Học

PHPT2 K.V - Bài thứ 5: PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO TRÊN THẾ-GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 2

Sa môn THÍCH THIỆN HOA

KHÓA V: LỊCH SỬ TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO,

10 TÔN PHÁI VÀ VŨ TRỤ NHƠN SINH

Bài thứ 5: PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO 
TRÊN THẾ-GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM HIỆN ĐẠI 

 

A. MỞ ÐỀ 

Trong thế kỷ thứ 18 và 19 ở Việt- Nam cũng như ở các nước Phật giáo khác, sự truyền bá đạo Phật hình như thiếu một luồng sinh khí mới, nên cứ chìm dần, chìm dần, tưởng gần như sắp cáo chung. Nhất là khi Á Đông mới bắt đầu tiếp xúc với cái văn -minh sống động, rưc rỡ của Tây phương; các dân tộc Á Đông bị "mặc cảm tự ti", cho rằng mình thua sút Tây phuơng về mọi phương diện. Do đó, các dân tộc Á châu, nhất là các dân tộc đông đảo như Ấn Ðộ, Trung Hoa, đều ruồng rẫy cái gia tài tinh thần của ông cha, để đi theo học đòi cái văn minh cơ khí, hùng mạnh của Tây phương. Ðạo Phật, cũng như các tôn giáo khác ở Á châu, chỉ còn lại các hình thức lễ bái cổ truyền, còn cái phần tinh-hoa quý báu của nó đã bị chôn sâu trong lớp bụi quên lãng của thời-gian. 

Nhưng sau cái chóa mắt của những phút đầu tiếp-xúc với ánh sáng lạ, người Á châu nhận thấy văn minh Âu-Tây chưa hẳn đã toàn thiện. Những nhà tư tưởng, triết gia, lãnh đạo tôn giáo đạo đức... sau khi đã đọc được phương pháp suy luận, phân tách, tìm tòi một cách có khoa học của Tây phương, đã quay về đào xới, khám phá cái gia tài tinh thần của ông cha để lại mà họ đã ruồng rẫy. Giúp vào công việc ấy, có những nhà bác-học, khảo cổ, nhân chủng học đã tìm thấy được rất nhiều bằng chứng cụ thể nói lên giá trị chân thật của nền văn minh Á Đông mà đạo Phật đã là động lực chính. 

Do đó, đạo Phật được đặc biệt chú ý. Và càng đi sâu vào văn hóa Phật giáo, người ta (Âu Tây cũng như Á Đông) lại càng ngạc nhiên vì tánh chất thuần thiện, cao khiết, trong sáng của nó. Từ đấy, một luồng sinh khí mới thổi lên, đem lại cho người tín-đồ Phật giáo nhiều phấn-khởi và tin tưởng ở giáo lý cao siêu của Ðức Bổn Sư Thích-Ca. Luồng sinh-khí trên đã gây được một phong trào chấn hưng Phật giáo, mỗi ngày mỗi lan rộng, ban đầu ở các nước Á châu, và bây giờ ở khắp năm châu bốn biển. Trong cái bừng dậy chung ấy, tín-đồ Việt Nam cũng đã đóng góp một cách xứng đáng cái phần công đức của mình, và có thể tự hào rằng mình không quên sứ-mạng. 

Vậy dưới đây, chúng ta hãy tuần tự điểm qua cái phong trào chấn hưng ấy trên các quốc gia Phật giáo như thế nào, trước khi nói riêng về phong trào chấn hưng ở Việt Nam trong hiện tại.

B. CHÁNH ÐỀ 

I. SỰ CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở ẤN ĐỘ VÀ CÁC NƯỚC THUỘC KHU VỰC ẢNH HƯỞNG ẤN ĐỘ

1. Phật giáo Ấn Ðộ

Như chúng ta đã thấy trong đoạn nói về lịch sử truyền bá đạo Phật tại Ấn Ðộ ở bài thứ nhất: mặc dù là xứ sở phát nguyên Phật giáo, Ấn Ðộ chỉ thấy được cái vẻ huy hòang của ánh đạo vàng trong 15 thế kỷ đầu. Những thế kỷ về sau, đạo Phật lu mờ dần ở đây và nhường chỗ cho Ba-la-môn giáo và Hồi-giáo để lan tràn ra lân bang. 

Vào thế kỷ 18, đạo Phật ở Ấn Ðộ chỉ còn là một vang bóng của thời xưa. Nhưng khi người Anh bắt đầu đi sâu trong sự tìm hiểu nền văn hóa Ấn Ðộ, và ngạc nhiên khi nhận thấy một nền văn chương, triết học thâm thúy của đạo Phật đã bị chôn vùi trong quên lãng, thì người Anh cũng như người Ấn Ðộ đều đồng thanh hô hào và cổ xúy sự phục hưng Phật giáo. 

Trong số những học giả Phật giáo đầu tiên đã có sáng kiến xây dựng phong trào chấn hưng này, thì ông Rayendrachilala là người có công nhất. Tiên sinh đã căn cứ vào 144 loại kinh chữ Phạn ở Népal để viết ra cuốn "Văn chương Phật giáo" bằng Phạn ngữ của Népal. Năm 1888, Tiên sinh lại cho xuất bản quyển "Tiểu phẩm Bát-nhã". Năm 1893, ông Sarat Chandrodas, một học giả Ấn Ðộ khác, lại đề xướng lên hội "Nghiên cứu Thánh điển Phật giáo Ấn Ðộ và nhân loại học thuật". Chính hội nghiên cứu này đã thu thập được một số đông hội viên thông thái, gồm người Ấn Ðộ lẫn Anh Quốc và đã gây nên phong trào tìm hiểu Phật giáo trong nước Ấn Ðộ và sang đến Anh Quốc. 

Người có công thứ ba, mà hiện nay Tổng hội Phật giáo Quốc tế quyết nghị sẽ làm lễ kỷ niệm đệ bách chu niên sanh nhật (17-9-64) khắp nơi trên thế giới là Ðại đức Anagarica Dharmapala. Chính Ðại đức là người đã sáng lập ra hội Ðại Bồ Đề (Mahabodhi) là một đoàn thể rất có thế lực trong công cuộc vận động phục hưng Phật giáo ở Ấn Ðộ ngày nay. Sáng lập vào năm 1891, hội này dần dần có chi nhánh ở các nước Âu Mỹ và lân bang Ấn Ðộ. 

Về công đức của Ðại đức Dharmapala quyết nghị của Đại hội Phật giáo Quốc tế lần thứ VI họp tại Nam Vang đã ghi như sau: 

“Ðại đức Anagarica Dharmapala đã tiên phong hướng đạo việc phục hưng Phật giáo Ấn Ðộ, và cũng là vị pháp sư đầu tiên tới thăm các nước Âu châu và Mỹ châu. Nhờ con đường đó mà công trình hoằng pháp mới được vạch rõ tại các nước Âu Mỹ, như chúng ta đã nhận thấy ngày nay...” 

Ðồng thời với sự chấn hưng Phật giáo ở Ấn Ðộ, trong các nước trước kia chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Ðộ và nằm trong khối Tiểu-thừa Phật giáo như Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan... cũng có những luồng sinh khí mới đem lại cho nền Phật giáo cổ truyền một sắc thái mới mẻ, trong sáng và hùng mạnh. 

2. Phật giáo Miến Ðiện

Hiện nay ở Miến Ðiện Phật giáo được xem là quốc giáo. Từ 1948, sau khi thu hồi độc lập, chánh phủ Miến Ðiện mà vị Thủ tướng (ông U Nu) là một Phật tử, nhiều kế hoạch dự trù chấn hưng Phật giáo đã được thực hiện. Chánh phủ đã cho xây dựng khắp nơi trong nước nhiều Phật học viện, nhiều trường trung, đại học Pali, tổ chức những cuộc thi giáo-lý và triệu tập nhiều đại hội Phật giáo quan trọng. 

Năm 1954, đại hội tu chỉnh kinh điển Phật giáo lần thứ VI được tổ chức tại Miến Điện, với sự tham dự của 2.500 bậc danh tăng ở các nước Tích Lan, Cam Bốt, Ai Lao, Thái Lan, Ấn Ðộ, Hồi Quốc... để tụng duyệt lại tất cả những bản kinh Pali. Ðây là một công tác trọng đại không riêng đối với Phật giáo Miến Ðiện mà chung cho Phật giáo thế giới. 

3. Phật giáo Tích Lan

Tích Lan cũng là một xứ mà đạo Phật rất thạnh hành. Dân chúng hầu hết là Phật tử. Số tu sĩ trong nước rất đông và rất có ảnh hưởng trong quần chúng cũng như trong chính quyền. Năm năm sau trận thế chiến thứ hai chấm dứt (1950), chính Tích Lan là nước đầu tiên đứng ra triệu tập một Đại hội Phật giáo Thế giới gồm trên 500 đại biểu thuộc 26 quốc gia Phật giáo tại thủ đô Cô Lôm Bô (Colombo). Chính trong Đại hội này, Tổng hội Phật giáo Thế giới đã được thành lập, và một Ban Chấp hành đã được bầu cử, mà vị Chủ tịch là một học giả Phật tử Tích Lan, Bác sỹ Malalasekera. 

4. Phật giáo Thái Lan

Cũng như Miến Ðiện, Phật giáo Thái Lan được xem như là một quốc giáo, vị Trưởng lão Tăng thống (Vua Sãi) là người có một ảnh hưởng tinh thần và được tôn trọng hơn cả Quốc vương. 

Hiện nay Thái Lan có phỏng chừng trên 20.000 ngôi chùa và 200.000 Tỳ kheo và Sa di. So với hai mươi triệu dân Thái, thì số tu sĩ như thế cũng là một tỷ lệ rất cao, cứ 100 người dân thì có một tu sĩ.

Nhưng cái đà phát-triển vẫn đang còn mạnh, nhiều ngôi chùa đồ sộ đang được xây cất và nhiều thanh niên đang theo tập môn tham thiền trong các thiền viện. Hiện nay, Thủ tướng Thái Lan vừa ra một dự án và đã được toàn thể nội các chấp thuận là thành lập những cơ sở thích đáng dành cho các Tỳ kheo ngoại quốc để họ đủ phương tiện đến tu học Phật pháp. 

5. Phật giáo Cam Bốt

Phật giáo Cam Bốt từ xưa đã là một quốc giáo. Từ kinh đô cho đến thôn xóm hẻo lánh xa xôi, màu vàng của các ngôi chùa và các tấm y của tu sĩ chói rực khắp nơi. Ðời sống đạo lý và đời sống thường nhật của dân gian đã ăn nhịp một cách khắn khít. Cũng như ở Miến Ðiện, ở Thái Lan, ở Cam Bốt, cứ mỗi năm vào đầu mùa mưa, các thanh niên có lệ vào tu tại các chùa trong một thời gian, dài hay ngắn tùy nguyện của mình. Cái tục lệ quý báu này, không phải chỉ có người thường dân thi hành mà ngay cả đến các vị vua quan nữa. 

Từ ngày thu hồi độc lập, chính phủ Cam Bốt đặc biệt chú tâm phát-triển và chấn hưng Phật giáo. 

Theo gót các nước đàn anh Phật giáo, Cam Bốt cũng vừa tổ chức tại Nam Vang Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ VI và nhiều thành quả tốt đẹp đã thu hoạch được trong đại hội này. 

Trên đây là đại khái về phong trào chấn hưng và phát triển Phật giáo ở các nước theo phái Tiểu thừa hay Nam tôn. Tiếp theo đây, chúng ta sẽ nhận xét phong trào chấn hưng và phát triển Phật giáo ở các nước theo Ðại thừa hay Bắc tôn. 

II. SỰ CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở TRUNG HOA VÀ CÁC LÂN BANG 

1. Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa

Như chúng ta đã biết, vào cuối đời nhà Thanh, Phật giáo ở Trung Hoa đã suy đồi rất nhiều: Mê tín dị đoan đã thâm nhập một cách trầm trọng vào các thiền môn. Tăng ni, cũng như tín đồ ít ai hiểu rõ giáo lý cao siêu của đức Phật, nên Phật giáo cũng bị người ta liệt vào hàng các tà đạo có nguy hại cho đời sống xã hội quốc gia. 

Ảnh hưởng của văn minh Âu Tây bắt đầu vang dội trong nước. Một phong trào rộng lớn bài trừ mê tín dị đoan nổi dậy trong toàn quốc. Các chùa chiền phần nhiều bị đổi ra làm trường học hoặc các việc công ích xã hội khác! 

May sao, một số học giả Trung Hoa có tinh thần quốc gia, nhận thấy cần phải làm một cuộc thanh lọc trong nền văn minh Ðông phương, để chọn những cái hay thì giữ lại, và những cái dở thì bỏ đi. Sau cuộc tìm tòi, tra cứu ấy, các nhà nghiên cứu đồng thanh tán dương giá trị chân chính cao siêu của Phật giáo. 

Từ khi cách mạng Tân Hợi (1912) nổi lên lật đổ nhà Thanh và lập nên nền Dân Quốc, thì phong trào học và nghiên cứu Phật giáo càng tăng. Nhờ thế Phật giáo trở nên thạnh hành và phát triển mạnh.  

Trong mấy năm đầu của nền Dân Quốc có ngài Kỉnh Sơn cùng các đồng chí sa môn và cư sĩ đứng lên sáng lập Trung Quốc Phật giáo Tổng hội. Các cư sĩ ở Thượng Hải cũng lập Phật giáo cư sĩ lâm, Phật giáo tịnh nghiệp xã. 

Về sau các vị Tăng già và cư sĩ tiếp tục mở ra ở nhiều nơi những Phật học viện, hay những giảng đường như: Giảng đường chùa Quán Tôn ở Ninh Ba (Chiết Giang) do ngài Ðế Nhàn pháp sư chủ giảng; ở Vũ Xương (Hồ Bắc) có Phật học viện do ngài Thái Hư Pháp sư chủ giảng; ở Giang Tô có Hoa Nghiêm học viện, ở Nam Kinh có Nội học viện do Âu Duơng Vĩnh Vô chủ giảng. 

Cùng một lần với sự thành lập các Phật học đường nói trên, nhiều tạp chí Phật giáo của các nhóm nghiên cứu đã được xuất bản ở khắp nước để hoằng dương giáo nghĩa như: Phật học tùng báo, Hải triều âm, Cư sĩ lâm san, Tịnh nghiệp nguyệt san, Chi na nội học, Oai âm, Vi diệu thanh, Phật giáo tân văn v.v... 

Trong số các vị đề xướng lên phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa, người đã có công đức và ảnh hưởng lớn nhất là ngài Thái Hư pháp sư. Pháp sư là một vị cao tăng học rộng, hiểu nhiều và rất hăng hái với việc hoằng dương chánh pháp. Ngài đã đi giảng về Phật pháp khắp nơi trong nước và sang tận Âu Mỹ để giới thiệu Ðại thừa Phật giáo cho người Tây phương. Ngài viết rất nhiều sách nói về đạo Phật và đứng chủ trương tờ Hải triều âm là một tạp chí rất có giá trị. Những hoạt động Phật sự của Ngài không những chỉ gây ảnh hưởng lớn lao quý báu cho Phật giáo Trung Hoa mà còn lan rộng ra ở các nước lân bang như Việt Nam, Nhật Bản và sang tận đến Âu Mỹ. 

2. Phật giáo ở Nhật Bản

Nhật Bản chịu ảnh hưởng của Ðại-thừa Phật giáo từ Trung Hoa truyền sang từ lâu đời, và là nước có một nền Phật giáo mạnh nhất trong các nước theo Ðại-thừa. Ngoại trừ một số người theo thần đạo và Thiên chúa giáo, còn đa số dân chúng đều là Phật tử thuần thành. Chùa chiền được các đời vua chúa trong quá khứ xây dựng rất nhiều khắp trong nước, và ngày nay các thắng cảnh có tiếng nhất ở Nhật Bản đều là những danh lam. Người Nhật lấy làm hãnh diện về kiến trúc và vẻ đồ sộ của các danh lam ấy lắm, cho nên người khách ngọai quốc nào đến viếng nước Nhật cũng được đem đến giới thiệu các cảnh chùa chiền trước hết. 

Về phần giáo lý thì đạo Phật ở Nhật Bản cũng chia ra nhiều tôn phái như ở Trung Hoa. Nhưng các tôn được thạnh hành nhứt là Thiền tôn, Pháp hoa tôn và Pháp tướng tôn. 

Đạo Phật Nhật Bản trong quá khứ đã có một thành tích rất vẻ vang mà hiện nay vẫn còn rực rỡ. Trong buổi giao thời tiếp xúc với Âu Tây, trong khi đạo Phật ở các nước Á Ðông đều có một giai đoạn suy đồi, thì đạo Phật ở Nhật Bản vẫn giữ được uy thế của mình trong toàn quốc. Và ngày nay, với một tinh thần biết dung hòa và cải tiến, biết tồn cổ mà cũng biết nghinh tân, nên đạo Phật Nhật Bản vẫn đi theo kịp cái đà tiến bộ chung của toàn quốc và giữ giềng mối cho luân thường đạo đức ở trong nước. Chúng ta chắc rằng rồi đây, sau khi các nước Phật giáo ở Á Châu được dịp tiếp xúc và thông cảm với nhau nhiều hơn nữa, thì Nhật Bản sẽ là nước xứng đáng đứng ra lãnh nhiệm vụ lãnh đạo phong trào Phật giáo thế giới. 

III. SỰ TRUYỀN BÁ PHẬT PHÁP Ở CÁC NƯỚC ÂU MỸ 

Từ khi tiếp xúc với Á châu, người Tây phương bắt đầu khảo cứu nền văn minh cổ của châu này và khám phá ra rằng văn hóa Á Châu không phải tầm thường như họ lầm tưởng lúc đầu, mà trái lại có nhiều điểm quý giá cần học tập. Trong kho tàng quý báu ấy, đạo Phật đã phát chiếu ra nhiều hào quang rực rỡ. Do đó, các học giả Tây phương đã đổ xô sang nghiên cứu giáo-lý nhà Phật và đã viết rất nhiều tác phẩm về đạo Phật. Dần dần, đạo Phật đã không còn xa với quần chúng Âu Mỹ nữa. Mở đầu phong trào học Phật là những học giả người Anh, người Đức và người Pháp, là những dân tộc tiếp xúc nhiều với Á châu. Sau đó, họ thành lập những hội Phật học và xuất bản những tạp chí nói về Phật pháp. Những hội này có rất đông hội viên thực hành rất hăng hái. Hiện nay ở Âu châu và Mỹ châu hầu hết các nước đều có hội Phật học, báo chí truyền bá Phật pháp, những chùa hay thiền viện để các tín đồ hay hội viên đến tập tham thiền. Có nhiều vị sang ngay ở các nước Phật giáo Á châu như Ấn Ðộ, Tích Lan, Thái Lan để xuất gia cầu đạo. 

Trong các đại hội Phật giáo thế giới, Phật tử Âu Mỹ đều có đại diện của họ và đã tỏ ra là những Phật tử thuần thành. 

Những bằng chứng cụ thể trên, cho phép chúng ta hy vọng rồi đây đạo Phật sẽ bành trướng mạnh mẽ ở Âu Mỹ và đem lại cho các dân tộc ấy một nguồn an lạc mà họ không tìm thấy ở nền văn minh cơ khí họ đã sáng tạo ra. 

IV. CÁC ÐẠI HỘI PHẬT GIÁO THẾ GIỚI 

Nhân loại càng tiến bộ, sự giao thông càng dễ dàng mau lẹ, thì các dân tộc trên thế giới không còn lạ lùng xa cách với nhau nữa. Đạo Phật ngày nay đã thành một tôn giáo có tầm hoạt động khắp thế giới, thì người Phật tử, dù ở chân trời nào cũng vẫn là anh em một nhà, cùng thờ một bậc thầy chung là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Ý niệm thống nhất những hoạt động và những tổ chức Phật giáo đã manh nha từ trước trận thế chiến thứ II, nhưng phải đợi đến sau thế chiến thứ II mới thực hiện được. 

Ðại hội Phật giáo thế giới đầu tiên đã được triệu tập vào năm 1950 tại Cô Lôm Bô, kinh đô Tích Lan, gồm gần 500 đại biểu của 26 quốc gia và tổ chức Phật giáo trên thế giới. Ðại hội ấy đã đặt nền tảng cho Tổng hội Phật giáo thế giới và đã bầu ra một ban chấp hành chung cho cả thế giới Phật giáo. Một nội quy của Tổng hội đã được biểu quyết và trụ sở của văn phòng ban chấp hành đã đặt ở Cô Lôm Bô. Sau đại hội vài tháng, bác sĩ Malalasekera Chủ tịch Tổng hội đã đi thăm các nước Phật giáo hội viên, và hai tờ tạp chí Phật giáo của Tổng hội được phát hành trên thế giới là tờ: New Letter và The Buddhist World. 

Từ Đại hội đầu tiên ấy đến nay, cứ hai năm lại có một Đại hội khác, mà địa điểm tuần tự thay đổi như sau: 

- Năm 1952, đại hội kỳ II, họp tại Tokyo, kinh đô Nhật Bản, mà mục tiêu chính là quyết định thống nhất hoạt động và các hình thức Phật giáo trong các nước hội viên. 

- Năm 1954, đại hội kỳ thứ III họp tại Rangoon, kinh đô Miến Ðiện, cùng một lần với đại hội kết tập Tam tạng kinh điển kỳ thứ VI, từ khi đức Phật nhập diệt đến nay. 

- Năm 1956, đại hội thứ IV họp tại Kathmandu, thủ đô Népal, nơi đức Phật đã giáng sinh. Nội dung của đại hội này là thảo luận về văn hoá Phật giáo: triết lý, văn chương, nghệ thuật… 

- Năm 1958, đại hội kỳ thứ V họp tại Bangkok, kinh đô Thái Lan, mà chương trình nghị sự là duyệt lại bản nội quy của Tổng hội.

- Năm 1961, đại hội kỳ thứ VI họp tại Nam Vang, kinh đô Cam Bốt. Trong đại hội này, 21 quyết nghị đã được chấp thuận, trong ấy có nhiều quyết nghị rất quan trọng như vấn đề phát triển văn hóa và giáo lý trong các nước Phật giáo, thành lập một Học viện Phật giáo Á châu, nhằm mục đích tương trợ, cung cấp tin tức và tài liệu, huấn luyện cán bộ các ngành hoạt động của Phật giáo bảo vệ hòa bình thế giới và tín đồ Phật giáo v.v… 

Ngoài những đại hội có tính cách thường kỳ nói trên, các nước Phật giáo Á châu còn thi nhau tổ chức rất trọng thể và có mời đại biểu quốc tế đến dự những lễ kỷ niệm 2.500 năm đức Phật nhập Niết-bàn, như ở Ấn Ðộ, Nhật Bản, Tích Lan, Miến Ðiện v.v… 

V. PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM 

1. Sự phát triển của phong- trào ở Nam, Trung, Bắc

Noi gương thế giới, và nhất là Trung Quốc, một phong trào chấn hưng Phật giáo đã nổi lên tại Việt Nam vào khoảng năm 1920. Lúc đầu chỉ là những cố gắng lẻ tẻ của một số quý vị Tăng già lão thành trong nước, mong giữ lại một ít giềng mối của đạo. Ở Bắc có sư cụ Vĩnh Nghiêm (Thanh Hạnh), sư cụ Tế Các (Phan Trung Thứ), sư cụ Bằng Sở (Dương Văn Hiển); ở Trung có ngài Tâm Tịnh, ngài Huệ Pháp, ngài Phước Huệ; ở Nam có ngài Khánh Hòa, ngài Huệ Quang, ngài Khánh Anh, lại có sáng kiến mở trường giảng dạy một số đệ tử với mục đích gây giống đạo pháp cho thế hệ sau. Ðồng thời, các học giả có tiếng tăm trong nước như ông Phạm Quỳnh, cụ Trần Trọng Kim... cũng có viết nhiều bài nghiên cứu về giáo lý đạo Phật rất có giá trị. 

Tuy nhiên, phải đợi đến năm 1931, những cố gắng lẻ tẻ trên mới kết hợp lại thành lực lượng có tổ chức. Ðầu tiên một hội Phật học được thành lập tại Sài Gòn lấy tên là Nam Kỳ nghiên cứu Phật học; kế đó là hội Lưỡng Xuyên Phật học. Những vị có công khởi xướng lên cái hội này là ngài Khánh Hòa, ngài Huệ Quang, ngài Khánh Anh cùng một số quý vị Tăng già và Cư sĩ tân tiến. 

Năm 1932, ở Trung kỳ các ngài Giác Tiên, Phước Huệ và một nhóm cư sĩ tân học mà đứng đầu là đạo hữu Tâm Minh Lê Ðình Thám đã thành lập Phật học hội mà hội quán là chùa Từ Ðàm. 

Năm 1934, ở Bắc kỳ có Thượng tọa Tố Liên, thượng tọa Trí Hải, cụ Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim cùng một số quý vị đại đức và cư sĩ lập ra Bắc kỳ Phật giáo Tổng hội. 

Những hội trên đây đều có mục đích và chương trình hoạt động giống nhau: Chỉnh đốn Thiền môn, vãn hồi quy giới, đào tạo một thế hệ thanh niên tu sĩ chân chính, hữu học, và hoằng dương chính pháp. 

Ðể đạt được mục đích trên, các hội đều mở đạo trường cả. Ở Bắc, có trường Tăng học ở chùa Quán Sứ, trường Ni ở chùa Bồ Đề; ở Trung có Phật học viện chùa Tây Thiên và chùa Bảo Quốc, trường Ni ở chùa Diệu Ðức; ở Nam có Phật học viện Lưỡng Xuyên (Trà Vinh), trường Ni ở chùa Vĩnh Bửu (Bến Tre). 

Ngoài ra, các hội còn xuất bản những tạp chí để hoằng dương Phật pháp, như tờ Ðuốc Tuệ ở Bắc, tờ Viên Âm ở Trung, tờ Pháp Âm, tờ Từ Bi Âm, Duy Tâm ở Nam. Những hội này được tín đồ nhiệt liệt hưởng ứng và bành trướng rất mau lẹ, chẳng bao lâu mỗi tỉnh trong nước đều có chi nhánh của hội. Nhờ sự hưởng ứng ấy mà các hội đã xây dựng thêm cơ sở, mở mang thêm nhiều Phật học viện, xuất bản thêm kinh sách, báo chí. 

Nhưng trong khi phong trào chấn hưng Phật giáo đang lên, thì trận thế chiến thứ hai bùng nổ, và tiếp theo là trận chiến tranh Việt Pháp làm gián đoạn các sự hoạt động của các Hội Phật học trong nước. 

2. Tổng hội Phật giáo Việt-Nam

Ðến năm 1948, mặc dù chiến tranh Việt Pháp chưa ngưng tiếng súng, nhưng vì nóng lòng vì đạo pháp và để đem lại cho đồng bào một niềm an ủi trong cảnh tang thương chết chóc, do chiến tranh gây ra, những nhà lãnh đạo Phật giáo ở trong các vùng bị quân đội Pháp chiếm đóng, tích cực hoạt động để chỉnh đốn và phát triển những cơ sở của các hội đã bị chiến tranh tàn phá. 

Ở Hà Nội, các Thượng tọa Tố Liên, Trí Hải với sự giúp đỡ của một nhóm cư sĩ tận tâm vì đạo, đã làm sống dậy phong trào chấn hưng Phật giáo và đem lại một sắc thái mới, chú trọng nhiều về các công tác từ thiện và xã hội, như lập cô nhi viện, tư thục, các cơ quan từ thiện cứu trợ nạn nhân chiến tranh. 

Ở Huế cũng vậy, quý vị Tăng già và một nhóm cư sĩ đã hợp tác chặt chẽ để sửa sang lại các ngôi chùa đã bị đổ nát vì chiến tranh, đứng lên quy tụ những tín đồ và hội hữu đã tản mác vì thời cuộc, lập lại các tỉnh hội, các khuôn hội Phật học và đặc biệt phát triển ngành gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục thanh, thiếu niên Phật tử, để làm hậu thuẫn cho Phật giáo ngày mai... 

Ở Nam Việt các vị Tăng già và cư sĩ chung nhau thành lập hội Phật học Nam Việt. Mặc dầu ở trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, các hội nói trên đã phát triển một cách mau lẹ, mạnh mẽ và được sự tín nhiệm của đồng bào nói chung, và nhất là của giới tín đồ Phật tử nói riêng. Trong khoảng vài năm, các hội ấy đã xây dựng thêm được nhiều hội quán, mở nhà in, phòng phát thuốc, thư viện, phát hành các cơ quan ngôn luận, kinh sách... 

Ðồng thời với các hội nói trên, các Giáo hội Tăng già cũng tuần tự được tổ chức có qui củ, tập trung được nhiều vị tăng tài, có thực tu, thực học; và do đó đã gây được sự tín nhiệm lớn trong hàng Phật tử, và lấy lại cái địa vị và trọng trách lãnh đạo tín đồ mà đức Phật đã giao phó. 

Các hội cư sĩ và các Giáo hội Tăng già đã được chỉnh đốn và có thực lực ở Bắc, Trung, Nam ba miền, nhưng chưa có cơ hội thuận tiện để thống nhất ý chí và hành động, mặc dù ý niệm thống nhất đã manh nha từ lâu trong đầu óc những nhà lãnh đạo Phật giáo. 

Nhưng cái gì phải đến, sẽ đến. Ngày 6-5-1951 một đại hội toàn quốc đã được triệu tập tại chùa Từ Ðàm ở Huế, gồm 51 đại biểu Tăng già và cư sĩ của sáu tập đoàn ở ba miền (ba tập đoàn Tăng già và ba tập đoàn Cư sĩ) để thành lập “Tổng hội Phật giáo Việt-Nam” và bầu ban chấp hành Trung ương cho Phật giáo toàn quốc, hay ban “Quản trị Tổng hội Phật giáo Việt-Nam”. 

Hiện nay, Tổng hội Phật giáo Việt Nam là đoàn thể quan trọng nhất ở Việt-Nam có tổ chức chặt chẽ hơn hết, theo đúng tinh thần của đạo Phật và quy tụ trên một triệu hội viên. 

Tổng hội Phật giáo Việt Nam cũng là hội viên sáng lập của Tổng hội Phật giáo thế giới, thành lập năm 1950 tại Cô Lôm Bô và đã cử đại biểu đi tham dự tất cả các khóa họp của Tổng hội Phật giáo thế giới. Tổng hội Phật giáo Việt-Nam gồm các ngành hoạt động sau đây: Hoằng pháp, Giáo dục, Văn mỹ nghệ, Thanh niên, Nghi lễ, Từ thiện xã hội...(1) 

C. KẾT LUẬN

Từ thuở đức Từ phụ nhập Niết bàn đến nay đã trên 25 thế kỷ rồi mà mặt trời chánh pháp, mặc dù đôi khi bị đám mây đen lướt qua, nhưng vẫn chiếu sáng toàn cõi đại địa. Riêng Việt Nam đã được ánh sáng ấy chiếu đến gần 20 thế kỷ. Trong lịch sử Việt Nam, những giai đoạn Phật giáo thạnh hành là quốc gia được tự chủ, độc lập và hùng cường. Ngày nay Phật giáo Việt Nam đã được phục hưng, ánh sáng lại rực rỡ thêm. Ðây là tin lành báo trước cho dân tộc Việt Nam. 

 Chúng ta tin chắc rằng với cái đà tiến triển như hiện nay, phong trào Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng sẽ còn dâng cao, bủa rộng hơn nữa. Chúng ta có đủ lý do để tin tưởng như vậy, vì Phật giáo không trái với khoa học ngày nay, mà còn là một nguồn an ủi, một suối yêu thương rất cần thiết cho nhân loại.


(1) Tập sách này soạn trước khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ra đời.

(Xem tiếp Bài thứ 6: MƯỜI TÔN PHÁI PHẬT GIÁO Ở TRUNG HOA - LUẬT TÔN) 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6919913