Tin tức

BẢN LĨNH LÃNH ĐẠO HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT CỦA CỤ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

BẢN LĨNH LÃNH ĐẠO HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT

CỦA CỤ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

 

THÍCH NỮ CHÚC HÒA

 

Vào cuối thế kỷ XIX, đa số các quốc gia ở châu Á đều rơi vào hoàn cảnh bị chủ nghĩa thực dân xâm chiếm, nô dịch, mất đi chủ quyền và trở thành quốc gia nửa thuộc địa nửa phong kiến ở những mức độ khác nhau1. Chính sự thống trị đó đã tạo ra sự cọ xát giữa Phật giáo cùng các tôn giáo khác với triết thuyết phương Tây, khiến Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo châu Á phải chuyển mình mới có thể đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, nhằm phục hưng lại Phật giáo nước Việt thoát khỏi sự chèn ép và thống trị một cách vô lý của chủ nghĩa thực dân. Khi nói về phong trào phục hưng Phật giáo, có rất nhiều nhân vật lịch sử, tiêu biểu ở Ấn Độ có ngài A. Dharmapala và tiến sĩ B. R. Ambekar; Trung Quốc có Thái Hư Đại sư, Dương Nhân Sơn, Âu Dương Tiệm, Mai Quang Hy; còn ở Việt Nam có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (miền Trung), Chánh Trí Mai Thọ Truyền (miền Nam) là những nhân vật trụ cột với nhiều sự kiện diễn biến đáng ghi nhớ của lịch sử, đã có nhiều cống hiến trong việc chấn hưng Phật giáo nước nhà.

Cụ Chánh Trí hành nhiệm ở đâu cũng liêm khiết, chánh trực và đức độ, không xu nịnh cấp trên, không hà hiếp dân chúng, nên rất được quý mến2. Là một kiện tướng trong hàng cư sĩ, luôn nỗ lực hoàn thành tốt các công việc Phật sự được giao phó, cụ đã lãnh đạo Hội Phật học Nam Việt và hưởng ứng tích cực phong trào chấn hưng Phật giáo, có nhiều đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc thời bấy giờ.

Tiểu sử cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Cư sĩ Mai Thọ Truyền (1905-1973) sinh ngày 01-04-1905, tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ, cụ được theo học tại trường Sơ học Pháp – Việt Bến Tre, trường Trung Học Mỹ Tho, Chasseloup Laubat Saigon. Năm 1924, Cụ thi đậu Thư ký hành chánh, được cử đi làm việc tại Sài Gòn và Hà Tiên. Năm 1931, Cụ thi đậu Tri huyện và đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Sau năm 1945, sau cuộc đảo chính Nhật, Cụ đang làm Quận trưởng Cầu Ngang, được mời về giữ chức Phó Tỉnh trưởng Trà Vinh. Kể từ đó, Cụ đã thuyên chuyển các chức vụ đó đây ở các tỉnh từ Trà Vinh, Long Xuyên, Đồng Tháp (Sa Đéc) cho đến Sài Gòn.

Trong những năm làm việc ở sáu tỉnh miền Tây, Cụ đã để tâm nghiên cứu về Phật giáo, Nho giáo và các tư tưởng tôn giáo cũng như các triết lý khác. Đến đâu Cụ cũng tham vấn các vị danh nho nổi tiếng để thử tài học vấn và biện bác, nhưng chưa vị nào giúp Cụ thỏa nguyện. Đến khi làm việc ở Sa Đéc (Đồng Tháp), Cụ đã đến tham vấn với Hòa thượng Hành Trụ (thế danh Lê Phước Bình), là giảng sư tại chùa Long An. Cảm phục trước đức hạnh và trí huệ của Hòa thượng, cụ đã phát tâm quy y Tam bảo với Ngài, và được Hòa thượng đặt cho pháp danh là Chánh Trí. Từ đó, Cụ ăn chay trường, dốc lòng dấn thân phụng sự các công tác Phật sự không hề biết mỏi mệt3. Suốt quãng đời còn lại, Cụ đã cống hiến phụng sự đạo pháp hết mình. Lần họp cuối cùng với đại biểu các tỉnh của Hội Phật học Nam Việt tại chùa Phật học Xá Lợi vào ngày 15-04-1973, cụ Chánh Trí đã giã từ cõi trần rất nhẹ nhàng, thanh thản vào lúc 08 giờ 15 phút, sáng ngày 17-04-1973 (nhằm ngày rằm tháng ba năm Quý Sửu), hưởng thọ 69 tuổi.

Các tác phẩm Phật học của cụ Chánh Trí đã có nhiều đóng góp vào nền văn học Phật giáo Việt Nam như: Tâm và tánh, Ý nghĩa Niết Bàn, Một đời sống vị tha, Tâm kinh Việt giải, Phật giáo sử Đông Nam Á, Phật học dị giải, Phật thuyết quán vô lượng thọ kinh, Phật giáo Việt Nam, Phật thuyết vô lượng thọ kinh, Khảo cứu về Mật tông, Hải ngoại ký sự, Địa Tạng mật nghĩa, Khảo cứu về Tịnh độ tông, Triết học tôn giáo Ấn Độ, Trình tự của cư sĩ học Phật, Truyền tâm pháp yếu, Mười lăm ngày ở Nhật, Hư Vân lão Hòa thượng,…. và Kinh Lăng Nghiêm là tác phẩm đang còn dở dang trong sự nghiệp nghiên cứu giáo điển đạo Phật của Cụ.

Bản lĩnh lãnh đạo Hội Phật học Nam Việt

Năm 1950, tại Sài Gòn, cụ Chánh Trí đã cùng với bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe khởi xướng thành lập Hội Phật học Nam Việt, với sự cộng tác đắc lực của các danh tăng thời bấy giờ như Pháp sư Quảng Minh, Hòa thượng Quảng Liên, Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Huyền Dung, và sự hỗ trợ của một số đạo hữu có kiến thức Phật học và đạo tâm khác. Hội ra đời vào ngày 25-02-1951, đặt trụ sở tạm tại chùa Khánh Hưng (số 390/8, đường Cách Mạng Tháng Tám). Sau đó, hội dời về chùa Phước Hòa (số 491/14/5, đường Nguyễn Đình Chiểu, khu Bàn Cờ)4.

Hội Phật học Nam Việt ra đời với hệ thống tổ chức rõ ràng, có điều lệ nội quy,  được chính quyền lúc bấy giờ công nhận về mặt pháp lý để hoạt động. Hội hoạt động với phương châm tạo sự đoàn kết tu học giữa giới xuất gia với hàng Phật tử tại gia, dùng mọi phương tiện để truyền bá và thực hành Phật pháp, bằng con đường giáo lý hoặc công tác từ thiện5. Vị Hội trưởng đầu tiên là bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, khi đó Cụ giữ chức vụ tổng thư ký của Hội. Hai năm sau, Thiền sư Quảng Minh được bầu làm Hội trưởng của Hội. Năm 1955, cụ Chánh Trí giữ chức vụ Hội trưởng và đảm trách vai trò này đến khi mất (năm 1973)6.

Cụ Chánh Trí đã cùng Hội lập ra tiểu ban công tác từ thiện giúp đỡ các sản phụ và cô nhi tại các bệnh viện, phát chẩn giúp đồng bào nghèo khó, trợ giúp các nạn nhân chiến tranh hoặc hỏa hoạn, lũ lụt. Bên cạnh đó, Hội còn thiết lập một số tiểu ban khác như: ban tương trợ các hội viên khi hữu sự, ban học bổng giúp các học sinh con em hội viên thiếu tài chánh, ban hộ niệm tới tận nhà hội viên quá cố để cầu siêu, ban Dược Sư mỗi tháng hai lần tụng kinh Dược sư cầu cho quốc thái dân an,…

Năm 1952, nhân lúc phái đoàn Phật giáo Tích Lan (Sri-Lanka) đi dự phiên họp lần thứ II của Hội Phật giáo thế giới (World Fellowship of Buddhists) tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản), có phụng thỉnh theo một viên ngọc xá lợi để tặng Phật giáo Phù Tang. Phái đoàn đáp tàu La Marseillaire ghé bến Sài Gòn 24 tiếng. Tiến sĩ Malalasekeka, Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới, liền đánh điện cho Hội Phật học Nam Việt tổ chức cung nghinh xá lợi lên bờ cho công chúng chiêm bái trong khoảng thời gian tàu ghé lại Sài Gòn. Được sự ủy nhiệm của Thượng tọa Tố Liên, đại diện của Hội Phật giáo Thế giới tại Việt Nam và các tập đoàn trong Tổng hội Phật giáo Việt Nam ủy nhiệm, Hội Phật học Nam Việt đứng ra tổ chức một Ủy ban Liên phái gồm 11 đoàn thể để cung nghinh xá lợi, số lượng tham dự lên đến nửa triệu người (phỏng ước của giới báo chí)7. Xá lợi được cung nghinh trên một kiệu hoa kết hình bạch tượng từ bến Nhà Rồng của hãng Messageries Martimes về "nhà kiếng" (nay là trụ sở Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam) được trang trí làm nơi thờ tạm để lấy chỗ rộng rãi cho công chúng chiêm bái. Từ 11 giờ trưa đến 03 giờ sáng hôm sau, thiện nam tín nữ nối gót nhau đến dâng hương đảnh lễ không lúc nào dứt. Đến 05 giờ sáng, 11 tập đoàn họp trở lại để phụng thỉnh xá lợi xuống tàu đi đến Nhật Bản. Cụ đã dẫn dắt Hội Phật học Nam Việt hoàn thành công tác được giao phó trong việc cung rước ngọc Xá Lợi tại Sài Gòn vào ngày 13-9-1952, tạo được tiếng vang khắp toàn quốc. Cũng chính sự kiện này khiến cho nhà cầm quyền Việt – Pháp thời bấy giờ phải kinh ngạc trước tiềm lực tinh thần của Phật giáo Việt Nam.

Nhận thấy được sự tha thiết của Phật giáo đồ Việt Nam, vào năm 1953, Đại đức Narada Mahathera (tọa chủ chùa Vajirarama, Tích Lan) sang Việt Nam, đã phụng thỉnh theo ba viên xá lợi và ba cây Bồ đề con, để dâng cúng cho Phật giáo Nguyên Thủy (chùa Kỳ Viên), Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Cao Miên. Được sự ủy nhiệm, cụ Chánh Trí đã lãnh đạo một phái đoàn và cùng với phái đoàn cung nghinh của Phật giáo Nguyên thủy, tổ chức tiếp đón phái đoàn của Đại đức Narada ở sân bay Tân Sơn Nhất. Khi về đến chùa Kỳ Viên, Đại đức Narada lặp lại lời tuyên bố ban đầu, dâng cúng một phần cho chùa Kỳ Viên và dự định vào sáng hôm sau sẽ trao cho cụ Chánh Trí phần xá lợi và cây bồ đề dành cho Phật giáo Bắc tông. Nhưng bỗng ngay đêm hôm đó, xảy ra tranh chấp về việc đoàn thể Phật giáo nào đủ tư cách đại diện cho Phật giáo Bắc tông Việt Nam được phụng thờ ngọc xá lợi. Cụ Chánh Trí đã nhanh trí lên tiếng bênh vực tư thế của Tổng hội Phật giáo Việt Nam – tập đoàn  lớn nhất thời bấy giờ, gồm những Tăng già và cư sĩ đại diện cho ba miền đất nước. Vì chưa nắm rõ tình hình Phật giáo Việt Nam và cũng tránh đi sự dị nghị, nên Đại đức đã thảo luận với cụ Chánh Trí rồi quyết định trao quyền này cho Hoàng thái hậu Đoan Huy (đức Từ Cung, thân mẫu cựu hoàng Bảo Đại - lúc đó đang làm quốc trưởng chính quyền vùng Pháp tái chiếm)8 xét thấy đoàn thể Phật giáo nào đáng phụng thờ di tích đức Phật thì dâng cúng. Khoảng hai năm sau, bà Từ Cung Đoan Huy quyết định giao cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam trách nhiệm phụng thờ ngọc xá lợi. Tổng hội xét công lao của Hội Phật học Nam Việt đã có nhiều đóng góp đáng kể, nên Tổng hội Phật giáo Việt Nam ủy nhiệm cho Hội Phật học Nam Việt nhiệm vụ thờ phụng ngọc xá lợi.

Cũng trong năm 1953, Hội đã thành lập Ban hướng dẫn con em Phật tử gọi là Gia đình Phật tử. Ban đầu lấy tên Gia đình Chánh Tâm, Chánh Tín, sau đó có sự chỉnh đốn của đạo hữu Tống Hồ Cầm (Trưởng ban hướng dẫn Trung ương) đổi tên chính thức là Gia đình Chánh Đạo, tập hợp những thanh thiếu niên nam nữ vào trong một tổ chức tuổi trẻ chuyên học giáo lý nhà Phật, tu tập lễ bái theo nghi thức tụng niệm riêng bằng chữ Việt, có chương trình sinh hoạt vận động thể lực, thi đua tài trí, vui chơi ca nhạc. Mỗi chủ nhật, các em đến chùa lễ Phật, học tập, có các huynh trưởng giáo hóa rồi cùng nhau vui đùa trong khung cảnh thân thương hòa thuận của anh em đồng đạo. Mục đích của Gia đình Phật tử Chánh Đạo tại Trung Ương cũng như tại các Tỉnh hội, Chi hội Phật học là tạo tình đoàn kết giữa các thanh niên thiếu nữ, khuyến khích các em phát triển trí thức và thể lực, hướng dẫn các em học hỏi và tuân theo chánh pháp để trở thành những Phật tử thuần thành, chân chính, và những công dân tốt trong xã hội9.

Nhận thấy trụ sở của Hội ở chùa Phước Hòa cũ kỹ và chật hẹp, với cương vị Hội trưởng, vào năm 1955, cụ Chánh Trí cùng Ban Quản Trị đã quyết định xây dựng ngôi Tam bảo khang trang để phụng thờ di bảo Đức Thế Tôn, đặt văn phòng Trung ương của Hội và tạo điều kiện cho hàng Phật tử đến tu học. Đích thân Cụ đi xin giấy phép xây dựng, tổ chức lạc quyên tạo nguồn kinh phí xây dựng. Được câu lạc bộ Đông Dương nhượng lại với giá một đồng bạc Việt Nam, trên một khuôn viên rộng 2.500 m2,  tọa lạc góc đường Lê Văn Thạnh (nay là đường Sư Thiện Chiếu) và đường Bà Huyện Thanh Quan. Hội khởi công xây dựng vào ngày 05-08-1956. Theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, kinh phí tốn hơn năm triệu đồng, hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hồ Tố Thuận đã đảm trách điều khiển xây dựng. Đại lễ khánh thành được tổ chức vào các ngày 02, 03, 04 - 05 - 195810. Sau khi thỉnh ý của Hòa thượng Khánh Anh đặt tên hiệu cho chùa, Hòa thượng dạy rằng: ''…Công chúng đã gọi là chùa Xá Lợi thì lấy tên ấy cho hợp lòng người''. Đó là duyên cớ có tên là chùa Xá Lợi11. Hội đã cung thỉnh một Ban chứng minh Đạo sư (chư tôn đức tăng già tiêu biểu cho tinh thần tu hành và uyên thâm về giáo lý của đạo Phật) chỉ đạo về tinh thần đạo pháp cho Ban Quản trị và chủ trì các đại lễ.

Với tài xoay sở và óc sáng tạo, Cụ đã ra sức vận động và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Phật học Xá Lợi - một ngôi phạm vũ huy hoàng tráng lệ nhất, tiêu biểu cho nét văn hóa mới của Đông Tây hòa quyện, làm trụ sở cho Hội Phật học Nam Việt. Sau đó, Hội chuyển về chùa Phật học Xá Lợi, Cụ làm Tổng thư ký của hội từ khi mới thành lập. Về sau, Cụ giữ chức Hội trưởng từ năm 1955 cho đến khi mất (1973).

Hội đã lập ra phòng phát thuốc miễn phí, có bác sĩ hội viên khám bệnh, cho toa, chích thuốc, mỗi ngày giúp được gần cả trăm bệnh nhân, do tiểu ban Y tế đã quyên được một lượng Âu dược quan trọng để cấp phát cho đồng bào đau yếu. Ngoài ra, cụ Chánh Trí đại diện cho Hội mở các lớp Phật học phổ thông, thỉnh mời chư Thượng tọa: Thiện Hòa, Trí Hữu, Thiện Hoa, Quảng Minh làm giáo thọ sư diễn giảng. Các buổi diễn giảng Phật pháp đó được nhiều Phật tử hoan nghênh và ghi tên gia nhập vào Hội rất đông. Bằng kiến thức học hỏi và hiểu biết, Cụ cũng tham gia soạn thảo và giảng dạy một số tiết cho học viên. Mỗi tuần, tại chùa Xá Lợi, Cụ thỉnh mời các vị cao tăng Đại đức trong và ngoài nước đến thuyết pháp, và đôi khi chính Cụ cũng là giảng sư. Để làm tròn nhiệm vụ của giới tại gia cư sĩ đối với hàng xuất gia, Hội đã lập ra một tiểu ban Hộ pháp, cúng dường chư tăng trong Ban hoằng pháp, góp một phần về vật chất giúp chư tăng chuyên tâm tu hành, đào tạo tăng tài, dịch sách, in kinh12.

Để truyền bá giáo lý Phật đà và chuyển tải các thông tin Phật sự của Hội Phật học Nam Việt, Cụ đã vận động thành lập và xuất bản tạp chí Từ Quang do chính Cụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Với trình độ thâm hiểu nghĩa lý sâu xa của kinh điển, bút pháp hành văn nhẹ nhàng, bóng bẩy, Cụ đã có nhiều bài viết trên tạp chí Từ Quang, được các độc giả hoan nghênh và tạo cơ duyên cho nhiều người đến với đạo Phật13. Kể từ khi phát hành tờ báo đầu tiên năm 1951, trải qua suốt gần 24 năm liên tục đã xuất bản được 242 số, có nhiều đóng góp không nhỏ trong việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Sự kiện toàn trong kế hoạch tổ chức và tinh thần làm việc nhóm, Cụ đã được chư tăng bên Giáo hội Tăng Già Nam Việt hưởng ứng nhiệt huyết trong phương diện biên tập tạp chí. Tạp chí Từ Quang là tiếng nói chính thức của Hội Phật học Nam Việt hoạt động liên tục từ năm 1951 đến 197414. Sau khi hoàn thành trọn bộ Chánh Trí toàn tập, đến năm 2012, Thượng tọa Thích Đồng Bổn cùng các cư sĩ thành viên Ban Phật học Xá Lợi nỗ lực ra mắt tủ sách Phật học Từ Quang tập 1 vào tháng 06 năm 2012. Cứ mỗi quý phát hành một tập, tính đến cuối năm 2018, tủ sách Phật học Từ Quang đã phát hành được 26 tập.

Ngày 16-05-1963, các vị lãnh đạo Phật giáo họp các đoàn thể Phật giáo toàn quốc, công bố bản tuyên ngôn năm nguyện vọng Phật giáo đồ và các bản phụ đính, phụ trương; đồng thời tố cáo trước dư luận những vụ đàn áp, giam cầm và giết chóc mà Phật giáo phải chịu đựng trong nhiều năm qua dưới chế độ Ngô Đình Diệm; qua đó thành lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Cụ Chánh Trí và Hội Phật Học Nam Việt đã đồng ý để Ủy ban đặt trụ sở Trung ương tại chùa Phật học Xá Lợi. Với cương vị là Tổng thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, Cụ đã yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi quyền bình đẳng tôn giáo theo Thông cáo chung. Để thức tỉnh Ngô Đình Diệm và tập đoàn của ông đang đắm chìm trong vô minh, sớm thỏa mãn năm nguyện vọng của Phật giáo đồ, đồng thời để cho thế giới nhận thấy cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng của Phật tử Việt Nam là chính đáng, Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897 – 1963) đã quyết định thực hiện tâm nguyện của mình thiêu đốt nhục thân để cúng dường chư Phật và bảo vệ đạo pháp15. Toàn dân đều cảm động trước sự hy sinh cao cả của Hòa thượng Quảng Đức, nhưng chính phủ Ngô Đình Diệm không chịu nghe theo lẽ phải mà còn phản ứng mạnh mẽ. Từ đó, chùa Phật học Xá Lợi chính là nơi diễn ra cuộc xô xát đẫm máu giữa Tăng ni, Phật tử với quân đội và cảnh sát của Ngô Đình Diệm, khuôn mặt tu hành thanh tịnh của của ngôi chùa lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ bị che khuất bởi những biểu ngữ chống đối nhà cầm quyền, tiếng tụng kinh xen lẫn tiếng máy phóng thanh kêu gọi Tăng ni, Phật tử đoàn kết vì đạo pháp giành thắng lợi,… Các giới đồng bào kéo đến rất đông, lễ bái tụng niệm thì ít, ủng hộ tranh đấu thì nhiều, không sợ hãi sự đe dọa của chính quyền độc tài gian ác, chư tăng ở khắp nơi trong nước đều tập hợp về chùa Phật học Xá Lợi để tuân theo sự chỉ thị của Ủy ban Liên phái. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có cuộc liên kết Phật giáo đồ, không phân biệt Bắc tông hay Nam tông, tăng già hay cư sĩ, Việt Nam, người Hoa hay Khmer; không phân biệt nam nữ già trẻ,… tất cả đều đồng một lòng đoàn kết ủng hộ Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo16. Khi chính quyền cho quân đội và cảnh sát đánh phá, phong tỏa chùa Xá Lợi, bắt bớ cầm tù Tăng ni và Phật tử, Cụ cũng chịu chung số phận với tăng chúng và Phật tử tại chùa Phật học Xá Lợi. Năm 1964, Cụ được bầu làm Phó viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Nhưng vì bất đồng ý kiến về hệ thống tổ chức của Giáo hội, chỉ sau đó một tháng, Cụ xin rút lui về cương vị Hội trưởng hội Phật Học Nam Việt.

Hội Phật học Nam Việt luôn luôn giữ tình giao hảo tốt đẹp với các tôn giáo khác, ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Cụ Chánh Trí đã từng tham dự Hội nghị Văn hóa Phật giáo tại New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 11 năm 1956; Hội nghị Văn hóa Tokyo (Nhật Bản) vào năm 1958; Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ VI tại Phnom Penh (Campuchia) vào năm 1962 và được bầu làm Phó Chủ tịch; Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ VII tại Bénares (Ấn Độ) năm 1964 và đã đi Hoa Kỳ với tư cách là khách danh dự vào năm 1962. Nhờ những cuộc du hành hữu ích của cụ Chánh Trí mà tên tuổi của Hội Phật học Nam Việt và chùa Phật học Xá Lợi được nhiều người trên thế giới biết đến và trọng thị17.

Để tưởng nhớ công lao của đạo hữu cố Hội trưởng, Hội Phật học Nam Việt quyết định treo biển mới, đặt tên là Giảng đường Chánh Trí và bức hoành phi được đưa vào treo ở trai đường năm 1974. Chính nhờ công lao và nghệ thuật lãnh đạo Hội Phật học Nam Việt của cụ Chánh Trí mà Hội trở thành một tổ chức Phật giáo có uy tín - một trong sáu tập đoàn Phật giáo đứng tên thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1952, một trong mười một đoàn thể đứng ra thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất năm 196418,…

Kể từ khi cụ Chánh Trí mất, hàng năm, chùa Phật học Xá Lợi đều tổ chức lễ húy kỵ Cụ với tinh thần tri ân "uống nước nhớ nguồn" vào ngày rằm tháng ba, cũng chính là ngày khánh thành chùa Phật học Xá Lợi khi mới thành lập. Hòa trong nguyện vọng của biết bao Phật tử tu học, chư tăng và Ban Phật học Xá Lợi đã tôn trí tượng cụ Chánh Trí ngay trong khuôn viên Chùa Phật học Xá Lợi vào năm 2018, để tỏ lòng tri ân cũng như nhắc nhở đàn hậu học noi gương tiếp bước theo hạnh nguyện dấn thân phụng sự của cố đạo hữu.

Tóm lại, từ khi dấn thân quy y Tam bảo chốn thiền môn, nhờ có bản lĩnh lãnh đạo, cụ Chánh Trí đã cống hiến hết mình trong việc phụng sự Phật pháp, qua một số sự kiện nổi bật như: khởi xướng thành lập Hội Phật học Nam Việt, cung thỉnh ngọc xá lợi, xây dựng ngôi chùa Phật học Xá Lợi, mở lớp học giáo lý cho giới xuất gia lẫn tại gia, cung thỉnh chư tôn đức (Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa,…) về giảng dạy, các chuyến công tác ngoại quốc, thành lập tạp chí Phật học Từ Quang. Ngoài ra, Cụ còn tổ chức thành lập các tiểu ban từ thiện hỗ trợ cho người nghèo, cũng như quan tâm đến việc tu học của Phật tử tại gia. Là một cư sĩ mẫu mực uyên thâm giáo lý, tận tâm với đạo, dù đang ở địa vị cao của quan trường, nhưng Cụ luôn là một thuyền trưởng tài ba dẫn dắt đoàn thuyền (Hội Phật học Nam Việt, các Tỉnh hội, Chi hội) vượt qua muôn trùng sóng gió, như một kiện tướng xuất sắc xông pha nơi trận mạc qua hình ảnh hòa mình cùng với Tăng ni Phật tử đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm trong pháp nạn 1963. Cụ Chánh Trí vẫn mãi là ngôi sao tỏa sáng rạng ngời trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam nói chung và mái chùa Phật học Xá Lợi nói riêng. Việc Tu – Học – Hành – Nguyện của cụ Chánh Trí đã góp phần to lớn trong sự nghiệp truyền bá tri thức Phật học, nhất là phát triển hệ thống Phật học cư sĩ, thắp sáng niềm tin phụng sự đạo pháp và dân tộc cho thế hệ mai sau.

 


1. Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954), Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 11.

2. Xem Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX của tác giả Thích Đồng Bổn (1996), do Thành hội Phật giáo Tp. HCM ấn hành, tr. 961.

3. Sđd, Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tr. 964.

4. Nguyễn Quảng Tuân – Huỳnh Lứa – Trần Hồng Liên (1993), Những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Tp. HCM, tr. 119.

5. Xem Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn (Tp. Hồ Chí Minh) của nhiều tác giả (2002), Nxb. Tp. HCM, tr. 197.

6. Xem Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống của Thích Đồng Bổn (2003), trang 38, các đời Hội trưởng như sau: pháp sư Quảng Minh (1950-1954), bác sĩ Nguyễn Văn Thọ (1954-1955), cư sĩ Mai Thọ Truyền (1955- 1973), bác sĩ Cao Văn Trí (1973-1979), cư sĩ Nguyễn Văn Hoanh (1979-1996).

7. Thích Đồng Bổn (2003), Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, Nxb. Tôn giáo, HN, tr. 6-7.

8. Sđd, Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, tr. 10.

9. Sđd, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), tr. 199.

10. Như Quỳnh - Như Hoa (2017), Cẩm nang hướng dẫn du lịch Việt Nam, Nxb. Thế giới, HN, tr. 180.

11. Sđd, Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, tr. 14-15.

12. Sđd, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn, tr. 198.

13. Sđd, Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tr. 965.

14. Sđd, Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, tr. 24.

15. Lê Mạnh Thát (2006), Bồ tát Quảng Đức – Ngọn lửa và trái tim, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, tr. 24.

16. Sđd, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn, tr. 207.

17. http://chuaxaloi.vn/thong-tin/dao-huu-chanh-tri-va-hoi-phat-hoc-nam-viet/1379.html

18. Sđd, Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, tr. 23.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhiều tác giả (2002), Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn (Tp. Hồ Chí Minh), Nxb. Tp. HCM.

2. Thích Đồng Bổn (1996), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thành hội Phật giáo Tp. HCM ấn hành.

3. Thích Đồng Bổn (2003), Lịch sử chùa Xá Lợi – văn hóa và truyền thống, Nxb. Tôn giáo, HN.

4. Như Quỳnh – Như Hoa (2017), Cẩm nang hướng dẫn du lịch Việt Nam, Nxb. Thế giới, HN.

5. Lê Mạnh Thát (2006), Bồ tát Quảng Đức – Ngọn lửa và trái tim, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM.

6. Nguyễn Quảng Tuân – Huỳnh Lứa – Trần Hồng Liên (1993), Những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Tp. HCM.

7. http://chuaxaloi.vn

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 36
    • Số lượt truy cập : 6114210