Học

PHPT2 K.V - Bài thứ 2: LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TRUNG-HOA

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 2

Sa môn THÍCH THIỆN HOA

KHÓA V: LỊCH SỬ TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO,

10 TÔN PHÁI VÀ VŨ TRỤ NHƠN SINH

Bài thứ 2: LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TRUNG-HOA

A. MỞ ÐỀ 

Như chúng ta đã biết qua trong bài học thứ nhất, cái gốc của đạo Phật ở Ấn Ðộ, trong khi trưởng thành đã chia thành hai thân cây lớn, một thân cây hướng về phía Nam, tức là Nam tôn Phật giáo, một thân cây hướng về phía Bắc, tức là Bắc phương Phật giáo. 

Nói đến Bắc phương Phật giáo, thì quốc độ lớn nhất và có một ảnh hưởng quyết định đến những nước chung quanh là Trung-Hoa. Vậy muốn biết lịch sử truyền bá Phật giáo ở Bắc phương hay Ðại-thừa Phật giáo, chúng ta không thể không nghiên cứu đến sự phát-triển, sự thăng trầm của đạo Phật Trung-Hoa, từ khi đạo Phật mới du nhập vào cái khối người đông đảo nhất thế giới này cho đến thời cận đại.  

Khi chúng ta đã nhận thấy được những đường nét chính của lịch sử Phật giáo Trung-Hoa, thì chúng ta cũng sẽ có được một vài khái niệm và màu sắc chính của đạo Phật ở Việt Nam trong quá khứ: 

B. CHÁNH ÐỀ 

I. THỜI KỲ SƠ KHỞI 

Theo các sách sử còn truyền lại, thì dân Trung-Hoa đã có nghe nói đến đạo Phật lâu lắm và rải rác trong dân chúng ở phía Tây, đã có người đã theo đạo Phật rồi. Nhưng mãi đến đời nhà Ðông Hán, niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười (T.L.67) vua Minh Ðế sai các ông Thái Hâm, Vương Tuân, cả thảy mười tám người qua nước Ðại Nhục Chi (một nước ở phiá Tây, trên đường từ Ấn Ðộ sang Trung Quốc) để rước Phật về thờ và có mời được hai vị sư là Ca-Diếp Ma Ðằng (Kersoapa Matanga) và Trúc Pháp Lan (Falan) qua Trung-Hoa. Vua Hán Minh Ðế truyền dựng chùa Bạch Mã để thờ Phật và cho hai Ngài ở đó dịch kinh truyền đạo. Hai Ngài đã dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương và mười sáu quyển kinh khác. Phật giáo được triều đình thừa nhận ở Trung Quốc, được xây chùa, dịch kinh là bắt đầu từ đó. Dần dần đạo Phật càng bành trướng và các nhà truyền đạo từ Tây-Vức lục tục kéo sang Trung Quốc, trong số đó có những bậc nổi tiếng nhất là Ngài An Thế Cao, Chi Lâu Ca Sấm, Chi Diệu, Trúc Phật Sóc. Số kinh chữ Phạn dịch ra chữ Hán trong thời kỳ sơ khởi này cũng đã lên đến con số ba trăm quyển. 

II. NHỮNG THỜI KỲ HƯNG THỊNH 

Trong khoảng thời gian dài hơn hai ngàn năm từ khi bắt đầu du nhập vào Trung-Hoa cho đến hiện đại, đạo Phật đã nhiều lần hưng thịnh và suy vong theo với các thời đại. Cứ kể một cách tỉ mỉ sự hưng thịnh và suy vong liên tiếp ấy, thì viết không biết bao nhiêu trang giấy mới xong, và độc giả cũng khó nhớ cho hết được. Vì thế để giúp trí nhớ cho quý vị, chúng tôi chỉ nêu lên những điểm chính, nổi bật nhất trong các lịch trình biến chuyển của Phật giáo Trung-Hoa. Trước tiên, chúng tôi phải nêu những thời kỳ hưng thịnh nhất, sau đó ghi những thời kỳ đen tối nhất, để quý vị có một khái niệm khá rõ rệt về lịch sử truyền bá Phật giáo Trung-Hoa. 

Về sự hưng thịnh, chúng ta có thể ghi nhận bốn thời kỳ chính sau đây: 

1. Thời kỳ thứ nhứt - Từ Tam Quốc đến Tây Tấn (thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ IV T.L).

Sau khi nhà Ðông Hán mất ngôi, nước Tàu bị chia làm ba khối, tức là đời Tam Quốc: Ngụy, Thục, Ngô. Mặc dù phân chia như thế, trong những nước ấy, từ vua chúa đến dân gian đều quy ngưỡng theo đạo Phật, và mỗi nước đều có những vị cao tăng từ Tây Vức sang truyền đạo: ở Ðông Ngô có Ngài Khương Tăng Hội; ở Bắc Ngụy có Ngài Ðàm Ma Ca La; ở Tây Thục có Ngài Châu Tử Hàng là một cao tăng Trung-Hoa, đã qua Tây Vức học chữ Phạn và tìm nguyên bản kinh chữ Phạn để dịch lại, hầu làm giàu thêm cho kho tàng kinh điển Trung-Hoa. 

Nhưng phải đợi đến đời Tây Tấn, Phật giáo Trung-Hoa mới thấy được cái vẻ rực rỡ của thời kỳ thịnh phát thứ nhất. Năm 310 Tây lịch, dưới đời nhà Tây Tấn, niên hiệu Vĩnh Gia, một vị cao tăng từ Tây Vức là Ngài Phật Ðồ Trừng sang thuyết pháp được nhân dân quy ngưỡng có hàng vạn người. Ngài đã đào tạo được một số đệ tử có tiếng tăm như các Ngài: Ðạo An Pháp Hòa, Trúc Pháp Hải.  

Sau đó ít lâu, Ngài Cưu-Ma-La-Thập tiếp nối sự nghiệp hoằng dương chính pháp của các bậc tiền bối và đã đưa đạo Phật Trung-Hoa đến một địa vị vô cùng rực rỡ. Chính trong giai đoạn thứ nhất nầy, Trung-Hoa bắt đầu có những tôn phái mới là Tam-luận-tôn và Thành-thật-tôn. 

2. Thời kỳ thứ hai - Dưới thời Nam Bắc triều (thế kỷ thứ V đến đến thế kỷ thứ VI).

Trong thời kỳ này nhiều vị cao tăng đã gây thêm uy thế cho đạo Phật cả trong dân gian lẫn cả triều đình, như Ngài Huệ Lâm được tham dự triều chính. Và có nhiều ngài đã du nhập những tôn phái từ ngoài vào, hay sáng lập thêm những tôn phái mới. Như ngài Bồ Đề Ðạt Ma đã từ Thiên Trúc sang truyền pháp Thiền tôn, và là vị tổ đầu tiên của phái nầy ở Trung-Hoa; Ngài Tam Tạng Chơn Ðế dịch truyền luận Ðại-Thừa Khởi Tín, Ngài Ðàm Vô Sấm dịch truyền Niết Bàn Tôn, Ngài Nam Nhạc đại sư lập Thiên Thai tôn. Ðó là giai đoạn hưng thịnh thứ hai của Phật giáo Trung-Hoa. 

3. Thời kỳ thứ ba - Dưới đời nhà Đường (thế kỷ thứ VII- IX)

Vào khoảng đầu thế kỷ thứ bảy, dưới đời vua Ðường Thái Tôn (ông vua thứ hai đời Đường), sau một thời gian bị phân tán vì giặc giã, đạo Phật ở Trung-Hoa bắt đầu thịnh phát lại. Vị cao tăng đã mở đầu cho giai đoạn hưng thịnh nầy là Ngài Huyền-Trang, thường được gọi là Ðường Tam-Tạng pháp sư. Nhận thấy kinh điển ở nước nhà hoặc bị thiêu hủy thất lạc vì giặc giã, hay bị sai lạc nguyên bản vì dịch sai hay chép lộn, Ngài Huyền-Trang tự phát đại nguyện sang Ấn Ðộ, tìm học đạo với những bậc minh-sư, và đi chu du khắp Ấn Ðộ. Sau 15 năm, Ngài trở về Trung-Hoa, đem theo rất nhiều kinh tạng bằng Phạn văn và tổ chức việc phiên dịch ra Hán văn có trên 1.500 quyển. Vua Ðường Thái Tôn rất quý trọng Ngài, truyền dựng chùa Ðại Từ Ân để Ngài dịch kinh truyền đạo(1). Chính Ngài Huyền-Trang và các đệ-tử của Ngài là những vị có công lớn trong việc làm sáng tỏ giáo lý Pháp-tướng tôn ở Trung-Hoa. 

Sau Ngài Huyền-Trang, có Ngài Nghĩa-Tịnh cũng sang du lịch Ấn Ðộ bằng đường biển và cũng thỉnh kinh đem về dịch được 60 bộ, tổng cộng được 230 quyển. 

Từ đó, dưới đời Ðường, trừ một vài vị vua, còn hầu hết các vị khác, vị nào cũng ủng hộ, sùng bái đạo Phật, và đạo Phật được thâm nhập một cách mạnh mẽ trong dân gian. Xét trong bốn thời kỳ hưng thịnh, thì thời kỳ này là thời kỳ hưng thịnh lừng lẫy nhất của Phật giáo Trung-Hoa. 

4. Thời kỳ thứ tư – Dưới đời nhà Minh.

Từ khi nhà Ðường mất thiên hạ, đến nhà Minh, trải qua mấy trăm năm nước Trung-Hoa tuần tự trải qua các đời: Ngũ Ðại (hậu Lương, hậu Ðường, hậu Tấn, hậu Hán, hậu Chu). Nhà Tống, rồi đến nhà Nguyên. 

Trong các đời vua nầy, chỉ có nhà Tống là có thiện chí chấn-hưng Phật giáo, sau một giai đoạn điêu tàn vì chiến tranh và sự phá hủy chùa chiền của vua Thế-Tôn nhà hậu Chu. Các vị vua nhà Tống đã sai sứ sang Tây-Vức thỉnh kinh cầu danh tăng, và sắc dịch kinh điển, nên đạo Phật dần dần cũng được hồi phục, tuy có kém hơn trước. 

Nhưng phải đợi đến đời vua Thái-Tổ nhà Minh (Chu Nguyên Chương) đạo Phật mới lấy lại được cái vẻ huy hoàng của những thời hưng thịnh trước. Minh Thái-Tổ, nguyên lúc nhỏ là một vị Sa-Di, nên khi lên ngôi, Ngài hết sức ủng hộ Phật giáo. 

Ngài quy định phép tắc cho tăng-lữ, đặt những ty Tăng-cang, Tăng-chánh, Tăng-hội để chưởng lý các tăng-lữ. Ngài lại triệu tập các vị cao tăng ở Trường-Sơn để kiểm duyệt kinh tạng. Các vị vua kế vị vua Minh Thái-Tôn, cũng tiếp tục trùng hưng Phật giáo, nhờ thế, đạo Phật ở Trung-Hoa lại thêm một lần nữa có sắc thái huy hoàng của thời xưa. Nhưng đó cũng là thời kỳ hưng thịnh cuối cùng vậy. 

Thật thế, từ khi nhà Minh mất ngôi, sang nhà Thanh, mặc dù các vua chúa cũng có ủng hộ Phật giáo, nhưng trong dân gian ít người hiểu thấu đạo lý của Phật, mà chỉ nghĩ đến cúng cấp, mê tín, dị đoan thôi. 

Phải đợi đến cuộc cách-mạng Tam-Dân chủ-nghĩa (1912), đạo Phật mới trỗi dậy bằng hình thức nghiên cứu Phật học và sự thành lập các hội Phật giáo khắp trong nước. Nhưng đây lại thuộc vào thời kỳ cận đại và hiện đại Phật giáo, mà chúng ta sẽ nghiên cứu trong một bài sau. 

III. NHỮNG THỜI KỲ SUY VONG  

Như chúng ta đã biết, cuộc đời đã là vô thường, thì không có một việc gì có thể thoát ra ngoài cái luật chung ấy được. Đạo Phật Trung-Hoa đã có thời cực thịnh, như chúng ta đã thấy ở trên, tất cũng phải có thời kỳ suy vong mà chúng ta sắp đề cập sau đây. 

Nhà viết sử Phật giáo Trung-Hoa, khi nói đến những thời kỳ suy vong của đạo Phật, thường tóm tắt trong một câu:"Tam Võ, nhất Tôn chi ách ". Câu này muốn nói cái thời vận đen tối của đạo Phật, nằm trong ba đời vua Võ (Thái Võ nhà hậu Ngụy, Võ Ðế nhà Bắc Chu, Võ Tôn nhà Ðường) và trong một đời vua Thế-Tôn nhà hậu Chu. 

Dưới đây, chúng ta tuần tự nói đến bốn thời kỳ đen tối ấy: 

1. Thời kỳ thứ nhứt - Dưới đời hậu Ngụy Thái-Võ-Ðế (439-450 T.L).

Giữa thời Nam Bắc triều (420-588) trong lúc đạo Phật đang thịnh hành, vua chúa đang sùng mộ, giới tăng sĩ mỗi ngày một đông, thì đến niên hiệu Thái-Bình Chơn-Quân thứ bảy (446 T.L) vua hậu Ngụy Thái-Võ-Ðế là một ông vua tàn bạo, nghe lời sàm tấu, tàn sát một cách ghê gớm các tăng lữ và phá hủy kinh tượng, chùa tháp trong nước. Nhưng vận mệnh của kẻ bạo tàn không thể lâu dài được, cho nên bốn năm sau khi thi hành thủ đoạn tàn ác trên, Thái-Võ-Ðế từ trần. Văn-Thành vương lên nối ngôi, nhận thấy việc làm tàn ác, vô lý và nguy hại trên, nên đã truyền phục hưng Phật giáo. Nhờ đó đạo Phật dần dần lấy lại thanh-thế cũ. 

2. Thời kỳ thứ hai - Dưới đời Bắc Chu Võ-Ðế (574 T.L).

Ðến đời Võ-Ðế nhà Bắc Chu, Phật giáo lại bị tai ách lần thứ hai. Vua ra sắc lịnh bãi bỏ Phật giáo, bắt các tăng-sĩ về làm dân, xung vào binh đội; chùa chiền bị biến thành phủ đệ cho các vương hầu ở, dân chúng bị ngăn cấm không cho thờ cúng Phật. 

Nhưng ít năm sau, Võ-Ðế mất, Tuyên-Đế nối ngôi, lại sắc chiếu phục hưng Phật giáo, truyền dịch kinh luận. Nhờ đó, đến đời Tùy, Phật giáo mới trở lại thạnh hành, vua quan đều quy-y Phật pháp. 

3. Thời kỳ thứ ba - Dưới đời Võ-Tôn nhà Ðường (840-847 T.L).

Tai ách thứ ba của Phật giáo Trung-Hoa xảy ra vào năm 845 T.L dưới đời Võ-Tôn nhà Ðường. 

Như chúng ta đã biết, đời Ðường là một giai đoạn cực thịnh của lịch sử Phật giáo Trung-Hoa, các vua chúa đời này đều sùng thượng đạo Phật. Nhưng đến đời Võ-Tôn là một ông vua sùng mộ Lão-giáo, nghe theo các đạo sĩ xúi giục, đã thẳng tay đàn áp đạo Phật cũng như các tôn giáo khác. Võ Tôn đã hạ sắc hủy 44.600 chùa Phật, bắt 265.000 tăng ni hoàn tục; những chuông khánh bằng đồng đều bị tịch thu để đúc tiền. 

Nhưng có lẽ các ông vua tàn ác không thể sống lâu, hai năm sau Võ-Ðế mất. Vua Tuyên-Tôn lên ngôi, lại hạ sắc tu bổ chùa chiền, chấn hưng Phật giáo. 

4. Thời kỳ thứ tư - Dưới thời Thế Tôn nhà hậu Chu (khoảng giữa thế kỷ thứ X).

Sau khi nhà Đường mất ngôi, nước Trung-Hoa làm mồi cho sự tranh giành xâu xé giữa các chư hầu, chiến tranh nổi dậy khắp nơi, đạo Phật cũng chịu nhiều ảnh hưởng tai hại lớn vì thời cuộc. Thêm vào đó, còn có sự phá phách của một ông vua nhà hậu Chu là vua Thế-Tôn. 

Thế-Tôn rất ghét Phật giáo, nên đã sắc chỉ phá hủy chùa chiền đến 30.336 ngôi, đem tượng đồng, chuông, khánh ra đúc tiền, các kinh tạng đều bị thiêu hủy hay thất lạc gần hết. Trước tình trạng đen tối ấy, đạo Phật Trung-Hoa tưởng đến mất tích. Nhưng không! Nhà Tống sau khi bình được thiên hạ, đã ra sức chấn hưng đạo Phật và sai sứ sang Tây-Vức thỉnh kinh và pháp sư về Trung-Hoa hoằng-dương chánh-pháp. 

IV. SÁU VỊ TỔ THIỀN TÔNG TRUNG-HOA  

Kể về các tôn phái Phật giáo ở Trung-Hoa, thì Thiền tôn là phát-triển mạnh mẽ và sâu rộng nhất. Ðiều đó cũng không lấy làm lạ, vì Thiền tôn rất thích hợp với phần đông căn cơ người Trung-Hoa và các vị tổ của Thiền-tôn là những vị thánh tăng rất được tín-đồ sùng mộ. Dưới đây chúng ta hãy biết qua về các vị Tổ ấy:

Vị Tổ Thiền-tôn truyền ở Trung-Hoa đầu tiên là đức Bồ-Ðề Ðạt-Ma. Sau khi Ngài được Tổ Bát-Nhã-Ða-La truyền tâm pháp và phú chúc. Ngài sang Trung-Hoa truyền hóa vào đời vua Lương Võ-Ðế (528 D.L). Ngài ngồi xây mặt vào tường tham thiền luôn trong chín năm, tại chùa Thiếu-Lâm. Ngài thị tịch tại chùa Thiên-Thánh ở vùng Võ-Môn, an táng tại chùa núi Hùng-Nhỉ bên cạnh chùa Ðịnh-Lâm. 

Trước khi thị tịch, Tổ Ðạt-Ma có nói bài kệ để phú-chúc cho Ngài Huệ-Khả, tức Thần-Quang (người đã chặt cánh tay để cầu pháp với Ngài Ðạt-Ma). Bài kệ ấy như sau: 

Hán văn:  

Ngô bổn lai tự độ  
Truyền pháp độ mê tình  
Nhứt hoa khai ngũ diệp  
Kết quả tự nhiên thành 

Dịch nghĩa: 

Ta đến xứ Trung Quốc   
Thuyết pháp cứu mê tình  
Một bông nảy năm cánh  
Kết quả tự nhiên thành

Ngài Huệ Khả kế thừa ngài Ðạt Ma, làm tổ thứ hai, ngài Tăng Xán là tổ thứ ba, ngài Đạo Tín là tổ thứ tư, ngài Hoằng Nhẫn là tổ thứ năm và ngài Huệ-Năng là tổ thứ sáu, tức là tổ cuối cùng của phái Thiền tôn ở Trung-Hoa. 

C. KẾT LUẬN 

Sau khi đọc lịch sử truyền bá Phật giáo ở Trung-Hoa, chúng ta có thể rút ra một vài nhận xét bổ ích sau đây: 

1. Đạo Phật là một tôn giáo ngoại lai, từ Ấn Ðộ truyền sang. Trong khi Phật giáo ở Ấn Ðộ mỗi ngày mỗi suy đồi, thì Phật giáo ở Trung-Hoa mỗi ngày mỗi thêm thanh thế và cuối cùng chinh phục được hầu hết cả một khối người đông đảo nhất trên thế giới. Vì sao? Có lẽ vì ở Ấn Ðộ, các nhà lãnh đạo truyền giáo đã không biết thích nghi với hoàn cảnh, với sự tiến triển của thế giới của thời thế, cứ giữ chặt nếp sống cũ, trong khi ấy thì ở Trung-Hoa, các nhà truyền giáo đã hiểu rõ căn cơ của quần chúng, biết thích nghi với hoàn cảnh và thời thế, luôn luôn phát huy những tôn phái mới để đáp ứng cho những nhu cầu tinh thần của từng lớp người. Do đó mà đạo Phật ở Trung-Hoa không bị một tôn giáo nào lấn lướt được.  

2. Cũng như ở Việt Nam, các triều đại ở Trung-Hoa khi mới lên ngôi, thì các ông vua khai quốc bao giờ cũng sùng mộ đạo Phật và khuyến khích sự truyền giáo, còn các ông vua cuối cùng, trái lại, thường hay hủy phá đạo Phật, trước khi mất ngôi. Những sự kiện ấy cho phép ta kết luận rằng: Các ông vua khai quốc phần nhiều những vị có đức hạnh và sáng suốt nhận thấy cần phải chấn hưng Phật giáo thì dân chúng mới được thuần lương và nước nhà mới thịnh trị. Trái lại, các ông vua cuối cùng phần nhiều là những hôn quân vô đạo, nên đã hủy phá Phật pháp. Vì thế, nước đã loạn lại càng loạn thêm và các ngai vàng của các ông cũng sụp đổ theo với đà sụp đổ của cả nước. 

3. Đạo Phật ở Trung-Hoa có lúc thịnh và lúc suy. Trong sự thịnh suy ấy, công và tội của các ông vua rất lớn, nhưng không phải là tất cả. Các ông vua chỉ là tăng thượng duyên, còn nguyên nhân chính, động cơ chính vẫn là giới tín đồ và nhất là giới lãnh đạo Phật giáo. Khi mà tín đồ có đạo hạnh và lòng tin tưởng mạnh mẽ, các nhà truyền giáo có nhãn quan sáng suốt, thì dù các ông vua có muốn phá đạo cũng chỉ phá được một phần nào thôi. Cũng như khi mà tín đồ thiếu đạo hạnh và lòng tin, các vị lãnh đạo thiếu tinh thần tiến thủ và sáng suốt, thì ông vua dù có muốn nâng đỡ đạo Phật, cũng chỉ nâng đỡ được một phần nào thôi. 

Cho nên, bao giờ cũng thế, sự xây dựng hay sự phá hoại, trước tiên đều do ở bên trong mà ra cả. 


 

(1) Ðộc giả muốn tìm hiểu rõ-ràng công cuộc Tây-du và phiên dịch kinh tạng của Ngài Huyền Trang xin hãy tìm đọc hai tập HUYỀN TRANG của tác giả Võ Ðình Cường do nhà Hương-Ðạo xuất bản. 

(Xem tiếp Bài thứ 3: LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6508212