Tin tức

VÀI Ý KIẾN VIẾT VỀ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

VÀI Ý KIẾN VIẾT VỀ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

 

ĐINH HỮU CHÍ (Sao lục)

 

Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã cống hiến trọn đời cho việc phụng sự Phật pháp. Ông là một người cư sĩ mẫu mực uyên thâm giáo lý, tận tụy với đạo dù đang ở những địa vị cao của quan trường. Ông là một điển hình cho sự tích cực của hàng cư sĩ lợi đạo ích đời theo tinh thần đạo Phật, và là điểm sáng chói ở miền Nam trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo, góp phần lớn lao trong sự nghiệp truyền bá tri thức Phật học, nhất là phát triển hệ thống Phật học cư sĩ do ông sáng lập ra vẫn còn duy trì hoạt động cho đến ngày nay.

Cư sĩ Tống Hồ Cầm: “Chánh Trí Mai Thọ Truyền, người có công lớn với Hội Phật học Nam Việt”

“Phải nói rằng ở miền Trung, có đạo hữu Tâm Minh Lê Đình Thám là trụ cột của công cuộc chấn hưng Phật giáo, thì ở miền Nam có đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một khuôn mặt Phật tử lớn đã cống hiến nhiều công lao trong việc chấn hưng và xây dựng Phật giáo phương Nam. Trong đó, ông là người có công lớn trong việc khởi xướng cùng với Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, với sự cộng tác đắc lực của các danh tăng Quảng Minh, Quảng Liên, Thiện Hòa, Huyền Dung, và một số đạo hữu có kiến thức Phật học và đạo tâm thành lập Hội Phật học Nam Việt.

Hội Phật học Nam Việt được thành lập ngày 19-9-1950 tại Sài Gòn, là đoàn thể nam nữ đạo hữu Phật học ở miền Nam Việt Nam tổ chức có hệ thống rõ ràng, có điều lệ nội quy được chính quyền lúc bấy giờ công nhận về mặt pháp lý để hoạt động và kết hợp bước đầu một số Phật tử cả xuất gia lẫn tại gia nam nữ.

Đến ngày mùng 6 tháng 5 năm 1951, một Đại hội Phật giáo toàn quốc được triệu tập tại Huế để thống nhất Phật giáo và thành lập một Hội lớn liên hiệp, gọi là Tổng hội Phật giáo Việt Nam gồm có 6 tập đoàn: Giáo hội Tăng già Bắc Việt, Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt (cư sĩ), Giáo hội Tăng già Trung Việt, Hội Việt Nam Phật học Trung Việt (cư sĩ), Giáo hội Tăng già Nam Việt và Hội Phật học Nam Việt (cư sĩ). Thực ra thì ở Nam Việt lúc bấy giờ khởi sự chỉ có một tổ chức Phật giáo là Hội Phật học Nam Việt công khai đại diện cho cả hai phái xuất gia và tại gia, nhưng vì Bắc Việt và Trung Việt đều có hai phái đoàn: một xuất gia và một tại gia, nên các vị Tăng sĩ ở Nam Việt phải tách ra thành lập Giáo hội Tăng già Nam Việt để tham gia Đại hội Phật giáo toàn quốc lúc đó, vì vậy Hội Phật học Nam Việt từ đó chỉ gồm có các Phật tử đạo hữu tại gia mà thôi.

Hội Phật học Nam Việt đã phát triển đều, trước ngày giải phóng đất nước, có hơn 40 Tỉnh hội và Chi hội, riêng hội sở Trung ương ở Sài Gòn có hơn 6.000 hội viên thực hành có ghi tên gia nhập, ngoài ra còn có một số công đức hội viên cùng một số đông cảm tình viên và thí chủ hết lòng tán trợ, ủng hộ, kể cả hơn 10.000 người.

Lúc đầu, Hội Phật học Nam Việt đặt trụ sở tạm tại một ngôi chùa mượn ở khu Hòa Hưng tên là chùa Khánh Hưng, sau dời về chùa Phước Hòa, khu Bàn Cờ cũng trên địa bàn Sài Gòn nhưng chùa vẫn còn xập xệ, mái lá.

Không biết phải vì biết tin hâm mộ di tích Phật của tín đồ Phật giáo Việt Nam hay không, mà năm 1953, Đại đức Narada, Tọa chủ chùa Vajirarama ở Sri Lanka sang thăm Việt Nam, phụng thỉnh theo 3 viên xá lợi của đức Phật và 3 cây bồ đề con trồng trong 3 lon sữa bò, định cúng cho 3 nơi: Phật giáo Nguyên thủy (Kỳ Viên tự), Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Campuchia (theo lời tuyên bố của Đại đức lúc đến phi trường Tân Sơn Nhất).

Được ủy nhiệm, đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền đứng đầu một phái đoàn hợp cùng phái đoàn của Ban cung nghinh do Phật giáo Nguyên thủy tổ chức, lên tận phi trường nghinh tiếp Đại đức và các bảo vật. Về đến chùa Kỳ Viên, Đại đức lặp lại lời tuyên bố ban đầu và nói thêm là sáng hôm sau, Đại đức sẽ trao cho đạo hữu Chánh Trí phần xá lợi và cây bồ đề dành cho Phật giáo Đại thừa.

Chẳng lẽ thờ phượng Xá lợi Đức Thế Tôn lại thờ trong ngôi chùa xập xệ, do đó đến năm 1956, Hội Phật học Nam Việt quyết định xây chùa mới tại một vị trí khác, để có nơi xứng đáng phụng thờ di bảo của Đức Thế Tôn và đủ chỗ cho thiện tín đến lễ bái.

Thế là anh em chúng tôi phải đi tìm đất cất chùa. Mấy tháng trời, khi chạy ngang qua góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Lê Văn Thạnh (nay là đường Sư Thiện Chiếu), thấy mảnh đất trống có mấy đứa trẻ đang đá bóng, chúng tôi mừng lắm liền liên hệ với chủ đất là Câu lạc bộ Đông Dương. Nhờ vào vị trí công chức của đạo hữu Chánh Trí trong Chính phủ Bửu Lộc và danh tiếng về đạo tâm của ông, Câu lạc bộ này chỉ nhượng mảnh đất với giá tượng trưng là 1 đồng bạc Việt Nam”.

Nguyễn Hậu: “Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một đời tận tụy phụng sự chánh pháp”

“Ngôi Phạm vũ Xá Lợi sau khi lạc thành đã gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo nước nhà. Các kỳ Đại hội của Tổng hội Pha765t giáo Việt Nam lần III (năm 1959) lần IV (năm 1962) nhất là Đại hội ngày 21/12/1963, đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Sau khi Đại hội Đại biểu tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 11/1981 đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn phòng II Hội đồng Trị sự Giáo hội đặt tại chùa Xá Lợi cho đến khi Văn phòng II dời đến Thiền viện Quảng Đức vào năm 1993.

Trong mùa Pháp nạn năm 1963, chùa Xá Lợi là nơi đặt văn phòng của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Tại đây, Ủy ban Liên Phái tổ chức các cuộc họp báo công bố 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo và tố cáo trước công luận quốc tế và trong nước ý đồ triệt hạ Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Một hình ảnh rất cảm động khi rước pháp thể của Bồ tát Thích Quảng Đức về quàn tại chùa Xá Lợi hai tuần trước khi làm Lễ Trà tỳ tại An dưỡng địa Bình Chánh, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền nằm lăn trên đất dưới Pháp thể của Bồ tát từ cổng chính tới cửa giảng đường (Ghi theo lời kể của HT Thích Đức Nghiệp trong khóa hội thảo về Bồ tát Thích Quảng Đức).

Trong Đạo, ngoài chức vụ Hội trưởng Phật học Nam Việt từ năm 1955 đến 1973 (năm Cư sĩ Chánh Trí quá vãng) Cư sĩ còn đảm nhiệm các chức vụ: Tổng Thư ký Tổng hội Phật giáo Việt Nam (từ năm 1955 đến 1958), Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1959 đến 1963, và có một thời gian làm Viện phó Viện Hóa Đạo Gíáo Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

Trên trường Phật giáo quốc tế, Cư sĩ đã đảm trách Phó Chủ tịch Hội Liên hữu Phật giáo Thế Giới trong kỳ Đại hội Phật giáo Thế Giới kỳ VI năm 1962 tổ chức tại Phnôm Pênh, Campuchia. Ngoài ra, Cư sĩ còn tham dự các hội nghị Văn hóa Phật giáo tại New Delhi Ấn Độ năm 1956, hội nghị Văn hóa Phật giáo tại Tokyo, Nhật Bản năm 1958, hội nghị Phật giáo Thế giới lần VII tại Bénarès, Ấn Độ năm 1964.

Trong những năm thập kỷ 1960, khi Cư sĩ được chính quyền cũ miền Nam mời giữ chức Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Cư sĩ đã đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Điển chế Văn tự, thiết lập Chi nhánh bảo tồn Cổ tích Huế, lập Ủy ban dịch thuật do chính Cư sĩ làm Chủ tịch. Thành tựu nổi bật trong vai trò Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, Cư sĩ đã tác động chính quyền thời đó chấp thuận xây cất Thư viện Quốc gia tại Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, ở đường Lý Tự Trọng). Thư viện này do Kiến trúc sư Phật tử Nguyễn Hữu Thiện chủ trì thiết kế, khởi công năm 1965 hoàn tất năm 1970, là một công trình kiến trúc hiện đại được xây dựng trên khoảnh đất rộng mà tại đây vào thời thực dân Pháp đã dùng để xây cất nhà khám lớn.

Để truyền bá giáo lý Phật đà và chuyển tải thông tin hoạt động Phật sự của Hội Phật học Nam Việt, Cư sĩ đã chủ trương tạp chí Từ Quang do bác làm chủ nhiệm; số báo đầu tiên phát hành vào năm 1951, đến ngày Cư sĩ mất, đã ra được 242 số, đến cuối năm 1974 thì tạp chí Từ Quang đình bản. Tờ Từ Quang hoạt động 23 năm là một tờ báo Phật giáo có nhiều độc giả và có tuổi thọ lâu nhất. Trong tạp chí, Cư sĩ có dành riêng cho Gia đình Phật tử để đăng các hoạt động gọi là “Trang Gia đình”.

Trên lĩnh vực trước tác biên soạn, Cư sĩ đã xuất bản các tác phẩm: Tâm và tánh; Lược sử Phật giáo Việt Nam; Ý nghĩa Niết Bàn; Một đời sống vị tha; Tâm kinh Việt giải; Pháp Hoa Huyền nghĩa; Địa Tạng Mật nghĩa. Ngoài ra, ngoài ra còn một số tác phẩm chưa xuất bản như: Truyền tâm Pháp yếu; Tây Du Ký; Hư Vân lão Hòa thượng; Kinh Vô lượng thọ; Kinh quán Vô lượng thọ; Mười lăm ngày ở Nhật; Vòng quanh Thế giới; Phật giáo; Đạo đời; Khảo cứu về Tịnh Độ tông; Mật Tông Kinh Lăng Nghiêm đang viết dở.

Ngày 15/4/1973, Cư sĩ Chánh Trí chủ trì Đại hội các tỉnh hội thuộc Hội Phật học Nam Việt trong không khí đầm ấm đạo vị; hơn một ngày sau lúc 8 giờ 15 ngày 17/4/1973, nhằm ngày rằm tháng 3 năm Quý Sửu Cư sĩ Chánh Trí thanh thản ra đi. Có một điểm trùng hợp lạ là 15 năm trước cũng vào ngày rằm tháng Ba năm Mậu Tuất (1958), Cư sĩ tổ chức khánh thành chùa Xá Lợi.

Cư sĩ Chánh Trí đã về với cõi Phật nhưng cuộc đời tận tụy phụng sự Chánh pháp và những cống hiến  của Cư sĩ thật đáng trân trọng và tồn tại mãi với Phật giáo nước nhà.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- https://thuvienhoasen.org/a13370/cu-si-chanh-tri-mai-tho-truyen-1905-1973-thich-nhat-hanh

- https://gdptthegioi.net/2017/04/tieu-su-cu-si-chanh-tri-mai-tho-truyen/

- http://chanhhanh.blogspot.com/2010/05/chanh-tri-mai-tho-truyen.html

- https://thuvienhoasen.org/a24903/y-nghia-niet-ban

- https://thuvienhoasen.org/a21598/bat-nha-tam-kinh-viet-giai

- https://giadinhphattu.vn/Tu-lieu/Cu-si-Chanh-Tri-Mai-Tho-Truyen-Cuoc-doi-tan-hien-287.html

- https://thuvienhoasen.org/a13370/cu-si-chanh-tri-mai-tho-truyen-1905-1973-thich- nhat-hanh

- http://chuaxaloi.vn/thong-tin/dao-huu-chanh-tri-va-hoi-phat-hoc-nam-viet/1379.html

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6130631