bổn thay mặt chư tăng trường Hạ chùa Xá Lợi cung soạn:

… “Nơi Hạ trường,

Sớm tối hai thời, thỉnh chuông trên chánh điện,

Quả đường ba bữa, chẳng hề thiếu bóng cao niên.

Tuổi thầy già, nhưng bao dự định cho mình, cho đời

còn trẻ mãi,

Bệnh thầy nhiều, nhưng thân tứ đại vẫn dáng ung dung!

Thế mà,

ao ước nguyện đã chẳng thành hiện thực, khi nhắm mắt,

Mọi lo toan đều tổng lại thành không, lúc xuôi tay!”… 

Theo thuyết nhà Phật, tất cả mọi việc trên thế gian này dù là kẻ quyền uy đến tột bậc cuối cùng đều là “không như”, tức là trở về chân ngã, không nhiễm bụi trần. Alexander đại đế thì sao? Napoléon thì sao? Thành Cát Tư Hãn thì sao?, Trần Nhân Tông thì sao?, v.v… Họ vẫn phải tiêu tan về với không như, bởi vì tất cả các pháp hữu vi, giống như chiêm bao, ảo thuật, giống như bọt nước, như khói như sương… Nhưng khi còn hít thở không khí ở trần gian này, không mấy ai không chạy theo, chí ít là ngóng theo những bọt nước, những khói sương đầy mê hoặc đó.

Hiểu ra phần nào đạo lý ấy, TT-TS Thích Đồng Bổn tự khuyên mình và cũng khuyên người:

… “Hãy dừng trốn chạy khỏi chính ta,

Dừng tìm chân lý chốn đường tà.

Dừng ôm ảo tưởng tôi luôn đúng,

Dừng ước hào quang cõi Ta Bà”

(Dừng lại)

Khi làm thơ, TT-TS Thích Đồng Bổn lấy bút danh: Chiêu Đề Tăng. Vâng, chỉ có “Tăng” mới có suy nghĩ như vậy, chứ người thế tục khó lắm, bởi ăn uống, tính dục là bản tính con người (thực sắc dã tính). Xã hội phát triển, thì không thiếu người tìm một tín ngưỡng mới, đó là tiền! Với họ, có tiền là có tất cả, đồng tiền là vạn năng. Vì vậy, lắm người vì tiền tài mà hiến dâng cả đời mình, đến khi nhắm mắt xuôi tay mới phát hiện tiền tài không phải vạn năng. Nhưng chỉ cần còn sống, sẽ không ai không muốn có thật nhiều tiền. Đó là sự oái ăm của cuộc đời. Chỉ cần cho họ đủ lợi ích, thì dù có giết cha, giết mẹ họ, họ sẽ vừa thù hận vừa hợp tác với kẻ thù. Nếu có cơ hội, họ sẽ trả thù, không có cơ hội thì họ sẽ vui vẻ hợp tác.

Thực tế cuộc sống là vậy. Có nhiều khi chỉ cần một chút niềm tin, cũng đủ để con người bám víu ra sức chống chọi suốt cuộc đời. Trong lòng không đủ kiên trì, không có khát vọng thì không thể làm được việc gì nên hình nên dáng. Chuyện do người làm, trên đời này không có chuyện gì là không có khả năng. Vì thế, qua bài điếu văn trên, tôi có lòng khâm phục những bậc chân tu.

Một đời tu hành, nhất là khi đã đi qua một vòng hoa giáp, Chiêu Đề Tăng khuyên mình, khuyên người:

… “Buông thân đắm đuối, bao trần tục,

Buông khẩu lắm điều, khổ thế nhân.

Buông ý tham cầu, mưu với kế,

Buông tủi-nhục-vinh, giữa bụi trần”…

(Buông xả)

Trên tinh thần giáo lý nhà Phật, sự buông xả là ngoài không sở cầu, trong không sở đắc. Buông là không bám chấp vào sự bên ngoài, xả là ý niệm tâm tư bên trong. Do vậy, buông xả là đưa tâm về với yên nguyên thanh tịnh, không có gì khiến ta buồn, cũng không điều gì khiến ta vui. Tôi tin điều ấy, bởi tồn tại tức là hợp lý! Sức người có hạn, chuyện không giải thích được trên đời này nhiều không đếm hết. Nhưng nếu như một người hoàn toàn vô dục vô cầu, cái gì cũng không muốn, cái gì cũng không cần, thì cuộc sống còn bao nhiêu ý nghĩa đây?

Với tôi, người sống trên đời phải có ước mơ mới có hy vọng. Nếu ngay cả nghĩ cũng không dám, vậy còn sống cũng là tầm thường, sống tạm cho qua ngày. Đức Phật có dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Trên đời không có kẻ cứu thế, hết thảy phải dựa vào bản thân mình. Mỗi người đều có lựa chọn của bản thân, đều có cuộc sống của riêng mình, đều nhận lấy kết quả cho quyết định mà mình chọn. Có khi là sung sướng, có khi là đau khổ, nhưng đây là đời người, cho dù thất bại cũng không uổng một đời này bởi mình đã là hết sức mình. Cuối đời, nếu ngộ ra đó là khói sương, là bọt nước thì cũng đã xong một đời và cũng… thú vị, bởi nếu ai ai cũng “Sớm tối hai thời, thỉnh chuông trên chánh điện”, thì cuộc sống sẽ đi về đâu? Vì thế, tôi càng đồng thuận với suy nghĩ của TT-TS Thích Đồng Bổn: “đối với tăng lữ, đức độ mới là điều làm cho hàng cư sĩ mến mộ noi theo”.

Cập kề đẳng tuổi “tri thiên mệnh”, tôi thấy trong cuộc sống, nhiều khi cũng cần phải buông xả bớt, nếu không thì gánh khổ ngày càng nặng. Đau thì cầu thầy cầu thuốc, chứ khổ thì chỉ có cầu mình, nên lắm lúc phải biết “Buông tủi-nhục-vinh, giữa bụi trần”. Khó chăng? Chuyện do người làm, chỉ cần kiên nhẫn, ắt có gặt hái. Cần phải tỉnh táo tự hỏi lòng mình thời gian qua đã làm được những gì? Nếu chỉ biết đắm chìm trong hối tiếc quá khứ, hết thảy đều đổ cho chuyện cơ duyên bị người khác giành được, thì chỉ có nhận lấy cái khổ.

Chẳng lẽ không có cơ duyên ấy thì không thể có cơ duyên nào khác? Con đường tương lai nào có bằng phẳng và luôn được trải hoa? Phải luôn nỗ lực chứ không nên than thở, tiếc nuối, phải buông xả những gì không vui đã qua, nhưng không buông cơ duyên phía trước. Nản lòng thoái chí, gỗ mục cũng không thể bẻ gãy. Kiên nhẫn không buông, vàng đá cũng có thể hao mòn. Buông bỏ ngoài tai những lời thị phi. Rừng rậm bao la, loài chim gì cũng có, nên đừng để trong lòng tại sao người này bỏ việc nhà đi làm công quả, người kia cúng dường nhiều tiền như thế, người nọ hé miệng cười phì… Xưa nay, hư danh và ỷ lại hại chết không biết bao nhiêu người. Thế gian được mất tùy duyên số, vạn vật tự nhiên khó cưỡng cầu. Thiên địa tự nhiên, vạn vật đều có quy luật, cần gì phải vất vả suy nghĩ, lãng phí công sức…

Một số suy nghĩ được viết ra ở đây là tôi cảm nhận được từ bản thảo “Phật giáo và những dòng suy tư” của TT-TS Thích Đồng Bổn. Với tôi, người có chia tốt xấu, nhưng tri thức thì không. Do đó, tri thức cần phải truyền lại cho đời sau. Tôi nghĩ, “Phật giáo và những dòng suy tư” của TT-TS Thích Đồng Bổn, cơ bản đã làm được điều ấy. 

VU GIA

 


PHẬT GIÁO VÀ NHỮNG DÒNG SUY TƯ (File PDF - 2,3 MB)

Tin sinh hoạt phật sự

Video bài giảng

Pháp âm

  • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
  • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
  • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
Pháp âm khác >>

Thống kê truy cập

  • Online: 279
  • Số lượt truy cập : 6948643