Tu

Ưu Bà Tắc Giới Kinh - Giới thiệu

ƯU BÀ TẮC GIỚI KINH

(Tại Gia Bồ Tát Giới Kinh)

優婆塞戒經

TAM TẠNG PHÁP SƯ ĐÀM VÔ SẤM dịch Phạn- Hán

THÍCH TỊNH NGHIÊM dịch Hán-Việt

 

GIỚI THIỆU KINH ƯU BÀ TẮC GIỚI

Trong lịch sử truyền giáo của Ấn Độ và Trung Hoa, vai trò của người cư sĩ luôn luôn ở địa vị thứ yếu. Tương truyển, sự hưng khởi của Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ, là do sự bất mãn của cư sĩ tại gia đối với nếp sinh hoạt bảo thủ của Tăng đoàn Thanh văn thời bấy giờ. Như chúng ta thấy, trong nhiều kinh điển Đại thừa vào thời sơ kỳ, các nhân vật chính đều là cư sĩ tại gia, như kinh Duy Ma Cật, kinh Thắng Man, v.v... Điều này chứng tỏ có sự quật khởi của hàng cư sĩ tại gia trong lịch sử truyền bá của Đạo Phật.

Khi Đạo Phật truyền sang Trung Hoa, Phật giáo lại y cựu là Phật giáo của hàng ngũ xuất gia, còn vai trò của cư sĩ lại trở lui vào địa vị rất là thứ yếu. Hơn nữa, trong lịch sử hoằng truyền giới luật ở nước Tàu, giới luật của hàng cư sĩ rất ít có người quan tâm đến. Phật giáo nước Tàu tuy tự hào là Đại thừa, nhưng tinh thần Đại thừa không được phát huy đúng mức. Ngài Thái Hư Đại sư, một bậc cao tăng hiện đại của Trung Hoa, vào khoảng thập niên 1930, có đến thăm viếng các quốc gia Phật giáo Nam truyền, sau khi trở lại Đại lục, ngài đã than rằng: "Nước Tàu tuy mang danh là Đại thừa, nhưng tinh thần lại thực sự là Tiểu thừa; còn các nước Nam truyền, tuy mang danh là Tiểu thừa, nhưng tinh thần lại thực sự là Đại thừa." Tại sao nói như vậy? Bởi ngài thấy các nhà sư Trung Hoa, có một tinh thần gần như tiêu cực, không chịu tham gia vào các hoạt động phước lợi cho xã hội nhân quần, mà chỉ hầu như tránh né quần chúng, lo tu cho chóng, hầu mau mau ra khỏi sinh tử luân hồi, vãng sanh Tịnh độ. Không chỉ những người tu Tịnh độ có thái độ như thế, mà ngay cả các người tu Thiền hay các tông phái khác cũng đều như thế. Điều này là một sự lệch lạc trầm trọng của tinh thần Bồ tát đạo.

Trước đời Đường Vũ Tông, các trào lưu tư tưởng Đại thừa rất phổ cập trong nhân gian. Các đại tự viện do các cao tăng trụ trì thường tọa lạc trong các thành phố lớn, thành thử, Phật giáo vẫn còn giữ được mối liên hệ mật thiết với quần chúng. Khi Đường Vũ Tông phá diệt Phật giáo vào năm 845, hầu hết những tự viện tại các đô thị đều bị phá hủy, kinh điển bị thiêu đốt, tăng ni bị bắt hoàn tục. Nói chung, các tông phái đều bị thiệt hại nặng nề, trừ Thiền tông. Lý do là vì các tu viện Thiền tông phần lớn đều ở chốn thâm sơn cùng cốc, thành thử tránh được sự dòm ngó của triều đình. Do đó, từ đời Ngũ Đại về sau, nhất là trong đời Triệu Tống, sau khi có một vị hoàng đế ra sắc lệnh khuyến cáo các vị xuất gia nên ẩn trú tại sơn lâm tu hành, thì phần lớn các chùa chiền đều được xây cất nơi thâm sơn hẻo lánh. Trong các đô thị, chỉ còn lại những ngôi chùa của các thầy chuyên đi cúng đám (Tàu gọi là ứng phó tăng). Tinh thần xa lánh trần thế của người xuất gia trở thành một phong khí rất thịnh hành thời bấy giờ. Thịnh hành đến nỗi, những kẻ xuất gia trú ngụ nơi đô  thị đều bị châm biếm mỉa mai. Ngạn ngữ Tàu có câu:

Ninh tọa thâm sơn cơ ngạ tử,
Bất tác nhân gian ứng phó tăng.

Nghĩa là chẳng thà ngồi chịu chết trong núi sâu, chứ không chịu làm ông thầy cúng nơi chốn nhân gian. Hàm ý của hai câu trên rất phong phú, và có thể giải thích nhiều cách, thế nhưng, tựu trung, ý nghĩa chính vẫn là muốn nói rằng những người tu hành chân chánh phải là những kẻ xa lánh trần tục, và hơn nữa, nếu như chúng ta nhận xét kỹ, sẽ thấy rằng quan niệm tu hành thời bấy giờ đã lưu lộ những tư tưởng yếm thế tiêu cực của Tiểu thừa. Từ đó trở đi, sự quan hệ giữa người xuất gia và quần chúng càng ngày càng trở nên phai nhạt. Mọi người bắt đầu có cái nhìn lệch lạc về Phật giáo, cho rằng những người xuất gia là những kẻ bất hiếu, chán đời, vô trách nhiệm đối với xã hội; thậm chí, còn miệt thị những kẻ xuất gia là sâu mọt, là ký sinh trùng của xã hội. Những quan niệm lệch lạc về Phật giáo như vậy, vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Còn về phần những người xuất gia, vì quá tha thiết với tâm trạng mong cầu giải quyết vấn đề sinh tử đại sự, cho nên cũng ít có người quan tâm đến vấn hoằng dương Phật pháp, hoặc phát triển tinh thần chân thực của Đại thừa. Sự diễn giảng kinh điển trở thành khô cứng, hoặc chỉ chú trọng đến phần đàm huyền thuyết diệu, hoặc chỉ thuần là sự những giải thích danh tướng. Những bộ kinh được ưa chuộng nhất trong thời bấy giờ là Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật, v.v... Thế nhưng, các nhân vật tiêu biểu như Đồng tử Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm, Long Nữ trong kinh Pháp Hoa, Trưởng giả Duy Ma Cật trong kinh Duy Ma Cật, đều bị nâng cao đến chín tầng mây, đều trở thành các vị Bồ tát bất khả tư nghì, không còn quan hệ gì đến hiện thực nhân gian nữa. Những ước mơ, nguyện vọng, khắc khoải được gửi gắm trong những lời nghi vấn thiết tha nồng nhiệt của Đồng tử Thiện Tài: "Thế nào để tu Bồ tát hạnh, hành Bồ tát đạo", đã biến thành những cụm mây trắng bệch trôi lững lờ vào những nẽo hoang vu. Ý nghĩa của hai chữ Đại thừa thực sự đã biến thành rỗng tuếch.

Còn nếu bàn về phương diện giới luật của Bồ tát tại gia cũng như xuất gia, thì thịnh hành nhất là bộ kinh Bồ tát giới Phạm Võng. Thế nhưng, sự diễn giảng của bộ kinh này cũng bị kẹt vào những lỗi lầm vừa mới nêu trên. Nếu chúng ta có cơ hội đọc sách chú giải của những bậc cổ đức, sẽ thấy phần lớn đều chỉ là những sự huyền đàm về cảnh giới Lô Xá Na, còn phần giải thích các điều giới thì lại hoàn toàn là sự phân tích danh tướng một cách máy móc, y như trong các bộ luật của Tiểu thừa. Thực sự mà nói, các điều giới trong các bộ Luật chỉ là những công cụ cho người thọ giới dùng làm phương tiện trong cuộc hành trình thực thi Bồ tát đạo, mà tự chúng không phải là mục tiêu cứu cánh. Đến như giới luật của Bồ tát tại gia như bộ kinh Ưu Bà Tắc Giới, thì lại càng ít có người để ý đến. Bộ kinh này, tuy đã được ngài Đàm Vô Sấm dịch từ đời Lưu Tống (khoảng năm 420 AD), thế mà mãi đến cuối đời nhà Thanh (khoảng năm 1900 AD) vẫn không có một bộ chú giải nào cho bộ kinh này được ghi vào Đại tạng Trung Hoa. Điều này chứng tỏ bộ kinh này không được coi trọng trong lịch sử Phật giáo nước Tàu.

Theo truyền thống Phật giáo Trung Hoa, mọi người đều cho rằng bộ Bồ tát giới Phạm Võng có thể áp dụng chung cho hai hàng tại gia và xuất gia, kỳ thực, nếu xét cho kỹ vấn đề không phải hoàn toàn như vậy. Trước khi đi vào chi tiết của vấn đề này, chúng ta sẽ nói sơ lược về sự hoằng truyền của các bộ giới luật Bồ tát trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa. Nếu kiểm kê trong Đại tạng Phật giáo,  chúng ta sẽ thấy, giới luật Bồ tát có năm bộ chính:

(1) Phạm Võng Bồ Tát Giới, giảng về mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào đời Dao Tần (khoảng  năm 410AD). Bộ này áp dụng chung cho hai hàng Bồ tát tại gia và xuất gia.

(2) Bồ Tát Thiện Giới Kinh, giảng về tám giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, do ngài Cầu Na Bạt Ma dịch vào đời Lưu Tống. Bộ này chỉ áp dụng cho hàng Bồ tát xuất gia.

(3) Du Già Bồ Tát Giới, giảng về bốn giới trọng, bốn mươi ba giới khinh, do ngài Huyền Tráng dịch vào đời Đường. Bộ này áp dụng chung cho hai hàng Bồ tát tại gia và xuất gia.

(4) Địa Trì Bồ Tát Giới, giảng về bốn giới trọng, bốn mươi mốt giới khinh, do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào đời Lưu Tống. Bộ này áp dụng chung cho hai hàng Bồ tát tại gia và xuất gia.

Hai bộ (3) và (4) là hai bản dịch khác nhau của cùng một bản tiếng Phạn. Về phương diện văn chương, thì bản của ngài Huyền Tráng có phần đặc sắc, thế nhưng, về phương diện bình dị, dễ hiểu, thì bộ của ngài Đàm Vô Sấm có phần trội hơn.

(5) Ưu Bà Tắc Giới Kinh, giảng về sáu giới trọng, hai mươi tám giới khinh, cũng do ngài Đàm Vô Sấm dịch vào đời Lưu Tống. Bộ này chỉ áp dụng cho hàng Bồ tát tại gia.

Theo truyền thuyết, bộ Phạm Võng là bộ kinh cuối cùng mà ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch, và cũng theo truyền thuyết, thì sau khi phiên dịch bộ kinh này, ngài đã truyền thọ giới Bồ tát cho hơn ba trăm người tại Tiêu Dao Viên.  Nếu đúng như truyền thuyết đã nói, thì ngài La Thập là người đầu tiên hoằng truyền Đại thừa Bồ tát giới ở Trung Hoa, thế nhưng lại có người cho rằng ngài Đàm Vô Sấm mới đích thực là người đầu tiên Đại thừa giới luật ở Trung quốc. Công bình mà nói, nếu ngài Đàm Vô Sấm không phải là người đầu tiên, thì ít ra ngài cũng là một đại công thần trong lịch sử hoằng truyền Đại thừa giới luật ở nước Tàu. Như chúng ta thấy, các bộ kinh Đại thừa mà ngài phiên dịch, nhất là bộ kinh Đại Bát Niết Bàn, đã có công lao trong việc thiết lập nền móng cho tư tưởng Đại thừa ở nước Tàu. Sau này, ngài Trí Khải Đại sư, tổ thứ ba của tông Thiên Thai, đã đưa bộ kinh này lên ngang hàng với bộ kinh Pháp Hoa là bộ kinh chủ yếu của tông Thiên Thai.

Trở lại vấn đề mà chúng ta muốn tìm hiểu là địa vị của kinh Ưu Bà Tắc giới. Như trên đã nói sơ qua, suốt hơn một ngàn năm, bộ kinh này không có một địa vị nào đáng kể trong các bộ kinh được chú giải ở Trung Quốc, mãi cho đến đầu thế kỷ hai mươi, vào đời Dân Quốc, mới có ngài Thái Hư Đại sư, một bậc cao tăng hiện đại, một người có nguyện vọng chấn hưng Phật giáo Đại thừa, thực sự hoằng dương. Phật giáo Trung Quốc thời bấy giờ có thể nói là đã hoàn toàn thoát ly với xã hội hiện thực. Tuy cũng có các bậc cao tăng như ngài Ấn Quang Đại sư, ngài Hoằng Nhất Đại sư, v.v... đang cực lực hoằng dương Phật pháp, thế nhưng những nỗ lực của các ngài cũng chỉ là những sự vá víu tạm thời, chứ không thể nào là sự chỉnh đốn toàn bộ cục diện của Phật giáo. Đến ngài Thái Hư Đại sư, vì muốn cứu vãn Phật giáo, bằng cách đưa Phật giáo trở lại nhân gian, không thể để cho quần chúng tiếp tục hiểu lầm là đạo Phật cũng giống như các ngoại đạo thờ thần thờ quỷ khác, ngài bèn chủ trươngNhân sinh Phật giáo, nghĩa là Phật giáo lấy nhân sinh làm căn bản, chứ không mơ mộng viễn vông trong những huyễn tưởng cao vời, xa lìa đời sống hiện thực của quần chúng.

Trong bài giảng về bộ kinh này, Thái Hư Đại sư tóm lược quan điểm của ngài, mà chúng ta có thể phân làm ba đoạn chính, như sau:

I. Sự quan hệ giữa Phật giáo và nhân sinh:

a. Thân người khó được, Phật pháp khó nghe: Thực sự mà nói, Đức Phật thuyết pháp, không phải chỉ vì loài người trên địa cầu này, mà là vì tất cả chúng sanh. Cho nên trong kinh có nói: “Vì tất cả chúng sanh trong cùng tận hư không vô biên thế giới mà thuyết pháp.” Hiện nay Phật pháp được lưu truyền trên thế giới này là do Đức Phật Thích Ca, bậc thị hiện thành Phật trong nhân gian, giảng nói. Tuy cũng chỉ là một loại chúng sinh, thế nhưng loài người lại có những ý nghĩa thù thắng. Đức Phật Thích Ca thị hiện thân người thuyết pháp, phần lớn là nhắm vào loài người mà nói. Đức Phật nói: "Thân người khó được, Phật pháp khó nghe," là muốn xác định rằng sinh ra làm người không phải dễ dàng. Nếu dùng Phật pháp quan sát loài người, thì quả thật loài người có nhiều ưu điểm. Thế nhưng, sinh được làm người chưa chắc được nghe Phật pháp. Nếu như không nghe được Phật pháp, sẽ không biết được giá trị của nhân sinh, và như thế, cả một đời người sẽ trở thành luống uỗng. Cần phải nghe Phật pháp thì mới biết được: sự tạo nghiệp sẽ đưa đến quả báo, đời ày qua đời khác, nối tiếp tương tục. Có nhân có quả thì mới sanh được thân người, thế nhưng thân người lại là vô thường. Nếu như trong đời người, hoặc làm ác, hoặc làm thiện, hoặc phát tâm cầu giải thoát, hoặc phát tâm Bồ đề, tức có thể chuyển sinh vào ác thú, thiện thú, hoặc thành A la hán, Bích chi phật, nhẫn đến thành Bồ tát hoặc thành Phật. Đây là do nghe được Phật pháp, mới biết được ý nghĩa sâu rộng của nhân sinh, và do đây mới thấy được quan hệ mật thiết giữa Phật pháp và nhân sinh.

b. Nhân loại là chìa khóa của các sự tội phúc, phàm thánh: Con người chỉ là một loại trong vô số loại chúng sinh. Phật pháp thường chia chúng sinh làm mười loại, tức là tứ thánh, lục phàm. Tứ thánh là A la hán, Bích chi phật, Bồ tát và Phật. Bốn bậc thánh này đã vượt thoát được luân hồi sanh tử, còn những chúng sanh đang ở trong luân hồi thì gọi là lục phàm, tức là trời, người, a tu la, ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục. Trong lục phàm, chỉ có trời là cao hơn người, còn ở dưới người thì có bốn loài: a tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, còn gọi là bốn ác thú, tức là những chúng sanh đang thọ ác báo. A tu la, dịch là phi thiên, loại này, người bình dân thường gọi là thần, có phước báo gần như trời, nhưng không có uy đức như loài trời. Loại này tính tình hung hăng, ưa thích đấu tranh, thành thử thường hay thọ khổ. Dưới nữa là loài súc sanh, tức là loại chim muông cầm thú, mà chúng ta thường gọi là động vật. Đây là loại chúng sanh [duy nhất] mà loài người thấy được. Ngoài ra còn những chúng sanh mà loài người không thấy được, tức là chúng sanh ở cõi u minh, là hai loài ngạ quỷ và địa ngục. Hai loại chúng sanh này toàn là thọ khổ báo. Nói chung, trong mười loại chúng sanh, người và trời đứng ở chính giữa. Về phương diện hưởng thọ phước báo loài trời trội hơn loài người, thế nhưng về phương diện năng lực sáng tạo của thân tâm, thì loài trời lại kém hẳn loài người. Nếu tạo nghiệp ác thì có thể sẽ trong nhiều đời nhiều kiếp thọ ác báo, còn nếu tạo nghiệp thiện, hoặc gặp được Tam bảo, nghe pháp, trì giới, v.v..., thì có thể sẽ trong nhiều đời nhiều kiếp hưởng thọ phước báo. Hơn nữa, từ địa vị phàm phu vượt lên địa vị thánh nhân, thì chỉ có loài người là có thể làm được. Điều này trong nhiều kinh luận khác đã nói rõ.

Từ dị sanh tánh [tức lục phàm] mà có thể sanh khởi thánh đạo, thì chỉ có loài người mới có khả năng, còn các loài loài dị sinh khác không thể làm được, do vì loài người có thể tu tập bố thí, trì giới, đa văn, v.v..., rất nhiều công đức, mà dù là loài trời cũng không thể sánh bằng. Đây là công năng thù thắng của nhân loại, cho nên gọi nhân loại là chìa khóa mở vào bốn đường thánh cùng năm đường phàm kia. Ý nghĩa như thế của nhân sinh, chỉ có Phật giáo là phát huy đến chỗ cùng cực. Nếu không có Phật pháp thì không thể biết được loài người có hy vọng siêu phàm nhập thánh.

c. Giáng sinh nhân gian thành Phật thuyết pháp: Phật pháp là do Đức Thích Ca Mâu Ni nói ra, sau khi Ngài giáng sinh nhân gian, chứng thành Phật quả. Đức Phật có ba thân, là pháp tính thân, thọ dụng thân, và biến hóa thân. Pháp tính thân và thọ dụng thân của Phật bao trùm khắp mọi nơi, không có hình tướng để có thể thấy được. Còn như biến hóa thân, thị hiện tám tướng thành đạo [1] , tức là thân của Đức Phật mà nhân loại có thể nhìn thấy. Thân này là do Bồ tát tối hậu thân, từ trời Đâu xuất giáng sinh nhân gian, xuất gia tu đạo, thành Phật thuyết pháp. Từ tám tướng thành Phật này mới có Phật pháp được lưu truyền. Thế nhưng, Phật pháp không những lưu truyền ở nhân gian, mà còn lưu truyền ở thiên cung, long cung, v.v... Nhân vì sự thị hiện thành Phật, thuyết pháp độ sinh đều ở tại nhân gian, do đó chúng ta thấy được Phật pháp và nhân gian có một quan hệ mật thiết. Trưởng giả Bùi Hưu, khi viết bài tựa cho kinh Viên Giác, đã có câu: "Chư thiên chánh lạc, tu la phương sân, quỷ thần trầm u tù chi khổ, súc sinh hoài duật dứu chi bi, kỳ năng chỉnh tâm lự, thú Bồ đề, duy nhân đạo vi năng." Nghĩa là: loài trời chỉ lo hưởng lạc, tu la thì sân hận đấu tranh, quỷ thần chìm trong cõi khổ não tối tăm, súc sanh thì sống trong nỗi sợ hãi kinh hoàng. Còn như có thể tu sửa thân tâm, tiến bước trên con đường Bồ đề, thì chỉ có loài người là có khả năng. Cho nên biết rằng, Phật pháp tuy là vì tất cả chúng sanh, thế nhưng từ sự quan hệ thù thắng mà nói, thì loài người là chỗ Phật pháp có thể nương cậy, còn Phật pháp lại là vật cần thiết nhất cho loài người. Cho nên nhân sinh đối với Phật pháp, cần phải nghiên cứu thấu triệt, và y vào đó mà tu hành.

II. Địa vị của quyển kinh này trong Phật pháp:

Sự lưu hành của Phật điển, đại khái có thể chia làm ba tạng: kinh, luật, luận. Lại còn những trước tác của các bậc cổ đức được xếp vào tạp tạng, thành thử tổng cộng có bốn tạng. Quyển kinh Ưu Bà Tắc Giới này thuộc về kinh tạng. Chữ kinh, tiếng Phạn là Tu đa la, tức là sự kết tập tất cả những gì mà Đức Phật đã giảng nói, để lưu truyền tại thế gian. Quyển kinh này có địa vị nào trong các kinh điển của Phật giáo? Ở đây chún ta sẽ lần lượt phân tích.

a. Ngũ thừa cộng pháp và Đại thừa bất cộng pháp: Phật pháp có thể chia làm ba loại: (i) Ngũ thừa cộng pháp, tức là pháp chung cho người, trời, Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Trong ngũ thừa cộng pháp này, trời người là cơ sở cho Tam thừa xuất thế kia. (ii) Tam thừa cộng pháp, tức là pháp chung cho sự thoát ly sinh tử luân hồi, tức là pháp Tứ đế của Thanh văn, pháp Thập nhị nhân duyên của Duyên giác, và pháp Lục độ của Bồ tát. (iii) Đại thừa bất cộng pháp, tức là pháp phát tâm Bồ đề, quảng độ chúng sanh, tu học lục độ vạn hạnh để thành Phật. Quyển kinh này, trong ba loại trên, vì có tên Ưu Bà Tắc Giới, nên có thể xếp vào Ngũ thừa cộng pháp; thế nhưng, vì giảng giải về phát Bồ đề tâm, tu học lục độ, quảng độ chúng sanh, cho nên lại có thể xếp vào Đại thừa bất cộng pháp. Chúng ta có thể cho rằng quyển kinh này, vừa là Ngũ thừa cộng pháp, vừa là Đại thừa bất cộng pháp. Bởi vì những kẻ thọ trì giới pháp của bộ kinh này, thì được gọi là Bồ tát ưu bà tắc.

b. Trong ba phần cảnh, hành, quả, quyển kinh này đặc biệt chú trọng thực hành: Phần chủ yếu của quyển kinh này, trong ba phần cảnh, hành, quả, là thuyết minh về phần nào? Trong kinh điển của Phật giáo, nói rộng về phần tính tướng của các pháp, thì được gọi là cảnh; nói rộng về trì giới, tu hành lục độ, thì gọi là hành; còn nếu nói rộng về phần phước trí trang nghiêm, công đức của Phật, thì gọi là quả. Trong các kinh điển Phật giáo, hoặc có kinh chú trọng về cảnh, hoặc có kinh chú trọng về hành, hoặc chú trọng về quả, lại có kinh chú trọng đến hai, hoặc cả ba phần. Quyển kinh này chú trọng đến sự thọ trì giới hạnh, do đó trong ba phần cảnh hành quả, có thể nói quyển kinh này chú trọng về hành.

c. Lấy giới ưu bà tắc làm trung tâm: Quyển kinh này giảng giải về giới ưu bà tắc, cho nên có thể nói là lấy giới ưu bà tắc làm trung tâm. Hai chữ ưu bà là dịch âm, dịch nghĩa là thanh tín, hoặc dịch là cận sự, hoậc dịch là thiện túc. Nói một cách tổng quát, tức là những đệ tử của Đức Phật, có lòng tin trong sạch, thân cận hộ trì Phật pháp. Chữ tắc, cũng là dịch âm, ý muốn chỉ nam tính. Quyển kinh nảy được giảng giải là do một vị nam cư sĩ chất vấn, nếu luận về tính chất, cũng có thể gọi là Ưu Bà Di Giới kinh; chữ di, là chỉ nữ tính. Bởi vì giới ưu bà tắc không phân biệt đối tượng là nam hay nữ. Quyển kinh này nói về Phật pháp, quan hệ đến tất cả pháp mà Đức Phật đã chứng đắc, thế nhưng lại dùng giới ưu bà tắc làm trung tâm điểm, cho nên phải dùng đây làm đầu mối để quán thông tất cả. Từ quan điểm này mà nhìn, chúng ta có thể nói:  từ phẩm Phát Tâm Bồ Đề cho đến phẩm thọ Giới, là nói rộng về sự thọ giới cho những kẻ có khả năng; từ phẩm Tịnh Giới cho đến phẩm Bát Nhã Ba La Mật, là nói về sự tu hành của kẻ đã thọ giới ưu bà tắc. Cho nên gọi là Ưu bà Tắc Giới Kinh.

          Lấy Bồ tát tại gia làm trung tâm: Kinh Ưu bà Tắc Giới, hay nhất nên gọi là Kinh Bồ tát tại gia. Chúng ta có thể thấy, như trong phẩm Tập Hội đã nói rõ: "Kẻ tại gia phát tâm Bồ đề, thù thắng hơn quả vị A la hán, Bích chi phật." Lại trong phần cuối của mỗi phẩm đều có đoạn: "Kẻ tại gia phát tâm Bồ đề, v.v... đều khó khăn hơn kẻ xuất gia." Quyển kinh này, tuy quán thông tất cả Phật pháp, thế nhưng, chung cuộc vẫn lấy Bồ tát tại gia làm trung tâm điểm. Trong kinh tán thán Bồ tát tại gia phát tâm Bồ đề, thì từ cõi trời Tứ Thiên Vương cho đến cõi trời A Ca Ni Trá, đều hoan hỷ vui mừng, tôn trọng [kẻ phát tâm] như bậc thầy của trời người. Trong kinh lại có nói: "Kẻ xuất gia không phải lo việc sinh kế, thọ dụng sự cúng dường của trời người, cho nên đối với pháp Bố thí ba la mật khó có thể thành tựu viên mãn." Do đó, kinh này được Bồ tát tại gia đặc biệt tôn sùng.

III. Mục đích giảng giải bộ kinh này:

a. Vì muốn kiến lập nhân gian Đại thừa Phật giáo: Trong phần sự quan hệ giữa Phật pháp và nhân sinh, chúng ta đã nói rõ giữa Phật giáo và nhân sinh có một ý nghĩa thâm thiết. Nếu như xét kỹ ý chỉ chân chánh của Phật pháp, thì bất cứ sự chứng đắc, hay tuyên dương giáo pháp nào, đều là Phật pháp Đại thừa. Cho nên muốn hoằng dương Phật pháp, nên dùng nhân loại thế gian mà hoằng dương Đại thừa Phật pháp. Hơn nữa, chỉ có nhân sinh là đang cần Đại thừa Phật pháp nhất, cho nên phải kiến lập nhân gian Đại thừa Phật giáo. Quyển kinh này có thể làm quy củ, mô phạm cho tất cả nam tử, nữ nhân đầy đủ thiện căn, tu hành thành tựu đạo Bồ tát tại gia. Nếu như mọi người y vào kinh này, phát tâm tu hành, lợi mình lợi người, thì nhân gian Đại thừa Phật giáo sẽ do đây mà được kiến lập, nhân loại trên thế giới cũng nhờ sự lợi ích của Đại thừa Phật pháp, mà được hưởng hạnh phúc của sự hòa bình an lạc.

b. Vì muốn đề xướng sự tu hành thực tiển: Trong các người học Phật, do sự nỗ lực nghiên cứu, hoặc có kẻ trở thành một học giả của một tông phái, hoặc có kẻ trở thành một bác học Phật giáo. Tuy đây cũng là sự kiện mà Phật giáo đang cần, thế nhưng tông chỉ của Phật pháp, xưa nay vẫn là sự tu hành thành Vô thượng giác, chứng thực thấu triệt tính tướng của các pháp, rồi từ đó khai thị tính tướng của các pháp, dẫn đạo kẻ khác tu hành thực tiển, hy vọng những kẻ khác cũng sẽ chứng thực thấu triệt tính tướng của các pháp mà thành Vô thượng giác. Vì thế các pháp mà Đức Phật giảng nói đều là chú trọng đến sự thực tiển tu hành. Như trong phẩm Tập Hội đã giảng rõ: "Thể tính của Bồ tát không phải đã tự sẳn có, cũng không phải nương vào Đức Phật mới có, mà là do nhân duyên phải tâm tu hành mới có." Đây là điểm nhấn mạnh đến sự thực hành rất đặc sắc của quyển kinh này. Hôm nay vì muốn đề xướng những người phát tâm học Phật nên thực tiển tu hành, cho nên chọn quyển kinh này để giảng giải.

Từ căn bản giới học bắt đầu tu lên: Bồ tát chia làm hai hạng, một là tại gia, hai là xuất gia. Số người xuất gia rất ít, còn số người tại gia thì rất đông. Quyển kinh này là y vào kẻ tại gia mà phát huy sự cần thiết của giới học, cho nên đây là điều có thể phổ cập đến nhân loại một các hay nhất. Thế nhưng trong tam học giới định tuệ, trước tiên nên lấy giới học làm căn bản để tu tập, nghĩa là do giới sinh định, y vào định phát tuệ. Giới là căn bản của định tuệ. Sau khi sinh định, thì giới sẽ tương ưng với định mà trở thành định cộng giới; sau khi phát tuệ, thì giới lại tương ưng với tuệ mà trở thành đạo cộng giới. Giới có thể sinh định, là do sau khi đầy đủ giới hạnh, lý đắc tâm an, trong tâm thường sinh hoan hỷ an lạc, do an lạc mà tâm định, y vào định thể nghiệm quan sát nên phát sanh trí tuệ, tức là vô lậu thánh trí. Do đó, tu học Phật pháp phải lấy giới học làm căn bản mà tu lên.

c. Vì muốn từ pháp lục độ phổ thông mà tu tập: Người Tàu có thói quen là muốn nhảy vượt, mà không muốn bị trói buộc vào một trình tự nào hết, hơn nữa, lại ít quan tâm đến sự thực hành bằng con đường phổ thông bình dị. Những người học Phật ưa thích chọn một bộ kinh để nghiên cứu, hay chọn một tông phái nào đó để tu tập, rồi lại tự cho mình là cao hơn tất cả, đối với các bộ kinh khác, hoặc các tông phái khác, thường sinh khởi sự tranh biện thị phi. Quyển kinh này, trong phẩm Lục Ba La Mật, có giảng rõ là chúng ta nên tu phá lục độ, là phương pháp phổ thông mà các vị Bồ tát thường tu. Hơn nữa, lạc còn phá xích những quan niệm sai lệch khác, như có người cho rằng không nhất định có pháp lục độ, hay cho rằng lục độ có thể hợp thành tứ độ, hoặc lục độ hợp thành nhất độ, v.v... Đại khái mà nói, trên phương diện đàm huyền thuyết diệu, thì mọi sự mọi vật đều có thể viên dung, một tức là tất cả, tất cả tức là một, một độ có thể thống nhiếp tất cả độ, tất cả độ có thể nhiếp vào một độ. Thế nhưng trên căn bản, trước tiên phải thành lập tướng đặc thù của mỗi độ, rồi sau đó mới có thể thể hội cái lý tưởng tương nhiếp tương dung. Thế nên, phải từ phương diện sáu độ mà tu tập, thì mới có thể tiến bước trên con đường rộng rãi bằng phẳng, từ địa vị phàm phu, tiến qua các giai vị Bồ tát mà thành Phật.

Phần trên chúng ta trình bày sơ lược về quan điểm của ngài Thái Hư khi ngài giảng bộ kinh này tại Nam Kinh vào năm 1935. Từ những nhận xét mà ngài đã đưa ra, chúng ta có thể xác định được địa vị xứng đáng của bộ kinh này. Nhất là trong thời buổi hiện tại, khi mà thế lực của tăng đoàn càng lúc càng suy vi, và vai trò của người Phật tử tại gia càng lúc càng trở nên trọng yếu. Quyển kinh này có thể nói là cẩm nang, là quyển sách gối đầu cho người tại gia phát tâm học tập Bồ tát đạo. Bối cảnh của bộ kinh này rất bình dị, rất thực tế, không phải như những bộ Bồ tát giới khác. Chẳng hạn như bộ Phạm Võng Bồ Tát Giới là do Đức Lô Xá Na giảng cho các vị Đại Bồ tát trên cõi trời A Ca Ni Trá, hoặc là bộ Du Già Bồ Tát Giới là do Bồ tát Di Lặc giảng cho ngài Vô Trước trên cung trời Đâu Suất, hoặc như bộ Bồ Tát Thiện Giới Kinh là do Đức Thích Ca giảng cho các vị Đại Bồ tát tại Kỳ Viên Tinh Xá. Chỉ riêng bộ Ưu Bà Tắc giới này là Đức Phật giảng cho một vị cư sĩ tại gia, khi vị này bày tỏ thắc mắc về ý nghĩa của sự lễ lạy sáu phương theo phong tục Bà la môn. Đối tượng đã là người phàm, thì dĩ nhiên con đường mà Đức Như Lai vạch ra cho sự tu hành Bồ tát đạo cũng phải thực tế, có thể thực hiện được. Đây không phải là cảnh giới của những kẻ siêu phàm, mà chỉ là cảnh giới của những kẻ bằng xương bằng thịt như chúng ta. Thế nên, muốn tu Bồ tát hạnh, học Bồ tát đạo, chúng ta những kẻ học Phật sơ cơ, không cần phải bước vào những cảnh giới mênh mông huyền diệu của Đồng tử Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm, hoặc đòi hỏi phải có những năng lực siêu nhiên như trưởng giả Duy Ma Cật trong kinh Duy Ma Cật, mà chỉ cần chúng ta có một ý hướng, một lòng tin nhiệt thành đối với Tam Bảo, một nghị lực vững chải, và điều quan trọng hơn hết là phải biết rõ mục tiêu mà mình muốn tìm đến. Lòng tin là bước đầu quan trọng hơn hết trong việc học Phật. Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”, lòng tin là cội nguồn của đạo, là mẹ của tất cả công đức. Lòng tin ở đây không phải như lòng tin mà ngoại đạo đã đề xướng, mà là như đã nói ở phần trên, chữ tin ở đây là sự tin sâu lý nhơn quả. Ngay trong phẩm đầu tiên là phẩm Tập hội, Đức Thế Tôn đã đả phá thuyết tự nhiên và thuyết vô nhân của ngoại đạo, đưa tất cả về thuyết duyên sinh. Sau khi chúng ta thấu rõ thuyết duyên sinh: “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”, từ đây sẽ thấu rõ các pháp là không có tự tính, là vô ngã, là khổ. Mình đã như thế, thì kẻ khác cũng sẽ như thế. Từ sự thể ngộ như vậy, chúng ta sẽ phát khởi tâm từ bi, nguyện mình và chúng sinh đều sẽ được thoát khỏi sự vô thường, khổ não này, và do đây mà phát tâm Bồ đề, nguyện độ chính mình và tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo. 


[1] Tám tướng: Có hai thuyết chính là: (a) Giáng sinh, nhập thai, trụ thai, xuất thai, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết bàn. (b) Giáng sinh, nhập thai, xuất thai, xuất gia, hàng ma, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết bàn.

HẾT

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6494889