Tin tức

CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN: NHỮNG PHẨM CHẤT NỔI BẬT

CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN:

NHỮNG PHẨM CHẤT NỔI BẬT

 

 

TS. DƯƠNG HOÀNG LỘC

Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP. HCM

 

 

1. Lời dẫn

Cụ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền (1905-1973) là vị cư sĩ uyên thâm Phật học và đã có nhiều đóng góp lớn cho Phật giáo Việt Nam thời kỳ hiện đại. Không chỉ là một chính khách, một nhà văn hóa nổi danh, ông trở thành Tổng Thư ký rồi Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt- một tổ chức Phật giáo hoạt động sôi nổi, rộng khắp ở các tỉnh miền Nam với trên 40 tỉnh hội, chi hội Phật học. Ngày nay, để ghi nhớ công lao của vị cư sĩ đóng góp lớn cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, vị hộ pháp uy tín và tài năng, Chùa Phật học Xá Lợi - ngôi chùa do cụ đứng ra thành lập đã đặt bức tượng (năm 2018) để thế hệ sau tưởng nhớ về những đóng góp quí báu của Cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền đối với sự phát triển của đạo pháp trong giai đoạn lịch sử nước nhà có nhiều biến chuyển, thăng trầm. Thiết nghĩ, để có được thành tựu đáng kính này chính là nhờ vào sự tích lũy những tri thức quí báu về thế học lẫn Phật học, khả năng thông thạo ngoại ngữ và nhất là sự tinh tấn, dũng mãnh để cụ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền trở thành vị cư sĩ tận tụy, nhiệt tình cho sự nghiệp hoằng dương chánh pháp.

2. Vị cư sĩ có nhiều phẩm chất nổi bật

Tìm hiểu về cuộc đời lẫn sự nghiệp mà cụ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền để lại, chúng tôi nhận thấy cư sĩ có nhiều phẩm chất nổi bật sau đây:

- Thứ nhất, cụ sinh ra và trưởng thành trong một gia đình có gia thế ở làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre thời bấy giờ (nay thuộc xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Thân phụ là cụ ông Mai Thanh Cần, thân mẫu là bà Võ Thị Sô. Cư sĩ được gia đình tạo điều kiện ăn học bài bản để phát triển sự nghiệp sau này. Sau khi tốt nghiệp Sơ học Pháp-Việt ở Bến Tre, ông theo học Trường Trung học Mỹ Tho rồi Trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Đây là một tiền đề quan trọng để hình thành nên phẩm chất trí thức, con người tài năng trong cụ lẫn sự nghiệp thăng tiến về sau. Ngoài ra, theo đánh giá của Nguyễn Lang trong Vit Nam Phật giáo sử luận: Cụ Chánh Trí là một người thông minh, có tài suy luận diễn dịch. Nhờ đó, sau này, khi tiếp xúc với kinh điển, cụ có nhiều nhận xét thú vị, gây hứng thú cho người đọc1.

- Thứ hai, trước và sau khi đến với Phật giáo, cư sĩ Mai Thọ Truyền là một chính khách uy tín, nhà văn hóa lớn đương thời. Năm 1924, sau khi đậu Thư ký hành chánh và được bổ đi làm việc nhiều nơi (Sài Gòn, Hà Tiên, Chợ Lớn). Tiếp đó, ông được bổ làm tri huyện ở Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên, Sa Đéc. Trước nhiều biến động của thời cuộc, năm 1947, Mai Thọ Truyền xin chính quyền quay trở về Sài Gòn, sau đó liên tục được bổ nhiệm vào những vị trí cao trong bộ máy như: Chánh văn phòng Phủ thủ tướng Nguyễn Văn Xuân, Chánh văn phòng Bộ Kinh tế, Giám đốc hành chánh sự vụ Bộ Ngoại giao,…Sau cuộc đảo chánh chính quyền Ngô Đình Diệm (1963), Ông tham gia Hội đồng nhân sĩ cách mạng, tham gia ứng cử phó tổng thống với liên danh Trần Văn Hương. Năm 1968, ông được mời làm Quốc vụ khanh kiêm Viện trưởng Giám sát viện, rồi Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa. Ở vị trí này, cụ Mai Thọ Truyền đã có nhiều đóng góp trên phương diện văn hóa nước nhà, cụ thể là xây dựng Thư viện quốc gia (nay là Thư viện Tổng hợp), thành lập Văn khố quốc gia và Nhà văn hóa, thành lập và thúc đẩy Ủy ban Điển chế văn tự, lập Ủy ban dịch thuật và xuất bản các sách Hán Nôm quí hiếm, thành lập chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế. Trong chính trường, ông là người chính trực, liêm khiết và thương dân nên được nhiều người quí mến. Về phương diện văn hóa, cụ là người khởi xướng nhiều hoạt động bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc nên được tầng lớp trí thức mến mộ, trân trọng.

- Thứ ba, do nhân duyên với Phật pháp, cụ Mai Thọ Truyền, mặc dù bận rộn với việc quan trường, nhưng vẫn lưu tâm tìm hiểu về những tư tưởng, triết học của nhiều tôn giáo thông qua sách vở. Ngay khi còn làm việc ở miền Tây, với trí thông minh và nhạy bén, cụ đã đàm luận với nhiều vị am tường Nho học, các nhà sư thông hiểu Phật học cùng thời nhưng vẫn chưa thỏa mãn sự hiểu biết, tìm tòi của cụ. Đặc biệt, một duyên may lẫn vinh hạnh lớn đối với cụ là gặp được Hòa thượng Thích Hành Trụ (1904-1984)-một vị cao Tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại đang hành đạo tại Sa Đéc. Sau khi được hòa thượng khai thị những yếu chỉ căn bản nhất để học Phật, đồng thời nhận thấy uy nghi và đức độ của ngài, cụ Mai Thọ Truyền hết sức kính ngưỡng và xin Hòa thượng Hành Trụ qui y làm đệ tử. Hòa thượng hoan hỉ truyền tam qui ngũ giới cho cụ Mai Thọ Truyền và đặt pháp danh là Chánh Trí. Từ đó, Phật tử Chánh Trí-Mai Thọ Truyền dốc lòng ủng hộ Phật pháp, nhất là sự nghiệp hoằng dương đạo pháp với mục tiêu hướng đến trí tuệ và xây dựng chánh tín cho hàng cư sĩ. Về đời sống bản thân, ông thực hiện chế độ trường trai từ đó. Mặc dù giữ vị trí cao trong bộ máy chính quyền thời bấy giờ, sức ảnh hưởng lớn đối với Phật giáo, nhưng cụ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền luôn luôn nhất mực kính ngưỡng Hòa thượng Hành Trụ cùng chư đại Tăng thời bấy giờ như Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa,… Các vị Hòa thượng là chỗ dựa, là ngọn đèn chỉ lối để cụ trau dồi kiến thức Phật học và tu tập, hướng dẫn cho các hoạt động Phật sự của Hội Phật học Nam Việt. Đặc biệt, với Hòa thượng Thích Hành Trụ, Cư sĩ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền nói riêng và Hội Phật học Nam Việt nói chung hết mực kính trọng. Hội đã cung thỉnh Hòa thượng ở ngôi vị Chứng minh đạo sư Hội Phật học Nam Việt xuyên suốt cho đến ngày về cõi Phật (1956-1984).

- Thứ tư, không dừng lại ở đó, cư sĩ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền quyết tâm đóng góp vào sự truyền bá giáo lý nhà Phật đến xã hội, thực hiện lý tưởng hoằng pháp lợi sanh của người con Phật, đồng thời hết lòng bảo vệ đạo pháp. Nhờ vậy, đối với hậu thế ngày nay, cụ là vị đại cư sĩ đóng góp rất lớn vào công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà. Trước tiên, cụ là người khởi xướng thành lập, đồng thời trở thành linh hồn của Hội Phật học Nam Việt. Theo lời kể lại của Cư sĩ Tống Hồ Cầm: Hội Phật học Nam Việt thành lập năm 1950 tại Sài Gòn, là đoàn thể nam nữ đạo hữu Phật học ở Miền Nam Việt Nam có tổ chức rõ ràng, có điều lệ nội qui được chính quyền thời bấy giờ chứng nhận pháp lý hoạt động. Trước năm 1975, hội có trên 40 tỉnh hội, chi hội. Riêng hội sở trung ương có trên 6.000 hội viên ghi tên gia nhập. Đó là chưa kể hội viên tán trợ công đức, cảm tình viên lên đến 10.000 hội viên2. Cụ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền chính là người khởi động thành lập tổ chức này. Với đức độ, tài năng và uy tín của mình, cư sĩ đã tập hợp được nhiều thành phần trí thức Phật giáo, nhất là được sự ủng hộ và cộng tác của chư Tăng như quí Hòa thượng Quảng Liên, Thiện Hòa, Huyền Dung,… làm nòng cốt để tổ chức này phát triển rộng rãi, qui mô và hoạt động hiệu quả. Cư sĩ được tín nhiệm suy cử bầu Tổng thư ký của hội khi mới thành lập rồi nhận chức Hội trưởng từ năm 1955 cho đến ngày ông mất. Tiếp đó, Cụ Chánh trí-Mai Thọ Truyền đứng ra vận động kiến tạo ngôi chùa Phật học Xá Lợi-Trụ sở hoạt động của Hội Phật học Nam Việt sau này. Tại ngôi chùa này, cư sĩ cùng với các cộng sự tổ chức các hoạt động giảng kinh nhằm truyền bá chánh pháp của Đức Phật đến với quần chúng nhân dân. Với sở học và kiến thức, lòng nhiệt tâm, cư sĩ được mời tham gia thành lập và giảng dạy tại Đại học Vạn Hạnh trong giai đoạn vừa mới thành lập. Ông được mời giữ chức phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh, kiêm tổng thư ký niên khóa 1967-1968. Vì vậy, có thể đánh giá rằng, cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền có uy tín cao đối với giới Phật giáo thời bấy giờ. Cụ đã tổ chức được nhiều sự kiện gây tiếng vang lớn. Cụ thể nhất là sự kiện:

“Để làm đòn bẩy thúc đẩy cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam, năm 1952, ông và Hội Phật Học Nam Việt đã tạo nên Phật sự vô cùng quan trọng, gây được tiếng vang khắp toàn quốc. Đó là lễ rước ngọc Xá Lợi tại Sài Gòn vào ngày 13-9-1952. Nhân khi phái đoàn Phật giáo Tích Lan đi dự Đại Hội Phật Giáo thế giới kỳ II tại Tokyo, có mang theo một viên ngọc Xá Lợi để tặng quốc gia Nhật Bản. Trên đường đi, phái đoàn quá cảnh Sài Gòn 24 tiếng đồng hồ. Cuộc rước ngọc Xá Lợi đã được đông đảo Tăng Ni, Phật tử và đồng bào thành phố và các tỉnh lân cận tham dự để chiêm bái Xá Lợi Phật đầu tiên đến Việt Nam”3.

Ngoài ra, trong Phong trào Phật giáo năm 1963, cụ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền được tín nhiệm bầu làm Tổng Thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo để bảo vệ sự tồn vong của đạo pháp, đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi quyền bình đẳng tôn giáo. Qu đây cho thấy ý thức trách nhiệm của bản thân cụ và Hội Phật học Nam Việt trước sự tồn vong của Phật pháp: “Ông và Hội Phật Học Nam Việt đồng ý để Ủy ban đặt trụ sở trung ương tại chùa Xá Lợi. Khi chính quyền cho quân đội và cảnh sát đánh phá, phong tỏa chùa, bắt bớ cầm tù Tăng Ni Phật tử, ông cũng chịu chung số phận. Chùa Xá Lợi trở thành địa điểm lịch sử trong cuộc đấu tranh kiên cường đẫm máu của Phật giáo đồ chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo”4.

- Thứ năm, trên con đường phụng sự đạo pháp, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền lúc nào cũng là vị trí thức chân chính, hết mực tận tụy trong sự nghiệp viết sách, dịch kinh nhằm hoằng truyền giáo lý nhà Phật. Những tác phẩm mà cụ để lại rất có ý nghĩa cho những ai muốn nghiên tầm giáo điển nhà Phật, hiểu biết về lịch sử-văn hóa Phật giáo. Đó là các quyển: Tâm và Tánh, Ý nghĩa Niết Bàn, Một đời sống vị tha, Tâm kinh Việt giải,  Le Bouddhisme au Viet Nam, Pháp Hoa huyền nghĩa, Địa Tạng mật nghĩa (1965) do Hội Phật học Nam Việt xuất bản. Ngoài ra, ông còn một số tác phẩm chưa xuất bản như: Truyền tâm pháp yếu, Tây Du Ký, Hư Vân Lão Hòa Thượng, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Mười lăm ngày ở Nhật, Vòng quanh thế giới Phật giáo, Đạo đời, Khảo cứu về Tịnh Độ Tông, Mật Tông và một tác phẩm đang viết dở là Kinh Lăng Nghiêm. Những quyển sách này chứng tỏ rằng ông là người có nhân duyên rất lớn với Phật pháp, thâm nhập được diệu nghĩa kinh tạng Đại thừa, thể hiện rõ chí hướng hoằng truyền giáo lý nhà Phật để xã hội thực hành, phát triển nền tảng đạo đức,… Đặc biệt, Tạp chí Phật học Từ Quang do cụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút hoạt động liên tục trong vòng 23 năm (1951-1973) với 242 ấn phẩm có giá trị, phổ biến nhiều kiến thức Phật học có giá trị đến giới Phật giáo đương thời. Hầu hết, các quyển này đã được Thượng tọa Thích Đồng Bổn-Trụ trì Chùa Phật học Xá Lợi in và tái bản, được gọi là Chánh Trí toàn tập gồm 16 quyển để thế hệ sau được tiếp cận di sản tinh thần của cụ Mai Thọ Truyền một cách thuận lợi và dễ dàng.

3. Kết luận

Cụ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền là vị đại cư sĩ của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, tiếp tục phát huy tinh thần chấn hưng Phật giáo để góp phần xiển dương giáo lý nhà Phật theo đúng chánh pháp đến rộng rãi quần chúng. Vì thế, cụ có sức ảnh hưởng đối với Phật giáo cũng như xã hội đương thời. Từ ngày đến với Phật pháp, tận hiến tài năng và trí tuệ cho hoạt động Hội Phật học Nam Việt, cụ xứng đáng được xưng tụng là vị đại cư sĩ, một gương mặt lớn của giới cư sĩ Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Thiết nghĩ, ở cụ đã hội tụ trọn vẹn phẩm chất của vị cư sĩ đáng trân trọng như trong Kinh Tăng Chi II mà Đức Phật đã dạy: “Thành tựu năm pháp này, này các tỷ kheo, nam cư sĩ là hoàn ngọc trong giới nam cư sĩ, là hoa sen hồng, là hoa sen trắng trong giới nam cư sĩ. Thế nào là năm? Có lòng tin, có giới, không đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt, không tin tưởng điềm lành, tin ở hành động, không tìm kiếm ngoài Tăng chúng người xứng đáng tôn trọng và tại đấy phục vụ trước”5.

Nhìn lại cuộc đời của Cụ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền, chúng tôi thấy rằng cụ đã hoàn thành trọn vẹn, hài hòa với hai con đường đạo và đời. Ở phương diện nào, cụ cũng đều gặt hái được những thành tựu to lớn, có sự ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Cho nên, khi cụ qua đời, cư sĩ Lý Học đã viếng đôi câu đối khái quát rõ về điều này:

Cụ trượng phu tướng, cụ phúc đức tướng, cụ từ bi tướng,

tướng tướng viên mãn

Hiện cư sĩ thân, hiện tể quan thân, hiện trưởng giả thân,

thân thân trang nghiêm”6.

Hội tụ trọn vẹn phẩm chất của người cư sĩ Phật giáo, Cư sĩ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền đã tiếp nối truyền thống hộ trì Tam bảo, hoằng dương chánh pháp, đồng thời tu tập hạnh giải thoát của người cư sĩ Phật giáo có từ thời Đức Phật (Tu Bồ Đề, Duy  Ma Cật,…).

 


1. Nguyễn Lang (2004), Vit Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, trang 720.

2. Tống Hồ Cầm, Đạo hữu Chánh Trí và Hội Phật học Nam Việt. Nguồn: http://chuaxaloi.vn/

thong-tin/dao-huu-chanh-tri-va-hoi-phat-hoc-nam-viet/1379.html. Ngày truy cập: 25/1/2019.

3. Thích Đồng Bổn, Cư sĩ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền (1905-1973). Nguồn: https://quangduc. com/author/about/728/chanh-tri-mai-tho-truyen. Ngày truy cập: 25/2/2019.

4. Thích Đồng Bổn, Cư sĩ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền (1905-1973). Nguồn: https://quangduc. com/author/about/728/chanh-tri-mai-tho-truyen. Ngày truy cập: 25/2/2019.

5. Thích Quảng Tánh (biên soạn và lời bàn), Cư sĩ. Nguồn: https://tangthuphathoc.net/05-cu- si/. Ngày truy cập: 25/2/2019.

6. Nguyễn Lang (2004), Vit Nam Phật giáo sử luận…, trang 724.

 

TÀI LIỆU THAM  KHẢO

1. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang (tập 1), Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh (2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo tư liệu báo chí từ 1927-1938, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội.

3. Nguyễn Lang (2004), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 45
    • Số lượt truy cập : 6782328