PHPT2 K.VI - Bài thứ 4: A NAN CẦU PHẬT CHỈ CÁI “ĐIÊN ĐẢO”
PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 2
Sa môn THÍCH THIỆN HOA
KHÓA VI: TRIẾT LÝ ĐẠO PHẬT HAY LÀ ÐẠI CƯƠNG KINH LĂNG NGHIÊM
Bài thứ 4: A NAN CẦU PHẬT CHỈ CÁI “ĐIÊN ĐẢO”
I. A NAN CẦU PHẬT CHỈ CÁI “ĐIÊN ĐẢO”.
Khi ấy A Nan đứng dậy lạy Phật, kính cẩn bạch rằng:
- Nếu cái thấy, nghe, không sanh diệt này là “tâm” của chúng con, tại sao trước kia đức Thế Tôn lại quở chúng con “bỏ mất chơn tâm, làm việc điên đảo”?
Cúi xin đức Như Lai mở lòng từ bi chỉ dạy cho chúng con biết cái “điên đảo” ở chỗ nào.
II. PHẬT DẪN TỶ DỤ ĐỂ CHỈ RÕ CÁI “ĐIÊN ĐẢO”.
Khi đó Phật xuôi cánh tay chỉ xuống đất, hỏi ông A Nan rằng:
- Ông thấy cánh tay của ta như thế này, là xuôi hay ngược?
A Nan thưa:
- Các người trong thế gian cho như thế là ngược; còn con thì không biết thế nào là ngược hay xuôi.
Phật lại hỏi ông A Nan:
- Các người trong thế gian cho như thế là ngược, thì họ cho như thế nào mới là xuôi?
A Nan thưa:
- Đức Như Lai đưa cánh tay lên, năm ngón chỉ thẳng lên hư không, như thế là xuôi.
Phật liền đưa cánh tay lên, rồi kêu A Nan mà bảo rằng:
- Cũng một cánh tay này chứ không chi khác, chẳng qua chỉ đổi đầu làm đuôi, đổi đuôi làm đầu mà thôi, thế mà người thế gian, chấp thế này là ngược và thế kia là xuôi; điên đảo là đấy! Đấy là điên đảo!
Đem một cánh tay này mà so sánh, để chỉ rõ thêm ra: Thân Như Lai gọi là thân Phật (giác ngộ), thân các ông gọi là thân điên đảo (chúng sanh). Vậy ông nên chín chắn xem xét: thân ông và thân Phật, cái “điên đảo” (chúng sanh) ở chỗ nào?
LƯỢC GIẢI
Ý Phật chỉ: Đồng một thể tánh chơn tâm, vì vô minh vọng động, chấp đây thật là Phật, kia thật là chúng sanh. Đó là “điên đảo”.
III. PHẬT CHỈ NGAY CÁI “ĐIÊN- ĐẢO”
Khi ấy A Nan và đại chúng ngó Phật sửng sốt, đôi mắt không nháy, vì không biết ở nơi thân này và tâm này, cái “điên đảo” ở chỗ nào!
Phật thấy vậy thương xót, mới dạy tiếp:
- Ta thường nói: “Các pháp đều duy tâm biến hiện, cho đến thân và tâm ông ngày nay, cũng đều là vật ở trong chơn tâm hiện ra”. Tại sao các ông lại bỏ cái bản thể chơn tâm đi. Các ông vẫn ở trong ngộ (chơn tâm) mà trở lại đành ôm lấy cái mê (vọng) làm mình (điên đảo là đó), thật đáng buồn thương!
IV. PHẬT DẠY: VÌ MÊ NÊN CÓ THẾ GIỚI VÀ CHÚNG SANH
- Này A Nan, bởi vô minh vọng động nên biến hiện ra có hư không, thế giới và chúng sanh. Trong thân chúng sanh vì có vọng tưởng lẫn lộn, nên nó vọng động leo chuyền bên trong (như vượn, như ngựa); khi các giác quan mở ra, thì nó rong ruổi theo trần cảnh bên ngoài (như vượn sút xiềng, ngựa tông chuồng). Rồi các ông chấp cái tướng vọng tưởng lăng xăng bên trong đó, cho là tâm tánh của mình. Một phen chấp nó làm tâm, thì không sao khỏi mê lầm cho rằng “tâm ở trong thân”.
Chứ đâu biết rằng: thân này, tâm này, cho đến núi, sông, thế giới và hư không đều là vật trong chơn tâm hiện ra cả.
LƯỢC GIẢI
Như người đương thức (dụ chơn tâm) bỗng chốc buồn ngủ (dụ vô minh). Khi ngủ chiêm bao thấy có hư không, thế giới, chúng sanh và mình (dụ vô minh sanh ra thế giới và chúng sanh), rồi chấp cái thân và tâm trong chiêm bao kia là mình, mà bỏ cả cảnh thức tỉnh rộng lớn này đi v.v... (dụ như vì mê muội nên nhận cái vọng thân vọng tâm này làm mình, cảnh này là thật, mà bỏ cả toàn thể chơn tâm sáng suốt rộng lớn kia).
***
- Cái chơn tâm rộng lớn như vậy, các ông lại bỏ đi không nhận, trở lại chấp cái vọng thân, vọng tâm này cho là thật của mình. Cũng như toàn thể bể cả rộng khơi trong trẻo kia không nhận, trở lại chấp một hòn bọt nhỏ nhen cho là toàn thể bể cả, thật là điên đảo! Các ông là một trong vô số người mê muội, thật đáng thương xót!
Như, cũng một cánh tay của ta, mà chấp thế này là ngược, thế kia là xuôi, cũng đồng một loại điên đảo!
V. A NAN ĐÃ HIỂU ĐƯỢC “CHƠN TÂM” SONG CHƯA DÁM NHẬN.
Ông A Nan vì thấy lòng từ bi tha thiết của Phật thương xót hết sức nồng hậu, chỉ dạy rất thâm trầm, nên cảm động rơi nước mắt, kính cẩn bạch Phật rằng:
- Con tuy nhờ Phật chỉ dạy cho hiểu được chơn tâm, nhưng hiện nay con vẫn còn dùng “cái tâm phân biệt” (vọng tâm) nghe lời Phật nói, rồi ngộ suông cái chơn tâm này mà thôi, nên chưa dám nhận chắc là tâm của con. Vậy xin Phật thương xót chỉ dạy cho con hết nghi ngờ, để trở về với đạo vô thượng.
Phật dạy:
- Nếu các ông lấy vọng tâm nghe chánh pháp (chơn tâm) thì chánh pháp này cũng trở thành ra vọng, không thể nghe đặng chánh pháp.
Các ông nên biết: Ta cũng như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng, các ngươi phải nhơn ngón tay mà xem mặt trăng. Nếu chấp ngón tay cho là mặt trăng, thì chẳng những không thấy được mặt trăng, mà cũng không biết luôn cả ngón tay. Vì cho ngón tay là mặt trăng, thì không những không biết ngón tay là gì, mà cũng không biết thế nào là tối và sáng. Vì mê chấp ngón tay là mặt trăng, thì tối và sáng làm sao rõ được.
Nay nếu các ông chấp cái “phân biệt” (vọng) làm tâm của mình, thì cái tâm này, khi rời tiếng nói pháp của ta, cũng vẫn còn phân biệt, thế mới phải thật là tâm của các ông (chủ). Nếu rời tiếng nói pháp của ta ra, mà các ông không còn phân biệt nữa, thì đó là vọng (khách) chớ không phải thật tâm (chủ) của các ông rồi.
Cũng như người khách, chỉ ngủ nhờ rồi đi, chớ không ở lại được. Nếu thật là chủ nhà, thì ở luôn chớ không còn đi đâu nữa.
Cũng thế, nếu thật là tâm của ông, thì không đi đâu cả. Tại sao khi rời tiếng nói pháp của ta, thì ông không còn phân biệt nữa?
Không những cái “phân biệt” về tiếng, cho đến cái “phân biệt” về sắc, hương, vị, xúc và pháp, nếu rời sáu trần cảnh ra, thì nó đều không còn phân biệt nữa. Thế thì cái tâm của ông đồng là khách, có chỗ trả về. Vậy cái nào là “chủ”, thật là tâm của ông?
A Nan hỏi Phật:
- Nếu cái tâm của con có chỗ trả về (trần cảnh qua thì tâm phân biệt hết) thì tại sao đức Như Lai lại nói: “Cái chơn tâm của con không trả về đâu cả?”. Xin Phật mở lòng từ bi chỉ dạy cho.
VI. PHẬT CHỈ TÂM LẦN THỨ TƯ
Phật dạy:
- Này A Nan, tất cả cảnh vật trong thế gian không ngoài: sáng, tối, trống, bít, trong, đục, v. v... Nay ta đem các vật này, cái nào trả về cho bản nguyên của cái nấy. Như ánh sáng thì trả về cho mặt nhựt, vì không mặt nhựt thì không sáng; còn tối thì trả về cho ban đêm, thông trả về cho trống, bít trả về cho vách, trong trả về cho tịnh, đục trả về cho bụi, v.v... Cái nào trả về cho cái nấy rồi; còn cái “thấy” của ông thấy các cảnh vật đó, ông muốn trả nó về đâu? Nếu trả về cho cái sáng, thì khi tối đến đáng lẽ ông không thấy tối. Nếu trả nó về cho cái tối, thì khi sáng đến ông cũng phải không thấy sáng; còn trả về cho trống, bít, v.v... cũng thế.
Rõ ràng các cảnh vật tuy có thiên sai vạn biệt, mà “cái thấy” của ông thật không sai khác. Như vậy, cái nào có thể trả được, thì cái đó là khách, tự nhiên không phải là ông rồi; còn cái nào ông không thể trả được, thì cái đó là chủ, quyết định của ông chớ ai?
Cái tâm của ông mầu nhiệm sáng suốt và sẵn sàng như vậy, tại sao ông lại tự mê muội đi, trở lại nhận cái vọng làm mình, đành chịu nổi chìm trong biển khổ sanh tử, thật đáng thương xót !
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Phật phân tách các trần tướng, cái nào trả về cái nấy, để cho rõ “cái thấy” không trả về đâu được. Đó là cái “Chủ”, là “Tâm” của chúng ta vậy.
VII. A NAN CÒN NGHI HỎI PHẬT
A Nan thưa:
- Bạch Thế Tôn, con tuy biết cái “thấy” này, không trả về đâu được, nhưng làm sao biết chắc nó là “chơn tâm” của con?
VIII. PHẬT CHỈ TÂM LẦN THỨ NĂM
Phật dạy rằng:
- Này A Nan, nay ông thử xem trước mắt, tất cả các cảnh vật sum la vạn tượng, nào là núi sông, đất nước, v.v... Ông nên lựa riêng ra cái nào thuộc về cảnh vật, còn cái nào là tâm ông.
Này A Nan, cùng tột tầm mắt thấy của ông, ngó lên thì thấy mặt trời, mặt trăng, đó là vật chớ không phải là ông; xem rộng ra, núi, sông, cây cối, cỏ hoa, người thú; cho đến gió bụi, chim chóc, cũng đều là vật chớ không phải ông.
A Nan, tất cả các cảnh vật, mặc dù có cao thấp, xa gần, ngàn sai muôn khác, song cũng đều là “vật bị thấy” của ông cả. Các vật loại tuy có sai khác, mà cái “thấy” của ông không khác. Thế thì cái “thấy” này chính là “tâm” của ông chứ không phải vật.
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Phật chỉ tâm rất rõ ràng.
IX. PHẬT DẠY THÊM CÁI “THẤY” LÀ TÂM CHỨ KHÔNG PHẢI VẬT
Nếu cái “thấy” này là vật, thì ông cũng có thể thấy được cái “thấy” của ta.
Nếu ông cùng ta đồng thấy một vật, (bị thấy) mà ông cho là thấy được “cái thấy” của ta, thời khi ta không thấy, sao ông chẳng thấy được cái “không thấy” của ta? (vì cái thấy không phải vật nên chẳng thấy được nó).
Nếu ông nói: Thấy được cái “không thấy” của ta, thì ông thấy cái gì đó, chớ quyết định không phải là thấy cái “không thấy” (tâm) của ta. Nếu ông không thấy được cái “không thấy” của ta, thì quyết định nó là “tâm”, đương nhiên không phải vật rồi.
Lại nữa, nếu cái thấy là vật, thì khi ông thấy nó, nó cũng phải thấy được ông. Như vậy thời tâm, vật lộn lạo; và trong thế gian này, không thể phân biệt được loài hữu tình (tâm), và loài vô tình (vật).
LƯỢC GIẢI
Đại ý đoạn này Phật nói “vật” thì bị thấy, còn “tâm” thì không bị thấy. Bởi cái thấy là “tâm”, nên không thể thấy được nó.
***
Này A Nan, khi ông thấy các cảnh vật, cái thấy của ông khắp giáp tất cả, cái thấy đó không phải của ta và của người khác, thì quyết định của ông chớ ai?
Rất rõ ràng như thế, tại ông còn nghi “chơn tâm” của ông? Cái “chơn tâm” của ông như vậy, sao ông không tự nhận lấy, lại đi cầu ta chỉ “chơn tâm” cho nữa?
LƯỢC GIẢI
Đoạn này, Phật chỉ tâm rõ ràng hơn hết.
X. A NAN NGHI “CÁI THẤY” CÓ LỚN NHỎ, ĐỨT NỐI.
A Nan thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn, nếu cái “thấy” này quyết định là tâm của con, chớ không phải của ai, thì khi con xem vũ trụ bao la, thấy mặt trời, mặt trăng, v.v... lúc bấy giờ cái thấy của con rộng lớn khắp giáp cả hư không. Khi con trở vào trong nhà, thì chỉ thấy nội trong nhà thôi.
Vậy cái thấy này nó phải rút nhỏ lại, chun vào nhà, hay là khi vào nhà, nó bị tường vách cắt đứt, nên còn nhỏ như thế? Chúng con không biết nghĩa này thế nào, xin Phật từ bi chỉ dạy.
XI. PHẬT DẠY: TRẦN CẢNH CÓ LỚN NHỎ, CÁI “THẤY” KHÔNG LỚN NHỎ
Phật dạy:
- Này A Nan, trong thế gian tất cả cảnh vật có lớn nhỏ trong ngoài, tốt xấu, v.v...đều thuộc về trần cảnh hiện tiền cả, chớ không phải cái thấy của ông có lớn nhỏ, tóp lại hay nới ra.
Cũng như trong cái hộp vuông, thì thấy hư không vuông, trong cái chén tròn thấy hư không tròn. Vì chén tròn, hộp vuông, nên thấy hư không có vuông và tròn, chớ không phải cái hư không thật có tướng vuông tròn.
Nếu hư không quyết định là vuông, thì khi để cái chén tròn, đáng lẽ không thấy hư không tròn.
Trái lại, nếu hư không quyết định là tròn, thì khi để hộp vuông, đáng lẽ không thấy nó vuông.
Vậy nên biết: vuông, tròn là tại đồ vật, chớ không phải hư không có vuông, tròn. Nếu phá hết các đồ vuông, tròn thì ông sẽ thấy hư không không có tướng vuông, tròn. Không phải bỏ hư không vuông mà có hư không tròn, hay trừ hư không tròn mà có hư không vuông.
Cái “thấy” của ông cũng thế, không có vuông tròn hay lớn nhỏ, mà lớn nhỏ, vuông tròn là tại cảnh vật.
Nếu ông cho khi vào nhà, cái “thấy” quyết định phải tóp nhỏ lại, thì khi ông ra ngoài sân xem mặt nhựt, ông phải kéo giãn cái “thấy” ra đến mặt nhựt hay sao?
Lại nữa, khi vào nhà, nếu ông cho cái thấy bị cắt đứt đi, thì khi xoi vách trống ra một lỗ, thấy được bên ngoài, sao cái thấy của ông không có dấu nối?
Nghĩa đó rất rõ ràng như vậy, chớ có chi lạ mà ông nói không biết.
A Nan, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến giờ vì mê mình (tâm) làm vật, bỏ mất chơn tâm của mình, bị cảnh vật xoay chuyển (chi phối) nên thấy có lớn nhỏ, rộng hẹp, tốt xấu, v.v... Nếu ai chuyển xoay được cảnh vật, thân tâm đặng sáng suốt viên mãn, thì đồng với chư Phật. Lúc bấy giờ không rời nơi đạo tràng (chỗ nầy) mà ở trên đầu một mảy lông, có thể chứa đựng khắp cả mười phương thế giới.
LƯỢC GIẢI
Từ nơi thể tánh chơn tâm, vì vô minh vọng động, sanh ra có hư không thế giới, chúng sanh cùng các cảnh vật, nên gọi “mê mình là vật”.
Khi có cảnh vật rồi, cứ theo đó mà phân biệt xấu tốt, lớn nhỏ, mừng giận, v.v... nên nói “bị vật chuyển xoay”.
Đến khi hết vô minh vọng động, trở lại với thể tánh chơn tâm, thì các cảnh vật ấy không còn; như người thức giấc chiêm bao, thì cảnh chiêm bao kia hết, nên nói “xoay chuyển vật” là thế.
Lúc bấy giờ, một sợi lông hay mười phương thế giới cũng đều là chơn tâm cả. Đã đồng là chơn tâm, thì không còn thấy thế giới lớn hơn sợi lông, hay sợi lông nhỏ hơn thế giới, vì đồng một thể tánh, nên nói: “Trên đầu một sợi lông, có thể chứa đựng mười phương thế giới”.
Đoạn này lý thâm, phải suy nghĩ nhiều mới hiểu.
(Xem tiếp Bài thứ 5: A NAN NGHI: NẾU CÁI “THẤY” LÀ MÌNH THÌ THÂN TÂM NÀY LÀ AI?)
Bình luận bài viết